- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MƯA RƠI

12 Tháng Tư 20189:03 CH(Xem: 24887)





co-tuong-bw
Cờ tướng - ảnh Internet



Bạn có biết thế nào là chơi cờ tướng không? Chắc chắn khi tôi hỏi câu này, nhiều người sẽ bảo: chơi cờ tướng dễ ợt, hoặc chuyện chơi cờ tướng thì có gì là lạ đâu, chỉ hỏi qua một lúc là biết. Nào con mã con pháo con xe con tốt, ai mà không biết mấy con ấy chứ. Nhưng tôi vẫn sẽ bảo với bạn là bạn chưa biết một tí gì về chuyện này, chưa biết thế nào là cái cụm từ chơi cờ tướng của tôi. Trong cái thế giới mà chúng ta đang tồn tại, nhiều cái cứ trôi qua trước mắt, ngay cả khi nó nằm trong tầm tay chúng ta, chúng ta vẫn cứ không biết gì về nó.

Tôi chẳng biết gì về cờ tướng, không phải tôi dốt đường chơi, nhưng tôi vẫn cứ không biết gì về cái bộ cờ lẫn cách đi quân cờ. Hàng ngày tôi vẫn cất bộ cờ màu đỏ và bộ cờ màu trắng vào hai cái hốc tủ để sách, cái tủ này được đóng bằng gỗ dán rất mỏng, chừa một ngăn cho hai bộ cờ. Bộ màu trắng bị mất một con tốt. Còn bộ màu đỏ hôm mua nó chính tôi mở ví trả tiền. Có lúc tôi cũng định học chơi cờ một cách nghiêm túc, nhưng có một người đàn bà trẻ lắc đầu, bảo: đừng. Tôi phì cười bảo cô ta: nếu trong nhà tôi có hai người ngồi chơi cờ thâu đêm suốt sáng thì chị nghĩ sao? Cũng khá ấn tượng đấy chứ? Cô ta im lặng.

Lúc đó mưa đang rơi.

Chồng tôi và chồng cô ta ngồi trên vỉa hè đánh cờ.

Con phố nhỏ người qua người lại hôm đó không đông như mọi ngày. Vì mưa đang rơi và gió đầu năm còn khá lạnh. Họ ngồi từ trưa, lúc mặt trời bắt đầu đứng ở trục giữa. Ăn cơm trưa xong là chồng tôi bắt đầu đi bộ ra cái vỉa hè phía bắc quán nhà. Khi ấy chồng cô ta, một ông người Tàu nói tiếng Việt ngòng ngọng, đang đánh ván thứ bao nhiêu với một tay khùng khùng của khu phố. Tay khùng khùng cãi ông ăn gian thì có. Chồng cô ta hất bàn cờ, phá tan thế cờ sắp thua đậm. Chồng tôi can ngăn và ngồi xuống tỉ thí với người đàn ông Tàu. Lúc đó nắng mùa xuân đang bừng sáng cả khu phố, nắng bắt đầu đứng chính giữa cái cây cơm nguội đang xòe những nụ xanh che khuất cành trên cành dưới khẳng khiu thì chồng tôi ngồi xuống. Khí lạnh chạy luồn qua những bờ tường rồi ẩn sâu dưới những cái cống thối đầy bọ gậy. Nắng làm tôi vui hẳn lên vì quán cà phê bắt đầu đông khách. Chồng tôi ăn xong thì bảo, ra đây một tí. Tôi chưng hửng vì lúc nào cũng nghĩ anh là một tay chủ quán không tồi. Lẽ ra anh đã có thể đứng bên cái lin-ga úp ngược đặt sát quầy bar, tay chắp sau lưng quan sát khách đang kéo lên gác, rồi đoán định được ý muốn của khách, gọi nhân viên phục vụ, đưa mắt kiểm soát việc pha chế. Lẽ ra… Nhưng anh bảo, mình lo quán nhé, ra đây tí.

Một tí của anh kéo dài từ trưa hôm đó, thứ ba ngày mười sáu tháng ba cho đến hai hôm sau, trưa thứ năm ngày mười tám tháng ba.

Hôm đó chồng tôi mặc rất đẹp. Anh mặc bộ com-lê kiểu mới màu ghi đen, xỏ đôi giày da màu đen hàng hiệu tôi mua ở Seoul về năm ngoái. Mái tóc anh mềm mại hất lên trán. Nom như một chàng thư sinh chưa vướng bận gia đình. Chồng cô ta như tay lái lợn, cái áo sơ-mi nhàu nát màu cháo lòng, tóc tai bờm xờm như kiểu ngủ dậy chưa chải, mắt long sòng sọc, còn mũi thì khịt khịt. Tôi vẫn gọi gã là con chim lợn. Nhìn hai người hai bên bàn cờ thật không tương xứng. Họ cùng ngồi xổm, sau thì ngồi lên cái cục gạch nhặt bên chân tường. Xong lại nhấp nhổm đứng duỗi chân lên cho đỡ mỏi, lưng cong vít xuống cắm mặt vào bàn cờ, nghĩa là cái mông thì chổng cả ra hè phố. Tôi lấy xe máy, lượn qua lượn lại ngắm chồng đánh cờ, tôi chẳng hiểu mà cũng không thể đến gần cái đám đông đang xúm xít xung quanh đám cờ toàn đàn ông con trai, trẻ già trông đều bô nhếch kia. Tôi liếc vào, chẳng biết tốt xe pháo mã thế nào, chỉ thấy chồng mặc com-lê xa lạ hẳn với cả đám đông, nhưng cái mông lại cứ nhấp nhổm chìa ra hè phố.

Đến chiều xẩm, quán vắng lặng hẳn. Ai nấy đều đến giờ về nhà ăn cơm. Tôi lấy di động nhắn tin: mình về ăn cơm. Máy rung lên câu trả lời: OK.

Tôi nhìn ra trước cửa quán, vợ của con chim lợn đang đứng cạnh cái xe Át-ti-la màu trắng sữa, tóc quăn bay bay trong làn mưa bắt đầu phả xuống. Cô ta đang nhắn tin. Tôi nghĩ cái tin ấy cũng như cái tin của tôi, hoặc thiết tha hơn: anh về ăn cơm với em.

Chúng tôi cùng đợi. Từng thời khắc bay qua mái nhà, xuyên qua làn mưa bụi. Kim đồng hồ cứ chuyển dịch dần. Đôi lúc tôi bắt gặp cô ta đang ngước lên quán nhìn tôi đang ngồi đợi chồng bên cửa sổ; hoặc là chính cô ta đã bắt gặp tôi đang liếc nhìn cô ta đang đứng chờ chồng dưới đường. Chúng tôi cho đến lúc đó chưa hề quen nhau.

Hai ba cái tin nhắn nữa được chuyển đi. Chỉ thêm một cái OK được nhận về, rồi im lặng. Tôi gọi. Chồng tôi gắt vào máy: ăn trước đi. Tôi cố vớt vát: mình sắp xong chưa? Giọng chồng tôi dịu xuống: sắp.

Tôi đi ra vỉa hè, nơi có bộ bàn cờ và hai người đang ngồi chơi cờ. Màn đêm đã buông xuống cùng những làn mưa rơi xuống mỗi lúc mỗi dày. Trên vỉa hè đèn đường đỏ quạch. Những tán lá bằng lăng không đủ làm tán dù che. Hai người đàn ông ngồi dưới màn mưa mải miết. Lưng áo com-lê đã ngấm mưa. Đôi giày da loáng nước. Tôi ngồi xuống bên cạnh anh. Khi đó con chim lợn húng hắng ho. Xung quanh  hai người đàn ông là những đống đầu mẩu thuốc lá. Tôi gạt chúng sang hai bên, lót dép ngồi xuống vỉa hè ướt nhẹp, cạnh chồng.

Bạn tôi bảo: chồng mày mê cờ thế, đỡ mê thứ khác. Một chị cùng cơ quan bảo tôi, cứ kệ nó, còn hơn đi chơi ở đâu, chơi cờ còn là môn chơi trí tuệ. Tôi cũng bảo vợ con chim lợn thế. Nhưng cô ta cười khẩy: ngu xuẩn, là tôi nói tôi, không bảo chị thế. Tôi hỏi: sao lại cho mình ngu xuẩn? Cô ta bảo: thì ban đầu tôi cũng nghĩ như họ, nên còn khuyến khích cho chơi. Tôi bảo: tôi còn bỏ tiền mua cho chồng bàn cờ. Nhưng lúc đó tình thế là tôi phải bỏ tiền chứ tôi không phải chiều chồng. Cô ta bảo: dù chị có cho anh ấy chơi hay không thì anh ấy cũng cứ chơi thôi, không ngăn được đâu.

Chồng tôi kể, khi còn nhỏ, mới mười hai mười ba, lẽ ra theo đám bạn cùng lứa chơi trận giả hay đi hái trộm hoa quả trong vườn nhà hàng xóm, thì anh đã ngồi chơi cờ với các cụ trong đội cờ của làng. Chồng tôi mê nghề luật sư. Nhưng nhà nghèo quá, đành xung phong đi lính, mong vào lính rồi thì được đi học trường sĩ quan. Lúc lên đơn vị, trong ba lô của anh căng phồng toàn sách học tiếng Anh. Nhưng rồi anh cũng chẳng được cấp trên cho đi học. Hết chiến tranh rồi, ở đâu cũng có tiêu cực phí. Anh ngồi chơi cờ giết thời gian với chỉ huy.

Ra quân, anh về thi đại học. Nỗi nhớ cờ ngấm vào gan ruột.

 

Vợ tay Tàu chống xe máy sát vệ đường, cũng ngồi xuống cạnh chồng cô ta, như tôi. Chúng tôi ngồi im lặng như thế qua đêm, cho đến khi những con chuột cống lấp loáng nước bò ra kiếm mồi vào tang tảng sáng, khi những gánh hàng sớm trở dậy ngang qua.

Lúc đó, những giọt nước mưa cũng đã len lỏi vào tim tôi lạnh cóng. Tóc tôi bết nước mưa, nước mưa chảy xuống áo tôi thành dòng.

Tôi bảo chồng tôi: nếu người ngồi bên cạnh mình sau này là một người khác người ta, chắc mình cũng không để ý.

Tôi lại bảo: nếu ngồi ăn cơm cùng mình là người khác người ta, chắc mình cũng không để ý.

Im lặng một lát, tôi lại bảo: nếu người ấy có giận mình như người ta từng giận mình, mình cũng đừng chấp nhé, đàn bà ai cũng muốn được chồng để ý.

Tôi lại kiên nhẫn bảo: nếu người ấy bảo mình hãy ngẩng lên nhìn ra thế giới loài người, để biết từng thời khắc trôi qua, để biết nắng, mưa, gió, bão, để biết cái nhà hàng xóm đang tìm cách cấu dần hết vồng cây nhà mình, để biết ngày ấy giờ ấy cần phải đi từ giã một người tốt mới vừa qua đời… để biết như tất cả mọi người không biết chơi cờ tướng, thì mình hãy lắng nghe nhé.

Tôi nói câu đó là lúc đến ván cờ thứ bao nhiêu rồi, đã qua hai ngày hai đêm chồng tôi không về nhà, không ăn, không ngủ. Chúng tôi cùng ngồi bên nhau bên cạnh bàn cờ. Cả tôi và người phụ nữ tóc xoăn. Chân mỏi dừ, lưng tê dại. Bụng không còn cảm giác muốn ăn. Mà cho đến lúc ấy tôi vẫn không hiểu một tí gì về cách chơi cờ tướng. Chẳng hiểu họ vì sao lại có thể say mê và kiên nhẫn một cách đáng sợ như vậy.

Tôi bống thấy anh hét lên: vớ vẩn!

Bàn cờ màu đỏ ướt nhẹp trong khoảnh khắc bị hất tung. Quân cờ vung vãi. Gã người Tàu gào lên câu gì đó bằng thứ tiếng của gã. Mặt hai người đàn ông lúc đó không có tí máu nào.

Tôi và cô ta nhìn nhau căm ghét.

Tôi hét lên: đồ chim lợn thối tha!

Cô ta cũng không chịu kém: đồ thiu, đồ giả nhân giả trí.

Tôi nghe bên tai tiếng chồng: cô cút ngay. Cứ bám theo tôi ra đây làm gì.

 

Khi ấy mưa vẫn không ngừng rơi. Mưa rơi đã hai ngày hai đêm rồi mà bầu trời trên cao vẫn còn nặng trĩu.

VÕ THỊ XUÂN HÀ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 103303)
C ơn mưa từ chiều đến giữa đêm vẫn chưa chấm dứt. Những cuộc hành hình liên tiếp bằng cách quấn rơm chung quanh kẻ bạo loạn rồi đốt giống như thui chó mấy ngày trước thịt vẫn còn khét. Sư bần thần đi lại trong thư phòng. Bất chợt một tiếng sét lớn sáng lòa đánh ngang cây gạo trước cổng chùa. Sư nghe thấy tiếng cây đổ vang dội trong tâm khảm. Điềm báo đến. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, sư ngồi xuống, xếp bằng hai chân. Tịnh.
30 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 94221)
...T ại sao lại đặt cột mốc trước và sau 30-4-1975 cho lý lịch của mỗi con người? Ngày chấm dứt chiến tranh, ngày hòa bình, ngày thống nhất đất nước. Đó cũng là ngày phán xử. Kẻ thua người thắng. Ngày định phận. Kẻ có công người có tội. Và mỗi lần khai lý lịch là mỗi lần xác nhận cái sự thua thắng, công tội đó. Một lằn ranh không cho phép ai vượt qua. Một sự chia cắt vĩnh viễn giữa các con người, giữa các công dân...
26 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 93668)
LTS : Nhà văn Cao Xuân Huy mất vào mùa Thu 2010, đã có rất nhiều bài viết về anh trên các báo in và báo mạng. Tạp chí Hợp Lưu trong thời gian đó chỉ kịp đăng lời phân ưu. Đến nay, Hợp Lưu 113 số tháng Ba và Tư của năm 2011, chúng tôi xin dành riêng một số trang đặc biệt để đăng những bài viết về anh của văn hữu Hợp Lưu, đồng thời trích đăng một số sáng tác trong hai tác phẩm “Tháng Ba Gãy Súng” và “Vài mẩu chuyện” của Cao Xuân Huy như một nén hương thân kính gởi đến anh thay lời từ biệt. Tạp C hí Hợp Lưu
23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 188367)
LTS : V ới những trang viết thật ngắn, bằng nét phát hoạ tưởng như vô tình, Hoài Băng gởi đến độc giả một bức tranh, một khúc phim ngắn như vết dao cắt trong lòng người đọc về xã hội Việt Nam ngày nay.( TCHL)
13 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 108892)
T ôi muốn hỏi cô gái “Tại sao cô lại xâm hình con rồng mà không phải cái gì khác?”. Cô gái nói: “Tôi thích”. Một câu trả lời không trả lời gì cả. “Tại sao cô thích?” Cô gái bảo: “Đi mà hỏi rồng”. Tôi muốn banh đít cô ra để hỏi, nhưng cô đang đối diện với tôi. Có nghĩa là tôi đang đối diện với cái điều “hữu hạn thì hư ảo mà cái vô hạn thì bất khả tri”.
12 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 109145)
-  T ôi rất xin lỗi. Tôi có thể bồi thường. Hoàng cau mày “ Không bồi thường gì cả. Ông xem, thứ nước bẩn thỉu của ông đã làm tổn thương anh bạn bé bỏng này. Nó sẽ chết vì thứ mùi ô uế này” - Tôi nghĩ cái cây này sẽ lớn nhanh hơn. - Ông đang huỷ hoại công viên đấy.
10 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 42206)
N ghe tràng súng "tắc-cù" dưới ghe bắn lên, viên phi công vội vàng nghiêng cánh bay đi. Không biết được báo cáo ra sao mà liền sau đó, hai chiếc trực thăng như tử thần ồn ào xuất hiện. Một chiếc đứng im yểm trợ cho chiếc kia lượn quanh một vòng, hai vòng, rồi chẳng nói chẳng rằng nó xà xuống nhắm chiếc ghe của thím Tư Đực mà khạc dạn xối xả, xong bồi thêm một trái M 79.
04 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 78454)
... D ạo ấy tôi là người yêu của lính. Ban đầu là thiếu úy thông dịch viên chiến trường, xong tụt xuống chuẩn úy Quân Trường Thủ Đức, rồi leo lên trung úy Quân Y, chặp sau đại úy Hải Quân, cuối cùng trở lại hàm thiếu úy binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. [...] Mấy tay này, tiếc thay, chết như sung rụng. Tôi ôm nỗi buồn góa phụ cô đơn rên rỉ nhạc Trịnh anh nằm xuống sau một lần đã đến đây ...
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 97300)
T ôi sinh năm 1991 — năm Liên Xô tan rã, người bố quân nhân oai hùng của tôi phải rời quân ngũ vì có người thân vượt biên, hoen ố lí lịch trong sạch mấy đời bần nông của gia đình.
26 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 91160)
G he chòng chành giữa dòng nước, tôi sợ hãi ngồi bám chặt mạn thuyền, mắt láo liên nhìn trời đêm sáng lờ mờ ánh trăng mười chín. Chúng tôi ngồi dồn đống trong khoang thuyền. Hai tên đàn ông to người chèo ghe gõ nhẹ trên mui báo hiệu đã đến nơi tạm an toàn, chúng tôi có thể cử động đôi chút. Người chèo mũi vén tấm lá che mui nhìn vào.