- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Điều Tra Viên Văn Hóa Và Kẻ Viết Chui

17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 43224)

ngh_0_224x300_1- Ông cần gặp ai?

- Tôi muốn gặp bà Nguyễn Thị Thầu Dầu.

- Dạ tôi đây. Còn ông là….

- Công An văn hóa, cục XL chuyên ban SML.

- Nghe như size áo quần. Mời cán bộ vào nhà.

- Chị ở đây một mình?

- Dạ đúng.

- Nhà này của chị?

- Nhà tôi thuê ở để tiện đi làm.

- Thảo nào tôi đến địa chỉ thường trú của chị theo lý lịch chúng tôi nắm, người ta bảo chị đã chuyển đi chỗ khác không có đăng ký tạm trú tạm vắng.

- Tôi vẫn về chỗ đó rất thường để thăm cha mẹ già. Cán bộ gặp tôi có việc gì?

- Chúng tôi cần điều tra một vài trường hợp dân sự….

-..................................

- Hiện nay chị làm nghề gì?

- Tôi dạy học.

- Chị có viết lách gì không?

- Thỉnh thoảng tôi cũng viết.

- Nghe nói gần đây chị có một số bài viết đăng ở các tạp chí phản động nước ngoài. Các bài ấy chưa được đăng trong nước có nghĩa là chưa qua sự kiểm duyệt của nhà nước. Chị làm như vậy có ý gì?

- Trước hết tôi không thuộc hội đoàn nào trong lĩnh vực sáng tác để phải qua khâu kiểm duyệt; thứ hai tôi không phải là người viết chuyên hay kiếm sống bằng ngòi bút; tiếp theo tôi chỉ viết chuyện tiếu lâm không đả kích chế độ hay phê phán cá nhân nào ngoài chính tôi; sau cùng các báo trong nước không thèm đăng bài của tôi.

- Chị có gửi cho các báo trong nước sao?

- Không trực tiếp với người chủ biên nhưng nhờ bạn bè có tên tuổi – những người đi chân vòng kiềng – bắc cầu gạ gẫm dùm. Hai lần đều thất bại.

- Hẳn họ có giải thích tại sao bài không được chọn đăng?

- Cũng qua trung gian bạn bè - lần thứ nhất họ nói truyện phản ánh hiện thực tiêu cực; lần thứ nhì họ phê kỳ thị địa phương, phân biệt giai cấp với lại …cọ quẹt thuần phong mỹ tục.

- Chị có thể nói rõ hơn về hai truyện ấy?

- Trời ơi, tôi cà rỡn cho vui chứ đâu có chi. Truyện đầu kể vụ con tôi bị một thằng nhóc lang thang giật mất cái lồng đèn ngay đêm Trung Thu. Truyện thứ hai viết về một người đàn bà bỏ chồng do không ăn được nước mắm, ngoài ra hắn ta còn nuôi rận trong người.

- Chị nói nghiêm chỉnh chứ?

- Nghiêm chỉnh, mặc dù cà rỡn.

- Thế độc giả bên kia của chị là những ai?

- Chắc chắn là người Việt Nam vì tôi viết tiếng Việt mà! Còn tuổi tác, giai cấp, thành phần xã hội thì tôi chịu.

- Chị gửi tác phẩm ra ngoài mà không cần biết độc giả của mình là ai, làm sao cung khớp với cầu?

- Trước hết tôi cũng rất thèm biết những ai đọc truyện của tôi nhưng không có điều kiện để biết; thứ hai, tôi không viết theo luật cung cầu vì đây chỉ là vấn đề nhu cầu bản thân – đói ăn khát uống vậy thôi!

- Chị có thể nói rõ hơn về nhu cầu cá nhân này? Hay chị ám chỉ khó khăn kinh tế? Họ trả cho chị như thế nào?

- Không phải kinh tế. Nhu cầu giải tỏa – giống như người hát thèm sân khấu, thợ mộc nhớ đinh nhớ búa, thợ may ghiền kim chỉ. Tiền bạc ư? Nói không ai tin chứ họ chẳng trả tôi đồng xu teng, đã vậy còn hối bài. Được cái thỉnh thoảng họ gửi báo biếu, so le đến nửa năm là thường.

- Như vậy động lực nào thúc đẩy và khích lệ nào nuôi dưỡng lý tưởng viết lách của chị?

- Ứ hự, đã nói là đói ăn khát uống mà! Nhưng cán bộ yên tâm dạo này tôi xực thứ khác rồi! Có người dọn nhà vứt cho một mớ đồ bỏ, trong đó có mấy ống màu, thế là tôi cứ vẽ nhặng xị cả lên.

- Chị đã được đào tạo ngành hội họa à?

- Nói không ai tin chứ trước giờ tôi làm toàn các thứ mà không qua trường lớp đào tạo chính quy. Ngó sơ cũng biết. Chữ nghĩa thì đâu có được học trường viết văn Nguyễn Du hay tham gia trại sáng tác quốc gia; nhạc nhiếc, chưa hề bước chân vô nhạc viện ngoại trừ thỉnh thoảng có trà trộn trong giới trưởng giả đến nghe nhạc hòa tấu theo giấy mời; vẽ vời thì tôi bắt đầu nguệch ngoạc truyện tranh từ hồi tiểu học, để bán cho mấy đứa trong lớp…

- Vậy còn nghề dạy học của chị? Không qua đào tạo sao được nhận vào dạy Đại Học?

- Tôi dạy lậu thôi, nhờ quen biết gửi gấm giới thiệu. Vừa dạy vừa học. Ai cắc cớ hỏi đến bằng cấp chắc tôi ú ớ bởi không có miếng giấy chứng nhận lận lưng.

- Theo như chị tường trình nãy giờ, chị có vẻ một kẻ đứng bên lề?

- Ý cán bộ nói tôi đứng ngoài vòng pháp luật? Chậc, lòng lề đường đã có người chiếm hết rồi. Tôi chỉ dạy ở trường theo hợp đồng, làm ăn cò con ở nhà. Nói chung lương thiện, không lừa gạt cưỡng bức ai. Tự người ta đọc truyện tôi viết, mua tranh tôi vẽ, học lớp tôi dạy… Ngoài ra tôi luôn sống và làm việc theo pháp luật, tôn trọng phép đi đường, nghiêm chỉnh bỏ phiếu mỗi cuộc bầu cử, có chứng minh nhân dân và hộ khẩu thường trú do chính quyền địa phương cấp, tham gia họp tổ đều đặn, hàng năm được giấy khen đoạt chuẩn gia đình văn hóa. Ủa mà tôi có vi phạm gì để nhà nước phải cử người xuống điều tra?

- Tôi lập lại: chị viết bài cho các tạp chí phản động ở hải ngoại.

- Là tạp chí nào?

- Những tạp chí trong đó người đọc có thể gặp các loại chính kiến; đặc biệt các bài viết không có lợi cho chính sách chủ trương của nhà nước ta.

- Vậy mà lâu nay tôi tưởng diễn đàn tự do là nơi người ta muốn nói cái gì thì nói, người nghe có quyền bịt tai hoặc bỏ đi chỗ khác chơi.

- Không đơn giản như chị nghĩ. Địch luôn luôn rình mò để phá hoại.

- Mình ngon thì việc gì phải mặc cảm hay lo sợ?

- Rõ ràng chị không biết gì về chính trị.

- Thì tôi đã nói mà!

- Như chị có phát biểu lúc nãy, bây giờ chị "xực" thứ khác nghĩa là thôi không viết nữa, chỉ vẽ. Chị vẽ gì?

- Cán bộ ngó trên vách tường thì biết. Văn chương – mặc dù không treo được tòn teng như tranh – có thể phanh thây nhân vật làm văng miểng tá lả thậm chí khiến những kẻ bàng quan nghĩ mình cũng bị trúng. Với hội họa, người vẽ lẫn người xem đều an toàn; dĩ nhiên đừng bày đặt vẽ bôi bác hay dùng photoshop, biếm họa, chú thích toen hoẻn rằng đây là Nguyễn văn A đang ăn hối lộ hay Trần Thị B đang ngoại tình. Ba cái thứ này đã có máy quay phim, máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại di động đa chức năng.

- Có nghĩa là tranh của chị mang nhiều ẩn dụ?

- Nữa! Đây nè cán bộ ngó coi. Bức này tôi chép của Georgia O’Keffee. Bà ta vẽ hoa diên vỹ nở tòe loe toét loét khiến ai nhìn cũng nói giống âm hộ. Còn bức này tôi sao của Magritte vẽ đôi tình nhân trùm kín mặt mũi – dạo thập niên 50, nhưng ai cũng bảo y hệt bọn khủng bố thế kỷ 21.

- Hóa ra chị chỉ chép tranh chứ không sáng tác?

- À, tôi vừa chép vừa học. Có khi phóng tác. Như bức này tôi chôm của Dali, xong bố trí cho chàng chui ngược vào cửa càn khôn. Tất cả những bức còn lại có chữ ký là của tôi. Đại loại tôi trộn lộn các trường phái cùng các chất liệu cho nó đa dạng, còn tôi thì biệt dạng ở trỏng.

- Có người nói chị tung hỏa mù trong những bức vẽ của chị…

- Nữa! Mệt ông này quá. Ý ông muốn nói tôi vẽ tranh cho người mù coi?

 

 

Cuộc điều tra đến đây tạm ngưng.

Cán bộ nghỉ phép 10 ngày đón Tết con chuột.

trần thị ngh.
tháng 1.2008

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Bảy 202211:33 SA(Xem: 7559)
Ở nhà thường gọi là chị Xíu. Tên của chị là Lan Vy - chị họ của tôi. Chị em tôi chơi thân với nhau như chị em ruột. Tôi không có chị gái nên hình mẫu của tôi chính là chị để mà học hỏi. Chị nổi tiếng xinh đẹp và hiền thục ngay từ lúc còn là nữ sinh đệ nhất cấp. Khi vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) bác tôi có mời một anh sinh viên tên là Vinh về kèm cho chị học. Anh ấy nhiệt tình, kiến thức vững và tính cách cũng đàng hoàng. Năm tháng trôi đi học xong đệ nhất cấp, chị thi đỗ vào trường Nữ trung học Thành Nội. Mẹ chị là một người phụ nữ đẹp, phúc hậu và đặc biệt là có giọng hát ru và những làn điệu dân ca xứ Huế rất hay. Ngoài giờ học chị được mẹ kèm cặp, nữ công gia chánh như đan lát, thêu thùa, làm các loại bánh trái, nấu được những món ăn đặc trưng xứ Huế rất ngon.
29 Tháng Sáu 20226:22 CH(Xem: 8084)
...lần nầy bà quyết tâm bỏ nhà ra đi. Mà đi đâu? Tới nhà con trai thì ngại với dâu. Tới nhà con gái thì ngại với rể! Suy đi tính lại, bà quyết định sẽ đi share một căn phòng, ở một mình cho sướng cái thân. / Thôi thì ráng chịu đựng đêm nay. Chỉ một đêm nay thôi. Rồi sáng mai bà sẽ đi mua mấy tờ báo kiếm phòng thuê. Bà sẽ kiếm cái nhà nào gần chợ Việt Nam cho tiện. Người bạn thân của bà, có lão chồng tòng teng bồ bịch ở Việt Nam, tức mình bỏ ra ngoài share phòng ở, đã hùng hồn phát biểu rằng sướng như tiên. Người ta làm được, mắc gì bà không làm được. Sáng bà sẽ đi bộ với mấy người bạn, rồi tiện ghé chợ. Chiều coi ti vi. Tối đọc sách. Tự do thoải mái, không bị vướng bận gì hết. Khỏe ru rù rù.
23 Tháng Sáu 20224:49 CH(Xem: 7911)
Dù sao em vẫn cảm ơn anh. Nếu quay lại từ đầu, em vẫn làm như vậy. Em đã sung sướng đến nhường nào khi được cùng anh bay lên miền hạnh phúc. Anh biết không, giờ đây, trong từng hơi thở, trong mỗi giấc mơ, em vẫn đang bay lên, bay lên cùng anh khi em sống lại những giây phút đó.
15 Tháng Sáu 20221:33 SA(Xem: 8164)
Em cúi đầu, giọng thấp hẳn xuống: - Cô ơi, theo em được biết, hồi xưa, một trong những hình phạt vô cùng kinh hãi là tứ mã phanh thây. - Ừ, chỉ hình dung thôi cũng đủ khiếp sợ. - Dạ, tay chân của phạm nhân bị cột vào bốn sợi dây nối vào chân bốn con ngựa. Khi hành hình, các nài ngựa sẽ thúc ngựa phi ra bốn hướng; nếu không có nài ngựa, người ta sẽ thét to lên hoặc đánh ngựa để chúng hoảng sợ bỏ chạy. Và bốn sợi dây sẽ kéo tay chân phạm nhân đến khi thân thể của họ bị xé ra. - Ôi thôi! Nghe sợ quá! Sao bỗng dưng em lại nói đến chuyện đó? Em chậm rãi: - Dạ, em đã tìm đọc nhiều thiệt nhiều những kiểu hành hình đau đớn nhất để coi cái đau của mình cỡ nào. Cô ơi, em đã từng bị hành hình theo cách tứ mã phanh thây! - Hả?
02 Tháng Sáu 202210:20 CH(Xem: 7337)
Mãi rồi cũng về đến núi. Chính xác là về đến chân núi, đèo Ngao. Vượt qua con đèo dài 32 cây số cả lên lẫn xuống này, mới đến bản Tồng, quê Mìn. Nhảy xuống khỏi thùng cái xe tải chở hàng cứu trợ, nằm vật xuống bãi cỏ bên một búi tre chân đèo. Thở dốc. Mệt mỏi. Mìn ngửa mặt nhìn trời. Trời đầu thu xanh thẳm không một gợn mây, nắng vàng rười rượi ấm áp tỏa khắp nhân gian. Vậy mà sao Mìn thấy lạnh lẽo quá. Lạnh từ trong tâm can ruột rà sâu thẳm lạnh ra. Xung quanh không một bóng người, không một tiếng gà kêu chó sủa. Con đường quốc lộ chạy qua chân đèo, con đường đèo nối mấy huyện vùng cao thường ngày tấp nập người xe, vậy mà nay vắng lạnh. Mà mới chỉ đầu giờ chiều. Mọi thứ như có một cái phép thần của mụ phù thủy, vung lên một cái, biến sạch. Khi dời bản bỏ núi xuống phố làm thuê, ba tay Mìn, Lù, Phủ đã uống rượu thề sống chết có nhau. Thế mà bây giờ, về tới chân núi chỉ còn có một mình…
20 Tháng Tư 202210:00 CH(Xem: 8834)
Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết. Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẵm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ.
19 Tháng Ba 202211:54 CH(Xem: 8115)
Sau một đợt công tác phía Nam, hắn bị, đúng hơn là tự nhốt mình trên tầng ba để bảo vệ gia đình hắn: vợ trẻ, hai đứa con gái chưa trưởng thành và bà mẹ đang gần đất xa trời… Trước đợt hắn đi xa, cả Hà Nội đã nháo nhác lên vì F0, ở đâu cũng thấy F0, bạn bè hắn liên tục báo tin bị F0! Cho nên, lúc trở về, hắn tình nguyện cách ly với mọi người, kiểu “i-zô-lê” (isolé) mà hắn sực nhớ ra khái niệm được biết từ hồi làm phim về một người tù số vuông bị lao ở ngục đá Sơn La. Sau 4 hôm bình thường, người bỗng mệt mỏi, họng đau rát. “Thế là ông bị rồi! Đi như ngựa vía mà không bị mới tài!” - vợ hắn kêu lên như cha chết.
28 Tháng Giêng 202211:34 CH(Xem: 9777)
Thả chiếc bánh tét cuối cùng vào nồi , mợ Hai phủi tay đứng dậy. — Phần mợ xong rồi đó. Tụi bây chia nhau thức canh nồi bánh nghe . Nhi dạ một tiếng đáp lời mợ . Quang tranh thủ chớp ngay thời cơ : — Có gì ăn để khỏi buồn ngủ không mợ ? Mợ hai cười dễ dãi : — Cái thằng này chỉ ăn là giỏi . Nhi vào lấy đậu , đường trong bếp ra nấu chè cho tụi bạn ăn đi con. Thà từ ngoài vườn bước vào , quăng mạnh bó tàu lá dừa xuống đất . Thấy Nhi đang lúi húi nạo dừa, Thà đi đến giành lấy bàn nạo : — Để tui làm cho. Nhi nghỉ tay đi . Có tiếng Lài “e hèm “ liền sau câu nói của Thà.
28 Tháng Giêng 202211:19 CH(Xem: 8415)
Trong một ngôi nhà của quan lại ở Kinh thành Thăng Long, có một cuộc gặp kín giữa vài nho sĩ vốn là tôi trung của nhà Lê, cùng đôi người thuộc phe chúa Trịnh. Siêu quận công, danh sĩ Ôn Như Nguyễn Gia Thiều cũng ở đó. Sau mấy câu bàn luận về thời cuộc, một vị cầm tờ giấy viết đặc chữ Nho, đứng dậy vẻ hể hả: - Tôi xin hiến các vị một bài hành, vừa viết đêm trước đây!
25 Tháng Giêng 202210:43 CH(Xem: 8781)
Lật bật mà Tết lại sắp tới. Làng xóm đó đây thảy đều chộn rộn đón xuân về, mỗi nhà mỗi kiểu. Mấy năm trước, lúc nào cô Thơm cũng thấy lòng mình dửng dưng trước những dấu hiệu của một mùa xuân đang trở lại. Chợ búa thay màu đổi sắc, rực rỡ hẳn lên với những mặt hàng dành riêng cho tết nhứt. Từ hai mươi tháng Chạp trở đi, ba má cô đã háo hức sửa soạn mọi thứ như vẫn làm từ năm này qua năm khác. Nhắm mắt lại, cô Thơm có thể mường tượng ra cảnh dưới bếp, má cô lễ mễ mang về những món cần thiết để chuẩn bị nấu mâm cơm cúng giao thừa và đầu năm. Hay trên gian nhà chính, ba cô đang dọn dẹp lại bàn thờ tổ tiên, lau chùi bộ lư đồng và chân đèn sáng loáng đến ngó vào cũng thấy rõ mặt mình.