- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tiếng Thông Xào Xạc

20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 36888)

tranmongtu_hl110_0_300x136_1- Đánh dấu ngày đi dự "Trà Đạo" với các bạn Y-Thư  

Người phụ nữ Nhật ngồi trên hai gót chân mình, bà cúi đầu thật sát vào hai bàn tay úp trên mặt chiếu, bà chào khách. Mười người khách ngồi chung quanh chiếu tatami, họ lễ phép cúi đầu chào lại, sau lưng họ những cánh cửa Shoji khép kín. Trong chiếc kimono cổ truyền, bà thong thả cử hành nghi thức pha trà.

Bên ngoài trà thất, mùa xuân mới đi được một phần ba đời xuân, xuân còn trẻ lắm. Buổi sáng tháng năm, trời quang, nắng như mật, vàng ươm, ấm áp; hoa nở trên mỗi bước chân đi: tử đinh hương, linh lan, thạch thảo, đỗ quyên, sơn lựu, bồ công anh, diên vỹ, anh túc… Mỗi hoa một vẻ, một màu, không hoa nào chịu nhường sắc, thua hương. Cỏ xanh ngọc bích, trải những tấm thảm nhỏ, mỗi nơi một mảnh, lá nõn vừa nhú ra trên những bụi phong Nhật, cá anh vũ bơi lượn trong hồ khoe những chiếc lưng màu son đỏ hay màu trắng bạc lấp lánh, những con rùa nâu chui ra từ dưới một cành hoa súng màu tím. Thỉnh thoảng từ đâu một cặp vịt trời, con đực với đôi cánh sặc sỡ vươn lên, cất tiếng kêu khàn đặc, gây chú ý cho thiên nhiên, con cái đập đôi cánh khiêm nhường vỗ vỗ xuống mặt hồ, một con ếch nhỏ nhảy tõm xuống nước rung mặt hồ khiến du khách liên tưởng đến câu thơ hài cú (Haiku) bất tử của thi sĩ Nhật: Matsuo Basho

Bài Furuike ya (Ao xưa)

Chiếc ao xưa
Ếch nhẩy tõm
Tiếng nước khua

Cả mười người khách bước vào vườn, đều ở tuổi mua vé được hưởng giá "Senior." Nhưng họ như những người đang đuổi bắt mùa xuân trên cành lộc biếc. Ba, bốn cái máy ảnh đưa lên, đưa xuống, vịn vai, nghiêng đầu, cười vỡ cả một góc vườn yên ả. Nắng còn bao nhiêu họ thu hết vào lòng. Hai cụ đứng tuổi nhất, lại là hai người diện đẹp nhất, chụp ảnh trông Uyên-Ương nhất.

Vừa chụp hết mùa xuân vào máy thì trời đổ xuống một cơn mưa xuân với những hạt lấp lánh như chuỗi hạt trai đeo trên cổ các bà. Tất cả bước vào trà thất, một ngôi nhà gỗ nhỏ, thiết kế theo kiểu Nhật với sàn trải chiếu Nhật, và cửa bằng giấy bồi. Ngôi nhà có cái tên rất thơ mộng: Trà Thất của tiếng thông xào xạc (Arbor of the murmuring pines teahouse.)

Chiếc kimono của thiếu phụ có màu gừng non điểm những đóa đỗ quyên hồng nhạt, cô thiếu nữ trạc mười bốn, mười lăm tuổi phụ lễ trong chiếc kimono mầu lam đậm. Cô sẽ quỳ chung với khách, cô đóng vai hướng dẫn khách nhận trà từ tay người chủ lễ trà (Tea Ceremony Master)

Máy ảnh, túi sách tay và giầy được để lại ngoài ngưỡng cửa. Khom lưng bước vào trà thất là để lại đằng sau tất cả những bồn chồn, hấp tấp và hệ lụy của đời sống. Ngồi trên hai gót chân với một cái tâm yên, đầu rỗng và lồng ngực thở chậm rãi. Không hấp tấp, không sốt ruột. Bốn chữ đầu tiên cần được nhớ là: Hài hòa (Harmony) Kính trọng (Respect) Tinh khiết (Purity) và Tĩnh lặng (Tranquility)

Thêm một người đàn ông mặc kimono đen phụ lễ, xuất hiện, người này đứng ở cửa chính, nhìn vào, giảng từng nghi thức người chủ lễ thực hành. Hai người phụ nữ mang đến cho mỗi người khách một chiếc bánh đậu xanh, chỉ to bằng chiếc lá trà tươi, để khách thưởng ngọt trước khi uống trà.

Người chủ lễ khoan thai tẩy trần dụng cụ pha trà, chiếc khăn nhỏ giắt ở đai áo kimono phía trước được lấy ra. Mỗi động tác từ mở khăn ra, gấp khăn lại, lau bát, lau vá múc nước, là một nghi lễ rất từ tốn chậm rãi. Người thuyết giảng cắt nghĩa,: tất cả dụng cụ đã thanh tẩy sạch sẽ, đây chỉ là nghi thức chứng tỏ mọi sự cần được tinh sạch cho việc pha trà, đây là: "Đạo". Chiếc khăn dùng xong, lại được từ tốn gấp lại giắt vào đai áo. Một người khách khe khẽ đọc:

Mở khăn ra
vuốt cho thẳng
gấp khăn lại
vuốt thẳng hơn

Nước lạnh trong ang nhỏ, chuyển sang niêu sành trên bếp than, trà xanh bột đựng trong một chiếc hộp gỗ nhỏ sơn mài, được múc ra, cho vào bát sành men Nhật, nước đun sôi chế vào, muỗng (bamboo whisk) khuấy bột trà cho tan. Tất cả mọi động tác đều rất từ tốn, chậm rãi và trân trọng. Trà đã pha xong sau hai lần tráng bát, lau bát.

Cô bé phụ lễ nhận bát trà đầu tiên trong tay chủ lễ. Cô làm mẫu cho sự cung kính giữa chủ và khách. Nghi thức: đặt bát trà trước mặt chủ và khách, úp hai lòng bàn tay xuống chiếu, cúi đầu sát lưng bàn tay, khách và chủ cúi đầu vái nhau, chậm rãi cung kính, khách nâng bát trà lên, tay trái đỡ bên dưới bát, tay phải cầm áp vào bát với ngón cái nằm trên miệng bát, nhẹ nhàng xoay bát ba lần từ trái sang phải, trước khi cúi xuống uống, rất "Đạo". Nghĩa là phải đặt cả: Hài hòa, kính trọng, tinh khiếttĩnh lặng vào bát trà mình đang cúi xuống nhìn. Sau đó, từ tốn, rất từ tốn, nhấp một ngụm trà, ngẩng đầu nhìn nhau, mầu xanh của trà loang trong mắt nhau và hương trà thấm vào khứu giác trước khi vào vị giác.

Xong phần làm mẫu, cô mang đến cho mỗi người một bát nước trà, mỗi lần đến trước mặt một người khách cô đặt bát trà xuống chiếu, giữa cô và khách, cô lập lại nghi thức, cúi sát đầu xuống hai lưng bàn tay mình, cô mời trà hoàn toàn trong thinh lặng. Suốt buổi trà, cô không hề nói một tiếng, nhưng trên môi cô ngậm một nụ cười, như một đóa hoa mới he hé nở.

When we sip tea, we are on our way to serenity

(Alexandra Stoddard)

Mười người khách cúi xuống mười bát trà xanh, nhấp từng ngụm nhỏ, hướng lòng mình về nơi thanh thản. Nhấp xong ngụm đầu tiên, họ ngửng đầu nhìn nhau, bột trà còn trên lưỡi, họ hỏi nhau khe khẽ, chia sẻ vị đăng đắng, ngọt ngọt của loại trà bột, hầu như là lần đầu tiên cho mọi người.

Người chủ lễ mỉm cười với khách, khẽ khàng cắt nghĩa thêm về loại nõn trà đầu tiên và mỗi vụ trà chỉ hái có một kỳ để dành làm thứ trà bột đặc biệt này. Tinh sương của trời đất được tán ra cùng với nõn trà cho ta một ngụm mầu xanh trong miệng hôm nay.

Người chủ lễ thu dọn trà cụ cũng bằng những động tác từ tốn, chậm rãi. Mỗi lần đi vào gian trong, cánh cửa shoji kéo ra, được đóng vào ngay sau lưng, khách bên ngoài không bao giờ nhìn thấy gian trong, sự kín đáo riêng tư như hoa trà nép dưới cánh trà.

Bên ngoài trời mưa nhỏ hột. Khách nhìn nhau, mắt trong mắt, trong tình bạn, họ đã cùng chia nhau một khoảnh khắc tuyệt vời của trời, đất và con người hòa chung làm một.

Cơn mưa xuân quay trở lại, tiễn họ ra khỏi cổng vườn. Hai, ba người chia chung một chiếc dù hay đi sát vào nhau dưới một cái áo mưa. Tiếng thông xào xạc cùng đi theo chân họ.

Trần Mộng Tú

5/24/2010

Japanese Garden-Seattle

Chú thích:
Matsuo Basho (1644-1694)
Furuike ya - Ao Xưa
Furuike ya
Kawazu tobikomu
Mizu no oto

* Thơ Haiku nếu dịch theo luật phải là : 5 âm/ 7 âm/ 5 âm

Có thể dịch như sau:

Trong chiếc ao ngày cũ
Một chú ếch nhẩy nghe kêu tõm
Khua tiếng nước vang vang

Vì tiếng Việt, mỗi chữ một âm, đọc lên nghe dài quá, sẽ làm giảm cái mạnh của bài thơ nguyên thủy của tác giả. Chúng tôi chỉ dịch thoát nghĩa.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Bảy 201912:24 SA(Xem: 19091)
Thật ra thì đầy đủ là phải thế này: Giang Đình Tinh Anh, con trai Giáo sư Kê, cháu nội ông cố bí thư tỉnh, cháu ngoại ông cố bộ trưởng nông lâm. Thế nên Giang Đình Tinh Anh là hậu duệ “xịn”. Chứ không phải hậu duệ “đểu”, không được chính danh lắm như tay cựu Viện trưởng hàn lâm súc sản, đương kim thượng thư Bộ Dục- Văn- Giao, Hầu Văn Hạ, à quên, nhịu: Hùng Văn Hạ!
13 Tháng Bảy 20199:25 CH(Xem: 18066)
Bọn con trẻ đùa giỡn rần rần khắp vỉa hè. Chúng vây quanh một ông lão kỳ dị ăn mặc rách rưới te tua, đầu quấn khăn chéo trước trán, tay bị tay gậy. Bọn chúng hò la. - Ông già điên, ông già gân nhưng hiền lắm!
11 Tháng Bảy 201911:38 CH(Xem: 18603)
Nhiều năm qua, Thông không về quê. Chỉ có đận này, đưa tiễn đứa con gái yêu dại dột vắn số, ông mới có dịp thong thả thăm thú họ hàng xa, gặp gỡ đôi người bạn cũ thời ngất ngưởng lưng trâu hò hét khản cổ. Những lúc đó, ông xuất hiện như một ông Thiện khổng lồ ngoài chùa, nén nỗi đau riêng bày tỏ mối quan tâm đến sinh hoạt mọi mặt của cố hương- dĩ nhiên là đặc biệt chăm chú tới lĩnh vực văn hóa làng xã, do thói quen nghề nghiệp...
21 Tháng Sáu 201911:44 CH(Xem: 19241)
Chuyện thằng Minh vác dao chém bố nó, mấy hôm nay ầm ĩ khắp cả làng Ngọc.Từ đầu làng là xóm Đình, đến cuối làng là xóm Nam, chỗ nào mọi người cũng xôn xao bàn tán. Bởi, nói như cụ thượng trong làng là, từ thời cổ đến giờ, chưa có một vụ nào như thế. Cũng vẫn cụ thượng nói-cụ thượng là một danh xưng của cụ ông cao tuổi nhất làng, không phải tên riêng. Cụ bảo rằng, nhà nó đến ngày mục mả.
17 Tháng Sáu 20199:28 CH(Xem: 22922)
Chuông, mõ và tiếng tụng kinh chiều bắt đầu lan tỏa không gian tĩnh lặng thoảng hương ngâu, hương nhài. Nhật Tôn bất giác chùng bước lại, hít một hơi thở sâu, rồi cũng chắp tay niệm theo. Cảnh vật này đã in đậm trong tâm khảm ngài từ hồi tóc để chỏm, sau những lần theo Thái thượng hoàng tới thăm thú các vùng Long Hưng, Tức Mặc, Vũ Lâm(1). Và cũng tại một chùa quê, ông nội ngài thốt lên những lời tưởng kỳ quặc: "Ta xem ngai vàng như chiếc giày rách, bỏ lúc nào cũng được". Giờ ngài chợt như được nghe tiếng nói đó dội về từ một chốn sâu thẳm và ngộ được hết ẩn ý sâu xa của chúng.
09 Tháng Sáu 20199:35 CH(Xem: 20394)
Hai, em chịu hết nỗi rồi đó. Em đang ở Phan. Biết ngay là mẹ lại về đây ở mấy tuần liền. Bây giờ lại mắc thêm cái bệnh nói cười lẫn lộn với người chết nữa mới điên chứ. Sao già rồi không hưởng nhàn hạ, hạnh phúc như người ta mà hành hạ thân mình chi cho khổ quá vậy không biết nữa!
09 Tháng Năm 20199:34 CH(Xem: 21370)
Năm Mậu Ngọ, 1978. Vào đúng hôm rằm tháng tám. Làng Ngọc có ba sản phụ sinh con tại bệnh viện huyện. Ba cô con gái. Cũng không có gì đặc biệt. Thậm chí đấy là một việc rất thường tình nhỏ nhoi, ít người quan tâm trong cái năm đói quay đói quắt ấy. Cả ba đứa trẻ sinh ra hôm ấy mặt mũi đều rất đẹp đẽ, thân hình dài rộng.
23 Tháng Tư 201910:21 CH(Xem: 18469)
Nhà tôi ở sườn đồi, nhìn xuống dòng sông Mã. Cha tôi kể rằng, xưa kia đây vốn là vùng chuyên quy tập hài cốt bộ đội hy sinh. Sau này, đất chật người đông, những cặp vợ chồng trẻ tuổi, nghèo khó như cha mẹ tôi ra đó tìm mảnh đất cắm dùi. Rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên được cha tôi làm lễ, quy tập thành một nghĩa trang riêng do chính bà con xóm núi hương khói. Chuyện gia đình, ngôi làng nhỏ bé của tôi là những nỗi đau thương nối dài không hồi kết. Tôi lớn lên giữa bốn bề sim mua lau sậy điểm xuyết những nấm mồ cỏ xanh ngắt vây quanh. Từ nhỏ, tôi luôn có những giấc mơ kỳ lạ, trùng lặp. Tôi mơ thấy một cô bé trạc tuổi mình, tóc tết đuôi sam mặc chiếc áo hoa đứng bên cửa sổ cười cười, đôi bàn tay nhỏ xinh đưa lên vẫy vẫy. Có lần lại thấy cô bé ấy đứng thẫn thờ mở to cặp mắt đọng nước gọi mẹ, gọi anh rồi đưa tay quệt ngang dòng nước mắt…
17 Tháng Tư 20197:36 CH(Xem: 20869)
Sau năm năm tám tháng trong cái án tám năm tù vì tội giết người Sơn trở về xóm nhỏ của mình. Nhà vẫn còn nhưng rêu phong. Những vài năm không người chăm sóc thì cũ như trái đất là phải rồi. Nó phải như một người tù cải tạo tốt thì nhanh chóng trở lại đời thường vì giảm án. May cho Sơn là tay luật sư đã nêu ra những luận cứ hết sức thuyết phục nên chỉ ngộ chứ không cố sát. Anh ta còn khuyên Sơn làm đơn xin kháng cáo. Hy vọng khi phúc thẩm có thể giảm được chút đĩnh nào đó chăng? Nhưng Sơn không. Suốt buổi xử Sơn thừa nhận bằng một thái độ hơn cả hối hận. Cứ như anh ta muốn toà tuyên cho mình cái án tử cho rồi.
11 Tháng Tư 20198:38 CH(Xem: 22493)
Thật ra thì Hiên chưa bao giờ là con nhang đệ tử cửa Phật. Nhưng Hiên rất chăm đi chùa. Mà chả cứ chùa, nghe chỗ nào có đền thờ miếu mạo linh thiêng là mang lễ vật đến. Đến chỗ nào Hiên chỉ cầu xin có một thứ, ấy là tiền.