- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHÀ THƯƠNG

05 Tháng Chín 201810:36 CH(Xem: 23968)

 

Hoa- photo UL
Hoa - ảnh UL


 

LTS: Một truyện ngắn khác của Lý Minh Kỳ vừa mới sáng tác, tác giả là một người trẻ đầy năng lượng, anh đã viết bằng cả trái tim chân thành và tha thiết để đóng góp cái nhìn của mình về xã hội Việt Nam ngày nay. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng quí độc giả và văn hữu truyện ngắn "NHÀ THƯƠNG" của Lý Minh Kỳ.

TCHL


Phương lên cơn nghén ngay trong ngày giỗ đầu của chồng. Chửa với ai? Cái tin mau chóng truyền đi: Bà Hai khét tiếng cho vay ăn lời cắt cổ có đứa con dâu bỗng dưng có chửa sau một năm chồng chết. Phương đứng đó nhưng lòng muốn rời khỏi căn nhà này ngay. Nhà rộng năm gian, bàn thờ chồng hương khói đang nghi ngút nhưng quả phụ hãy còn chần chừ thắp nén hương. Bà Hai lệt quệt đôi dép nhựa bước vào gian chính, trừng trừng nhìn Phương:

- Mày biến đi cho khuất mắt tao!

Bà tưởng Phương sẽ cúi đầu sợ sệt. Bà tưởng Phương sẽ quỳ gối khóc lóc như mấy nàng dâu van xin mẹ chồng đừng đuổi mình đi. Bà đã lầm. Nếu Phương ở lại, thì bà có thương gì Phương? Cái ngày hay tin làm con dâu của bà Hai, Phương ngã quỵ, tưởng chừng như sẽ không tỉnh lại.

***

Đó là một buổi trưa cuối hè, tôi đang xếp gọn mớ quần áo cho vào giỏ. Tôi sẽ lại lên Sài Gòn và bắt đầu năm học mới. Dì gọi, cái tiếng chua chát tôi phải nghe suốt mười mấy năm nay. Ngày trước, khi trời tối hẳn, tôi lại nghe tiếng kêu cửa. Ba mở cửa cho người đàn bà lạ vào nhà. Ba dắt người đó vào phòng riêng. Ba không ngủ cạnh tôi nữa. Sau này tôi phải gọi người đó là “dì”. Sau này tôi mới biết người đó trở thành mẹ kế của tôi. Nhưng chẳng ruột thịt gì cớ sao phải gọi “mẹ”? Năm tôi lên sáu, ba tôi qua đời. Dì nắm chặt tay ba và nói dì rất thương tôi, sẽ chăm lo cho tôi ăn học nên người. Tôi vất vả hơn sau ngày ba mất, cái bụng của dì ngày càng to. Vài tháng sau, tôi có em khác mẹ.

Tôi bước ra, mặt dì đã hầm hầm, trách tôi lê mề. Lề mề cũng phải vì cái tin dì báo cho tôi quá chấn động. Từng tiếng dì nói ra, tôi không thể nào quên được. Cái nhà hương hỏa của ba tôi sắp bị chủ nợ siết. Thằng út có khi sẽ không được đi học nữa. Còn tôi? Còn tôi trở thành người cứu nạn cho họ nếu tôi trở thành con dâu của bà Hai? Đầu trên, xóm dưới ai mà không biết bà Hai cho vay tiền lời cắt cổ! Dì chơi bạc chơi đề sướng tay rồi cái nợ lại bắt tôi ra lãnh.

Mở mắt, tôi mơ màng thấy dì đang chậm mồ hôi trên trán cho tôi. Tôi chẳng muốn tỉnh dậy nữa, mắt lại nhắm nghiền, uể oải. Trước đó dì gằn giọng ép buộc chứ nào có phải hỏi ý. Dì nghiến răng nhấn mạnh: “Cái nhà này sắp bị người ta siết rồi. Mày nghỉ học đi, con gái học chi cho nhiều. Mày về nhà bà Hai làm dâu cho tao”. Nhưng lúc chậm mồ hôi, dì chỉ còn cái giọng âu sầu: “Mày thấy đó, tao nuôi mày, cho mày ăn học như lời ba mày trăng trối lúc hấp hối. Giờ mày về nhà bà Hai xóm trên làm dâu đi. Mày vừa có được tấm chồng giàu, sung sướng cuộc đời, mà cũng cứu được tao, cứu được cái nhà hương hỏa này”.

Tôi cũng muốn sung sướng như lời dì dỗ ngọt. Nhưng về bên nhà chồng, hôm đầu tiên tôi đã phải dậy từ sáng sớm, quét dọn căn nhà năm gian, đi chợ, nấu ăn. Bà Hai vàng đeo đỏ tay nhưng ăn uống thì hà tiện. Tiền đi chợ, bà ta còn ngờ tôi bỏ túi riêng tiền dư mấy lần. Được là chồng tôi, có vóc cao lớn, khỏe mạnh. Bà ta đặt cái tên “Được” cho anh ta quả không sai. Anh rất “được”. Tôi thấy anh đi cả ngày, chủ yếu chơi bời đá gà, đề đóm. Nhưng bà vẫn khen anh “được!” vì không chỉ giỏi gian lận ăn được tiền thiên hạ mà còn giỏi đòi nợ. Đâu ai dám quỵt nợ tiền bà Hai. Được chỉ cần vác theo con dao, kèm bộ mặt bị mấy đứa nhỏ đồn nhau là “đầu trâu mặt ngựa” đến nhà thì khó khăn cách mấy, người ta cũng phải xoay xở để trả.

Đúng như lời bọn trẻ, Được có cái mặt dài như mặt ngựa. Đêm tân hôn, tôi khóc thét vì đau và hoảng sợ. Được cười sằng sặc vì lần đầu được biết cơ thể đàn bà. Tôi van hắn tắt đèn để tôi khỏi lầm tưởng mình đang lên giường với một con quỷ dưới địa ngục. Hắn hùng hục thúc sâu như cách con trâu, con bò cày ngoài ruộng. Nước mắt khi ấy trào ra vì đau đớn và tủi nhục.

***

Đã có lúc Phương vờn đùa với chiếc bóng trên tường vôi trắng. Người ta gọi người vợ góa chồng là sương phụ, nhưng Phương nào có u buồn như sương lạnh mê man. Sau ngày chồng chết, Phương vui hơn nhiều. Phương đã nhìn cơ thể cong mềm của mình trên bức vách. Phương ước mình có con để ầu ơ bế bồng, chôn đi nỗi buồn những đêm trơ trọi thế này. Phương nghĩ đến Thắng. Phương ước mong từ chiếc bóng trên vách, Thắng bước ra và trở thành chồng của mình, cho mình đứa con bé bỏng.

***

Những đêm nhái kêu sau trận mưa là những đêm khó ngủ. Tôi trở mình rồi lại nhớ Thắng. Tôi nhớ lại cái hôm mà chúng tôi gặp được nhau. Sau khi cưới độ vài tháng, Được ép tôi đi ra thị trấn, hành nghề tiếp bia, tiếp rượu cho khách ở cái quán karaoke lổn nhổn kẻ ra người vào. Từ ngày lấy chồng, tôi không còn được thấy phố xá Sài Gòn. Ngày đầu đi làm gái bia ôm cũng là ngày tôi được ra khỏi cái ấp tù túng. Tôi còn tưởng Được đưa tôi đi chơi. Được ép tôi đi làm mỗi đêm và giữ hết tiền khách cho và tiền lương của tôi. Cứ sáu giờ chiều, giở trăng giở đèn, tôi lại được đưa đi hành nghề. Giặt xong một thau đồ, người tôi choáng váng, tôi mong cái trán bắt đầu lên cơn sốt của mình sẽ cứu tôi một hôm thoát nhục. Được hất cái mặt ngựa, chửi đổng một tiếng rồi lôi tôi vào phòng, thay đồ. Có ngờ đâu cái ngày mệt mỏi ấy lại là cái ngày định mệnh của đời tôi.

Hè đã đến từ bao giờ, ve kêu inh ỏi cả một miền quê. Lá dừa xao xác đong đưa. Khi tôi vừa bước chân xuống xe, Được dặn dò hờ hững một câu: “Hôm nay tao đón muộn, xong việc cứ chờ ở đây”. Tôi mệt nhừ, không đủ sức gật đầu huống chi đáp lại tiếng “ừ”. Tôi gieo những bước nặng nề vào căn phòng đang lổn rổn những tiếng hát hò. Tôi tưởng mắt mình nhìn sai nhưng không, Thắng đang ngồi trong góc. Hai cô gái trẻ đã kịp sa vào vòng tay lơi lả của hai người khách. Và tôi sẽ tiếp người còn lại – Thắng. Anh tròn mắt nhìn tôi. Nhưng tôi van anh đừng hỏi gì, vừa nhục vừa mừng rỡ. Tôi ôm mặt khóc, mặc kệ.

***

Phương đã không còn thấy việc đi làm trở thành cực hình. Cả mùa hè ấy, ngày nào Thắng cũng đến quán karaoke của thị trấn để trò chuyện với Phương. Thắng chỉ còn mỗi cái cách ấy để giúp Phương. Phương nhớ thành phố, nhớ khung trời đại học, nhớ giảng đường giấu yêu mà e sợ rằng cả đời này không bao giờ được gặp trở lại. Thắng khơi lại bao kỷ niệm đẹp, làm cho Phương có cảm giác sinh viên thật gần gũi. Ngồi cạnh Thắng, Phương mơ hồ nhớ lại cái ngày làm đơn tạm ngưng việc học. Phương đã chậc lưỡi “tạm ngưng nhưng biết có trở lại được không, hay là ly biệt”. Phương cố gắng trụ lại Sài Gòn vài hôm với cái mong ước nhỏ nhoi sẽ tìm được một việc làm. Đứng giữa ngã tư, đèn đỏ, đèn xanh, rồi lại đỏ. Người người xe xe qua qua lại lại. Phương chẳng biết phải đi về ngả nào. Không một tia hy vọng việc làm. Phương chỉ là một sinh viên năm ba đại học, không công ty nào muốn nhận Phương. Họ cau mày bảo: “Chúng tôi cần một người có kinh nghiệm”. Đầu trâu mặt ngựa ở quê nhà đâu thể chờ Phương thực tập vài công ty để tích được kinh nghiệm rồi mới được đi làm nhận lương? Phương òa khóc cho thân phận trí thức, không cứu nổi bản thân giữa lúc túng thiếu thì sao có thể làm điều lớn lao?

***

Tôi chỉ nghe phong thanh Phương nghỉ học và lập gia đình. Năm cuối đại học, chúng tôi trân trọng từng khoảng khắc trên giảng đường vì biết sắp giã biệt những tháng ngày đẹp nhất, ùa vào đời. Người bạn gái thời cấp ba của tôi cũng đã lấy chồng, tay bồng tay bế từ lâu. Ở vùng quê, người ta dựng chồng gả vợ sớm, chẳng có gì lạ. Khi tôi được lên Sài Gòn, tôi thấy hiếm ai lấy chồng sớm. Trong lớp đại học, Phương là người duy nhất lập gia đình và từ bỏ ghế nhà trường. Phương đã không thể học xong chương trình, tiếc thay. Đối với tôi, kiến thức mà chúng tôi học được quan trọng hơn, thể hiện cái tầm của trí thức. Xã hội ngoài kia lao nhao trọng bằng cấp, và thế là người ta bị cuốn theo. Ngán nỗi mấy cái thằng công ty tư nhân gần đây nổi lên như cồn. Bọn nó không cần người trẻ bằng cấp. Bọn nó chỉ cần người trẻ có sức và có kinh nghiệm, để nó tha hồ bóc lột, thế là bao nhiêu người bỏ trường, bỏ lớp để đi làm. Thương cho Phương, giá như Phương được lựa chọn, thì đâu phải khóc giữa ngã tư dòng đời.

Ngày gặp lại, Phương kể hết nỗi lòng. Tôi đến với Phương vào mỗi buổi tối vì không thể để một nàng thơ chết dần chết mòn ở cõi địa ngục. Đến một ngày Phương nói Phương trót yêu tôi thì tôi nhận ra mùa hè đã sắp hết. Tôi phải quay về Sài Gòn để tìm việc làm. Tôi cũng yêu Phương. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ yêu Phương. Có ngờ đâu chúng tôi sẽ yêu nhau trong hoàn cảnh trái ngang thế này. Em nói em vừa hạnh phúc nhưng cũng vừa tủi nhục. "Người ta lấy điếm để làm vợ, đâu ai lấy vợ về làm điếm bao giờ." Tôi cười nhẹ, khuyên Phương không biết bao nhiêu điều. Tôi sợ.

***

Chịu đựng đến ngày giỗ đầu của chồng là quá đủ. Phương muốn thoát khỏi căn nhà ngói năm gian này lâu lắm rồi. Phương có làm gì nên tội nhưng bà Hai cứ nguyền rủa Phương cái tội sát phu. Cũng vào cái đêm cuối cùng Thắng ở lại quê, hôm sau sẽ lên lại Sài Gòn, lòng Phương buồn vì đêm mai không còn trong vòng tay của Thắng. Nhưng Thắng còn buồn hơn vì mai đây người mình yêu sẽ trong vòng tay người lạ. Nghĩ đến thôi, Thắng đã muốn điên loạn, đau đớn. Trong tình yêu, có thể không có sự sở hữu lẫn nhau nhưng đây không phải là sở hữu mà đây là nhắm mắt chấp nhận để người yêu vùi mình vào hang hùm. Được đã không đến chở Phương về vào đêm ấy. Hắn ta đã chết trong nhà thương.

***

Tôi không khóc, không thể nhỏ một giọt lệ nào cho Được, người tôi đầu ấp tay gối mỗi đêm. Có bao giờ nằm bên Được mà tôi thực sự xem hắn là chồng đâu. Hắn ập thân hình thô thiển lên tôi đến độ khó thở. Hắn cũng không xem tôi là vợ, chỉ xem tôi như một con điếm giúp hắn chứng tỏ mình là đàn ông và xem tôi như con nợ giúp hắn thỏa mãn cái thói vung tiền. Người ta kể lại, Được và mấy thằng bạn khích nhau đua xe, lạng lách. Đi đêm thì có ngày cũng gặp ma! Được hóa ma để được đoàn tụ với bọn chúng.

Tôi không phải đi làm điếm để nuôi chồng. Tôi trở thành con sen hầu hạ mẹ chồng. Tôi biết bà ta muốn tôi trở thành con ở hầu bà cả đời nhưng cũng trăn trở về khối tài sản của mình sẽ ra sao. Tôi chỉ muốn thoát khỏi nơi đây. Trong những giấc mơ tôi thấy mình được gặp lại Thắng, trên sân trường đại học. Anh trao cho tôi cuốn sách rồi quay mặt bỏ đi. Tôi cố gắng gọi Thắng, níu giữ anh lại. Tôi sợ anh sẽ đi mãi. Nhưng nếu tôi biết đó là mơ, tôi sẽ không thức nữa, sẽ chạy theo Thắng cho bằng được để nói: Hãy cho em đi theo, cho em được bên cạnh anh.

Thắng chỉ về quê thăm gia đình có một lần mỗi tháng. Nhưng anh nói, mục đích chính vẫn là thăm tôi. Giữa phiên chợ kẻ qua người lại, chúng tôi chỉ nhìn nhau, có những lời không thể nói trao qua ánh mắt. Nếu anh là Dũng, tôi cũng van xin mình được là Loan để có thể trở về bên Dũng (*). Những lần gặp Thắng là những lần tôi cảm giác Sài Gòn thật gần gũi, giảng đường không còn là giấc mơ. Tôi lại nhớ những hôm trời nắng thiêu đốt cả Sài Gòn, đứa thì cặm cụi ghi chép bài, đứa thì ăn vụng cái bánh cái kẹo,… lời giáo sư giảng đã trôi mênh mang trong cái nóng. Chiều tan học, lũ sinh viên ùa ra phố tìm quán cơm bình dân, trở về kí túc xá cười đùa. Thời ấy xa rồi, xa rồi Thắng ơi. Ước chi ta quen nhau từ thuở ấy để giờ đây mỗi đêm ngủ có kỷ niệm mà nghĩ về. Tôi không thể chịu đựng nổi nữa. Tôi phải thoát khỏi nơi này, phải lên Sài Gòn kiếm tiền và bước đi bên cạnh cuộc đời Thắng.

Cái thai là thứ tôi mong đợi. Tôi đã ao ước có con, dù cực nhọc ra sao đi nữa miễn sao đó là con của tôi và Thắng. Bà Hai tức lộn ruột quát tháo đứa con dâu thất tiết. Và tôi chỉ chờ bà đuổi ra khỏi nhà, xem như đôi bên đồng lòng đoạn tuyệt. Khói trên bàn thờ vẫn nghi ngút, tin đồn vẫn bắt đầu lan truyền. Nếu tôi không thoát khỏi nơi đây, dì sẽ không để cho tôi yên. Trong lúc đầu tôi nhiều mối lo nghĩ thì cái tiếng quát: “Mày biến đi cho khuất mắt tao!” vang lên.

***

Lần này mở mắt, Phương chỉ nhìn thấy mỗi màu trắng của nhà thương. Hình như, Phương biết mình đã hôn mê rất lâu. Cô lắng nghe sự thinh lặng quanh mình, từng tiếng một càng lúc càng rõ hơn:

- Tình trạng cô ấy sao rồi bác sĩ?
- Cô ấy sẽ sớm hồi phục. Báo cho Thắng một tin vui, cô ấy đã có thai được hơn một tháng, tim thai đang khỏe mạnh. Chúc mừng Thắng!


Viết cho những ngày băng bó.

Tháng 9, 2018

Lý Minh Kỳ.

 

 

 

 (*) Dũng và Loan là nhân vật tiểu thuyết "Đoạn Tuyệt" (xb 1936) của Nhất Linh

 

Ý kiến bạn đọc
13 Tháng Chín 20181:21 CH
Khách
Truyện hay lắm.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14868)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14877)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14812)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15317)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17654)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19426)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13915)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16523)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15637)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15762)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.