- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

RŨ BỤI CUỐI NĂM

18 Tháng Giêng 20163:22 SA(Xem: 29577)

NguyenThiMinhNgoc2016

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc- ảnh Hợp Lưu 2016



Không dễ mà bốn phụ nữ Mỹ gốc Việt này cùng một cô từ Việt Nam sang có thể cùng tụ tập nhau trên đất Mỹ. Mỗi người có vài cái tên, tạm gọi họ bằng cái nghề, đúng hơn là cái nghiệp mà họ đang theo. Cô Văn, gần lục tuần, là người lớn tuổi nhứt, dù cô luôn tin rằng tuổi trẻ, chính là cái tuổi cô đang có. Cô Nghệ, khoảng năm mươi, làm những công việc phải chường mặt ra đám đông là một việc mà cô rất không thích vì phải chăm sóc vẻ ngoài. Cô Đẹp, là người luôn tránh việc khai tuổi, nhưng khi năm cô tụ lại, thấy rõ tuổi của cô ở giữa cô Nghệ và cô Vũ. Vũ ở Việt Nam sang làm việc, tuổi ở cuối ba mươi. Người cuối, cô Vợ, được bạn bè cho là có sắc mặt biến đổi theo trạng thái tinh thần, lúc như ba mươi, lúc tưởng chừng sáu chục. Tình yêu và hạnh phúc, chính xác hơn là niềm vui và nỗi buồn, đã có thể khiến người ta, nhất là phụ nữ, bị dao động khoảng thời điểm sống của mình như vậy đó.

Kỷ niệm lần gặp nhau hy hữu này, cô Đẹp đề nghị tất cả đi massage. Hè năm ngoái, ba cô, Văn, Đẹp và Vũ tình cờ gặp nhau ở San Jose, Đẹp đãi hai bạn một giờ massage chân ở một tiệm của người Tàu. Như nail trên đất Mỹ, hầu hết đều có  chủ gốc Việt, còn sở hữu các tiệm foot massage ở Mỹ thường là các người Mỹ gốc Hoa.

Bấy giờ là mùa Đông, chuẩn bị sang Xuân, năm cô hội ngộ tại Orange County. Nghệ đề nghị.

-“Kỳ này mình tới chỗ massage của Korea gần phi trường đi.


Nghệ biết được nơi ấy do lần trước, khi cô sang làm đạo diễn ở Cali, một nữ nghệ sĩ đã đãi “thầy” bằng vài tiếng tẩy trần trước khi cùng tập luyện. Lần đầu cô Vợ bước chân đến mấy chỗ như vầy. Văn và Vũ thì thỉnh thoảng có đến foot massage, nhưng cũng là lần đầu họ đến một nơi vừa có nhiều phòng Rừng, Muối, Băng, Lửa như ta thường thấy trong phim Hàn, vừa có nơi bán thức ăn, và đặc biệt còn có dịch vụ được gọi là body scrub, khách sẽ được đặt nằm trên bàn cho nhân viên tắm táp.

Cả năm trong năm bộ đồng phục của Y- Spa bước vào căn phòng đầu treo lủng lẳng nhiều bịch tỏa vị thuốc nam. Nghệ kêu chúng gợi nhớ tới những bịch ‘của quý” của các thái giám trong vài phim Hàn, Tàu mà vì nghề nghiệp, Nghệ phải xem. Bốn cô còn lại ngơ ngác không hiểu, Nghệ kể thêm, các thái giám cực kỳ trân quý cái thứ mà vì công danh họ phải cắt lìa nên buộc con cháu, bằng bất cứ giá nào, loạn lạc phiêu dạt cũng phải bảo quản cẩn thận để chôn theo, không thì kiếp sau sẽ lại tiếp tục sống đời hoạn, thiến. Nằm trên những tấm khăn lót nền cho đỡ nóng, hai người đầu tiên không chịu nổi là cô Vợ và cô Văn. Văn kéo cô Vợ sang ngay phòng Băng.

Người kiệm lời nhứt trong nhóm có lẽ là Vũ. Tính ra Vũ là hậu bối nhưng Nghệ  cho là tài năng và tấm lòng của Vũ không kém, thậm chí hơn nhiều lớp tiền bối trong nghề. Nghệ đã định cư bên Mỹ, thoi thóp làm nghề, vui là chính, đôi khi đi làm vở phải bỏ tiền riêng đắp vào để đỡ nhục với chồng, vì thù lao cho nghề đạo diễn kiêm viết trường kịch xứ này thua xa tiền tip của nghề nail, so với công sức bỏ ra cho cao lắm là vài ba xuất diễn, còn phải hầu hạ nhiều diễn viên không biết diễn nhưng thích chường mặt với đời bằng mọi giá. Nghệ sang Mỹ trể, muốn đi học nhưng chồng can, nói lớn tuổi rồi, học ra làm được bao nhiêu năm thì phải hưu, thôi ngồi yên đó, chồng nuôi. Nhưng dễ gì Nghệ ở yên với những người quen, dư biết cái nết không thể “say no” của Nghệ nên cứ lôi kéo Nghệ từ tiểu bang ít người Việt bay về Cali để giúp nhau làm nghề. Nghệ hỏi chuyện về những ngày Vũ đi làm việc ở Indiana. “Lính” của Vũ hóa ra không có người Hoa nào như nhiều người tưởng. Người Việt càng không. Ngoài giờ tập, niềm vui của Vũ là xem tin tức ở Việt Nam. Cùng Vũ nhắc những tin nóng vừa đọc được, Nghệ kêu chẳng vui nổi. Vũ thì tóm gọn lại: “Theo em, thì toàn bộ những chuyện thảm hại này đều là hậu quả của một nền giáo dục tệ hại trong nước”

Bên căn phòng Băng, Văn không tin được khi nghe cô Vợ lần đầu kể thiệt, đã lâu lắm, thân thể cô không được chồng chạm vào. Nói đúng hơn, cô không cho chồng làm điều đó. Việc này chỉ ba người biết, cô, chồng, cùng đứa con của hai người, vì từ lúc gặp lại chồng trên đất Mỹ, cô đề nghị được ngủ riêng cùng con gái. Đó là anh chồng thứ hai. Anh chồng đầu đã có với cô Vợ một đứa con trai. Thằng bé là đích tôn. Cả nhà chồng trân quý thằng bé như một ân sũng của Thượng Đế. Họ dồn tất cả tình thương và mọi món ngon vật lạ, áo đẹp, xe máy cho thằng bé trong giai đoạn hậu chiến khó khăn. Chỉ có một điều họ không thích về thằng bé là mẹ nó. Sợ thằng bé bị bắt đi lính sang K. họ dấu cô, đóng vàng để Chồng Nhứt của cô cùng thằng bé vượt biên. Ngủ một đêm, sáng dậy, không còn chồng và con, thấy mình không còn lý do gì để ở lại căn nhà này nữa, cô Vợ xin về sống với mẹ. Nhà chồng hoan hỉ chấp thuận ngay. Ngay sau đó, cô quen người sau này là chồng thứ hai của cô. Trước cô, Chồng Hai đã có mối tình với Chúa, sâu đậm tới độ anh cố học để thành linh mục. Gặp cô Vợ, anh cỡi áo. Họ sống với nhau, với tâm thế vọng về đất Mỹ như vùng đất hứa mà kinh thánh đã ghi. Ngày cô Vợ đi sanh đứa con với chồng mới thì anh đã xuống tàu bằng số vàng cô đi bán thuốc tây lậu dành dụm được. Người mang hoa đến nhà bảo sanh mừng Bé Út ra đời lại là anh chồng Nhứt sau khi ở tù ra. Chuyến tàu của chồng Nhứt khởi đi từ Cà Mau đã bị bão thổi giạt về lại vùng Bà Rịa. Chồng Hai đến Mỹ, một thời gian sau, viết thư về đòi chia tay cô Vợ với lý do: sang đây mới thấy “đời không như là mơ, nên đời thường giết chết mộng mơ” như lời một bài hát. Về sau, chồng Nhứt cũng đi được, trên tàu anh quen một ni cô và khi lên bờ, kết hôn với cô ấy. Cô Vợ mang con sang đất Mỹ, vì con mà ráp lại với chồng Hai, nhưng cô còn giữ thư tuyệt tình xưa để ra điều kiện như điệu Lý Đò Đưa: “lấy chồng thì em vẫn lấy, nằm chung em chẳng nằm”.

Vẫn chưa tới giờ sang khu body scrub, cô Văn chịu không nổi lạnh, để cô Vợ ở lại với cô Nghệ, thêm cô Vũ mới sang. Văn theo Đẹp đến khu hàng ăn. Đẹp nói gần đây thấy truyện của Văn lác đác đăng trên báo hải ngoại, nhưng sao chưa thấy chị viết truyện em kể hôm về Việt Nam năm kỉa năm kìa. Thật ra Văn rất thích mẫu chuyện Đẹp đã kể, thích tới độ muốn phát triển thành tiểu thuyết trăm trang, dĩ nhiên Văn sẽ còn lồng ghép thêm nhiều câu chuyện đời ly kỳ, thuộc loại cấm kỵ khác.

Năm đó, những ngày trước Tết, Đẹp từ Việt Nam gọi về Mỹ cho Văn, âm điệu lâng lâng vì sau chuyến ra Huế dự một Lễ Hội Áo Dài, nguyên văn của Đẹp là cô được vài trai “rượt”. Đẹp cho vào chung kết một trai trẻ kiểu Kim Soo-Hyun trong Vì Sao Đưa Anh Tới - My Love from Star và một chàng có vẻ chửng chạc hơn, như Ji Sung ở Kill Me, Heal Me - mà các trang mạng dịch là Tìm Lại Chính Mình. Đẹp gọi Mỹ Nam trước là Kim, còn Phờ-Tờ-Sờ (Phó Tiến Sĩ) sau là Sung. Cô bị đốn tim ngay khi nghe cả hai đều cho là cô chỉ mới ba mươi. Cô thiệt thà tin hai trai đẹp đều bị nhan sắc của mình khuynh đảo. Cả hai tận tụy đưa Đẹp tung tăng đi chơi không chỉ khắp cố đô Huế. Riêng Sung còn tổ chức đi chơi riêng đến các hang động ở Quảng Bình. Đêm ở lại Phong Nha, Đẹp kể xém thất tiết với ông chồng hờ người Mỹ của mình. Sau một tràng cười ha hả phóng khoáng, Đẹp đố, chị biết cái gì kìm em lại không? Rồi Đẹp giải luôn, văn hóa! Hay nói đúng hơn là văn minh Mỹ cứu em đó. Giường chiếu của một hotel mắc nhứt vùng đó vẫn gây Đẹp cảm giác nhớp nháp rẻ tiền nên cô đã xô Sung ra, vùng chạy.

Văn thích chi tiết đó, nhưng cũng chính chi tiết đó khiến Văn kìm tay lại. Hoàn cảnh Văn hơi hơi giống Đẹp. Chồng vẫn cho Văn về Việt Nam một mình để thăm mẹ già còn sống nơi đó. Lỡ viết ra, chồng Văn không tin chuyện của Đẹp mà nghi Văn kể đời mình, có thể sẽ không thoải mái với những chuyến về thăm mẹ của Văn như vậy nữa.

Văn cũng thích tiếng cười ha hả phóng khoáng của Đẹp khi mồng năm Tết, từ Việt Nam trở về lại Mỹ. Đẹp kể về đến đây rồi, nhận mail mới nghe hai em nó rón rén thổ lộ ý muốn được Đẹp mời sang Mỹ chơi. Hóa ra chẳng phải các ẻm mê nhan sắc thiếu phụ nửa chừng xuân của Đẹp, mà điều cuốn hút của Đẹp nằm ở cái ID mang quốc tịch Hoa Kỳ.

Văn hỏi còn liên lạc hai em nó không, Đẹp cười nhẹ hơn, nói còn giữ Kim thôi vì sau khi lộ tà ý xong, thấy không hiệu quả, nó khai thiệt là gay và xin làm em nuôi của Đẹp. Loại em nuôi đó Đẹp có hàng chục, và không ít các em nuôi tin Đẹp chỉ là con búp bê ngồi rơm nên tha hồ bày trò vòi tiền Đẹp mà không biết rằng những mảng trò ấy Đẹp “rành sáu câu”, cầm bằng mình giả ngu mua vé mắc xem các kịch sĩ tồi diễn kịch.

Tới giờ được tắm, cả năm vào phòng tập thể, tháo hết áo quần, cho nước lên người trước khi vào khu có người tắm cho mình. Ca dao cho là: Hơn nhau cái áo, cái quần, Cỡi ra mình trần ai cũng như ai!  Còn Văn thấy bốn thân thể đang ở quanh cô, mỗi người một vẻ, khác hẳn body của cô. Vòng số 2 lớn nhất thuộc về Văn, đứa phải ngồi nhiều để ôm laptop, gỏ. Tương phản với Văn là Đẹp với cái bụng gần như lõm vào. Nghệ nhìn là biết dù Đẹp bỏ nhiều giờ tập luyện để bảo vệ nhan sắc mình nhưng lõm kiểu đó hẳn là phải có dao kéo can thiệp. Vòng số một và số ba hấp dẫn nhất thuộc về cô Vợ. Văn thầm nghĩ, tiếc quá, sự hấp dẫn đó lại phải để hoang phế dù tiếng đời tàn nhẫn, truyền nhau rằng cô mạnh mẻ khát tình trong sinh hoạt mây mưa. Với Văn, thân thể đẹp nhất, hài hòa nhất trong năm đứa chính là body của của Vũ. Ngực Vũ nhỏ nhưng săn chắc như nhiều vũ công và biên đạo múa khác. Dường như biết Văn ngắm mình, Vũ ngượng xoay mông lại. Thâm tâm, Vũ lại muốn được nhìn xuyên thấu Văn, để xem có cái gì trong trái tim của người đàn bà viết văn mà Vũ đã trót yêu.    

Năm cô, trần truồng như năm đứa trẻ sơ sinh, ngửa rồi sấp cho năm phụ nữ khác tấm táp, kỳ cọ bằng đôi tay mang găng nhám. Mỗi chiếc bàn có tấm vách lững ngăn nên họ chẳng thấy nhau cũng chẳng thể chuyện trò thêm. Cuối năm, cơ duyên gặp nhau, cùng nhau đi rũ bụi cuối năm, có những niềm riêng tưởng trút theo ra  cho nhẹ người, hóa ra chưa đủ giờ, cũng chưa đủ tin nhau nên ai cũng còn giữ chút trăn trở riêng mình.

Như cô Vợ, khi còn đi học, vốn có mối tình đầu rất đẹp, chỉ là một lần nắm tay. Nay Tình Đầu lấy vợ sang Mỹ với hợp đồng nếu hai bên tìm được tình xưa thì buông nhau ra. Thực tế thì Tình Đầu đã tìm tới cô Vợ, tuy không còn chăn gối với chồng Hai, nhưng vẫn đang là Vợ của người ta. Vợ của Tình Đầu, cũng gặp khó khăn tương tợ, nên cả bốn - không, cả sáu - người, nhân danh những đứa trẻ con mình, đồng ý cứ giữ nguyên hiện trạng các cặp vợ chồng trên giấy tờ. Cô Vợ nằm đó, cảm nhận nước tràn trên người mình, mà tưởng như ai đó rưới lệ đời xuống thân thể hoang lạnh của cô.

Còn cô Nghệ, khăn nhỏ đắp mắt. Trong tăm tối vô minh, dường như cô bay lơ lững trên cao, xấp mặt ngó xuống cái xác rỗng của mình, kiểu như Tam Tạng trong ngày cuối chuyến thỉnh kinh thấy chính hình hài mình nổi trên ngọn sóng. Nó còn Là Mình không, khi mình vẫn liên tục “say yes” với những trì níu choán giờ không cho cô sanh nở những tác phẩm vì mình, cho mình?

Tâm hồn đơn giản nhất là cô Đẹp. Nhưng đơn giản không có nghĩa cô không cảm thấy cô đơn. Cô từng học design ở Boston, cô cũng có khả năng trở thành một người thiết kế. Cô biết mình đẹp, cô bỏ giờ nhiều cho thân thể mình. Rồi như chưa đủ tự tin chạy đua với Ác Thần mang tên Thời Gian, cô liệng thêm vào đó tiền để kéo dao can thiệp. Hôm nay, nhìn rõ thân hình bốn cô bạn kia, cô chợt thấy quan niệm về đẹp của mình chông chênh lay đổ. Cô thấy có vẻ như thân thể mình bất toàn nhất, nhưng rồi cô lấy lại bình tỉnh ngay, nếu đẹp là tự nhiên thì cô tin đứa hồn nhiên nhất trong cả bọn chỉ thể là cô.

Hơn ai hết, Vũ mong nước sẽ lôi tuột hết xuống sàn những sợi vấn sợi vương trong cô với Văn. Sẽ không đi tới đâu cái tình cảm trái thường này. Nhiều người nói một phụ nữ viết văn không nên lập gia đình. Vũ thấy câu đó dùng cho các nữ biên đạo thì đúng hơn. Văn đã có chồng ở tuổi ngũ tuần. Bạn bè hồi hộp chờ ngày Văn ly dị, nhưng mười năm rồi, chuyện đó không xảy ra. Có khá nhiều người cầu hôn Vũ, mỗi lần như vậy, Vũ lại nhớ tới Văn. Nhớ điếng. Nhớ ngứu. Như tự mình đưa tay, ôm choàng lấy tim mình, ròi chà, rồi xát, rồi vò, rồi vuốt, y như thân thể cô trong tay nhân viên Y-Spa hiện tại. Vũ tự hỏi, Văn có bao giờ có cảm giác tương tợ với mình, rồi cô tự trả lời, chắc chắn là không.

Đúng như Vũ cảm nhận, hôm nay, nhân gặp lại các cô bạn này, Văn vẫn còn niềm tin rằng tuổi trẻ, chính là cái tuổi cô đang có, nhưng cô cũng không chối được sự thật rằng cô là người lớn tuổi nhứt so với họ. Cái list 50 những điều phải làm trước khi chết cô chưa soạn ra. Giờ cho công đoạn body scrub chỉ có 30 phút này, trong nửa tiếng ngắn ngủi ấy, dường như nhiều ước mơ dang dỡ thời trẻ trôi qua đầu cô. Nào giấc mơ viết về các nhà tù ở Việt Nam qua các triều Pháp, Mỹ, communist, nào dự tính cuốn sách cho trẻ em xem để bọn nhỏ ngoài Bắc biết vùng Nam Kỳ Lục tỉnh có những huyền thoại từng tỉnh, vùng khác nhau để qua đó tụi nó phân biệt được Đồng Tháp khác Cà Mau, Long Xuyên khác Rạch Giá, Bạc Liêu ra làm sao. Đó là chưa kể tới những người trút hết tâm sự vào Văn với mong cầu cô sẽ nhào nắn nó thành phim, truyện, kịch, cô hăm hở nhận lời nhưng rồi buông xuôi theo dòng đời lôi kéo. Cô thấy mình tệ hại không kém gì những lời Nghệ vẫn thường tự trách là đã để mất MÌNH.

Rời khu body scrub, đồng hồ chỉ 11:10. Người nóng ruột muốn đi về liền là Nghệ nhưng ngại các bạn mất vui nên không dám hối. Cô sắp phải nhận một số cuộc gọi từ các nước khác. Văn tỏ ý lo cho cô Vợ nhưng cô Vợ đã nói cứ ở đến giờ đóng cửa, không sao. Không để Nghệ đợi lâu, một nữ nhân viên người Hàn đến nhìn họ, rồi cúi đầu, nói bằng cái âm hưởng broken English:
- Ma'am, please we are closed!


Cô Đẹp càu nhàu, sao lại có thể như vậy được, mình đang tắm, cô ta bận quần áo đầy đủ rồi cứ đứng vậy mà nhìn sao?

Câu nói được lập lại lần thứ hai với Vũ khi cô đang làm động tác nữ tính nhứt là chải đầu. Lần này thì nhóm “đuổi khách” tăng thêm ba người.

Vũ chỉ đồng hồ và tấm bảng ghi giờ đóng cửa là Midnight.

Khi câu ấy được lập lần thứ ba với bốn nhân viên đứng cạnh Văn thì tất cả đều có cảm giác người nói ra câu ấy có một cặp mắt mang hình viên đạn.

Đẹp cất tiếng cười ha hả bất hủ của cô, cho là cô nhân viên này càng hối thì càng làm mình bối rối khiến thời gian hoàn tất vẻ ngoài sẽ bị kéo dài hơn, mới có thể bước ra đúng giờ đóng cửa. Văn nghi có thể cô ta cũng đang có một chuyện nhà nào đó cần kíp phải ra về. Nghệ thêm, biết đâu cô ta lại đi kiếm một Spa khác để nằm yên cho người ta tắm..

Chuyến về, Đẹp lái chiếc xe do mình mướn. Vũ im lặng như thường lệ. Cô Vợ thì tỏ vẻ sảng khoái khác thường. Nghệ sốt ruột hơn khi xe từ Irvine về bị kẹt cả khúc dài. Cô đành ngồi trên xe làm việc bằng viber khi một nữ nghệ sĩ từ Singapore đúng hẹn gọi cô. Văn lấy giấy nguệch ngoạc ghi vài điều phải hoàn tất trong năm tới. Khi cô buông bút, Vũ nắm tay cô hơi lâu. Văn nhìn Vũ như một dấu hỏi, Vũ lắc đầu như không có gì, nhưng Văn đọc được trong ánh mắt và nụ cười mỉm của Vũ những chữ: Love You, My Spring!


Nguyễn Thị Minh Ngọc
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Tám 20199:09 CH(Xem: 20587)
Mẹ tôi có tính tiết kiệm, ăn uống lúc nào cũng nhường món ngon cho chồng cho con ăn. Khi ba tôi mất, quần áo mới mẹ cứ cất tủ cho đến khi mất còn mới tinh, có cái mẹ chưa mặc. Tôi bây giờ y chang như mẹ, lâu rồi tôi cứ nghĩ rằng mình không có chồng có con nên đâu cần chưng diện làm gì. Con gái tôi thương mẹ nên nó sắm cho mẹ toàn bộ quần áo, son phấn... Tôi đơn giản không phấn son chưng diện... Nên đến hôm tôi dọn nhà tôi lôi ra đồ mới còn quá nhiều, áo quần đẹp, cả đồ lót phụ nữ còn nguyên lố lố mới kít. Tôi không thể mang hết vào SG nên tôi cho từ thiện hết toàn bộ. Tôi liên tưởng đến mẹ. Nếu tôi chết, con tôi nó sẽ chôn hết đống đồ này theo tôi như mẹ.
10 Tháng Tám 20197:07 CH(Xem: 18155)
Anh vừa ra được tập thơ. Tiền đi vay, lãi suất năm phần trăm. Trên đời này, hiện giờ không có gì rẻ hơn thơ và khốn khổ như nhà thơ phải ôm sách của mình đi bán lẻ. Khi đưa bản thảo cho nhà xuất bản, anh nghĩ, việc giải quyết "đầu ra" sẽ tính sau, trước mắt làm sao có được sách đã. Đến khi cầm tám trăm cuốn Đối thoại với dòng sông trong tay anh mới thật sự hiểu thế nào là kinh tế thị trường. Anh nhẫn nhục mang thơ đi phát hành. Bán khắp mọi nơi, bán cả ở những chỗ người ta nhiều tiền nhưng không hiểu thơ và chẳng cần thơ. Cái năm phần trăm của bảy triệu hàng tháng thúc bách anh. Tại một trường phổ thông trung học, khi anh nhờ mua giúp hai chục cuốn, ông hiệu trưởng lật xem qua rồi bảo :" Chúng tôi sẽ vận động các em mua". Ba tuần sau, anh trở lại, ông hiệu trưởng khả kính mang ra chồng sách phủ dầy bụi, nói như người có lỗi :" Ông thông cảm, học sinh bây giờ không thích thơ
09 Tháng Tám 201910:17 CH(Xem: 19522)
Nghe tiếng cót két dưới sân, tôi biết ngay thằng bạn trời đánh vừa tới. Chiếc xe đạp khô dầu, nói bao nhiêu lần là chỉ cần xịt vào đó chút dầu hoặc không có dầu thì quết lên sợi dây xích chút mỡ bò là trơn tru, mà cái thằng nhất định không nghe. Tiếng cót két cứ như tiếng nghiến răng của bà hàng xóm lúc ngủ mê, nghe đến nổi cả gai ốc.
08 Tháng Tám 201912:02 SA(Xem: 18568)
Tiếng bánh sắt siết trên thiết lộ đêm khuya hay không gian yên tĩnh của sân ga luôn có một sức hút lôi cuốn, thỉnh thoảng không có cơ hội cho một chuyến đi nào, tôi thường ra sân ga chỉ để ngồi thu lu một góc nào đó mà cảm nhận sự đoàn tụ và chia ly. Chẳng vì lý do gì hoặc có thể trong cuộc đời mình mát mát quá nhiều, đưa tiễn quá nhiều mà người ở lại luôn là người buồn hơn.
06 Tháng Tám 201912:28 SA(Xem: 22157)
- Tôi có thể ngồi chung bàn với chị được không? Quán hôm nay đông quá! Hắn bưng dĩa cơm chay trong chiếc đĩa nhựa xanh rẻ tiền khom lưng đứng trước mặt người đàn bà. Người đàn bà nhẹ nhàng ngước lên, đôi mắt đầy thảng thốt : - Không được. Tôi đang chờ một người quen. Hắn quay lưng bước đi, miệng lầm rầm cáu kỉnh: - Ăn chay mà cũng giành chỗ!
03 Tháng Tám 20199:42 CH(Xem: 20239)
Tôi thường hay đọc những câu chuyện của nhiều tác giả lạ quen trên các trang web văn học hoặc trên trang mạng xã hội Face Book, có những câu chuyện rất hay của nhiều người viết văn không chuyên với lối kể chuyện thật thà, đơn giãn nhưng sâu sắc. Một người phụ nữ đã lớn tuổi thường hay nói về nỗi buồn đời mình. Hình như người ấy độc thoại, viết cho mình chứ không phải cho một ai khác, tôi nhận ra điều này bởi vì không thấy người ấy trả lời hay “like” hay hỏi ai đó trong những bình luận. Trong bất cứ bài viết nào cũng vậy, một người phụ nữ lạ lùng, bí ẩn có “nickname” nguyetnga Một hôm, tôi đọc được đoạn văn, chợt giật mình nhận ra có điều gì đó gần gủi quá, và dường như nhận ra mình trong đó
31 Tháng Bảy 201910:24 CH(Xem: 17727)
Đám người xếp hàng dài trước cái quầy gỗ. Mùa hạ, thành ra trời ẩm và nóng nực. Hắn giũ nhẹ cổ áo cho chút gió hiếm hoi lùa vào cái lồng ngực đã bắt đầu hom hem. Hắn cứ tưởng tượng thế. Thực ra hắn còn trẻ. Mới ngoài ba mươi mà già nỗi gì. Nhưng mà nhìn cuộc sống trẻ măng ở chung quanh, hắn cứ thấy mình đã bị đẩy ra ngoài khung cửa của những cuộc vui hoang loạn tuổi trẻ.
28 Tháng Bảy 20198:48 CH(Xem: 19884)
Hắn vốn chưa bao giờ tin ở Định Mệnh. Nhưng, thời gian qua, có những sự việc buộc hắn dần phải tin vào một thứ lý lẽ của Trời Đất mà hắn thường cho rằng chỉ tồn tại trong văn chương cổ… Mọi sự lại bắt đầu bằng chuyện của người hàng xóm. Gần một năm nay, hầu như lần nào cũng vậy, cứ thấy hắn về tới cổng, chàng thanh niên nhà bên cạnh lại vội nhảy ra vồn vã, hồn nhiên: - Anh ơi, đã xin được việc cho em chưa? Hắn chỉ biết gượng nở nụ cười chó thui để khỏi dội nước lạnh vào hy vọng của thằng bé. Gọi là thằng bé thì quả quá đáng, vì cậu ta cũng hơn 30 tuổi, có điều tâm trí ngây thơ như một đứa trẻ mười hai chốn quê rừng.
25 Tháng Bảy 20199:26 CH(Xem: 20849)
Hai năm trước trên chuyến bay đi Bắc Mỹ từ Saigon, tôi đã nhặt được quyển nhật ký viết dở dang này. Hẳn là của một cô gái. Một cô gái đang yêu. Mãi đến hai năm sau, trong một nỗ lực hầu như là tuyệt vọng kiếm tìm tung tích của chủ nhân quyển nhật ký này, tôi mới đăng những trang nhật ký này lên, hy vọng cô gái chủ nhân của quyển nhật ký sẽ đọc thấy. Và có hai khả năng xảy ra: Hoặc cô gái ấy còn yêu và còn buồn, cô ấy sẽ tìm tôi để nhận lại quyển nhật ký. Hoặc cô gái ấy đã hết buồn và hết yêu (hoặc là bắt đầu một tình yêu khác vui hơn), cô gái ấy đã quên những gì mình viết ra trong ngày buồn. Quyển nhật ký sẽ vẫn ở lại với tôi.
19 Tháng Bảy 201911:12 CH(Xem: 18779)
Tôi cố nén những giọt nước mắt…Đó là ngôi nhà hai tầng nằm ngã ba phố chợ. Trước nhà có hai cây Phượng Vĩ già cỗi, dưới cội cây rêu xanh đặt dăm ba chiếc bàn đón khách uống ly đá chanh ngồi tránh cái oi bức trưa hè, hoặc nhâm nhi ly cà phê chiều tàn mà ngắm nghía cái xô bồ cuộc sống. Lan can lầu treo mươi chậu Lan. Nơi chúng tôi thường tụ tập với nhau, cùng học hành, cùng vui chơi và cả những giận hờn vu vơ tuổi mới lớn.