- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cấm

12 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 109006)

 

 


camdaibay_2-content


 Việc đặt biển báo cấm đái bậy ở công viên và thực hiện nghiêm túc những gì trong đó đã là phận sự không tránh được của những người quản lí công viên. Bảo vệ có tránh nhiệm trừng phạt những ai làm cái trò vô văn hoá đó.

 Hôm nay Hoàng - một bảo vệ trong công viên đã bắt được quả tang một người dám phá hoại luật lệ của công viên. Ông ta đái vào cây Lan Hồ Điệp đẹp và lớn nhất trong công viên. Công viên hoa này vậy đã thành ô uế.

 - Tôi thành thật xin lỗi, tất cả chỉ vì tôi không nhịn được mà trong công viên này nhà vệ sinh xây vẫn chưa xong.

 Người đàn ông luống tuổi, bộ dạng nhếch nhác, mái tóc bết đất cố nài nỉ. Hoàng giơ dùi cui lên, gã quát “ Ông bạn phải chịu trách nhiệm về chuyện này. Nếu đây là nước ngoài ông đã phải vào tù rồi”

 - Tôi rất xin lỗi. Tôi có thể bồi thường.

 Hoàng cau mày “ Không bồi thường gì cả. Ông xem, thứ nước bẩn thỉu của ông đã làm tổn thương anh bạn bé bỏng này. Nó sẽ chết vì thứ mùi ô uế này”

 - Tôi nghĩ cái cây này sẽ lớn nhanh hơn.

 - Ông đang huỷ hoại công viên đấy.

 Hoàng chĩa dùi cui vào mặt người đàn ông “ Tôi sẽ đưa ông tới gặp quản lí công viên. Ông ấy sẽ nói cho ông rõ”

 Người đàn ông vò đầu, ông bảo “ Chỉ là một bãi nước tiểu thôi mà.”

 - Ai cũng như ông thì công viên hoa này sẽ thành công viên nước đái.

 - Lỗi cũng ở các anh. Các anh xây một công viên lớn như vậy. Các chậu hoa đẹp và hệ thống tưới cây hiện đại cùng những nhà ăn sang trọng mà quên rằng khi đã ăn quá tải con người cần làm gì.

 - Xin lỗi ông. Những công trình hiện đại này là đủ cho một công viên rồi. Ông nhìn mà coi. Ở đâu mà lại đẹp và tự do như ở đây. Các ông có thể đưa tình nhân vào những rậm khuất rúc rích mà không ai nói gì, ông có thể mang bóng đến đá và thoải mái ngắm nhìn những loại cây đẹp nhất với giá vé rẻ mạt.

 - Tự do nhưng các người vẫn đặt biển báo.

 - Cái gì cũng có quy định. Đến đây ông được tự do nhưng sự tự do đấy vẫn phải theo quy định của công viên.

 Hoàng ngắm người đàn ông một lần nữa. Rõ là một ông già quê mùa dở hơi. Mùi thơm của những khóm hồng, lan chi hồ điệp không xua được thứ mùi chua nồng trên cơ thể ông. Hoàng nói “Ông già, hãy cùng tôi gặp quản lí. Nhưng trước hết hãy cho tôi xem chứng minh thư và giấy lái xe của ông”

 - Này. Anh là bảo vệ chứ không phải cảnh sát và tôi cũng không phải phạm tội gì lớn lắm.

 - Tôi muốn biết lai lịch của ông. Ông phải tuân theo quy định công viên chứ.

 Gã chỉ tay vào biển nội quy đặt ở gần đó. Ở mục gần cuối có ghi “ Nếu ai vi phạm và bị bảo vệ công viên bắt được. Bảo vệ có toàn quyền xử lí”

 Ông già đành nghe theo. Ông loay hoay rút chiếc ví da rách nát rồi lấy chứng minh và bằng lái xe ra. Hoàng xéo mắt nhìn, gã giật lấy ví. Người đàn ông bảo “ Anh làm gì vậy”. Hoàng nói “ Tôi muốn tự tay kiểm tra”

 Gã lục trong lục ngoài. Tiền chẳng nhiều lắm. Gã kéo khoá ngăn ngoài cùng. Có một tờ danh thiếp. Gã chun mũi vì mùi ẩm của cái ví. Khi tấm danh thiếp được lôi ra và những gì ghi trong đó in vào não gã thì gã bỗng kêu lên một tiếng. Hai con mắt bạnh to ra, khuôn mặt gã méo mó thảm hại.

 Nguyễn Thành Trọng

 Bộ trưởng bộ....

 .........................

 .........................

 Hoàng run rẩy khiến cái ví và tờ danh thiếp kia rơi xuống. Gã cúi xuống nhặt.

 - Dạ. Xin lỗi ông. Có lẽ tôi nhầm. Hình như mắt tôi có vấn đề. Vừa nãy là... Là một người khác đái bậy chứ không phải ông.

 - Chính tôi đã đái bậy.

 - Ôi, đúng là một sự thành thực vĩ đại. Chỉ có những bậc vỹ bậc như ngài mới có nghĩa cử cao quý như vậy.

 Người đàn ông im lặng, ông ta chẳng biết phải nói gì. Và gã bảo vệ đứng đắn kia vẫn tiếp tục bài diễn văn ngớ ngẩn

 - Nước tiểu của ngài. Đúng là thứ nước thánh. Ngài trông, cây lan hồ điệp đang nhấm nháp thứ chất bổ đó. Vài ngày trước cây lan đang khô héo nhưng giờ đây nó đã tươi trở lại. Ngài đã cứu nó.

 - Tôi đã vi phạm nội quy, anh sẽ dẫn tôi đi gặp quản lí chứ?

 - Dạ không. Ngài đã đi vượt lên cái nội quy đó. Ngài là một vị thánh, ngài đã cứu cây lan hồ điệp. Ngài có thể cứu thêm vài cây nữa chứ ?

 Hoàng khúm núm trông đến tội. Người đàn ông nhìn gã mà phì cười. Ánh mắt của gã đổi nhanh không ngờ. Ánh mắt đó như một sự sùng kính. Một lòng thành đáng khâm phục.

 Ngay cả khi người đàn ông đó đi rồi, Hoàng vẫn khép nép, cái miệng luyến thoắng chưa chịu khép.

 Cái công viên hoa rộng lớn này, khu vệ sinh vẫn bỏ trống. Quản lí công viên có lẽ đã quên mất điều này, ông ta và một vài người nữa đang dự tính xây thêm một đài phun nước nằm giữa công viên. Các khu bán đồ ăn mọc như nấm và dường như người ta vẫn phải cuống quýt tìm tới các bụi cây.

 Lại có một người nữa bị bảo vệ bắt được. Gã đã kiểm tra danh thiếp, chứng minh và giấy lái xe. Giờ đây gã cùng một người nữa đưa kẻ vi phạm tới gặp quản lí. Người kia vừa đi vừa lốp bốp nói, ông ta đi loạng choạng như người say “Các người đúng là ngu muội. Các người cấm người khác đái bậy trong khi chính các người lại đái bậy. Các người ở đây, cũng ăn cũng uống và các người sẽ làm gì khi mắc tiểu. Các người chẳng dám rời công viên để tìm tới một vệ sinh công cộng bên ngoài đâu. Các người chẳng dám. Nội quy này, các người sẵn sàng bước qua.”

 Tiếng nói ngắt dần. Xa xa, trong một rậm cây có một người đứng xoay lưng, hai tay đặt xuống háng. Hắn mặc trang phục bảo vệ. Tiếng nước chảy róc rách.

 Những biển nội quy mọc sừng sững. Bảo vệ công viên vẫn đi tuần và chiếc dùi cui kia sẵn sàng giơ lên khi thấy ai đó có dấu hiệu vi phạm. Quản lí công viên vẫn cần mẫn như con ong hút mật. Không lâu nữa công viên sẽ lại có một khu công trình mới.

 

Minh Hà

19.9.2010

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 30876)
Sau các chương tiểu thuyết Khi Phong Linh Vỡ đã công bố trên Hợp Lưu, Đặng Thơ Thơ trở lại với thể loại tự truyện và bút pháp cực cảm của mình. Mở Tương Lai ghi lại cái chết của vợ nhà văn Hoàng Đạo, bà ngoại của tác giả, và ghi lại câu chuyện của chính tác giả thuộc thế hệ thứ 3 của Tự Lực Văn Đoàn. "Ba mươi năm đủ để một đứa bé lớn lên, thành người, rồi chết đi mà không cần đến chiến tranh bom đạn..."
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 37737)
Tàu lắc lư chạy trong đêm. Hành khách ba miền của bao nhiêu âm ngữ đã đồng tiếng ngáy. Ngay sát mặt tôi, dưới gầm ghế là hai bàn chân giao chỉ với ngón cái xòe ra, dính đầy bùn đất của anh nông dân vừa lên tắt hai bao sắn qua cửa sổ. Trên ghế đối diện, thuộc về giai cấp khác, mấy ông cán bộ đi công tác với cặp táp, điếu cày đang ép nhau ngồi.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 127905)
Thạnh móc trong túi ra một miếng vải được buộc túm chặt bằng lạt tre, cẩn thận gỡ sợi lạt. Một dúm muối hột đen bẩn hiện ra. Thạnh trân trọng, nâng niu múc, vừa chẵn được hai thìa, đổ vào bát của Tường.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 41439)
Ban đầu chúng tôi nằm cạnh nhau. Tôi tựa đầu lên chiếc gối lam nhìn ra bầu trời phía Tây Bắc ngang vòm cửa sổ. Bầu trời đục mây, những đám mây xám di chuyển nhanh và gần qua chóp những cao ốc; những cao ốc dựng ngược, đâm thẳng lên trời, án ngữ gần hết diện tích cửa sổ phòng. Lấm tấm trên mặt diện tích ấy là những vệt sáng vừa thắp. Những chấm sáng hòa với một thứ màu dị hợm của hoàng hôn úa đọng lung linh lên màu hồng máu trên cánh cửa kính.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 38641)
LTS: Tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1938 tại Quảng Nam, Cung Tích Biền thuộc thế hệ nhà văn hứng chịu và tham dự trực tiếp nội chiến. Theo học Văn Khoa Huế, Luật Khoa Sàigòn trước khi bị động viên rồi trải qua nhiều đơn vị pháo binh, thiết giáp của quân lực VNCH cho đến ngày giải ngũ vì thương tích năm 1973, nhà văn khởi đăng truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Nghệ Thuật vào năm 1966.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 111099)
Dực đã đi rất đỗi nhẹ nhàng. Dực đang chỉ chạm khẽ mũi giầy vào bậc thang gỗ. Cảm giác Dực đang bay. Bậc cầu thang nâu bóng mầu thời gian, nâu bóng rêu phong những kiếp người hình trôn ốc. Có người đang nhìn Dực, nhiều người đang nhìn Dực. Họ kinh ngạc trân trối ngóc đầu lên những bậc cầu thang gỗ.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 29464)
Tôi có bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại hiếm thấy. Bàn tay không thay đổi theo mùa hay béo gầy cơ thể. Thụ bảo bàn tay tôi không tuổi tác trọng lượng. Hồi hai mươi tuổi, mới ra trường nằm nhà ba tháng, chỉ ăn và ngủ, cơ thể trồi lên những múi thịt, nhưng bàn tay tôi vẫn mảnh dẻ.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 31907)
Em chết rồi. Vậy là em đã chết rồi. Em không biết mình có đau đớn trước khi chết hay không. Vì em chẳng biết gì khi sắp chết. Một gói thuốc chuột Trung Quốc em mua của những người nhà quê ra phố bán dạo. Họ mở vài bản nhạc xưa cũ thật buồn và thật cười. Ngày trước em nghe họ rao những câu vần vè có cả chuột ta chuột tây trong ấy, bây giờ cấm rồi, chỉ nghe những lời hát rề rà, cọt kẹt, nhừa nhựa.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 33116)
Cuối tháng Ba, tôi về thăm quê. Quê tôi ở tỉnh Đông, nhưng gia đình đã chuyển vào vùng kinh tế mới ở Bảo Lộc, Lâm Đồng từ sau gày miền Nam giải phóng. Tình cờ lúc qua đò Vạn tôi lại gặp bá Vần. Bá hỏi: “Anh về một mình?” Tôi đáp: “Vâng”. Bá hỏi tiếp: “Anh về lâu không?” Tôi nói: “Thưa bá, cháu về được một tuần”. Bá Vần nghĩ một lúc rồi bảo: “Thế thì ngày mai anh nên thu xếp đến thăm cái Hà. Nó đang nằm ở bệnh viện huyện. Bệnh nặng lắm, có lẽ không qua được”
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 98291)
Chồng tôi hành nghề kỳ quặc: Kiểm tra trí nhớ của con người. Lấy anh tôi mới khám phá, anh thường xuyên theo dõi những giấc mơ của mình. "Em có thai phải không?" Sau tháng đầu tiên Công đã dọ hỏi. Tôi lắc đầu tươi tỉnh. Giấc mơ đêm khuya còn sáng hồng bụ bẫm bắp chân hài nhi. Tôi biết chắc tôi chưa có mang, nhưng làm sao Công biết tôi đã nằm mơ thấy đứa trẻ? Sáu tháng hạnh phúc trôi qua như gió hắt mặt hồ.