- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Hương Nhãn

04 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 34755)

sinh_0_300x193_1LTS: Nguyễn Thị Hoa Xuân hiện là sinh viên Khoa Sáng tác- Lý luận phê bình văn học tại Hà Nội. Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu, chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí độc giả người viết trẻ đầy tiềm năng này qua truyện ngắn Hương nhãn.

Mẹ ôm tôi vào lòng hít hít mùi hương nhãn, nhà chỉ hai mẹ con trơ trọi một mảnh đồng đất, không hít hương nhãn thì hít hương gì, lấy gì thở ngoài hơi của mình. Mẹ buồn.

Tôi không có cơ duyên trong nỗi buồn của mẹ. Mẹ thôi buồn vì tôi lâu rồi. Mùi hoa nhãn biêng biếc chảy tràn người đàn bà. Mẹ tôi như nhãn tháng ba, trổ cờ hoa trắng đợi mùa ghép quả.

Làng và một chiều rất gió, mẹ ôm bụng đau như vỡ, như muốn tháo lao ra. Bà ngoại loà không cản được. Ông ngoại cầm gậy đứng dứ dứ, thoảng hơi gió, tiếng gầm gừ ông ngoại: "đừng vác xác về, con đĩ, tao sinh con không sinh đĩ". Mẹ chẳng còn nghe gì hết, gió chiều bụi mù lẫn giông sấm. Chớp rạch đâu đó, mẹ bất tỉnh ngã dúi bên gốc cây, nhanh hơn luồng điện vừa xé ngang trời. Mẹ tỉnh dậy trong ngôi nhà xa lạ, ánh đèn dầu quạch quẽ, người đàn bà quạch quẽ võ vàng. Bà ta nhìn mẹ, nhìn đống lùm lùm sau áo.

- Năm hay sáu tháng?.

- Sáu tháng rưỡi

- Nặng đây, cô chạy tốt đấy

- Con không biết là chạy, gió đẩy hay cái gì đẩy nữa.

- Đàn bà, mấy ai biết bị đẩy bởi cái gì

Mẹ ngồi khóc rưng rức, đập đầu vào ngực Bà, nước mắt thấm tận vào lớp da bụng nhú rát. Ngực Bà căng lên, nóng nẩy, nhức nhối. Mẹ ở lại với Bà giữa bốn bề đất mới. Chiều chiều hai người đàn bà gồng mình gánh đất. Họ xẻ đất từ những chỗ trũng, lật ngửa, vật lên cây cối. Vườn nhãn nhà mình có từ khi đó. Hoa quả nhà mình có từ khi đó. Bà làm thay sức mẹ mỗi chiều khi ngày cận tháng đến gần. Người đàn bà xua mẹ về giường nghỉ. Đêm đêm người đàn bà ho, ho sặc sụa, ho ra máu. hết ho ngồi viên thuốc rê hút.

Người đàn bà bị phong, một bên trơ cùi tay nhẵn. Người đàn bà giặt áo bằng một bên tay bốn ngón. Người đàn bà không vắt áo. Giũ giũ, tung áo qua dây. Người đàn bà suốt đời không ghế cơm chỉ dùng đũa quấy quấy. Người đàn bà có một bên tay sỉn vàng vê khói thuốc. Mẹ ở với bà, quấn thuốc cho bà và thỉnh thoảng hai người dấu đứa trẻ bẩy tuổi, hút thuốc.

Ngày mẹ sinh, không hộ lý, không y tá, không bà đỡ. Người đàn bà dùng bàn tay bốn ngón và một bên cùi đỡ đẻ. Đứa trẻ chảy tuột ra ngoài khi mắt mẹ vằn đỏ và người đàn bà rối xù tóc. Họ khóc, rồi cười ngất ngây. Hai người đàn bà và đứa trẻ, họ là gia đình.

Vườn cây lớn lên, bắt đầu từ nhãn. Tháng ba nhãn trổ hoa, nhú những mầm trắng đục. Gió đưa bát ngát hương ba gian nhà tranh. Người đàn bà nhìn hoa nhãn đầu mùa cười nhẹ. Mẹ theo chân ra đứng. Gió xô hai mái tóc với nhau, người đàn bà gọi mẹ là con. Gió chiều quẩn hương nhãn.

Người đàn bà có người tìm. Người đàn bà quẳng nhanh ghánh đất luồn sâu vào gốc vải. Cành vải loà xoà che khuất, bóng người đàn ông dập dờn trong lá vải. Ông ta khoảng trên năm mươi, tay trái i sì người đàn bà, tóc bạc trắng nhưng sạch sẽ. Ông đợi người đàn bà rất lâu bên mẹ. Bóng chiều nhập nhoạng, người đàn ông in hình trên vách. Mẹ không gọi người đàn bà, mẹ biết bà ở đâu. Người đàn bà khóc.

- Ông ấy tìm mẹ. Hai mươi năm rồi ông ấy vẫn tìm, vào mùa hương nhãn

- Mẹ để ông ấy đi lâu quá. Mẹ vào nhà?.

- Hai cùi tay, hai bàn tay góp lại để thêm khổ đau. Mẹ hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ông ấy sẽ hiểu.

Bà đêm ấy ngủ bên gốc nhãn, người đàn ông đứng cách một bờ rào chết lặng im lìm. Sáng hôm sau ông chào mẹ tôi sớm. Người bàn bà không khóc, người đàn bà đào đất lấp đầy gốc nhãn đêm qua.

Mẹ tôi nghỉ sinh hai tháng lại lao vào be bờ, đắp đất với người đàn bà. Họ dùng kéo đào rất sâu khu trũng trước nhà. Nước tháng tám đổ ào ạt. Hai người đàn bà chọn cá giống về nuôi. Một buổi người đàn bà sai mẹ đi bộ vào làng mua lợn giống. Mẹ đi chân không ngược gió, gói cơm nắm vào làng. Người làng không ai biết mẹ. Mẹ nói ở xa lắm, nghe đồn làng có giống lợn tốt nên vào mua. Đêm tối mẹ thả đôi lợn vào chuồng. Mấy con gà mua từ tháng trước nhảy inh ỏi. Họ thành hộ kinh tế.

Người đàn bà không bao giờ kể chuyện. Mẹ tôi không hỏi chuyện. Họ nói với nhau trong cách nhìn, bằng cách đỡ những vật từ hai bàn tay lành lặn trong bàn tay còn lại của người đàn bà. Câu chuyện của họ chắp vụn trong những đối đáp ngắn, rời rạc. Họ không bàn nhau nhiều, ý kiến thường trùng lập trong các thứ cần mua. Tối tối họ chụm đầu bên đứa trẻ. Mẹ tôi thường bồng tôi, người đàn bà hay ấp tôi ngủ. Ngoài lúc đỡ đẻ cho mẹ tôi, người đàn bà chưa bao giờ bế tôi. Khi tôi chập chững tập đi, vướng chân trong cành nhãn khô ngã khuỵ không đứng lên được bà cũng chỉ ngồi cạnh khuyến khích "dậy nhanh con".

Một tháng sau ngày mẹ tôi vào làng, có người đến tìm. Anh ta là trưởng công an xã. Anh ta bảo phụ trách vấn đề an ninh. Người đàn bà ngồi nghe chuyện, rót nước bằng bàn tay bốn ngón.

- Chính quyền không biết có gia đình ở đây. Xã vùng cao mới lập nên quản lý còn lỏng lẻo.

Người bàn bà cắt ngang, chúng tôi không làm gì sai trái.

- Chỉ là chậm trễ trong việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu thôi.

Anh ta cười, người đàn bà không nói gì.

Mẹ tôi về khi trời mưa trầm trút, gió đánh thốc từng hồi vặn vẹo mái tranh. Nền nhà bắt đầu nhớp nháp, ánh đèn vàng vọt chao đảo. mẹ tôi về không kịp bỏ quần lao ào vào nhà như mọi hôm. Ánh đèn mờ đục rọi hai khuôn đùi chắc lẳn, sáng nhờ nhợ. Mưa táp lần áo mỏng lên người hằn, khuôn ngực tròn, phập phồng.

Tối đấy trưởng công an xã không về do đoạn đường vào làng bị bão và lốc xoáy làm ngập lụt. Mưa chớp sáng loé sợi tranh, ướt nhũn nặng nề mái rạ. Rơm rạ cùng ủ nhũn trong nước. Tối đó người đàn bà nằm cùng giường mẹ con tôi. Lần đầu tiên bà nằm suốt một đêm. Hơi thở từ giường bên đưa lại nao nao. Hơi thở đàn ông lẫn trong mùi mồ hôi quyện đặc. Tiếng thở đều, dứt khoát. Lọt thỏm trong tai người đàn bà trẻ tiếng thở bạt hơi gió lồng lộn, vần vũ phía ngoài. Ngôi nhà ấm dần, mái tranh đỡ vằn mình. Hai người đàn bà và hơi thở người đàn ông lạ. Tối ấy có lẽ chỉ mình tôi ngủ. Bên giường kia người đàn ông vẫn thấy loang loáng bắp chân chắc lẳn khi chiều. Vợ anh ta bỏ đi xa làm ăn biệt tích từ bốn năm nay. Mùi thơm nhẹ nhàng, một thứ mùi rất đặc trưng, rất ngọt rất đàn bà nôn nao, khó ngủ. Bốn năm rồi, không người đàn bà nào nằm kế bên, không người đàn bà nào toả thứ mùi dịu dàng…dù chỉ từ giường kế bên. Người đàn ông mở mắt thở nỗi buồn trĩu nặng.

Người đàn ông đi ngay sớm sau đó. Những người đàn ông đến nhà tôi đều đi sớm. Mắt ba người lớn sưng sưng. Họ qua đêm bão không ngủ. Nước vẫn chưa chịu rút trên những con đường, chạy chậm chạp, bò theo dòng nhỏ tí tách cánh đồng xa. Ao cá của hai người đàn bà nước đổ lênh láng, che lấp gốc nhãn. Trưởng công an xã hứa cho mượn máy bơm hút nước. Nguy cơ mất trắng lứa cá giống đầu tiên thúc đẩy người đàn bà gật đầu. Chiều ấy, trong một khoảnh đất rộng mênh mông, xa làng xóm, tiếng máy bơm chạy xình xịch, khói đen bốc ngút thẳng trời, tôi sung sướng nhìn vật thể lạ. Hai người đàn bà xăng xái. Góc ao, người đàn ông cười cười nhìn đám tăm nước sủi lục bục.

Người đàn ông chở thêm đất thịt từ những cánh đồng xa về bồi vào mỗi gốc cây. Anh ta đưa cho người đàn bà thêm vài giống cây lạ, rau mọc xanh phủ kín bờ ao. Gà, lợn có cơ sinh sôi. Bầu bí theo nhau thành giàn. Nhà thay lớp vữa xi măng, cát đá. Người đàn ông vào nhà theo tiếng cười. Bà không nói nhiều, xưa nay bà không bao giờ nói nhiều. Bà nhìn về phía mẹ, tay mẹ rung rung. Người đàn bà biết, người đàn bà thở dài.

Mẹ tôi là một phụ nữ đẹp, công bằng mà nói. Cuộc sống vất vả cho đôi bàn tay thô ráp nhưng nước da vẫn trắng như hồi con gái. Thêm một vài nốt tàn hương nhỏ, thêm chút ram rám gò má, mặt người đàn bà ba lăm tuổi căng mỏng với gió sớm. Mẹ có gì đó trưởng thành, mẹ có gì đó náo nức. Mẹ có gì đó, của thời con gái, rức lên, chờ đón. Khi còn con gái, mẹ yêu tha thiết, hiến dâng. Người đàn ông đầu tiên của mẹ là kỹ sư xây dựng phụ trách đoạn đường bộ chạy ngang nhà ông ngoại. Mẹ yêu khi "bố" con đến gần, mẹ tan chảy khi bố con thì thầm; và gì nữa, mẹ chẳng biết. Bà ngoại loà không thấy dấu hiệu của da bụng con gái cứ căng dần lên. Bà ngoại loà cầm tay con gái, mạch đập nhanh hơn gió chiều. Bà ngoại loà lần lần ngón tay trên cổ, trượt nhanh xuống bụng con gái. Bà ngoại loà khóc, nước mắt qua màng nhãn đục ngầu rỉ ra. Mi mắt bà ngoại loà sụp nhanh? Bụng con gái vẫn phập phồng.

- Đi tìm thằng đó về ngay. Mẹ khóc to hơn bà ngoại loà.

- Con biết đâu mà tìm. Người ta dọn dẹp công trường hơn hai tháng rồi. Con chỉ biết yêu. Con không biết làm gì bên người ấy. Bà ngoại loà buông tay khỏi vai mẹ. Bà ngoại loà bỏ rời vai mẹ.

- Đến nhà bà lang.

- Không, con tìm người ấy. Người ấy sẽ thương con của mình.

Bà ngoại loà rướn to tròng mắt, tròng mắt đỏ thẫm. Mẹ khiếp sợ. Đời bèo bọt. Bèo bọt cả ảo tưởng. Mày để tao đến bà lang. Bà ngoại loà giạt mẹ qua bên. Hai người đàn bà cùng ngã, đất đầy bụi trong lòng mắt bà ngoại loà. Nước mắt bà ngoại loà rửa trôi đất. Trời đày con ơi. Mày đi tìm nó đi. Mẹ chờ.

Mẹ tôi lang thang ba tháng trời khắp dải miền Trung tìm bố. Những thông tin cứ mờ dần, mờ dần rồi mất hẳn . Mẹ lê la hết các công trình xây dựng, làm thuê và tìm kiếm. Bụng to che dấu người đàn bà, an ủi người đàn bà. Công trường gió cát cạn kiệt người đàn bà. Nắng gió quật ngã cô gái trẻ. Xe tải chiều thả cô khuỵ xuống trước mặt bà ngoại loà.

Một tuần sau mẹ tôi bỏ đi, ông ngoại biết được liền từ con. Mẹ tôi không quay về nhà lần nào, thỉnh thoảng nhắn tin cho bà ngoại già qua người làng. Mẹ sợ…

Bà ngoại loà biết mẹ tôi yên ổn. Bà ngoại loà muốn đi thăm cháu nhưng mẹ không cho địa chỉ.

Trưởng công an xã đến đều đặn trong tuần. Đã có người bắt gặp họ đi với nhau, trưởng công an xã không tỏ ra ngại ngần. Mẹ tôi cúi xuống mỗi khi gặp người làng. Có người hỏi trưởng công an xã đây là ai, trưởng công an xã cười cười không nói. Ai cũng biết.

Đứa con nhỏ của trưởng công an xã quấn mẹ tôi, nó vào chơi với tôi. Chúng tôi bày trò đồ hàng chơi đến tối mịt. Tối nó đòi ở lại ngủ với tôi. Mẹ tôi đồng ý.

Làng có người vào mua cây giống, Bà ra bán. Người làng bảo vợ trưởng công an xã mới về. Hồi trước họ chưa làm đơn ly dị, chị ta có ý muốn quay lại. Chị ta mang về nhiều tiền lắm, hình như hối thúc trưởng công an xã làm nhà. Thằng bé con thấy mẹ về sung sướng, hát suốt ngày. Người đàn bà không nói, thở dài nhìn giàn bầu bí. Năm nay nóng quá, dây bầu rụi nhanh, giàn bầu mườn mườn teo tóp, trơ phên nứa. Cả giàn vài ba quả gầy guộc, ong đốt vàng ủng, tong teo.

Người đàn bà bảo người làng đừng nói cho mẹ. Nửa đêm, người đàn bà lại chỗ mẹ nằm.

- Con tính sao?.

- Hai người nghèo ghép lại chi cho thêm khổ. Còn đứa bé?. Nó không đáng phải khổ. Con ở với mẹ, chăm con Thơ, nuôi nó học nên người.

Hai người đàn bà ôm nhau.

Mẹ tôi tránh mặt trưởng công an xã. Người đàn bà nói rõ lý do cho anh. Trưởng công an xã tìm mẹ sau gốc nhãn. Hoa nhãn rơi đầy gốc, mặt đất phủ tấm vải trắng mịn màng, thơm mát. Mẹ tẻ nhánh hoa nhãn làm đôi. Thỉnh thoảng anh dẫn cu Bi nghé chơi với Thơ, không gặp hai người nó nhắc lắm. Trưởng công an xã cầm cành nhãn mới tẻ quay đầu đi. Trưởng công an xã hiểu mẹ.

Đêm đêm mẹ xúc đào đất mới.

Bà lên cơn đau nặng, ngực quặn thắt, miệng ho ra máu. Bà thở thều thào. Mẹ vứt kéo cắt đất trên mảng đồng trồi màu đỏ. Mẹ bế thốc Bà chạy. Bà níu cạnh giường giữ lại.

- Mẹ không đi được nữa, mẹ ở nhà

- Gọi Thơ vào đây với mẹ.

Mẹ buông người đàn bà điên dại đi ra. Hai mẹ con cứ quỳ như thế bên người đàn bà chờ đến khi tiếng thều thào tan loãng rồi nhẹ bẫng hoà vào bóng tối. Mẹ đưa người đàn bà ra đồng, trên chỗ đất mới xẻ khi chiều. Đất gặp không khí đã thẫm lại. Mẹ trồng quanh mộ hàng nhãn mới. Ba ngày cho người đàn bà, bà ngoại loà mất. Mẹ bồng tôi về khi họ hàng khâm liệm xong xuôi. Ông ngoại sai người mở áo quan cho mẹ. Mẹ không khóc, đứng trân trân nhìn rồi đổ vật xuống.

Ông ngoại già bảo mẹ ở lại. Mẹ khóc rồi xin đi. Trước khi đi mẹ cho tôi ở chơi với ông ngoại ít lâu. Tôi theo ông đứng nhìn mẹ đi khuất. Tôi nhớ mẹ, nhớ Bà.

Mẹ ôm tôi như mọi chiều, hít hít mùi hương nhãn. Mùa tháng ba hoa nhãn trổ trắng cờ, gió đưa hương sâu thẳm. Đồng đất nhà tôi lại có màu mới, trắng lụa mịn màng. Cuối đường nhãn Bà yên lặng bên gốc nhãn già. Chỗ người đàn ông có bàn tay trái i sì ngày trước đứng mẹ tôi trồng thêm hoa, một giàn hoa giấy chiều rực tím. Tường nhà tôi phủ trong hoa tím. Chiều chiều mẹ tôi ngồi nhìn hoa tím trông xa.

Nguyễn Thị Hoa Xuân
(Hà Nội)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Chín 20238:36 CH(Xem: 5716)
Dáng đi cô gái làm tôi bâng khuâng ngưỡng mộ như chứng kiến một tuyệt tác tạo hóa vừa ban tặng cho nữ giới. Vóc người cao cao, thanh mảnh với những bước chân bắt chéo uyển chuyển, nhẹ nhàng. Điều tôi muốn lưu ý: Cô ấy đi rất tự nhiên, không như các cô người mẫu luôn luôn sượng sùng vì cố phô trương những điều khác, hơn các bước đi được mẹ thiên nhiên ban tặng...
15 Tháng Tám 20236:52 CH(Xem: 6237)
Chẳng biết tôi có tưởng tượng hay không, nhưng hôm nay rõ ràng là mặt biển nhìn cao hơn bờ, dù hãy còn thấp thoáng từ xa lắm. Trời trưa nắng gắt, lối đi dẫn xuống bãi biển dường như cứ tiếp tục trải dài thêm theo từng bước chân của tôi. Chưa thấy nhà của ông Morpheus ở đâu cả. Hai bên đường là những cụm xương rồng tua tủa trông dữ tợn, nhưng lại lác đác điểm những bông hoa màu sắc rực rỡ. Gió biển khô khốc, nồng nồng trong mũi tôi. Tiếng sóng vỗ nghe chập chờn từ tít ngoài xa. Tôi cố nhìn xem có những dấu hiệu gì đặc biệt hai bên đường để khi quay về có thể lần theo ra lại đường cái. Toàn là xương rồng và xương rồng, không có lấy một cái cây cao hay một mỏm đá. Dưới chân tôi là cát trắng lẫn vào sỏi đá, khiến đường đi thấy gập ghềnh, không mời gọi.
18 Tháng Sáu 20235:32 CH(Xem: 6147)
“Lễ tang của cậu qua đi đã lâu nhưng không khí trong nhà tôi vẫn chùng xuống. Không ai biết phải làm gì để tiếp tục sống, ngoài số tiền ít ỏi của cậu dành dụm được khi trước. Sau cuộc chiến “Bão sa mạc” với Mỹ cùng các nước đồng minh, Iraq thất thủ, bị cấm vận. Bao phủ Baghdad là một bầu không khí ngột ngạt, không có bất cứ việc gì để làm. Dù không quá sung túc, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi để thức ăn thừa từ bữa trưa sang bữa tối, mà đều phải vứt đi. Các chủ gia đình sẽ lấy làm xấu hổ nếu họ mua dưới 50 cân gạo một lần, thường đặt hàng cả con cừu, thịt tại nhà và ăn tươi. Tiết kiệm là tính từ không khi nào xuất hiện trong tiêu dùng của người Baghdad. Và bây giờ thì chúng tôi ăn khoai tây, chà là, bánh mỳ làm từ bột mỳ đen vốn chỉ dành cho gia súc. Thế nhưng vẫn có những gia đình còn tệ hơn. Thuốc men hạn chế, đồ ăn không có. Đói. ..."
18 Tháng Sáu 20235:12 CH(Xem: 6211)
Tiết học đầu tiên ở trường Võ Tánh, tôi gặp thầy Đỗ Đức Trí. Hôm ấy thầy trông đạo mạo, mẫu mực, áo quần chỉn chu, thẳng nép chứ không luộm thuộm, nhếch nhác như những lần gặp ở trường Kim Yến. Gặp lại tôi, thầy có vẻ đồng tình là tôi theo nghiệp văn chương, cố nỗ lực để được vào học ở trường công lập. Đối với ông Sáu, thành tích của tôi được vào trường công lập, không kinh qua lớp đệ tam, điều đó ông không quan tâm chút nào. Điều quan tâm của ông là thân xác tôi ngày càng phát lớn, trổ mã trông thấy, cái giọng ồ ề, sức vóc phổng phao như con gà trống đã gây phiền toái cho ông Sáu . Nhà có hai gã đàn ông đang vào tuổi lính tráng là đầu mối cho mọi sự dòm ngó của những con mắt cú vọ, đôi tai thính của những “con chó săn” . Đó là những kẻ mà ông ám chỉ cho những tên cạo giấy, bọn ngồi mát ăn bát vàng, bọn tham nhũng đầy rẫy ở phố phường hoa lệ này.
09 Tháng Sáu 20234:17 CH(Xem: 6599)
Thằng anh ngồi trên bậc thềm ngó mông lung về ngọn núi phía bên kia cánh đồng. Mặt trời dần sụp xuống, những ngọn cỏ chuyển sang màu tím thẩm, gió nồm Nam thổi về lồng lộng. Thằng em khe khẽ ngồi xuống bên cạnh, cả hai cùng lắng nghe tiếng bò hụ từng hồi trên con đường trở về chuồng. Ba, mẹ nó đã từng ngồi như thế…
19 Tháng Năm 20234:11 CH(Xem: 5802)
Ngày chị Tư gặp tôi ở San Jose, chị mừng ứa nước mắt hai hàng. Vừa lấy tay quẹt ngang mắt, cái điệu quen thuộc i như ngày xưa, chị vừa cười: - Gặp cô ba tui mừng quá à. Lâu lắm rồi tui mới khóc được. Vừa khóc mà vừa cười. Tôi nhìn chị trân trân. Chị Tư Trợn da đen nhẻm ẳm tôi ngang hông ngày xưa bây giờ trắng da dài tóc, không hẹn nhau trước chắc tôi không thể nhận ra. Lúc chia tay chị, tôi hỏi: - Em kể chuyện của chị được không? - Chuyện đời tui có chi đâu mà kể, dị òm. - Em kể chuyện mộ gió nha. - Ờ, cô ba còn nhớ chuyện mộ gió hả- mắt chị chợt buồn xa xăm- tui thì quên lâu rồi. Sao mà tôi quên chuyện mộ gió được.
30 Tháng Tư 20233:45 SA(Xem: 6812)
Con gái hắn, ở tuổi 17 đã hỏi sau một giờ học môn lịch sử: “Bố ơi, thế điều gì có tính quyết định khiến ông Nguyễn Thái Học đứng ra thành lập tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng ạ? Sao còn trẻ thế mà ông ấy lôi cuốn được nhiều người vậy? Bí mật gì, hở bố?”.
12 Tháng Tư 20239:53 CH(Xem: 6085)
Có lẽ, phải vào lúc sống một mình giữa không gian tối tăm, sau hai ngày cả mấy cha con bị xích tay vào trại tạm giam, ông mới sực láng máng nhớ đến cái khái niệm “Tư tưởng của Ruồi” mà một nhà báo nhà văn có số má từng nói với ông gần 10 năm trước. Nó được thốt ra, đúng hơn là được nhắc lại, giữa men rượu Tây hảo hạng do ông chiêu đãi tại một restaurant sang trọng bậc nhất Sài Thành, giữa các nhà văn nhà báo ông sưu tập được qua mấy năm kinh doanh vào quy mô khủng, mà trung tâm là tay nhà văn cộm cán từng kiếm nhiều tiền nhất của gia tộc ông và các doanh nghiệp nổi như cồn, có biệt danh “Ruồi Trâu” do anh ta tự đặt.
20 Tháng Ba 20235:55 CH(Xem: 6008)
Lần đầu tiên anh đến, Mẹ chỉ nhìn anh một lần, từ góc nhà rồi im lặng.Trong khi cô quấn lấy anh, mắt môi ngơ ngơ chìm đắm. Đêm đó, nằm cạnh cô, mẹ khẽ khàng nói; - Khí chất nồng nàn, nhưng tính cách rất lạnh. Mắt rất lạnh nhưng tia nhìn lại giấu kín. Tia nhìn giấu kín, nhưng sắc bén như dao, xuyên thấu tâm can người khác. Con mắc nợ tiền khiên với người này.
08 Tháng Ba 20235:31 CH(Xem: 6364)
Nhân ngày Tết trung thu, trùng với thứ bảy, chủ nhật, Trung phóng xe máy về Cần Giờ. Con đường từ phà Bình Khánh về thị trấn Cần Thạnh được mở rộng, đường vắng, xe cứ phóng thả ga. Hai bên đường, suốt hơn bốn chục cây số chỉ thấy rừng là rừng. Những cây đước vươn thẳng tắp, cành lá xòe ô che kín bầu trời, xe chạy trong màu xanh ngút ngàn của rừng cây như trôi trong không gian huyền thoại.