Chú ngồi một mình trong quán nước. Chung quanh, chẳng đèn xanh, đèn đỏ. Chẳng âm thanh vui nhộn trống, đàn. Quán vắng. Chú ngồi thu lu ở góc trong cùng. Không đội mũ. Không gắn râu. Không mặt quần áo thùng thình theo kiểu Sác- lô. Cạnh chú, trên bàn có chiếc túi xách như hành trang của một người đang chuẩn bị chuyến đi xa. Thế mà, vừa thoáng qua, trong bọn chúng tôi có đứa đã nhận ra chú ngay. Một đứa rủ rê:
-Vào xem. Hỏi thử chú hề tối nay sẽ biểu diễn tiết mục nào mới không?
Thấy chúng tôi vào, chú hề trợn mắt, ngửa đầu, duỗi chân tay cứng đờ trông ngộ nghĩnh như người nộm. Thường vui, gặp trẻ con, bất cứ lúc nào chú cũng có những trò đùa làm mọi đứa đều thích thú. Nhiều đứa hay sờ nắn cả người chú, cứ tưởng chân chú có lò xo. Dù chú chỉ là chú hề nghiệp dư. Nghĩa là một chú hề thỉnh thoảng xuất hiện góp vui trong những chương trình văn nghệ của huyện, xã vào dịp tết nhứt, lễ hội. Từ mấy năm nay, ai nấy đều quên bẵng tên thật của chú. Người ta gọi chú thật trìu mến: Chú hề làng!
Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, bọn chúng tôi đã nôn nóng tìm chú, gọi vang:
-Chú hề ơi, sao chưa diễn văn nghệ cho rồi? Năm nay dựng sân khấu ở đâu? Sẽ có bao nhiêu gian hàng giải trí hở chú?
Chú làm một công việc gì đó ở trong xã, nhưng chúng tôi cứ nghĩ, chú có đủ mọi quyền hành xắp xếp các trò vui chơi giải trí.
Tết đến "Hội mùa xuân" được dựng trên sân bãi mọi khi đá bóng. Có đến bốn, năm gian hàng bày ra những cuộc chơi ăn thua ly kỳ, hấp dẫn. Đêm đầu, chú hề biểu diễn trong chương trình văn nghệ ở bục giữa. Rõ ràng, từ lúc chú hề bắt đầu rời cánh gà xuất hiện trong lớp "chú hề" trước mắt công chúng thì cả làng quê mới thấu rõ trọn vẹn ý nghĩa mùa xuân. Chú nói, mọi người cười nắc nẻ. Chú không nói, chỉ nhếch râu trợn mắt hoặt đi giật lùi, mọi người cũng cười té lăn cù. Những đêm sau, chú chạy lưu động, quảng cáo hộ cho từng gian hàng một. Cứ mỗi lần chú về gian hàng nào thì hầu như khán giả tập trung về gian đó. Có chú mọi người thêm yêu quý đợi chờ mùa xuân. Có tình cảm mọi người, chú càng say sưa với công việc của một "chú hề làng".
***
Sau pha biểu diễn "xã giao" với chúng tôi, bất ngờ, chú hề trả lời:
-Ưa xem, chú sẽ biểu diễn chừ, còn tối nay chú nghỉ.
Cả bọn chúng tôi hụt hẫng, chộn rộn.
-Không phải, đó là mình chú nghỉ. Còn "Hội mùa xuân" vẫn tiếp tục đến cuối tuần.
-Chú nghỉ, ai còn ra đó làm chi nữa!
-Đừng nói bậy, không có chú cũng vui thôi.
-Nhưng vì sao chú nghỉ?
-Tại...
Chú hề ngần ngừ như có điều gì khó nói, rồi tảng lờ chuyển thành câu hát: "Tại trời xui khiến nên chúng mình xa nhau..." Giọng hát của chú cất lên lại càng làm chúng tôi mê mẩn, quên mọi thắc mắc. Với chú, bài hát nào cũng có thể xen vào được những tên người, tên vật quen thuộc ở miền quê. Cuối phần gặp gỡ, chú làm xiếc với chủ quán như thế nào đó mà trong tay có đủ cho chúng tôi mỗi đứa mỗi chiếc kẹo. Chú xoa tóc chúng tôi, dặn dò, sau này nếu gặp lại chú càng vui, nếu không gặp cũng đừng để ý làm gì.
***
Khó ai có thể hình dung "Hội mùa xuân" lại thiếu vắng chú hề. Thế mà điều đó đã xảy ra thật sự! Khán giả từ những nơi tụ đến tản mạn quanh quẩn các gian hàng một lúc rồi thưa dần, vì mất điểm tập trung. Bọn trẻ con chúng tôi thì được dịp chớp thời cơ chia nhau thay thế vai chú hề.
-Mời bà con ghé "dzô". Gian hàng của chúng tôi từ lâu được quý khách hoan hô. Bởi vì làm ăn rất đàng hoàng, không mưu mô. Lại có một cô gái chính hiệu làng Nam ô. Nào, hãy "dzô" quý bà, quý cô...
Những người phụ trách các quầy hàng hè nhau đẩy chúng tôi ra khỏi sân bãi. Mấy người lớn bỏ đi, chẳng để mắt vào cảnh ấy. Họ nói:
-Chắc chú hề đau ốm hay bận việc chi đột xuất. Để tối mai ra chơi vậy.
Nhưng rồi tối sau. Rồi... các buổi tối khác còn lại của mùa xuân vẫn biệt tăm giọng nói và dáng điệu của chú hề làng.
***
Hết tết. Hội hè trôi qua. Người lớn không còn ai bận tâm đến sự kiện đột ngột của chú hề. Chỉ có chúng tôi với nỗi băn khoăn ray rứt, không hiểu lời nói của chú hề hôm gặp ở quán nước. Chúng tôi ngóng tìm chú ở khắp nơi, kể cả ở xã nơi chú làm việc, vẫn chẳng hề gặp. Về sau, thăm hỏi mãi, chúng tôi mới biết đại thể: ở xã không cần thiết lắm cái công việc mà chú hề đã làm từ trước tới nay. Còn trong các buổi văn nghệ, người ta cũng cho rằng không việc gì phải có một chú hề cứ lải nhải những câu nói mà họ cho là lăng nhăng vô bổ. Nói tóm lại, người ta đã yêu cầu chú thôi làm hề, mà chú ngại chúng tôi thắc mắc dông dài, nên không nói rõ.
Vài năm sau, chúng tôi có tin chú hề đã theo người bà con đi làm ăn ở tận một miền đất xa xôi. Lại có tin chú đã gia nhập một đoàn kịch lớn và trở nên rất nổi tiếng. Không biết hai tin, tin nào là đúng. Riêng tôi, cho đến khi khôn lớn, từng đi đây đó, từng chứng kiến bao nhiêu chú hề tài danh biểu diễn, tôi mới thấm thía hiểu rằng, làng quê của chúng tôi đã bị mất đi một tài sản quý giá không dễ dàng tìm được.
Trần Trung Sáng