- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TAN CHẢY TRÊN THẢO NGUYÊN

21 Tháng Ba 20166:02 SA(Xem: 13299)

THAI-BAO-2016
Nhà văn Thái Bảo -2016




Tôi hận cha, Nhân lẩm bẩm, ba chữ xù xì như ba cây cọc hàng rào trước nhà giăng đầy căm ghét ngăn cản bước chân thụt thò của Nhân. Chỉ một với tay, nếu Nhân gõ cửa và chắc cửa sẽ mở, Nhân đã có hẹn với chủ nhân ngôi nhà. Ngôi nhà trắng thanh lịch đã thành sự ám ảnh, đối với Nhân, màu trắng là màu tối tăm nhất. Nhân đẩy nhẹ chiếc cửa, liếc xéo hàng rào gỗ, một đường thẳng tắp trắng khiết cắt ngang đám cỏ xanh lụa, chiếc cửa gỗ rên lẹt khẹt dài lõng thõng, bước qua mảnh sân trước này, chừng ba chục bước chân, Nhân tự đếm thầm, Nhân sẽ đến cửa chính.

          Nhân cứ loay hoay trước chiếc cửa to hình ô van cách điệu, dẫm nát gần hết vạt cỏ, mà chẳng dám nhấn chuông. Sự do dự này đã có từ lâu, vì Nhân không dám đối diện sự thật, không qua được rào cản cha con, hay không muốn tìm lại cảm giác sụp đổ của một thành trì, một hi vọng. Với Nhân, tiếng cha chỉ là một danh từ riêng để xưng hô gọi một con người. Cửa bỗng xịch mở. Dường như chủ nhà đang chờ khách quí. Nhân chào lí nhí chào Hương, người mà Nhân phải gọi bằng dì. Chữ dì nghe lọt thỏm trong vòm họng. Nhân không ngờ dì còn trẻ quá, trẻ như Nhân, đồng tuổi, chưa quá bốn mươi. Hương dang rộng vòng tay, mùi thơm da thịt, mùi nước hoa, hương cỏ mùa thu nhè nhẹ âu yếm xiết chặt Nhân. Nhân vụng nhìn đôi mắt Hương, đôi mắt tô viền cẩn thận, đánh thật to và đen sắc như các cô gái vùng Bắc Mỹ. Ánh mắt Hương trong veo không gợn mây của tiết trời tháng chín bang Wisconsin. Chiếc áo lụa đỏ J Jill in hoa mẫu đơn với cổ áo hình trái tim khoét sâu làm Nhân nghẹt thở, lòa mắt trên làn da trắng tuyết. Bao nhiêu đắn đo trước đây của Nhân tan biến nhanh như làn sương mỏng trước ánh nắng bình minh, thay vào đó, Nhân hồi hộp cho một cuộc chơi, nếu điều đó xảy ra, một thách thức, một sự trả thù cho những gì Nhân bị đánh mất.

          Xưng tên nhé, Hương đang lỡ tay hái dâu. Vừa nói Hương vừa kéo Nhân thẳng tuột ra vườn sau. Qua hết đám cỏ dày, một rừng dâu tây đang chín mọng, đầy những trái đỏ lấp ló sau những vạt lá xanh đậm. Hương có vẻ hứng khởi với trò hái dâu tây. Hơn một lần hai bàn tay họ vô tình chạm nhau. Nhân cảm thấy tê tê đầu ngón tay, rần rần chạy về tim, đầy khoái cảm, khác xa sự nhạt nhẻo lần đầu Nhân vuốt ve bàn tay người yêu, Thu.

          -Nhân có nét lai tây phong độ giống cha nhỉ. Nhưng…

          Để ý Hương lấp lững sau chữ nhưng, Nhân chẳng buồn hỏi. Thưở nhỏ, đi với cha, được khen có nét lai tây giống cha, đi với mẹ, Nhân cũng nhận một câu khen tương tự. Dễ hiểu, cha và mẹ Nhân đều lai Pháp, mà với người Việt, nét lai tây nào cũng na ná nhau.

Nhân nóng lòng muốn nghe mọi chuyện, nhưng Hương vẫn nha nhẩn rửa từng trái dâu như chẳng có chuyện gì xảy ra trong nhà. Nhìn bàn tay Hương khéo léo xếp các trái dâu cao ngất kiểu kim tự tháp trên chiếc đĩa sứ, Nhân thở dài trong chờ đợi. Hương vẫn im lặng, lắc nhẹ bình kem, xịt một lớp nhẹ trắng như khăn voan của cô dâu sắp vào hôn lễ lên dĩa dâu tây. Mời Nhân một trái, Hương nhón trái khác, mút lướt lớp kem ngoài, ấn trái dâu lút sâu vào khoé miệng phải. Họ cùng lặng im, chỉ nghe âm thanh trượt dài của trái dâu qua thực quản. Trái dâu tây đỏ sẫm như màu son môi của Hương làm Nhân nghẹt thở.

Bất ngờ Hương nhìn xoáy vào mắt Nhân nhả giọng từng chữ một.

- Hương rất muốn nghe Nhân kể lại ngày cha của Nhân bỏ nhà ra đi…

Khuôn mặt hồng rực của Nhân đang ở bên người phụ nữ quyến rũ chợt trở màu xám xỉn của cảnh trời chiều sắp mưa. Nhân cứng họng lắp bắp nói không rõ lời. Hai bàn tay Nhân cứ xoắn lấy nhau.

Ngày ấy như ngày hôm qua. Trong phòng khách thênh thang bao phủ màu trắng lạnh, đại gia đình tựu đầy đủ, cha mẹ, ngoại, dì Hai… Khuôn mặt ai cũng rầu nát, không phải vì dấu ấn thời gian mà bởi một biến cố khiếp sợ. Cha ngồi khuất một góc sô pha với khuôn mặt khó tả, chẳng vui, chẳng buồn, chẳng ân hận. Mẹ muốn nói đôi điều nhưng cha đã khoát tay lặng im. Chỉ có ngoại nói. Ông đứng thẳng, ngẩng cao đầu, hực lên trần nhà vô vàn chữ nghĩa: điển tích, tục ngữ, triết, lịch sử... Vạn chữ ấy liên tục bổ xuống đầu cha. Ngoại vẫn say tuôn chữ. Nào, cha đã dẫm nát hàng rào luân lý, mối quan hệ giữa cha và người con gái lớn của dì Hai là tảng mây đen nhấn chìm căn nhà này, nhấn chìm cuộc hôn nhân sắp đặt giữa hai dòng họ lớn nhất bên quê nhà. Cha vẫn câm và đẩy cửa bỏ đi. Nhân chạy theo nhìn, cơn gió bức hè Florida quất ngược Nhân vô nhà. Nhân không khóc, không rơi nữa giọt nước mắt. Ngôi nhà trắng đã úa đen mãi mãi. Nhân không hiểu tại sao cha có thể làm điều kinh hoàng ấy. Ngoại lầm hay cha sai. Tin ai? Mẹ bảo ngoại là bậc trưởng thượng của nhà này, của cả dòng họ, ngoại không thể sai. Những câu hỏi sắc như dao cắt nát tình cha con, cả tuổi thơ Nhân. Uất hận đã ghim sâu, hằn lõm trong não, chẳng khác gì những bản khắc đá của người tiền sử, không bao giờ nhạt.

- Cha Nhân đã chết một năm rồi. Đột ngột Hương vào câu chuyện.

- Nhân biết. Nhân lạnh lùng trả lời tin ấy như đối một người dưng.

Nhân mệt mỏi với những thước phim cũ mà người trong cuộc chẳng muốn nhớ. Mím chặt môi, Hương đẩy về phía Nhân một hộp nhỏ. Thời gian nhảy đều đặn từng tháng một qua những tờ ngân phiếu gốc kể từ ngày cha bỏ nhà đến cận ngày cha lìa đời, nét chữ bình thản cùng tên người nhận trên tờ ngân phiếu, mẹ, làm Nhân chao đảo, chẳng hiểu điều gì đang xảy ra giữa cha và mẹ.

Giả vờ lạnh băng như Hương, Nhân kìm giọng.

- Lương bác sĩ như cha tôi, dăm ngàn đô thí mỗi tháng chẳng là gì, ông ta đã hối lỗi.

Một thoáng buồn chợt hiện trên mặt, Hương nắm chặt tay Nhân lần nữa kéo xuống tầng hầm.

Nhân ngoan ngoãn theo Hương chẳng khác gì một cậu bé, sự bình thản của Hương đã điều khiển Nhân, Nhân đang cố vùng vẫy thoát ra, càng vùng Nhân càng bị xiết hơn như con mồi trong một nút thắt. Nhân chấn phấn đôi chút khi băng lên màu huyết dụ của tấm thảm cầu thang dẫn xuống tầng hầm, một không gian khá rộng và lạnh lùng. Hai cửa thông gió rót đầy ánh sáng từ trên mặt đất tràn ngập xuống vách và sàn hầm, ánh mặt trời dương tính khác hẳn màu trắng lạnh âm tính của các bức tường. Sự phấn chấn mau chóng loãng ra trong khối không khí đặc màu trắng.

- Nhân biết cha anh có nghề tay trái viết văn chứ.

- Nhân biết…nhưng không hề đọc.

-Mọi thứ dưới hầm này trước đây là thế giới riêng của cha anh, nay thuộc về Nhân, theo di chúc ông ấy. Không thèm để ý thái độ ngạc nhiên của Nhân, Hương nhẹ bước lên khỏi tầng hầm.

 

Nhân ngồi trên chiếc ghế da phòng khách, ngắm bức hình khổ lớn của nhiếp ảnh gia Oleg Oprisco nổi tiếng, “sơn đỏ thành phố”. Một cô gái với làn tóc dài hung đỏ, chiếc đầm trắng loang lổ vết sơn, tay cầm cọ đang gắng sơn đỏ tất cả lá cây trong thành phố, một tông màu đỏ chói trên nền trắng của hình hơi nước huyễn ảo, kéo dài kín cả bốn bức tường lạnh lẽo nhưng tươm tất. Nhân bơi trong gam màu trắng ngột ngạt để khám phá di sản lạ lùng của cha, lạ lùng như cách bài trí trong tầng hầm này, màu trắng lạnh cợt nhã cùng gam màu nóng đỏ. Ngoài phòng khách, tầng hầm có tất cả ba phòng nhỏ. Nhân đẩy nhẹ cửa vào căn phòng ngủ.

Nhân nằm sấp trên chiếc giường ngủ, cố gắng nằm đúng ngay vị trí mà Hương từng nằm, Nhân hồ nghi như thế qua vết lõm của tấm nệm nhưng không dám chắc. Nhân rờ rẫm làn da mát của nệm, những đường cong từng oẵn mình vì sức nặng con người, Nhân tưởng tượng mọi điều về Hương nhưng không biết Hương có nghĩ gì không. Nhân rướn người như con rắn, bò chậm chạp, khám phá, khoái trá với ảo giác, có lẽ đây là dấu ấn hai bầu ngực Hương, mặt cong của vùng bụng… Rướn thêm chút nữa, Nhân vẫn úp mặt nhìn xuống nền nhà, màu đỏ, màu của thảm. Hai màu trắng đỏ, vách trắng, thảm đỏ, trong phòng ngủ cứ chuyển đổi liên hồi, đưa tâm thái Nhân lúc lên lúc xuống, lúc rạo rực lúc buông xuôi.

Trở mình, nhìn lên trần nhà, rồi hướng tầm mắt sang vách phòng, Nhân bật mình dậy, lạnh cả người như gặp hổ trong rừng sâu. Lòng thòng trên các cây đinh tường, la liệt các vật dụng trong nhà tù, còng số tám, roi điện, gậy baton, dây trói…Một ý nghĩ lóe trong đầu, cho dù Nhân không dám nghĩ nữa, cha có phải là kẻ ác dâm. Nhân chạm từng thứ ấy trên tường, cả người Nhân bắt đầu nóng dần, một cảm giác lạ, vừa sợ, vừa thích, lẫn chới với giữa bốn bức tường lạnh. Mắt không rời chiếc còng số tám, Nhân đi thụt lùi ra khỏi căn phòng, quên cả chiếc nệm còn mùi thơm da thịt Hương.

Nhiều cuộc gọi từ Florida đổ dồn vào diện thoại di động của Nhân. Mẹ và Thu rất tò mò muốn biết Nhân làm gì trên ấy, tận xứ Wisconsin. Thu lại gọi điện thoại, hỏi khi nào Nhân trở về. Nhân gắt gỏng trả lời nhát gừng, chắc vài hôm nữa. Thu hổn hển nói nhớ người yêu, Nhân mặc kệ, Nhân trả lời nữa đùa nữa thật, vẫn còn trên đường khai phá lục địa mới. Nhân thẫn thờ nghĩ về Thu, về tình cảm mà cả hai dành cho nhau. Mối tình mà họ vun đắp ở xứ nóng Florida chẳng nồng ấm chút nào. Nhân chán ngấy tận cổ sự kiêu sa đài các của Thu, lẫn cả dòng họ tôn thất mà mỗi lần họ giận nhau, Thu thường phán “em là con nhà danh giá”. Nhân đã ném vỡ bốn chữ “lá ngọc cánh vàng” vào trong quá khứ, Nhân thích đập phá cuộc hôn nhân sắp tới này, nhưng sợ làm mẹ buồn, người mà Nhân trân trọng với niềm cung kính tột cùng.

Nhân lách vào phòng làm việc, giật mình khi đèn tự bật sáng và điệu nhạc quyến rũ sang trọng của Beatle hiện hữu. Những nốt nhạc bung lên, vỡ dài trên mặt thảm đỏ, trên kính tủ sách, ray rức con tim Nhân. Cứ thế, Nhân đắm mình trong nhạc, say sưa trên những hàng chữ sáng tác của cha. Sách nối sách, sách đứng, sách nằm, chạy hết hai bức tường. Nhân chọn một cuốn tiểu thuyết bìa đỏ với lời tựa rất lạ, mến tặng con trai của ta và không phải của ta, ký tên cha. Ánh mắt Nhân dịu lại, dính chặt vào chương đầu “Ngày hợp hôn”: Hắn bế thốc người vợ trẻ đặt nhẹ nhàng trên chiếc giường cưới trắng mênh mang. Nàng nằm nghiêng, mắt nhắm hờ, chiếc áo cưới quá khổ che bụng lùm thùm. Hắn uống say mềm, hắn biết hắn chẳng làm gì được khi nàng đã có thai 8 tháng, nhưng hắn vẫn muốn ngắm nhìn thân hình người phụ nữ nay đã thành vợ. Hắn chuồi tay dưới áo mân mê bụng nàng, chiếc bụng kềnh càng tự dưng thành một trở ngại, hắn không thể cởi áo cưới, hắn đành xé toạt áo. Vạt áo vừa xốc lên, hắn sững người, trên làn da trắng tinh lộ những vết sẹo đầy khắp đã lành, phủ đầy trên lưng, trên nhũ hoa, cả giữa hai đùi. Hắn khóc ngon lành, khóc thương nàng, nhưng tiếng khóc của nàng át cả hắn, át cả tiếng mưa tiếng sét ngoài trời. Nàng khóc vì đã thoát một kiếp đọa đầy. Bào thai ấy không phải của hắn mà của người chồng trước... Những trận cuồng dâm chích tàn thuốc lên người như trận gió khô khốc sa mạc đổ ập táp xuống da thịt nàng, cơn gió thổi quần quật ngày đêm. Thai đã lớn, người chồng vẫn không buông tha. Nàng lơ mơ đến Mỹ nhờ chồng, không người quen biết, chưa có giấy tờ tùy thân, nhưng nàng vẫn dứt áo ra đi. Bỏ chồng, nàng gặp hắn trong bệnh viện từ thiện cuối tuần…Hắn chìa tay, nàng về ở với hắn không vì tình, nàng cần một điểm tựa, còn hắn, hắn sợ cô đơn, cô đơn trong cảnh một mình nhìn tuyết rơi ở xứ lạnh Bắc Mỹ.

Nhân nóng ran người chẳng khác hắn ở trong cuốn tiểu thuyết, càng nóng hơn khi làn hơi thở phà qua gáy len lỏi qua cổ áo, hơi thở ngọt ngào của người đàn bà từng trải. Hương đứng sau lưng Nhân tự bao giờ nhìn chằm vào trang sách. Nhân bật dậy ôm chặt lấy Hương, vòng tay xiết chặt vòng tay. Nhân mong giây phút này dừng lặng mãi. Cái xiết tay của người đàn bà kinh qua khổ đau có khác, không xiết mạnh nũng nịu đến nghẹt thở như Thu, mà hơi lả lơi một chút, đủ nới để ôm choàng hạnh phúc. Môi Nhân cố tìm môi Hương. Chiếc loa Bose trên tường nhả từng chữ giọng John Lennon trầm ấm trong bài hát Hold me tight, Nhân thầm hát theo, hãy ôm tôi thật chặt, để tình ta hết trọn đêm nay. Thời gian không dừng lại như Nhân mong muốn. Hương đẩy Nhân ra. Nhân buông lời xin lỗi.

Không nói một lời, Hương xoay người một góc 180 độ, cú xoay tuyệt, gót chân trái làm trụ, tựa trên mũi bàn chân phải, chiếc áo vén lên, tấm lưng trần nõn nà phơi thẳng vào mắt Nhân. Những vết sẹo sần trải dài trên lưng như đàn vắt đang bò tuyệt vọng trên bờ tuyết trắng. Nhân rùng mình chẳng khác gì đàn vắt ấy đang lũ lượt mò sang. Nhân rơi tự do, rối mù trong cơn lốc xoáy tình cảm. Nhân là hắn, hắn là cha, Hương là nàng trong cuốn tiểu thuyết? Nhân tự hỏi.

- Đây là cuốn hồi ký của cha Nhân viết dưới dạng tiểu thuyết. Cứ đọc hết, xuất bản hay không tùy Nhân.

Nhân ngồi thừ dài trên chiếc ghế xoay, chẳng tha thiết Hương đã nói gì và lên trên nhà từ lâu. Chiếc loa Bose chuyển nhạc, bài Don’t bother me cùng giọng ngọt thấm Paul McCartney tràn dâng bao nhiêu, lòng Nhân càng chơi vơi bấy nhiêu, mọi toan tính cũng bằng không, bao nhiêu ghét giận sắp nhòa, Nhân có cảm giác kỳ lạ, cảm giác ghét chính Nhân.

Nhân gọi điện thoại, Thu mừng rỡ trả lời, giọng nức quảng muốn bay lên Wisconsin. Bao nhiêu năm ở Mỹ, Nhân bực mình, Thu vẫn rặt tính Việt: nhõng nhẽo, đeo bám, cam chịu.

Nhặt lại cuốn tiểu thuyết đang lăn lóc trên thảm, bị Nhân thả lúc ôm chầm Hương, chương cuối “Tiếng thét ngựa cuồng” cuốn hút Nhân từng dòng một: Hắn dán ánh mắt khát cuồng lên thân hình của nàng, thân hình gái một con toàn bích, một giọt nước mắt viên mãn lăn dài trên khóe mắt phải ánh long lanh, hắn nuốt trọn giọt nước mằn mặn ấy, hắn say nàng, say cả nước mắt. Hắn thong thả từng hành vi, hắn biết phải làm gì, chỉ vài ánh đèn hồng lấp lói trên trần nhà, những bóng đèn nho nhỏ hắn từng ví ngọc ruby, đủ ánh sáng tụ trong mắt nàng. Hắn hôn ánh mắt, hôn luôn ánh đèn, tiện tay hắn bấm bài hát cài sẵn với nền nhạc vang tiếng vó ngựa vùng viễn Tây mang hình ảnh chàng cao bồi lãng tử đang thúc ngựa rượt bắt những chiếc tàu chở vàng và phụ nữ đẹp. Trong tiếng nhạc, hắn thúc ngựa chạy lên đồi cao, muốn lên cao mãi. Hắn ôm chặt cổ nàng như ghì cương ngựa, hai chân ép sát người nàng tựa chàng cao bồi ép thúc hông ngựa phi nhanh hơn. Ngựa vẫn mãi mê gục đầu trên bãi cỏ non xanh sữa, ngựa còn háu ăn. Hắn vã mồ hôi, ngựa bình thản quanh quẩn chân đồi, đỉnh đồi cao quá, xa vút tầm tay. Ngựa gần chùn gối dù hắn ghì cương thúc hông ngựa liên tục. Người và ngựa thở hổn hển. Hắn gắng sức đẫm ướt mồ hôi, nước mắt tuôn dài trên mặt nàng, hắn hớp lấy hớp để từng giọt, hắn không thích những giọt nước cảm thông. Hắn tớp ngụm nước cùng viên thần dược hình thoi màu xanh hi vọng, cảm giác rạo rực trỗi dậy, như cả thiên hà quẫy mạnh, hắn thúc ngựa, một tiếng thét tột cùng. Hắn và ngựa ngã chõng gọng trên vạt cỏ xanh…Hắn nằm ngữa vật vã, không còn sức để ngăn dòng nước trào từ hai khóe mắt nàng, ánh sáng hồng phản chiếu trong mắt nàng đã ngúm, nàng nhắm mắt, trên đường phân giác giữa hai đùi chỉ là một mẫu thịt nhỏ trương phồng trái nghịch với những cơ bắp cuồn cuộn của hắn.

Nhân hốc miệng, một tiếng nấc thoát cao tận trần nhà chẳng khác gì hắn trong tiểu thuyết. Nhân chạy, chạy lên nhà trên, chạy trốn sự thật. Nhân băng qua tấm hình treo trên đại sãnh, hình người cha đang chữa bệnh cho các tù nhân trong trại tù, ghé mắt vào phòng làm việc của Hương, màn hình vi tính vội tắt, Nhân tẻn tò nhận ra Hương đang theo dõi mình qua camera dấu dưới hầm, Nhân đỏ mặt vì đang bị Hương lột trần trụi rồi đặt lên thớt bằm như con cá. Nhân chào Hương lần cuối. Hương nói với theo.

-Nhân và cha, à không, người cha hờ, đều sống rất bản năng, nhưng Nhân còn non lắm.

Thoát vượt màn đen của căn nhà trắng chói giữa vườn cỏ xanh rờn, Nhân phóng xe bạt mạng ra xa lộ, một đường thẳng bất tận như không có điểm cuối, hai bên xa lộ gật gù thảm hoa thủy tinh dại màu vàng chanh theo tiếng gió rít của xe. Nhân tấp vào lề, xa lộ vắng tênh không một bóng xe, mở cửa xe, để xe nổ máy, Nhân thả mình bồng bềnh trên thảm cỏ xanh của thảo nguyên. Mẹ bắt điện thoại rồi tắt ngay khi Nhân vừa nói con đã tìm ra sự thật. Thu bặt tin sau vài lần gọi. Máy thu thanh trên xe đang chơi bản Let it be vẫn của Beatle, cứ vậy đi, ừ thôi đành vậy... Nhân nhìn bầu trời quay cuồng, một tiếng thét giữa không gian rộng lớn không kịp vút cao, tiếng thét đã nhão nhùng và tan chảy trên thảo nguyên.

- Ai là cha thật của tôi?




THÁI BẢO
Florida tháng 10, 2015
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Giêng 202012:21 SA(Xem: 17535)
Chiều mùng 3 tết, trời vẫn rét cắt da cắt thịt. Tôi dừng nghỉ ở Đền Mẫu trước khi qua sông để vào bản Cọ, bản Khau. Sông Cầu cạn lắm, nước trong veo và lạnh, nhìn rõ sỏi trăng dưới đáy. Đi thuyền thuyền qua sông hai bên bờ cây lá run rẩy vì rét, hình như xa xôi kia còn sót lại một bông hóa chuối rừng như một ngọn lửa nhỏ thắp lên giữa khu rừng, làm ấm lòng một gã thợ ảnh là tôi, bỏ vợ con nheo nhóc ở nhà, ôm máy ảnh đi kiếm tiền nơi rừng xanh núi đó, khi thiên hạ vẫn đang say sưa đón tết. Chỉ có điều bông hoa chuối rừng này đỏ một cách lạ lùng, như màu máu tươi vậy, tôi đi đến đâu cũng vẫn thấy bông hoa ấy lúc trước mặt, lúc sau lưng, lúc ở đáy sông khi thuyền sang sông.
24 Tháng Giêng 202012:16 SA(Xem: 16133)
Những ngày giáp Tết năm nay, tôi mang một ít hàng ra chợ trời bán cho vơi bớt hàng cũ. Lúc đầu mới ra bán tôi rất ngại, lo sợ đủ điều nên thay vì tôi chọn chỗ đông người để bán cho đắt hàng, tôi lại chọn chỗ vắng hơn cho đỡ phải tranh giành bon chen với người khác. Dần dần tôi lại cảm thấy ở chợ trời cũng nhẹ nhàng chứ không đến nỗi vất vả, giành giựt như tôi nghĩ, tôi cũng có những người bạn mới từ nơi chốn này.
22 Tháng Giêng 20209:23 CH(Xem: 15593)
Khi tôi vừa bước lên cầu thang thì bất chợt nghe tiếng đàn piano vọng xuống từ trên tầng hai của căn chung cư, tiếng đàn vang lên từng khúc gãy nhịp tạo ra một thứ âm thanh rời rạc nghe chói tai khiến tôi đứng khựng lại, và trong một thoáng suy nghĩ, tôi đoán chắc tiếng đàn ấy là của một người đang mầy mò học đàn. Nhiều lần đến chơi với Quân tôi không thấy trong nhà nó có bất cứ một loại nhạc cụ nào, nhưng tình cờ hôm nay nghe được tiếng đàn khiến tôi ngạc nhiên.
22 Tháng Giêng 20208:09 CH(Xem: 16598)
Cơm nước tắm rửa xong, bọn trẻ đã lên giường thì ba nhân dắt nhau ra vườn nói chuyện. “Mà thực ra tao cũng đếch biết nói thế nào. Một đằng người yêu cũ, vợ cũ tuy chưa có con chung nhưng tình sâu nghĩa nặng từ thủa còn thơ. Vả lại cổ đã tuyên bố nếu tao hắt hủi mẹ con cổ, cổ sẽ ôm cả hai đứa nhảy xuống sông Tiền cho khuất mắt. Cái vụ này thì dám lắm, tao chơi với cổ từ nhỏ tao biết tính mà. Còn cô Hồng cũng nói, em đã bán hết nhà cửa ôm cả ba đứa con máu thịt của anh vào đây rồi, anh có định đem chúng ra ngoài đường bỏ là tùy! Rối ruột quá đâm cùn, tao bảo hai bà là, tôi cán bộ đảng viên nên không được hai vợ, tôi chỉ được chọn một. Hai bà tự đàm phán với nhau. Xong rồi thì một bà vào buồng với tôi, một bà ngủ với con!” “Thế rồi sao?” “Hai bả rì rầm ngoài vườn khuya lắm. Tao đã thiếp đi rồi thì thấy vô buồng. Cả hai! Một bà vào nằm trong. Một bà nằm ngoài. Tao nằm giữa.” “Ái chà chà! Trò chơi ba người, bánh mì kẹp pa tê à! Sướng nhất chú!” “Tầm bậy! Sướng cái khỉ khô"...
14 Tháng Giêng 20209:22 CH(Xem: 15938)
Thiện có một căn nhà cho thuê. Cách đây lâu lắm, năm nào Thiện không còn nhớ rõ, chỉ biết lúc ấy mẹ anh quan tâm đến cuộc sống tương lai của cậu con trai út vô lo nên bà đã cẩn thận dặn dò anh. Mẹ anh bảo: -Thiện à. Con đã lớn khôn rồi, không còn bé nhỏ nữa, phải biết lo cuộc sống tương lai, mẹ muốn con mua một căn nhà để sau này khi con lập gia đình có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng. Ông bà ta thường nói “ An cư mới lạc nghiệp ”. Nghe con. Nghe mẹ nói Thiện chỉ cười cười không tỏ vẻ lời khuyên của mẹ có sức thuyết phục đối với anh.
10 Tháng Giêng 20209:18 CH(Xem: 16346)
“Đàn ông Mỹ sao lắm người tên John thế. John Wayne, John Kennedy, John Lennon, John McCain… gặp ông Mỹ, em cứ gọi đại là John, bảy mươi lăm phần trăm là trúng phóc.” Cô gái giụi đầu vào vai chồng, hít hà mùi thuốc cạo râu phảng phất trên vai áo anh, châm chọc. Bóp nhẹ bờ vai vợ, người đàn ông xoay đầu qua, cọ cằm vào đỉnh đầu phủ làn tóc mượt mà của vợ, hít hà, “Chính xác.” / “Tại sao anh lại tên John?” Cô gái hỏi. / “Mẹ anh thích đọc Phúc Âm của thánh John.” /
28 Tháng Mười Hai 201911:29 CH(Xem: 16600)
Bình An / Tên của tôi là do cha cô ấy đặt. / Sự hiện hữu của tôi là vì cô ấy mà có, tôi là một con robot.Tôi được chào đời vào một ngày mùa thu thật ảm đạm, lần đầu tiên thức dậy đập vào mắt là bầu trời xám xịt nặng những nước, nhìn xong tôi mới hiểu thấm thía cái cảm giác buồn bã, u sầu thường thấy trong thơ văn. Các bạn sẽ hỏi tôi làm thế nào một con robot mới được thành hình lại có thể có được cảm nhận như thế? Các bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa bởi vì trong bộ nhớ của tôi tích luỹ có lẽ còn nhiều hơn gấp mấy lần bộ nhớ của các bạn, những người bình thường. / Lần mở mắt đầu tiên, tôi đã có thể biết thế nào là mưa, là nắng, là bốn mùa. Tôi đã có thể nhận biết biển sâu, núi cao, năm châu, bốn bể và tất cả thủ đô của các nước trên thế giới. Tôi đã có thể biết kể chuyện cổ tích, hát những bài hát kinh điển, có thể chơi được những bài nhạc classique trên piano.
18 Tháng Mười Hai 201912:28 SA(Xem: 18538)
“Chị cho em ôm một tí...” “Vào đây. Ôm chị đi...” Thiếu phụ với tay chèn chăn cho hai con. Xoay người lại đón. Cậu lính trẻ rúc gọn vào ngực người đàn bà đang nuôi con nhỏ. Bộ ngực to dập dềnh ấm nóng. Mùi sữa thơm nức. Chút sữa thừa ứa ra lần áo. Cậu lính trẻ rúc mặt xuống, thè lưỡi nếm. Ngọt lành. Cái lưỡi mềm mại chạm vào đầu ti qua lần vải mỏng. Chỉ thế là đủ cho một dòng điện chạy xoẹt từ đỉnh đầu đến gót chân. Tê dại. Hai thân thể cong lên, dính chặt vào nhau trong vô thức. “Chị ơi...” “Em nhớ người yêu...”
14 Tháng Mười Hai 20191:04 SA(Xem: 16642)
“Đây là thành phố của những cây cầu. Cô thấy thơ mộng không?” - Giám đốc công ty bạn đang ở thế vừa là đối tác vừa cạnh tranh với chúng tôi đích thân lái xe đón tôi từ sân bay về trụ sở công ty ấy. Hoàng hôn đang đổ xuống sông Hàn lóng lánh. Tôi chợt nhớ Diên. Trước mắt nàng mà bày ra cảnh tượng đẹp đẽ này thì Diên vẫn như đã chết. Mắt nàng vẫn vô hồn, chiếc váy lụa vẫn rủ xuống tận gót chân lạnh lùng mướt mát.
23 Tháng Mười Một 20193:42 CH(Xem: 16156)
“Chú cho cháu bao nhiêu cũng được. Cháu chỉ cần chú giúp cháu mở hàng.” Giọng nói nhỏ nhẹ, mỏng mềm như trượt về từ một không gian xa lơ lắc. Tôi ngần ngừ, nhìn quanh. Một ngày mới thênh thang trước mặt. Nắng mới lên, vắt vẻo ngọn me già. “Okay chú nhé!” Vẫn cái giọng mỏng mềm. Tôi mỉm cười, nhìn xuống chân mình. Đôi giầy hôm trước lần mò cái ngõ hẻm lầy lội tìm người quen cũng lấm lem lắm rồi. Và cái chuyện mở hàng đượm nét dị đoan của chú bé mặt mũi ngây ngô thế kia gợi cho tôi sự tò mò. Cả đời tôi chưa bao giờ ngồi gác chân lên trước mặt ai. Dọa treo cổ tôi, tôi cũng không đưa chân mình cho người khác rửa. Nhưng thằng bé này làm tôi xiêu lòng.