- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Người Đàn Ông Khắc Đá

19 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 36915)
hopluu99-116w_0_134x300_1Lê Quỳnh Mai định cư tại Montréal, Canada Cộng tác: Văn Học, Hợp Lưu, Tập San Y Sỹ, Tạp Chí Quốc Gia Montréal, Tập San Hồng Đức( Trung Tâm Văn Hóa Giáo Dục Hồng Đức), Tạp chí Đi Tới (Montréal) Tác phẩm đã xuất bản : Tác Giả, Với Chúng Ta ( nxb Khôi Nguyên , 2004 ) Audio Book Gã Đấu Bò Thành Málaga( nxb Khôi Nguyên, 2005 )

Lọn tóc đen rũ xuống trán lòa xòa che một bên lông mày phía trái. Đầu hơi nghiêng theo thế đứng. Tay phải tiếp tục vung lên tưởng chừng cả tảng băng trong suốt sắp vỡ toang ra từng mảnh nhỏ. Cánh tay người đàn ông khắc đá đưa lên hạ xuống nhẹ nhàng trông thiện nghệ như nghệ sĩ xử dụng nhạc cụ quen thuộc của mình. Khi ấy đám hoa tuyết luân chuyển càng lúc càng nhanh theo hướng gió biến khoảng không rộng lớn trong công viên thành bức tranh sống động lạ thường. 

Nó quay người lại. "Làm gì mà sáng nào cũng đến đây?". Giọng nói bất ngờ của người đàn ông vang lên. Bàn tay to lớn đeo găng len đang lần lên phía trên tảng nước đá khổng lồ trong vắt "Ông muốn tạc gì vậy?". Không có tiếng trả lời. Con gió mùa đông vụt đi qua thổi hơi lạnh buốt. Người đàn ông tiếp tục "Muốn học điêu khắc trên băng đá không?". Nó nhìn sâu vào ánh mắt nâu trong suốt nồng nàn trái ngược với giọng nói lạnh lẽo rồi gật đầu không cần suy nghĩ. Sự từ chối thường gây hụt hẫng. Dĩ nhiên sự đồng ý vội vã cũng mang hậu quả không lường. Nhưng để nắm bắt điều muốn tìm kiếm. Người ta không có thời gian suy nghĩ hay lựa chọn.

Giọng xa lạ đều đều như thầy giáo lên lớp "Muốn học điêu khắc trên tảng băng. Phải hiểu về đá. Chỉ có nước mới làm đá mòn. Trước một tảng băng. Hãy xem mình như dòng nước chảy. Phải biến mình như khối nước luân lưu chuyển động không ngừng. Như thế đá sẽ trở thành mềm mại nghe theo ý mình muốn." Nó vội vã "Là khắc phục hả?". Mắt ông ta sáng rực diễu cợt "Khắc phục hả? Dùng chữ cho kêu đi. Làm được không lại là chuyện khác!". 

Búng mẩu ra thật xa rồi người đàn ông đưa chiếc dùi qua phía nó và cầm bàn tay nhỏ bé rạch những đường dài trên mặt tảng băng. Bắt đầu một đường dài. Rồi một đường ngang. Một đường cong vòng từ trái. Một đường cong vòng từ phải. Mặt trăng. Mặt trời. Vòng tròn biến thành trái đất. Chiếc dùi đục từ từ kéo đường cong bên trái nối đường cong bên phải thành hình trái tim. Tình yêu loài người. "Thôi đủ rồi. Hôm nay chỉ học vậy thôi. Mai mốt tiếp. Về đi". Khuôn mặt ông ta đột nhiên biến đổi lạnh lùng khi chiếc dùi ngừng ở khóe trái tim phía trên mặt tảng băng. Nó đi ra khỏi công viên mở cửa xe rồ máy. Người đàn ông khắc đá không quay đầu nhìn theo. 

Tối xuống nhanh làm nền trời thăm thẳm mù lòa. Nhiệt độ xuống thật thấp làm không khí lạnh buốt và khô. Vài khuôn mặt trẻ con tò mò nhìn ra cửa sổ chờ đám hoa tuyết bay la đà trong không gian như confetti được tung lên vào những mùa hội lễ. Con bé ngồi bất động trước bàn máy điện toán không viết được một dòng chữ. Làm sao khắc phục đá. Mỗi khoảnh khắc trong đầu nó bật ra nhiều lần câu hỏi ấy. Với bản tánh cố hữu tự tin nhưng lần này con bé có cảm giác thừa thãi giống chiếc chổi cùn bị quăng bỏ sau khi được xử dụng tận tình. Cuối cùng nó tưởng tượng thân thể đang biến thành cây chổi chui vào thùng đàn vĩ cầm màu huyết dụ phủi sạch bụi bám trên từng thớ gỗ. Rồi bật cười khoái trá vì có khả năng làm đẹp cây đàn trong khi bàn tay người không thể len lỏi vào khoảng không gian nhỏ bé ấy 

Nó có thói quen mỗi chiều đến gặp người nhạc sĩ mù ngồi bên góc phố kể từ khi nghe được tiếng vĩ cầm. Những ngày đầu thu thành phố đẹp như nhan sắc chín mùi của đàn bà sắp bước sang tuổi đóng lại trang sử tình yêu bồng bột. Từng con phố nhỏ chậm chạp đón nét quyến rũ của thu cho đến khi nắng chiều tắt sớm. Lúc ấy con bé đứng ở góc phố nhìn cây -archet- trên tay người nhạc sĩ lượn lên lượn xuống như con rồng nhỏ uốn khúc. Áo khoác đỏ của nó rực rỡ đến nỗi nhận chìm chiếc lá úa vô tình rơi xuống vai khi con bé đi dọc theo hai hàng cây trĩu lá vàng bên lề đường. Nó thích thả đồng tiền xuống cái nón bên cạnh thùng đàn để nghe tiếng kêu khô khốc của kim khí chạm nền xi măng rồi nắm bàn tay gầy guộc lạnh buốt của người đàn ông tàn tật thật lâu.

Ba mùa sau đó nó trở thành thính gỉa quen thuộc của người nhạc sĩ mù trên góc phố. Cho đến khi ông biến mất vào đầu thu kế tiếp lúc thành phố rực rỡ khăn quàng cổ đầy màu sắc và lá vàng đỏ úa tàn sửa soạn rơi xuống mặt đường chết rũ. Lần cuối con bé đến với túi nặng chĩu tiền đồng. Nó chờ ông trong âm thanh vĩ cầm vô hình vang lồng lộng nhạc khúc Souvenir d’un lieu cher của Tchaivkoski cho đến khi thành phố lên đèn sáng rực.

Từ đó con bé và người nhạc sĩ mù không gặp lại nhau lần nào nữa. 

Sáng kế tiếp cơn bão kéo về và tuyết bắt đầu quất tới tấp vào mặt những người đang nối đuôi nhau chờ chuyến buýt đầu tiên trong ngày. Khách bộ hành sợ nhất hoa tuyết lả lơi múa may trước mặt họ. Vài người đàn ông đeo cặp kính trắng trí thức trên mặt thật vất vả trong cảnh mù lòa bất ngờ vì đám vũ nữ thiên nhiên ấy. Họ có thể đâm xầm vào một cô gái xinh như mộng đang tiến đến trước mặt mà không tránh được. Cứ thế tuyết rủ nhau lũ lượt kéo về phủ trắng xóa những chiếc ghế dài trong công viên. Khi các hột li ti óng ánh pha lê nhẹ như tơ nằm rũ xuống im lìm thì từng cụm hoa tuyết lộ ra nét đẹp trong trắng nhưng đầy quyến rũ bí ẩn như bài thơ Hài Cú trong thi ca Nhật Bản. Phấn tuyết cũng trêu đùa nằm rải rác trên mái tóc tém của con bé khi nó đi vào công viên với ly cà phê nóng. Người đàn ông đứng yên tay thọc trong túi áo khoác nhìn nó "Muốn học khắc đá tiếp không?". Quay mặt không trả lời. Nhưng ý nghĩ tạc tượng người nhạc sĩ mù kéo vĩ cầm hiện ra trong đầu nó. 

Từng mùa thu nối tiếp con bé chờ ông ta trên con đường cũ. Nhưng chiếc lá vàng cuối cùng cũng không mang tiếng vĩ cầm trở lại trước khi hoa tuyết bắt đầu rơi. Vắng bóng cha và mất dấu người nhạc sĩ mù kéo vĩ cầm làm tâm hồn con bé buồn như tiếng thở dài của một người lẻ bạn. Nó không tìm được điều gì tuyệt diệu hơn để thay thế hai hình ảnh ấy trong đời sống. Sự lẫn lộn kỳ lạ về họ là điều huyền bí nhất. Mỗi khoảnh khắc gặp gỡ trong đời sống với người thân quen liên hệ là sự xếp đặt vô hình của định mệnh mà nó không hiểu được. Những chiếc bóng chẵn lẻ có lúc gặp nhau khi họ còn hiện hữu trên mặt đất. Những chiếc bóng lẻ chẵn này cũng có lúc ra đi như đã đến. Nguyên nhân của sự chia lìa giữa những người liên hệ chỉ là chất xúc tác để chấm dứt một đoạn hành trình ngắn ngủi với nhau. Người nhạc sĩ mù là chiếc bóng lẻ của con bé trên con phố nó đi qua. Người đàn ông khắc đá cũng là chiếc bóng lẻ của nó trên đoạn đường giữa nhà và công viên trong mùa đông lạnh buốt. 

Giọng nói trầm trầm lại cất lên làm con bé mím môi gật đầu. Bàn tay phải cầm chiếc búa nhỏ. Bàn tay trái đặt đầu mũi dùi lên mặt phiến đá. Trơn tuột lần thứ nhất. Trật lất. Lần thứ hai cũng trật lất. Lần thứ ba. Mũi dùi đứng yên. Người đàn ông lặng lẽ đặt bàn tay to lớn lên tay nó rồi bất chợt nhấc bổng cánh tay lên cao đóng thật mạnh xuống. Càng đến gần mặt tảng băng ông ta thả từ từ thật chậm. Nó có cảm giác như cánh tay bay bổng nhẹ hẫng. Rồi búa chạm chiếc dùi đục tưởng chừng như mặt đá vỡ tan. Cứ thế cánh tay tiếp tục giơ lên cao với đà thật mạnh rồi giáng xuống mặt tảng băng cũng thật nhanh. Nhưng chỉ đến nửa đường thì chậm lại nhẹ nhàng như hơi thở. Cũng chính lúc ấy đầu mũi dùi chạm xuống mặt băng đủ để tạo lên hình ảnh muốn tạc mà không làm nứt vỡ mặt đá. Tảng băng trong suốt trước mặt như bung ra từng mảnh nhỏ khi chạm vào dòng nước nóng vô hình đang cuồn cuộn luân lưu từ thân thể con bé. Cho đến khi cánh tay thôi bị điều khiển giơ lên hạ xuống liên hồi. Thì khối đá ấy hiện ra hình dáng mù mờ của một người ngồi nghiêng đầu về phía trái. 

Những sáng kế tiếp. Nó thường mang ly cà phê cho người đàn ông khắc đá. Màu cà phê giống những sợi tóc đen nhánh rũ lòa xòa trước trán của ông ta. Con bé bật cười khoái trá khi nghĩ tảng băng trước mặt sẽ biến thành hình thù kỳ quái nếu hất ly cà phê không đường nóng hổi vào đó. Nhưng thoáng nghĩ trẻ con ấy không sao ngăn được cảm giác hồi hộp khi càng lúc tảng băng càng hiện rõ nét. Nó bắt đầu mù mờ hiểu ra một điều bí ẩn từ lâu nằm trong tiềm thức. Người đàn ông nói nhiều hơn những ngày đầu tiên. "Sang ở xứ này lâu chưa?. Làm gì mà sáng là đến đây?.Không có nghề nghiệp gì à?. Thất nghiệp sao?. Có anh chị em không ?"… Càng nhiều câu hỏi càng không có trả lời. Khuôn mặt ra vẻ lì lợm mím môi cầm dùi đục lên tảng đá trước mặt nét muốn tạc. Ông ta kiên nhẫn chờ câu trả lời.

Đông về biến không khí trong công viên im lìm lặng lẽ như đoạn cuối đời người. Một cặp vợ chồng rủ nhau chơi trượt băng trên con đường nhỏ. Môn thể thao ấy dành cho người lớn tuổi. Mái tóc người chồng trắng xóa như hoa tuyết còn cặp môi dày mọng của bà vợ hết sắc hồng như ngày họ hôn nhau lần đầu. Đứng giữa khoảng không gian lạnh buốt trong công viên con bé quay đầu nhìn hai vợ chồng gìa rồi tiếp tục chăm chú đẽo đục một cách vụng về trên tảng băng trong suốt. Ánh mắt người đàn ông đen nhánh như hạt cà phê chưa xay nằm trong lọ thủy tinh bày ở cửa hàng bán thực phẩm đang đi theo những ngón tay thon đeo găng len. Ông ta rít hơi thuốc dài rồi nhả khói múa qua múa lại trong không gian trông thật ngộ nghĩnh. Đột nhiên con bé buông chiếc dùi rơi xuống đất bước đến nhìn thẳng vào cặp mắt đen "Ông có thể cho tôi một điếu không?". Con gió quỉ quái mùa đông đi ngang qua thổi tắt ngọn lửa bé tí từ cây diêm quẹt.Lần thứ tư ánh sáng mới vụt lóe lên theo tiếng ngạc nhiên "Ủa! cũng biết hút thuốc hả?". Vòng khói tròn từ khuôn miệng xinh xắn bay ra lượn trước mắt ông ta như câu trả lời. 

Một lần con bé ăn cắp điếu Kent hút đến sặc sụa. Lúc mẩu thuốc chỉ còn ngắn ngủn. Nó bất ngờ sững người khi quay lưng thấy mẹ đứng lặng lẽ. Sau lần đó bà dạy nó cách thổi khói thuốc thành vòng tròn "Con tập cho biết rồi hứa đừng bao giờ bắt chước mẹ hút thuốc". Năm ấy con bé 12 tuổi. Mẹ nó bắt đầu cầm điếu thuốc từ ngày họ li dị nhau. Khi mẹ nhập viện con bé vào phòng ngủ nhìn chằm chằm gói thuốc lá trên bàn phấn nhưng không rút ra điếu nào. Khoảng thời gian sau mẹ dặn mang thuốc lá khi vào thăm. Ra đến sân cỏ khuôn viên bệnh viện mẹ mệt rũ trên xe lăn và khuôn mặt trắng xanh. Hai mẹ con trốn y tá đến chỗ vắng thi nhau thổi vòng khói rồi cười hăng hắc. Khi điếu thuốc cuối cùng tàn rụi mắt mẹ nó ướt đẫm. Con bé ôm mẹ khóc nức nở. Mấy ngày sau bà ra đi. Hôm tiễn mẹ mắt nó ráo hoảnh. Họ hàng bên ngoại nói con bé có máu bạc như ba. Mà bạc thật. Không bao giờ nó chịu gặp ba một lần kể từ ngày ông bỏ mẹ sống với người đàn bà trẻ khác dẫn từ Việt Nam sang.

Con bé tiếp tục nhả khói thuốc. Sợi khói mờ ảo uốn éo như vũ nữ về đêm làm khuôn mặt người đối diện nó mơ hồ không rõ nét. Người đàn ông khắc đá kiên nhẫn nhìn con bé hút thuốc. Chợt nét mặt ông ta biến đổi theo giọng nói " Chiều nào tôi cũng dắt nó đến con đường ấy để chơi vĩ cầm. Gia đình tôi không thiếu tiền nhưng em tôi cần thính gỉa. Những người qua lại trên khu ấy là thính gỉa nó mong gặp từng ngày. Nhưng hôm ấy tôi hẹn bạn không dắt em tôi ra phố mà còn trách nó tàn tật làm phiền mọi người vì không chịu nuôi chó làm bạn. Tối đó tôi trở về đón nó thì không thấy nữa. Tôi đã đi tìm khắp nơi nhưng không biết ở nơi nào còn sống hay đã chết. Nhiều năm rồi tôi không quên được chuyện này nên học điêu khắc trên tảng băng để tạc lại hình ảnh em tôi ngồi đàn mỗi chiều chờ tôi đi làm về. Mùa đông sẽ tàn. Tảng băng sẽ chảy thành nước. Đứa em tàn tật của tôi và cây vĩ cầm này sẽ đi về đâu ? Em có muốn chụp hình với tác phẩm của tôi không?". 

Không tiếng trả lời. Giọt nước mắt chảy xuống khuôn mặt có mái tóc tém như con trai. Hai lần trước con bé khóc nhiều như thế khi ba theo dì trẻ và lúc mẹ không còn cơ hội hôn nó vào mỗi tối trước khi đi ngủ. Nó lặng lẽ kéo đôi găng ra và đặt bàn tay lên khuôn mặt khắc trên tảng băng. Cảm giác thật ấm từ cặp mắt trong suốt truyền qua những ngón tay thon gầy. Nó để yên như thế thật lâu cho đến khi hoa tuyết bắt đầu kéo về nhảy múa quay cuồng vòng quanh tảng băng có dáng ngồi của người nhạc sĩ mù kéo vĩ cầm.

Càng lúc hoa tuyết càng rơi nhiều. Người đàn ông dựa lưng vào gốc sồi nhìn con bé. Cho đến khi nó quay lại vẫy tay rồi lùi dần về cửa công viên và bỏ đi mất hút không một lời chào lần cuối. Con bé có máu bạc như ba nó. Màu mắt đen của người đàn ông khắc đá long lanh như có nước. 

Cuối đông năm ấy trời vẫn lạnh buốt. Một hình ảnh tuyệt vời trong công viên làm người ta chú ý. Đó là khối băng trong suốt tạc dáng người đàn ông ngồi trong tư thế kéo vĩ cầm đầu hơi nghiêng về phía trái. Khách du lịch thi nhau xếp hàng chụp chung với tác phẩm đặc biệt nhất trong lịch sử điêu khắc trên băng. Tác gỉa không trở lại cũng không để số điện thoại và địa chỉ cho ban tổ chức. Nhưng cặp vợ chồng già có lần vào công viên chơi môn thể thao ski de fond kể cho họ nghe rằng người tạc tượng là đàn ông Á đông có khuôn mặt lầm lỳ và một cô gái Việt Nam rất trẻ với mái tóc tém hay mang cà phê cho ông ta vào mỗi buổi sáng. 

Khi nắng đông bắt đầu rũ tàn. Mùi hương gỗ rừng thơm phức không còn tỏa ra từ ống khói trên những mái nhà xinh xắn mà người ta thường thấy vẽ trên thiệp chúc Giáng Sinh. Đoàn xe cam nhông to tướng cũng không còn rú ga vào ban đêm đi xúc những đống tuyết chết hai bên vệ đường. Lúc ấy hơi thở khách bộ hành hết ra khói khi họ nối đuôi nhau chờ chuyến xe buýt trong giờ cao điểm của thành phố. Những cánh chim trốn tuyết lũ lượt kéo về tìm lại nắng ấm và thách thức đám hoa tuyết trêu chọc chúng. Thời gian ấy nhiệt độ lên cao. Các cô gái mới lớn tóc vàng óng quên khăn quàng len ở nhà đến nỗi khoảng ngực vừa nhú lấp ló khiêu khích mấy cậu con trai tập làm đàn ông. 

Đó cũng là lúc tại công viên các tác phẩm điêu khắc trên tảng băng bắt đầu biến dạng thành những hình thù kỳ quái.
Cây vĩ cầm trên vai người nhạc sĩ mù cũng mất cả cần đàn.

Lê Quỳnh Mai

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Tư 20216:58 CH(Xem: 11635)
Từ trung tâm Luân Đôn, hãng tuyển dụng do tòa báo X thuê gọi cho một nhà báo là tài năng của hãng BBS (Bờ bờ Sông) có trụ sở quốc gia đặt tại xứ Tô Cách Lan: “Này, bọn keo đó trả cô cậu bao nhiêu một năm?” “Dạ ngần này ạ”, tài năng đáp. “Cái gì? Thật chó chết! À, chỉ định nói là chết tiệt thôi, gấp rưỡi nhé?”, nhà tư vấn tuyển dụng bảo. “Ôi tuyệt vời ạ! Em đang trên mặt Trăng ư?,” tài năng đáp, ngất ngây.
14 Tháng Tư 20216:52 CH(Xem: 11065)
Ngày tôi theo chồng đến thành phố này sinh sống, vì thường nhớ nhà nên tôi cũng thường khóc bởi cảnh vật nơi đây quá im lìm và hoang vắng đúng như cái tên Buồn Muôn Thuở mà người nào đó đã đặt. Tôi có nhiều bạn ở quê nhà nhưng ở thành phố này tôi chưa có bạn. Người bạn gái đầu tiên tôi quen là người Thượng còn rất trẻ tên là Sai Luông. Sai Luông một tuần một lần đem rau muống từ trong buôn làng của cô ra chợ Ban Mê Thuột bán. Sai Luông chỉ bán mỗi một thứ là rau muống thôi. Mỗi lần đi bán như vậy, Sai Luông gùi trên lưng hai mươi lăm bó, có đôi khi hơn được một vài bó. Tôi nghĩ, Sai Luông bán như vậy sẽ không được bao nhiêu tiền nên tôi thường mua ủng hộ mỗi lần ba bốn bó. Mua riết rồi Sai Luông và tôi quen nhau.
12 Tháng Tư 202111:48 CH(Xem: 11166)
Thầy tôi là anh trai tráng trong làng, học cuối đệ nhất cấp, lớp đệ tứ, tức lớp 9 bây giờ, thầy về làng dạy học. Ngôi trường- đình làng đó cách xa với khu dân cư, nó tọa lạc trong khu đất rộng. Ban ngày, khu đó náo nhiệt với lũ học trò chúng tôi, quậy lên đó không khí của sự sống, vô tư hồn nhiên. Nhưng khi bóng chiều buông xuống thì khu đình đó bước sang một thế giới khác, thế giới của loài dơi, của lũ chim ăn đêm và là thế giới của sự tưởng tượng, hoang tưởng phong phú của con người.
08 Tháng Ba 20217:22 CH(Xem: 12485)
Cristian Cortez (1972 - ) là kịch tác gia người Ecuador. Kịch phẩm của ông thường là kịch phi lý, hài kịch và bi kịch. Ông có bằng tiến sĩ về ngành khoa học thông tin và bằng cao học về viết kịch bản. Ông giảng dạy tại trường Universidad Católica de Santiago de Guayaquil (cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của ông) từ năm 2002 đến nay. Ông đoạt giải nhất cuộc thi kịch nghệ toàn quốc của Nhà Văn Hoá Ecuador hai lần, lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ nhì vào năm 2010. Vở kịch “Noctámbulos” dưới đây của ông ra mắt vào năm 1992.
14 Tháng Hai 20219:45 CH(Xem: 12157)
Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp-Lưu, dịch giả Trần C. Trí cư ngụ tại Little Saigon, Orange County, tiểu bang California và hiện đang dạy tiếng Việt & Ngôn Ngữ học tại University Of California Irvine. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn “Enterrar los dientos blancos” của tác giả Guillermo Barquero từ tiếng Tây Ban đo Trần C. Trí chuyển ngữ.
31 Tháng Giêng 202112:30 SA(Xem: 12748)
Hắn ở một tỉnh xa, mới chuyển về thủ đô chưa lâu. Do công việc. Nhưng cũng đã kịp hòa nhập ngay với vài nếp sống kinh kỳ. Người kinh kỳ thanh lịch, tết đến không chỉ là ăn, mà chủ yếu là chơi tết. Tết đến xuân về là phải đi chợ hoa. Ngắm và mua một vài thức gì đó mang về bày ngắm chơi, nghênh xuân.
23 Tháng Mười Hai 202012:01 SA(Xem: 12192)
Một vụ án mạng cực kỳ nghiêm trọng xảy ra hồi tối hôm qua ở bưu điện y. Nạn nhân là hai cô gái độ khoản 23 tuổi, là nhân viên bưu điện. Hai nạn nhân bị giết bởi một dụng cụ đặc biệt, hung thủ đã cao bay xa chạy. Cơ quan chức năng đang điều tra để làm rõ sự việc vụ án.
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14445)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14212)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14191)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...