- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GẤM THƯỢNG HẢI

01 Tháng Mười Một 20155:00 CH(Xem: 36995)
GAM THUONG HAI



LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Nguyễn Nhân Trí với một lối viết kể chuyện điềm đạm và trào phúng, tác giả hé mở cho chúng ta xem câu chuyện cười ra nước mắt...   Mời quí độc giả và văn hữu cùng đi vào thế giới của "Gấm Thượng Hải".

TẠP CHÍ HỢP LƯU




Ông bệnh nặng đã lâu. Mấy hôm trước khi chết, ông dặn dò vợ con làm tang lễ cho ông càng đơn giản càng tốt, khỏi cúng kiến tụng niệm gì cả.


Suốt đời ông đi đám tang của người quen cũng đã nhiều. Ông thấy họ tổ chức rườm rà quá. Năm bảy thầy tăng được mời đến tụng cầu an, cầu siêu, độ vong, sám hối gì đó liên tục hết tốp nầy đến tốp khác. Khách đến thăm lúc nào cũng nghe tiếng tụng kinh xen lẫn với tiếng chuông mõ lóc cóc vang rền. Những khi không tụng kinh thì có giàn nhạc mướn đến trỗi lên inh ỏi từ những bài nhạc Tây xưa rích cho đến bản “Một Cõi Đi Về” của Trịnh Công Sơn (đây là bài mà ông gọi là nhạc đám tang được yêu chuộng nhất trong những năm gần đây). Người ta giải thích với ông, “Có nghe kinh như thế thì vong hồn người chết mới an ổn mà siêu thoát. Và phải có nhạc lễ rình rang thì các vong linh chung quanh mới không cản trở hay quấy phá”.

 

Ông không nghĩ ông cần phải nghe mấy bài kinh ê a đó mới có thể siêu thoát. Ông cũng không thấy mấy ông thầy chùa đó có thần lực gì giúp đỡ được ông sau khi ông nhắm mắt ra đi. Ông không thích nhạc lễ kèn trống um sùm, ông không muốn hàng xóm phải khổ sở lỗ tai họ chỉ vì ông chết. Ông không muốn đám tang của ông có những nghi lễ vừa bực mình vừa vô bổ ích như các đám tang đó.

 

Ông có ba người con: cô con gái lớn, cậu con trai kế, và cô con gái út. Ông biết vợ ông và cô con gái lớn hay thích đi chùa. Có thể ông trở thành không ưa thích thầy chùa lắm từ khi ông bắt gặp vợ ông và cô con gái lớn quỳ mọp xì xụp lạy mấy ông sư trong chùa nhân dịp lễ cúng sao giải hạn gì đó mấy năm trước. Ông cho rằng nếu mình không quỳ lạy cha mẹ đã nuôi nấng đút mớm mình hồi còn nhỏ cực khổ biết bao nhiêu thì tại sao lại đi quỳ lạy mấy người dưng xa lạ đó chỉ vì họ khoác lên người bộ y phục màu vàng. Cậu con trai và cô con gái út giống như ông, chúng cũng không thích đi chùa cúng lạy gì cả. Cũng có lẽ chỉ vì chúng còn nhỏ quá không biết gì. Tuy vậy ông vẫn thường đùa là phe ông mạnh hơn phe vợ ông vì có dân số đông hơn.

 

Đêm trước khi ông chết, vợ ông để ý nghe có tiếng chim trên cây bên hông nhà kêu gù gù mấy tiếng. Bà thì thào với mấy con: “Đây là điềm xấu cho ba con rồi. Người ta nói chim cú đến nhà kêu ba tiếng là trong nhà có người sắp chết”. Cậu con trai nói với mẹ là cậu đã nhiều lần thấy mấy con chim nầy lúc chập choạng tối thường bay về đậu nghỉ trên cây bên nhà chốc lát rồi bay đi mất. Đây không phải là lần đầu tiên. Cậu không biết chúng là chim gì nhưng cậu thấy rõ ràng chúng không phải là chim cú. Với hơn nữa, cậu phân tích, chúng kêu gù gù nhiều tiếng lắm chớ đâu phải chỉ có ba tiếng. Cô con gái lớn quay qua nạt em trai: “Chim nào cũng vậy. Mầy biết cái gì mà nói!?”

 

Vợ ông bảo nhà quàn sửa soạn một đám tang không mang màu sắc tôn giáo nào hết, đúng như lời ông dặn. Thi hài ông được tắm rửa sạch sẻ, mặc một bộ quần áo ông thường dùng hàng ngày lúc còn sống. Họ cũng chuẩn bị sẵn cho ông một quan tài giản dị nhưng trang trọng.

 

Trước khi làm lễ tẩn liệm, thi thể ông vẫn còn nằm trên bộ ván giữa nhà. Có một người quen thân với gia đình đến thăm. Vợ ông quen biết bà nầy lâu ngày rồi vì họ thường gặp nhau khi đi chùa lạy Phật. Bà nói nhỏ với vợ ông và cô con gái lớn rằng xưa nay ông không hay đi chùa chiềng cúng lạy Phật thì bà e rằng vong hồn ông không biết đường siêu thoát và sẽ sa vào cõi u tối. Bà nói bà sẽ giúp đỡ về việc nầy nếu muốn. Vợ ông và cô con gái lớn bằng lòng ngay. Cậu con trai và cô con gái út vì không có kinh nghiệm gì về tang chế đồng thời vì muốn chiều ý mẹ và chị nên cũng không phản đối.

 

Bà bạn gọi một cú điện thoại. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, một thầy tăng đến nhà. Thầy tuổi độ trên dưới năm mươi, đi xe Honda “tay ga” mới toanh. Sau khi nói chuyện với tang gia, Thầy cho biết ông chết nhằm giờ trùng, cần phải cẩn thận nếu không chẳng những ông không bao giờ siêu thoát mà còn kéo theo thân nhân với ông. Vợ ông tái mặt. Bà đã nghe nhiều câu chuyện “chết giờ trùng” rồi. Có những trường hợp, bà nghe kể, tất cả người trong gia đình lần lượt chết theo người chết ban đầu trong vài năm ngắn ngủi. Bà không hiểu “trùng” là trùng cái gì, hay cái gì trùng. Bà chỉ không muốn ông không siêu thoát được mà cứ phải vất vưởng hoài. Nhưng điều quan trọng nhất là bà không muốn chuyện “bị người chết giờ trùng kéo theo” xảy ra cho con cái bà, và nhất là cho bà. Dù sao thì phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, bà suy nghĩ và trình bày với Thầy.

 

Thầy bảo bà cứ yên tâm. Thầy hứa sẽ giúp đỡ bằng cách tụng đủ các bộ kinh và trì các bài chú cần thiết cho trường hợp nầy. Thầy kể ra một danh sách khá dài các bộ kinh và các bài chú trên.Thầy giải thích các bài kinh là để ông nghe mà biết đường đi đầu thai, còn các bài chú là để bảo vệ gia đình những người còn sống không bị âm lực nào làm hại được. Vợ ông cảm thấy an lòng vì Thầy có vẻ rất hiểu biết và kinh nghiệm trong chuyện nầy.

 

Tuy vậy Thầy nhìn thi thể ông rồi cho biết thêm là thi hài ông hiện không có trang phục thích hợp. Điều tối cần thiết khi người chết giờ trùng là quần áo liệm phải đúng phép, nếu không hậu quả sẽ khó lường.

 

Mấy người con nhìn nhau lo lắng và bối rối. Thầy cho biết thầy có mang đồ tẩn liệm cần thiết cho ông nếu họ muốn sử dụng. Thầy nghiêng mắt khẻ về hướng chiếc va-li nhỏ Thầy mang theo để trên chiếc Honda “tay ga” của Thầy.

 

Vợ ông và mấy người con bàn với nhau. Ho đồng ý là nên để Thầy giúp đỡ cho đến nơi đến chốn. Một phần họ lo sợ ba họ sẽ không được siêu thoát. Một phần họ còn lo sợ hơn nữa là việc gia đình sẽ gặp đại nạn. Mấy đứa con nghe vợ ông kể lại những câu chuyện “chết giờ trùng” mà bà đã nghe người khác kể. Hơn nữa, vợ ông nói, dù gì Thầy tu hành lâu năm chắc cũng hiểu biết về vấn đề nầy hơn họ.

 

Dưới sự chỉ huy của Thầy, nhân viên nhà quàn lấy xác ông lột quần áo đang mặc cho ông ra để thay vào bằng bộ đồ vải nâu mà thầy đem lại. Sau khi đặt ông vào quan tài, Thầy đưa thêm ra một tấm gấm đỏ có vẽ nhiều dòng chữ ngoằn ngoèo màu đen dọc theo bốn mép để đắp lên người ông. Thầy dặn phải đắp lên kín hết chung quanh không được để phần nào của thi thể ông lòi ra hết. Trước khi đóng nắp quan tài lại, Thầy dán thêm lên trên tấm gấm đỏ một lá bùa màu vàng có chứa các bút tự bí hiểm. Rồi thầy còn cầm một cây nhang “khoán” vòng trên mỗi cây đinh rất cẩn thận. Thầy nói Thầy đã ếm kỹ rồi, ông không thể nào thoát ra khỏi quan tài nầy để về kéo ai trong gia đình đi theo ông cả.

 

Khi nghe Thầy nói vậy, cô con gái út hỏi vợ ông: “Ủa nếu như vậy thì ba bị nhốt trong hòm đó mãi mãi sao mẹ? Như vậy thì làm sao ba siêu thoát đi đâu được? Như vậy thì tội nghiệp ba quá!” Vợ ông trả lời có phần hơi gắt: “Không sao đâu. Ai cũng làm như vậy cả. Chết giờ trùng mà. Thầy làm cái nầy cho biết bao nhiêu nhà rồi. Không sao đâu”. Cô con gái út không hỏi gì thêm nữa.

 

Sau đám ma, vợ ông và mấy người con “tạ lễ” Thầy với một phong bì dầy để đền công Thầy đã bỏ nhiều thời gian ra giúp đỡ họ. Cầm phong bì trong tay, sau khi nhìn sơ qua bên trong nó chứa gì, Thầy nhẹ nhàng nhắc về quần áo và vật liệu tẩn liệm Thầy đã mang đến. Thầy nói “gấm Thượng Hải cao cấp, đồ nhập hẳn hòi, tự tay thầy gia ấn nên rất linh thiêng”.

 

Vợ ông và mấy người con nhìn nhau. Dù gì thì Thầy cũng đã hết lòng giúp đỡ họ. Họ hiểu vì Thầy là bậc tu hành thì Thầy đâu thể nào mở miệng ra nói chuyện về giá cả tiền bạc được. Họ không muốn Thầy nghĩ là họ là hạng người vô ơn hay vô lễ. Họ vào trong rồi trở ra đưa cho Thầy thêm một phong bì nữa, dầy hơn phong bì thứ nhất.

Lúc đó trời vừa chập choạng tối. Bên hông nhà chợt có con chim gì đó kêu gù gù mấy tiếng.

NGUYỄN NHÂN TRÍ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 33583)
Gió thì chết già trên những tán lá rậm rạp. Nhưng gió thu không chết già mà chết trẻ. Heo may thế, mỏng manh thế làm sao sống quá vài phút dưới tầng tầng lớp lớp cơ man lá cành cổ thụ không có tuổi? Huệ mơ màng mộng mị sờ nắn những lớp vẩy cổ thụ đang chà xát vào tấm lưng trần của mình. Huệ không dám bóc lớp vẩy, như thế sẽ làm cổ thụ đau. Huệ chẳng muốn ai đau bao giờ. Lớp lụa mỏng líu ríu trên người Huệ, líu ríu gốc cổ thụ. Gió đang vướng vít chúng với nhau. Nhưng cổ thụ sẽ không làm hư chiếc váy lụa của Huệ, Huệ biết điều ấy.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 30993)
Asada Jiro sinh năm 1951 tại Tokyo. Bắt đầu viết văn từ 1991 khi đã 40. Chỉ ba năm sau, ông được tặng giải Tài Năng Mới mang tên nhà văn Yoshikawa Eiji qua tác phẩm Lấy Xe Điện Ngầm (Metoro ni Notte). Năm 1997, Nhân Viên Đường Sắt (Poppoya) mang về cho ông giải Naoki. Năm 2000, ông lại đoạt giải văn học mang tên nhà văn Shibata Renzaburo với Nghĩa Sĩ Đất Kinh Thành (Mibu Gishiden). Văn ông nhẹ nhàng, điềm đạm, mang mang hoài cảm, trầm trầm như bài thơ bình thanh. Độc giả Nhật bình thường, nhất là phụ nữ rất yêu thích.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 37372)
Con Rếch bật dậy lao nhanh ra ngoài cửa theo phản xạ. Giờ này Hoa đi làm về và bao giờ chị cũng nhấn ba nhát chuông báo hiệu cho con Rếch biết. Trong khi chủ mở cửa, Rếch quẫy đuôi mừng tíu tít. Nó chồm lên cửa, nó cào sồn sột xuống nền nhà, cổ họng rít ăng ẳng. Hoa vừa hé cửa, nó đã xục cái mõm vào khe cố lách qua để chồm lên người chị liếm láp. Quen rồi chị vẫn cứ thấy buồn cười.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 31252)
Danh xưng cho những địa ốc sang trọng bề thế như vậy là, biệt thự, villa. Vài định tính bổ túc: cổ kính, trầm tịnh, và đúng hơn cả: hoang sơ. Tổng quát, đó là kết luận của những người đứng ngoài, những du khách. Ngoài những cảm nghĩ trên, từ họ, nếu gợn thêm lượng nào trắc ẩn thì nó cũng chỉ như vệt sơn mới, khó sức nhòa nhóa hết mọi vết tích trần thế phong sương của kiến trúc hơn nửa thế kỷ
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 43837)
Triệu Nguyên người Nguyên Thuỷ tỉnh Cam Túc, mồ côi cha mẹ từ hồi còn bé, đến nay cũng chẳng vợ con gì. Năm Diên Hựu nhà Nguyên, Triệu đến học ở Tiền Đường, trọ tại Cát Lãnh bên bờ Tây Hồ. Lân cận với nơi chàng ở trọ, là ngôi nhà của Thừa Tứơng Gỉa Tự Đạo đời Nam Tống. Triệu ở một mình, nên cảm thấy nhàn hạ thảnh thơi, thường quanh quẩn bồi hồi ra đứng ngoài cửa những khi chiều xuống.
23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 127989)
Ngủ đi nhé à ơi, cái sâu làm tổ, cái bọ đi chùa, chuồn chuồn thì bơi (Tặng Kiên và sự điên rồ của đêm)
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 32967)
Điều ấy quả là có thật. Mỗi lần nhìn đến chiếc áo ấy, hắn thấy gai ốc nổi lên, xương sống ớn lạnh. Nhưng hắn vẫn thích giữ nó, hắn vẫn thèm được mặc nó. Đã bao lần hắn định lấy ra mặc nhưng rồi hắn dừng lại. Hắn sợ. Chiếc áo ấy là quà của tên bạn thân tặng hắn sau chuyến du lịch Châu Á.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 34643)
Xe qua lại tấp nập, người đông hơn, hình thức cũng thay đổi như tấm thân lâu nay mặc áo vá, áo cũ hôm nay khoác lên chiếc váy lửng và chiếc áo hai dây, chân đi dép hộp, tình cảnh phố phường như người dàn bà sống trong thủ dâm đã lâu, nay có chàng trai đến gõ cửa, chẳng biết phải dâng phần nào cho chàng. Nàng lại nghĩ tấm thân nàng. Tấm thân như tàu lá cải muối rách bươn, nhầu nhĩ lên men mặn chát và chờ người mua.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 41996)
Đêm đặc như lớp nhựa trải trên mặt đường. Chàng ngồi trong vũng keo đặc ấy, cố tìm một hình bóng thân quen. Mưa ngoài khung kính. Không khí mát dịu. Những mảnh vụn của giấc mơ dán chập lên nhau. Rồi một mảnh vụn tuột ra, rơi xuống nền nhà. Cơn mơ nồng cháy bị cắt ngang vì tiếng đấu kiếm loang choang bên ngoài. Chàng mở choàng con mắt. Qua cái khe hẹp dưới khung cửa, ánh đèn phòng khách nhập nhòa.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 40645)
Có tiếng nổ uỳnh uỳnh như tiếng cà nông, tiếng bánh xe lộc cộc trên đá dăm lao vào ngõ, gạt cánh cổng gỗ đánh xoẹt. “Thằng mất dạy nào đấy, có biết nhà ai đây không mà láo lếu thế hở? Thằng nào? Bà có ra mà lôi cổ nó vào đây tôi dạy cho một bài không! Con cái nhà ai thế không biết?”. “Bố! Con đây chứ thằng nào. Bố lại đang uống rượu à, may quá, con về đúng lúc. Đang thèm rượu muốn chết đây bố ạ”.