- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Phong

17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 43897)

w-hopluu98-f2-t276pdf_0_123x300_1LTS: Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu, Chu Thái Yến tên thật Bùi Kim Yến, hiện là sinh viên khoa Sáng tác - lý luận- phê bình văn học trường Đại học văn hóa Hà Nội.

 

Phong thường bảo: "Đời tàn nhẫn lắm. Nhất là đối với đàn bà". Tôi cười: "Em là con gái". Phong lại bảo: "Nhưng em có bản năng đàn bà. Mọi người con gái đều có bản năng đàn bà". Tôi chẳng nói nữa. Tôi biết Phong bị ám ảnh bởi mẹ, bởi người đàn bà tự thiêu điên loạn. Đời tàn nhẫn ư? Với đàn bà ư? Tôi chẳng nghĩ nhiều. Tôi sợ. Phong cũng bảo: "Anh có máu người điên!". Tôi nói: "Anh có máu người điên nhưng anh không điên. Anh tỉnh táo, anh cũng có máu người tỉnh trong người". Phong gạt đi: "Anh không cần tỉnh". Tôi sợ Phong. Tôi vẫn thường sợ Phong, nhưng tôi yêu Phong. Phong xót xa cho số phận của mẹ, và Phong xót xa cho số phận mọi người đàn bà. Phong yêu tôi, trong tình yêu ấy có cả sự chuộc tội. Tôi buồn, chẳng vì Phong. Tôi khóc, chẳng vì Phong. Phong biết nhưng Phong vẫn cứ cuống lên, vẫn làm như Phong là nguyên nhân của tất cả. Tôi buồn hơn, tôi muốn khóc hơn. Song tôi cười. Phong thở phào. Tôi thương Phong và tôi thương mình. Tôi đang yêu một người có máu điên, nhưng người ấy tỉnh táo, người ấy cũng có máu người tỉnh trong người.

 

Tuần bốn chín mẹ, Phong đưa tôi về. Ngồi sau xe, vòng tay qua eo, áp mặt vào lưng Phong. Eo Phong vẫn rộng, lưng Phong vẫn rộng nhưng hôm ấy tôi thấy nó mênh mông và trơn trượt. Tôi nghĩ rằng Phong là tảng băng lớn, tôi bé nhỏ bấu víu lấy cái hơi bốc ra từ tảng băng ấy. Tôi lạnh. Tôi nhìn Phong, từ đằng sau, gáy Phong, mái tóc đen của Phong. Tôi muốn ôm ghì, muốn thì thầm vào tai Phong: "Anh ơi! đường nhiều gió quá!"

Trên bàn thờ, sau làn khói mẹ Phong nhìn xuống cười hiền từ. Phong nhìn bức ảnh thờ mắt vằn lên hoang dại. Bố Phong ngồi trên ghế đốt thuốc hướng ra ngoài. Một lúc ông hỏi: "Bao giờ con về nhà?" Phong nói: "Sống ở ngoài cũng không đến nỗi, cũng tiện giải quyết công việc. Một thời gian nữa con sẽ nghĩ thử". "Thử à?"- Bố Phong cười méo mó, ông đẩy tách trà về phía tôi: " Uống nước đi con. Chuyện hai đứa bố tính để qua giỗ đầu thôi. Ba năm thì lâu quá". Phong lại bảo: " Tụi con còn xem đã". "Còn con?"- bố Phong hỏi tôi. Tôi không biết nói gì. Quay sang Phong mặt Phong đanh lại, Phong đang dán mắt vào con thiêu thân bay gần ngọn nến thờ, tiếng đập cánh vào gió khe khẽ. Phong bảo: "Mẹ đấy!" rồi lại nhìn lên bàn thờ, không chớp mắt. Con thiêu thân bốc cháy. Tôi sợ hãi ghì chặt tay Phong. Phong ngồi im như tượng, lại bảo: "Mẹ đấy!" nước mắt chảy xuống hai hóp má. Phong làm tôi sợ. Bố Phong mặt mất sắc, mắt đờ dại, những nếp nhăn trên mặt ông như cuộn lên.Trông ông giống một thây ma trong một bộ phim kinh dị nào đó. Bất chợt Phong kéo tôi đứng dậy, tôi nhìn lên bàn thờ, chẳng còn gì. Con thiêu thân chỉ còn là một tàn đen cạnh chân nến, giáp bức ảnh mẹ Phong. Phong kéo tôi ra khỏi nhà. Trước khi lên xe, tôi ngoái lại nhìn, trong ảnh người đàn bà nhìn theo chúng tôi, mỉm cười, đó là nụ cười của người điên- trống rỗng.

"Anh biết đó là mẹ!" Phong khẳng định với tôi nhiều lần suốt đường về. Lưng Phong rộng hơn, tôi thấy mình nhỏ bé hơn, lạnh hơn. Tôi không muốn thì thầm vào tai Phong nữa. Tôi nhìn mãi lên trời, trời đêm nay nhiều mây. Gió rất lớn. Tôi nghĩ là khuya sẽ có bão.

 

Mưa lớn, tầm tã. Tôi ngồi gọt táo, Phong ngồi đốt thuốc nhìn ra ngoài. Trời mưa làm người ta hay nghĩ. Mưa lớn hay nhỏ cũng tạo tâm trạng khác nhau. Tôi không ý thức nhiều về những cơn mưa. Chỉ hôm nay tôi mới nhìn thẳng vào hàng nghìn hàng vạn giọt nước đang rơi chẳng biết từ chỗ nào trên cái bầu trời đen kịt kia. Sách bảo: " Mưa từ những đám mây," tôi chẳng muốn tin như thế. Phong cũng chẳng tin, Phong bảo: "Bố láo, viết vớ vẩn". Phong cho rằng đó là nước mắt đàn bà, nước mắt Êva, Âu cơ. Rồi Phong cười: "Anh có máu người điên trong người". Tôi không nói gì. Mặc kệ những cơn mưa bắt đầu từ đâu. Chỉ biết đây là một trận mưa lớn, còn lâu mới tạnh.

 

Bố Phong chết, nhồi máu cơ tim. Phong chống gậy bên quan tài bố mắt ngước lên bàn thờ nhìn ảnh mẹ: "Mẹ đã vui lòng chưa? Người đàn ông tỉnh táo của chúng ta đến với mẹ rồi đấy. Hãy giữ ông ta cho chắc. Con sẽ chẳng đốt hình nhân nào cho ông ta đâu. Ông ta sẽ không bắt bồ mà bỏ mẹ được nữa. Mẹ yên tâm!" Rồi quay xuống chiếc quan tài: "Người đàn ông tỉnh táo, một nửa của con là bố cho. Con rất day dứt khi mang một nửa đó, nhưng con sẽ tha thứ cho bố- người đàn ông tỉnh táo ạ. Con sẽ đốt cho bố một chiếc ti vi, hãy xem thời sự thoả thích và ở nhà với mẹ con, với người đàn bà bị bố làm cho hoá điên. Hãy chịu trách nhiệm, chúng ta là những người đàn ông." Tôi sợ Phong. Nhưng mà tôi yêu Phong, tôi vẫn đứng cạnh Phong, vẫn nghe người đàn ông tôi yêu lẩm bẩm với bức ảnh và chiếc quan tài. Khuôn mặt anh ám màu tang tóc. Tôi ngước ra ngoài trời, sao mà nắng thế. Những trận bão qua đi, trời lại xanh thăm thẳm. Tôi bỗng thấy mình đang bị hút vào cái màu xanh ấy, cả Phong của tôi nữa. Tự hỏi: Có hay không màu xanh tuyệt vọng thế? Vốn dĩ hay tại mắt người là chiếc thước quá dài?

 

Phong bảo: "Nếu mà chết anh chỉ mong đem em đi cùng." Tôi buột miệng bảo Phong điên. Phong cười: "Người ta vẫn thường điên lên vì yêu đấy thôi. Ai trách được nào. Nhưng mà cũng đúng, anh có máu người điên trong người". Tôi thấy gió thổi quanh chỗ chúng tôi ngồi. Tôi nép vào Phong: "Vậy em sẽ chết cùng anh". Phong lắc đầu: "Ham muốn vẫn cứ là ham muốn. Nếu cho chọn, anh chọn em sống". " Em biết"- tôi rúc sâu hơn vào ngực Phong. Nếu Phong chết tôi sẽ chết cùng Phong, không cần suy nghĩ. Cái chết đôi khi là sự giải thoát. Tôi bỗng giật mình: Mà giải thoát cái gì cơ chứ, tôi khát khao giải thoát ư? Chết đã vậy! sống thì sao. Tôi yêu Phong. Tôi sẽ sống cùng Phong ư? Cùng người đàn ông luôn ám ảnh bởi dòng máu điên cuộn chảy trong người ư?

 

Tôi vẫn luôn nhìn ngắm những cái mạng nhện. Dù khi nhìn tôi luôn thấy buốt đau, cái đau như vệt ánh sáng xẻ một đường dài vào cái khoảng đen mịt mùng trong tôi. Tôi sững sờ với cái đau thâm sâu. mắt bập bùng hình ảnh Phong đứng giữa bức ảnh thờ mẹ và quan tài bố, mặt vô hồn. Hệt như bị mắc vào một cái mạng nhện vô hình khổng lồ nào đó, và nó đang rút dần rút mòn sinh lực trong người anh. Không biết bao lần tôi cố sức kéo Phong ra khỏi đó nhưng Phong lẳng lặng lắc đầu, Phong bỏ mặc. Phong cam chịu. Tôi căm ghét sự cam chịu ấy của Phong. Phong bảo đó là số phận. Số phận là cái quái gì chứ. Nó chỉ có hai chữ và sáu từ mà đòi định đoạt một kiếp người ư? Mà kiếp người là cái gì cơ chứ? Tôi gào khóc, lao như điên khắp các hang tối mịt mùng. Rồi cuối cùng rũ xuống,chẳng nước mắt, trọng lượng, chỉ biết rằng mình đang trôi dập dềnh giữa thinh không.

 

Tôi mơ.

Phong cười: "Sao đứng đấy? lại đây ngắm sao với anh". Sao ư? Trời nắng thế này cơ mà. Tôi đưa mắt lên, bầu trời đen cao vút lấp lánh sao. Quanh tôi sụp tối. Có Phong, chỉ có Phong là phát sáng, anh nhìn tôi vẫy tay: "Ô hay! Sao còn đứng xa anh thế. Lại đây nào". Tôi đến bên ngồi xuống cạnh Phong. Thấy mặt Phong vừa gần vừa xa, vừa thân yêu vừa ám ảnh. Tôi giơ tay muốn chạm thử vào Phong. Sao Phong giống một cái bóng đến thế. Càng nhìn Phong càng trong suốt. Mắt Phong, trống rỗng. Tôi sợ hãi ôm Phong. Nhưng Phong đứng dậy. Phong đi. Phong sáng qua, sáng đến chói mắt. Tôi nhíu mắt, thoắt cái Phong đã xa tít. Tôi vội vã chạy theo, nhưng Phong vẫn xa. Bỗng có hai bóng người đứng cạnh Phong. Tôi khựng lại, đó là bố mẹ Phong. Phong đến với họ. Ba người họ đi. Ba người họ đều phát sáng. Tôi nhận ra tôi bé nhỏ giữa không gian tối đen không cùng tận. Ba người họ đi, xa dần, tôi chỉ còn thấy một vòm sáng. Tôi thấy tôi đơn độc. Quanh tôi tối đen. Tôi hoảng sợ, không kêu được. Tôi tỉnh giấc.

Giấc mơ trở thành chiếc bóng dính cứng vào gót tôi. Màu đen trải dài trên đất. Tôi đến gặp Phong, khuôn mặt, cái nhìn thảng thốt của Phong hướng vào tôi. Tôi nhận ra Phong của tôi bất hạnh biết nhường nào. Phong bảo: "Em ác lắm. Nhưng anh tha thứ."- thế là tôi khóc. Lúc ấy, có lẽ tôi đã khóc hết nước mắt của một đời yêu thương. Tôi đã bỏ đi, không quay lại nhưng tôi biết Phong không nhìn theo tôi, Phong nhìn lên bầu trời. Ở đó có những vì sao, những làn gió, và một tấm màn đen khổng lồ bao phủ. Phong vẫn bảo, Phong thích những thứ đó mà...

Chu Thái Yến
Tháng 8/2007

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 113365)
Lần đầu tiên đến Hà Nội, hẳn bất kỳ ai, nhìn thấy điều gì cũng dễ dàng xúc động, cũng làm gợi nhớ đến những hình ảnh bàng bạc trong ký ức đã gặp gỡ ở tiểu thuyết, thơ ca... Nhưng với tôi, đáng nhớ hơn cả, đó là những cô thiếu nữ Hà Nội.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 40679)
Hương leo lên một con dốc nhỏ, con dốc không dài lắm, gió thổi nhè nhẹ và mùa hè hình như vừa đi qua, hoa dã quỳ đã nở ngập ngừng hai bên lối đi, báo hiệu mùa thu đang bước vào thành phố. Con dốc này thân quen với cô lắm, cả một tuổi thơ của cô giấu trong những lùm cây, bụi cỏ, luống hoa và bay lang thang cùng những bông cỏ may nơi đây.
24 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 87396)
C húng tôi hãy còn rất trẻ. Tuổi trẻ không trông thấy trên khuôn mặt, trong đôi mắt, nhưng ở những giấc mơ không bao giờ tắt. Tết Giáp Tuất. Tôi về sống ngôi nhà của Quý, phía nam phần lục địa. Trái đất xoay như thỏi đá cứng, những cạnh gai góc cắt vào chốn vô hình. Mỗi trưa, tôi với Quý và Chiến - cũng một người bạn ở nhờ - bầy những tiệc rượu đón bắt những vô hình mà cả ba đều linh cảm rất rõ, theo sóng của cây rừng tràn đến tận thềm. Cả một triền núi lươn lướt tắp đến bàn rượu. Cơ ngơi của Quý to lớn sừng sững.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 86391)
Những cái chết sau quá khứ về sau vẫn tiếp tục tiếp diễn mãi cho đến tận bây giờ. Những cái chết trên biển, bên kia biển, và bên này đất liền.
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 87355)
Tôi đi ở cho tộc Trần từ lâu lắm. Từ cuối đời Lý. Lúc Trần Thị chỉ vừa cắt nhau. Đêm tháo thai, sống cảnh sinh nở đầu đời nên tâm hồn tôi ngập kinh hãi. Máu từ cửa mình vợ Trần Lý chảy xối, bắn phun tung tóe như bát canh rau dền rơi vãi trên đất. Thứ canh đỏ thẫm, lợn cợn những nhau, thịt, chất nhờn. Trần Thị giẫy, vùng, đôi tay chới với cào cấu vươn tới trong động tác nắm tìm sự sống. Đã biết đi vào đời là đi vào khổ đau, nhưng tôi cũng không ngờ khổ đau to lớn tàn phá đến rách bươm cửa mình vợ Trần Lý. Mỗi cái quẫy mình là mỗi một vũng máu, trào ra, trào cho đến đầy thau. Máu bê bết chẳng khác một pháp trường.
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 98841)
Tôi lên Mã Pì Lèng dạy học. Từ dưới chân núi, tôi cứ nhằm theo chòm bản thấp thoáng trong mỏm đá, tán cây mà leo lên. Trời nóng như đốt nương, vượt dốc, cổ họng khô rát, tưởng như mồ hôi đã cạn kiệt không thể chảy ra được nữa, thì bất chợt gặp một dòng nước từ trên núi chảy xuống, tràn qua cả mặt đường đá. Tôi hồ hởi phanh ngực áo, bỏ ca-táp, cởi dép rọ, đứng một lúc cho mát dịu lại, rồi mới thong thả rửa tay, rửa chân, xúc miệng ba lần, uống một ngụm, xong rồi mới lau mình, gội đầu...
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 92786)
Nguyễn Thị Thảo An sinh ngày 03 tháng 2 năm 1960 tại Sài Gòn, tốt nghiệp đại học sư phạm Sài Gòn, hiện định cư tại Kennesaw Georgia, USA . Tác phẩm : *Tuyển Tập (in chung với 4 tác giả khác) *Bức Phù điêu Khắc Cạn (tập truyện, Văn Mới 2001)
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 88155)
Bạn có thấy đâu đó, người ta bày bán ba hình tượng ngồi riêng rẽ với hai bàn tay bịt kín hai mắt, bịt kín đôi tai, bịt kín miệng? Hay có lúc ba người ngồi chồng lên nhau theo thể hình tháp. Đứng nhìn lâu, có chút sảng khoái ở nghệ thuật mời chào. Nhưng đem về tập tành chủ nghĩa sống theo. Không thấy. Không nghe. Không nói. Bạn mới thấy nỗi niềm của từng nhịp thở ở đôi tay người.
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 95647)
Sự thật là tôi không khóc khi chị cướp mất người đàn ông của tôi. Chị trơ trẽn mơn trớn anh ngay trước mắt tôi, rồi lại giả đò lúng túng vì những hành động ấy. Giá tôi có thể đẩy chị về nơi thật xa. Đẩy chị vào khoảng không vô chừng của bóng tối, trong sa mạc, cát bụi.
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 82766)
Thật trơ trẽn, chúng nó hít hà, giá mà bóp vú em - dù chỉ qua lớp áo bà ba và áo nịt - được cái thì dù tử thần bảo phải nhượng cho mươi tuổi thọ, chúng cũng ký cả hai tay. Chàng cười diễu, bọn mày chẳng biết thế nào là tình ái. Chẳng chịu khó tìm phương đến đích. Nếu chinh phục được họ, sá gì hai quả đào mưng sữa kia chứ, bao nhiêu hầm mỏ ruộng nương mà các cô không dâng sạch cho tình lang?