- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tuệ Quân

03 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 47926)

(Gởi Đào Mỹ Lệ)

 

w-tranmongtu-101_0_300x138_1Erik mất vào đúng đêm rằm tháng tám. Mấy ngày liền Tuệ Quân lái xe chạy đi chạy lại giữa nhà và bệnh viện bất kể ngày đêm. Xe lái trong đêm qua những đường trăng, ánh trăng vằng vặc chạy hối hả theo cô mà sao cô không nhận ra được là đêm đang sửa soạn vào rằm, có lạ không? Tuệ Quân không nhận ra được sự có mặt của trăng nữa, cô đã lái xe đi trong những vũng tối, những vũng tối ngay cả giữa ban ngày. Mặt trăng, mặt trời nhìn thấy cô, nhưng cô không thấy mặt trăng, mặt trời . Mãi đến sau khi Erik mất, Tuệ Quân xem lịch mới biết là Erik đã chết giữa đêm rằm.

Chao ôi! Tại sao Erik lại chết giữa đêm rằm? Anh tự chọn cho anh hay Trời xếp đặt cho anh? Tuệ Quân bỗng nhớ lại từ khi biết nhau, yêu nhau, cho đến khi Erik ngã bệnh, không có đêm rằm nào mà cô và Erik không theo dõi trăng, thưởng thức trăng, chỉ trừ khi trăng bị che khuất vào một đêm nhiều mây hay một đêm mưa vào những tháng Đông. Trong khu vườn sau của hai người có bộ bàn nhỏ với hai chiếc ghế kê ngay dưới một khóm trúc. Vào những đêm trăng, sau bữa ăn tối, họ thường ra sân uống trà và uống cả những giọt trăng rơi trên tóc, rơi trong mắt nhau. Tuệ Quân hay nói về những bức tranh vẽ bằng bồ hóng và nước (tranh thủy mạc) của gia đình cô ngày trước, những bức tranh có cành trúc vắt ngang một mặt trăng, những bức tranh đặc biệt Trung Hoa. Hai người thong thả uống trà quên đi một ngày vừa đi qua với những công việc và tiếng động, Tuệ Quân cất tiếng hát nho nhỏ bài hát về bông hoa mầu trắng, mầu đỏ của tuổi thơ, bài hát Erik thích nhất.

Trong vườn có bông hoa nhài nhỏ, cánh trắng mong manh, hãy hái cho em đi anh !

Trong vườn có bông hoa mầu đỏ, hãy hái cho em đi anh!Hãy hái cho em đi anh!

Trong thời gian bệnh, có những lúc Erik không muốn ra khỏi giường, Tuệ Quân thường nói;

-Để em gọi "room service" nghe.

Rồi cô mở toang hai cánh cửa sổ cho trăng tràn vào chăn gối của anh, cô pha trà mang tới, hai người nhâm nhi từng ngụm trà nhỏ, cô hát từng câu nho nhỏ của bài ca. Erik nửa nằm nửa ngồi, mơ màng nghe cô hát. Tuệ Quân giấu thật sâu những cảm xúc của mình trong lồng ngực, cô hát bằng giọng hát trầm bổng, nụ cười trên môi, ánh trăng trong mắt, cô vừa nhìn Erik vừa say sưa hát. Erik uống từng lời ca trên môi cô cùng với ánh trăng. Trong căn phòng nhỏ chỉ có mặt của hạnh phúc và trăng. Bệnh hoạn đứng thật xa ngoài khung cửa sổ, trong một khoảng tối tăm nào đó ở góc vườn.

Trong hai năm chống trả với bệnh ung thư, Erik cố sống thản nhiên với nó. Anh thay đổi cách ăn uống, uống thuốc và theo dõi bệnh cùng với bác sĩ, anh làm việc bán thời gian, anh tin là anh sẽ thoát. Nhưng sức khỏe càng ngày càng giảm, anh phải nghỉ hẳn.

Tuệ Quân vừa đi làm vừa săn sóc anh. Cô cũng giữ mình như một bông huệ trước mắt Erik. (không cho anh nhìn thấy cái héo hắt của mình)

Một buổi tối anh bỗng thấy khó thở, Tuệ Quân gọi xe cấp cứu đưa anh vào bệnh viện, anh cũng chỉ nghĩ sau một hai ngày, anh sẽ lại về nhà ngay, anh vừa thở vừa nói với Tuệ Quân trong lúc được cáng vào xe cấp cứu:

-Nhớ đem vào cho anh cái quần dài để anh mặc khi về nghe. (lúc đó anh đang mặc quần cụt)

Nhưng anh không bao giờ trở về nhà nữa. Nước vào phổi và không rút ra được. Tuệ Quân đứng bất lực nhìn những chiếc ống luồn vào trong lồng ngực anh, nó không cứu được Erik nữa, hơi thở đang bay từ từ ra khỏi lồng ngực anh. Cái khung hình biểu đồ tim đặt ở đầu giường Erik với đường chỉ nhấp nhô lên xuống, hình như đang cố tình kéo căng thẳng ra. Trong cái thinh lặng của phút giây sinh tử, giữa những người thân của gia đình anh, Tuệ Quân bỗng cất tiếng hát.

Cô hát bằng tiếng Trung Hoa, tiếng mẹ đẻ của cô, những câu hát nằm trong tiềm thức của cô từ thời thơ dại bỗnglại nở bung ra như những bông hoa rơi từng cánh, từng cánh, xuống thân thể thoi thóp thở bằng máy của Erik.

Trong vườn có bông hoa nhài nhỏ, cánh trắng mong manh, hãy hái cho em đi anh !

Trong vườn có bông hoa mầu đỏ, hãy hái cho em đi anh!Hãy hái cho em đi anh!

Gia đình Mỹ của Erik đứng chung quanh im lặng, lắng nghe từng tiếng hát của Tuệ Quân rơi xuống theo những giòng lệ trên má cô, họ không hiểu ngôn ngữ của cô, nhưng họ hiểu đó là những cánh hoa cuối cùng Tuệ Quân có thể tặng cho Erik.

 

Erik nằm thở từng hơi rất nhẹ, rất nhẹ! Âm thanh êm ái đó dắt anh vào vườn hoa, những câu hát thân quen này Tuệ Quân vẫn hay hát cho anh nghe trong những khi hai người ngồi dưới ánh trăng, tiếng hát khe khẽ của Tuệ Quân thường làm rung cả ánh trăng đang chẩy trên mặt trên vai hai người. Erik nuốt vào thanh quản của mình những câu hát như những cánh hoa trăng đó, anh thả nó trôi bồng bềnh trong lồng ngực của mình, lồng ngực sũng nước của anh như một chiếc hồ nhỏ đang nhận từng cánh hoa trăng nhẹ nhàng rắc xuống. Erik thở hơi cuối cùng khi nhận cánh hoa cuối rơi xuống từ thanh quản Tuệ Quân. Cô phủ phục trên ngực Erik, nước mắt của cô tan ra, trút xuống như những cánh hoa trăng.

Những ngày sau này, Tuệ Quân vẫn không hiểu bằng một thúc đẩy nào mà cô lại có thể hát những câu hát tiếng Hoa giữa một gia đình Mỹ của Erik trong hoàn cảnh như thế? Tiếng hát tự nó bật lên, bài hát mà Erik thích nhất. Tuệ Quân nhớ lại, trước đây cô có hát cho anh nghe một vài bài tiếng Hoa khác, nhưng bài nào anh cũng lắc đầu, chỉ có bài hát bông hoa trắng, bông hoa đỏ của tuổi thơ này là anh khen hay mỗi khi cô cất tiếng hát trong vườn trăng. Có lẽ tại ánh trăng trộn lẫn vào tiếng hát làm cho nó hay hơn những câu hát khác, vì Tuệ Quân thỉnh thoảng cũng có hát bài này trong lúc đứng nấu ăn hay ngay cả lúc đi bộ với nhau, thì không thấy Erik khen chê gì cả.

Gia đình Erik lo mọi việc tang ma. Hai đứa con riêng mười bẩy và hai mươi tuổi của Erik ở xa được gọi về. Mười lăm năm gắn bó với nhau, trước sau gì Tuệ Quân vẫn chỉ là một người tình, cô lui về căn nhà nhỏ của hai người chờ những lời gọi. Họ đã hỏa táng Erik và Tuệ Quân không được gọi tới trong ngày đó. Không sao! Cô mất Erik bằng xương bằng thịt chứ không phải bằng một nắm tàn tro. Với Tuệ Quân đời sống sẽ không còn như cũ nữa, cô như người bước hụt, hai chân đứng không vững. Tuệ Quân xin nghỉ việc dài hạn, không lương.

Cô thu xếp chăn, giường, quần áo của Erik cho đi hết. Nhưng sao, nhìn đâu cũng thấy anh còn hiện diện. Anh ở ngay trên mấy cuốn sách, ở cái ly nước uống, ở bộ đồ trà, ở cái ghế dưới chân giường hay ở cái ghế ngoài vườn. Tất cả những thứ đó làm sao mà xóa được dấu tích của hai người đã chạm tay vào, đã ngồi, đứng cùng nó trong bao nhiêu năm dài. Tuệ Quân phải đi gặp đến hai người cố vấn tâm thần. Họ lặng im nghe cô nói, cô thấy an ủi phần nào khi có người biết nghe nỗi đau của mình. Có hôm Tuệ Quân thấy cô thật bình tĩnh, nhìn xuống nỗi buồn như nhìn xuống hai bàn tay mình với sự chấp nhận, nhưng chỉ một, hai hôm sau thôi, cô lại khuỵu xuống tưởng như có ngàn thước đá đổ trên vai, và chôn lấp cô ngay trong căn bếp nhỏ của mình.

 

Một tháng sau ngày Erik mất, gia đình anh tổ chức một buổi tưởng niệm nhỏ cho anh trong một khu vườn Nhật ở Seattle. Tuệ Quân được mời tham dự.

Mùa thu vỗ về nỗi đau của người còn lại bằng một ngày nắng đẹp. Gia đình và bạn hữu của Erik khoảng hai mươi người, Tuệ Quân được mời đến như bạn, cô đem theo vợ chồng một người bạn thân của cô và Erik cho bớt chông chênh.

Giữa khung cảnh vườn thu với hồ nước trong vắt, cá Anh Vũ bơi lội, cỏ cây sắc đỏ chen với sắc vàng, trong một căn lều dùng làm nơi nghỉ chân cho người ngắm cảnh, mọi người tụ họp nhau lại, nhắc đến tên Erik, nhắc những kỷ niệm với anh. Những tiếng cười khẽ bật lên có pha tiếng nấc, tiếng khóc ấm ức của hai đứa nhỏ con anh, chúng đứng khóc trên vai mẹ chúng. Tiếng rơi của những chiếc lá vàng, tiếng quẫy đuôi của cá Anh Vũ, tiếng vỗ cánh của một con chim vừa bay ngang. Tuệ Quân yên lặng nghe tất cả những tiếng động đó, cô tập trung tư tưởng hình dung ra Erik đứng ở góc nào trong căn lều này? Chắc anh đang ôm hai đứa nhỏ, hay anh đang đứng sau lưng mấy người em, hay anh ngồi ngay trước mặt người mẹ già của mình. Tuệ Quân biết dù đứng ở đâu, chắc chắn anh cũng đang nhìn cô.

Bỗng dưng cô nghe thấy mình hát, bài hát có bông hoa trắng, bông hoa đỏ bằng tiếng Hoa lại rung lên trong thanh quản cô, cô chăm chú theo dõi tiếng hát. Tiếng hát rung lên như những cánh hoa trăng đang rắc xuống trong khu vườn tràn ngập nắng thu, rắc lên tóc, lên vai mọi người. Nhưng Tuệ Quân biết, lần này chỉ có mình Erik và cô thưởng thức bài hát trong thế giới vườn trăng của hai người.

Bất giác cô nhìn lại anh và mỉm cười.

 

 

Trần Mộng Tú

20 Tháng 10/ 2005

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Bảy 20225:29 CH(Xem: 7903)
Ông Đình ngồi bên lan can tầng một, với be rượu đế Gò Đen, một đĩa đậu phộng. Dưới chân là con đường Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận, có hàng cây sao thấp thoáng mấy con sóc nhí nhảnh chuyền cành, thỉnh thoảng xòe đuôi dài đú đởn với nhau. Chúng không quan tâm đến xe cộ như dòng thác lũ cuồn cuộn chảy. Thói quen uống rượu một mình với đậu phộng rang, có từ hồi tham gia kháng chiến chống Pháp trên đất Bắc. Quê ông, một tỉnh cực Nam Trung bộ, nắng gió nên ít người nhâm nhi ly rượu với lạc rang như ở Thủ đô. Năm nay ông đã 82 tuổi, có năm mươi năm làm nghề, ông đã tham gia khai quật hàng trăm ngôi mộ cổ. Về hưu đã lâu, nhưng nhờ vốn kiến thức, ông vẫn được mời tham gia vào những đợt khảo cổ. Ông thông thạo chữ Pháp, chữ Hán, ngôn ngữ rất cần cho việc khám phá thư tịch cổ.
21 Tháng Bảy 202211:05 CH(Xem: 7921)
Ngày X, tôi tỉnh dậy trên giường, bác sỹ, y tá và cả hộ lý nhìn tôi, cái nhìn từ trên xuống, còn tôi thấy họ chụm đầu, vài đôi mắt kính của họ lấp loáng những tia sáng, những ngọn đèn trên trần cũng hắt xuống một thứ ánh sáng dịu.
07 Tháng Bảy 20222:40 CH(Xem: 8257)
Sau gần mười năm “gió bụi”, Nguyễn Du mới trở về quê hương, với sông Lam, núi Hồng. Hai anh em đều ngỡ ngàng vì làng Tiên Điền trở nên tiêu điều xơ xác. Những ngôi nhà xinh xắn, những vườn cây sum suê trái ngọt đã bị đốt phá, ngổn ngang nền nhà gạch đá nham nhở, những cây cổ thụ trơ gốc cháy xém. Đó là quang cảnh sau cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Quýnh- anh cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du năm Tân Hợi 1791.
03 Tháng Bảy 202211:33 SA(Xem: 7801)
Ở nhà thường gọi là chị Xíu. Tên của chị là Lan Vy - chị họ của tôi. Chị em tôi chơi thân với nhau như chị em ruột. Tôi không có chị gái nên hình mẫu của tôi chính là chị để mà học hỏi. Chị nổi tiếng xinh đẹp và hiền thục ngay từ lúc còn là nữ sinh đệ nhất cấp. Khi vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) bác tôi có mời một anh sinh viên tên là Vinh về kèm cho chị học. Anh ấy nhiệt tình, kiến thức vững và tính cách cũng đàng hoàng. Năm tháng trôi đi học xong đệ nhất cấp, chị thi đỗ vào trường Nữ trung học Thành Nội. Mẹ chị là một người phụ nữ đẹp, phúc hậu và đặc biệt là có giọng hát ru và những làn điệu dân ca xứ Huế rất hay. Ngoài giờ học chị được mẹ kèm cặp, nữ công gia chánh như đan lát, thêu thùa, làm các loại bánh trái, nấu được những món ăn đặc trưng xứ Huế rất ngon.
29 Tháng Sáu 20226:22 CH(Xem: 8446)
...lần nầy bà quyết tâm bỏ nhà ra đi. Mà đi đâu? Tới nhà con trai thì ngại với dâu. Tới nhà con gái thì ngại với rể! Suy đi tính lại, bà quyết định sẽ đi share một căn phòng, ở một mình cho sướng cái thân. / Thôi thì ráng chịu đựng đêm nay. Chỉ một đêm nay thôi. Rồi sáng mai bà sẽ đi mua mấy tờ báo kiếm phòng thuê. Bà sẽ kiếm cái nhà nào gần chợ Việt Nam cho tiện. Người bạn thân của bà, có lão chồng tòng teng bồ bịch ở Việt Nam, tức mình bỏ ra ngoài share phòng ở, đã hùng hồn phát biểu rằng sướng như tiên. Người ta làm được, mắc gì bà không làm được. Sáng bà sẽ đi bộ với mấy người bạn, rồi tiện ghé chợ. Chiều coi ti vi. Tối đọc sách. Tự do thoải mái, không bị vướng bận gì hết. Khỏe ru rù rù.
23 Tháng Sáu 20224:49 CH(Xem: 8438)
Dù sao em vẫn cảm ơn anh. Nếu quay lại từ đầu, em vẫn làm như vậy. Em đã sung sướng đến nhường nào khi được cùng anh bay lên miền hạnh phúc. Anh biết không, giờ đây, trong từng hơi thở, trong mỗi giấc mơ, em vẫn đang bay lên, bay lên cùng anh khi em sống lại những giây phút đó.
15 Tháng Sáu 20221:33 SA(Xem: 8693)
Em cúi đầu, giọng thấp hẳn xuống: - Cô ơi, theo em được biết, hồi xưa, một trong những hình phạt vô cùng kinh hãi là tứ mã phanh thây. - Ừ, chỉ hình dung thôi cũng đủ khiếp sợ. - Dạ, tay chân của phạm nhân bị cột vào bốn sợi dây nối vào chân bốn con ngựa. Khi hành hình, các nài ngựa sẽ thúc ngựa phi ra bốn hướng; nếu không có nài ngựa, người ta sẽ thét to lên hoặc đánh ngựa để chúng hoảng sợ bỏ chạy. Và bốn sợi dây sẽ kéo tay chân phạm nhân đến khi thân thể của họ bị xé ra. - Ôi thôi! Nghe sợ quá! Sao bỗng dưng em lại nói đến chuyện đó? Em chậm rãi: - Dạ, em đã tìm đọc nhiều thiệt nhiều những kiểu hành hình đau đớn nhất để coi cái đau của mình cỡ nào. Cô ơi, em đã từng bị hành hình theo cách tứ mã phanh thây! - Hả?
02 Tháng Sáu 202210:20 CH(Xem: 7650)
Mãi rồi cũng về đến núi. Chính xác là về đến chân núi, đèo Ngao. Vượt qua con đèo dài 32 cây số cả lên lẫn xuống này, mới đến bản Tồng, quê Mìn. Nhảy xuống khỏi thùng cái xe tải chở hàng cứu trợ, nằm vật xuống bãi cỏ bên một búi tre chân đèo. Thở dốc. Mệt mỏi. Mìn ngửa mặt nhìn trời. Trời đầu thu xanh thẳm không một gợn mây, nắng vàng rười rượi ấm áp tỏa khắp nhân gian. Vậy mà sao Mìn thấy lạnh lẽo quá. Lạnh từ trong tâm can ruột rà sâu thẳm lạnh ra. Xung quanh không một bóng người, không một tiếng gà kêu chó sủa. Con đường quốc lộ chạy qua chân đèo, con đường đèo nối mấy huyện vùng cao thường ngày tấp nập người xe, vậy mà nay vắng lạnh. Mà mới chỉ đầu giờ chiều. Mọi thứ như có một cái phép thần của mụ phù thủy, vung lên một cái, biến sạch. Khi dời bản bỏ núi xuống phố làm thuê, ba tay Mìn, Lù, Phủ đã uống rượu thề sống chết có nhau. Thế mà bây giờ, về tới chân núi chỉ còn có một mình…
20 Tháng Tư 202210:00 CH(Xem: 9038)
Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết. Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẵm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ.
19 Tháng Ba 202211:54 CH(Xem: 8555)
Sau một đợt công tác phía Nam, hắn bị, đúng hơn là tự nhốt mình trên tầng ba để bảo vệ gia đình hắn: vợ trẻ, hai đứa con gái chưa trưởng thành và bà mẹ đang gần đất xa trời… Trước đợt hắn đi xa, cả Hà Nội đã nháo nhác lên vì F0, ở đâu cũng thấy F0, bạn bè hắn liên tục báo tin bị F0! Cho nên, lúc trở về, hắn tình nguyện cách ly với mọi người, kiểu “i-zô-lê” (isolé) mà hắn sực nhớ ra khái niệm được biết từ hồi làm phim về một người tù số vuông bị lao ở ngục đá Sơn La. Sau 4 hôm bình thường, người bỗng mệt mỏi, họng đau rát. “Thế là ông bị rồi! Đi như ngựa vía mà không bị mới tài!” - vợ hắn kêu lên như cha chết.