- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thảm Họa Con Rồng Đen Vân Nam

23 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 36135)

w-pdf-hl95final3-final5pdf-100_0_119x300_1Gửi Nhóm Bạn Cửu Long

 

 

TỪ SÔNG TÙNG HOA TỚI CON SÔNG MEKONG

Sau biến cố 9/11, trên khắp nước Mỹ, từ bệnh viện đến các cơ quan, đều có những buổi "Thực Tập Cứu Nạn_ Disaster Drill" với các tình huống và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Sau đó là rút ưu khuyết điểm. Tuy ở một nước Mỹ giàu có, với rất nhiều phương tiện nhưng rõ ràng là "các cơ quan chức năng và dân chúng Mỹ chưa sẵn sàng để đương đầu với thảm họa ở mức độ rộng lớn."

Với các quốc gia trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong thì sao? Từ tháng 12/2006 khi Trung Quốc sử dụng sông Mekong để chở dầu khí, đã gây rất nhiều lo ngại cho các nhà hoạt động môi sinh.

Thế giới chưa thể nào quên Tấn Thảm Kịch Môi Sinh trên Sông Tùng Hoa/ Songhua dài ngót 2,000 km phía bắc Trung Quốc 11/2005 đã ảnh hưởng tức thời và lâu dài tới 2 quốc gia Trung Quốc và Nga, khi tấm thảm độc hóa chất đã tràn qua con sông Amur của Nga.

Sau đây là một "Kịch Bản/ Scenario"- chỉ mong không xảy ra, mô phỏng tấn thảm kịch môi sinh ấy nhưng với địa dư là con Sông Mekong:

"Ngày 29 tháng 12 năm 2008, một trong hai chiếc tàu chở dầu khởi hành từ Chiang Rai bắc Thái lên Vân Nam đụng phải ghềnh đá lâm nạn khiến 150 tấn dầu thô đổ tràn xuống khúc sông Lan Thương. Một thảm họa môi sinh cho sáu quốc gia ven sông và cách ứng xử của Trung Quốc trong hai tuần lễ: cũng là khoảng thời gian những mảng dầu Vân Nam xuống tới Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam."

 

GIẤC MƠ TRÊN DÒNG LAN THƯƠNG

Wu người Vân Nam, sinh ra và lớn lên với dòng sông Lan Thương, quen thuộc từng khúc sông như với đường chỉ tay của chính mình. Không biết lần thứ bao nhiêu lái tàu xuôi ngược trên sông, chưa một lần Wu phải dò tìm trên tấm bản đồ; cứ tới khúc sông nào, cảnh trí nào, như một phản xạ Wu biết phải cho mũi tàu hướng về phía tả hay hữu ngạn hoặc vẫn giữ con tàu theo giữa dòng để tránh đá ngầm.

Từ nhỏ, Wu đã theo cha đi ghe hàng và cứ thế mà lớn lên với sông nước. Mới đây ngày 29/12 /2006, Wu được tuyển chọn là tài công "tiên tiến" để lái một trong hai con tàu đầu tiên thử nghiệm chở 300 tấn dầu từ Bắc Thái lên Vân Nam. Cả hai con tàu dầu đã tới bến an toàn và là những cột tin trang nhất của báo chí Trung Quốc.

Phải qua bao nhiêu chuẩn bị để có được ngày vinh quang ấy. Trước đó, Wu và các bạn đã được gửi đi học lớp tập huấn của Phân Cục Giang Vận Lan Thương / Maritime Affairs Bureau of the Langcang River, về nhiệm vụ chính trị chiến lược của các đoàn tàu chở dầu từ Thái Lan lên Vân Nam.

Tới tuổi 28, Wu mới lập gia đình và tách khỏi ông bố. Vợ chồng cùng đi làm; người vợ trẻ có nhan sắc nên được nhận vào một chân bán hàng cho Trung Tâm Bách Hóa lớn nhất Cảnh Hồng. Còn Wu là tài công chính cũng là toán trưởng của những chuyến tàu dầu 150 tấn đi từ Chiang Rai lên giang cảng Cảnh Hồng, để từ đây từng đoàn xe tải của PetroChina tới ăn dầu rồi chuyển tới nhà máy lọc không xa bờ con sông Mekong.

Hai vợ chồng có một con gái, và sau mấy năm dành dụm, Wu đã mua được căn nhà hai phòng có TV và tủ lạnh trong một chung cư mới, điện thì không bao giờ thiếu từ ngày có con đập Mạn Loan. Tuy nhà mua trả góp, nhưng cũng chỉ bằng tiền thuê sau 20 năm, vợ chồng hoàn toàn sở hữu căn nhà ấy và đứa con gái cũng là đứa con độc nhất lên đại học. Nuôi giấc mộng ấy, vợ Wu chấp nhận cho chồng xa gia đình một tháng nhiều ngày sống trên sông nước.

...

Giờ 1+ Một ngày như mọi ngày, đêm nay là đêm thứ hai, từ Chiang Rai con tàu ngược dòng lên Vân Nam, vì chở khẳm nặng trĩu nên lòng tàu rất thấp đã bất ngờ va vào một ghềnh đá ngầm vào lúc nửa đêm khi mực nước sông đột ngột tụt thấp xuống.

Điều mà Wu ít biết là gần đây, mực nước sông Lan Thương lên xuống bất thường từ 1 tới 3 mét do hoạt động của các turbines khổng lồ trong các con đập.

Vì mắc cạn con tàu chỉ hơi nghiêng nhưng chắc không sao. Không thấy rõ trong ban đêm, nhưng Wu thoáng ngửi thấy mùi dầu bốc lên từ mặt sông. Như vậy bồn chứa dầu có thể bị rò rỉ. Chỉ mong lỗ rò thật nhỏ và mực nước sông lại dâng lên để con tàu thoát được khúc mắc cạn và tới bến. Mối lo của Wu càng tăng vì biết bồn chứa chỉ là loại "citerne" của những chiếc xe chở dầu không có phân khoang nên chỉ cần một lỗ hổng là có thể trắng tay và mất hết.

Wu tự trấn an rằng con tàu sẽ không hề hấn gì. Cùng lúc, Wu hiểu rất rõ rằng nếu con tàu gặp nạn có nghĩa là cả gia đình Wu gặp nạn với tương lai sẽ cuốn trôi theo dòng sông Lan Thương. Wu không chỉ bị sa thải mất việc, mà cả kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, đưa tới tù đày.

Chỉ trong thoáng chốc, mà Wu cho là xui xẻo không lẽ lại để mất tất cả: căn nhà mơ ước với vợ đẹp con khôn. Tương lai ấy không thể đánh mất và bản năng sinh tồn bảo Wu là bằng mọi giá phải tự khắc phục và phản ứng theo hoàn cảnh.

Giờ 2+ Hai giờ đồng hồ trôi qua. Wu và cả giang đoàn 4 người cùng có chung một tâm trạng, muốn dấu nhẹm sự việc và tin tưởng là khi con nước lên, đủ sức đưa con tàu ra khỏi chỗ mắc cạn, họ vẫn có thể về tới bến tuy với lượng dầu không còn nguyên vẹn.

Nhưng con nước không lên mà còn tụt xuống thấp hơn nữa, khiến con tàu nghiêng thêm về phía trái. Lại có thêm gió lớn, tiếng rệu rạo của những tảng đá sắc nghiến sâu vào lòng tàu sắt nghe rõ hơn. Mùi dầu loang bốc lên từ mặt sông nghe nồng nặc hơn. Qua ánh đèn dọi chiếu xuống từ phòng lái, các mảng dầu đen sánh nay đã loang rộng ra cả mặt sông và tràn lên một bãi cát gần đó mà ban ngày thì vốn trắng như thủy tinh bên hữu ngạn.

Giờ 4+ Hy vọng của Wu và cả giang đoàn thì cứ mong manh và cạn thêm dần. Sự kiện con tàu dầu lâm nạn là có thật. Bây giờ tất cả cố gắng làm sao cứu cho con tàu không bị nghiêng thêm nữa để khỏi bị lật.

Để lại người tài công phụ giữ lái, Wu và mấy đồng bạn, nhảy xuống nước đằm mình cả trong những váng dầu, kéo theo dây cáp cố gắng neo con tàu vào các ghềnh đá. Nhưng đó chỉ là những sợi chỉ mành.

Giờ 5+ Mực nước sông xuống thấp hơn nữa, gió cũng lớn hơn. Điều không tránh được đã xảy ra. Một tiếng đổ ầm, lớn như tiếng sấm. Con tàu dầu thật sự đã bị lật, theo chiều nghiêng về phía trái, cũng là phía Wu đang bám vào thân tàu. Đau thương là có thật. Trong bóng đêm, họ kêu gào nhau và tìm mọi cách để cứu Wu nhưng vô vọng.

Mất con chim đầu đàn, cả giang đoàn nháo nhác và thân xác thì như rũ liệt trong nhá nhem ló dạng của bình minh trên sông Lan Thương.

Cũng phải đến 40 phút sau, Trung Tâm Cứu Hộ mới được thông báo là có một tàu dầu bị lâm nạn, ở một khoảng cách phỏng chừng 60 km phía dưới cây cầu Cảnh Hồng.

 

QUYẾT TÂM CỦA PHÂN BỘ VẬN TẢI LAN THƯƠNG

6 giờ 30 sáng, giám đốc Chen, Phân Bộ Vận Tải Lan Thương còn vùi trong giấc ngủ nồng. Cũng do bữa tiệc rượu khoản đãi linh đình của PetroChina đêm qua. Điện thoại nhà, điện thoại tay reo liên hồi nhưng vẫn không đủ sức lay ông dậy. Phải có bà vợ vào đánh thức và đưa điện thoại cho ông.

Không biết tin gì đến từ đầu dây bên kia, chỉ thấy nét mặt ông biến sắc và miệng thì luôn hỏi "Sao? Sao?" Nhưng ngay sau đó, như được dội một gáo nước lạnh, ông tỉnh táo và mặt đanh ngay trở lại.

Thủ trưởng có bản lãnh hay không là lúc này. Mệnh lệnh đầu tiên của ông ban cho các thuộc cấp "là không được loan đi bất cứ một tin tức gì cho tới khi ông có mặt tại hiện trường." Ông có tiếp ngay một ý nghĩ "nếu tai nạn vỡ tàu dầu chỉ xảy ra trên một con sông hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, thì tính khẩn trương và cách ứng xử cứu hộ sẽ rất khác nhưng đây lại là một con sông quốc tế chảy qua 6 nước với hàng chục triệu cư dân ven sông phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước uống từ con sông Lan Thương và kẻ thù đế quốc sẽ không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào như họ đã từng làm trong năm 2005 khi xảy ra tấn thảm kịch môi sinh trên sông Tùng Hoa, tỉnh Cát Lâm, để bêu xấu Trung Quốc."

Từ ý nghĩ ấy, mọi ứng xử của ông cốt sao "bảo vệ cái thể diện" của nước lớn Trung Quốc và dĩ nhiên cả cái chức vụ của ông mà bao nhiêu đồng sự không ngừng ao ước. Và nhiệm vụ khó khăn trước mắt không phải sự vụ hành chánh mà là yêu cầu chánh trị của cả Đảng Ủy Vân Nam, ông Chen không thể phụ lòng tin cậy của họ.

 

MEKONG IN THE NEWS

Một lớp dầu đen láng trải dài 60 km như một con khủng long trồi lên trên mặt sông từ phía dưới con tàu đắm. Khối chất độc ấy sẽ tiếp tục trôi xuống hạ nguồn qua các thị trấn lớn nhỏ, các vùng thôn quê, qua hai thủ đô nước Lào và Cam Bốt trước khi đi vào hai con sông Tiền và Sông Hậu nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long nơi nào thì cư dân cũng phải sống nhờ vào nguồn nước của con sông này.

Sau tai nạn, Phân Bộ Vận Tải Lan Thương và chánh quyền Vân Nam muốn dấu nhẹm mọi tin tức hoặc nếu bị tiết lộ thì cũng chỉ có tối thiểu thông tin "trong mức kiểm duyệt cho phép". Phải cho dư luận tin rằng số dầu thô bị đổ xuống sông là không đáng kể và giới hữu trách Trung Quốc vẫn hy vọng rằng số 150 tấn dầu đổ xuống dòng sông chảy và nước ấm, sẽ rất nhanh tự khuếch tán, tan loãng và phần lớn sẽ táp vào bờ bãi của những khu rừng hoang vắng trước khi chảy qua các khu dân cư. Nhưng sự thể không đơn giản như vậy.

Cảnh Hồng bị cắt nguồn cung cấp nước với lý do nhà máy lọc cần được bảo trì trong hai ngày. Dân chúng hốt hoảng xếp hàng chen chúc với thùng chậu trên tay để tranh hứng phần nước ngọt nhỏ nhoi từ những xe citernes chở nước. Thiếu thông tin chính thức của nhà nước khiến dân chúng hoang mang với những tin đồn đãi và phỏng đoán cả về một trận động đất. Họ không chỉ dự trữ nước ngọt mà còn đổ xô đi mua thực phẩm.

Điều mà Phân Bộ Vận Tải Lan Thương và chánh quyền Vân Nam không thể không biết là chỉ một ngày sau khi xảy ra tai nạn, tức là ngày 30 tháng 12, 2008 đã có những tin "không chính thức" của các nhà hoạt động môi sinh loan tải trên internet về một thảm họa hóa chất trên con sông Mekong phát xuất từ Vân Nam. Tin truyền ra nhanh chóng, với bao nhiêu câu hỏi được nêu ra như: Tại sao không có phòng ngừa trước? Con Khủng Long Hóa Chất ấy rất sớm sẽ trườn ra khỏi Vân Nam, nhưng còn bao nhiêu thị trấn ven sông và bao nhiêu triệu cư dân dưới nguồn sẽ ra sao? Dòng độc chất dầu khí ấy khi tới Đồng Bằng Sông Cửu Long, hơn 20 triệu cư dân Miền Tây với vựa lúa nuôi sống cả nước và rồi cả Tràm Chim Tam Nông như một khu mẫu mực bảo tồn sinh thái Đông Nam Á sẽ trực tiếp chịu thiệt hại như thế nào? Ảnh hưởng tức thời và lâu dài trên người, trên nguồn nước, nguồn cá, trên các đồng ruộng và cây trái sẽ ra sao? Chưa có ai chuẩn bị câu trả lời cho những vấn nạn ấy.

 

TRỢ GIÚP CỦA LIÊN HIỆP QUỐC VÀ THẾ GIỚI

Sau tấn thảm kịch môi sinh trên sông Tùng Hoa, đây là lần thứ hai Liên Hiệp Quốc đã ngỏ lời sẵn sàng giúp Trung Quốc đương đầu với vụ "đổ tràn dầu khí" rộng lớn ảnh hưởng liên quốc gia này. Nhưng Bắc Kinh, như từ bao giờ vì cái "thể diện", tỏ ra không muốn đáp ứng và cũng không muốn phải chia xẻ thêm thông tin về thảm họa môi sinh vừa xảy ra. Sakharov, giám đốc Phân Bộ Cấp Cứu Môi Sinh / Environment Emergencies Sections có văn phòng đặt tại Geneve, đã phát biểu: "Chúng tôi cần những thông tin cơ bản và chính thức từ Trung Quốc nhưng chúng tôi đã không có được". Ngay cả Ủy Hội Sông Mekong có văn phòng ở Vạn Tượng cũng không có được tin tức gì nhiều hơn qua báo chí đã đăng tải.

Không chỉ với Trung Quốc, Sakharov cũng thông báo cho cả 5 quốc gia hạ lưu ven sông Mekong về thiện chí của Liên Hiệp Quốc muốn có một lượng giá chuyên nghiệp độc lập và vô tư về thảm họa này để có thể trợ giúp hữu hiệu và cả giảm thiểu ảnh hưởng tác hại môi sinh chắc chắn sẽ lâu dài trên đời sống và sức khỏe của hơn 60 triệu cư dân sống ven sông. "Chúng tôi đã chính thức có lời yêu cầu tới Bắc Kinh và vẫn chờ đợi."

 

SẼ KIỆN TRUNG QUỐC TRƯỚC TÒA ÁN QUỐC TẾ

Không phải Việt Nam mà là Thái Lan và Cam Bốt đã khá sớm có những tiếng nói bảo vệ môi sinh can đảm. Một viên chức cao cấp Thái cũng là thành viên của TERRA / Towards Ecological Recovery and Regional Alliance có trụ sở tại Bangkok đã nói với phóng viên thông tấn AP là Thái phải cấp thời cần tới hàng 100 tấn than hoạt tính [activated carbon] để đương đầu với dòng độc chất đang đổ xuống từ Vân Nam. "Ngoài ra chúng tôi cũng phải tự chế ra / improvised bất cứ vật liệu nào như bè gỗ, vỏ lốp xe hơi, thùng plastic, vòi rồng cứu hỏa... miễn sao có thể phần nào ngăn chặn hoặc ít ra cũng làm chậm vết dầu loang thêm nữa."

Chúng tôi, cũng như các nước hạ nguồn khác không hề được chuẩn bị để đương đầu với một thảm họa môi sinh liên quốc gia như hiện nay.

Thật là khó mà lượng định hậu quả của vụ đắm tàu dầu ở Cảnh Hồng nhưng có điều chắc chắn là toàn sinh cảnh và mọi chủng loại cá trên sông Mekong sẽ bị thiệt hại và ô nhiễm nặng.

Văn phòng Thường Trực Bộ Trưởng 4 nước của Ủy Hội Sông Mekong đã ra tuyên cáo với "ngôn từ rất kiềm chế"rằng chánh phủ cả 4 nước Vùng Hạ Lưu "hết sức quan tâm và lo ngại về những hậu quả tức thời và lâu dài của thảm họa môi sinh này" và đồng thời cũng chính thức kêu gọi sự trợ giúp khẩn cấp của cộng đồng quốc tế.

Có một điều không được tiết lộ là trong buổi họp sơ bộ, họ đã không đạt được sự đồng thuận của cả bốn nước lên án Bắc Kinh và có thể kiện Trung Quốc trước Tòa án Quốc tế yêu cầu phải bồi thường những thiệt hại và cả trách nhiệm "làm sạch môi trường". Và hầu như ai cũng biết là Trung Quốc không bao giờ tự nguyện làm điều ấy.

Trong bài Quan Điểm, đăng tải trên tờ báo Tiếng Việt lớn nhất hải ngoại, một ký giả kỳ cựu- vẫn được mệnh danh là "nhà báo của các nhà báo", đã mạnh mẽ chỉ trích chánh phủ Việt Nam là thiếu sót trong các "tin tức tình báo" về thảm họa môi sinh trên Vân Nam; do sự kiện Hà Nội chỉ được thông báo 4 ngày sau đó. Phản ứng muộn màng trong biến cố này là điển hình tình trạng thiếu hiệu năng của một đất nước toàn trị bưng bít mọi thông tin. Ông cũng cho rằng Hà Nội muốn giới hạn phản ứng để làm vừa lòng quốc gia láng giềng khổng lồ Trung Quốc, đang có những bất bình với Việt Nam về vấn đề lãnh hải và quần đảo Trường Sa.

Như từ bao giờ "Trung Quốc là một vấn đề cấm kỵ và rất nhậy cảm" đối với Bộ Chính

Trị Ba Đình. Ở một mức độ nào đó, phê bình chỉ trích nhà nước Việt Nam còn có thể chấp nhận được chứ với Bắc Kinh là tuyệt đối không. Không một cuốn sách hay bài báo nào được phổ biến nếu đụng tới Trung Quốc - đó là "tiêu chí" rất rõ ràng của Tuyên Huấn Đảng.

Trong khi đó, để trả lời sự trách móc của giới truyền thông quốc tế, Trung Quốc thì vẫn khẳng định là mình không làm điều gì sai trái khi chờ tới 4 ngày sau mới ra thông báo chính thức về vụ đắm tàu dầu trên sông Lan Thương. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc bào chữa "Do vì có nhiều mức độ tường trình khác nhau và các giới chức địa phương thì tập trung mọi nỗ lực vào việc cấp cứu." Ông ta tiếp: "Chúng tôi nghĩ rằng đã không chậm trễ cung cấp tin tức và như vậy thì sự than phiền của báo chí là quá sớm."

Giới truyền thông Tây Phương thì cũng không quên nhắc và so sánh với vụ nổ nhà máy hóa chất ở Cát Lâm / Jilin, 3 năm trước [11 / 2005] và cùng với cung cách ứng xử thiếu trách nhiệm của Trung Quốc sau đó.

 

HAI TUẦN LỄ TỪ CẢNH HỒNG XUỐNG ĐẾN ĐBSCL

Ngót nửa chiều dài sông Mekong 2,000 km nằm trong lãnh thổ Trung Quốc. Ra khỏi Vân Nam, con sông chảy qua 5 quốc gia: Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam với 2,500 km còn lại.

Vận tốc dòng chảy thì rất biến thiên theo mỗi khúc sông tùy thuộc vào độ dốc, lưu lượng và cả bề rộng của khúc sông ấy. Như gần thủ đô Vạn Tượng, sông Mekong có bề rộng 1 km, độ dốc 1/ 10,000, với lưu lượng 16,000 m3/giây trong mùa mưa và tốc độ dòng chảy tối đa là 3 m/giây [trung bình 2 m/giây]; so với mùa khô lưu lượng chỉ còn 1,000 m3/giây tức là 16 lần thấp hơn và dòng chảy cũng chậm hơn.

Bây giờ là tháng 12, chỉ mới bước vào mùa khô; con sông Mekong chưa hoàn toàn hết vẻ dũng mãnh. Nếu tính vận tốc trung bình là dưới 2 m/giây, tức khoảng 7 km/giờ thì những mảng dầu ra khỏi Vân Nam sẽ tới ĐBSCL trong vòng hai tuần lễ. Liệu có trở tay kịp không để đối đầu với con khủng long cực độc ấy ?

 

MỘT CHERNOBYL DẦU KHÍ TRÊN SÔNG MEKONG

Không có chiến lược dự phòng cho an toàn môi trường, cũng không có kế hoạch đối phó cấp thời với thảm họa khi xảy ra, cho dù ai cũng biết những con tàu chở đầy dầu ngược dòng lên Vân Nam là những trái "bom nổ chậm / time bombs" có thể bung kíp bất cứ lúc nào.

Tất cả chỉ nhằm phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, bất chấp mọi hậu quả môi sinh, nạn nhân tức thời và trong lâu dài của ô nhiễm môi sinh chính là người dân của Trung Quốc và cả cư dân của các quốc gia lân bang .

Khi mà Trung Quốc coi mỗi đô la đầu tư vào nghiên cứu bảo vệ môi sinh là một "phí phạm xa xỉ", khi mà các độc chất đã bị cấm ở Mỹ cũng như ở các quốc gia kỹ nghệ phát triển nhưng vẫn cứ được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc thì : đất, khí quyển và nhất là sông ngòi của Trung Quốc ngày càng bị ô nhiễm là điều không thể tránh.

Tấn thảm kịch môi sinh trên con sông Tùng Hoa ở Cát Lâm / Jilin đã từng được báo Le Monde [25-11-2005] đặt tên là "Chernobyl chimique / Chernobyl hóa chất" không chỉ bởi tầm vóc tác hại lớn lao liên quốc gia, nhưng đối với thế giới, tên "Chernobyl"- do từ vụ nổ nhà máy nguyên tử ở Nga 1986, là biểu tượng xấu của một chế độ toàn trị luôn luôn che đậy bưng bít thông tin, coi thường an toàn công cộng và cả bất lực cung cấp dịch vụ cấp cứu cơ bản cho người dân khi có lâm nguy.

Thảm kịch môi sinh trên sông Mekong 2008- nếu xảy ra, sẽ còn là một "Chernobyl chánh trị" đối với Bắc Kinh. Bởi vì khi mà chánh sách bưng bít không còn hiệu quả, để "giới hạn tổn thất" và cả vãn hồi uy tín, rồi ra Trung Quốc sẽ có những màn trình diễn ngoạn mục khác. Theo tin hãng thông tấn Tân Hoa Xã, thì viên giám đốc Phân Bộ Vận Tải Lan Thương đã bị giải nhiệm và chờ ngày ra tòa; cả đến chức vụ Bộ trưởng Bảo vệ Môi sinh cũng bị chính thức thay thế bằng nguyên bộ trưởng Lâm Nghiệp...

 

VẪN CHƯA HỒI PHỤC 30 NĂM SAU

Thế giới nhất là Mỹ đã không thiếu kinh nghiệm đương đầu với các thảm kịch môi sinh như tai nạn "tràn dầu" xuống sông xuống biển. Vấn đề là phương tiện kỹ thuật và tính khả thi tùy theo hoàn cảnh địa phương.

Một chuyên viên người Mỹ gốc Việt, là tham vấn lâu năm của Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Mỹ / US Environmental Protection Agency; nhưng cũng rất quan tâm tới vấn đề môi sinh ở Việt Nam. Ngay sau khi Trung Quốc thử nghiệm dùng sông Mekong cho các đoàn tàu chở dầu khí, ông đã có những bài viết cảnh báo về tai nạn tràn dầu trên sông ngòi. Hơn thế nữa, ông còn đưa ra những đề nghị cụ thể là làm sao các nước hạ nguồn Thái, Lào, Cam Bốt và Việt Nam phải có "Kế Hoạch Đáp Ứng Khẩn Cấp Nạn Tràn Dầu / Oil Spill Emergency Response Plan" với hệ thống báo động sớm bằng vệ tinh, với các trạm quan sát, cũng như thiết lập các trạm đề phòng dọc theo sông Mekong với những trang thiết bị cơ giới để ngăn chặn, với các hoạt chất để hấp thu / sorbent materials, và cả những biện pháp tức thời để bảo vệ các bến bãi với tụ điểm dân cư cao. Bài viết của ông ban đầu đã được báo Tuổi Trẻ hào hứng xin đăng nhưng giờ phút chót bị cấm vì có đụng chạm tới Trung Quốc.

Cái tên gọi "Đội Cấp Cứu Trung Quốc Thái Lan" chỉ có trên giấy tờ chứ chưa bao giờ là một hiện thực. Ngay cả có đủ phương tiện để làm công việc "tẩy rửa môi trường" thì cũng đòi hỏi thời gian tính bằng "đơn vị năm", và cả tốn phí hàng "tỉ đô la". Rồi tác hại ngắn và dài hạn trên môi trường sống thì không thể nào mà kể xiết. Tức thời tôm cá và các loại hà sản bị chết hàng loạt, kể cả các loài chim muông hoang dã. Cư dân thì mất nguồn nước uống và cả nguồn nước cho tiện dụng gia cư và trồng trọt hoa màu ven sông. Hết cá hoặc chỉ còn những con cá đã nhiễm độc là mất đi nguồn protein chính của bao nhiêu triệu cư dân hạ nguồn. Kỹ nghệ du lịch cũng chết theo vì không ai muốn tới với một dòng sông nhiễm độc như vậy.

Khi sử dụng sông Mekong như thủy lộ chở dầu khí thì một thảm họa môi sinh liên quốc gia có thể xảy ra bất cứ lúc nào với xác xuất cao. Trong tình huống ấy, sông Mekong sẽ mất tất cả, điều mà các nhà kinh tế gọi đó là "cái giá trị hiện hữu / existence value" đó chính là sự sống với nguồn tài nguyên và cả sự thanh khiết từ ngàn năm của con sông Mekong.

NGÔ THẾ VINH

06 / 2007

Tham khảo:

1/ China Secret Deal of Shipping Oil Up the Mekong River Raising Concerns

By Marwaan Macan-Markar, Japan Focus, January 20, 2007

2/ China Begins Oil Route Experiment in Mekong, Lim Tai Wei

Nautilus Institute, Policy Forum Online: April 13, 2006

3/ Catastrophe Ecologique en Chine du Nord, Brice Pedroletti

Le Monde, 24.11.05

4/ Toxic Flow Reaches Chinese City; Oil Company Blamed, David Lague

International Herald Tribune, Nov 24, 2005

5/ China Defends Handling of Toxic Spill, by Joe McDonald

AP Writer, Thu Nov 24, 2005

6/ Russian City in Path of Huge Toxic Spill, Burt Herman

Associated Press, Dec 1, 2005

7/ Exxon Valdez Oil Spill, Alaska March 23, 1989

* HYPERLINK "http://wikipedia.org/wiki/Exxon_Valdez_oil_spill" *

8/ Response Techniques, Oil Spills_ US Environmental Protection Agency

* HYPERLINK "http://www.epa.gov/oilspill/oiltech.htm" *

Nếu tấn thảm kịch môi sinh ấy diễn ra, con sông Mekong sẽ mất tất cả, điều mà các nhà kinh tế gọi đó là "cái giá trị hiện hữu / existence value": đó chính là sự sống với nguồn tài nguyên và cả sự thanh khiết từ ngàn năm của con sông Mekong.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 30722)
Như một cánh cung, phố Hàng Hành bên hồ Hoàn Kiếm dài hơn trăm mét có đến mấy chục hàng ăn, hàng café, gallery, shop quần áo. Nghe nói ngày xưa đây là nơi bán hành tỏi, sau chuyển sang nghề tiện gỗ. Đền thờ tổ nghề tiện gỗ ở trong nhà số 11. Nghề tiện gỗ vốn là nghề truyền thống của làng Nhị Khê quê hương Nguyễn Trãi.
18 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 41471)
Mấy ngày qua tôi liên tiếp nhận được video clip "Chị Mùi" do bạn bè gửi tới. Chị Mùi, nếu viết đầy đủ tên họ thì là Lý Thị Mùi, nhưng tôi lại chỉ muốn gọi là "chị Mùi".
18 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 34261)
Lần đầu tiên trở thành đàn bà chị đã khóc. Người đó ôm chị vào lòng vỗ về như một đứa trẻ.
18 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 41749)
...Cô giơ bàn tay ra nắng, nắng rất ấm, lung linh trên tay, trên vai và thả những khoang nắng trên mặt cô. Cô ngồi xuống bên thành hồ, thong thả ném từng nắm thức ăn cho cá....
15 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 28871)
Khúc bãi hình cánh cung. Phần cuối bãi đá ngầm lởm chởm khuất lấp với xóm chài Merang bởi một ngọn núi trọc kéo dài từ những cánh rừng dừa lả ngọn tới sát chân sóng. Ngọn hải đăng chót vót trên đỉnh núi trần trụi.
15 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 34762)
Nỗi vui mừng vỡ òa trong tôi phút đó khi đã nhận ra Luân, Luân trên kia, Luân đứng đó, bắt tôi phải chạy bay lên mới đúng. Nhưng trước bấy nhiêu con mắt cùng chăm chú ngó xuống người lạ mặt như một cái đích, họ chưa nhận ra ai, tự nhiên tôi thấy ngượng, ngượng đến nỗi nóng bừng cả mặt mũi.
23 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 31731)
Tháng ba, cây gạo bắt đầu nở hoa, những bông hoa chúm chím rồi đỏ rực như những ngọn đuốc sáng cả một khu không gian, lũ chim bồ các không biết bay từ đâu tới đậu trên ngọn kêu nháo nhác. Cây gạo già nua, đứng trơ trơ trên bãi sông, cành cây khúc khuỷu, gốc to chừng ba người ôm và nổi lên những cái u sần sùi như mặt quỷ...
22 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 35620)
Thật ra, tôi lắm chuyện, chứ chỉ cần vẫy tay thì mông Trang tôi cũng úp mặt vào được ngay, đã muốn thổn thức thì sao không thổn thức ngay tại chỗ cho tiện, từ xa để làm gì. Nhưng tình cảm con người không có đơn giản như vậy, cho tôi diêm dúa một chút chứ. Người ta thích chó thích mèo, vì tình cảm nó đơn giản. Người ta thích đàn ông đàn bà, vì tình cảm nó phức tạp.
17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 32985)
Nàng tựa sát người vào ô cửa kính nhỏ nhắn vừa mới được mở ra trước mắt sau khi đưa tay kéo nhẹ tấm màn chắn màu xanh lam, cùng một màu với ba dãy ghế dài thẳng tắp từ đầu đến cuối bên trong chiếc phi cơ.
17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 43805)
Phong thường bảo: "Đời tàn nhẫn lắm. Nhất là đối với đàn bà". Tôi cười: "Em là con gái". Phong lại bảo: "Nhưng em có bản năng đàn bà. Mọi người con gái đều có bản năng đàn bà".