- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHÀ THƯƠNG

05 Tháng Chín 201810:36 CH(Xem: 23338)

 

Hoa- photo UL
Hoa - ảnh UL


 

LTS: Một truyện ngắn khác của Lý Minh Kỳ vừa mới sáng tác, tác giả là một người trẻ đầy năng lượng, anh đã viết bằng cả trái tim chân thành và tha thiết để đóng góp cái nhìn của mình về xã hội Việt Nam ngày nay. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng quí độc giả và văn hữu truyện ngắn "NHÀ THƯƠNG" của Lý Minh Kỳ.

TCHL


Phương lên cơn nghén ngay trong ngày giỗ đầu của chồng. Chửa với ai? Cái tin mau chóng truyền đi: Bà Hai khét tiếng cho vay ăn lời cắt cổ có đứa con dâu bỗng dưng có chửa sau một năm chồng chết. Phương đứng đó nhưng lòng muốn rời khỏi căn nhà này ngay. Nhà rộng năm gian, bàn thờ chồng hương khói đang nghi ngút nhưng quả phụ hãy còn chần chừ thắp nén hương. Bà Hai lệt quệt đôi dép nhựa bước vào gian chính, trừng trừng nhìn Phương:

- Mày biến đi cho khuất mắt tao!

Bà tưởng Phương sẽ cúi đầu sợ sệt. Bà tưởng Phương sẽ quỳ gối khóc lóc như mấy nàng dâu van xin mẹ chồng đừng đuổi mình đi. Bà đã lầm. Nếu Phương ở lại, thì bà có thương gì Phương? Cái ngày hay tin làm con dâu của bà Hai, Phương ngã quỵ, tưởng chừng như sẽ không tỉnh lại.

***

Đó là một buổi trưa cuối hè, tôi đang xếp gọn mớ quần áo cho vào giỏ. Tôi sẽ lại lên Sài Gòn và bắt đầu năm học mới. Dì gọi, cái tiếng chua chát tôi phải nghe suốt mười mấy năm nay. Ngày trước, khi trời tối hẳn, tôi lại nghe tiếng kêu cửa. Ba mở cửa cho người đàn bà lạ vào nhà. Ba dắt người đó vào phòng riêng. Ba không ngủ cạnh tôi nữa. Sau này tôi phải gọi người đó là “dì”. Sau này tôi mới biết người đó trở thành mẹ kế của tôi. Nhưng chẳng ruột thịt gì cớ sao phải gọi “mẹ”? Năm tôi lên sáu, ba tôi qua đời. Dì nắm chặt tay ba và nói dì rất thương tôi, sẽ chăm lo cho tôi ăn học nên người. Tôi vất vả hơn sau ngày ba mất, cái bụng của dì ngày càng to. Vài tháng sau, tôi có em khác mẹ.

Tôi bước ra, mặt dì đã hầm hầm, trách tôi lê mề. Lề mề cũng phải vì cái tin dì báo cho tôi quá chấn động. Từng tiếng dì nói ra, tôi không thể nào quên được. Cái nhà hương hỏa của ba tôi sắp bị chủ nợ siết. Thằng út có khi sẽ không được đi học nữa. Còn tôi? Còn tôi trở thành người cứu nạn cho họ nếu tôi trở thành con dâu của bà Hai? Đầu trên, xóm dưới ai mà không biết bà Hai cho vay tiền lời cắt cổ! Dì chơi bạc chơi đề sướng tay rồi cái nợ lại bắt tôi ra lãnh.

Mở mắt, tôi mơ màng thấy dì đang chậm mồ hôi trên trán cho tôi. Tôi chẳng muốn tỉnh dậy nữa, mắt lại nhắm nghiền, uể oải. Trước đó dì gằn giọng ép buộc chứ nào có phải hỏi ý. Dì nghiến răng nhấn mạnh: “Cái nhà này sắp bị người ta siết rồi. Mày nghỉ học đi, con gái học chi cho nhiều. Mày về nhà bà Hai làm dâu cho tao”. Nhưng lúc chậm mồ hôi, dì chỉ còn cái giọng âu sầu: “Mày thấy đó, tao nuôi mày, cho mày ăn học như lời ba mày trăng trối lúc hấp hối. Giờ mày về nhà bà Hai xóm trên làm dâu đi. Mày vừa có được tấm chồng giàu, sung sướng cuộc đời, mà cũng cứu được tao, cứu được cái nhà hương hỏa này”.

Tôi cũng muốn sung sướng như lời dì dỗ ngọt. Nhưng về bên nhà chồng, hôm đầu tiên tôi đã phải dậy từ sáng sớm, quét dọn căn nhà năm gian, đi chợ, nấu ăn. Bà Hai vàng đeo đỏ tay nhưng ăn uống thì hà tiện. Tiền đi chợ, bà ta còn ngờ tôi bỏ túi riêng tiền dư mấy lần. Được là chồng tôi, có vóc cao lớn, khỏe mạnh. Bà ta đặt cái tên “Được” cho anh ta quả không sai. Anh rất “được”. Tôi thấy anh đi cả ngày, chủ yếu chơi bời đá gà, đề đóm. Nhưng bà vẫn khen anh “được!” vì không chỉ giỏi gian lận ăn được tiền thiên hạ mà còn giỏi đòi nợ. Đâu ai dám quỵt nợ tiền bà Hai. Được chỉ cần vác theo con dao, kèm bộ mặt bị mấy đứa nhỏ đồn nhau là “đầu trâu mặt ngựa” đến nhà thì khó khăn cách mấy, người ta cũng phải xoay xở để trả.

Đúng như lời bọn trẻ, Được có cái mặt dài như mặt ngựa. Đêm tân hôn, tôi khóc thét vì đau và hoảng sợ. Được cười sằng sặc vì lần đầu được biết cơ thể đàn bà. Tôi van hắn tắt đèn để tôi khỏi lầm tưởng mình đang lên giường với một con quỷ dưới địa ngục. Hắn hùng hục thúc sâu như cách con trâu, con bò cày ngoài ruộng. Nước mắt khi ấy trào ra vì đau đớn và tủi nhục.

***

Đã có lúc Phương vờn đùa với chiếc bóng trên tường vôi trắng. Người ta gọi người vợ góa chồng là sương phụ, nhưng Phương nào có u buồn như sương lạnh mê man. Sau ngày chồng chết, Phương vui hơn nhiều. Phương đã nhìn cơ thể cong mềm của mình trên bức vách. Phương ước mình có con để ầu ơ bế bồng, chôn đi nỗi buồn những đêm trơ trọi thế này. Phương nghĩ đến Thắng. Phương ước mong từ chiếc bóng trên vách, Thắng bước ra và trở thành chồng của mình, cho mình đứa con bé bỏng.

***

Những đêm nhái kêu sau trận mưa là những đêm khó ngủ. Tôi trở mình rồi lại nhớ Thắng. Tôi nhớ lại cái hôm mà chúng tôi gặp được nhau. Sau khi cưới độ vài tháng, Được ép tôi đi ra thị trấn, hành nghề tiếp bia, tiếp rượu cho khách ở cái quán karaoke lổn nhổn kẻ ra người vào. Từ ngày lấy chồng, tôi không còn được thấy phố xá Sài Gòn. Ngày đầu đi làm gái bia ôm cũng là ngày tôi được ra khỏi cái ấp tù túng. Tôi còn tưởng Được đưa tôi đi chơi. Được ép tôi đi làm mỗi đêm và giữ hết tiền khách cho và tiền lương của tôi. Cứ sáu giờ chiều, giở trăng giở đèn, tôi lại được đưa đi hành nghề. Giặt xong một thau đồ, người tôi choáng váng, tôi mong cái trán bắt đầu lên cơn sốt của mình sẽ cứu tôi một hôm thoát nhục. Được hất cái mặt ngựa, chửi đổng một tiếng rồi lôi tôi vào phòng, thay đồ. Có ngờ đâu cái ngày mệt mỏi ấy lại là cái ngày định mệnh của đời tôi.

Hè đã đến từ bao giờ, ve kêu inh ỏi cả một miền quê. Lá dừa xao xác đong đưa. Khi tôi vừa bước chân xuống xe, Được dặn dò hờ hững một câu: “Hôm nay tao đón muộn, xong việc cứ chờ ở đây”. Tôi mệt nhừ, không đủ sức gật đầu huống chi đáp lại tiếng “ừ”. Tôi gieo những bước nặng nề vào căn phòng đang lổn rổn những tiếng hát hò. Tôi tưởng mắt mình nhìn sai nhưng không, Thắng đang ngồi trong góc. Hai cô gái trẻ đã kịp sa vào vòng tay lơi lả của hai người khách. Và tôi sẽ tiếp người còn lại – Thắng. Anh tròn mắt nhìn tôi. Nhưng tôi van anh đừng hỏi gì, vừa nhục vừa mừng rỡ. Tôi ôm mặt khóc, mặc kệ.

***

Phương đã không còn thấy việc đi làm trở thành cực hình. Cả mùa hè ấy, ngày nào Thắng cũng đến quán karaoke của thị trấn để trò chuyện với Phương. Thắng chỉ còn mỗi cái cách ấy để giúp Phương. Phương nhớ thành phố, nhớ khung trời đại học, nhớ giảng đường giấu yêu mà e sợ rằng cả đời này không bao giờ được gặp trở lại. Thắng khơi lại bao kỷ niệm đẹp, làm cho Phương có cảm giác sinh viên thật gần gũi. Ngồi cạnh Thắng, Phương mơ hồ nhớ lại cái ngày làm đơn tạm ngưng việc học. Phương đã chậc lưỡi “tạm ngưng nhưng biết có trở lại được không, hay là ly biệt”. Phương cố gắng trụ lại Sài Gòn vài hôm với cái mong ước nhỏ nhoi sẽ tìm được một việc làm. Đứng giữa ngã tư, đèn đỏ, đèn xanh, rồi lại đỏ. Người người xe xe qua qua lại lại. Phương chẳng biết phải đi về ngả nào. Không một tia hy vọng việc làm. Phương chỉ là một sinh viên năm ba đại học, không công ty nào muốn nhận Phương. Họ cau mày bảo: “Chúng tôi cần một người có kinh nghiệm”. Đầu trâu mặt ngựa ở quê nhà đâu thể chờ Phương thực tập vài công ty để tích được kinh nghiệm rồi mới được đi làm nhận lương? Phương òa khóc cho thân phận trí thức, không cứu nổi bản thân giữa lúc túng thiếu thì sao có thể làm điều lớn lao?

***

Tôi chỉ nghe phong thanh Phương nghỉ học và lập gia đình. Năm cuối đại học, chúng tôi trân trọng từng khoảng khắc trên giảng đường vì biết sắp giã biệt những tháng ngày đẹp nhất, ùa vào đời. Người bạn gái thời cấp ba của tôi cũng đã lấy chồng, tay bồng tay bế từ lâu. Ở vùng quê, người ta dựng chồng gả vợ sớm, chẳng có gì lạ. Khi tôi được lên Sài Gòn, tôi thấy hiếm ai lấy chồng sớm. Trong lớp đại học, Phương là người duy nhất lập gia đình và từ bỏ ghế nhà trường. Phương đã không thể học xong chương trình, tiếc thay. Đối với tôi, kiến thức mà chúng tôi học được quan trọng hơn, thể hiện cái tầm của trí thức. Xã hội ngoài kia lao nhao trọng bằng cấp, và thế là người ta bị cuốn theo. Ngán nỗi mấy cái thằng công ty tư nhân gần đây nổi lên như cồn. Bọn nó không cần người trẻ bằng cấp. Bọn nó chỉ cần người trẻ có sức và có kinh nghiệm, để nó tha hồ bóc lột, thế là bao nhiêu người bỏ trường, bỏ lớp để đi làm. Thương cho Phương, giá như Phương được lựa chọn, thì đâu phải khóc giữa ngã tư dòng đời.

Ngày gặp lại, Phương kể hết nỗi lòng. Tôi đến với Phương vào mỗi buổi tối vì không thể để một nàng thơ chết dần chết mòn ở cõi địa ngục. Đến một ngày Phương nói Phương trót yêu tôi thì tôi nhận ra mùa hè đã sắp hết. Tôi phải quay về Sài Gòn để tìm việc làm. Tôi cũng yêu Phương. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ yêu Phương. Có ngờ đâu chúng tôi sẽ yêu nhau trong hoàn cảnh trái ngang thế này. Em nói em vừa hạnh phúc nhưng cũng vừa tủi nhục. "Người ta lấy điếm để làm vợ, đâu ai lấy vợ về làm điếm bao giờ." Tôi cười nhẹ, khuyên Phương không biết bao nhiêu điều. Tôi sợ.

***

Chịu đựng đến ngày giỗ đầu của chồng là quá đủ. Phương muốn thoát khỏi căn nhà ngói năm gian này lâu lắm rồi. Phương có làm gì nên tội nhưng bà Hai cứ nguyền rủa Phương cái tội sát phu. Cũng vào cái đêm cuối cùng Thắng ở lại quê, hôm sau sẽ lên lại Sài Gòn, lòng Phương buồn vì đêm mai không còn trong vòng tay của Thắng. Nhưng Thắng còn buồn hơn vì mai đây người mình yêu sẽ trong vòng tay người lạ. Nghĩ đến thôi, Thắng đã muốn điên loạn, đau đớn. Trong tình yêu, có thể không có sự sở hữu lẫn nhau nhưng đây không phải là sở hữu mà đây là nhắm mắt chấp nhận để người yêu vùi mình vào hang hùm. Được đã không đến chở Phương về vào đêm ấy. Hắn ta đã chết trong nhà thương.

***

Tôi không khóc, không thể nhỏ một giọt lệ nào cho Được, người tôi đầu ấp tay gối mỗi đêm. Có bao giờ nằm bên Được mà tôi thực sự xem hắn là chồng đâu. Hắn ập thân hình thô thiển lên tôi đến độ khó thở. Hắn cũng không xem tôi là vợ, chỉ xem tôi như một con điếm giúp hắn chứng tỏ mình là đàn ông và xem tôi như con nợ giúp hắn thỏa mãn cái thói vung tiền. Người ta kể lại, Được và mấy thằng bạn khích nhau đua xe, lạng lách. Đi đêm thì có ngày cũng gặp ma! Được hóa ma để được đoàn tụ với bọn chúng.

Tôi không phải đi làm điếm để nuôi chồng. Tôi trở thành con sen hầu hạ mẹ chồng. Tôi biết bà ta muốn tôi trở thành con ở hầu bà cả đời nhưng cũng trăn trở về khối tài sản của mình sẽ ra sao. Tôi chỉ muốn thoát khỏi nơi đây. Trong những giấc mơ tôi thấy mình được gặp lại Thắng, trên sân trường đại học. Anh trao cho tôi cuốn sách rồi quay mặt bỏ đi. Tôi cố gắng gọi Thắng, níu giữ anh lại. Tôi sợ anh sẽ đi mãi. Nhưng nếu tôi biết đó là mơ, tôi sẽ không thức nữa, sẽ chạy theo Thắng cho bằng được để nói: Hãy cho em đi theo, cho em được bên cạnh anh.

Thắng chỉ về quê thăm gia đình có một lần mỗi tháng. Nhưng anh nói, mục đích chính vẫn là thăm tôi. Giữa phiên chợ kẻ qua người lại, chúng tôi chỉ nhìn nhau, có những lời không thể nói trao qua ánh mắt. Nếu anh là Dũng, tôi cũng van xin mình được là Loan để có thể trở về bên Dũng (*). Những lần gặp Thắng là những lần tôi cảm giác Sài Gòn thật gần gũi, giảng đường không còn là giấc mơ. Tôi lại nhớ những hôm trời nắng thiêu đốt cả Sài Gòn, đứa thì cặm cụi ghi chép bài, đứa thì ăn vụng cái bánh cái kẹo,… lời giáo sư giảng đã trôi mênh mang trong cái nóng. Chiều tan học, lũ sinh viên ùa ra phố tìm quán cơm bình dân, trở về kí túc xá cười đùa. Thời ấy xa rồi, xa rồi Thắng ơi. Ước chi ta quen nhau từ thuở ấy để giờ đây mỗi đêm ngủ có kỷ niệm mà nghĩ về. Tôi không thể chịu đựng nổi nữa. Tôi phải thoát khỏi nơi này, phải lên Sài Gòn kiếm tiền và bước đi bên cạnh cuộc đời Thắng.

Cái thai là thứ tôi mong đợi. Tôi đã ao ước có con, dù cực nhọc ra sao đi nữa miễn sao đó là con của tôi và Thắng. Bà Hai tức lộn ruột quát tháo đứa con dâu thất tiết. Và tôi chỉ chờ bà đuổi ra khỏi nhà, xem như đôi bên đồng lòng đoạn tuyệt. Khói trên bàn thờ vẫn nghi ngút, tin đồn vẫn bắt đầu lan truyền. Nếu tôi không thoát khỏi nơi đây, dì sẽ không để cho tôi yên. Trong lúc đầu tôi nhiều mối lo nghĩ thì cái tiếng quát: “Mày biến đi cho khuất mắt tao!” vang lên.

***

Lần này mở mắt, Phương chỉ nhìn thấy mỗi màu trắng của nhà thương. Hình như, Phương biết mình đã hôn mê rất lâu. Cô lắng nghe sự thinh lặng quanh mình, từng tiếng một càng lúc càng rõ hơn:

- Tình trạng cô ấy sao rồi bác sĩ?
- Cô ấy sẽ sớm hồi phục. Báo cho Thắng một tin vui, cô ấy đã có thai được hơn một tháng, tim thai đang khỏe mạnh. Chúc mừng Thắng!


Viết cho những ngày băng bó.

Tháng 9, 2018

Lý Minh Kỳ.

 

 

 

 (*) Dũng và Loan là nhân vật tiểu thuyết "Đoạn Tuyệt" (xb 1936) của Nhất Linh

 

Ý kiến bạn đọc
13 Tháng Chín 20181:21 CH
Khách
Truyện hay lắm.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Giêng 20229:38 CH(Xem: 8737)
“Trong khi giáo hội từ lâu đã nói rõ với thầy rằng nếu buộc phải xen vào việc chính trị, quyền bính, thì phải yêu cầu đồng thời cả hai phía đang đánh nhau kia bỏ dao, bỏ súng xuống, để cùng cứu toàn thể chúng sinh, chứ không chỉ yêu cầu có một bên, để rồi khi một bên có chính nghĩa yếu đi, thì bên tà quyền kia sẽ tiêu diệt họ, đầy đọa muôn dân toàn cõi chìm trong bể khổ, khi chúng nắm quyền bính được trong tay,” Công Lý nói thêm.
02 Tháng Giêng 20223:37 CH(Xem: 9002)
Một chương trình đại nhạc hội vinh danh, một loạt series trên truyền thông và truyền hình với vợ con cùng xuất hiện ôn lại thành tích và vinh quang của một đặc tình cỡ tá với hàng chục năm hoạt động, chui sâu leo cao ngay trước mũi phản gián của họ, rồi một chỗ làm mới chính danh và một tương lai không tồi ngồi sau một chiếc bàn đầy quyền lực. / Chen Li điểm lại những thông tin mới mà người điều khiển nói với y, trong lần liên lạc truyền tin mới nhất, mà hôm nay y sẽ phải hồi đáp cụ thể bằng hành động, bởi vì vé hồi cư cho y và gia đình, cùng các giấy tờ và tiền bạc, thẻ tín dụng ngân hàng v.v… cũng đã được gửi tới tay y theo đường giây, y hẹn.
24 Tháng Mười Hai 20214:53 CH(Xem: 9386)
“ Anh sẽ về trên chuyến bay DL1111, đến Phi trường TSN vào 10:45 pm ngày 22/12. Sẽ kịp đón Giáng Sinh cùng em . Nhớ và yêu em thật nhiều. Phan Vũ.” Bức email chỉ có vài dòng như thế, nhưng Vy đọc đi đọc lại mãi không chán. Cô nhảy chân sáo khắp nhà, cười khoe tíu tít với mọi người. Chỉ còn hơn một tuần nữa thôi, là cô sẽ gặp lại anh sau 4 năm dài xa cách. Giáng sinh năm nay là Giáng sinh hội ngộ và cũng là ngày dạm ngõ của 2 gia đình. — Tiểu đăng khoa rồi đại đăng khoa nhé. Nhất anh Vũ của mày. — Thế là một con cá lại mắc câu. Bạn bè mỗi người một câu , trêu cô. Cô mỉm cười , hồng đôi má.
24 Tháng Mười Hai 20213:50 CH(Xem: 9240)
Bi quay sang nhìn bạn, đằng sau ồn ào bên ngoài còn có một nỗi buồn gì đó. Mà cũng lạ, cô giáo cho thằng khỉ rệp nửa máu Ả Rập này đóng vai Giuse chẳng khác nào chưởi bố dân Do Thái! Ông Giuse biết được chắc phải cựa mình húng hắng ho dưới mồ. Ngoài tên và họ tìm hoài không thấy một mẫu tự latin: Mustapha Khalid Mahomed, nó còn có một bộ tóc đen quăn tít như những chiếc lò xo nhỏ mọc lộn xộn trên đầu, đặc thù của giống Bắc Phi. Ông bố Maroc mà biết đươc thằng con yêu dấu đóng vai Do Thái, dù là thánh Do Thái đi nữa, hẳn sẽ đứng tim trào máu họng! Được cái những “linh kiện” còn lại là của bà mẹ Tây Phương chính hiệu nên trông nó không đến nỗi quá lộ liễu: mắt xanh, mũi lõ, da trắng hồng, môi đỏ thắm.
08 Tháng Mười Hai 20219:20 CH(Xem: 9747)
Tôi vừa gặp một người có ít nhiều liên quan đến quãng đời xưa cũ, xa lăng lắc của mình. Đang đứng tần ngần nhìn các cây thông Giáng Sinh bằng nhựa đủ kiểu, đủ cỡ bày trong một cửa tiệm, chưa biết lựa cây nào thì tôi nghe có tiếng người hỏi từ phía sau: – Xin lỗi, cậu là cậu Việt, phải không? Tôi hơi giật mình, quay lại, thấy một người đàn ông đứng tuổi mà trước đây tôi chưa bao giờ gặp. – Dạ phải. —Tôi e dè đáp. – Tôi hơi đường đột, cậu bỏ qua cho. —Người đàn ông nói tiếp— Tôi là Nhơn, em của ông Quới, trung sĩ Quới ngày trước làm chung chỗ với ông thân của cậu.
23 Tháng Mười Một 20214:03 CH(Xem: 9471)
Chi bằng dành dụm tiền đi học luật, sau này sinh nhai bằng nghề thầy cải nhưng gã không màng, lại dốc hết tiền túi để xuất bản một tập thơ. Tập thơ là một tai họa, mỗi dòng chữ trong thơ là một nỗi cô đơn. Ngay đến xã hội gã đang sống nhưng gã luôn đắm chìm nỗi cô đơn trong đó. Gã đứng giữa đám đông nhưng luôn cảm thấy mình lạnh lẽo như đang đứng trong bốn vách tường lạnh lẽo này . Gã biến cái thuần túy cô đơn thành tâm hồn, như một thực tế bên ngoài thế giới, toàn bộ cuộc sống của gã như tan chảy vào trong. Đứng giữa đám đông nhưng tâm hồn gã luôn bất an, muốn đạp bằng tất cả mọi tầm thường, dung tục. Gã từ chối mọi thống trị của cái hời hợt, nông cạn của những thị hiếu tầm thường, chây lười , những đua đòi dục vọng thấp hèn của đám đông khiến gã chán ngán quá đổi.
23 Tháng Mười Một 20213:54 CH(Xem: 11695)
— Về Việt Nam để mua đất đầu tư... Đó là câu nói anh lặp đi lặp lại không biết chán trong những cuộc chuyện trò giữa hai vợ chồng. Bao nhiêu lần , chị nhẹ nhàng nhắc nhở cho anh nghe về chế độ mà cả anh và chị đều hiểu rất rõ ràng. Nhưng anh dường như quên tất cả . Anh tặc lưỡi , cố chấp : — Ngày trước khác. Bây giờ mọi thứ đã thay đổi hết.
18 Tháng Mười Một 20214:08 CH(Xem: 11282)
Chúng tôi đang ngồi trên bãi cỏ ven bờ hồ Xuân Hương, ngắm mặt nước phẳng lặng như chiếc gương khổng lồ. Bãi cỏ xanh dày mềm mại, sạch sẽ êm ái giống một chiếc đệm tuyệt hảo. Đầu tôi chợt nảy ra ý nghĩ, nếu bây giờ mà hai đứa tuột phăng quần áo, cùng nhau lăn lộn, làm tình trên đó thì thú biết bao. Nhưng trên con đường vòng quanh hồ, buổi sáng người xe vẫn thong thả qua. Không ồn ào gào rú như nơi thành phố chúng tôi sống. Những người, những xe lướt đi, tiếng động cơ như vọng về từ nơi xa lắm…
01 Tháng Mười Một 202111:35 CH(Xem: 10493)
Với thời gian, đất nước dung thân sẽ là mồ chôn của nền văn chương bại trận. Hết một thế kỷ, những viên ngọc văn chương chiến bại sẽ bị rong rêu phủ kín dưới đáy đại dương, trong ngõ ngách u tối của một chiếc tàu đánh đắm. Những người trẻ không cùng ngôn ngữ sẽ không ai tìm đọc những áng văn mượt mà óng ả của ông Catca. Có lẽ những nhà nghiên cứu sử sẽ dùng máy móc hiện đại để làm công việc dịch thuật nhưng làm sao máy có thể đọc giữa những hàng chữ để hiểu được thâm thúy câu truyện?
19 Tháng Mười 20217:06 CH(Xem: 11921)
Anh không mất công hay thì giờ gì mấy để làm quen với cô. Vài tuần trở lại đây, anh để ý thấy cô bắt đầu chạy trong công viên này và nhiều lần ngồi nghỉ ở cùng một chiếc ghế đá với anh. Cô không tỏ ra e dè gì khi phải chia chỗ ngồi với một người đàn ông xa lạ. Mỗi lần tình cờ cùng ngồi xuống băng ghế đá, cô đều nở một nụ cười khá thân thiện với anh. Nụ cười của cô đặc biệt ở chỗ là tuy rất dễ mến, nó không có vẻ gì mời gọi một cuộc nói chuyện nào cả. Nó không tắt ngúm ngay làm cho anh cụt hứng, nhưng nó cũng không kéo dài để anh có dịp bắt chuyện với cô. Tuy vậy, anh không muốn tỏ ra là một kẻ thiếu lịch thiệp, không phải đợi cơ hội mới cho thấy rằng mình cũng có khiếu ăn nói. – Chào mừng cô đến với công viên Griffith —Một hôm anh quyết định đi xa hơn những nụ cười xã giao.