- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BÊN NÀY THÌ VUI HƠN BÊN KIA

12 Tháng Mười 20187:27 CH(Xem: 23344)

nguyen thi hau
Nhà văn Nguyễn Thị Hậu




Trên con đường dẫn ra ngoại ô của thành phố P. có một đoạn đường mà bên kia là nhà tù còn bên này có một khách sạn nhỏ và quán cà phê.

 

Nhà tù ngăn cách với bên ngoài bằng bức tường gạch không cao lắm nhưng chắc chắn, phía trên không có những vòng thép gai hay mảnh thủy tinh như thường thấy ở nhiều nhà tù khác. Góc hai bức tường gặp nhau là một “cổng giả” hình vòm cuốn, phía trên có dòng chữ “Nhà tù trung tâm” bằng kiểu chữ nghiêm ngắn màu xám, sự khác biệt duy nhất trên bức tường dài màu nâu sẫm cho biết chức năng của các tòa nhà bên trong mà mới nhìn trông giống như một chung cư bình dân.

 

Khách sạn là tòa nhà cũ có 3 tầng, những cửa sổ bằng gỗ sơn màu xanh cũ kỹ nhưng sạch sẽ, luôn rộng mở, cửa kính trong veo phất phơ rèm trắng, chậu hoa tươi tắn trên bệ cửa sổ. Tầng trệt là quán cà phê cũng là sảnh khách sạn. Dưới bảng hiệu có dòng chữ trình bày kiểu cọ vui mắt “Bên này thì vui hơn bên kia”. Ai đi qua nhìn thấy mấy chữ này cũng phải mỉm cười, ờ thì đúng rồi... Không biết nhà tù và quán cà phê cái nào có trước, chỉ biết là cả hai đã hiện diện từ khi nơi này còn là một làng nhỏ giữa cánh rừng thưa, xe ngựa đi gần ngày đường mới tới trung tâm thành phố. Nhưng khách sạn thì chỉ có khi một sân bay được xây gần đó.

 

Dân cư quanh vùng đã quen với cổng nhà tù có con đường nhỏ thỉnh thoảng vài chiếc xe bịt bùng ra vào. Nhìn vào chỉ thấy barie trạm gác, vườn hoa và hàng cây cao vút, xa hơn là những ô cửa sổ của mấy dãy nhà nhiều tầng mỗi tối sáng đèn đến khoảng 9g thì đồng loạt tắt. Xung quanh, bên ngoài bức tường là con đường nhỏ xanh mát, hàng ngày người lớn trẻ nhỏ vẫn đi lại trên vỉa hè, chiều tối dưới lòng đường hàng dài xe hơi đậu qua đêm. Thỉnh thoảng một nhóm hoặc vài người mặc thường phục từ phía trong đi ra. Qua khỏi cổng họ ôm hôn nhau và chia tay. Có người được người thân đến đón bằng xe hơi nhưng phần lớn bọn họ đi đến bến xe bus gần đó hoặc đi xa hơn đến ga metro, họ tách ra đi một mình, lơ đãng ngắm nhìn đường phố hoặc cắm cúi đi nhanh. Sau vài phút lao xao nơi này trở lại yên tĩnh.

 

Một buổi sáng có một người từ cổng nhà tù đi ra, đứng tần ngần ở cổng rồi chậm rãi đi ngược qua bên kia đường. Đó là người đàn ông nhìn qua khó đoán tuổi, vóc dáng cao ráo, mái tóc bạc trắng nhưng gương mặt còn khá tinh nhanh, có lẽ ông chưa đến tuổi 60. Trong bộ quần áo vừa vặn, còn mới, là mode của khoảng mươi năm trước, ông bước vào quán cà phê bằng bước chân nhẹ nhàng có gì đấy đầy cẩn trọng. Đến bên chiếc bàn cạnh cửa sổ, trong tích tắc ông quyết định ngồi xuống chiếc ghế nhìn về phía cửa. Ông gọi một tách cà phê, mở tờ báo ai đó để trên bàn ra đọc... Khi cà phê được mang đến, ông ngẩng lên nhìn quanh rồi dừng lại ở chiếc đồng hồ treo phía sau quầy hàng.

 

Trên tay ông không đeo đồng hồ như nhiều người đàn ông khác, cũng không thấy ông có điện thoại như mọi người bây giờ. Ông chăm chú nhìn chiếc đồng hồ cổ đang tích tắc với con lắc đong đưa đều đặn, vẻ mặt thoáng buồn... Chậm rãi uống cà phê, ông cầm miếng đường nhỏ ngắm nghía rồi bỏ vào miệng, ngậm một chút và nhai ngon lành như một cậu bé. Nụ cười thoáng qua làm ông trẻ hẳn ra. Tách cà phê đã hết, tờ báo cũng đã được đọc đi đọc lại... Như đã quen với những vị khách như thế, người phục vụ mang đến một tờ tạp chí và chai nước lạnh. Ông khẽ cám ơn và lại chăm chú đọc...

 

Thời gian chậm chạp trôi qua... quán cà phê có khách rồi lại vắng khách. Người đàn ông vẫn ngồi đọc tờ tạp chí mà không ngẩng lên lần nào như không muốn ai nhìn thấy mình. Khi chiếc đồng hồ buông tiếng chuông báo 12 giờ người khách giật mình dợm đứng dậy, nhưng cũng rất nhanh ông sựng lại, ngồi yên trên ghế, hai tay ông từ từ ôm lấy mặt như bị một cơn choáng bất ngờ. Đây là tiếng chuông ông đã chờ đợi nhiều năm… ngay lúc đó một người phụ nữ bước vào quán cà phê.

 

Người phụ nữ đứng tuổi thân hình mảnh mai, nước da hơi khô phủ một lớp phấn mỏng để che bớt gương mặt xanh xao. Mái tóc xoăn xoăn trước trán, đôi mắt to đượm buồn còn giữ được nét đẹp của thời thanh xuân. Chị bước nhanh về phía ông gần như nhận ngay ra ông, và lao vào vòng tay ông khi ấy vừa kịp đứng lên.

 

Họ ngồi đối diện, im lặng, tay đan vào nhau. Ông hôn mãi những ngón tay gầy của chị. Còn chị cứ áp bàn tay ông vào đôi má nóng bừng như đang sốt của mình... Rất lâu, họ vẫn không nói gì. Rồi đồng hồ điểm chuông... rồi lại vội vã điểm chuông. Chị chợt tỉnh, chậm rãi đứng lên như hết hơi hết sức... Ông bước đến ôm siết đôi vai chị đang run lên rồi gần như ông đẩy chị ra khỏi vòng tay mình và ngồi phịch xuống ghế, quay đầu nhìn ra cửa sổ. Ngoài đó... một chiếc xe hơi vừa lướt qua. Trưa tháng bảy nắng đến nhòa mắt...

 

Đến lúc cũng phải đi thôi. Qua quầy hàng ông nghiêng mình cám ơn một cách trịnh trọng và tự nhiên như một quý ông... Đứng dưới bảng hiệu quán cà phê “Bên này thì vui hơn bên kia” ông nhìn sang “Nhà tù trung tâm”. Có lẽ phải ngược lại mới đúng. “Bên kia” là nơi ông đã gửi lại gần cả cuộc đời nhưng “bên này” lại là nơi tuổi trẻ vừa rời xa ông, mãi mãi...

 

***

Tôi được nghe chính người phục vụ quán cà phê kể câu chuyện này trong lần đến P. vừa rồi. Bây giờ anh không còn làm ở đấy nữa, quán cà phê và khách sạn đã đóng cửa. “Bên này” đang xây dựng một siêu thị nhưng nhà tù thì vẫn ở “bên kia”.

Thật thế, anh nói, chẳng biết bên nào vui hơn... Khi hiện diện trong cuộc đời này là chúng ta đã ở trong một thế giới cũng chật hẹp và nhiều ràng buộc như phía “bên kia”. Chỉ khi nào số phận đã “hết hạn” ta sẽ trở về một nơi nào đó, như “bên này”... Biết đâu sẽ vui hơn…

NGUYỄN THỊ HẬU

Sài Gòn ngày 18.8.2018
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Bảy 20188:59 CH(Xem: 22410)
Ngọn nến nhỏ gồng mình chống lại gió ác len lỏi. Xa xa có thể là gò hoang, nghĩa địa. Cái mùi máu tanh tanh ùa về. Chúng tôi không thể nói lớn, nào dám nói lớn. Bọn an ninh có thể đến đây và bắt chúng tôi bất cứ lúc nào. Nhưng dù sợ vào tù hay chịu lưu đày, tôi vẫn phải thành hôn với Bình. Tôi chọn Bình. Em có đôi mắt trong veo hiền lành dù bước qua đau khổ vẫn không thay màu sắc lạnh. Em cúi đầu dưới thánh giá hôm nay mà hồn em đã nguyện trao gửi cho tôi từ thuở khai sinh rồi. Ánh Dương cầu chúc cho chúng tôi mãi mãi hạnh phúc. Nhiên đã đứng ra làm chủ hôn lễ.
19 Tháng Bảy 20188:31 CH(Xem: 22224)
Mark đứng lặng nhìn những chiếc xe lướt qua khu phố yên tĩnh đến trầm mịch. Anh hít hà thật sâu mùi không khí xung quanh nhà thờ. Mùi của gỗ sồi, của mặt đất ẩm ướt, của nước mưa trượt dài trên gương mặt thằng đàn ông ba mươi bảy. Đâu đó có mùi của Liz còn vươn vất. Bậc thang này Liz đã bước qua mỗi sáng chủ nhật. Chiếc ghế này Liz đã từng ngồi bao nhiêu lần? Liz đã mặc chiếc váy màu gì khi đi lễ? Con phố này Liz đã chạy xe qua lại mỗi ngày bao nhiêu quận? Cứ thế, Mark đứng đó hít lấy hít để thứ mùi không rõ tên cho đến khi trời sẫm tối.
10 Tháng Bảy 201810:24 CH(Xem: 23800)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Lý Minh Kỳ sống và làm việc tại Sài Gòn. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quý độc giả và văn hữu những sáng tác mới nhất của Lý Minh Kỳ.
13 Tháng Sáu 201812:14 SA(Xem: 25886)
Linh hồn lang thang qua hiu hắt chợ quê, như ai níu chân lại, đi không rời. Đi đâu xa rôi vẫn nhớ nhất chợ quê. Thức ăn tươi rói mới hái từ liếp rau sau nhà, rùa rắn tôm cá đồng từ bảy dòng sông tụ về, một nhắm rau sam chua, đọt bí nham nhám, bắp chuối sứ non, củ khoai từ lừ đừ, trái cà chua vườn nhỏ đèo đẹt, mấy trái me chín dốt, cọng đậu đũa tươi ngon, đọt rau lang mướt mắt, rau má đồng, rau đắng đất...tất cả đều được bày ra trên rỗ nhựa ,mẹt tre bắt mắt.
28 Tháng Năm 20185:45 CH(Xem: 23080)
Sáng, An dậy sớm, ủi thẳng thớm chiếc váy đủ màu và tô lên môi màu son mới trước khi rời khỏi nhà...Hôm ấy, ngày đầu tiên An đặt chân đến văn phòng TsMedia, đó là tòa nhà cao vút nằm ngay trung tâm đại lộ Victoria. Khanh lẫn lộn trong hơn năm mươi nhân viên già, trẻ, lớn, bé, Châu Á, châu Âu… nhưng An dễ dàng phát hiện ra Khanh bởi đôi mắt rất Việt Nam, dáng người cao ráo và nụ cười hồn nhiên như đứa trẻ. Trưa hôm ấy, An thấy tách cà phê pha sẵn đặt trên bàn mình, bên dưới là tờ note được ghi nắn nót bằng tiếng Việt : “Số điện thoại khi cần trợ giúp 6265653445”. An vô cùng ngạc nhiên quan sát cử chỉ mọi người trong phòng và giật thót tim khi chạm phải nụ cười Khanh giấu sau máy tính.
25 Tháng Năm 201812:45 SA(Xem: 26449)
Lủ nhỏ không chỉ mê mẫn nhan sắc chị Tuyết như mấy anh choai choai chuyên lượn lờ trước cổng nhà chị, mà mê cặp em sinh đôi của chị hơn cả. Hai đứa bé bụ bẫm tầm 3 tuổi không có gì đặc biệt hơn đứa trẻ khác. Ngoại trừ miếng da đen như da lợn nằm choán từ cổ đến hết nửa lưng! Em cũng như lũ nhỏ, vừa tò mò vừa mê thích được tận tay sờ mó tấm lưng da lợn của hai anh em sinh đôi. Tấm da sần sùi thô ráp vì rậm rạp lớp lông đen cứng ấy có sức thu hút lạ kỳ.
18 Tháng Năm 20188:59 CH(Xem: 24699)
Chúng tôi hỏi: -Cậu cần gì? Triết bảo: -Tớ cần được tự do sáng tác. Tớ yêu cầu gia đình trả tớ giấy bút mực màu bảng vẽ, kể cả đàn địch của tớ, kể cả máy tính nữa. Tớ cũng yêu cầu hàng xóm không tọc mạch, tớ yêu cầu công an hộ khẩu không ghé qua ghé lại hỏi han ông cả thủ, tớ yêu cầu tập thể không ai được kỳ thị tớ, tớ cũng là đồng nghiệp cũ của nhiều bạn trong cơ quan, mà tớ còn học giỏi, đỗ cao và đỗ sớm hơn khối đứa đấy. Viện trưởng bây giờ, hồi đi bộ đội về, tớ phụ đạo nó thi đại học chứ ai… Rồi tớ yêu cầu gia đình, mọi người, trước khi cấp giấy cho tớ làm thơ, vẽ tranh, làm nhạc, viết kịch thì không được hỏi tớ định viết vẽ gì, cái đó là quyền của tớ… Tớ cũng yêu cầu các cửa hàng net ở xung quanh tạo điều kiện để tớ được vào mạng tự do lướt web, vào facebook, vào bờ lốc nọ bờ lốc kia…
17 Tháng Năm 201812:16 SA(Xem: 25001)
Kết quả xét nghiệm lần cuối cùng cho thấy các thể bệnh đã phát triển khá nặng, nhưng anh không muốn tất cả trở thành một bộ phim, như loại phim Hàn quốc xem nát một thời bên nhà bởi các bà hàng xóm của mẹ anh và bọn trẻ cấp hai, cấp ba… Anh cũng không bắt chước những bệnh nhân bên Phi châu gồng mình lo toan cho con cái, trồng luống rau cạnh lỗ huyệt mộ tự đào, để lo trước cho các con sau khi họ ra đi… Anh không nghĩ gì hết, chỉ lặng lẽ ngắm nhìn trời mây và lũ trẻ…
16 Tháng Năm 201810:24 CH(Xem: 22926)
Tiếng chuông cửa bất ngờ vang lên. Nàng giật thót người nhón từng bước chân, nheo mắt lại he hé nhìn xuyên qua cánh cửa màu trắng. Đôi mắt to với hàng mi dài đang nhìn thẳng vào nàng khiêu khích. Anh đứng đó, sừng sững như ngọn núi, chìa chai rượu nàng yêu thích trước mặt “Xin lỗi, quí cô có yêu cầu một chai Merlot? Rất hân hạnh được phục vụ!”. Liền sau động tác chuyên nghiệp của một người làm quản lý khách sạn 5 sao hơn 10 năm đó là nụ cười tươi, chuyển động cơ mặt cùng ánh mắt nhìn thẳng vào chiếc áo ngủ mỏng manh nàng khoác trên người. Nàng mỉm cười ngước lên nhìn anh, tầm mắt nàng chỉ tới được chiếc cằm vừa vặn trên gương mặt thanh tú. Sau màn trình diễn mời rượu điêu luyện là màn rót rượu vào ly cho nàng thẩm định.
10 Tháng Năm 201811:21 CH(Xem: 25283)
Chẳng biết từ bao giờ hình ảnh mẹ đã đồng nhất với cây hương nhu lá tía. Chị Hai nói có lẽ từ lúc mẹ sanh chị ba, bố dắt người tình đầu tiên vào tận nhà bảo sanh thăm mẹ, cô ấy đẹp và trẻ, và gợi mùi hương nồng nàn. Lúc đó ôm chị Ba trong vòng tay còn non ngày tháng, khi bà hơ lá hương nhu cho mẹ, mái đầu của mẹ đã gục xuống run rẩy như chiếc lá hương nhu gặp lửa than.