- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Lũ Ngu

09 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 47788)
w-hopluu101-215_0_116x300_1(Tặng Nguyễn Toàn và những người bạn của tôi )

Có say đâu mà, tôi chưa say mà, đã say đâu mà… Bạn tôi nghi oan tôi đã say, tôi đã say, thấy tôi từ xa tới đây chưa có say, chưa có say, nói ngay rằng tôi đã say… biết đâu rằng tôi đã say vì người tôi yêu mến…

Rồi tôi biết những năm tháng này sẽ không bao giờ trở lại, cũng như bao nhiêu nỗi vuồn, niềm vui, trăn trở của biết bao người sẽ không bao giờ lặp lại. Cuối tháng 6 trời xanh ngằn ngặt. Đầu tháng 7, cái oi vẫn hành hạ từng đêm. Họ hát những ca khúc vàng một màu buồn bã như thể chuẩn bị cho phút chia tay. Từng nốt ghita rung lên bần bật trong đêm.

Nguyễn Toàn rầu rầu cầm chén rượu, tự rót, tự uống. Ông sẽ còn cầm cây đàn nhiều đêm nữa trong suốt cả cuộc đời mình, nhưng người nghe sẽ chẳng còn là những đứa bé mới nứt mắt đã cố gắng ôm lấy tủi hờn buồn phiền khác nhau như bây giờ. Trong veo quá. Đôi khi ông vẫn không hiểu. Là chúng cố ra vẻ ngây thơ hay quả thực chúng là như thế, chưa đủ từng trải để chiêm nghiệm cuộc sống, nên chúng nhìn cuộc đời qua con mắt ấy, vừa vị tha, vừa dau đáu, vừa hơi một chút tự mãn, kiêu kì. Ngu xuẩn. Không hiểu vì sao chúng tự trao cho mình cái trách nhiệm lý giải cuộc đời này. Ông cũng không biết nữa, trong cuộc đời này ông là gì? Có nghĩa lý gì đâu số kiếp một con người, chỉ là làn gió mỏng manh mang theo một mùi vị nào đó, rồi phút nào đấy sẽ biến mất. Làn gió phảng phất… Ông đã từng cố hiểu cuộc đời, cố từng vị tha, nhưng than ôi! Chỉ có điều ông biết, là ông quý mến chúng, ông trân trọng từng biểu hiện dẫu có man di của chúng.

- Chiếc lá cuối cùng đi Nguyễn Toàn.

- Đừng, bài đấy nên hát sau cùng. Giờ là lúc của… nhớ anh nhiều nhưng chẳng nói…

- Không tên số mười mới phải hát sau.

Phải chăng ông đã có lỗi khi gảy cho chúng nghe những khúc ca mang quá nhiều nỗi niềm như thế. Chúng - bọn trẻ ấy đã tự ướm nỗi sầu bi trong bài hát thành tâm trạng riêng mình. Chúng đúng là đáng thương.

- Có bài hát này mà lâu rồi chưa nghe ai hát lại. Có thể cũng chẳng mấy người còn nhớ…

Nguyễn Toàn lên tiếng, ông đưa tay vuốt nhẹ lên dây đàn. Âm trầm đục của thanh cuối gìm lại giọt nước mắt vội của V, nó thảng thốt nhớ ra thanh âm xưa cũ đó, bật lưỡi hát theo.

"Thương hoài, ôi ngàn năm còn mãi… đá mòn mà tình có mòn đâu… trọn đời là tình cuối người ơi… suốt đời em hẹn thề lứa đôi…"

Tình cuối, biết đến bao giờ mới là tình cuối đây? Ông không biết và cũng không ai biết nữa. Những mối tình đến rồi đi không báo trước, chỉ có kỉ niệm và nỗi đau là ở lại. Cười, có bật cười thành tiếng hay nuốt lệ vào lòng cũng vậy thôi. Cũng muốn ngửa mặt lên xả ra một tràng đầy khả ố, thế mà chỉ bật dược ra tiếng nức nở. Là xót xa, đau đớn bấy…

 

V nấc. Hình như nó gần say rồi. Khi say, nếu không quậy, không phá thì lăn ra ngủ, còn nó… Ông chợt giật mình, hình như lâu lắm rồi không còn thấy nó say. Khi con người ta quá buồn mà không say nổi thì sẽ là gì…? Than ôi! Giá mà có thể bật khóc dễ dàng.

- Nguyễn Toàn ơi, đánh bài "Bên đời hiu quạnh đi". Rồi một ngày kia khăn gói đi xa…

- Hiu quạnh quái gì, đời đông nghẹt người.

- Thế về Xó núi sống với em nhá, cho nó tĩnh…

 

Ông cũng không thể hiểu nổi mình tại sao lại muốn gần gụi chúng nhiều đến như thế. Có lẽ ở bên chúng ông cảm thấy an toàn và thanh tẩy. V, L, C, M, 4 đứa, mỗi đứa trẻ con và trưởng thành theo một kiểu. Chúng đôi khi gần gụi đến coi ông là bạn, một người bạn vong niên. Bạn. Hahaha… Đời ông có biết bao là bạn, nhiều người ông còn không nhớ nữa. Ông vô tình tưởng tượng tới tương lai của chúng. Liệu có tốt đẹp gì không? Liệu ông trời có ý đồ gì khi đặt chúng vào trong ngôi trường này, khiến chúng gặp biết bao kẻ khốn nạn, thấy bao chuyện đểu cáng, bao sự thật mà chưa chắc chúng đã ngộ được phần bí mật hiển hiện bên trong. Ông trầm ngâm. Rồi cuộc đời chúng sẽ thế nào? Chắc cũng chẳng thể sung sướng nổi. Ông muốn được nhìn thấy những ngày về sau đó. Bất chợt, ông nghĩ đến ngày cuối cùng của đời mình, liệu còn có thể đánh đàn và nói huyên thuyên được bao lâu nữa? Nâng chén rượu lên, đặt cốc không xuống, men nồng bay tán loạn, hơi cay không chủ ý mà dâng lên nghèn nghẹn. Mí mắt ông tựa như trĩu xuống vậy.

Nguyễn Toàn ơi! Đất Tây Nguyên có rộng không, lòng Tây Nguyên có rộng không?

Câu nói này ăn sâu vào trí nhớ Nguyễn Toàn như một vết rách cứ bị chà xát mãi. Vì nó, ông đã yêu một người, và cũng vì nó mà ông nhọc nhằn mãi.

- Nguyễn Toàn ơi! L… tặng Nguyễn Toàn bài thơ này nhé:

"Anh đem đau khổ cả đời

Che em mỏng mảnh không lời yêu thương

Nước mắt nhẹ như giọt sương

Sao em cứ khóc cho vương ráng chiều…"

- Liệu đã đủ say chưa L… Nếu lúc nào đó say mèn vì cuộc đời này rồi thì vùng cao nguyên ấy có thể giúp L… thanh tẩy đấy.

- Khốn nạn. Nếu đời này làm tôi say được thì còn bỏ đi làm quái gì.

- Nó say thật rồi. Ha ha ha…

- Câm mồm mày lại V… ạ. Nhục đéo chịu được mà còn lảm nhảm.

- Có thế mà đã nhục à. Còn khướt.

- Bao giờ nó lôi lên giường tụt mẹ nó hết đồ ra mới đủ nhục hẳn.

- Sao em nói ghê vậy C…

- Nói thế mà bà ấy có bảnh mắt ra đâu. Già mòn vẹt, nhão nhoẹt rồi mà vẫn còn tí tởn. Giai nó chỉ thích sờ chứ có yêu đéo đấy. Tưởng bở cho lắm vào.

 

Chúng khắc khẩu, ông biết thế. Và lúc ấy thì chỉ còn một cách. Một cách duy nhất, cái điều duy nhất mà biết bao năm về trước gã Vũ Thành An đã vì nó mà còn sống được. Này đây.

Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng chỉ còn mối tình mang theo. Thôi, xin em đừng khóc than, rồi ngày tháng qua di… Thôi cuộc tình có ra gì, không còn gì nữa… khóc mà chi…

L… bật khóc. Lần đầu tiên ông nghe nó khóc là khi đã say mèn, nó khóc và lảm nhảm về mối tình đầu đời. Bây giờ đã mối tình thứ ba mà nó vẫn còn khóc. Khóc nhưng thôi không còn lảm nhảm. Hoá ra ai cũng thay đổi cả.

- Khóc đéo gì. Thằng hay như vậy mà không biết giữ, để nó đi mất. Già kén kẹn hom.

- Mày thì hiểu gì chứ. Phải đó mà không phải đó. Tao với nó có cố cũng chẳng đến đâu.

- Nhiễu. Nó chiều như mẹ nó mà vẫn nũng nịu. Chết bố mày đi. Giờ thì trắng mắt ra nhé.

Nguyên nhân gì khiến L… phải bỏ người yêu? Chuyện này thì ông không thể hiểu. Cái nguyên cớ đẹp đẽ gì khiến cho họ phải bỏ nhau khi biểu diễn cho cả thiên hạ thấy một mối tình quyến luyến, sâu đậm như vậy. Ờ thì đã sao. Hãy cứ yêu tha thiết rồi lấm chìm trong đau khổ đi, để rồi lòng thêm một chút con người.

 

Yêu đi, trên đời này chán vạn người không biết yêu đấy. Ông cần biết làm gì cái nguyên nhân chán ngán ấy, biết để coi thường thêm một con nguời nữa hay sao. Khóc đấy, cười đấy rồi lại ngẩn ngơ đấy. Đắm đuối đấy, tuyệt vọng đấy để rồi chúng lại điên cuồng lao vào tình yêu mới như những con thiêu thân lao vào thứ ánh sáng phù hoa nhưng giả dối. Chúng đang ngồi đây nhưng mỗi đứa đeo đuổi theo những luồng suy nghĩ khác nhau. Chính ông cũng vậy thôi. Ai mà chẳng có trăm điều lo lắng.

- Nguyễn Toàn, Nguyễn Toàn à! Đừng đau khổ vì một người không đáng.

Đáng hay không đáng. Biết bao lần ông đặt ra câu hỏi ấy, bao lần tự phân thành hai người chỉ để xem có đáng hay không. Ông không thể quỳ xuống duới ánh trăng như một chàng trai đôi mươi mà nức nở rằng: thượng đế tôi ơi, xin người chỉ lối. Ông đã ở cái tuổi tứ thập nhi bất hoặc, mà bất hoặc nghĩa là phải phân vân một mình. Hỏi ai bây giờ? Hỏi để người ta cười vào mặt mình ư? Mà còn gì nhục hơn bị kẻ kém tuổi cười vào cái sự bất hoặc của mình. Nhưng im lặng thì ông không chịu được. Ông quá yếu đuối để có thể chịu đựng một mình. Rồi cũng chỉ có cây đàn này thôi, khi chén rượu cạn môi, trái tim đột nhiên nhẹ thênh những giai âm không lời, những thổn thức, tiếc nuối, hờn ghen, nghi ngờ, và yêu đến đau đáu.

- "…Còn nhớ tên nhau, xin gọi trong giấc mộng, còn chút thương yêu xin đưa vào dư âm…"

- Bỏ đi thôi, Nguyễn Toàn ơi! Lưu luyến làm gì.

- Lo cái thân mày đi đã. Gọi điện chửi cho nó một trận, chứ để nó im thin thít và lặn mất tăm như thế à…

- Con này nó có dớp bị giai bỏ của chạy giữa đàng rồi.

- Đời là cái đinh. Tình là cái que. Người yêu là con lợn què. Loe ngoe là tao đập chết.

- M… cái thứ triết lý 3 xu của mày vẫn là hay nhất.

 

5 con người ngồi dưới ánh trăng tròn vành vạnh đeo đuổi theo những khuất nẻo khác nhau ở cái cõi nhân gian đa truân ấy. Dây đàn ngân rung, trà lạt, rượu nhạt, nước mắt cũng nhạt nhẽo theo, ngọn nến chỉ còn lay lắt cháy, căn phòng nhỏ phả ra cái cảm giác buồn thương bất hoặc.

"Loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng, một đời bỏ ngỏ đêm buồn, địa đàng còn in dấu chân, bước mau…"

Giọng N cao vút một khúc nhạc Trịnh vắt vẻo bay giữa hành lang, sau đó tắt lịm. Tiếng hòn đá nào đó bay vèo trong không trung, đập thẳng vào cánh cửa kính trong phòng. Nhà nào đó ở khu ngay đằng sau ký túc xá trường Viết văn Nguyễn Du đang mất ngủ. Chậc, toàn giáo viên có văn hoá cả đấy. 5 cặp mắt quay sang nhìn nhau. Ngọn nến tắt phụt lúc nào. Có chăng là nhìn thấy mấy cái ánh lân tinh trong mắt nhau. Người quái gì, ma cả đấy. 

Phạm Ngọc Lương

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Tư 202011:23 CH(Xem: 17266)
Thế là từ hôm ấy trở đi, trên tất cả các phương tiện truyền thông nước nhà đều dành chỗ, dành thời lượng để tôn vinh ngài Kê. Kiểu như: “Cuộc đời ngài Kê”, “Chuyện ngài Kê”, “Ngài Kê liệt truyện”, “Tấm gương Giáo sư Kê”, “Huyền thoại Kê vàng” vân vân và vân vân. Thôi thì trăm hoa đua sắc, trăm nhà đua nở. Thơ ca nhạc họa, truyện ngắn tiểu thuyết bút ký trường thiên dài kỳ các kiểu. Thậm chí bên bộ dục còn phát động cuộc thi kể chuyện về ngài Kê trong học sinh các cấp, rầm rộ. Có con bé học trò lớp ba mãi trên Mù Căng Chải chưa xuống núi lần nào được giải nhất. Nó kể về công đức ngài Kê với các đồng bào mèo mán lô lô trên quê nó cực hay, nức nở. Hay đến nỗi ngài Kê hôm ấy mở ti vi xem cũng rơi nước mắt.
28 Tháng Ba 20206:12 CH(Xem: 15980)
Ban đầu, ông thấy người gai gai, sốt, chán ăn. Bụng bảo dạ, nhẽ mình lao động hơi quá sức. Chả là vừa tập Gym hồi đêm về sáng trên máy bay với Hải Yến xong, thì tối hôm đó lại về sân hàng chiếu ở Times city thi đấu cả đêm. Bắt buộc phải cả đêm, bởi nếu không thì khó mà sống với phòng nhì đang kỳ lửa nồng được. Dù ông biết thân trước khi lâm trận, đã viện đến bao nhiêu sự trợ giúp, ngay cả từ lúc mới xuống sân bay kia. Thế nên đêm đầu về nhà cũng làm cho em Thuận mãn nguyện. Những đêm sau thì phải cố, cũng qua bài. Gặp mặt Hội 3G, tay bắt mặt mừng ôm hôn thắm thiết, mừng công trình rực rỡ để đời đã hoàn thành. Mừng cú tuyệt tác one in hole trên chín tầng mây, thật là độc nhất vô nhị! Nhưng mấy hôm tiếp theo đi họp hành, tiệc tùng chiêu đãi nhiều thấy mệt mỏi. Càng ngày càng thấy người ốm tệ. Sốt, ho, khó thở... Hay là nhiễm cúm virus corona? Em Thuận hoảng hốt vội gọi xe đưa vào viện khám. Xe đưa ông Nam vừa đi thì cũng có xe khác đến đưa ngay cả hai mẹ con đi cách ly chống dịch.
26 Tháng Ba 202010:54 CH(Xem: 18904)
Raymond Clevie Carver Jr. sinh ngày 25 tháng Năm, 1938, là tác giả Hoa Kỳ chuyên về truyện ngắn và thơ; người được xem như một trong những nhà văn lớn của nước Mỹ. Các tác phẩm chính của Carver gồm có: Will You Please Be Quiet, Please? (1976), Furious Seasons and other stories (1977), What We Talk About When We Talk About Love (1981), Cathedral (1983), Elephant (1988), Where I'm Calling From: New & Selected Stories (1988), Short Cuts: Selected Stories (1993), Collected Stories (2009).
25 Tháng Ba 20209:32 CH(Xem: 16286)
Lúc này, bên những vết tích còn lại của bản Thái hoang tàn, Cư có cảm tưởng lạc vào nơi từng ghi dấu sự tích kể về cô gái con tạo bản đã héo hon mà chết vì mong nhớ người yêu; nhưng mọi người không sao đem nổi xác nàng ra khỏi nhà, bởi hồn nàng quyết không chịu rời đi. Bản bị hồn ma ám, không ai dám ở. Còn chàng trai nghèo thất tình, khi trở về đã ôm ấp nàng suốt bảy ngày đêm mà không biết đó là thi thể giá lạnh, giữa cái bản vắng tanh...
11 Tháng Ba 20209:23 CH(Xem: 15788)
Bây giờ ở nước ta gia đình ngài Giáo sư Kê rất nổi tiếng./ Có thể gọi là nổi như cồn. Nổi nhất nước. Bởi là do hai tay hậu duệ: nghĩa tử Hùng Văn Hạ thì chấp chính Bộ dục- văn- giao còn nam tử Giang Đình Tinh Anh thì nắm Bộ công, hai bộ trọng yếu của nước nhà. Rất hăng hái phát tài. Mà đều còn trẻ, đang đà thăng tiến hứa hẹn chủ chốt nước nhà nay mai. / Ngài Kê sau vụ đi làm chủ tịch hội đồng đào tạo cho nước nhà những ba vạn chín nghìn tiến sĩ thì yên tâm nghỉ ngơi cùng con cháu. Thi thoảng đi du lịch ngao du sơn thủy hữu tình cho vui thú tuổi già. Nghĩ đời mình cũng đã thật hào hùng, thôi nghỉ ngơi tuyệt đối…
02 Tháng Ba 202011:18 CH(Xem: 16669)
Buổi sáng tháng mười năm đó, già Mức đi biển. Một ngày như mọi ngày, không khác biệt. Một buổi hừng đông dong thuyền ra khơi, biển yên lành, gió ngon trớn. Chiếc thuyền nhỏ gắn máy hiệu Yarmar vận hành đều đều, tiếng máy nổ ròn rả đẩy cái thuyền lướt trên con sóng, bánh lái điều khiển kêu xè xè dưới làn nước.
26 Tháng Giêng 20203:45 CH(Xem: 16014)
Đường phố Sapa chìm trong thứ ánh sáng mờ ảo của đèn cao áp lẫn sương mù. Thỉnh thoảng có một hai khách du lịch trở về khách sạn, hoặc một đôi nam nữ Dao đỏ đứng tự tình bên gốc cây. Khí lạnh từ trên đỉnh Fanxipan tràn về thung lũng từng đợt. Hắn hơi co ro, khép chặt lại cổ áo. Hắn đi, lúc thì như người mộng du, lúc thì ra người như cố ý tìm kiếm một ai đó.
24 Tháng Giêng 202012:21 SA(Xem: 17043)
Chiều mùng 3 tết, trời vẫn rét cắt da cắt thịt. Tôi dừng nghỉ ở Đền Mẫu trước khi qua sông để vào bản Cọ, bản Khau. Sông Cầu cạn lắm, nước trong veo và lạnh, nhìn rõ sỏi trăng dưới đáy. Đi thuyền thuyền qua sông hai bên bờ cây lá run rẩy vì rét, hình như xa xôi kia còn sót lại một bông hóa chuối rừng như một ngọn lửa nhỏ thắp lên giữa khu rừng, làm ấm lòng một gã thợ ảnh là tôi, bỏ vợ con nheo nhóc ở nhà, ôm máy ảnh đi kiếm tiền nơi rừng xanh núi đó, khi thiên hạ vẫn đang say sưa đón tết. Chỉ có điều bông hoa chuối rừng này đỏ một cách lạ lùng, như màu máu tươi vậy, tôi đi đến đâu cũng vẫn thấy bông hoa ấy lúc trước mặt, lúc sau lưng, lúc ở đáy sông khi thuyền sang sông.
24 Tháng Giêng 202012:16 SA(Xem: 15877)
Những ngày giáp Tết năm nay, tôi mang một ít hàng ra chợ trời bán cho vơi bớt hàng cũ. Lúc đầu mới ra bán tôi rất ngại, lo sợ đủ điều nên thay vì tôi chọn chỗ đông người để bán cho đắt hàng, tôi lại chọn chỗ vắng hơn cho đỡ phải tranh giành bon chen với người khác. Dần dần tôi lại cảm thấy ở chợ trời cũng nhẹ nhàng chứ không đến nỗi vất vả, giành giựt như tôi nghĩ, tôi cũng có những người bạn mới từ nơi chốn này.
22 Tháng Giêng 20209:23 CH(Xem: 15258)
Khi tôi vừa bước lên cầu thang thì bất chợt nghe tiếng đàn piano vọng xuống từ trên tầng hai của căn chung cư, tiếng đàn vang lên từng khúc gãy nhịp tạo ra một thứ âm thanh rời rạc nghe chói tai khiến tôi đứng khựng lại, và trong một thoáng suy nghĩ, tôi đoán chắc tiếng đàn ấy là của một người đang mầy mò học đàn. Nhiều lần đến chơi với Quân tôi không thấy trong nhà nó có bất cứ một loại nhạc cụ nào, nhưng tình cờ hôm nay nghe được tiếng đàn khiến tôi ngạc nhiên.