- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

RU NGỦ

19 Tháng Bảy 20151:15 SA(Xem: 31286)

         

ca phe sang 1
Hoàng Lan - ảnh ĐH.




          - Cô hát hay lắm.

          - Ông làm tôi giật mình.  Ông ở đâu đến?  Ông rình rập tôi?

          - Xin lỗi cô, tôi không rình rập cô, tôi đang nằm chỗ kia thì giọng hát của cô theo gió đến với tôi.  Giọng cô hay lắm.

          - Thật không?

          - Giọng hát cô đã ru tôi ngủ được một lúc.

          - Ông nói gì?

          - Xin lỗi, tôi quên là đối với người Mỹ thì một giọng hát dở mới làm người khác ngủ gục nhưng trong văn hóa Việt của chúng tôi thì chỉ những giọng hát hay mới có thể ru người nghe vào giấc mộng.

          - Cám ơn ông.

          - Cô chưa đến đây lần nào?

          - Chưa.

          - Tôi đến mỗi ngày vào giờ cơm trưa, nằm trên cái ghế đá đằng kia để chợp mắt một lúc trước khi đi làm lại.  Tôi làm trong cái bin-đing màu xám cao mấy chục tầng đó.  Cô thấy nó chứ, bên đia đường, sát cái billboard Toshiba.  Chả bao giờ có ai đến đây ngoại trừ tôi và vì thế tôi đến đây, sự yên tịnh, nhưng tôi đoán từ giờ trở đi tôi sẽ có bạn.

          - Xin lỗi tôi đã làm rộn giấc ngủ của ông.

          - Không, cô đâu có làm rộn giấc ngủ của tôi đâu.  Tôi đã nói cô đã đưa tôi vào giấc ngủ, xin lỗi, giọng hát của cô đã đưa tôi vào giấc ngủ.  Tôi bị bệnh khó ngủ, có nhiều tối tôi thức trắng đêm.  Hôm sau đi làm quá mệt, giờ trưa tôi vào đây mong chợp mắt nhưng không bao giờ làm được chuyện đó ... cho đến hôm nay.  Tôi cám ơn cô.

          - Tôi rất vui đã giúp ông có được giấc ngủ dù ngắn ngủi. Bây giờ tôi phải vào lớp.

          - Mai cô đến?

          - Có lẽ!

...

          - Cám ơn cô đã đến và tôi đã ngủ được một giấc dài.

          - Dài?  Tôi chỉ hát một đoạn trong bài Un bel dì.

          - Thế sao?  Tôi thì thấy mình lang thang trong giấc mơ thật lâu, đến độ tưởng lạc đường quên lối về.

          - Tôi thật không hiểu ông nói gì.  Người Việt các ông nói chuyện như thế hết?

          - Cô sắp đi vào trường?

          - Hôm nay tôi có lớp lúc hai giờ nên ngồi đây lâu hơn hôm qua.  Khi nào ông phải vào sở lại?

          - Vài phút nữa.  Hôm nay tôi sẽ làm việc được nhiều vì cảm thấy khỏe hơn, nhờ cô đó. Tối hôm qua tôi lại thêm một đêm thức trắng mắt.  À, tôi định hỏi, có phải cô học ngành âm nhạc?  Tôi đoán vậy vì cách tập hát của cô.

          - Vâng, tôi học âm nhạc, chuyên về giọng.  Mộng tôi là đi hát opera.

          - Tôi chúc cô thành công, thành tài, thành ca sĩ opera nổi tiếng.

          - Khó lắm, nhà tôi nghèo, cha mẹ tôi không có tiền cho tôi đi học hát tại các trường nổi tiếng nên tôi nghĩ sẽ khó thành công.  Tôi chỉ biết tập trung cố gắng học vào lúc này, còn tương lai thì ... sao biết được.

          - Que sera sera.

          - ?

          - Cô còn trẻ quá nên không biết bài hát này, thật ra chính tôi cũng còn bé khi bài này được viết nhưng vì nó khá thịnh hành ngay cả tại nước tôi nên người ta cho hát đi hát lại trên đài phát thanh thành thử tôi nhớ.  Tôi định hỏi cô là tại sao cô lại đây tập hát?  Trong trường không có phòng tập sao?

          - Tôi thích thiên nhiên, tôi thích hát dưới bầu trời bao la, giữa đồng cỏ mênh mông, cạnh những đóa hoa muôn màu sặc sỡ, gần những đàn bướm đàn chim.  Tôi không thích tập hát trong những căn phòng chật hẹp, lạnh lẽo, cho tôi cảm giác mình bị giam hãm, cô lập.  Khi tôi hát tại nơi nào bao la như chỗ này, tôi thấy mình phóng khoáng, giọng hát không bị kềm giữ, bị chặn lại.  Tôi thấy yêu đời khi hát ngoài trời, dù thời tiết nóng hay lạnh.

          - Tôi mong sự hiện diện của tôi ở đây không ảnh hưởng đến việc cô tập hát.  Nếu thật vậy thì cô cứ cho biết, tôi sẽ đi chỗ khác.

          - Không, ông ở đây không ảnh hưởng đến việc tôi tập hát, dù sao đi nữa ông là người đến trước và ông im lặng, im lặng đến độ tôi quên là ông ở đây.  Ông im lặng như một khúc cây, một ... một tảng đá, ông như hòa nhập vào quang cảnh thiên nhiên, tôi tưởng như chỉ có một mình tôi thôi.  Tôi thích như thế, tôi không thích hát cho một đám đông nghe.

          - Vậy cô học hát làm gì, cô hát cho người nghe chứ hát cho cây cỏ sao!

          - Ông định không trở lại sở?  Hơn một giờ rồi.

          - Vâng, tôi đi đây.  Cám ơn cô một lần nữa cho giấc ngủ trưa.

...

          - Un bel dì, vedremo

          levarsi un fil di fumo

          sull'estremo confin del mare.

          E poi la nave appare.

          Poi la nave bianca

          entra nel porto,

          romba il suo saluto.

          - Bravo, bravissimo!  Cô hát hay không thua gì Renée Fleming.

          - Ông ngạo tôi?

          - Xin lỗi, tôi đùa hơi quá nhưng nói thật cô hát rấy hay.

          - Tôi không thích Renée Fleming.  Tôi nghĩ nhiều sopranos khác hát hay hơn Fleming.

          - Tôi cũng không thích Renée Fleming mấy.  Tôi có thể yêu cầu một bài được không?  Cô hát cho tôi bài ...

          - Không, ông không thể yêu cầu vì tôi không thích cảm thấy bị bắt buộc.  Tôi hát gì tôi thích.  Dạo này ông ngủ được chứ?

          - Vào ban đêm?  Được một ít, trưa thì nhiều hơn nhờ giọng hát điêu luyện của cô.

          - Ông lại khách sáo nhưng tôi sẽ cố hát hay hơn để ông ... như ông nói hôm nọ, để ông lạc lối quên đường về.

          - Tôi không thích thế, tôi phải ra khỏi giấc mơ để còn gặp cô nữa, để còn được thưởng thức giọng hát của cô.  Nếu chẳng may không nghe được cô, tôi sẽ buồn lắm.

          - Tôi e rằng ông cần tập quen thiếu giọng hát của tôi vì mai là thứ bảy và tôi không đến trường vào cuối tuần.  Ông trở lại cái ghế đá của ông đi để tôi hát nốt bài Un bel dì, tôi sẽ hát hết bài vì ông sẽ không nghe tôi trong hai ngày tới.

          Vedi? È venuto!

          Io non gli scendo incontro. Io no.

          Mi metto là sul ciglio del colle e aspetto,

          e aspetto gran tempo

          e non mi pesa,

          la lunga attesa ...

...

          - Ông sao trông phờ phạc hơn tuần trước.

          - Hai ngày không được nghe giọng cô thì tôi thành như thế đấy.

          - Ông lại đùa nữa, thế trước kia khi tôi chưa lại đây tập hát thì sao?

          - Nó khác.  Trước kia tôi chỉ vật lộn với cái bệnh mất ngủ, bây giờ tôi nằm đó khắc khoải chờ thời giờ trôi qua, từng phút từng giờ cho đến lúc nghe lại giọng hát của cô.

          - Nếu thế thì không những tôi không giúp gì được cho ông mà lại còn làm hại thêm.  Ông nên thôi đến đây hay có lẽ tôi nên đi tìm chỗ khác mà tập hát.

          - Cô mới là người nói đùa, cô thừa biết tôi mong ngóng giọng hát của cô vậy mà cô đành lòng tước đi mất cái hạnh phúc ngắn ngủi của tôi.

          - Ông ra cái ghế đá nằm đi để tôi bắt đầu tập.

          - Hôm nay cô định hát bài gì?

          - Tôi tập lại bài Un bel dì rồi sau đó thử bài O mio babbino caro.  Ông thích bài đó?

          - Thích lắm, chỉ tiếc tôi không là người cha yêu quý của cô để tặng cho cô những nữ trang đẹp, tôi chỉ có thể tặng cô những lời khen và lời cảm tạ chân thành.

          - Tôi mới là người phải cám ơn ông về sự khích lệ.  Tôi không cần nữ trang, tôi chỉ cần một cử tọa yêu giọng hát của tôi.  Để tôi hát bây giờ.

          - Cám ơn cô, tôi đi lại đằng đó đây.

...

          - Dạo này ông trông khoẻ lên.  Chắc ông ngủ được.

          - Mỗi tối tôi ngủ được một ít.

          - Vậy ông không còn thức thâu đêm, đếm từng giờ từng phút, cố chờ thấy một tia nắng yếu ớt ngoài cửa sổ cho biết đêm đã qua để nghe lại giọng hát của tôi?  Chắc tôi đã giúp ông trị được bệnh mất ngủ của ông, thế thì tôi nên trở lại tập hát trong trường.

          - Không, tôi xin cô đừng vội bỏ đi.  Bệnh mất ngủ của tôi chưa dứt hẳn, nếu không còn được nghe cô hát nữa thì bệnh sẽ trở lại còn trầm trọng hơn.  Ngoài ra, chính cô đã bảo cô yêu thiên nhiên, thích hát dưới bầu trời bao la hơn là trong một căn phòng nhỏ bé kín mít gây cho mình cảm giác ngộp thở.

          - Tôi phải trở lại môi trường chật hẹp một cách bất đắc dĩ vì dường như công viên này càng ngày càng mất an ninh.  Khi mình phải hát trong lo âu hồi hộp thì không khác gì hát trong căn phòng tù túng.  Sự sợ hãi như là những bức tường bao kín mình, không cho tiếng hát thoát ly bay cao vút, tiếng hát mất đi cái phóng khoáng tự do của nó.  Khi mình làm gì mà biết sẽ có ai hay có gì chặn mình lại nhưng không biết khi nào thì mình không thể làm được hoàn toàn vì sự hồi hộp khắc khoải.

          - Đã có tôi bên cạnh ... hay cô sợ tôi?

          - Không, tôi không sợ ông, tôi biết ông là người tử tế.

          - Cô nom mặt bắt hình dong đấy.  Tôi nhớ người Mỹ có câu "Đừng đánh giá một quyển sách bằng cái bìa của nó" mà.

          - Tôi ít khi sai lầm về việc đánh giá người lắm.  Tôi không sợ ông nhưng ngại các người khác nhưng có ông bên cạnh làm tôi thấy an tâm.

          - Và cô vẫn sẽ tiếp tục cho tôi nghe giọng hát cao vút tự do phóng khoáng đó.

          - Để tôi tập nốt bài O mio babbino caro, ông trở lại ghế đá kia đi và nhắm mắt lại.  Trưa nay tôi sẽ hát lâu vì không có lớp cho đến hai giờ.  Ông cứ tự nhiên nằm đó hay nếu ông phải trở lại văn phòng thì cứ im lặng đi.

...

          - Càng ngày ông trông càng hồng hào hơn.

          - Nhờ thần dược cô ban cho suốt tháng qua.

          - Tôi chỉ sợ ông đã nhàm chán giọng hát của tôi và bệnh mất ngủ trở lại với ông.

          - Chán giọng hát của cô?  Cô lại đùa.  Nếu chán thì tôi đã đi tìm chỗ nằm khác nhưng cô thấy đó, ngày nào mà tôi chả đến.  Vì thế nên cô thấy tôi dạo này hồng hào lên.  Việc học hành của cô tiến triển ra sao?  Khi nào cô trình diễn trong trường nhớ cho tôi một vé đi xem.

          - Chắc ông sẽ phải chờ khá lâu mới có ngày đó.  Chỉ các sinh viên sắp ra trường mới được hát, tôi mới vào năm đầu mà.  Nếu ông muốn thì tôi có thể lấy tờ chương trình cho ông để ông đi xem họ hát thay vì cứ phải nghe giọng tập tành của tay mơ.

          - Cô quá khiêm tốn.  Cô hát hay hơn là cô nhận.  Vả lại, tôi đã quen cái giọng hát phóng khoáng hồn nhiên nhưng lại đầy cảm xúc của cô.  Cô nghĩ xem, tôi cũng đã đem cái iPod của tôi vào đây để nghe hầu tìm giấc ngủ.  Tôi đã thử đủ loại nhạc, từ opera cho đến easy listening, ngay cả soft rockjazz nhưng nào có chợp mắt được giây nào cho đến ngày cô vào đây.  Tôi không dám nói những ca sĩ chuyên nghiệp hát không bằng cô nhưng giọng hát của họ, cách hát của họ, làm sao ấy, tôi không tả được nhưng nghe sao thiếu hồn nhiên, thiếu phóng khoáng.  Tôi không còn muốn nghe ai khác hát vì sợ làm vẫn đục đi giọng hát tuyệt diệu của cô.  Người Việt chúng tôi bảo "chữa lợn lành thành lợn què" trong khi người Mỹ các cô nói "nếu nó không bị hỏng thì đừng sửa".  Tôi không có lý do gì chữa con lợn lành của tôi, ấy, xin lỗi, cô đừng giận lên thế kia, tôi không có ý bảo cô hay giọng hát của cô là con lợn ...

          - Tôi biết mà, chọc ông thôi.

          - Thế mà tôi hoảng lên, sợ là đã xâm phạm cô, làm cô không còn muốn gặp tôi nữa.

          - Ông đừng lo, nhưng tôi phải vào lại trường đây.  Mai mình gặp lại.

...

          - Chóng nhỉ, chưa gì mà đã gần cuối năm.  May là ở đây không có tuyết, trời còn ấm và đẹp nên mình vẫn còn có thể ra ngồi công viên thoải mái.

          - Vâng, gần cuối năm và Giáng Sinh sắp đến.  Ông định về quê thăm gia đình hay có ai đến thăm ông?

          - Những người thân của tôi, những người tôi thương yêu ở xa lắm và tôi sẽ không gặp họ trong một ngày gần đây đâu.  Còn cô?

          - Cha mẹ tôi, em gái tôi đang chờ tôi ở một nơi lạnh lẽo hơn đây rất nhiều.  Tôi chưa về thăm nhà cả gần năm nay nhưng vài tuần nữa tôi sẽ hưởng một Giáng Sinh Trắng (White Christmas), tuyết phủ khắp đường phố, che hết lối đi và tôi sẽ sống lại những giây phút hồn nhiên thời trung học, đầm ấm trong tình thương gia đình.

          - Kể cho tôi nghe về thời đó.

          - Ô, nhiều cái để kể lắm, mình không đủ thì giờ đâu nhưng để tôi kể cho ông nghe ngày Giáng Sinh cuối ở nhà trước khi tôi đi học xa.  Cha tôi mua một cây thông thật cao đến độ gần đụng trần nhà, cao hơn mọi cây những năm trước.  Như thường lệ, tôi và em gái trang hoàng cây trong khi mẹ tôi trang hoàng nhà cửa.  Người nói Giáng Sinh này đặc biệt vì tháng Giêng tôi sẽ đi học xa nhà.  Đây là lần đầu tiên trong gia đình tôi có người đi xa và đi lâu.  Em tôi rất buồn, nó bảo rất sẽ nhớ tôi, và tôi phải về nhà vào mùa hè.  Ai cũng nghĩ tôi sẽ về mùa hè nhưng tôi ở lại học thêm nên đến Giáng Sinh này là đúng một năm tôi chưa gặp người thân.  Tôi cứ tưởng tượng nỗi vui mừng của em tôi khi thấy tôi về.  Thế nào nó cũng đòi cha tôi chở ra phi trường đón tôi trong khi đó mẹ tôi sửa soạn nhà cửa cho một ngày lễ ...

          - Một ngày Giáng Sinh đặc biệt vì cô về thăm nhà sau mười hai tháng xa gia đình?

          - Vâng, tôi rất náo nức.  Tôi biết nhà tôi cũng rất đang náo nức, ngay cả Sunrise, con mèo của tôi.  Tôi xấu hổ thú nhận là lắm lúc tôi nhớ con Sunrise hơn nhớ em tôi.  Con Sunrise rất ghen, mỗi khi bạn tôi đến nhà chơi là nó cứ lẩn quẩn bên tôi như để nhắc nhở đừng quên nó.  Có khi nó giận, bỏ đi mấy ngày làm tôi lo hết sức.  Lúc nó về nhà, tôi phải nựng nó và cho ăn cá salmon nó mới hết giận.  Nhiều khi tôi nghĩ nó như một người bạn trai hay ghen tuông.

          - Cô có bạn trai?

          - Anh ta tên là Jeffrey, sinh viên năm thứ tư, hơn tôi đến bốn tuổi, cũng học âm nhạc nhưng học đàn vĩ cầm.  Anh là sinh viên đến từ Nam Hàn, cũng Á đông như ông.  Hình như người Á đông tính tình hiền hòa vì anh ta rất dịu dàng với tôi, rất chiều chuộng tôi.  Anh ấy nói là rất yêu tôi và sẽ buồn nhớ tôi vô cùng khi tôi về nhà hai tuần dịp Giáng Sinh.  Anh còn nói có lẽ anh sẽ điên lên vì nhớ.

          - Khó tin quá!

          - Thật đấy! Tôi đọc được nỗi lo âu, sự buồn bã trong mắt anh ta mấy ngày nay ... Ấy chết, mải nói chuyện tôi quên bẵng có lớp một giờ.  Tôi phải đi ngay, chào ông.

...

          - Chào cô.

          - ...

          - Jeffrey làm cô buồn?

          - Vâng, anh ấy dằn vặt tôi, càng gần ngày Giáng Sinh anh ta càng trở nên bực bội dù tôi đã hết sức an ủi vỗ về.  Anh làm tôi mất vui.  Tôi không muốn hai tuần nghỉ lễ ở nhà mà cứ lo nghĩ về anh ấy.  Nếu anh vui lòng để tôi đi thì tốt biết mấy, cứ nghĩ đến lúc hai đứa vui vẻ khi gặp lại sau những ngày nghỉ thì ... đằng này, khi gặp lại nhau sẽ chỉ thấy những trách móc phần anh ta và ăn năn phần tôi. 

          - Cô đừng lo ngại, anh ta sẽ không sao cả.  Cô cứ về nhà nghỉ lễ Giáng Sinh thoải mái và chung vui với gia đình sau một thời gian dài chưa gặp lại.  Tôi đã trải qua thời kỳ yêu đương như cô và anh bạn trai, tôi biết mọi sự rồi sẽ ổn thỏa.  Thôi, có lẽ hôm nay cô không vui, tâm thần không được bình thản nên không hát được.  Tôi đi đây, mai mình gặp lại, được chứ?

...

          - Chào cô, hôm nay cô có vẻ tươi tỉnh hơn, yêu đời hơn, trông khác hẳn hôm nọ.

          - Chào ông, tôi cảm thấy vui vô cùng.  Bạn trai tôi không còn buồn tôi, hết còn giận tôi.  Anh ta nói đã thông cảm tôi và muốn tôi được hưởng một lễ Giáng Sinh hạnh phúc với gia đình.  Anh còn nói có nhớ nhau thật nhiều thì khi gặp lại mới thỏa nỗi nhớ nhung, xa cách là một thử thách cho lòng mình.  Ông đồng ý chứ?  Tôi đã nói với ông là tôi đánh giá con người rất đúng.  Tôi tin, không, phải nói là tôi biết Jeffrey là một người đáng tin cậy và đáng yêu.  Ông chưa gặp bạn trai tôi nên ông không biết anh ta rất rạt rào tình cảm sâu đậm.  Mỗi khi tôi nhìn sâu trong mắt anh ấy, tôi thấy được cả một biển tình cảm anh dành cho tôi.

          - Tôi mong là cô "biết" đúng vì nếu thực tế được chứng tỏ khác thì cô sẽ đau khổ.  Tôi thành thật chúc những gì cô nói về Jeffrey là đúng và cô luôn có hạnh phúc với anh ta.

          - Cám ơn ông.  Tôi mong hôm nay ông có thể về lại sở trễ hơn vì tôi đang cảm thấy yêu đời, tràn đầy hạnh phúc.  Tôi sẽ hát hay hơn và lâu hơn.  Ông trở lại cái ghế băng kia đi và nhắm mắt lại nghe tôi hát.  Tôi sẽ đưa ông vào một giấc mơ tuyệt diệu như những người Việt ông tả.

          - Vâng, tôi đi lại đằng kia.  Thế cô đã chuẩn bị va li đầy đủ chưa cho chuyến bay sắp đến?

          - Tôi sẽ sắp va-li tối nay.  Tôi sẽ bay chuyến sáng sớm chủ nhật, mai là thứ bảy tôi sẽ trở lại đây một mình vì có lẽ ông không đến đây sáng thứ bảy.  Tôi muốn hưởng vài tia nắng ấm ở đây trước khi về miền băng tuyết.  Tôi sẽ ghé lại ban sáng xong chiều đi chơi với Jeffrey cho đến tối mới về.  Lát nữa gặp bạn trai tôi, tôi sẽ kể cho anh ta nghe về ông, một người cần nghe tiếng hát của tôi để dỗ giấc ngủ.  Chắc anh ấy lấy thế làm thú lắm.  Ông đến đây sáng mai?

          - Nếu cô đến thì tôi sẽ đến.  Bây giờ tôi đi lại cái ghế dài.  À, cô định hát bài gì thế?

          - Tôi sẽ hát bài Quando m'en vo, tôi mới tập, mong ông không chê dở.

          - Quando m'en vo soletta per la via "Khi tôi lang thang cô đơn trên đường phố", thật đúng tình cảnh vì cô sẽ ra đi sớm và tôi, Jeffrey cũng vậy, sẽ lang thang cô đơn chờ cô về.   Khi cô hát xong mà tôi hãy còn ngủ, xin cô đừng đánh thức tôi, cô cứ im lặng đi rồi mình sẽ gặp lại nhau sáng mai nhưng tôi nghĩ cô khoan ....

 

*

* *

          Tôi nghĩ cô khoan... nói cho Jefrey về tôi.

          Nếu tôi nói hết câu thì sự tình sẽ thay đổi?  Sẽ không làm cô ra đi vĩnh viễn và tôi sẽ không phải đi lang thang cô đơn trên các con phố, lòng se thắt biết sẽ không bao giờ nghe lại được giọng hát ru hồn ấy?  Cô đã bảo cô đánh giá con người rất đúng, tôi cũng thế, tôi biết cô cứng đầu, dù tôi khuyên cô không nên, cô vẫn sẽ kể cho người bạn trai về một người đàn ông khác mà cô gặp hàng ngày một mình trong một công viên vắng người.  Và sáng thứ bảy cô sẽ đến một mình một lần nữa để gặp ông ta trước khi đi vắng hai tuần.  Nhưng cô đã đánh giá sai lầm người bạn trai yêu cô nhiệt tình ấy, nhiệt tình đến đa nghi, đa nghi đưa đến ghen tuông và sau cùng thành bạo lực.  Tôi hẳn là nguyên nhân cho sự nghi ngờ và ghen tuông của anh ta và nếu thế thì tôi, chính tôi, là kẻ sát nhân chứ không phải anh ấy dù anh ta đã mò đến rình và thấy cô ngồi đó chờ tôi.  Cơn ghen tuông của con người thật khủng khiếp, mãnh lực của tình yêu làm mù quáng.  Mất tự chủ.

          "Quando m'en vo soletta per la via,

          a gente sosta e mira

          e la bellezza mia tutta ricerca in me"

          Những lời nhạc cứ thay phiên nhau hiện lên trong đầu tôi trên đường từ sở về nhà.  Tôi bước lang thang vô định, nhìn đám người chen lấn nhau trên đường phố, tay xách nách mang những túi giấy đựng quà Giáng Sinh mới mua.  Tôi nhìn những khuôn mặt vui tươi ấy với một ảo vọng là một trong các khuôn mặt đó sẽ là cô, đúng, là cô trở lại từ cõi hư vô nào. Tôi không nghĩ thiên hạ thấy gì đẹp đẽ trên mặt tôi đâu, họ chỉ thấy một khuôn mặt hốc hác, thờ thẫn và đầy hối tiếc.  Tôi mường tượng một gia đình đau khổ, ba trái tim nát tan, những lời nghẹn ngào than trách, và một con mèo đi lang thang không khác gì tôi đây.

          Tôi đang thấy trước mắt mình những đêm thức trắng, nằm trằn trọc trong nỗi lo sợ chờ tia nắng yếu ớt đầu tiên của ngày ló lên ngoài cửa sổ.

 

-- HẾT --

 

Bùi Ngọc Khôi

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Tám 20199:09 CH(Xem: 20787)
Mẹ tôi có tính tiết kiệm, ăn uống lúc nào cũng nhường món ngon cho chồng cho con ăn. Khi ba tôi mất, quần áo mới mẹ cứ cất tủ cho đến khi mất còn mới tinh, có cái mẹ chưa mặc. Tôi bây giờ y chang như mẹ, lâu rồi tôi cứ nghĩ rằng mình không có chồng có con nên đâu cần chưng diện làm gì. Con gái tôi thương mẹ nên nó sắm cho mẹ toàn bộ quần áo, son phấn... Tôi đơn giản không phấn son chưng diện... Nên đến hôm tôi dọn nhà tôi lôi ra đồ mới còn quá nhiều, áo quần đẹp, cả đồ lót phụ nữ còn nguyên lố lố mới kít. Tôi không thể mang hết vào SG nên tôi cho từ thiện hết toàn bộ. Tôi liên tưởng đến mẹ. Nếu tôi chết, con tôi nó sẽ chôn hết đống đồ này theo tôi như mẹ.
10 Tháng Tám 20197:07 CH(Xem: 18270)
Anh vừa ra được tập thơ. Tiền đi vay, lãi suất năm phần trăm. Trên đời này, hiện giờ không có gì rẻ hơn thơ và khốn khổ như nhà thơ phải ôm sách của mình đi bán lẻ. Khi đưa bản thảo cho nhà xuất bản, anh nghĩ, việc giải quyết "đầu ra" sẽ tính sau, trước mắt làm sao có được sách đã. Đến khi cầm tám trăm cuốn Đối thoại với dòng sông trong tay anh mới thật sự hiểu thế nào là kinh tế thị trường. Anh nhẫn nhục mang thơ đi phát hành. Bán khắp mọi nơi, bán cả ở những chỗ người ta nhiều tiền nhưng không hiểu thơ và chẳng cần thơ. Cái năm phần trăm của bảy triệu hàng tháng thúc bách anh. Tại một trường phổ thông trung học, khi anh nhờ mua giúp hai chục cuốn, ông hiệu trưởng lật xem qua rồi bảo :" Chúng tôi sẽ vận động các em mua". Ba tuần sau, anh trở lại, ông hiệu trưởng khả kính mang ra chồng sách phủ dầy bụi, nói như người có lỗi :" Ông thông cảm, học sinh bây giờ không thích thơ
09 Tháng Tám 201910:17 CH(Xem: 19644)
Nghe tiếng cót két dưới sân, tôi biết ngay thằng bạn trời đánh vừa tới. Chiếc xe đạp khô dầu, nói bao nhiêu lần là chỉ cần xịt vào đó chút dầu hoặc không có dầu thì quết lên sợi dây xích chút mỡ bò là trơn tru, mà cái thằng nhất định không nghe. Tiếng cót két cứ như tiếng nghiến răng của bà hàng xóm lúc ngủ mê, nghe đến nổi cả gai ốc.
08 Tháng Tám 201912:02 SA(Xem: 18713)
Tiếng bánh sắt siết trên thiết lộ đêm khuya hay không gian yên tĩnh của sân ga luôn có một sức hút lôi cuốn, thỉnh thoảng không có cơ hội cho một chuyến đi nào, tôi thường ra sân ga chỉ để ngồi thu lu một góc nào đó mà cảm nhận sự đoàn tụ và chia ly. Chẳng vì lý do gì hoặc có thể trong cuộc đời mình mát mát quá nhiều, đưa tiễn quá nhiều mà người ở lại luôn là người buồn hơn.
06 Tháng Tám 201912:28 SA(Xem: 22247)
- Tôi có thể ngồi chung bàn với chị được không? Quán hôm nay đông quá! Hắn bưng dĩa cơm chay trong chiếc đĩa nhựa xanh rẻ tiền khom lưng đứng trước mặt người đàn bà. Người đàn bà nhẹ nhàng ngước lên, đôi mắt đầy thảng thốt : - Không được. Tôi đang chờ một người quen. Hắn quay lưng bước đi, miệng lầm rầm cáu kỉnh: - Ăn chay mà cũng giành chỗ!
03 Tháng Tám 20199:42 CH(Xem: 20347)
Tôi thường hay đọc những câu chuyện của nhiều tác giả lạ quen trên các trang web văn học hoặc trên trang mạng xã hội Face Book, có những câu chuyện rất hay của nhiều người viết văn không chuyên với lối kể chuyện thật thà, đơn giãn nhưng sâu sắc. Một người phụ nữ đã lớn tuổi thường hay nói về nỗi buồn đời mình. Hình như người ấy độc thoại, viết cho mình chứ không phải cho một ai khác, tôi nhận ra điều này bởi vì không thấy người ấy trả lời hay “like” hay hỏi ai đó trong những bình luận. Trong bất cứ bài viết nào cũng vậy, một người phụ nữ lạ lùng, bí ẩn có “nickname” nguyetnga Một hôm, tôi đọc được đoạn văn, chợt giật mình nhận ra có điều gì đó gần gủi quá, và dường như nhận ra mình trong đó
31 Tháng Bảy 201910:24 CH(Xem: 17865)
Đám người xếp hàng dài trước cái quầy gỗ. Mùa hạ, thành ra trời ẩm và nóng nực. Hắn giũ nhẹ cổ áo cho chút gió hiếm hoi lùa vào cái lồng ngực đã bắt đầu hom hem. Hắn cứ tưởng tượng thế. Thực ra hắn còn trẻ. Mới ngoài ba mươi mà già nỗi gì. Nhưng mà nhìn cuộc sống trẻ măng ở chung quanh, hắn cứ thấy mình đã bị đẩy ra ngoài khung cửa của những cuộc vui hoang loạn tuổi trẻ.
28 Tháng Bảy 20198:48 CH(Xem: 19988)
Hắn vốn chưa bao giờ tin ở Định Mệnh. Nhưng, thời gian qua, có những sự việc buộc hắn dần phải tin vào một thứ lý lẽ của Trời Đất mà hắn thường cho rằng chỉ tồn tại trong văn chương cổ… Mọi sự lại bắt đầu bằng chuyện của người hàng xóm. Gần một năm nay, hầu như lần nào cũng vậy, cứ thấy hắn về tới cổng, chàng thanh niên nhà bên cạnh lại vội nhảy ra vồn vã, hồn nhiên: - Anh ơi, đã xin được việc cho em chưa? Hắn chỉ biết gượng nở nụ cười chó thui để khỏi dội nước lạnh vào hy vọng của thằng bé. Gọi là thằng bé thì quả quá đáng, vì cậu ta cũng hơn 30 tuổi, có điều tâm trí ngây thơ như một đứa trẻ mười hai chốn quê rừng.
25 Tháng Bảy 20199:26 CH(Xem: 20961)
Hai năm trước trên chuyến bay đi Bắc Mỹ từ Saigon, tôi đã nhặt được quyển nhật ký viết dở dang này. Hẳn là của một cô gái. Một cô gái đang yêu. Mãi đến hai năm sau, trong một nỗ lực hầu như là tuyệt vọng kiếm tìm tung tích của chủ nhân quyển nhật ký này, tôi mới đăng những trang nhật ký này lên, hy vọng cô gái chủ nhân của quyển nhật ký sẽ đọc thấy. Và có hai khả năng xảy ra: Hoặc cô gái ấy còn yêu và còn buồn, cô ấy sẽ tìm tôi để nhận lại quyển nhật ký. Hoặc cô gái ấy đã hết buồn và hết yêu (hoặc là bắt đầu một tình yêu khác vui hơn), cô gái ấy đã quên những gì mình viết ra trong ngày buồn. Quyển nhật ký sẽ vẫn ở lại với tôi.
19 Tháng Bảy 201911:12 CH(Xem: 18884)
Tôi cố nén những giọt nước mắt…Đó là ngôi nhà hai tầng nằm ngã ba phố chợ. Trước nhà có hai cây Phượng Vĩ già cỗi, dưới cội cây rêu xanh đặt dăm ba chiếc bàn đón khách uống ly đá chanh ngồi tránh cái oi bức trưa hè, hoặc nhâm nhi ly cà phê chiều tàn mà ngắm nghía cái xô bồ cuộc sống. Lan can lầu treo mươi chậu Lan. Nơi chúng tôi thường tụ tập với nhau, cùng học hành, cùng vui chơi và cả những giận hờn vu vơ tuổi mới lớn.