- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GẤM THƯỢNG HẢI

01 Tháng Mười Một 20155:00 CH(Xem: 37045)
GAM THUONG HAI



LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Nguyễn Nhân Trí với một lối viết kể chuyện điềm đạm và trào phúng, tác giả hé mở cho chúng ta xem câu chuyện cười ra nước mắt...   Mời quí độc giả và văn hữu cùng đi vào thế giới của "Gấm Thượng Hải".

TẠP CHÍ HỢP LƯU




Ông bệnh nặng đã lâu. Mấy hôm trước khi chết, ông dặn dò vợ con làm tang lễ cho ông càng đơn giản càng tốt, khỏi cúng kiến tụng niệm gì cả.


Suốt đời ông đi đám tang của người quen cũng đã nhiều. Ông thấy họ tổ chức rườm rà quá. Năm bảy thầy tăng được mời đến tụng cầu an, cầu siêu, độ vong, sám hối gì đó liên tục hết tốp nầy đến tốp khác. Khách đến thăm lúc nào cũng nghe tiếng tụng kinh xen lẫn với tiếng chuông mõ lóc cóc vang rền. Những khi không tụng kinh thì có giàn nhạc mướn đến trỗi lên inh ỏi từ những bài nhạc Tây xưa rích cho đến bản “Một Cõi Đi Về” của Trịnh Công Sơn (đây là bài mà ông gọi là nhạc đám tang được yêu chuộng nhất trong những năm gần đây). Người ta giải thích với ông, “Có nghe kinh như thế thì vong hồn người chết mới an ổn mà siêu thoát. Và phải có nhạc lễ rình rang thì các vong linh chung quanh mới không cản trở hay quấy phá”.

 

Ông không nghĩ ông cần phải nghe mấy bài kinh ê a đó mới có thể siêu thoát. Ông cũng không thấy mấy ông thầy chùa đó có thần lực gì giúp đỡ được ông sau khi ông nhắm mắt ra đi. Ông không thích nhạc lễ kèn trống um sùm, ông không muốn hàng xóm phải khổ sở lỗ tai họ chỉ vì ông chết. Ông không muốn đám tang của ông có những nghi lễ vừa bực mình vừa vô bổ ích như các đám tang đó.

 

Ông có ba người con: cô con gái lớn, cậu con trai kế, và cô con gái út. Ông biết vợ ông và cô con gái lớn hay thích đi chùa. Có thể ông trở thành không ưa thích thầy chùa lắm từ khi ông bắt gặp vợ ông và cô con gái lớn quỳ mọp xì xụp lạy mấy ông sư trong chùa nhân dịp lễ cúng sao giải hạn gì đó mấy năm trước. Ông cho rằng nếu mình không quỳ lạy cha mẹ đã nuôi nấng đút mớm mình hồi còn nhỏ cực khổ biết bao nhiêu thì tại sao lại đi quỳ lạy mấy người dưng xa lạ đó chỉ vì họ khoác lên người bộ y phục màu vàng. Cậu con trai và cô con gái út giống như ông, chúng cũng không thích đi chùa cúng lạy gì cả. Cũng có lẽ chỉ vì chúng còn nhỏ quá không biết gì. Tuy vậy ông vẫn thường đùa là phe ông mạnh hơn phe vợ ông vì có dân số đông hơn.

 

Đêm trước khi ông chết, vợ ông để ý nghe có tiếng chim trên cây bên hông nhà kêu gù gù mấy tiếng. Bà thì thào với mấy con: “Đây là điềm xấu cho ba con rồi. Người ta nói chim cú đến nhà kêu ba tiếng là trong nhà có người sắp chết”. Cậu con trai nói với mẹ là cậu đã nhiều lần thấy mấy con chim nầy lúc chập choạng tối thường bay về đậu nghỉ trên cây bên nhà chốc lát rồi bay đi mất. Đây không phải là lần đầu tiên. Cậu không biết chúng là chim gì nhưng cậu thấy rõ ràng chúng không phải là chim cú. Với hơn nữa, cậu phân tích, chúng kêu gù gù nhiều tiếng lắm chớ đâu phải chỉ có ba tiếng. Cô con gái lớn quay qua nạt em trai: “Chim nào cũng vậy. Mầy biết cái gì mà nói!?”

 

Vợ ông bảo nhà quàn sửa soạn một đám tang không mang màu sắc tôn giáo nào hết, đúng như lời ông dặn. Thi hài ông được tắm rửa sạch sẻ, mặc một bộ quần áo ông thường dùng hàng ngày lúc còn sống. Họ cũng chuẩn bị sẵn cho ông một quan tài giản dị nhưng trang trọng.

 

Trước khi làm lễ tẩn liệm, thi thể ông vẫn còn nằm trên bộ ván giữa nhà. Có một người quen thân với gia đình đến thăm. Vợ ông quen biết bà nầy lâu ngày rồi vì họ thường gặp nhau khi đi chùa lạy Phật. Bà nói nhỏ với vợ ông và cô con gái lớn rằng xưa nay ông không hay đi chùa chiềng cúng lạy Phật thì bà e rằng vong hồn ông không biết đường siêu thoát và sẽ sa vào cõi u tối. Bà nói bà sẽ giúp đỡ về việc nầy nếu muốn. Vợ ông và cô con gái lớn bằng lòng ngay. Cậu con trai và cô con gái út vì không có kinh nghiệm gì về tang chế đồng thời vì muốn chiều ý mẹ và chị nên cũng không phản đối.

 

Bà bạn gọi một cú điện thoại. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, một thầy tăng đến nhà. Thầy tuổi độ trên dưới năm mươi, đi xe Honda “tay ga” mới toanh. Sau khi nói chuyện với tang gia, Thầy cho biết ông chết nhằm giờ trùng, cần phải cẩn thận nếu không chẳng những ông không bao giờ siêu thoát mà còn kéo theo thân nhân với ông. Vợ ông tái mặt. Bà đã nghe nhiều câu chuyện “chết giờ trùng” rồi. Có những trường hợp, bà nghe kể, tất cả người trong gia đình lần lượt chết theo người chết ban đầu trong vài năm ngắn ngủi. Bà không hiểu “trùng” là trùng cái gì, hay cái gì trùng. Bà chỉ không muốn ông không siêu thoát được mà cứ phải vất vưởng hoài. Nhưng điều quan trọng nhất là bà không muốn chuyện “bị người chết giờ trùng kéo theo” xảy ra cho con cái bà, và nhất là cho bà. Dù sao thì phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, bà suy nghĩ và trình bày với Thầy.

 

Thầy bảo bà cứ yên tâm. Thầy hứa sẽ giúp đỡ bằng cách tụng đủ các bộ kinh và trì các bài chú cần thiết cho trường hợp nầy. Thầy kể ra một danh sách khá dài các bộ kinh và các bài chú trên.Thầy giải thích các bài kinh là để ông nghe mà biết đường đi đầu thai, còn các bài chú là để bảo vệ gia đình những người còn sống không bị âm lực nào làm hại được. Vợ ông cảm thấy an lòng vì Thầy có vẻ rất hiểu biết và kinh nghiệm trong chuyện nầy.

 

Tuy vậy Thầy nhìn thi thể ông rồi cho biết thêm là thi hài ông hiện không có trang phục thích hợp. Điều tối cần thiết khi người chết giờ trùng là quần áo liệm phải đúng phép, nếu không hậu quả sẽ khó lường.

 

Mấy người con nhìn nhau lo lắng và bối rối. Thầy cho biết thầy có mang đồ tẩn liệm cần thiết cho ông nếu họ muốn sử dụng. Thầy nghiêng mắt khẻ về hướng chiếc va-li nhỏ Thầy mang theo để trên chiếc Honda “tay ga” của Thầy.

 

Vợ ông và mấy người con bàn với nhau. Ho đồng ý là nên để Thầy giúp đỡ cho đến nơi đến chốn. Một phần họ lo sợ ba họ sẽ không được siêu thoát. Một phần họ còn lo sợ hơn nữa là việc gia đình sẽ gặp đại nạn. Mấy đứa con nghe vợ ông kể lại những câu chuyện “chết giờ trùng” mà bà đã nghe người khác kể. Hơn nữa, vợ ông nói, dù gì Thầy tu hành lâu năm chắc cũng hiểu biết về vấn đề nầy hơn họ.

 

Dưới sự chỉ huy của Thầy, nhân viên nhà quàn lấy xác ông lột quần áo đang mặc cho ông ra để thay vào bằng bộ đồ vải nâu mà thầy đem lại. Sau khi đặt ông vào quan tài, Thầy đưa thêm ra một tấm gấm đỏ có vẽ nhiều dòng chữ ngoằn ngoèo màu đen dọc theo bốn mép để đắp lên người ông. Thầy dặn phải đắp lên kín hết chung quanh không được để phần nào của thi thể ông lòi ra hết. Trước khi đóng nắp quan tài lại, Thầy dán thêm lên trên tấm gấm đỏ một lá bùa màu vàng có chứa các bút tự bí hiểm. Rồi thầy còn cầm một cây nhang “khoán” vòng trên mỗi cây đinh rất cẩn thận. Thầy nói Thầy đã ếm kỹ rồi, ông không thể nào thoát ra khỏi quan tài nầy để về kéo ai trong gia đình đi theo ông cả.

 

Khi nghe Thầy nói vậy, cô con gái út hỏi vợ ông: “Ủa nếu như vậy thì ba bị nhốt trong hòm đó mãi mãi sao mẹ? Như vậy thì làm sao ba siêu thoát đi đâu được? Như vậy thì tội nghiệp ba quá!” Vợ ông trả lời có phần hơi gắt: “Không sao đâu. Ai cũng làm như vậy cả. Chết giờ trùng mà. Thầy làm cái nầy cho biết bao nhiêu nhà rồi. Không sao đâu”. Cô con gái út không hỏi gì thêm nữa.

 

Sau đám ma, vợ ông và mấy người con “tạ lễ” Thầy với một phong bì dầy để đền công Thầy đã bỏ nhiều thời gian ra giúp đỡ họ. Cầm phong bì trong tay, sau khi nhìn sơ qua bên trong nó chứa gì, Thầy nhẹ nhàng nhắc về quần áo và vật liệu tẩn liệm Thầy đã mang đến. Thầy nói “gấm Thượng Hải cao cấp, đồ nhập hẳn hòi, tự tay thầy gia ấn nên rất linh thiêng”.

 

Vợ ông và mấy người con nhìn nhau. Dù gì thì Thầy cũng đã hết lòng giúp đỡ họ. Họ hiểu vì Thầy là bậc tu hành thì Thầy đâu thể nào mở miệng ra nói chuyện về giá cả tiền bạc được. Họ không muốn Thầy nghĩ là họ là hạng người vô ơn hay vô lễ. Họ vào trong rồi trở ra đưa cho Thầy thêm một phong bì nữa, dầy hơn phong bì thứ nhất.

Lúc đó trời vừa chập choạng tối. Bên hông nhà chợt có con chim gì đó kêu gù gù mấy tiếng.

NGUYỄN NHÂN TRÍ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Năm 20188:59 CH(Xem: 25575)
Chúng tôi hỏi: -Cậu cần gì? Triết bảo: -Tớ cần được tự do sáng tác. Tớ yêu cầu gia đình trả tớ giấy bút mực màu bảng vẽ, kể cả đàn địch của tớ, kể cả máy tính nữa. Tớ cũng yêu cầu hàng xóm không tọc mạch, tớ yêu cầu công an hộ khẩu không ghé qua ghé lại hỏi han ông cả thủ, tớ yêu cầu tập thể không ai được kỳ thị tớ, tớ cũng là đồng nghiệp cũ của nhiều bạn trong cơ quan, mà tớ còn học giỏi, đỗ cao và đỗ sớm hơn khối đứa đấy. Viện trưởng bây giờ, hồi đi bộ đội về, tớ phụ đạo nó thi đại học chứ ai… Rồi tớ yêu cầu gia đình, mọi người, trước khi cấp giấy cho tớ làm thơ, vẽ tranh, làm nhạc, viết kịch thì không được hỏi tớ định viết vẽ gì, cái đó là quyền của tớ… Tớ cũng yêu cầu các cửa hàng net ở xung quanh tạo điều kiện để tớ được vào mạng tự do lướt web, vào facebook, vào bờ lốc nọ bờ lốc kia…
17 Tháng Năm 201812:16 SA(Xem: 25643)
Kết quả xét nghiệm lần cuối cùng cho thấy các thể bệnh đã phát triển khá nặng, nhưng anh không muốn tất cả trở thành một bộ phim, như loại phim Hàn quốc xem nát một thời bên nhà bởi các bà hàng xóm của mẹ anh và bọn trẻ cấp hai, cấp ba… Anh cũng không bắt chước những bệnh nhân bên Phi châu gồng mình lo toan cho con cái, trồng luống rau cạnh lỗ huyệt mộ tự đào, để lo trước cho các con sau khi họ ra đi… Anh không nghĩ gì hết, chỉ lặng lẽ ngắm nhìn trời mây và lũ trẻ…
16 Tháng Năm 201810:24 CH(Xem: 23710)
Tiếng chuông cửa bất ngờ vang lên. Nàng giật thót người nhón từng bước chân, nheo mắt lại he hé nhìn xuyên qua cánh cửa màu trắng. Đôi mắt to với hàng mi dài đang nhìn thẳng vào nàng khiêu khích. Anh đứng đó, sừng sững như ngọn núi, chìa chai rượu nàng yêu thích trước mặt “Xin lỗi, quí cô có yêu cầu một chai Merlot? Rất hân hạnh được phục vụ!”. Liền sau động tác chuyên nghiệp của một người làm quản lý khách sạn 5 sao hơn 10 năm đó là nụ cười tươi, chuyển động cơ mặt cùng ánh mắt nhìn thẳng vào chiếc áo ngủ mỏng manh nàng khoác trên người. Nàng mỉm cười ngước lên nhìn anh, tầm mắt nàng chỉ tới được chiếc cằm vừa vặn trên gương mặt thanh tú. Sau màn trình diễn mời rượu điêu luyện là màn rót rượu vào ly cho nàng thẩm định.
10 Tháng Năm 201811:21 CH(Xem: 26158)
Chẳng biết từ bao giờ hình ảnh mẹ đã đồng nhất với cây hương nhu lá tía. Chị Hai nói có lẽ từ lúc mẹ sanh chị ba, bố dắt người tình đầu tiên vào tận nhà bảo sanh thăm mẹ, cô ấy đẹp và trẻ, và gợi mùi hương nồng nàn. Lúc đó ôm chị Ba trong vòng tay còn non ngày tháng, khi bà hơ lá hương nhu cho mẹ, mái đầu của mẹ đã gục xuống run rẩy như chiếc lá hương nhu gặp lửa than.
09 Tháng Năm 20183:31 CH(Xem: 25635)
Hôm nay, động cơ và nguyên nhân tối tăm nào đã thúc đẩy tôi, thêm một lần, trở thành kẻ cắp đốn mạt? Tôi nhớ đến cảm giác vừa ngất ngây khoái lạc vừa lo sợ luống cuống lúc vội vàng rời trạm xăng. Bỗng nhiên tôi lợm giọng, muốn ói. Chiếc xe đã vào đến lối đi tráng ximăng, Hạnh tắt máy mở cửa bước ra, vòng qua phía tôi, “Xuống anh.” Nàng đưa tay ra cho tôi nắm. Tôi cầm bàn tay của nàng, bàn tay nóng ấm mềm mại. Tôi nói, “Cảm ơn em, anh đi được.”
08 Tháng Năm 20189:17 SA(Xem: 24045)
Mẹ tôi không đẹp như mẹ nó. Mắt mẹ tôi cũng buồn, nhưng quanh năm đỏ quạch vì mẹ tôi luôn thiếu ngủ, mẹ gánh gánh xôi đi từ sáng sớm, chiều về lại lật đật đãi đậu, lượm nếp, tước lá chuối chuẩn bị nấu nồi xôi khác vào giữa khuya. Mẹ ghé lưng xuống phản cạnh tôi chỉ độ một, hai tiếng đồng hồ là đã lật đật trở dậy nhen lửa chuẩn bị cho gánh xôi sáng.
04 Tháng Năm 20182:42 CH(Xem: 24560)
Sau khi mẹ hắn chết, người ta gọi hắn là thằng Ngồi. Người ta kể với hắn rằng ra đời từ một tai nạn trong rừng cao su. Người ta kể mẹ hắn mù lòa cũng từ tai nạn trong rừng cao su ấy. Người ta lấp lửng về cha hắn, người đàn ông bí ẩn của tối canh ba trong rừng cao su. Người đàn ông bị cụt một lóng ngón tay út.
04 Tháng Năm 20181:31 CH(Xem: 23165)
Tôi trở lại SG vào một ngày sau Tết. Trên chuyến tàu hôm ấy, tôi gặp em. Tôi viết về em như thế xem ra không phù hợp vì em hay đùa em chính là số phận của tôi; mà nếu đã là số phận thì làm sao có thể nói một cách đơn giản là “tôi gặp em” được. Mặc! Em nhỏ hơn tôi 4 tuổi nhưng cách nói chuyện lại đang muốn thể hiện hơn tôi cái đầu. Em lý luận nhiều, thường hay thích đón đầu suy nghĩ người khác và luôn chứng tỏ sự tự tin của mình một cách kiêu ngạo. Chuyến bay từ HN vào SG đủ để tôi biết em đang làm gì? Ở đâu? Hoàn cảnh gia đình thế nào? Trước khi chia tay, em đầm ấm: “Khi nào cần thì gọi em nhé”.
01 Tháng Năm 201810:23 CH(Xem: 24828)
Tôi hai mươi nhăm tuổi. Cao một mét sáu, nặng bốn mươi chín cân. Mắt hơi to. Tóc hơi dài. Tóm lại, mọi nét trên gương mặt tôi - như mẹ tôi bảo - cái gì cũng hơi quá một chút, nên đàn ông sợ. Có một thầy xem tướng nói tôi phải làm lễ cúng hình nhân thế mạng cắt tiền duyên dưới âm, nếu không sẽ không lấy được chồng. Mẹ tôi bảo mấy ông thầy cúng toàn kiếm chuyện tầm phào, nếu đã là số phận thì cứ để cho nó tự nhiên, tiền nào lễ nào thay đổi được số phận? Tôi lặng lẽ tính chuyện đi bán hàng.
01 Tháng Năm 201812:49 SA(Xem: 24833)
Lần đầu tiên anh đến, Mẹ chỉ nhìn anh một lần, từ góc nhà rồi im lặng. Trong khi cô quấn lấy anh, mắt môi ngơ ngơ chìm đắm. Đêm đó, nằm cạnh cô, mẹ khẽ khàng nói; - Khí chất nồng nàn, nhưng tính cách rất lạnh. Mắt rất lạnh nhưng tia nhìn lại giấu kín. Tia nhìn giấu kín, nhưng sắc bén như dao, xuyên thấu tâm can người khác. Con mắc nợ tiền khiên với người này.