- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mở Tương Lai

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 30723)
image004

LTS: Sau các chương tiểu thuyết Khi Phong Linh Vỡ đã công bố trên Hợp Lưu, Đặng Thơ Thơ trở lại với thể loại tự truyện và bút pháp cực cảm của mình. Mở Tương Lai ghi lại cái chết của vợ nhà văn Hoàng Đạo, bà ngoại của tác giả, và ghi lại câu chuyện của chính tác giả thuộc thế hệ thứ 3 của Tự Lực Văn Đoàn. "Ba mươi năm đủ để một đứa bé lớn lên, thành người, rồi chết đi mà không cần đến chiến tranh bom đạn..." Nhưng thiếu nữ sớm khám phá chính chiến tranh đã đánh thuốc độc các giấc mơ của mình. Đặng Thơ Thơ tiếp nối Chẳng Mệnh Chung của Nguyễn Hương với cùng đối thoại và nhân vật.

Trong suốt những giấc ngủ chập chờn từ nhiều năm nay tôi vẫn bị câu chuyện với Nguyễn Hương ám ảnh. Vì lời hẹn sẽ gặp lại nhau 30 năm nữa. Sớm hơn thì tốt, nhưng ba mươi năm sẽ là thời hạn chót. Lúc đó chúng tôi đang đứng ở năm 1975, cuộc sống chỉ toàn là tương lai (chúng tôi chưa có một hiện tại riêng, chưa đủ ký ức để làm thành quá khứ). Tương lai Hương khi ấy rất xán lạn - tôi nhìn thấy điềm lành ở vầng trán cao, mũi thẳng, ấn đường sáng láng. Còn tương lai của tôi thì nằm ẩn dấu trong đầu, nơi chứa những giấc mơ.

Ở thời điểm năm 75, linh tính của tôi rất nhạy. Qua những giấc mộng tôi có thể đoán được tương lai. Có lần tôi đã chiêm bao thấy hai đứa xa nhau. Hương hỏi xa nhau bao lâu thì tôi không trả lời, vì giấc mơ không nói rõ. Điều đó khiến Hương nghi ngờ. Hương không hiểu rằng giấc mơ không cung cấp những điều cụ thể, vì bản chất của mơ là trừu tượng. Những cảnh trong mơ thường phi thực, không gian mơ được bóp méo cắt khía nhiều chiều. Còn thời gian của mơ thì bùng nở và co giãn.

Khi biết Hương sẽ xuống Vũng Tàu và sẽ đi chiều hôm đó, tôi tự hứa sẽ điều khiển giấc mơ để đưa Hương đi thoát. Hương bảo: "Chuyện Hương đi thoát phải xảy ra trước, rồi chuyện Thơ Thơ nằm mộng mới tới sau. Giấc mơ chỉ là một quá khứ gần. Không thể mở ra tương lai." Hương không biết trò chơi giấc mơ là chuyển động hai chiều, như trái banh ném qua lại giữa hai người - tôi là người chơi sẽ tác động ngược về phía tương lai, để thay đổi nó.

Hương đưa tôi địa chỉ và điện thoại người anh ruột ở tiểu bang Virginia. Những dòng chữ P.O. Box 1124 Fairway, VA. 22043 và (703) 717-7447 viết trên tờ giấy xé từ cuốn sổ. Chúng tôi sẽ tìm lại nhau dựa vào những chữ số này. Tôi cầm mẩu giấy như thể nó là bằng chứng của tương lai. Một tương lai được mã hóa cụ thể và rành mạch.

*

Bom nổ ran từ phía cầu Băng Ky khi bố tôi đậu xe trước nhà bà ngoại. Nhà ở ngã năm Bình Hòa, cuối một con hẻm nhỏ. Lối vào trải sỏi. Ngoài hàng hiên treo lủng lảng những giò phong lan bám trên khúc cây khô. Hôm ấy ngày 25/4. Ông Lê vẫn còn đó, đang pha chế một dung dịch riêng từ nhiều thứ thuốc để nuôi lan. Ông là bạn của bà.

Khi nhìn thấy bà ngoại, tôi hiểu ngay là bà sắp chết.

Bà ngồi dựa lưng vào ghế, lúc đó chỉ là một bộ xương với mái tóc búi cao, nhưng dáng điệu vẫn sang trọng quý phái. Sau lưng là bức tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ một người đàn bà mặc áo cánh trắng, vấn tóc trần, ngồi võng – dáng ngồi và nét mặt hao hao bà lúc trẻ. Bức tranh đó sau này cô tôi bán đi giá nửa chỉ, đủ để sống trong một tháng. Bức tranh sẽ qua tay nhiều người, cho đến khi một khách chơi tranh quốc tế trả giá 30 cây và mang lậu ra khỏi nước. Tôi sẽ nhận ra bức tranh trong một phòng triển lãm ở Mỹ sau này. Nhưng đó là chuyện nhiều năm sau, thời mở cửa và hậu mở cửa. Còn bây giờ là thời đóng cửa, thời tuyệt cùng. Đó cũng là thời mệnh chung. Của bà.

Bà ngồi, một cánh tay khoan thai vươn dài trên thành ghế, sự vươn dài hơi lạ kỳ như thể bị kéo dãn ra khỏi thân xác có thật. Cánh tay áo còn lại nằm vắt phất phơ ngang bụng. Nó đã trở thành một dải lụa mềm mại. Thỉnh thoảng bà nhăn mặt đau đớn, đồng thời tay vuốt ve dải lụa, ra chiều âu yếm: "Cánh tay ma này ác lắm. Cưa đi rồi mà vẫn dính bám vào mình. Biết thế thì chẳng cưa làm gì." Hình ảnh và lời nói đó có vẻ gì ma quái, luôn luôn làm tôi nổi da gà. Tôi nghĩ tới cánh tay ung thối đã bị chặt ra, đã ngâm trong dung dịch phóc môn để ở đầu giường nằm của bà.

Tất cả đang ngồi quanh, dáng điệu rầu rĩ vì họ cùng cảm thấy mùi chết chóc đang toát ra từ bà. Mẹ tôi nói:

"Me đi với chúng con nhé."

Bà lắc đầu:

"Không. Me không đi được. Các con cứ đi đi, đừng lo cho me. Me còn phải ở lại chờ tin tức của Giao. Và cạâu Lê sẽ ở lại."

Cậu Giao. Mấy hôm nay không ai được tin tức gì của cậu. Có người nói cậu vẫn còn đang giao chiến ở Xuân Lộc hay Long Khánh. Có người nói cậu đã mất tích. Vì vậy bà phải ở lại. Bà ở lại là đúng. Đàng nào bà cũng sẽ chết trong nay mai. Còn ông Lê cũng ở lại, tuy ông có giấy tờ bay trong tay từ cả tuần nay, muốn đi lúc nào cũng được. Tôi không muốn nghĩ rằng ông cũng sẽ chết. Nhưng có lẽ vậy.

Ông Lê là một nhân vật bí mật vì những hoạt động của ông, nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ hay lui tới gặp ông, ông từng ngồi tù nhiều lần dưới thời Pháp thuộc lẫn thời cộng hòa, và ông sẽ còn ngồi tù nhiều lần nữa dưới thời cộng sản. Nghe nói ông Lê tá túc trong nhà chúng tôi từ hồi Việt Minh bắt đầu thanh toán các đảng phái khác, lúc các nhân vật trong Tự Lực Văn Đoàn phải lánh nạn sang Quảng Châu, rồi ông ngoại tôi chết một cái chết đầy bí ẩn và nhiều người nữa bị thủ tiêu mất xác.

Giữa ông Lê và bà ngoại của tôi là một vòng ân nghĩa rối rắm và lâu đời. Có lẽ vòng ân nghĩa đó sắp khép lại nay mai - vài ngày, vài tuần nữa... khi bà tôi nằm xuống. Có lẽ ông sợ nếu bỏ đi thì chuyện nợ nần sẽ kéo dài trùng điệp, những thứ không thanh toán nổi trong một kiếp người sẽ phải trả gấp bội qua nhiều kiếp tới.

Ông Lê là một người đặc biệt. Ông có phong thái của một chính khách thời loạn, hoặc một cuồng sĩ gàn ngông. Một người để tóc bạc trắng tuy chưa hẳn đã già. Ông chơi lan, uống trà tầu, viết sách, làm báo, và làm những thứ không tên khác. Ông không sợ cộng sản. Mẹ tôi nói: "Nếu ở lại ông sẽ chết dưới tay cộng sản." Ông nói: "Tôi biết họ. Tôi biết cách đối phó với họ. Tôi biết họ muốn gì và cần gì. Các anh chị thì không. Các anh chị phải đi. Me muốn các anh chị đi, bằng mọi giá."

*

Nhà tôi ở cư xá Thanh Đa, trên một cù lao nhỏ nối với đất liền bằng cây cầu dài bắc ngang một khúc sông nước luôn luôn chảy xiết. Dân trong vùng gọi nó là cầu Kinh. Tôi thích cái tên này. Kinh vừa là kinh hãi vừa là kinh thánh. Vì nhiều người đã tự tử ở đây, nên gần đó có một nhà nguyện nhỏ. Nếu đi bộ hay đạp xe ngang sông sẽ nghe được tiếng kinh cầu vọng lại.

Buổi sáng tôi đứng ở bao lơn nhìn xuống dòng sông, nhìn xa hơn về phía Câu Lạc Bộ Thể Thao Dưới Nước. Dòng sông vắng. Không còn ai trượt nước hay chèo thuyền từ hướng Mai thôn về phía Bình Triệu nữa. Việt cộng đang từ những ngả ấy kéo vào. Vật dụng cá nhân tôi đã xếp cả trong cái túi đeo vai bằng sợi - thời trang đang thịnh hành của Sài Gòn 75. Tôi không lo sợ. Lịch trình bay của chúng tôi là ngày mai, tập trung ở Hội Việt Mỹ. Cô Hồng Trang – bạn thân của mẹ tôi - sẽ chờ ở đấy. Tất cả sẽ lên xe bus vào Tân Sơn Nhất.

Tương lai rất gần. Hoặc nếu tương lai còn xa thì tôi như một người bị cận thị tinh thần. Vì tôi chỉ nhìn được đến thế. Tương lai chỉ mở ra đến thế. Tương lai hẳn phải là phía có Hương. Hương đã đi xa hơn một chút về phía tương lai. Nhưng tôi sẽ đuổi theo kịp. Ngày mai.

Dòng sông Thanh Đa vào những ngày cuối mang màu cam rực sáng. Màu cam chói lạ lùng. Màu cam trong và lỏng như vắt từ những trái quít ra. Mặt trời những ngày ấy như sắp sửa vỡ tung trên đầu. Mặt trời cũng là một trái cam đang chảy nước xuống dòng sông. Màu sáng rỡ của làn nuớc lại phản chiếu ánh hỏa châu bắn lên từ phía những rừng cây ven bờ. Bao giờ thì người lạ mặt sẽ chèo thuyền sang đây? Tôi rùng mình. Dòng sông bây giờ là ngăn cách cuối cùng.

*

Nằm mơ là đường ngắn nhất để đi tới tương lai.

Hôm qua tôi nằm mơ thấy Hương đi lang thang ngoài bãi Dâu. Như vậy là Hương chưa xuống tàu. Ở vùng biển chắc nguy hiểm hơn thành phố, người ta có thể thanh toán nhau để dành chỗ đi chỗ đứng (tôi nghĩ dại, nghĩ vu vơ như thế mà không ngờ đúng - sau này tôi mới biết chú Thuần tôi đã chết một cách tương tự vậy). Tôi lo sợ, và trách mình đã quên không nghĩ tới Hương.

Tôi sẽ cố đêm nay. Sẽ tìm cách điều khiển giấc mơ của mình, sẽ tập trung hình ảnh Hương thật lâu, cho đến khi ngủ thiếp. Bằng cách đó tôi sẽ mang Hương vào giấc ngủ. Tôi sẽ thả Hương xuống tàu, đẩy Hương trôi ra biển. Trôi thật xa. Càng xa tôi càng tốt.

Đây sẽ là buổi sáng cuối cùng ở với dòng sông. Ngày 27/4 tôi viết vào trang mới của cuốn tập. Tôi dự định mang cuốn tập đi theo, tiếp tục tập viết nhật ký như Anne Frank. Có nhiều lý do để viết lắm. Không phải là để giống Anne Frank tuy chúng tôi cùng tuổi, hay đúng hơn tôi đang bằng tuổi Anne trước khi cô chết.

Tôi đứng sát mé nước, thật sát, để gửi lời chào từ biệt. Tôi thì thầm trong đầu như thể dòng sông là một linh hồn có thể hiểu được ý nghĩ của tôi. Đây là chỗ mình đã ngồi và đọc Cuốn Theo Chiều Gió, đọc Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh hai năm về trước. Dưới gốc cây này, ven bờ sông này là chỗ gặp nhau giữa tình yêu, chiến tranh, thất trận và thất vọng. Nước vỗ vào bờ đất óc ách, giờ này nước cạn. Đến chiều lục bình sẽ trôi về đây. Những chùm hoa tím sẽ tràn lên bờ làm dòng sông hẹp lại. Sóng xoáy sẽ nổi lên từ đáy, phả vào nơi tôi đứng mùi hơi nước tanh tanh. Đã có vài gia đình nghe nói đi ghe từ đây ra cửa biển và thoát. Thoát? Không thấy họ quay về.

Hương đang lênh đênh trên biển. Tôi biết điều đó, chắc chắn. Đêm qua Hương không chịu ngủ, ra đứng ngoài boong tàu, kêu lạnh lắm, và run lập cập. Tôi nói: "Chắc Thơ phải ôm Hương cho Hương đỡ lạnh." Có thể Hương không thích đụng chạm thân xác. Nhưng sau khi nói vậy, tôi biết Hương sẽ không chống cự, sẽ để tôi ôm, vì đây là cái ôm hứa hẹn không rung cảm. Tôi sẽ tránh không để da thịt mình rung cảm. Người Hương mỏng, tôi ôm mãi, siết chặt mãi mà vẫn không chạm được tới phần xương thịt của Hương. Tôi cứ ôm xiết ôm lỏng một thân thể chơi vơi như vậy, lăn qua lăn lại, giữa khoảng không, như thế suốt đêm.

*

Những người Mỹ trong Ban Quản Trị, những giáo sư Mỹ và nhân viên Mỹ đã biến mất khỏi Hội Việt Mỹ từ ba hôm nay. Đó là điềm chẳng lành. Cô Hồng Trang có vẻ lo lắng khi gặp chúng tôi. Tuy chúng tôi đã có tên trên danh sách, nhưng lấy gì bảo đảm? Cô Hồng Trang nói họ không thể bỏ rơi mình được. Khi nói "không thể" mắt cô long lanh cương quyết. Cô nói như thể cô đang ở vào vị trí người Mỹ. Nếu là người Mỹ cô sẽ không bỏ rơi ai hết thật. Cô Hồng Trang là người giữ lời hứa cho đến cuối cùng. Mẹ tôi nói người nào chung thủy trong tình yêu sẽ chung thủy trong cuộc sống. Cô Hồng Trang chung thủy trong tình yêu, cô chỉ yêu được một người. Khi người ấy chết cô không thể yêu ai được nữa.

10 giờ sáng ngày 28/4 chúng tôi có mặt ở Hội Việt Mỹ. Cô Hồng Trang đưa chúng tôi vào phòng họp. Nhiều gia đình giáo sư khác đang chờ với hành lý chung quanh. Họ nói khoảng 11 giờ ông John Clark giám đốc sẽ có mặt và sẽ đưa chúng tôi vào phi trường.

Chúng tôi chờ hơn ba tiếng đồng hồ. Đến 1 giờ trưa vẫn chẳng có xe bus nào tới đón. Cô Hồng Trang gọi điện thoại về nhà ông Clark. Người ta nói ông đã ra phi trường từ tối qua theo lệnh di tản cấp tốc. Ông gửi lời chào và xin lỗi cô Hồng Trang, xin lỗi các giáo sư.

Trên đường về tôi nhìn qua cửa kính xe hơi, nhìn lên trời, tìm bóng dáng những chiếc máy bay, những phản lực cơ. Tôi đếm được 15 chiếc, bay không cao lắm, như thể chúng vừa mới cất cánh, như thể chúng đã cố công chờ đợi mà chúng tôi không tới.

Tôi vẫn không tin rằng chúng tôi đã bị bỏ rơi.

Mẹ tôi khóc. Cô Hồng Trang không khóc. Cô buồn, và giận. Lúc xuống xe cô nắm tay mẹ tôi xin lỗi: "Tại Trang cả. Tại Trang nên các bạn đã lỡ những dịp đi khác. Trang ân hận lắm."

Mẹ tôi nói:

"Còn nước còn tát. Mình ghé nhà Trần Bình Phú."

Chú Phú là đại tá Hải Quân đón chúng tôi ngoài cổng. Chú mặc quân phục để chuẩn bị ra hạm đội. Thấy mẹ tôi trong trạng thái hoảng loạn chú bình tĩnh nói: "Chưa đâu, làm gì có chuyện đầu hàng. Em vẫn ở lại chiến đấu. Anh chị đừng lo. Nhà em vừa lái xe đưa mẹ em ra bến Bạch Đằng. Chắc chưa xuống thuyền đâu. Anh chị cứ ra đấy sẽ gặp mẹ em và nhà em."

Chúng tôi ra bến Bạch Đằng. Hỗn loạn và tàn bạo. Vài vụ cướp giựt vừa xảy ra cách chỗ tôi đứng chừng ba mươi thước. Cảnh tượng này vừa kinh hoàng vừa quen thuộc, dù là lần đầu tôi chứng kiến. Làm sao tìm ra gia đình chú Phú? Mẹ tôi hỏi: "Sao có đi không?" Bố tôi lắc đầu: "Nguy hiểm lắm." Mẹ tôi gay gắt: "Vậy thì đi đâu?" Bố tôi trả lời: "Xuống Phước Tĩnh. Kiên hẹn ngày mai xuống bãi gần chỗ Kiên đóng quân."

Chúng tôi lái xe về hướng xa lộ.

Đường xuống Phước Tĩnh bị cắt.

Tất cả các đường ra khỏi thành phố đã bị vây chặn. Chúng tôi quay lại Sài Gòn. Tuyệt vọng len lỏi vào trong yên lặng của buổi trưa nóng nực. Bây giờ tôi hiểu tại sao cảnh tượng này quen thuộc. Tôi đã gặp chúng trong Cuốn Theo Chiều Gió, trong Một Thời Để Chết. Điều tôi đang chứng kiến đã có từ lâu, chỉ là nỗi kinh hoàng chung của nhân loại. Nỗi kinh hoàng cứ lặp đi lặp lại, nhiều lần, như một điều đã cũ.

*

Cô Hồng Trang nói:

"Mình sẽ đi theo VoF. Tối mai trực thăng đến ‘bốc’ mình đi."

VoF! Đài Tiếng Nói Tự Do. Voice of Freedom.

Mẹ tôi ôm chầm lấy cô Hồng Trang, mừng rỡ.

Bà ngoại tôi bảo:

"Hôm trước me nằm mơ thấy Giao chết, còn các con đi thoát. Hôm sau me nằm mơ ngược lại. Không thể tin vào những giấc mơ. Chúng chỉ đánh lừa mình."

Tối hôm ấy tôi nằm mơ thấy Hương đưa cho mình một cuốn truyện. Hương đứng đầu thuyền, bảo: "Truyện này hay lắm, Thơ Thơ phải đọc." Không khí trong mơ lạnh. Hơi lạnh tỏa buốt đều như trong một căn phòng chạy máy lạnh hết cỡ. Hương nằm xuống sàn thuyền, bảo tôi, giọng nhẹ nhàng kỳ lạ: "Đêm nay sẽ dài lắm, dài hơn tất cả các đêm. Thơ nằm xuống đây đi." Tôi ngoan ngoãn nằm úp lên người Hương. Con thuyền chòng chành khiến thân thể chúng tôi cọ xát ngoài ý muốn. Tôi nhắm mắt lại, sung sướng chạy khắp người như điện. Lần đầu tiên tôi có cảm giác như vậy với Hương. Tôi biết được sự bất thường của những cảm giác này, ngay lúc đang ôm nhau, ôm thật sát vì Hương luôn miệng rên rỉ: "Lạnh quá, lạnh quá" như nhắc nhở hãy ôm thêm nữa, ôm cho chặt mãi...

Buổi tối hôm sau cô Hồng Trang dẫn chúng tôi vào đài Tiếng Nói Tự Do. Chúng tôi đi thang máy lên tầng trên cùng của tòa nhà. Trên đầu chúng tôi là sân thượng chỗ trực thăng sẽ đáp xuống vào lúc nửa đêm.

Nơi chúng tôi chờ được "bốc" là phòng làm việc trải thảm dầy màu xám - nhiều bàn viết và tủ sách quanh tường. Phòng chạy máy lạnh rì rầm, như một cái hộp kín, cách biệt với thành phố Sài Gòn đang thất kinh hoảng loạn bên dưới. Khoảng mấy chục người đã có mặt. Qua đối thoại giữa bố mẹ tôi và cô Hồng Trang, tôi biết họ là những nhân viên trong đài và những văn nghệ sĩ của miền Nam. Có vẻ tất cả đều quen biết nhau, nhưng không ai muốn nói với ai cả. Mọi người giữ im lặng tối đa, như thể nếu họ nói thì sẽ không nghe thấy tiếng máy bay trực thăng đáp xuống, và máy bay sẽ bỏ đi mất.

9 giờ tối, tôi không ngủ được vì phòng quá lạnh. Tôi mở ngọn đèn nhỏ, tiện tay rút một cuốn sách từ kệ gỗ gần đó. Tôi nằm dài trên thảm và đọc cuốn truyện. Tôi đọc trong khi những người chung quanh bắt đầu thiếp ngủ. Cuốn truyện không quá dầy có thể đọc hết một đêm. Ban đầu tôi muốn đọc chỉ vì tựa đề của nó.

Giấc Mơ Tuyệt Vọng.

Tên cuốn sách đập vào đầu tôi. Nó làm tôi sợ và thu hút cùng lúc. Trong khi đọc, tôi linh cảm một điều gì xắp tới. Điều đó đang tiến đến rất gần, rất nhanh, nhanh hơn cả chiếc trực thăng (nếu có) mà chúng tôi đang chờ đợi. Tôi đọc đến quá nửa đêm. 1 giờ sáng, rồi 2 giờ sáng... Phòng càng lúc càng lạnh. Người tôi tê cóng. Tôi bắt đầu muốn ngủ để tìm một lời giải đáp từ phía tương lai, nhưng không cách nào thoát khỏi cuốn sách được. Cuốn sách vẫn mở ra trước mặt tôi, bắt tôi phải hiểu, phải đi thấu, phải trải hết một đêm với nó. Nó muốn tra tấn tôi. Tất cả những bi thảm và căng thẳng – trong cuốn sách - làm tinh thần tôi xuống thấp đến mức đóng băng.

Hương nói đúng, đêm nay dài lắm, và sẽ dài hơn tất cả những đêm sau này.

Đêm rạng ngày 30 tháng 4.

*

6 giờ sáng cả phòng cùng nghe tin tức. Chúng tôi sục xạo tất cả các luồng sóng: đài phát thanh Sài Gòn, đài phát thanh Quân Đội, đài phát thanh Mặt Trận Giải Phóng, đài BBC, đài VOA... Không còn đài tiếng nói Tự Do nữa. Chúng tôi là những kẻ cuối cùng còn sót lại trong này.

Bây giờ chúng tôi mới biết là phi trường Tân Sơn Nhất tối qua bị pháo dữ dội. "Tại vậy trực thăng mới không tới được." Một người nào đó nói to giọng. Những người còn lại gật đầu, chấp nhận giải thích này. Nó có lý. Không ai muốn bị bỏ rơi mà không có lý do.

Nghe nói có nhiều người chết tối qua khi đại bác Việt Cộng bắn vào khu Ngã Năm Bình Hòa. Chúng tôi nhìn nhau. Mẹ tôi quyết định quay về nhà bà ngoại. Tôi dọn dẹp lại chỗ ngủ qua đêm, nhìn xuống dấu tích của đêm dài nhất. Tôi muốn mang theo cuốn Giấc Mơ Tuyệt Vọng, như là bằng chứng.

Mẹ tôi nhìn cuốn sách một cách gớm ghiếc lẫn kinh hãi: "Thôi con! Vứt nó đi!" Tôi nói: "Con chưa đọc xong", nhưng vẫn trả về kệ sách. Tôi tiếc. Ba mươi năm sau tôi vẫn không đọc hết nó. Ba mươi năm sau tôi vẫn không tìm ra tên tác giả, tên người dịch, tên nguyên tác là gì. Ba mươi năm sau nó vẫn tồn tại như một điều không thật.

Giá như tôi đánh lừa mẹ tôi để mang nó theo? – Có thể. Nhưng tôi không muốn chịu trách nhiệm về sự tuyệt vọng - hay về giấc mơ - của bất cứ ai nữa. Kể cả Hương. Khi cất cuốn sách, tôi chú ý đến hai cuốn khác bên cạnh nó: Đất Lành của Pearl Buck, Về Miền Đất Hứa của Leon Uris. Toàn những cuốn có tựa đề may mắn.

Trên đường về nhà bà ngoại, tôi nhìn thấy những xác người nằm chết trên mặt lộ. Tôi ngửi thấy mùi khét cháy của lửa chung quanh. Dấu tích của đại bác đêm qua vẫn còn bốc khói trên những mái nhà.

Ông Lê thấy chúng tôi quay về, thất vọng nhưng vẫn diễu: "Các anh chị dở quá." Mẹ tôi nói: "Tại chúng tôi không có nhiều tiền để chạy." Ông Lê nói: "Thế là dở chứ còn gì nữa. Gia đình này chẳng ai giỏi xoay sở cả."

Chúng tôi lại ngồi chung quanh bà. Mùi chết chóc vẫn tỏa ra từ bà, bây giờ là một thứ mùi chết chóc quen thuộc. Thật kỳ lạ, tất cả chúng tôi đều có mặt đầy đủ vào đúng lúc này - như đã thỏa thuận ngầm với nhau mà không ngờ. Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy cậu Giao.

Cậu vẫn mặc quân phục, vẫn còn súng, súng vẫn còn đạn. Thân thể vẫn lành lặn. Nhưng mắt nhìn buồn bã và u tối. Sự hiện diện của cậu vào thời khắc này khẳng định sư đoàn 18 bộ binh đã tan rã, đã cùng đường, bây giờ mọi thứ đều vô ích kể cả đổ máu... Cậu không trả lời những câu hỏi, chỉ ngồi uống bia hết chai này qua chai khác, trông như đang toan tính điều gì.

Chúng tôi nghe tin tức lẫn với những tiếng nổ lớn từng tràng dội lại, mỗi lúc một gần. Những giây phút chung cuộc của một chế độ được đếm bằng tiếng súng và tiếng khóc. Điều đáng sợ không nằm trong tình huống. Nó nằm trong thái độ của con người. Tôi có thể nghe được những tiếng chân vô hình của những toán quân vô hình đang tiến vào thành phố.

Lời tuyên bố đầu hàng đã đến.

*

Ngay buổi trưa hôm đó - ngày 30 tháng 4, năm 1975 - bà tôi chia của cải cho con cháu. "Mỗi người một lọ," bà nói. Mỗi lọ thủy tinh cỡ bằng ống thuốc chích. Mỗi lọ đựng thứ chất lỏng trong suốt, nặng sóng sánh. Bà nói bây giờ quý hơn vàng. "Có vàng cũng không mua được."

Bà gọi chất lỏng đó là xi-a-nuya.

(Viện bào chế dược phẩm Lanton trên đường Cao Thắng đã cam đoan là cực độc - máu sẽ đen đặc, ruột sẽ đứt, phổi sẽ nát, tim sẽ ngưng đập, chỉ trong vòng mười giây.)

Ba mươi năm sau Nguyễn Hương gọi nó là cyanide.

Cyanide đã có công hiệu ngay lập tức.

Cyanide là một thứ thuốc an thần làm mọi người hoàn toàn bình lặng lại. Không ai ngờ sự bình lặng mênh mang lại đến từ chất độc. Không ai khóc. Không ai sợ hãi. Không ai bi thảm hay tuyệt vọng.

Cũng không ai nghĩ rằng mình đang sống.

Một hình thức tồn tại rất lạ lùng.

Chúng tôi đã ăn một bữa tiệc lớn với nhau ngày hôm đó. Có thịt gà. Có canh măng. Có rượu mạnh. Ai đói thì ăn đệm thêm cơm nóng với thịt dim. Sau này nghĩ lại thì thấy đó là một ngày hạnh phúc. Hạnh phúc như ly rượu càng về cuối càng nồng. Hạnh phúc như một chén canh nấu càng cạn càng ngọt sắc. Hạnh phúc khi biết rằng ngày mai sẽ khác hôm nay. Ngày mai sẽ có một người nào đó ra đi, có thể là mãi mãi. Ngày mai sẽ không còn bà, cậu Giao, lẫn chú Thuần (cậu Giao vào bưng ngay ngày hôm sau. Đối với cậu cuộc chiến chưa thể kết thúc khi cậu còn chưa chết. Còn chú Thuần sẽ chết ở một vùng biển hoang vắng, đó là điều tôi sẽ nằm mơ sau này).

Ngày mai những lọ thuốc độc sẽ không còn nguyên vẹn.

*

Thế giới sau 30 tháng 4 không rõ ngày tháng nữa. Ngày 30 tháng 4 sẽ nối dài rất lâu, nối mãi về sau, qua nhiều thập kỷ. Nếu chúng tôi sống lâu trăm tuổi thì nó cũng kéo dài hàng thế kỷ.

Nó đi theo ký ức con người.

Nó mở ra một cuộc sống mới. Và tạo ra những con người mới. Bây giờ những con người thay đổi rất nhanh, thích ứng rất nhanh, cả cách ăn nói lẫn hành động. Đồng loạt tất cả đều ăn mặc lam lũ xấu xí, như thể đang cùng tham gia một vở tuồng. Họ tránh không nhìn chúng tôi. Họ không phải hàng xóm hay người quen biết nữa. Vẫn là nhà của tôi chăng? Chung quanh nhà đã được gắn nhiều con mắt lạ để hoài nghi theo dõi. Những con mắt dò chừng bố mẹ tôi viết kiểm thảo mỗi tối. Những con mắt tra xét xem tôi có trung thành với những điều tôi nói. Những con mắt đang truy nã cậu tôi. Những con mắt đang lùng quét ký ức chúng tôi.

Vì chúng tôi không chấp nhận cuộc sống trên mảnh đất này, vì đây không phải chỗ của chúng tôi, nên tương lai hầu như dừng lại. Hay tương lai đã bỏ ra đi - về phía có Hương. Hương trong mơ vẫn biết hết những gì đang xảy ra ở đây, xảy ra cho tôi. Nhưng tôi không biết gì về cuộc sống của Hương nữa dù vẫn thấy Hương về. Những giấc mơ ngày càng ngọt ngào hơn, gần gũi âu yếm hơn, khiến tôi lo sợ hơn. Tôi bắt đầu nghi ngờ những giấc mơ đẹp. Đó chỉ là ẩn dụ, là dấu chỉ mù mờ. Một cuốn sách giải mộng (thứ sách vớ vẩn mà tôi vẫn coi thường) đã nói: "Định luật của giấc mơ là đảo ngược. Mọi sự hoán vị lẫn nhau. Yêu là ghét, nhớ là quên, sống là chết, xa là gần, phước là họa. Nằm mơ thấy cháy nhà là phát lộc. Nằm mơ thấy giết người là được cứu. Nằm mơ thấy ôm ấp là chia lìa. Nằm mơ thấy ăn nằm là muôn đời cách biệt."

Tôi rùng mình khi đọc đến đó. Tôi không tin, nhưng tôi sẽ ráng để đừng ăn nằm với Hương trong giấc ngủ.

*

Bà tôi chết một tháng sau đóù. Người ngoài tưởng vì ung thư. Thật ra bà tự tử. Tôi được chứng kiến giây phút đó. Một cách đi nhẹ và sang. Làm tôi cảm động ứa nước mắt. Đi ra khỏi cuộc đời như thế là đẹp nhất. Đi như buổi sáng lẫn vào trong buổi chiều. Rồi thoắt cái bóng biến tan.

Cánh tay ung thối ngâm phóc-môn (vẫn để đầu giường) bây giờ được chôn theo với bà. Bà nằm trên giường gỗ quý - mang từ Bắc vào Nam bằng tàu thủy 20 năm trước, mặc áo liệm bằng gấm trắng. Bà có đủ cả hai tay, một tay dài - tay ngắn.

Bà tôi chết được hai tuần thì cộng sản đến bắt ông Lê đi. Lần đầu tiên ấy sẽ kéo dài 8 năm. Ông sẽ ngồi tù 3 lần tổng cộng 16 năm trong 18 năm dưới chế độ cộng sản. Chuyện xảy ra chớp nhoáng và cách họ hành xử cũng rất kỳ bí. Họ khoảng mười mấy người, đeo AK, đến lúc giữa khuya. Họ ra lệnh cho tất cả chúng tôi quỳ. Không ai quỳ cả. Bố tôi hỏi: "Quỳ để làm gì?" Họ nói: "Quỳ xuống để nghe cáo trạng." Ông Lê cười nhăn răng nhìn chúng tôi, làm dấu hiệu không rõ là khuyến khích hay ngăn cản. Bố tôi nói: "Đứng chúng tôi vẫn nghe được." Họ bắt chúng tôi đứng hàng dọc, úp mặt vào tường. Họ đọc một bản cáo trạng và dí súng vào đầu ông Lê. Tôi cứ tưởng đọc xong họ sẽ nổ súng và óc ông Lê sẽ bắn ra tung tóe. Nhưng không. Họ chỉ bịt mắt ông lại, trói vào ghế, rồi lục lọi khắp nhà. Lúc tra hỏi họ hay đập báng súng vào đầu gối ông Lê như thể chỗ đó là miệng của ông. Tất cả những giấy tờ quan trọng, hồ sơ và bản thảo đều bị tịch thu. Tất cả những bút tích và tài liệu của gia đình cũng bị họ lấy đi.

*

Cô Hồng Trang đang tìm cách vượt biên. Cô đến gặp mẹ tôi, hai người nói chuyện rất lâu trong phòng. Lúc về cô vuốt tóc tôi, Thơ Thơ ơi cô đi đây! Bàn tay cô mềm, nước da trắng muốt. Cô có nốt ruồi nhỏ ngay sát môi. Cô khả ái lắm. Cái tên Hồng Trang thật hợp với cô. Cô ăn nói dịu dàng. Nhưng mắt cô vẫn long lanh cương quyết. Ngày tôi còn bé hay được đến nhà cô chơi với thỏ. Những con thỏ lông trắng mắt hồng, hiền lành như chủ. Sau này mỗi lần thấy thỏ tôi lại nhớ đến cô.

Mấy hôm sau tôi nằm mơ thấy cô mặc áo nâu đến ngồi ở đầu giường. Tay cô cứng và lạnh, mặt cô tím bầm. Trong màu sắc u ám của giấc mơ thiếu ánh sáng, tôi nhận ra ruồi nhỏ sát môi khi cô hé miệng cười.

Tôi thức dậy. Toát mồ hôi. Người cứng đơ. Hồn vía tôi chạy rượt qua những cánh đồng âm u của tiềm thức chưa kịp nhập lại vào thân. Tôi vẫn còn cảm giác vừa cầm một bàn tay lạnh ngắt. Tôi gượng dậy đi tiểu, uống liền ba viên thuốc ngủ để nằm mơ tiếp. Cô Hồng Trang lại về, nhưng lần này có một vết nứt giữa hai giấc mơ. Hương cũng xuất hiện. Hương cố chen vào đứng giữa cô Hồng Trang và tôi. Tôi nói hãy để tôi đứng giữa, vì Hương và cô không quen biết nhau. Hương dằng tôi ra, tàn bạo, rồi hôn nghiến lên môi – bằng cái hôn đó khiến người tôi rũ liệt. Cô Hồng Trang vẫn rất dịu dàng, bảo cô đứng đâu thì cũng vậy, nhưng cô đứng giữa thì hợp lý nhất vì một lý do không thể nói ra.

Trong suốt giấc mơ dài của ba viên thuốc ngủ, cô Hồng Trang và Hương cứ đôi co mãi về vị trí của ba người. Còn tôi thì đã bị cái hôn làm cho tê dại mất hết khả năng kháng cự.

*

Mẹ tôi khóc. Mẹ tôi đã nhường phần thuốc của mẹ cho cô Hồng Trang. Chuyến đi đó bị "gài", mục đích để lấy vàng và tịch thu nhà. Công an đang khám xét những người đàn bà. Cô Hồng Trang chưa đến lượt bị khám. Cô dặn đừng ai khai tông tích để gia đình cô khỏi liên lụy. Cô đi vào nhà cầu. Lúc cô đi ra, miệng xùi bọt mép, dãy một cái rồi chết ngay lập tức. Trong nhà cầu toàn giấy đô la xanh xé vụn. Xác cô quấn trong chiếu mỏng, chôn nông ở bờ ruộng, gần bãi bắt người.

Lúc chết cô mặc áo bà ba nâu.

Bà tôi dặïn: "Thuốc này cực mạnh. Thuốc càng mạnh mùi hạnh nhân càng đắng. Còn đau đớn không thì lúc ấy khắc biết. Không cần thiết thì không dùng."

Cô Hồng Trang nói: "Cái đau qua rất nhanh. Nhưng chết thì lâu. Đừng cho bố mẹ cô biết. Nói với các cụ là cô đi thoát rồi. Lấy hình cũ của cô ghép vào hình gia đình bên Úc rồi gửi về cho các cụ xem. Mỗi tháng nói em cô viết một lá thư gửi về thăm nhà. Chữ nó viết nghiêng, nhỏ hơn một chút là thành chữ cô."

Trong mười năm trời người nhà làm đúng theo lời trối (sau khi chết) của cô. Những tấm hình gửi về nhà bao giờ cũng có Hồng Trang tươi cười đứng giữa nhiều người. Ai cũng già đi, chỉ có Hồng Trang là vẫn thế.

*

Sau vụ bắt bớ và những cái chết kể trên, mọi thứ trở lại bình thường - bình thường đến độ chẳng còn gì đáng kể. Những người chết đã làm xong việc của họ, là chết.

Còn chúng tôi – những người sống - thì đã được miễn nhiễm khỏi mọi đau khổ.

Chúng tôi chỉ bận tâm vài điều lặt vặt, như khi nàøo sẽ uống cyanide? Số thuốc còn lại sau khi chia cho cô Hồng Trang liệu có đủ không? Thuốc để lâu có sợ quá "đát" không? (điều này rất đáng ngại, đáng ngại hơn cái chết nên chúng tôi nhất quyết không để nó xảy ra, hoặc nó chỉ xảy ra sau khi chúng tôi chết). Một người bạn thân của ông Lê – ông Minh - cũng uống thuốc độc, nhưng thuốc loãng quá nên chỉ lăn lộn đau đớn mà không chết được. Vì bà tôi đã dặn: "Không cần thiết thì không dùng", nên trong mọi tình huống tôi đều tự hỏi: Có cần thiết không? Đã đến lúc chưa? Đâu là giới hạn?

Đáng lẽ tôi không nên đặt câu hỏi về giới hạn. Vì giới hạn của con người là một thứ hoàn toàn co giãn.

Những giấc mơ về Hương không rõ ràng nữa, dù qua đó tôi biết Hương vẫn còn sống và thỉnh thoảng còn nhớ đến tôi. Nếu Hương vẫn đang theo dõi những giấc mơ của tôi thì Hương sẽ biết tôi đang hoài nghi chúng. Hoài nghi sự xác thực của chúng. Những giấc mơ chỉ mang ý nghĩa nếu chúng có gốc rễ bám vào đời sống. Còn những giấc mơ này (như chúng tôi hôn nhau, rất nhiều đêm như vậy, và lần hôn nào cũng đê mê đắm đuối) thì gốc rễ ở đâu ra? Những lần hôn mê mệt ấy lại dẫn đến những chuyện khác giữa hai cơ thể khiến người tôi bóng bừng rạo rực mỗi lần nhớ lại. Luôn luôn là những câu nói bâng quơ không rõ nghĩa, một tình huống vẩn vơ, rồi bất chợt chúng tôi ngả vào người nhau như thể tình cờ. Có lần tôi thức giấc thấy bụng dưới mình âm ỉ, rồi vỡ tung, rồi cuộn thắt từng cơn ràn rụa. Chẳng lẽ da thịt tôi có thể khao khát đến thế, đến mức tự mình co bóp trong mơ? Tôi mới lớn. Tôi không biết gọi tên nó, chỉ biết nín lặng tận hưởng một cảm giác điếng ngất, vừa sung sướng vừa tội lỗi. Càng tội lỗi lại càng thêm sướng.

Hương không tỏ vẻ gì là biết cả. Một là Hương giả vờ. Hai là những giấc mơ của tôi hoàn toàn vô giá trị. Từ trước đến nay. Vì chúng tôi chưa bao giờ yêu nhau.

Và có lẽ không bao giờ nữa.

*

Khi công an Phường 27 đòi chúng tôi lên làm việc và đưa lệnh tịch thu nhà, lý do họ đưa ra rất dễ hiểu. Đúng như chúng tôi tiên đoán và chờ đợi. Họ có đầy đủ hồ sơ của chúng tôi. Họ còn viết thêm cho chúng tôi một hồ sơ mới. Một công trình hoàn tất tỉ mỉ, chi tiết, công phu, tuy hơi phóng đại. Chúng tôi chấp nhận ngay và chẳng buồn tranh cãi. Trên đường từ trụ sở Ủy Ban Nhân Dân về, tôi còn nhớ người ta đang mua thịt quanh một cửa hàng quốc doanh. Lúc đó là cuối tháng, và những con người thiếu ăn đang thèm thịt heo khủng khiếp. Họ xếp hàng vòng vèo từ mé hông chợ Thanh Đa, vòng qua lô E, chạy dọc xuống lô A, ra ngoài đường cái. Mỗi người một cuốn sổ thịt trong tay. Họ mệt mỏi và nhẫn nhục, chán chường và hy vọng, đứng giữa nắng trưa chói ngắt chờ mua khẩu phần nửa ký thịt mỡ một tháng. Tôi nhìn những đống xương cao ngất và thịt vụn. Tôi nhìn những con ruồi đen nhánh bay quần quanh những tảng ruột bầy nhầy. Tôi nhìn những con người giống tôi, và tôi buồn khôn tả. Đột nhiên tôi hiểu ra mình đã khác: tôi không thèm thịt nữa, đã từ lâu.

Chúng tôi còn hai ngày nữa trong căn nhà này. Nhà sẽ niêm phong, đồ đạc sẽ có công an thành phố tiếp quản. Chúng tôi được quyền mang theo người một ít quần áo. Y hệt như hồi bỏ nhà đi di tản, bỏ lại tất cả, chỉ mang theo một túi cá nhân. Nhưng lần này mọi sự chu đáo hơn, họ sẽ lo phương tiện di chuyển và sẽ đưa chúng tôi đến vùng kinh tế mới. Họ không bỏ rơi chúng tôi như người Mỹ.

Căn nhà nhìn xuống dòng sông và cầu Kinh sẽ làm nhân chúng cho sự hiện diện của chúng tôi. Buổi trưa hôm đó tôi cầm lọ thuốc trong tay, mở nắp ra và hít nhẹ một thứ mùi hạnh nhân đăng đắng. Dung dịch sóng sánh như nước nhưng tỷ trọng nặng gấp trăm lần nước. Như thể một biển sâu đã nén hết vào đây. Óc tôi choáng váng với ý nghĩ mình đã nhiễm độc từ lâu. Cyanide không cần đi đường máu. Cyanide ngấm thẳng vào đầu. Bây giờ chẳng ai làm gì được tôi nữa. Cuộc sống tôi đã được bảo chứng bằng một lối thoát an toàn nhất.

Trong những giây phút ấy tôi nghĩ đến Hương, và ba mươi năm nữa. Lời hứa giữa chúng tôi. Tương lai đi theo đường thẳng - và có thể rút ngắn bằng mơ?

Tôi chịu thua.

Chẳng cách nào thu hẹp đường đến tương lai cả, vì tương lai không trừu tượng. Tương lai cụ thể, đo đếm được, như là không gian và khoảng cách. Khoảng cách của đất và biển địa cầu tôi phải đi bằng chính thân xác mình. Tôi đi chừng nào cho tới? Tôi sẽ đi thuyền, tôi sẽ đi bộ, tôi sẽ nghỉ trong tù, tôi sẽ chuộc tiền để được thả ra và lại đi tiếp tục? Tôi sẽ phải tốn ba mươi năm nữa để đuổi kịp Hương chăng? Tôi sẽ không bao giờ làm được điều ấy. Ba mươi năm đủ để một đứa bé lớn lên, thành người, rồi chết đi mà không cần đến chiến tranh bom đạn. Ba mươi năm đủ để xoá sổ một cuộc đời. Ba mươi năm mất đi là mất mãi.

*

Hương ôm riết tôi trong tay, không chịu buông ra, làm tôi cảm động xiêu lòng. Chúng tôi vừa yêu nhau xong, mệt mỏi, tự nhiên, chẳng băn khoăn gì. Cơn tuyệt sướng đang tràn trề khắp người. Mỗi mạch máu tôi chảy một dòng sông đầy khoái cảm. Người tôi căng tràn nước óc ách. Những chuyển động nước chạy luồn dưới da và rung rẩy liên miên. Tôi nhắm nghiền mắt, mê mệt, không buồn tỉnh dậy nữa. Chưa bao giờ tôi ngủ ngon như thế. Ngủ như chưa hề ngủ suốt một đời.

Hương ôm tôi, lay tôi thức lại. Hương lắc lắc, như tôi là một con búp bê bằng vải mềm oặt. Hương nói hãy cố mà sống, đừng tuyệt vọng. Một ngày nào đó tất cả sẽ đảo ngược như hiện tại đang đảo ngược. Ba mươi năm nữa thôi. Cô Hồng Trang mặc bà ba nâu đi ra từ giấc mơ đã cũ - đứng một góc tối nhìn tôi. Có một tấm màn đen rũ xuống, rồi người cô mỏng tan dính lơ lửng vào màn. Cô đứng gần mà cái nhìn xa vời vợi. Trong hôn mê tôi nhớ lại giấc mộng của ba viên thuốc ngủ. Hôm ấy không phải tôi đã uống ba viên liền một lúc. Thật sự tôi uống làm ba lần cách quãng, mỗi lần gà gáy đổi canh.

Viên thuốc đầu tiên rơi vào canh một, lúc Hương ôm tôi, kéo lê thân tôi qua lục địa Mỹ Quốc. Từ Virginia chúng tôi vượt trên những dãy nhà chọc trời, băng qua tuyết trắng, băng qua ngũ hồ, băng qua sa mạc, đến biển thì dừng lại. Hương đứng ở khu Santa Ana chỉ cho tôi thấy vùng phi-cộng-sản, cho tôi thấy ngọn lửa đêm hắt lên bóng cờ vàng nơi tượng-đài Việt-Mỹ có những linh hồn đang đứng gác. Sẽ còn nhiều tượng đài khác chung phần cho nhiều cái chết khác. Không có gì vô nghĩa bằng. Hương nhún vai nói vậy. Ba mươi năm nữa cái chết cô Hồng Trang sẽ trở thành vô nghĩa.

Cô Hồng Trang nói: Tôi đã chết lâu lắm rồi, chết từ hai thế kỷ trước trở lên. Năm ấy người ta đã vứt tôi ở ngã tư đường vì tôi không xứng đáng nằm trong một nghĩa trang nào cả. Suốt dọc đường từ phương đông sang phương tây, dọc đường thỉnh kinh, dọc hành trình tìm đất hứa... tôi đã mang một linh hồn hư mất. Họ đổ đá lên xác tôi. Họ đóng cọc vào tim tôi. Họ không cho thiên đàng lẫn luân hồi. Mắt cô rực sáng, phẫn khích long lanh như một thiên thần. Họ đã đưa linh hồn tôi ra tòa án xử tội, đã khắc trên mộ chí tôi những lời răn dọa người đời. Nhưng bây giờ năm 1823 đã qua rồi. Nên tôi vô tội. (tôi hỏi năm 1823 có nghĩa gì, cô Hồng Trang nói năm đó người ta hủy bỏ luật ném xác ngoài đường và xử tội linh hồn, những ai học văn chương văn minh Anh đều biết). Cô Hồng Trang bắt đầu khóc, tóc cô xõa xượi dính đầy nước mưa và đất. Nhưng cái chết tôi không vô nghĩa. Cô ngửng lên nói với Hương. Tương lai không có quyền thay đổi một cái chết trong quá khứ. Mọi giá trị sẽ thay đổi. Nhưng giá của cái chết thì không.

 

Đêm ấy tôi còn phải thức dậy thêm hai lần để uống thuốc và ngủ tiếp. Thường giấc mơ xảy ra vào canh ba sẽ linh ứng, xảy ra vào canh tư sẽ vô nghĩa. Tôi không rõ giấc mơ này rơi vào canh mấy. Nhưng tôi thấy:

Hương vuốt mắt tôi. Vuốt dọc xuống môi. Vuốt trôi xuống họng. Tay Hương thọc sâu vào bụng, khua lùa trong ruột bây giờ trương phình ra mênh mông. Mênh mông. Bàn tay Hương gầy, ngón dài - những ngón mơn man làm tôi cực kỳ khoái lạc trong cơn mê sảng. Hương nói tự tử là tự giết mình. Hương nói không thể nào tự giết mình được, như ông Minh đó, chỉ lăn lộn đau đớn mà có chết nổi đâu. Tôi chỉ cho Hương những định nghĩa khác nhau. Tự tử không phải tự giết mình. Đó chỉ là định nghĩa đơn giản nhất và lừa dối nhất.

Lại một vết nứt giữa những giấc mơ. Cô Hồng Trang đến gần, ngồi xuống cạnh tôi. Chiếc áo bà ba nâu đã phủi sạch đất bùn. Ba người chúng tôi cùng ngồi, làm chung một bài thơ về tự tử.

Tự tử chỉ là bi kịch của một cú sốc.

Nó vừa căm hận vừa ô nhục.

Nhưng tự tử cũng nên thơ và đồng thời tan vỡ. Không có gì bí ẩn bằng nó. Không có gì tự do hơn nó. Không tiếng kêu cứu nào vang dội u uất như nó.

Vì nó là lời cuối.

Nó là sự tởm lợm và lối thoát.

Nó là quyến rũ và trừng phạt.

Nó muốn trả thù và phản kháng.

Nó không biết tha thứ nên vô cùng ích kỷ.

Vì nó là vũ khí có khi là chính trị.

Có khi là đầu hàng có khi là khinh bỉ.

Nó vừa là anh hùng vừa là sự điên khùng...

Làm đến đây chúng tôi ôm nhau cười như điên loạn. Nguyễn Hương nói tự tử, cũng như nằm mơ là cử chỉ của hy vọng vào những điều chưa biết. Nó còn là dấu thánh đóng lên mình những linh hồn miễn nhiễm đời đời. Bài thơ tạm để dang dở, như mọi giấc mơ. Vì chẳng có định nghĩa nào đầy đủ. Vì tự tử là đủ thứ khác nhau, mỗi người nhìn một cách khác nhau, khó hiểu như đời sống.

Cô Hồng Trang nói chừng nào viết xong mình sẽ đặt ở tượng đài. Vì những người chết trận cũng đã tự tử mà vô tình không biết. Nhưng chẳng có gì gấp cả, chúng mình còn những ba mươi năm để đi đến đó. Mộ của chúng mình tùy thuộc ở tương lai.

tặng cô Ngô thị Hồng Trang và cám ơn Nguyễn Hương

ĐẶNG THƠ THƠ

California, tháng 3-2005

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 43215)
- Ông cần gặp ai? - Tôi muốn gặp bà Nguyễn Thị Thầu Dầu. - Dạ tôi đây. Còn ông là…. - Công An văn hóa, cục XL chuyên ban SML.
11 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 27770)
Thôn nói Thôn phải đi khỏi đây vì có quá nhiều chuyện buồn. Những chuyện buồn ám ảnh đêm đêm, Thôn không ngủ được. Chú Lầu không hiểu có biết gì không, cứ líu lo: "Này, con dzoi nó phá kinh lắm!". Tôi gật chiếu lệ: "Voi mà phá thì thôi...". Chú Lầu không tha: "Dưới rẫy tôi có một bầy dzoi, nó phá...".
08 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 32934)
Vào năm đó của thập niên tám mươi, tôi làm nghề lái xe limo. Tôi chở khách hàng tới nơi họ muốn đến, tới phi trường, đến các buổi liên hoan cuối tuần tại một căn nhà kín cổng cao tường, hay xa thành phố, tránh cặp mắt tò mò của hàng xóm để tha hồ lên mây với những cữ thuốc phiện.
02 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 32497)
Tối hôm đó, Ông Thành trằn trọc trên giường, không sao ngủ được. ... Ông bâng khuâng: Liên mất trí thật, hay Liên yêu mình từ trẻ mà mình không biết? Một vườn măng cụt đổ ập xuống giấc mơ của ông trong đêm.
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 95231)
LTS: Hai mươi tuổi ngồi vào bàn viết, tuổi trẻ hôm nay viết gì? Thường là câu hỏi của những ai quan tâm đến văn học và sáng tác trẻ. Mang trên vai tuổi đôi mươi cùng ý thức hành văn khá sớm, Lữ Thị Mai sinh 1988 là một trường hợp khá lạ.
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 28739)
Năm đó, tôi 12 tuổi. Nhưng tôi biết, trong ánh mắt hắn ở cái thời điểm không quên đó, là sự canh chừng và nỗi sợ hãi. Tôi không điên! Chắc chắn vậy.
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 28837)
Tôi đã gặp nhiều cô đi với chú, cô nào cũng đẹp, mà hình như chú chỉ thích một loại phụ nữ: cao, tốt tướng, đẹp đậm đà, có cái nhìn đa tình và thích nhảy nữa..
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 123984)
Mẹ nó run lên từng đợt: “ Nữa, nữa... đấy... mạnh vào, mạnh nữa vào, nhanh lên...”. Cái người cưỡi trên mẹ nó như mụ mị, hắn chẳng quan tâm tới tiếng cánh cửa mở mà cứ thúc, cứ đẩy. Mẹ nó thì rên rỉ, mẹ nó hét. Thế là bố nó nhào tới đâm.
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 113952)
Con Thạch Sùng chẳng hiểu gì. Tất nhiên. Em không chấp nó. Anh nhỉ. Đứa con của chúng ta đã lớn rồi đấy
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 34452)
Người đàn ông nhìn qua khung kính. Cổng bệnh viện nhộn nhịp người ra kẻ vào. Con mắt hắn dừng lại ở một bóng người. Dáng nhỏ, vạt tóc ngang trán, khuôn mặt trẻ thơ, hai má bầu bĩnh dụ dỗ những ngón tay thích nựng.