- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Không Có Cửa

26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 29327)

1. NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐỒNG ĐIỆU

Đúng ra thì Toro không có trong danh sách những điều cần biết trước khi chết. Tôi cũng không có danh sách đó. Dun rủi sao mà gặp một nhà tài trợ lãng mạn, tuy làm việc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, rất có lòng với văn học nghệ thuật, đặc biệt thường ra tay cứu giúp những kẻ sĩ cơ nhỡ.

Chưa đầy 40 tuổi nhưng ông ta vững vàng với một gia đình hạt nhân đẹp như chuyện cổ tích. Một người vợ có học, hai đứa con khoẻ mạnh, một ngôi nhà có bề ngang bằng bề dài của hai cái nhà tầm tầm, còn bề dài thì bằng bề ngang lũy thừa n. Tranh quý trên tường, thảm dầy dưới sàn, đèn chùm trên trần, phòng khách 1, phòng khách 2, vườn trước, vườn sau, thư viện ở tầng hầm, xung quanh là khu nhà giàu với những con đường đi dạo dành cho kẻ no đủ muốn chạy bộ cho thon và thiếu nữ đùi đẹp dẫn chó đi vệ sinh. Tôi biết những chi tiết này qua mớ ảnh ông ta cho xem.

Với một người viết thập thò như tôi, nhà tài trợ gợi ý một quyển tiểu thuyết 300 trang, chủ đề xoay quanh cuộc chiến tranh trong lòng người Việt Nam hoà bình. Tác giả phải làm sao khui bật ra hình ảnh những thân phận, những kẻ sa cơ trong một xã hội Tây phương có nhiều hơn đủ, những hỗn mang trong lòng người Việt Nam đang sống ở một góc an lành của địa cầu. Trong chuyến về thăm nhà 8 tháng trước, qua một quá trình giới thiệu nhiều tầng, nhà tài trợ đã móc tôi ra từ một con hẻm lèng phèng của thành phố, làm giấy tờ bảo lãnh, mua cho cái vé máy bay, đón ở phi trường Toro lúc 1 giờ khuya, ấn vào túi áo khoác một xấp tiền mặt, đưa về trại sáng tác tế bần ở đường Cedric, bảo cái cuộc chiến tranh đó - với bối cảnh Toro và nhân vật Việt – nên kết thúc trong thời gian tối đa là 6 tháng.

Tôi không biết trong ngôi nhà tình nghĩa của nhà tài trợ đã có sẵn hai tay sa cơ lỡ vận. Khi tôi bước vào, đồng hồ trên tường gõ hai tiếng thánh thót. Một người đàn ông mặt mũi nhá nhem từ trên cầu thang bước xuống, đầu cúi gầm, hai ống chân đâm ra từ hai lỗ quần đùi rộng, tay phải cầm cái tô. Chúng tôi chào nhau, tôi chìa tay ra, lúc ấy va còn hai nấc thang nữa mới bước đụng sàn nhà tầng trệt.

Va chuyển cái tô sang tay trái, bàn tay chìa ra cho tôi bắt hơi khô, không có nhiệt độ rõ rệt. Trong khi người đàn ông bưng tô biến vô gian bếp phía sau, nhà tài trợ làm cử chỉ tổng kết vẽ một vòng giới thiệu phòng khách. Màu chủ đạo là đỏ, điểm xuyết một cái bàn thấp hình chữ nhật màu đen trấn trên sàn gỗ đánh vẹc-ni vàng nâu. Am, nhưng sẽ cho cảm giác oi nếu nhiệt độ vượt quá 20. Không có chi tiết nào khác, kể cả ghế ngồi. Tôi nghĩ nhanh, được, có vẻ Yamamoto hoặc Watanabe, hay Yukio Mishima thì cũng vậy, nơi này mình sẽ hara-kiri đây. Nhà tài trợ giục lên tầng trên, lướt ngang qua hai cửa phòng he hé, chỉ tay vào cái ổ đã được chuẩn bị tươm tất nằm ở cuối dãy, xong chào tạm biệt.

Tôi đã bắt đầu mùa hè ở Toro như vậy đó. Phải mất cả tuần lễ để điều chỉnh đồng hồ sinh học, nhưng chỉ cần nửa buổi để nắm tình hình dân số và sinh hoạt thường ngày trong nhà tình nghĩa. Ngoài người đàn ông có bàn tay khô mà tôi đã gặp 2 giờ sáng lúc mới đến, còn có một trung niên thi sĩ ban ngày ngủ và làm thơ, ban đêm làm thợ ở một cơ sở chế biến thực phẩm. Đại khái là ông kia biến đi buổi sáng lúc ông này về nhà từ ca đêm trước giờ cơm trưa. Nói tóm lại tăng ni trụ trì cùng một chùa, dùng chung bồn tắm bàn cầu lavabo robinet và các thứ còn lại trong nhà bếp, hiếm khi tập họp đủ mặt trừ hai ngày cuối tuần.

Xem nào, 6 tháng cho 300 trang tính ra mỗi tháng 50 trang, mỗi ngày xỉu xỉu 2 trang. Được, dư sức. Thậm chí còn dư thì giờ để lần theo cẩm nang du lịch đi tàng tàng trong High Park hoặc lần mò vô làng Kleinburg tìm ngôi nhà gỗ thơ mộng của vợ chồng McMichael xem bộ sưu tập tranh phong cảnh của nhóm 7 người, hay đi phà ra đảo kiếm màu xanh lá cây. Lẽ ra tôi đã bắt đầu làm việc sau tách cà phê buổi sáng đầu tiên ở Toro, nhưng cái tủ lạnh trống hoác khiến tôi quyết định đi chợ. Trong gian bếp hẹp, tôi gặp lại người đàn ông tay khô bưng tô. Chân dung va nhìn từ dưới lên cách hai nấc thang trong ánh sáng vàng khè của ngọn đèn tường đêm hôm trước, đã khác nhiều sáng hôm sau trong nắng sớm mùa hè. Tôi táy máy đặt va lên cùng một mặt phẳng, gạch đường chân trời làm chuẩn. Phối cảnh, nhìn từ bàn ăn, lúc va đứng châm nước sôi vào phin cà-phê cho thấy – qua lăng kính của người thiếu ngủ sau cuộc hành trình triền miên mấy chục ngàn cây số – một cơ thể khá tráng kiện nhưng hơi xiêu vẹo ở phần vai. Hình như một bên rớt một bên rút. Cũng chẳng biết nữa, tôi nheo mắt để điều tiết rồi cho đồng tử dãn. À há, một bên rớt một bên rút. Trong cự ly hai mét rưỡi tôi phác nhanh cái đầu tóc đinh muối tiêu - hơi ít tiêu nhiều muối, mắt mí lót viền hai hốc cạn – tuy thiếu tinh anh nhưng không thể cho là u ẩn, một đôi mắt không gây ấn tượng gì đặc biệt. Điểm nhấn nằm ở răng; môi trên bấu vô, môi dưới đỡ, chăm chăm níu hai dãy răng sứ trắng ỡn vốn không có dấu hiệu gì sắp lọt ra ngoài. Với cấu trúc gáy hơi gập, va không nhìn thẳng theo đường chân trời mà vục mặt xuống rồi bắn ngược ánh nhìn lên, trông thật vất vả cho người nhìn lẫn người bị nhìn.

Tôi đi chợ, bằm xắt xào nấu chuẩn bị bữa ăn cho cả chùa, gọi là thí phát cúng dường. Tăng ni thọ trai chung ngày hôm đó. Chẳng ai nói gì, chắc lo giữ giới. Cuối bữa va nói thích món canh. Trung niên thi sĩ lừng khừng đi ngủ lúc còn nắng chiều, sau khi hứa cuối tuần sẽ đưa sư nữ đi chơi.

Sáng ngày thứ hai, nhìn xuống đường từ cửa sổ phòng, tôi thấy va rời nhà. Đầu cúi cúi, vai rút vai rớt, một tay thọc túi quần soọc, một tay đu đưa, lòng bàn tay lật hẳn ra sau. Bay vào phòng tắm tôi bắt đầu chùi tẩy cái bồn đóng cáu đen sì, chắc đã lưu niên để vậy. Coi như cuộc chiến tranh trong lòng người Việt nam hoà bình chưa bắt đầu được chữ nào. Ngày đầu tiên đi chợ nấu ăn, ngày thứ nhì làm vệ sinh nhà cửa. Buổi chiều đọc bậy bạ một tí rồi xem phim tài liệu về Frida Kahlo. Lẽ ra thì không nên ngồi thu lu trong phòng. Mùa hè bên ngoài coi bộ vui. Toro có thời tiết chuyển xoành xoạch, mới nắng chang chang bỗng âm u. Riêng chiều nay gió quật phần phật. Đổi bối cảnh cũng thú, nhưng tưng tửng ở nhà đi dạy kèm cũng khoẻ. Lâu rồi chẳng đẻ đái được gì, cũng bởi nhà nước quản lý nhân dân làm chủ. Hiến pháp điều 2 khẳng định: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, điều 4 xác quyết: Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Hiểu chết liền! Cánh tay văn học miền Nam trước 1975 bị đoạn chi, sau được nối dài ở hải ngoại, hơi lặt lìa vụng vết chỉ khâu. Nhà tài trợ cảm cảnh, muốn cấy thêm phôi cho cánh tay tàn tật hay muốn cứu người tàn tật thoát cảnh ghép phôi, có Trời biết. Để coi đường Cedric này đi về đâu. Bắt đầu đi! Đừng đổ thừa bàn này cao, còn bàn kia thì thấp quá; hôm nay gió quá còn hôm qua thì hơi bị oi; quần lót chưa giặt; mặc áo ngủ đi ra đi vô bất tiện cho sư sãi, còn mặc đồ tươm tất có nịt vú thì cụt hứng không phát tiết được thứ gì ra hồn.

Trọn một tuần lễ tôi cứ ngọ nguậy làm chuyện nọ chuyện kia mà chưa tìm được đúng thời điểm để ngồi vào bàn, dù là cái thấp dưới phòng khách Watanabe hay cái cao trên phòng riêng, dù thời tiết bức bức hay mang mang. Thậm chí tôi còn yên tâm tự nhủ mình đang thai nghén mà. Đúng lúc nó sẽ vỡ nước ối. Sinh đẻ sớm quá sẽ cho quả xanh, mất công chấm nước mắm đường; nhưng để lâu ngày e sẽ chín rục phải mang ngào đường làm mứt. Dị dạng bẩm sinh hay tật nguyền là một đứa con chẳng ai muốn đẻ, lỡ đẻ ra chẳng ai muốn nuôi, có nuôi cũng chẳng muốn nó sống. Chiến tranh trong lòng người Việt Nam hoà bình, nghĩ cho cùng, phải bắt đầu từ mình mà ra. Trong cái chùa yên vắng này, mỗi tăng ni đã là một chiến sĩ.

Va ẩn ẩn hiện hiện, hành tung khó hiểu. Thỉnh thoảng nghe nói chuyện một mình, giữa khuya cười khặc khặc như đang xem phim hài. Từ dưới cầu thang trồi lên lầu gặp ngay phòng va phất ra mùi ẩm của thảm trải sàn lâu ngày không được hút bụi, mùi mốc của sách cũ và quần áo bẩn. Sát bên là am của trung niên thi sĩ, im ỉm như tu kín. Liền vách là ổ của tôi ở đầu này, đối xứng với phòng tắm và nhà vệ sinh ở đầu kia. Va thường để hé cửa phòng; đi tiểu đêm liếc nhìn vô thấy hai ống cẳng lấp ló chò co bắt tội. Chắc va cũng đang rình tôi. Hai ba bữa mới ăn chung một lần; thường thì tôi rủ va ăn canh rau, còn va rủ tôi ăn thịt kho trứng vịt.

Trong tuần qua hai bên khám phá ra cùng thích Ingmar Bergman, thế là hăm hở lấy xe điện ra cinematheque để xem lại những cuốn phim kinh điển từ thuở thập niên 70 – kiểu Autumn Sonata hoặc Cries and Whispers – đại loại là ác mộng, dày vò, tan nát, trên cái phông màu đỏ máu theo cảm tác tranh của Edvard Munch, mà theo ý đạo diễn, là màu của nội tâm. Ra khỏi rạp hát, trong một quán cà-phê trên đường Lington, ác ni và ác tăng bàn về những cái đó. Ở góc ngồi thặng dư ánh sáng, tôi lấy tay che bớt một bên mặt, ngó va nói. Quan sát cận cảnh va là một chân dung có hột, một bức ảnh được rọi lớn từ âm bản nhỏ. Tàn nhang rải tận những kẹt hốc của các nếp nhăn trên mặt. Đôi mắt vốn không gây ấn tượng gì đặc biệt lúc mới gặp, nay thỉnh thoảng loé một tia dại dại.

Trong những dịp tiếp cận về sau, tôi lia ống kính càng lúc càng nhanh và zooming càng lúc càng gần. Biết đang bị quay phim, va tỏ ra mất bình tĩnh, đặc biệt những lúc chỉ có hai người. Cử chỉ hoá vụng về, các câu nói bỏ lửng khi chưa diễn đạt hết ý. Bộ phận mixer hình ảnh và âm thanh cũng ghi được nơi va một khả năng cảm thụ tinh nhạy đối với điện ảnh và hội hoạ. Riêng âm nhạc, va khoái Mahler. Khi một tiết tấu bốc lên chặp trúng mạch, các cơ mặt va giật giật, nước mắt ứa ra khoé, bàn tay không nhiệt độ bỗng nẩy lên, các ngón chụm lại, rồi cứ thế va điều khiển nó theo một đoạn du dương ưa thích. Chỉ là nhạc trong quán cà-phê thôi, Baker’s chẳng hạn, nhưng va có thể quên đi ngoại cảnh lẫn người đối diện.

Rốt cuộc tôi giải mã được cái thời dụng biểu bí hiểm. Sáng thức dậy khoảng 7 - 8 giờ, va biến khỏi nhà sau khi tắm một phát ra gì. Cứ nhìn nước bắn tung toé trên tấm màn nhựa với lai lông lá ngoằn ngoèo trong bồn tắm đủ hình dung tốc độ lẫn cường độ tắm táp của đương sự. Ngồi ở Second Cup đến cỡ 10 giờ va trườn qua thư viện Shchuka cách đó chỉ có mấy bước, đúng giờ mở cửa. Có khi trưa va mò về ăn cơm, hoặc không thôi thì chuẩn bị sandwich với một chai nước như đi dã ngoại, va lang thang đâu đó đến tận chiều tối, cơm xong lại biến – chắc lại Second Cup nữa hay Tim’s, Starbuck gì đó. Va tiết lộ đang dịch một quyển triết lý theo hợp đồng dài hạn với nhà tài trợ.

Thời tiết đã chuyển từ 30 độ hôm mới đến xuống 20 độ chỉ sau hai tuần. Liên tục mấy ngày, trời Toro sậm sì ẩm iu, mưa không ra mưa như ở Sài Gòn nhưng nước cứ lất phất, đủ liu riu để uống cà-phê phin không đường. Trời này có gây hứng; nếu ở nhà thì đỡ tưới cây nhưng ngại giặt đồ, ngán lê la đi dạy kèm từng nhà, chỉ muốn lè phè làm việc lặt vặt trong khi thả cho cái máy hát xà quần với nhạc không lời. Giữa lúc lục phủ ngũ tạng đang chùng xuống, sắp nhớ nhà, va gõ cửa phòng rủ đi dạo cho tiêu cơm.

Thung lũng Cây Tùng cách trại sáng tác tế bần 15 phút đi bộ. Om miết đường Ava cho đến lúc nó bị cắt ngang bởi Everden thì bìa rừng mở ra mênh mang với vô số đường mòn ngoắt ngoéo lùm buội hiểm hóc, nơi người ta có thể lang thang tới chết cũng được. Tăng ni đi lung bung một hồi trong xóm rồi quẹo vô cõi niết bàn. Trên lưng va lom khom cái túi đựng nước uống, CD nhạc cổ điển và một cây dù đen loại gấp nhỏ made in China, sợ mưa. Ngồi ở băng ghế gỗ ngó xuống thung lũng, chia nhau cái earphone để cùng nghe Kinh Cầu Hồn của Mozart, hai người làm nên một cặp trùng phùng trong toàn cảnh. Camera lấy góc chéo cho thấy qua màn nước li ti mỏng, nắng mùa hè lúc 8 giờ không chịu lịm xuống, hơi quai quái trộn với màu đêm đang mưng lên. Ac ni với cái earphone bên trái đang ngó sang cánh phải thung lũng, một vệt cỏ dài bỗng trắng do đèn huỳnh quang tạt tới từ sân quần vợt sau lưng; ác tăng với earphone bên phải bắn tia nhìn dội ngược khúc xạ sang cánh trái nơi có một rừng cây nhấp nhô dưới thấp.

Va đê mê, không biết diễn hay thật, trong khi tôi ngồi trân mình chịu. Lũng như sâu hơn đẩy màu đen trồi lên từ từ giữa lúc Kinh Cầu Hồn lạc điệu trầm nặng đổ rào rào như mưa trong một bên tai. Để yên cho va đắm đuối, tôi loay hoay xé miếng giấy từ quyển sổ tay, hí hoáy ghi:

Gió rười rượi với cỏ rờn rợn này sẽ khớp với nhạc cụ lẻ, những nốt rời chen nhịp rớt.

Sau đây là bonus Thực Đơn Âm Nhạc Theo Môi Trường, cất để dành xài:

Trời ui ui: uống cà-phê phin, nghe nhạc sến.

Gió biển, bãi cát mịn: bia Tiger, khô mực nướng, saxophone Biển Nhớ.

30 Tết âm lịch, nhiệt đới: rượu đế , củ kiệu tôm khô, mandoline/harmonica Xuân Và Tuổi trẻ.

Thu vàng 15 – 20 độ C: vang trắng, hải sản, tango/bolero.

Am 20 độ C, tuyết dày: lò sưởi, champagne, symphony/ concerto.

Một mình hoặc với một người: cúp cầu dao, nến, vang đỏ, đùi gà nướng, valse.

Gở earphone – làm như phải đọc bằng lỗ tai – va ngó chăm chăm tờ thực đơn tôi đưa, bỡ ngỡ như vừa bị lôi xuống cõi trần gian.

Trong lần đi tà tà khác, một buổi tối sau khi độn cành hông nước canh cải bó xôi và thịt bò xào củ hành, sư ông đường đột nắm tay sư bà giưã lối mòn dẫn vào niết bàn. Bẽn lẽn như thôn nữ, sư bà lần lần rút từng ngón ra khỏi bàn tay không nhiệt độ của hoà thượng. Va hỏi:

Bộ không quen nắm tay đàn ông hử?

Ơ…chỉ quen nắm đầu.

Cười hề hề. Rõ ràng là khác hẳn chính va mới gần đây thôi, mặt mũi chầm dầm nói năng ú ớ.

 - Bộ không có chút cảm xúc nào với đàn ông ư?

Hơi chợ trời, nhưng thôi kệ.

Ơ…ơ, cũng có khi cũng hơi hơi.

Im lặng một lát, va cắm cằm xuống ngực, ém giọng hơi:

Mấy hôm nay tôi có những cảm xúc dữ dội nhưng không để lộ.

Vậy chứ để đâu, ở trỏng hả?

Tôi chỉ vô cái bụng hơi phệ. Chỉ bậy bạ chơi chứ tôi biết tỏng trong đó có cải bó xôi, thịt bò, hành tây, kem vanille đại hạ giá 5 đồng 2 hộp trộn với sầu riêng 6 đồng rưỡi 1 kilo mua ở chợ Tàu.

Không phải tôi mê muội chuyện trăng gió đường mòn đến độ quên béng cái hợp đồng đã ký với nhà tài trợ. Đúng ra thì ngày nào cũng ghi ghi chép chép, lấy va làm nhân vật có chiến tranh trong lòng và thung lũng Cây Tùng làm chốn thanh bình. Trung niên thi sĩ chập chờn lúc tiền sãnh lúc hậu đường. Tuy nhiên phải thành thật mà nói, tôi có hơi đuối. Đã gặp gỡ một số người Việt Nam thất cơ lỡ vận ăn phúc lợi xã hội của chính phủ sở tại, đọc sách hàn lâm đi đi về về Việt Nam rao giảng tư tưởng văn minh xứ người, một số khác thành đạt tương đối có xe và nhà trả góp, dăm ba người xuất sắc gia tăng tài sản theo cấp số nhân với những đứa con có học vị cao lập gia đình với dân bản địa đẻ ra một mớ cháu nội ngoại không biết nói tiếng Việt. Tụ tập nhau mùa hè, họ nướng thịt ngoài trời, uống rượu các loại và nhắc về những quán ăn mới mọc ở Sài Gòn, khu thịt cầy cao cấp gần sân bay, hiện tượng văn học nữ Vi Thùy, Đỗ Hoàng – xoáy vào giới tính, nhân thân, ngoại hình nhiều hơn là tác phẩm; sa đà họ có thể rôm rả về các thể chế, phân tích phát biểu của các vị quốc trưởng, tiên đoán vận mệnh chính trị thế giới. Nét chung là ai cũng có niềm riêng nhưng chỉ là những nỗi buồn nghi ngút theo kiểu khói lam chiều, không đủ nóng để nhóm lửa hay khai hoả một cuộc chiến tranh. Sau hơn 30 năm, họ an phận rồi. Hình như đã qua rồi cái lúc trăn trở hội nhập, khắc khoải ly hương, nung nấu hận thù chờ ngày phục quốc. Tất cả những cái này, phải chăng là cái cớ để tôi bí tịt?

Hai tháng xa nhà mình nhớ gì nhỉ? Nhớ cái phòng khách mát mẻ ngó ra hàng hiên chữ L nhiều màu xanh lá cây, nhớ phòng tắm có mùi phèn ủ trong khăn lông, nhớ những buổi dầm mưa đi dạy kèm, nhớ nhạc cải lương nhà hàng xóm, nhớ nước nhỏ giọt mái tôn nắng khét hắc ín, nhớ dòng đường bất tận ken xe gắn máy nhả khói xăng phủ mờ những khuôn mặt bịt kín khẩu trang, nhớ tiếng rao hàng lủi thủi trong hẻm. Nhớ nó. Nó là tình cũ làm sao quên. Nó là tình lỡ. Nó đứng ngồi nằm bò trong những bức vẽ treo rải rác từ trên gác xuống dưới nhà, mắt ngó lom lom mục tiêu di động là tôi trong khi thỉnh thoảng tôi khựng lại một mục tiêu để ngó nó lom lom. Người đẹp trong tranh những ngày chủ đi vắng hẳn có lúc lách mình từ khung vải bước ra hàng hiên tưới cây, hút bụi nhà cửa, quét mạng nhện, cắm điện tủ lạnh, khui chai La Perouse nhậu tì tì một mình bên cửa sổ nhìn xuống con cá duy nhất lờ đờ trong hồ làm mồi, như vẫn thường, mặc xác ai đứng ngó. Mình mới là khắc khoải ly hương nè. Người Việt Nam hoà bình là mình đây – chiến tranh ỳ sèo trong lòng: thai ngoài tử cung, đẻ khó, tai biến hậu sản. May mà chưa rớ tới xấp tiền ứng trước của nhà tài trợ. An trước trả sau vừa mắc nợ vừa mắc nghẹn.

Cuối tuần, mới sáng ra đã thấy miếng giấy trung niên thi sĩ cài trên tủ lạnh:

Sư Bà Bà,

Xin Sư Bà cứ tự nhiên thời cơm lúc nào đói, đừng chờ đệ tử vể chở đi chơi Central Island như đã hứa.

Hôm nay đệ tử rời chùa sớm do có tí việc phải giải quyết ngoài chốn giang hồ.

TNTS

 

Thoát nạn. Coi như khỏi phải nướng người trong nắng hải đảo. Mấy ngày nay oi không chịu được. Nắng châm bẩm màn cửa, ngày hút vào tường đêm nhả hơi nóng đến tận khuya. Enviracaire đứng sừng sựng ở góc phòng quạt qua quạt lại hết công suất trong bán kính 180 độ không thấy thấm thía. Vậy thì chọn ngày hôm nay có được không? Tôi bóc điện thoại gọi nhà tài trợ xin một cái hẹn để thối tiền. Tôi sẽ hoa mỹ giải thích về nỗi nhục nhã bất tài, ân hận vì quyết định nông nổi, xấu hỗ trước bế tắc sáng tạo và tri ân lòng tốt vô bờ đối với cái người đã đặt quá nhiều kỳ vọng nơi một tác giả chưa có tác phẩm, người đã nhấp nhử mở cửa cho tôi ngửa mặt hóng gió.

Lúc biết tôi hủy hợp đồng quyển tiểu thuyết 300 trang chuẩn bị về lại con hẻm lèng phèng ở Sài Gòn, va có vẻ chựng một lát trước khi ấm ứ:

Chắc tôi cũng về Việt Nam chơi, sẵn dịch cho rồi phần sau của cuốn sách.

Ơ…, có về ghé chùa tôi chơi, trụ trì cũng được.

Xã giao xong mới biết mình hồn nhiên lỡ lời.Tôi nói càn:

Tu với tôi ông phải thức dậy 6 giờ sáng, không lờ tờ mờ ở quán cà-phê hay ngủ ngồi trong thư viện. Ngoài ra tôi sẽ hiện hình thành nhà giáo sau giờ ra chơi, khai tử …cái nhà kia.

Tốt. Đã biết ý nhau sau hơn 2 tháng sống chung trong trại sáng tác tế bần.

Tôi ừ hử, không tin tưởng ở viễn cảnh tốt đẹp nhưng thâm tâm lỳ lợm cho rằng có thể mang lại an bình cho va. Tôi lý giải, mình làm việc thiện mà, trước hết cho người đàn ông đang mắc bệnh trầm kha, kế đó cho chính tôi vốn cũng cần một người bạn để thỉnh thoảng leo lên cõi niết bàn nghe nhạc quí tộc, đàm đạo chuyện văn chương tư tưởng hay triết lý sự đời qua hội hoạ điện ảnh. Không việc gì phải lo. Về hoá tính tôi là khí trơ, về lý tính tôi có thể phát từ trường tự vệ, ở mặt võ nghệ tôi tinh thông Lăng Ba Vi Bộ không thua chi Đoàn Dự.

 

2. NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐIỀU ĐỘNG

Hai tuần lễ trước khi va về đậu tổ chim cút, tôi bắt đầu hoảng loạn. Trước hết tôi bắn cho va cái mail cảnh báo những tình huống tiêu cực có thể xảy ra do tác động ngoại cảnh, thời tiết, thì giờ và vô số những yếu tố khác; tôi cũng nhắc rằng mùa hè ở Toro đã qua rồi và sẽ không có cái gì na ná như thung lũng Cây Tùng để đi dạo sau mỗi bữa cơm tối hay để nằm trên bãi cỏ dài mút mắt nghe Lệ Thu – Khánh Ly ẻo lả với Hoài cảm, Hương Xưa, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, rằng không hề có mây ngàn bay theo gió gửi đâu nghe bởi vì tôi phải làm việc theo nhịp ba sáng-chiều-tối quay mòng mòng điệu luân vũ đến 9 giờ đêm mới bế mạc, rằng trời ơi khổ quá thôi thì cho nhau ảo tưởng một tuần có khi vỡ mộng trước khi hết hạn. Va lạc quan hồi âm, bảo hãy tạo điều kiện cho va thử đi rồi mới ra cớ sự.

Cái tổ chim cút coi nhỏ xíu vậy nhưng mãi đến hơn nửa đời tôi mới tha đủ cành cùi lá mục để bện đan cho ra vẻ một cái tổ. Trọn tầng trệt là phòng khách được biến thành chỗ dạy học tư gia, nhà bếp có lối đi riêng là một nhánh của hàng hiên chữ L. Tầng trên có 2 phòng ngủ nhỏ, nhà tắm chung với toa-lét ngăn nhau bằng cửa trượt, xung quanh nhiều dây leo xanh. Một tuần trước ngày va đáp, tôi xịt dầu nhờn vô tất cả các bản lề để khỏi phải nghe tiếng cửa sẽ mở đóng mà không phải do chính tôi lục đục. Tôi cũng tập cài chốt mỗi khi tắm hoặc đi vệ sinh. Mấy chục năm độc thân đã cho tôi những thói quen tất nhiên của một lối sống hoàn toàn hớ hênh, chỉ có những tấm kính soi phản chiếu chính tôi nhỏng nhảnh áo cánh trật vai hoặc vắt vẻo quần lót đi tới đi lui trong nhà.

Ngay trong taxi từ phi trường về, tôi lại nhắc: một tuần thôi nghe, ghê quá trời! Va hềnh hệch bảo ghê gì mà ghê, giọng chắc ăn. Xe đậu xịch trước cổng, hàng xóm hai bên chỉ trỏ Việt Kiều về, Việt Kiều về! Tôi cười nháy nhó ra bộ đồng loã với các cô thiếm mợ chị rồi mở cổng lách cách, tự nhủ mình đang dẫn trai về nhà. Trai đâu mà trai. Một lão muối tiêu, theo như tự bạch và dư luận, chưa lập gia đình lần nào. Cũng có những người đàn bà bay ngang qua đời nhưng không đậu. Va tâm sự, chưa có bà nào chịu để yên cho va mơ mộng. Với tôi, va khẳng định đã gặp một tâm hồn đồng điệu khiến va có những rung cảm sâu sắc.

Nhường cho va cái phòng ngủ phía trong là chung quyết sau rất nhiều cân phân. Phòng ngoài có nhiều phương tiện làm việc giải trí hơn, nơi tôi có thể lềnh bềnh theo thói quen mỗi tối. Dù chỉ một tuần, tôi không muốn cuộc sống riêng của mình bị nhiễu vì một người đàn ông vốn chưa tạo nơi tôi…những rung cảm sâu sắc. Hai phòng ngủ, tuy kín đáo và có cửa khoá, chỉ được ngăn bởi một vách mỏng không cách âm như mấy gian phòng của trại sáng tác tế bần đường Cedric. Đêm đầu tiên nghe tiếng thở phì phò của va tôi rọ rạy khó chịu với ý nghĩ có một thằng cha đang nằm ở phòng kế bên, ngay trong nhà mình – điều tôi đã không hề bận tâm suốt mấy tháng trụ trì cùng chùa với va và trung niên thi sĩ. Đêm thứ nhì vẫn ngủ chưa được vì va ngáy èng ẹt như bị bóng đè. Sáng ngày thứ ba gặp va ở đầu cầu thang tôi đề nghị:

Từ nay ông ngủ dưới nhà.

Va chưng hửng hỏi:

Sao vậy?

Thiếu kinh nghiệm chia không gian với động vật – tôi nhăn nhó; như thế này, ban ngày ông tọa ở trên tôi ở dưới, ban đêm ông ngoạ ở dưới tôi ở trên.

Ai nghe chắc tưởng tôi ví von chuyện gì thơ mộng.

Ngoài chuyện ngủ nghê, để tròn vai chủ nhà, mỗi ngày tôi tất tả ngược xuôi chuẩn bị các bữa ăn. Sáng đi chợ nấu nướng tưng bừng rồi bươn bả đi dạy kèm, tối nhào về dạy nhà. Hôm nào chưa kịp lo sẵn thức ăn, đêm về đứt hơi đành mua bạ trên đường đi một bịch phở riêng cho va. Vậy đó mà va ở nhà nằm chờ không động thủ làm món thịt kho trứng vịt hay luộc rau như đã từng. Đợi tôi dọn ra ngay ngắn, va ngồi ăn một mình trong khi tôi buông phịch xuống giường sau một ngày quá ễ.

Quái lạ là từ hôm bước vào cổng nha, va chưa nhón chân ra ngoài lần nào. Các cô thím mợ chị hàng ngày vẫn thấy thám tử xe ôm Văn Bình đến đón cô giáo đi dạy theo thời dụng biểu, học trò lớp nhà vẫn vô ra nườm nượp, thần sắc chủ nhà vẫn bình bình chưa thấy dấu hiệu náo động trừ nhịp đi chợ buổi sáng có nhặt hơn. Trước khi rước trai về nhà, tôi đã làm vệ sinh tư tưởng mấy cái đài phát thanh trong xóm, rằng có người bà con Việt Kiều về ở tạm vài hôm, rằng eo ơi cực lắm vì phải dâng cơm vào nước trong hoàn cảnh lu bu chằng chịt, rằng ông kẹ làm việc trí óc nên ít có nhu cầu đi chơi. Rõ ràng giấy khen Gia Đình Văn Hoá hàng năm có tác dụng bảo hiểm. Các bà le lưỡi hít hà thông cảm, ngán lắm cô à, gì chứ Việt Kiều thì tui có kinh nghiệm, không thấy có lợi chỉ thấy thất thu. Học trò tư gia nghe tiếng động trên lầu thiếu tập trung ngước lên trần nhà thắc mắc. Cô giáo làm mặt lạnh:

Tôi giết người giấu xác trên đó nhưng chắc nó sống lại rồi!

Mặc dù phòng kế bên không còn tiếng thở phì phò ban đêm, tôi vẫn cục cựa lăn qua trở lại bởi tiếng quạt trần quay loạch xoạch vọng ngược từ phòng khách trúng phóc chỗ tôi nằm áp tai. Không biết va làm trò thông thái gì với cái máy tính xách tay gần như suốt đêm, bóng đèn yếu kêu lè xè như bệnh nhân bị chạy điện. Vài tiếng đồng hồ tôi lại đi tiểu, thường khi phát giác bồn cầu chưa dội sóng sánh màu hổ phách, vòi nước phơi phới tuôn ở bồn rửa mặt, hoa sen nở toè loe toét loét trong xô nhựa, trào xịt lênh láng.

Thành thật mà nói, va ké né trong mọi sinh hoạt hoặc là tế nhị đến mức thu người lại để tránh làm xáo trộn cuộc sống riêng của chủ nhà. Thậm chí va không chủ động bước ra chợ nhỏ cách nhà 3 phút đi bộ, lịch sự mua con cá bó rau về điểm xuyết cho các bữa ăn chung. Va cũng không phụ rửa chén bát hay làm vệ sinh nhà cửa trong khi tôi quần quật miếng cơm manh áo. Mỗi tối dù mệt lả sau một ngày làm việc, tôi vẫn lau dọn tinh tươm lót ổ dưới nhà cho va. Hàng hiên trên lầu lúc nào cũng sạch sẽ, cây lá xung quanh tươi tốt, gió mát, bàn ghế kê sẵn để đặt laptop, đàn ghi-ta dựng kế bên để từng tưng giải lao. Thỉnh thoảng nghe róc rách, tôi lại bay vào phòng tắm hoặc nhà vệ sinh để khoá nước dội cầu.

Sáng ngày thứ tư tôi hỏi:

Hôm nay ông muốn ăn gì để tôi đi chợ?

Va nói:

Rau muống. Đơn giản thôi.

OK. Rau muống. Nhưng ông phải chịu khó lặt hộ vì đến 12 giờ trưa tôi mới đi dạy về; bỏ thì giờ lặt bó rau muống 2.000 đồng e trễ giờ cơm, trễ dây chuyền đến giờ dạy chiều.

Va nói:

OK.

Lúc tôi đi chợ về, va đang rải gam La thứ ngoài hàng hiên trên lầu. Cha, blues dữ he! Lên cầu thang, đứng chân trong chân ngoài ở thềm cửa, tôi chìa rổ rau. Va hỏi:

Lặt sao? Lá già bỏ, lá xanh giữ?

Tôi làm thơ:

Không, bây giờ là mùa thu, lá vàng xào tỏi lá xanh cho vô thùng hữu cơ.

Trong bữa cơm trưa với thịt gà kho sả ớt và rau muống già xào tỏi, tôi nói: còn 3 ngày. Va làm thinh. Buổi chiều xe ôm Văn Bình đưa cô giáo đi dạy sớm hơn thường lệ để rảo trong khu vực tìm nhà trọ. Qua giới thiệu của một phụ huynh, tôi tìm được một phòng nhỏ trên lầu 3 của một khách sạn mini, giá phải chăng, có máy lạnh, gần công viên, xung quanh quây quần đủ thứ dịch vụ: ẩm thực, điện thoại công cộng, photocopy, karaoke, cà-phê vỉa hè, giặt ủi, phân bón, cứu hoả, tiệm sách, bưu điện, nhà thương, viện ung bướu, nghĩa địa. Tôi nói với người quản lý, 3 ngày nữa người quen của tôi sẽ lấy phòng.

Cẩn tắc vô áy náy, không có ảo tưởng về bản thân nhưng đêm ngủ tôi khoá hai lần cửa phòng. On định tâm lý đưa đến kết quả lạc quan; sau hôm tìm được cho va phòng trọ, tôi ngon giấc những đêm tiếp theo, làm việc năng suất lớn, tập trung cao. Với một vài học viên thân cận, tôi úp mở tâm sự:

Đón xem giải phóng tập 2.

Thời điểm này có một vài người quen của cả hai từ Toro về chơi, tôi nhân dịp chọn ngày còn lại của va tổ chức một bữa ăn trang trọng lưỡng tiện, vừa đón khách phương xa vừa tiễn khách ở gần. Buổi sáng cuối cùng vừa gặp va ở chân thang, tôi nhắc:

Còn 6 tiếng. Tôi đã tìm được cho ông một phòng không xa đây lắm, có thể đi bộ 20 phút, khi nào muốn cứ việc trôi lình bình về chơi, cửa chùa mở rộng, nếu thích thì cùng thọ trai với Sư Bà Bà.

Không quan tâm đến những điều tôi vừa nói cũng không thắc mắc sẽ phải đi đâu, va hỏi:

Nói chuyện một tí được không?

Tôi nói:

Đến 9 giờ kém 15 thì được.

Va ngồi xuống ghế dựa cuối phòng, khuất trong hốc tối. Tôi vơi tay bật ngọn đèn treo. Anh sáng vàng 60 watts pha nhợt với nắng yếu buổi sáng làm da mặt va úa; chắc tôi cũng vậy. Va mở lời, trực khởi đề nghị chung sống. Va nói:

Phải cho tôi thời gian. Chuyện này cần dài ngày rộng tháng để có thể tìm hiểu, chia sẻ, chịu đựng và phát triển.

Tôi nín khe, cố tìm chữ đúng để điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa. Va hỏi:

Chắc có thấy thiện chí nơi tôi? Rất tôn trọng cuộc sống riêng của chủ nhà và làm tất cả những gì được yêu cầu.

Có, có. Rất thiện chí. Lỗi ở tôi không có nhu cầu chia sẻ, chịu đựng để phát triển.

Ngập ngừng một lát, tôi nói thêm:

Hiện giờ đây trên phòng tắm có…tsunami… như thường lệ mỗi lần ông bước ra. Hoa sen đang nở.

Va hử một cái rồi đứng bật dậy chạy lên cầu thang bỏ hai nấc một. Tôi ngồi chờ tự hỏi tại sao mình hành xử như vậy. Trở xuống, va xẻn lẻn:

Quên. Tôi hay dúi vòi hoa sen cho chảy trong xô nhựa rồi xối nước bằng gáo. Tôi thích xối gáo.

Tôi nói:

Ờ, xối gáo cũng thích nhưng sen nở toè loe đến nay đã 18 mùa hoa – xong chỉ ngón trỏ vào màng tang – hình như trục trặc ở đây?

Không, không, nhưng tôi cũng hay quên.

Lúc ở Cedric tôi rất thường bế vòi bỏ lửng ở bồn rửa mặt nhưng hoang mang về thủ phạm do có tên trung niên thi sĩ trụ trì cùng chùa. Nay thì đã rõ. Tuy nhiên vấn đề không nằm ở mấy mùa sen nở.

Chứ nằm ở đâu?

Nằm ở chỗ… ông không có gờ cho người khác bấu.

Suy nghĩ một lát, va như vỡ lẽ:

Đàn bà thường đòi hỏi quá sức người đàn ông.

Ong cần một người đàn bà biết thông cảm, để yên cho ông mơ mộng, vậy chứ trong lúc ông mơ mộng 24/24 thì người đàn bà đó làm gì trước khi tự sát ở giờ thứ 25?

 Ơ, nhưng mà….giữa chúng ta có những đồng điệu.

Mùa hè qua rồi.

Còn những mùa khác.

Đã được dự báo thời tiết.

Buổi toạ đàm này tổng kết một tuần thượng toạ trụ trì chùa sư nữ. Tôi đứng dậy vói tay tắt ngọn đèn 60 watts. Nắng 9 giờ sáng đã vô tận bếp, phải chuẩn bị nấu nướng. Khách mời đến đúng giờ; họ gồm 5 người, tất cả đều biết va rõ hơn tôi, sau 30 năm loanh quanh trong cùng một cộng đồng. Bữa cơm có bánh hỏi thịt xào, bún măng giò heo, một tí hải sản để nhậu vang trắng. Mọi người cười nói vạm vỡ, hỏi thăm nhau chuyện nọ chuyện kia. Về được bao lâu, mấy hôm nay làm gì đi những đâu, thấy Việt Nam bây giờ ngon chưa, xích lô đạp xe ôm đều chơi điện thoại di động, các em gái mặc áo hai dây, con cháu cán bộ có học bổng du học Mỹ Uc Canada không thôi thì cũng vô trường quốc tế, chủ nhà độc thân lâu ngày có khách ở chung vui hé, đành đoạn bẻ bút hả… Tôi cầm ly rượu giơ cao ngang mặt:

Tiệc này mừng bạn về xứ, sẵn tiễn ông kẹ đi chỗ khác chơi.

Nhao nhao:

 - Ua, vậy hả! Sao vậy?

Chơi với ông này không vui. Thử tưởng tượng coi, tôi tu hành lâu năm tinh luyện được một cục bự tự do, tự nhiên bẻ ngang cho va một miếng khơi khơi. Uổng!

Mặt va hơi đổi sắc, nhưng yên chí, tôi sẽ không nói gì thêm. Hình như mọi người chờ đợi một kết cuộc có hậu, tất nhiên không phải kiểu đề huề trai tài gái sắc, trai anh hùng kết gái thuyền quyên hay giang hồ gặp nữ tặc. Họ nghĩ đơn giản thôi, hai lọ muối tiêu không ràng buộc hôn nhân hay họ hàng, đã từng sống chung nhà ở Toro, tiếp tục ở Sài Gòn, thật tiện việc sổ sách. Va như nín thở chờ một câu xúc xiểm, nhưng tôi nâng ly:

Dô!

Khách lục tục ra về khi trời đổ hạt lâm râm. Một vị đứng nán ở cổng, chắc muốn nhắn nhủ riêng. Tôi hỏi:

Chẳng hay có điều chi bức xúc?

Chơi vậy có ác không?

Không, trái lại.

Khách quay đi, nhìn xa xăm. Tôi trấn an:

Thiệt mà!

Trong khi dọn dẹp mớ chén dĩa bừa bộn, tôi nhắc:

Còn 1 tiếng.

Va nói:

Trời mưa.

Tôi tự hỏi mình chơi vậy có ác không? Không, trái lại. Quyết định như vậy tôi đã cứu va thoát khỏi một người đàn bà vốn bị dị ứng với màu hổ phách bồn cầu, không đủ lãng mạn để bâng khuâng sen nở xô nhựa, bồi hồi thu vàng rổ rau. Người đàn bà này có nguy cơ lôi va xuống từ cõi trên, bắt va ngủ thức đúng giờ, làm việc có hiệu năng, biết vệ sinh cá nhân và nhà cửa, ít nhất có thể tự lo chuyện ăn uống thay vì nằm chờ một bịch phở được mua dọc đường. Va sẽ không phải lựng bựng tư duy mình ngáy nhỏ hay to, ở Sài Gòn hay về lại Toro ăn trợ cấp thất nghiệp, hay làm việc theo hợp đồng từ xa với nhà tài trợ ráng chờ mùa hè đến để bà thoát tục trèo lên vườn địa đàng cùng va nghe Vladimir Horowitz và Mitsuko Uchida vọc sonata rồi bình luận về màu đỏ nội tâm của Ingmar Bergman, về nắng quái chiều hôm của Tarkovsky.

Quần áo đồ đạc đã được tọng vào 2 va-li và túi đeo lưng, va lại buông người xuống cái ghế dựa chỗ hốc tối cuối phòng khách. Tôi bước tới định bật ngọn đèn treo nhưng giữa chừng lại ghé qua cái bàn nhỏ bên trái, bóc điện thoại gọi Z.28. Thám tử xe ôm Văn Bình sẽ đưa va đến khách sạn mini đã giữ chỗ trước. Từ góc ngồi, va đưa một cái nhìn bâng quơ ra cửa, nơi mưa buông không ngớt màn nước trắng xoá làm nhoè các nét gẫy của mớ bình chậu ngoài hàng hiên.

Trở lại nhịp sống cũ không có động vật trong nhà, tôi thấy đời đẹp và đáng vui hưởng. Cũng giống như trước khi va đến, tôi làm một trận tổng vệ sinh. Lại nhỏng nhảnh áo mỏng, vắt vẻo quần lót, ăn uống đại khái, đi chợ một lần mỗi tuần, ngủ không khoá cửa phòng, thôi chờ những mùa sen, hể hả với màu nước trong leo lẻo ở bồn cầu. Va có bắn một vài mail với thiện chí duy trì mối quan hệ, nhưng tôi ngậm tăm, giả đui. Vọng tưởng cõi trên làm chi cho mỏi cổ, có ngày trật trái khế, toi mạng. Là đà chốn trần gian lúc về với cát bụi cũng gần.

 Nó vẫn ngồi đó quan sát tôi cọ rửa từng dấu vết. Nó là tình cũ làm sao quên. Nó là tình ngỡ.

TRẦN THỊ NGH

Belleville, tháng 7.2006

CHÚ THÍCH CỦA TÁC GIẢ:

- Toro không có thật

- Khu thịt cầy gần sân bay có thật

- Niết bàn có thật

- Nó có thật

- Va không có thật

- Tôi hơi có thật

- Sáng tác có thật

- Trại sáng tác tế bần không có thật

- Tiền có thật

- Nhà tài trợ không có thật

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 41219)
Ban đầu chúng tôi nằm cạnh nhau. Tôi tựa đầu lên chiếc gối lam nhìn ra bầu trời phía Tây Bắc ngang vòm cửa sổ. Bầu trời đục mây, những đám mây xám di chuyển nhanh và gần qua chóp những cao ốc; những cao ốc dựng ngược, đâm thẳng lên trời, án ngữ gần hết diện tích cửa sổ phòng. Lấm tấm trên mặt diện tích ấy là những vệt sáng vừa thắp. Những chấm sáng hòa với một thứ màu dị hợm của hoàng hôn úa đọng lung linh lên màu hồng máu trên cánh cửa kính.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 38492)
LTS: Tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1938 tại Quảng Nam, Cung Tích Biền thuộc thế hệ nhà văn hứng chịu và tham dự trực tiếp nội chiến. Theo học Văn Khoa Huế, Luật Khoa Sàigòn trước khi bị động viên rồi trải qua nhiều đơn vị pháo binh, thiết giáp của quân lực VNCH cho đến ngày giải ngũ vì thương tích năm 1973, nhà văn khởi đăng truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Nghệ Thuật vào năm 1966.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 110583)
Dực đã đi rất đỗi nhẹ nhàng. Dực đang chỉ chạm khẽ mũi giầy vào bậc thang gỗ. Cảm giác Dực đang bay. Bậc cầu thang nâu bóng mầu thời gian, nâu bóng rêu phong những kiếp người hình trôn ốc. Có người đang nhìn Dực, nhiều người đang nhìn Dực. Họ kinh ngạc trân trối ngóc đầu lên những bậc cầu thang gỗ.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 29333)
Tôi có bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại hiếm thấy. Bàn tay không thay đổi theo mùa hay béo gầy cơ thể. Thụ bảo bàn tay tôi không tuổi tác trọng lượng. Hồi hai mươi tuổi, mới ra trường nằm nhà ba tháng, chỉ ăn và ngủ, cơ thể trồi lên những múi thịt, nhưng bàn tay tôi vẫn mảnh dẻ.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 31790)
Em chết rồi. Vậy là em đã chết rồi. Em không biết mình có đau đớn trước khi chết hay không. Vì em chẳng biết gì khi sắp chết. Một gói thuốc chuột Trung Quốc em mua của những người nhà quê ra phố bán dạo. Họ mở vài bản nhạc xưa cũ thật buồn và thật cười. Ngày trước em nghe họ rao những câu vần vè có cả chuột ta chuột tây trong ấy, bây giờ cấm rồi, chỉ nghe những lời hát rề rà, cọt kẹt, nhừa nhựa.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 32980)
Cuối tháng Ba, tôi về thăm quê. Quê tôi ở tỉnh Đông, nhưng gia đình đã chuyển vào vùng kinh tế mới ở Bảo Lộc, Lâm Đồng từ sau gày miền Nam giải phóng. Tình cờ lúc qua đò Vạn tôi lại gặp bá Vần. Bá hỏi: “Anh về một mình?” Tôi đáp: “Vâng”. Bá hỏi tiếp: “Anh về lâu không?” Tôi nói: “Thưa bá, cháu về được một tuần”. Bá Vần nghĩ một lúc rồi bảo: “Thế thì ngày mai anh nên thu xếp đến thăm cái Hà. Nó đang nằm ở bệnh viện huyện. Bệnh nặng lắm, có lẽ không qua được”
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 97817)
Chồng tôi hành nghề kỳ quặc: Kiểm tra trí nhớ của con người. Lấy anh tôi mới khám phá, anh thường xuyên theo dõi những giấc mơ của mình. "Em có thai phải không?" Sau tháng đầu tiên Công đã dọ hỏi. Tôi lắc đầu tươi tỉnh. Giấc mơ đêm khuya còn sáng hồng bụ bẫm bắp chân hài nhi. Tôi biết chắc tôi chưa có mang, nhưng làm sao Công biết tôi đã nằm mơ thấy đứa trẻ? Sáu tháng hạnh phúc trôi qua như gió hắt mặt hồ.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 33350)
Gió thì chết già trên những tán lá rậm rạp. Nhưng gió thu không chết già mà chết trẻ. Heo may thế, mỏng manh thế làm sao sống quá vài phút dưới tầng tầng lớp lớp cơ man lá cành cổ thụ không có tuổi? Huệ mơ màng mộng mị sờ nắn những lớp vẩy cổ thụ đang chà xát vào tấm lưng trần của mình. Huệ không dám bóc lớp vẩy, như thế sẽ làm cổ thụ đau. Huệ chẳng muốn ai đau bao giờ. Lớp lụa mỏng líu ríu trên người Huệ, líu ríu gốc cổ thụ. Gió đang vướng vít chúng với nhau. Nhưng cổ thụ sẽ không làm hư chiếc váy lụa của Huệ, Huệ biết điều ấy.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 30749)
Asada Jiro sinh năm 1951 tại Tokyo. Bắt đầu viết văn từ 1991 khi đã 40. Chỉ ba năm sau, ông được tặng giải Tài Năng Mới mang tên nhà văn Yoshikawa Eiji qua tác phẩm Lấy Xe Điện Ngầm (Metoro ni Notte). Năm 1997, Nhân Viên Đường Sắt (Poppoya) mang về cho ông giải Naoki. Năm 2000, ông lại đoạt giải văn học mang tên nhà văn Shibata Renzaburo với Nghĩa Sĩ Đất Kinh Thành (Mibu Gishiden). Văn ông nhẹ nhàng, điềm đạm, mang mang hoài cảm, trầm trầm như bài thơ bình thanh. Độc giả Nhật bình thường, nhất là phụ nữ rất yêu thích.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 37197)
Con Rếch bật dậy lao nhanh ra ngoài cửa theo phản xạ. Giờ này Hoa đi làm về và bao giờ chị cũng nhấn ba nhát chuông báo hiệu cho con Rếch biết. Trong khi chủ mở cửa, Rếch quẫy đuôi mừng tíu tít. Nó chồm lên cửa, nó cào sồn sột xuống nền nhà, cổ họng rít ăng ẳng. Hoa vừa hé cửa, nó đã xục cái mõm vào khe cố lách qua để chồm lên người chị liếm láp. Quen rồi chị vẫn cứ thấy buồn cười.