- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Hành Khách Cuối Cùng

08 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 32866)

w-hopluu102-final-final-249_0_300x149_1 

Trần Viết Minh-Thanh phóng tác

(từ truyện ngắn The Passenger của Marisa Silver)

 

Vào năm đó của thập niên tám mươi, tôi làm nghề lái xe limo. Tôi chở khách hàng tới nơi họ muốn đến, tới phi trường, đến các buổi liên hoan cuối tuần tại một căn nhà kín cổng cao tường, hay xa thành phố, tránh cặp mắt tò mò của hàng xóm để tha hồ lên mây với những cữ thuốc phiện. Có hôm tôi thả một ông bận đồ lớn tại một khách sạn tồi tàn, nhưng xem ra thân quen với ông lắm. Có tối tôi lái xe trên con đường ngoằn ngoèo nổi tiếng của ngọn đồi Mullholland, chở những cô cậu thanh niên con nhà giàu dự lễ prom ở Northridge. Prom là buổi liên hoan tốt nghiệp trung học, một cái party mà tuy đã trải qua thời trung học ở xứ này nhưng tôi mù tịt mùi vị. Cư dân ở các tiểu bang khác tưởng rằng tại thành phố thiên thần, nơi nào cũng như nhau, cũng có thể đi ra biển mất năm, mười phút, với những con đường có hàng dừa palm cao nghều nghệu, nhà nào cũng có hồ bơi như trong phim ciné. Mấy đứa bạn Mỹ của tôi tuyên bố: thật sự thì có những lúc phải cần từ điển để đi từ Hancock Park đến phố Hàn.

 

Jennifer là chị liên lạc viên ngồi ở tổng đài. Tôi chưa bao giờ gặp chị, nhưng có lẽ chị là người tôi trò chuyện nhiều nhất ở hãng này. Có lần tôi thấy cái áo khoác màu đỏ của chị treo nơi ghế ở văn phòng, có đính hình một con phượng hoàng màu mè đàng sau lưng. Thường ai mà bận áo như thế thì chẳng có gì điều để nói với tôi, cho nên mấy bận đi qua văn phòng tôi chẳng buồn bước vào chào hỏi, nhưng không hiểu sao chị biết tôi bé con, nên chị gọi tôi là Babe, một trùng hợp vì đó là tên gọi ở nhà của tôi, đáng lẽ chị phải gọi tôi bằng con số 22, hãng bắt buộc nhân viên phải gọi nhau bằng số. Lúc này thì giọng chị réo tôi qua máy truyền tin trong xe.

- EX-lax, là cách chị nói tắt cho biết có khách ở phi trường Los Angeles, giọng chị đục như vừa mới thổi bong bóng xong.

Tôi cầm ống nghe lên:

- 22 sẽ tới đó.

- Okay, Babe, chị tiếp, em phải đón hai người Tàu tại phi trường quốc tế, phía ngoài sau khi lấy hành lý.

- Vậy sao, chán thiệt.

- Thì chán, nhớ đi vòng vòng khu đó nhen. Jennifer nhắc.

 

Tôi tắt máy liên lạc. Thường lệ tôi đỗ xe vào khu vực dành cho xe limo, ra cổng chờ đón khách, tay cầm một cái bảng với một tên xa lạ. Rồi khách tới, sẽ xoè nụ cười tươi khi thấy tên họ trên bảng, có khách vui mừng ra mặt khi nhận ra chính tài xế hôm trước đưa đi, nay lại tới đón, có lẽ họ cảm giác đã trở về nhà. Tôi đoán vậy, vì có ông bà khách mừng tới độ cầm tay tôi giựt vài cái, như đã gặp người thân. Đồng nghiệp của tôi cười cười với nhau những chuyện như vậy, tôi cũng cười như biểu đồng tình, thú thật đôi lúc tôi thấy cảm động, như gặp lại người thân trong cái thành phố rộng lớn mà má con tôi chẳng quen ai, dù rằng lúc mới đặt chân tới chúng tôi có cảm giác thân quen ngay bởi có nhiều khuôn mặt Á châu, mà thoạt đầu tôi nhìn ai cũng ra người Việt, nhưng bây giờ tôi đã phân biệt được người Hoa, Nhật hay Đại Hàn. Lâu ngày tôi còn biết họ thuộc thế hệ sau này hay là dân mới định cư, còn ngô ngố như người Việt mình thuở ban đầu.

 

Đợi khách hàng ngoài khu hành lý thật là bực mình. An-ninh thời bấy giờ cũng đã khó với các xe to quá khổ như xe limo, tôi chưa đỗ xe tới hai phút, đã có một anh bận đồng phục tới bảo tôi phải cút đi, thế là các tài xế như tôi phải lái xe vài vòng cho đến khi thấy bóng dáng khách hàng mình đến.

Tôi bật radio lên lại, dở giọng than phiền:

- Trời, chắc cũng mất một tiếng.

- Vậy để chị đưa qua cho người khác? Giọng khàn lên tiếng

- Không, tôi nhanh nhẩu trả lời. Phi trường quốc tế cũng có lợi điểm của nó. Thiên hạ chân ướt chân ráo chưa quen giá biểu đổi chác. Có lần một gia đình Ấn cho tôi tới 100 đô tiền tip, mà nhìn cách họ cột hành lý với giây điện, chứng tỏ họ không thuộc khách xịn. Tôi hơi có cảm giác hối hận khi lấy tiền của họ, nhưng lúc cầm đồng tiền trong tay thì cảm giác đó mất ngay.

 

Cuối thập niên 80 tôi 23 tuổi, ở với má tôi trong căn chung cư hai tầng đường Lincohn, nhưng những giờ không phải đi làm tôi chuồn lẹ, tránh nghe má tôi lập đi lập lại cụm từ "việc nhà, việc cửa", ngoài ra việc tôi bỏ học ngang nữa, tôi nghi là điều bà bận tâm nhất. Thật sự tôi đã xong chứng chỉ hai năm, có điều tôi chẳng biết phải làm gì, đi hướng nào. Tôi có quen với một vài đứa bạn học đại học cộng đồng, những đứa dở dở ương ương, không thuộc thành phần dân chơi, cũng chẳng chuộng thể thao, không đứng đầu lớp, mà cũng không đứng chót, những đứa không phải dốt, học không vô, nhưng không hiểu vì lý do gì mà không mang trong đầu một ước mơ, ước mơ thành công, làm ra tiền, làm nên danh vọng ông nọ bà kia, và cũng chẳng ôm mộng cứu độ người. Chúng tôi là những đứa sớm dửng dưng với đời. Tôi thuộc nhóm này, lúc đầu vì tụi nó hay cúp lớp, cần biết bài vở nên tìm đến tôi. Tôi nhập bọn ngay bởi tụi nó chấp nhận tôi ngay, không chút đòi hỏi. Lúc tốt nghiệp trung học, điểm đứa nào cũng thường thường bậc trung, bấy giờ thì đứa nào cũng có một công việc vặt, lấy vài chứng chỉ nọ kia, không yêu đương thấm đậm với ai và rất thờ ơ với cuộc đời. Tụi tôi nhóm họp cuối tuần tại một căn hộ của một đứa có đủ tiền và can đảm để ra riêng, ngồi uống với nhau mấy ly bia, than phiền chuyện nọ kia, tiền mướn phòng, bố mẹ hay càng ràng về tương lai vô định, mấy ông bà chính trị gia không giữ lời hứa, doanh thương Nhật sắp mua hết mấy căn phố đắt tiền, tới đêm tàn thì chúng tôi đăm đăm nhìn vào ly bia, bởi nhìn nhau là nhìn thấy mình trong gương qua ánh sáng mờ mờ tỏ tỏ.

Lúc đó tôi theo con bạn đi làm hầu bàn, Wendy có mộng làm tài tử ciné và văn sĩ, nó nói đi hầu bàn ở Hollywood có nhiều cơ hội gặp gỡ agent hay ít ra có đề tài viết tiểu thuyết. Còn tôi chẳng có mộng gì cả, tôi chỉ biết là mình không muốn làm hầu bàn hay tài xế limo để mong gặp tài tử hay hóng chuyện lá cải. Nói theo dì Năm, chắc là để an ủi má tôi, số nó như vậy, sẽ có một chuyện xảy ra để cãi lại số thôi. Má tôi thường hay nghe dì Năm lắm, nhưng lần đó bà hừ một cái, đứng dậy đi rót nước, còn tôi thì làm bộ không nghe như mọi lần.

 

Đi tới vòng thứ năm bên ngoài khu hành lý quốc tế, thì cái cửa tự động đang đóng mở mệt nghỉ bởi thiên hạ túa ra không ngừng. Phần đông là du khách ăn bận thoải mái, quần jeans, áo thun, khoác lên mình cái jacket nhầu, có lẽ đã được trải làm gối hay mềm, đội mũ baseball có in dấu hiệu của những đội banh bóng chầy, bóng rổ, bóng đá chân, những quảng cáo di động cho xứ sở lần đầu tiên họ tới. Mặt mũi ai coi cũng bơ phờ vì chuyến hành trình dài tới xứ khác. Chuyến bay này không nhiều người Á Châu, tuy vậy với số lượng người đứng đông đầy, tôi chưa đoán ra được ai là khách của tôi. Thế rồi trong đám đông lố nhố, mặt ngây mày dại, tôi bỗng nhìn thấy một người đàn ông và một người đàn bà đứng ngay lề đường, với một cái vali chen vào giữa họ, tôi có linh tính khách mình đây rồi. Bà bận một bộ đồ, coi bộ hàng hiệu, cắt rất khéo, cái váy đi đôi với áo, vải đắt tiền, có ô sọc nhỏ, màu đỏ xen với màu tím đậm, chân mang đôi giầy cao đen, bóng lưỡng, phản chiếu ánh sáng từ cột đèn gần đó. Ông cũng một bộ đồ vét màu xanh dương thẫm, áo một bên vạt chồng lên vạt kia, có hai hàng nút đồng, hơi rộng cho cái thân hình gầy nhom của ông, tóc chải ngược đàng sau, khoảng tóc phía trước hơi phồng một chút, không biết xoa dầu gì mà láng coóng. Trái ngược lại với hành khách ở các chuyến bay dài, hai người này quần áo rất bảnh, khó ngờ họ mới làm một chuyến hành trình quốc tế chắc cũng phải dài vài giờ đồng hồ.

 

"Ông bà Ling." tôi kéo cửa kính xuống, thử gọi tên hai người.

Hai khuôn mặt ngố trong mấy giây, rồi vội vàng gật đầu lia lịa. Tôi bấm nút cho thùng xe bung lên, tắt máy và xuống xe. Tôi đi lại phía ông bà, đưa tay tính khiêng vali bỏ vào thùng xe, nhưng ông Ling đưa tay khoác vài cái, dấu hiệu từ chối, và chỉ vào ghế băng sau. Ông nhìn tôi rồi nói một câu tiếng Hoa, tôi đoán chừng ông tưởng tôi người đồng hương. Tôi nói: Tôi không phải người Hoa, I am not Chinese. Ông gật gù có vẻ hiểu, rồi đưa mắt nhìn bà. Bà cũng gật gù, nhìn tôi lại nói một tràng tiếng Hoa. Tôi khoác tay: Ni hao ma, tôi chỉ biết chừng đó tiếng Tàu thôi. Hai người lại nhìn nhau, và nếu tôi không lầm thì hình như họ cùng thở phào môt cái nhẹ nhõmm thay vì thất vọng. Tôi tiếp:

"Thưa ông, bỏ vali vào trong thùng xe an toàn hơn ạ". Tôi giải thích cho ông khách. "Nếu chiếc xe ngừng thình lình, vali có thể rớt đè người ông bà."

Cả hai nhoẻn miệng cười ngây ngô, tôi sực nghĩ ra là họ không hiểu tiếng Anh. Tôi bước vài bước, đưa tay toan ôm cái vali lần nữa thì ông Ling cũng làm vài bước chận tôi, tay ông khoác, đầu ông lắc nguầy nguậy. Bà thì đã leo vào ghế sau, nhẹ nhàng như con mèo con, hai chân bắt chéo qua một bên, đưa hai tay ra đón cái vali mà ông chồng đã đẩy vào. Rồi ông leo vào chỗ còn lại, đợi tôi đóng cửa. Đứng chần chừ nơi lề đường vài phút, nghĩ đến cách dùng chân tay giải thích luật của hãng, là vali phải được bỏ đàng sau xe, nếu hai ông bà bị vali chần vào người, khách có thể kiện, và dĩ nhiên tôi mất việc ngay. Thế nhưng tôi không biết dùng tay chân ra sao để diễn tả chữ kiện, mà cặp vợ chồng nhìn ra đàng trước, như sẵn sàng cả rồi, cái máu Á Đông hay đúng ra máu bất cẩn của tôi trỗi dậy. Ui chao người Tàu ít kiện tụng, nếu chẳng may có bị xô xát chút đỉnh, không lỗ đầu đâu mà lo vớ vẩn, không ai biết nếu không có ai trình cho ai.

 

Thế là tôi đóng cửa xe, ngồi vào tay lái, ông Ling thò tay qua cửa kính nhỏ nơi tài xế và khách hàng liên lạc với nhau, đưa tôi một mảnh giấy, trong đó có một địa chỉ ở Tarzana. Tôi hơi ngạc nhiên, cứ đinh ninh là họ sẽ đi thăm bà con đâu đó ở Monterey Park, là nơi có nhiều người Hoa sinh sống, hay đi xuống khu phố downtown ở một khách sạn sang trọng nào đó. Tôi gọi về tổng đài cho bà thư ký giọng alto hay vịt cồ Jennifer biết mục tiêu sẽ tới của mình.

"Tarzana!", Jennifer lập lại bằng một tiếng reo như được tin vui.

Tôi đề máy xe, nhả ga, trực chỉ xa lộ 405, tính ngáp một cái, nhưng dằn kịp, còn sớm quá, mới bắt đầu ca tám tiếng, lòng vòng khắp vùng thành phố thiên thần, Hồ ly Vọng, mấy cái xa lộ chằng chịt, những con đường sẽ đầy xe cộ khi mặt trời Nam Cali từ từ leo lên đỉnh, và đám mây thấp dần tan đi.

 

Tôi tới cái xứ trời nắng quanh năm, ít mưa này tính tới bây giờ, được đâu ba năm rồi. Hai má con tôi dọn về từ tiểu bang Illinois, sau ba năm sống với anh Hải, anh thứ hai tôi. Anh Hải được nhận vào trường Nha ở thành phố Chicago, còn những bốn năm mới ra trường. Má tôi chán cái tỉnh lẻ - to không bằng Dakao của bà, phân vân không biết nên theo anh không, thì dì Năm gọi đúng lúc, thúc bà về Cali cho có bạn đi làm. Má tôi mua vé xe buýt, cả hai mẹ con dọn về Cali trước khi anh Hải đi Chicago, chắc má sợ phải từ giã anh. Los Angeles thì to gấp mấy Saigon, và khu dì Năm thuộc thành phố khác, nhưng cũng nhộn nhịp không kém gì Dakao ngày xưa. Má tôi có vẻ vui hơn, nhưng chừng đâu sáu tháng thì dì Năm báo tin sắp đón chồng qua, dì dọn sang căn hộ hai phòng, còn lại má con tôi. Má bỗng có những cơn đau đầu bất ngờ, và bà uống thuốc nhức đầu liên miên. Bà không đi làm đều. Một hôm về nhà nói hãng cho nghỉ làm, phải đi kiếm việc khác, nhưng sáng ra bà ngồi thừ nhìn mông lung ra ngoài. Có hôm bà còn quên làm cơm nữa, tôi mò mẩn về nhà đã tối, phải chạy xuống tiệm Tàu gõ cửa phía sau mua đồ ăn. Học xong khóa đó, tôi tạm thời làm việc toàn thời gian, để có thì giờ thêm với má. Tôi bỏ hầu bàn, nhảy sang công việc tám tiếng ở một hãng giặt quần áo ở Highlands. Bà gọi tới sở nói khơi khơi:

- Bé, má đi đây.

- Má gọi cho con biết, má đi ra khỏi nhà?

- Không, má đi, đi như ông ngoại bà ngoại đã ra đi, như ba mày bỏ tao, bỏ mày.

- Trời, má nói gì, má nghe con đây, má đã làm gì rồi?

Bà nói bà mới uống hết cả chai aspirin, bây giờ thì bà buồn ngủ lắm, đang lúc này mắt sụp xuống chỉ muốn đánh một giấc thôi. Tôi hỏi đi hỏi lại nhưng bà nói rất mơ hồ, không rõ đã uống mấy viên, thường thì bà ít uống thuốc, ngay cả khi bệnh, cho nên khi bà nói cả chai, tôi nghi bà nói đúng.

- Má đừng đi đâu hết, con về đây, đừng làm gì cả .

 

Khi tôi về nhà, bà đang ngồi trên ghế bành dài, hai chân để cả lên ghế, tivi đang rộn ràng một chương trình đố vui có thưởng. Bà bận cái áo hoa ren trắng, đem từ Việt Nam qua, lâu lắm tôi không thấy bà bận đến. Miệng bà dính nước giải, và có dấu vết trên áo là bà đã mửa.

- Bé, bà kêu lên như rất đỗi ngạc nhiên thấy tôi về giữa ngày.

- Má uống mấy viên? Tôi hỏi khi thấy chai thuốc nằm trên bàn.

- Chỉ vài viên thôi, má thò tay móc nó ra, và má nôn mửa ra hết.

Bà cười cười như thể mới nghe xong chuyện mấy bà lối xóm hồi còn ở Việt Nam đánh ghen. Lâu quá tôi không thấy bà cười kiểu này.

Tôi vào nhà trong lấy khăn lau mặt, nhúng nước ấm, lau mặt cho bà. Má đưa mắt nhìn tôi, cặp mắt sáng long lanh, có hồn trở lại.

- Con uống trà không, con ăn gì không má làm.

- Con phải đi làm lại đây má, không thì không có tiền trả tiền nhà, tiền gởi về cho Ngoại, cho ba.

- Ba mày đi rồi.

- Má ơi, con nói với má mấy lần, làm sao mà biết được, ba sống dai lắm, thầy bói nói mà má cũng tin, mà thầy bói này là dì Năm, có phải thầy bói chuyên nghiệp đâu.

Má tôi cãi:

- Từ ngày cậu Tư, anh dì Năm, chết mặt trận mùa hè đỏ lửa đó con, dì Năm có người phò trợ nên Dì nói linh lắm.

- Má, chừng nào Ngoại gởi thơ báo thì chừng đó má hẳng tin, chứ ba cái giấc mơ và lời dì Năm, má tin chi cho buồn đời.

- Nè, công việc sao con, sao con bỏ họ?

Tôi cố tình quên nửa phần câu hỏi:

- Thì cũng thường thôi má, giặt hàng tá bao đồ đạc, có máy hết, phải chia nó ra từng đống, mấy bao cũng khá nặng.

Bà cười, gật gật đầu như đang nhâm nhi ly chè táo xọn mà bà vẫn hay làm cho tôi ăn. Tóc bà dài quá, tôi mới để ý, lâu nay hình như bà không đi tiệm cắt tóc, vài sợi bạc lấm tấm làm bà già hơn ở số tuổi năm mươi mấy.

Công ăn việc làm của tôi là bỏ mấy cái khăn bàn từ nhà hàng và khăn trải giường ở nhà thương vào máy giặt, đẩy từ cái thùng trong đó có một đống bao rớt từ trần nhà xuống. Sau tám tiếng, cái tạp dề của tôi ướt đẫm, hai bàn tay tôi sũng nước từ cái máy sấy khổng lồ chạy suốt ngày. Sau khi ra khỏi hãng, tôi có cảm giác như mới đi bơi xong. Tiếng động xe hơi trên đường phố nghe như âm thanh dưới hồ nước.

Trước khi đi tôi dặn bà:

- Má à, con nói với ông boss rồi, tối nay con về sớm, má đừng nấu gì hết, con ghé tiệm Tàu mua cháo cho má, mua mì xào, gà hấp muối má vẫn thích nghe má.

Bà đưa mắt nhìn tôi, cũng ráng chữa: Gà hấp muối là ba mày thích.

Đi vài bước tôi quay lại lập lại lời hứa, mà tôi không biết bao giờ mình mới có can đảm thực hiện: Con ráng làm một thời gian rồi đi học lại, má đừng lo, ba ở bển bình an, rồi người ta sẽ cho ba ra, má à.

Tối đó tôi về, bà đã đi ngủ sớm hơn mọi ngày, trong giường đàng hoàng. Nhìn bà tôi cảm thấy hối hận là đã buột miệng hứa, cả hai ước mơ không biết có ngày nào thành sự thật.

 

Hình như ông khách Tàu có cái gì đó trong răng. Ông dùng ngón tay trỏ, loay hoay móc nó ra, không được lại đổi sang ngón út, chắc móng ngón út nhọn hơn. Trước khi chịu thua, ông đưa cái lưỡi chà hàm răng trên rồi hàm răng dưới, xong đưa mắt nhìn ra ngoài đường. Xa lộ bắt đầu đông, chiếc radio truyền tin lại kêu tít tít, giọng Jennifer vang lên cho biết có khách ở Sherman Oaks đang cần phải đón lúc 8 giờ 30.

Tôi vói tay lấy cái ống truyền tin:

- 22 nhận đón khách.

- Tốt, Jennifer trả lời, địa chỉ là phòng thâu âm đó cưng, có thể hôm nay ngày may mắn của cưng, dám nhạc sĩ Rock lắm đó.

- À, nếu là nhạc sĩ Rock thì em ráng không cho chàng tè vào thùng đá.

 

Tôi cho xe vọt lên thật nhanh, băng qua hai hàng xe của đường xa lộ, bắt ngay lối xuống đường Sunset, nhủ thầm: phải bắt đường Sepulveda, tiết kiệm được mười phút, mới tới chỗ hẹn đúng giờ đón khách. Hai vợ chồng Tàu băng sau dường như không biết lộ trình đã bị đổi, nên tôi chẳng buồn giải thích. Đường Sepulveda trũng xuống theo con dốc, tôi nghiêng tay lái theo đường cong vòng dưới cầu xa lộ làm hai ông bà khách cũng cùng nghiêng theo chiều quay của chiếc xe. Không biết ông bà khách có chóng mặt không, nhưng không thấy họ ngã, chắc là không sao. Băng sau của xe limo rộng bằng nửa căn phòng tỵ nạn đầu tiên của hai mẹ con tôi, lúc đó anh Ba vẫn còn ở chung với đám bạn trai ở nhà trọ khác. Chắc anh còn cũng muốn níu kéo thời sinh viên càng lâu càng tốt, chưa muốn về với mẹ và em gái mới từ đảo tới, FOB, người ta gọi chúng tôi vậy, cũng là di dân cả, nhưng lúc đó mẹ con thuộc thành phần mới, ngu ngờ, ngây ngô.

 

Đèn vàng, đèn đỏ chớp chớp loạn xà ngầu đưa tôi về với thực tại. Tôi nhìn lên, thấy chiếc xe cứu thương có gắn đèn đỏ trên đỉnh đang chớp loạn. Mấy chiếc xe trên lộ từ từ đi chậm lại và rồi ngưng hẳn.

Ông khách Tàu ngồi xổm ra phía trước để trông rõ đường phố bên ngoài qua kiếng xe phía trước.

- Chắc có tai nạn xe gì đây, mình bị hơi kẹt một tí. Tôi giải thích.

Ông Tàu ngồi lại vị trí cũ, rồi xổ một tràng tiếng Tàu với vợ. Bà lục ví, lôi ra một thỏi son và tô một đường trên đôi môi, không có gương mà không trệt ra ngoài, môi thắm đỏ đẹp, bóng láng. Bà đóng ví, kêu cái cách, rồi nhìn mông lung ra ngoài cửa kiếng bên hông, không có ý kiến chi với ông chồng.

Mười phút trôi qua, chúng tôi vẫn ở vị trí cũ, hai bên hông xe bây giờ đã có hai hàng xe chật cứng, không còn chỗ trống, bên kia đường là một cái rãnh lớn. Trên đầu chúng tôi, máy bay trực thăng thông-tin đang quay bánh ồn ào. Tôi vói tay lấy ống truyền tin.

- 22 đây, báo cáo với tổng đài.

- Đây, tôi nghe đây, giọng khàn khàn của Jennifer bên đầu giây.

- Kẹt xe rồi, không thể đón khách Sherman Oaks được đâu, chị gọi người khác đi.

- Đừng lo cưng, không phải ca sĩ rock, Captain and Tennille đó mà.

- Ai vậy?

- Trời, không biết hả, cưng này, làm cho tui thấy mình già quá thể!

Tôi nghĩ Captain & Tennille hay siêu sao ca sĩ rock đương thời tôi cũng mù tịt, trừ mấy cái tên rất lớn như Madonna, Michael Jackson, có hình trên các tờ lá cải nổi tiếng, mà đứng nơi quầy chợ tôi thường đọc lóm. Tôi là con nhỏ tỵ nạn rất mới, còn phải lo cầy bừa, trả nợ cơm áo, hàng ngày điệp khúc may mắn được lập đi lập lại, nhắc nhở đến bổn phận đối với người thân còn kẹt bên quê nhà.

- Chị à, nếu có mấy cái cuốc xe gần gần thì nhớ để dành cho em, em lấy lại tiền tip.

- Được mà chị nhớ tới cưng.

Tắt máy, tôi nhìn giao thông đang chầm chậm kéo theo một hàng xe, bên kia lộ thì chạy ngon lành. Giao thông là vậy, khi chạy boong boong, khi thì đứng lại hàng giờ, cuộc đời tôi như cuốc xe limo, chỉ là vấn đề hên rủi thôi.

 

Tôi nhớ mùa đông đầu tiên ở Illinois, anh Ba dẫn hai mẹ con tới tiệm bán đồ rẻ tiền mua áo lạnh, tôi lượm được cái áo jacket màu hồng và đôi giầy ống rộng, tôi hãnh diện đợi tuyết rơi đặng mang bốt, nhưng tại cái tỉnh nằm tận phía Nam này, tuyết chỉ rơi đôi lần trong năm, trừ khi có bão bất ngờ. Năm cuối cùng chúng tôi ở Illinois, tháng tư bỗng lạnh cóng, lần đó đi làm về má tôi thả mình xuống ghế và quyết định dời đô. Thành phố đầu tiên ở Mỹ, nhỏ nhưng may mắn có đại học tiểu bang nằm đó với khoảng 20,000 sinh viên. Tôi tưởng mình sẽ theo chân anh Ba lấy mảnh bằng cử nhân tại thành phố buồn hiu, Ban Mê Thuộc, má gọi vậy, nhưng một độ hè má lại gọi là quê ngoại Vĩnh Long. Mùa hè năm đó anh Ba chở má con tôi, đi cùng có mấy anh sinh viên bạn, lái xe cỡ hai mươi phút, đi ngang qua mấy cánh đồng bắp mênh mông, rẽ vào mấy con đường làng hun hút, thỉnh thoảng có một căn nhà ló lên, rồi dừng lại ven sông và mọi người xuống câu cá. Anh Ba nói: Má này, bên này sông có nhiều cá giống ở quê ông bà ngoại. Má tôi gật gù, nói: không ngờ qua Mỹ mà mình lại được về quê. Quê của má là nơi có nhà của ông bà ngoại của má, nghĩa là tôi gọi bằng Cố lận. Hai ông bà thân sinh ra má lên Saigon đi học và sinh sống luôn trên đó. Trước năm 75, thỉnh thoảng tôi được về quê mà chúng tôi theo má cứ gọi là quê ngoại. Sang đất Mỹ, Má đặt tên Việt lại cho tất cả những nơi bà biết, bà đã đi qua hay có người quen nơi đó. Bà gọi Denver là Đà Lạt, nơi có anh Khiêm, con bác Ba sống, và khi dọn tới đây, tỉnh Highlands thì má gọi là Dakao. Bây giờ má gọi Bolsa là Saigon, Long Beach là Bến Bạch Đằng, Huntington Beach là Nha Trang.

 

Hai mươi phút trôi qua, giao thông vẫn chẳng khá gì hơn. Tôi quay đầu lại trấn an hai người khách băng sau.

"Tiền cước xe là giá nhất định, ông bà chớ có lo, không như taxi đâu!" Cả hai lại nhoẻn miệng cười như không hiểu tôi nói gì. Mười phút sau nữa thì hai ông bà khách băng sau bắt đầu bàn tán xôn xao chuyện gì đó, mà hình như họ bất đồng ý kiến với nhau, người này nói một đường, người kia một nẻo. Tôi đoán vậy qua giọng nói lên xuống, bà thì hơi ré, ông thì loảng xoảng. Hai, ba lần bà chỉ tay về phía vali. Bỗng nhiên tôi nhìn thấy một ông cảnh sát cách xe chúng tôi cỡ hai mét. Ông đang chỉ đường cho xe từ từ đi lên.

- Kìa, tôi chỉ tay phía trước, cảnh sát đang chỉ đường cho mình kìa. Tôi nói từng tiếng một, hy vọng họ hiểu vài tiếng.

Ông Tàu cổ họng như có đọng đờm, lùng bùng vài tiếng gì đó rồi im bặt. Khi xe trờ tới gần người cảnh sát, tôi kéo cửa kiếng xuống, gọi ông lại. Ông cọp tới xe tôi.

- Chuyện gì vậy, thưa ông?

- Tai nạn, ông cọp trả lời. Ông này đứng tuổi, mặt ngắn, mũi hơi bị nghiêng về một phía, bụng hơi phệ một chút, dáng lớn thông thường của mấy ông cảnh sát.

- Xảy ra hai tiếng trước đây rồi.

- Ồ, tôi nói, đồng thời suy ra rằng, nếu chỉ là tai nạn đụng nhau bên hông hoặc hôn đít sơ sơ, không thể nào mất hai tiếng làm xe cộ ứ đọng như vậy được.

- Có ai chết không?

Ông cọp gật đầu: "Con nít." Giọng ông hơi trầm xuống, có âm hưởng buồn. Ông nhìn thẳng vào mặt tôi, và như quen thói mắng con cái: "Này, lái xe cẩn thận nhen". Tôi đáp: "Đường xá LA thì chẳng lái nhanh được." Ông nói như xin lỗi: "Trông cô trẻ quá, bằng tuổi con gái tôi thôi, tôi hay quen thói dặn nó". Tôi nheo mắt: "Tôi coi vậy mà già hơn con gái ông đó! "

Có lẽ ông nhận ra tôi là tài xế xe limo, nên gật gù, biểu đồng tình: "Đúng, người Á Đông thường coi trẻ hơn tuổi", rồi ông đưa mắt ra băng sau, nhìn hai ông bà Tàu đang ngồi im rơ. Ông cọp nhìn về phía hai người rồi hỏi tôi: "Từ phi trường tới?"

- Không nói được tiếng Anh, tôi trả lời.

- Chào mừng quý vị đến L.A, ông Cọp theo thói quen lên tiếng chào ông bà khách. Bỗng nhiên tôi nghe một tiếng cứ như là một giọng rên rỉ, từ đàng sau xe. Tôi nhìn vào cửa kính chiếu hậu, không biết ông Tàu hay bà Tàu buồn nôn dzậy?

- Có ai bị sao không vậy ông bà?

Ông Tàu nhìn lên, mặt mày bỗng tươi ra, như có ai giựt giây ông.

- Okay, ai cũng okay cả, không sao cả. Giọng ông cùng âm hưởng mấy ông phố Tàu ở LA, nhưng nghe rõ.

- Ông nói được tiếng Anh à, tôi hỏi, nửa ngạc nhiên nửa bực mình, có chút cảm giác bị lừa, may quá chưa có chuyện gì xảy ra để mà rủa ông ta bằng tiếng Anh, làm mất tiền tip.

Ông cọp thò mặt vào xe, để nhìn cho rõ cặp vợ chồng Tàu.

- Đang có một tai nạn xe hơi nặng lắm, xe đụng chết người.

Ông cọp dùng hai tay đập vào nhau cái đốp, có vẻ hài lòng vừa tìm cách giải thích được cho khách lạ chuyện xảy ra bằng chân tay.

- Đúng thế. Ông Tàu gật gật đầu như hiểu thông suốt mọi chuyện. Tôi bỗng thấy tội nghiệp hai ông bà, thông cảm họ, không biết họ có hiểu rõ không, hay nói tiếng Anh chữ được chữ không như má con tôi mấy năm mới tới đất này.

Vài phút sau đó thì tôi lại nghe tiếng động nữa, lần này hình như là từ cái vali phát ra. Hai vợ chồng bắt đầu cãi nhau nữa.

- Trời đất, tôi la lên, chuyện gì xảy ra vậy?

Bà Tàu rên một tiếng, như vừa mới bị đâm, và ông chồng lại lên giọng la bà vợ. Chiếc xe đàng trước tôi bỗng nhích lên một tí. Qua kính chiếu hậu, tôi thấy ông cọp quay vòng lại, và chạy về phía có tai nạn xe.

- Rồi, chúng ta bắt đầu đi đây, miệng nói, chân tôi đạp ga, nhưng đồng thời ông Tàu mở toang cửa xe.

- Đóng cửa lại đi ông, chúng ta đi được rồi. Tôi hoảng hồn la lên.

Nhưng ông Tàu đã đứng ra ngoài lề, tay ông làm hiệu cho bà đưa vali cho ông. Bà chưa kịp làm thì ông với tay giựt cái vali khỏi tay bà. Bà liền theo ra, cái váy cuộn cả lên bắp đùi. Trong lúc đó thì chiếc xe trước tôi đã chạy được một khoảng cách, mấy chiếc xe đàng sau xe tôi bắt đầu bấm còi inh ỏi. "Mấy người này điên hay sao?", tôi la to về phía hai ông bà Tàu. "Leo lên xe ngay lập tức!" Tôi hét bừa thật to.

Mấy phút trôi qua, thiên hạ đã đợi từ nãy giờ nên bắt đầu nóng lắm, hầu như tất cả các chiếc xe đều bấm còi inh ỏi về phía xe tôi. Một chiếc xe cảnh sát khác đi ngược phía xe tôi, chớp đèn loạn lên. "Xe limo, chạy đi", tiếng loa từ xe cảnh sát ra lệnh. "Xe limo, chạy ngay". Xe cảnh sát vừa chạy qua thì ông Tàu thảy cái vali lại vào xe, đóng cửa cái rầm và bỏ chạy, bà cũng chạy theo. Hai người vụng về len lỏi dưới cái đê xa lộ, rồi biến mất dưới cái cầu bắt lên xa lộ.

Tôi đành nhấn ga cho xe chạy, một tay bật máy, rồi với lấy ống nói của máy radio.

- Trời đất quỷ thần, Jennifer ơi, hai ông bà này bỏ đi nè.

- Ai mà bỏ đi, mấy thằng bồ của em à. Jennifer đùa vô duyên.

- Cuốc xe của em chứ ai, má nó, hai ông bà Tàu nè, mới bỏ xe chạy nè.

- Họ trả tiền chưa?

- Không, chả có xu nào. Tiên sư nó. Tôi hét lên, sực nhớ ra, theo lệ của hãng, nếu tài xế không lấy được tiền cuốc xe thì phải bỏ tiền túi ra trả.

Một tiếng động lại vang từ chiếc vali. Lần này thì to hơn, như tiếng con mèo rên rỉ.

- Có cái gì trong vali của họ đó, Jennifer à.

Nhưng qua máy tôi nghe tiếng Jennifer đang bận rộn gọi cho cuốc xe tới đón khách ở Malibu, coi bộ cuốc xe khẳm tiền vì tiếng hai tài xế đang tranh nhau để đón khách.

Tới ngã tư đèn đỏ, tôi quay đầu nhìn ra băng sau, chiếc vali nằm chình ình trên băng xe. Tôi rướn người, vói tay đụng vào nó. Không tiếng động. Okay, chả sao, chắc cái gì đó hết pin thôi. Nhưng bỗng nhiên tôi nghe một tiếng kêu như mèo thoát ra từ vali.

Tôi bèn quẹo phải thật gắt ngay góc đường Sepulveda, băng qua xa lộ, và bắt đầu leo lên con dốc của đồi Mulholland. Thấy một khoảng trống, nơi dành cho xe đỗ lại nhìn quang cảnh bên dưới, tôi đậu vội xe vào gần vách đá, kéo thắng tay, bật đèn khẩn cấp lên. Vẫn để máy chạy, tôi bước ra khỏi ghế ngồi, mở cửa băng sau, lôi cái vali ra, cẩn thận đặt nó xuống mặt đất. Đây là một chiếc vali da, lớn hơn loại cầm tay một cỡ, kiểu cũ, tôi phải dùng hai tay nhấn mạn cái khóa thiếc, làm nó kêu một tiếng cách nhưng nắp chưa bật lên. Không hiểu sao tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực, phải mất một lúc tôi mới dám đưa tay mở khóa lần nữa, nhưng vẫn chưa dám mở nắp vali lên, mà nhảy vội vào xe, đóng cửa lại. Một lúc tôi len lén nhìn ra ngoài, chẳng thấy động tĩnh gì hết, cái vali không tự động bật lên. Cái gì trong đó không động đậy tí nào. Tôi đành tắt máy, leo ra khỏi xe. Tôi tìm thấy được một cành cây và dùng nó để bẩy cái nắp lên. Nắp vali mở toang, tôi nghe tiếng ai hét, tiếng Mỹ lẫn với tiếng Việt: Trời đất ơi, trời đất ơi, oh my God, oh my God. Một lúc tôi hoàn hồn, hóa ra chỉ có tiếng tôi la làng, không có ai chung quanh. Tôi nhìn xuống vali. Trong đó là một đứa bé.

Đứa bé nhỏ xíu, khoảng một, hai tháng tuổi là cùng. Nó nằm trên một cái mềm màu vàng, ướt đẫm, từ nó phát ra tiếng động, tôi không hiểu là tiếng thở hay tiếng rên. Có một ống thở nhỏ nằm cạnh đó, chắc mới bị nó hất ra hay sao, dây nhợ tòng teng gần mũi, miệng nó. Một mùi thối nồng hất lên mũi tôi, lúc này tôi mới để ý thấy chân đứa bé dính phân màu vàng sậm. Tôi nhảy vội tới gốc cây gần đó và mửa tháo ra. Sau khi lấy lại bình tĩnh, tôi lôi trong hòm xe ra cái áo khoác tôi vẫn giữ trong đó phòng trời lạnh vào buổi tối, và đi trở lại cái vali. Đứa bé ngước mắt nhìn tôi, hai cặp mắt nó màu đen, buồn bã. Có lẽ nó nghĩ tôi là con khủng long. Tôi tháo cái mặt nạ ra khỏi cái đầu ướt nhẹp của nó, nhấc nó lên để trên cái áo jacket. Đứa bé nhẹ hều, chắc nặng cỡ con gà thôi, chân tay nó nhỏ tị tẹo. Tôi vụng về bế nó, chỉ sợ nó tuột nên cẩn thận đưa lên tận ngực tôi.

Loay hoay một lúc, tôi cũng bỏ nó vào jacket, lần này thì tôi dạn hơn đưa nó ra xa một chút để nhìn cho rõ. Đứa bé còn tỉnh, cặp mắt nó nhìn tôi buồn bã, mắt nó nheo lại, như bị chói bởi ánh mặt trời, rồi như không còn sức nữa, từ từ nhắm mắt lại. Tôi có cảm giác nhói đau nơi tim, cả người run lên. Cái cảm giác hụt hẫng, biết chuyện chẳng lành xảy ra, trước khi trí óc lý luận ra sự việc: Chết cha rồi, đứa nhỏ chết rồi. Tôi nghe mình than câu trên rõ to! Tôi ôm đứa bé vô lòng, mùi hôi của nó làm tôi muốn nghẹt thở, nước mắt tôi lăn xuống má nó, nhưng đồng thời tôi cảm được hơi thở mỏng manh của nó. Nó chưa chết nhưng hơi thở thật yếu ớt, bỗng nhiên tôi chợt tỉnh. Tôi vội vàng đặt đứa bé lên ghế cạnh tài xế, cột giây an toàn lại, mở máy xe và phóng xuống đồi.

 

Tại phòng cấp cứu ở một bệnh viện gần đấy, các bác sĩ, y tá nhìn tôi như chó ghẻ. Họ ôm lấy đứa bé, và biến mất sau mấy tấm màn nhựa màu xanh lá cây. Bà y tá nhìn chăm chăm vào tôi như bà giáo già đang nghĩ cách phạt học trò hư. Chắc họ nghĩ tôi là người làm việc tồi bại này đối với đứa nhỏ. Tôi nhìn chung quanh phòng cấp cứu đang đầy những người ngồi mệt nhọc chờ đợi. Có cả một người đàn ông, tay băng bó bằng một cái khăn lông nhuộm đầy máu. Tôi đang loay hoay tính đặt đít xuống cái ghế đâu đó trong phòng, thì có người tới nói nhỏ vào tai bà y tá, và bà tới nói với tôi hãy đi theo hai ông an-ninh cao lớn hơn tôi một cái đầu vào phòng tạm giam để nói chuyện.

Phòng tạm giam nhỏ như cái tủ quần áo, vừa đủ cho một bàn sắt, hai ba cái ghế nhựa giống y như trong phòng chờ đợi. Tôi vặn thử ống cửa thì cửa khóa, chỉ có thể mở ra từ phía ngoài. Gió nhẹ đưa từ cánh quạt trần làm tôi chỉ muốn tựa đầu đánh một giấc để quên hết mọi chuyện, nhưng tôi không dằn lòng được, lỡ có ai bước vô thình lình. Có hai tờ nguyệt san, đều là về thể thao thể dục, cứ như là khuyên người bị giam nên tập cho người rắn chắc, sẵn sàng đối phó với các tay anh chị trong tù. Tôi chọn một tờ báo, đọc cho qua thì giờ. Cỡ nửa tiếng sau thì một chị cảnh sát bước vào, chị này còn trẻ, trên dưới ba mươi, có vẻ lưu tâm tới bề ngoài, tóc vàng, cột lại cẩn thận bằng sợi thun đen, có cái kẹp hoa dằn lên, mặt dồi phấn, môi tô son, mắt viền nâu, mí mắt bôi màu xanh nhạt, tạo cho chị nét dịu dàng trong bộ đồng phục. Chị hỏi tôi mấy câu về thân thế, tên tuổi, sống ở đâu, làm nghề gì, cuối cùng là làm sao tôi có đứa bé.

Tôi phân trần ngay: Không phải con tôi đâu nhen!

- Chúng tôi có thể khám cô.

- Vâng, khám đi, tôi chưa biết mùi đàn ông.

Chị nhìn thẳng vào mặt tôi, tôi cũng lì, chịu đựng cái nhìn của chị

- Đứa bé ở đâu ra?

Tôi kể câu chuyện mới xảy ra. Chị gật gù nhưng coi bộ không mấy tin tôi. Tôi bảo có nhân chứng là ông cọp buổi sáng nay và cái vali tôi vứt lại ở đồi, chị hỏi tôi tên ông ta, tôi nói không biết, tôi cho thêm chi tiết về tai nạn xe khúc Sepulveda. Chị im lặng ghi xuống sổ. Tôi nhắc đến cái vali tôi vứt lại ở đồi, chị cẩn thận ghi xuống góc đường. Sực nhớ, tôi thò tay lấy ra địa chỉ sáng nay ông khách Tàu đưa cho tôi trao cho chị. Chị cầm mảnh giấy đi ra, nói sẽ trở lại.

Cỡ nửa tiếng sau thì chị cọp trở lại với một ông bận bộ vét xám, tay có cầm cái vali của cặp vợ chồng Tàu. Ông ta đặt trên bàn và rút ra trong túi một quyển sổ nhỏ.

Ông ta tự giới thiệu mình từ sở Di Trú.

- Đây có phải cái vali mà cô đã lượm được?

- Dạ phải

- Cô có chắc không.

Tôi bỗng hiểu cảm giác của má tôi mỗi lần được công an phường gọi lên làm việc, không hiểu nếu mình trả lời sai, người ta có còng tay mình ngay không.

- Trong đó phải có một cái bình dưỡng khí nữa, cho đứa nhỏ đó thôi, thật sự thì tôi không biết con trai hay con gái nữa.

Không một câu trả lời. Ông ta đưa mắt nhìn chị cọp, chị rút ra trong túi một đôi găng tay mới toanh, mang vào và mở vali, chị mở dễ dàng hơn tôi. Một mùi thối xông lên, cái mềm dơ và cái ống dưỡng khí vẫn còn đó, trông lạnh rợn mình. Tôi nghe tiếng ai khóc, tôi có cảm giác là tiếng khóc của đứa bé trở về ám ảnh tôi, nhưng định thần lại tôi mới biết đó là tiếng khóc của chị cảnh sát, một tay chị đưa lên che miệng và chị đang khóc.

Tôi đi ra khỏi phòng cấp cứu, ngang qua một chiếc xe cứu thương đang trờ tới, hai người y tá đang đẩy băng ca đi như chạy. Đây là thành phố đông xe, đông người, nhiều tai nạn, nhưng mỗi mạng người đều quý, người ta tìm đủ mọi cách để cứu bất kỳ ai, nhưng tiếc thay người ta không cứu được đứa bé gái sáng nay. Vâng, người ta mới cho tôi biết đứa nhỏ là một bé gái. Ông bận đồ vét bảo là có thể đứa bé được đem sang đây để bán, hay đã có người đặt mua nó rồi, giờ chỉ đợi nhận hàng thôi. Đứa nhỏ mất rồi, nó đã trút hơi thở cuối cùng trong thành phố Thiên Thần, chắc má nó mong nó có chút tương lai nên đã "gởi gấm" nó qua đây, nhưng nó đã đến vào ngày không được đẹp, một ngày mây phủ, một ngày không phải là ngày hên của nó.

 

Tôi lái xe tới hãng, thả xe đó, không thưa trình gì cả. Tôi ngủ tối ngày, má tôi bắt điện thoại trả lời là tôi cảm. Tới hôm thứ ba, tôi gọi vào cho biết mình nghỉ làm, hãng gởi tôi phiếu lương cuối cùng, có trừ tiền cuốc xe, nhưng tôi lại được một phong bì khác trong đó có mấy trăm đô tiền mặt, cùng chữ ký của những người thân sơ, cả những người tôi không hề biết mặt. Jennifer viết cho tôi vài dòng nói bạn đồng nghiệp góp làm quà tiễn tôi, cuối thơ chị vẽ hình con chim đội cái mũ nghiêng và mấy chữ màu xanh biển "Hãy Giữ Niềm Hy Vọng".

 

Má tôi không hỏi lý do tôi nghỉ việc. Ngày nào tôi cũng ngủ tới trưa, dậy ăn cơm má tôi nấu, canh cá bông lau, thịt kho nước dừa, canh dưa zucchini... không hiểu bà đi mua lúc nào. Chiều hai má con tôi lái xe xuống Vũng Tàu, Santa Monica ngắm cảnh, ngồi xem thiên hạ qua lại sắm đồ. Mỗi ngày chúng tôi thử một món ăn Mỹ, tôm hay mư5c tẩm bột chiên, hot dog, pizza. Tối chúng tôi ra pier xem người ta câu cá. Tôi hỏi má tại sao gọi nơi đây là Vũng Tàu. Má nói: Ngày trước làm gì được đi nghỉ mát xa xôi, chỉ một lần má lên Đà Lạt với ba tuần trăng mật khi mới lấy nhau, còn lâu lâu ba về phép mà rảnh lắm mới đem nhau ra Vũng Tàu vài ngày gọi là nghỉ mát đó con. Chắc má nghĩ má con tôi cũng đang cần nghỉ mát. Bà không hề dục tôi đi làm. Khoảng hai tuần sau đó, tôi cho má tôi biết tôi sẽ ghi danh đi học tiếp chương trình đại học. Má ôm choàng tôi, nói Bé của má ngoan quá. Tôi phì cười để ngăn dòng nước mắt chực rơi. Tôi biết nếu mình khóc thì chắc sẽ vỡ òa ra, ngăn không nổi. Tôi không ngại mình khóc mà ngại thấy má tôi khóc. Mắt má sáng long lanh, màu nâu nâu, lần đầu tiên tôi nhận thấy mắt má màu nâu chớ không phải màu đen như tôi tưởng. Mình về quận Cam đi con (lúc đó má tôi chưa gọi là Sài Gòn), dưới đó nhà cửa rẻ hơn, má đi làm lại, dì Mai nói đã có việc cho má rồi, má theo dì đi làm hãng điện tử, dì sẽ thuê cho má căn hộ gần chợ Hòa Bình đó con. Dì nói sáng qua nhà dì đi xe cùng đi làm, chiều má ra chợ mua cá về kho, mua bí đao nấu canh, má con mình ăn. Con chỉ phụ má chút đỉnh là đủ, con làm part time thôi, khỏi có đi khuya về sớm. Má tính như vậy con thấy được không.

Tôi gật gù, không hỏi má tôi dì Mai là ai, má liên lạc hồi nào. Dì Mai hay dì Năm chắc là thiên thần, xuất hiện đúng lúc. Đứa bé gái đó, hành khách cuối cùng của tôi, đã bay tới tận nơi xa, nơi không cần thiên thần, nên nó đã dành cho tôi thiên thần của nó.

Trần Viết Minh Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 86402)
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời. Thời xưa Cao Biền đã nhiều lần cỡi diều bay tới, tay cầm quạt giấy phất bằng lụa bạch, nan cánh quạt đúc bằng vàng khối tinh ròng, toan tính yểm đất.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 29404)
...Làn da của Khánh dưới lớp áo kimono ngăm một cách chậm rãi, sẫm dần theo bóng râm hắt vào phòng. Giống chúng muốn biến mất sau khi tôi vừa nhìn ngắm. Giống chúng đã khô đi ở lớp vỏ ngoài dù vẫn hô hấp bằng hơi thở trẻ thơ. Tôi biết thiếu nữ vẫn còn là một đứa trẻ dù đã làm đàn bà. Làn da của nàng duy nhất. ‘‘Làn da của tôi bảo tồn từ sau 75.’’ ‘‘Làn da của tôi thay đổi rất nhiều từ ngày ấy.’’
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 31539)
Nếu tôi nhớ không nhầm thì tôi đã gặp ông lão ở đây. Đúng chỗ cái bến sông này. Có điều ngày đó, ở đây chưa có cây cầu bắc qua sông. Sở dĩ tôi dám chắc như vậy vì hôm đó lúc bị muộn đò, tôi cứ đứng nhìn chân chân sang cái cây cao vút đen thẫm chơ vơ bên kia bờ.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 30442)
Căn hộ tầng mười bốn. Ở giữa lưng chừng trời. Thành phố bàng bạc xám bên dưới còn chưa thức giấc. Và hình như cũng chưa hề hay biết về một cơn bão đã mon men đến rất gần. Nàng ngồi thu mình trong thứ ánh sáng lờ lợ rạng đông. Không hẳn là bóng đêm nhưng cũng chưa thể gọi là bình minh.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 31612)
Phú chạy dọc bờ biển Nha Trang ngăn đôi bãi cát với một dẫy những khách sạn cao tầng. Chiều xuống. Nắng còn gắt lóa trên mặt biển phía xa sau dẫy cây bàng rậm lá. Từ khách sạn Hải Yến đi ra có hai người bận đồ tắm, một đứa bé con giắt tay một ông già đi về hướng biển.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 29041)
- Mấy anh à, kiểu thơ hiện đại này như virút gây bệnh dị ứng thơ, đọc xong hổng còn biết thơ bây giờ là chi ráo trọi. Bây giờ tui mới hiểu tại sao báo chợ miễn phí chuyên sài thơ lục bát vần vè zui zui… Thôi, dẹp cái chuyện văn học cách tân này đi cho rồi!... Họ ríu rít như chim...trong văn chương Giao Chỉ quận Cam ở độ phải cách tân cho kịp trào lưu hậu hiện đại.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 35259)
...Nước ấm nhấp nhô ve vuốt ở bờ ngực, nơi mà không lâu trước đó nó cũng được vuốt ve bởi đôi bàn tay, bởi môi hôn cuồng nhiệt. Trò chơi chấm dứt trong rã rời, giờ này nó được đền bồi bằng một ngơi nghỉ thực thụ. Nó cần phải tẩy xóa, kỳ cọ đi dấu tích. Những lỗ chân lông sẽ giãn nở để da thịt thôi bám lấy mùi mồ hôi, thôi dính nhờn những tinh dịch vung vãi. Người đàn bà nhắm mắt...
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 34667)
LTS: Minh Hà tên thật là Nguyễn Thanh Phong sinh viên khoa sáng tác tại Hà Nội. Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu, bằng một lối hành văn gọn, mạnh và nhiều hình ảnh, anh đã dẫn câu chuyện rất lôi cuốn từ những dòng đầu tiên... Chúng tôi hân hạnh gới thiệu tác phẩm "Vực thẳm" của Minh Hà đến quí độc giả. TCHL
20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 31536)
Gần nhà Thiên An có một cái hồ nằm đối diện khu nghĩa trang mênh mông phía dưới chân đồi. Dân trong thành phố gọi đó là hồ dĩ vãng. Ít người tìm hiểu tại sao lại có tên như thế. Nhưng họ bảo nhau rằng nếu ai ngồi bên hồ vào lúc mặt nước bất chợt chuyển động xoáy tròn thì sẽ nhìn lại được quá khứ của mình. Vòng bờ hồ ngoằn ngèo tua tủa như răng cá sấu nhưng lại làm tăng vẻ huyền ảo kỳ diệu của mặt nước xanh biếc lá cây. Hình như mọi người có thói quen quay đầu nhìn lại sau lưng mặc dù đôi bàn chân phải bước về phía trước. Nên thành phố giàu hơn nơi khác nhờ du khách tò mò về hồ dĩ vãng. Họ đến đấy để hi vọng tìm lại được quá khứ đã ngủ yên.
20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 36694)
Người phụ nữ Nhật ngồi trên hai gót chân mình, bà cúi đầu thật sát vào hai bàn tay úp trên mặt chiếu, bà chào khách. Mười người khách ngồi chung quanh chiếu tatami , họ lễ phép cúi đầu chào lại, sau lưng họ những cánh cửa Shoji khép kín. Trong chiếc kimono cổ truyền, bà thong thả cử hành nghi thức pha trà.