- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TỬ SANH HỮU MẠNG

10 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 42187)



 phannitan

 Nhà văn Phan Ni Tấn

 

Hồi đó công việc làm mướn của con Ứng cho thím Tư Đực là theo ghe nấu cơm, giặt giũ, phụ buôn bán và trông chừng ba đứa nhỏ con của thím, sanh năm một từ 5 tới 7 tuổi, toàn con gái. Thật ra thím còn có một đứa con gái đầu lòng lúc mới chập chững biết đi đã bị chết chìm trên sông Cái Bé mươi năm trước. Gọi thím Tư Đực là gọi theo tên chồng thím, làm nghề thương hồ bị trúng mưa mất năm ngoái ở cửa Cần Giờ. Cuộc đời chú Tư Đực ngẫm ra cũng ngộ. Chú sinh ra trên ghe, lớn lên học hành ba chữ cũng trên ghe, lấy vợ, sinh con đẻ cái trên ghe rồi chết đi cũng ở trên ghe. Chồng chết thím và ba đứa con thơ lui ghe về Bến Trống neo dưới sông trước nhà cha mẹ ruột sống nương nhờ. Một năm sau, chờ nguôi ngoai nỗi buồn góa phụ, thím mới trở lại nghề thương hồ. Thân cò với ba đứa con nhỏ làm sao xoay cho xuể, thím Tư Đực nhờ người xuống Thứ Sáu Đình kiếm con Ứng, cháu họ bên chồng, mồ côi cha lẫn mẹ mà mướn nó theo ghe cho nhẹ một tay, nhất là coi chừng ba đứa nhỏ. Ngay chuyến ghe đầu tiên, thím Tư Đực ghé vô chợ Thứ Ba mua thêm hàng hóa, vật dụng, xong ghé Thứ Sáu Đình gặp con Ứng, cẩn thận hỏi han gia cảnh rồi xin phép ông Từ nhận nó theo ghe buôn bán đỡ đần giúp thím một tay. Con Ứng tuy còn nhỏ nhưng thân hình chắc nịch, đôi vai ngang phè lộ ra sức tháo vát; đặc biệt nó có cặp mắt biết cười mà cũng thật buồn mỗi khi nhìn xa vắng.

Ghe thương hồ là căn nhà nổi, lưu động nên từ ngày theo thím Tư Đực, cuộc đời của con Ứng cũng nổi trôi theo con nước mà rầy đây mai đó. Cả đời nó lúc lên 10 đã mồ côi cha mẹ, không bà con thân thuộc nên không có ai hỏi han nó lấy một lời, may sao gặp thím Tư Đực như vị cứu tinh khiến nó mừng mừng tủi tủi.

Con Ứng còn nhớ như in cái ngày nó rời Rạch Giá mà đi cho tới ngày ghe quay lại chí ít cũng ngót 3 năm. Thứ Sáu Đình, lúc con Ứng gạt nước mắt bước xuống ghe cho tới lúc quay về, chợ làng vẫn lụp xụp một vẻ đìu hiu. Gió vẫn thổi mùi biển mặn vô bờ. Khói đốt đồng quen thuộc vẫn hiền như những cánh cò trắng bay lên. Chỉ khác một cảnh đến đau lòng là mồ mả Chệt Má nó không ai coi sóc để bị sạt lỡ, cỏ mọc tùm lum. Sau một hồi quơ quào, nhổ cỏ, dọn dẹp xong con Ứng đặt trước mộ Chệt Má nó một chén gạo, hai ngọn đèn cầy cháy leo heo. Thắp ba cây nhang nó vừa khấn (hổng biết nó khấn cái gì) vừa khóc bù non bù nước đến thím Tư Đực và tụi nhỏ cũng mếu máo khóc theo. Cặp mắt con Ứng như không còn nhìn thấy gì vì nước mắt dâng đầy.

Xẩm tối, nước rút, gió chướng về thổi khô những chỗ sình lầy hai bên bờ kinh xáng. Mấy chiếc xuồng đi chợ về, lướt qua. Nghe tiếng chèo quảy chụp đều đều trên mặt nước tự nhiên con Ứng thèm một mái nhà đến thắt ruột. Nó sụt sùi lấy mu bàn tay quệt nước mắt bước xuống ghe, nghĩ không biết chừng nào mới trở lại.

Trong lòng ghe lúc này đã chất đầy hàng hóa. Bóng đèn “măng-sông” đủ soi sáng vài dạ lúa sớm, vài hũ mắm, mấy thẩu kẹo, bánh ngọt, tiêu tỏi muối đường, đèn pin, thuốc lá… để lủ khủ bên lườn ghe; trái cây như khóm, mía, bí rợ, khoai lang chất thành đống bên kia. Trên trần ghe, cạnh cái khạp bể, quần áo người lớn, trẻ con, đàn bà có, đàn ông có, đủ màu, đủ kiểu xếp ngay ngắn đựng trong bao ny-lông.

Từ đó, đời thương hồ của con Ứng lại trôi giạt muôn phương. Lúc thì chợ nổi Cái Răng; lúc Ba Láng; lúc bến đò Châu Giang; lúc lại giạt xuống tận con kinh Xác Cò, quê ngoại thím Tư Đực, để biết đâu là cùng trời cuối đất. Thân gái mười hai bến nước, con Ứng gắn bó với đời ghe và sông nước nhiều hơn trên bờ. Có lần ở ngã bảy Phụng Hiệp, nó đang lui cui chụm lửa nấu cơm chiều ở đuôi ghe, chợt nghe thím Tư Đực la hoảng:

- Í mèn ơi, A Ứng! Thiếu chút xíu là tao quên trớt quớt. Mầy cầm tiền chạy lên quán chệt Chịa mua cho thím chai dầu lửa coi.

Ở với sông nước lâu ngày chầy tháng đâm quen, lúc bước lên bờ từ con đường đất dẫn lên lộ cái đâu chục thước mà con Ứng có cảm tưởng như… đi trên mây. Mười lăm tuổi đầu rồi còn gì, vậy mà những bước đầu xiên xẹo làm nó thích thú, khó tả. Cái cảnh đời côi cút, nghèo khổ của nó lúc đó như lặn đi đâu mất tiêu.

Có một điều là lạ là ghe thương hồ của thím Tư Đực có trôi giạt bốn phương tám hướng, thỉnh thoảng cũng… trôi về hai quê: một là quê chồng, Rạch Giá, cũng là nơi con Ứng mở mắt chào đời, hai là Đầm Dơi, quê của thím. Thật ra quê chú Tư Đực ở Bến Trống; còn con Ứng ở Thứ Ba Biển. Nói cho cùng cả hai chú cháu đều từ… cây giá mà sinh ra. Bởi vậy con người sông nước, có lênh đênh rầy đây mai đó tận mãi đâu cũng không quên mang theo trong lòng hình bóng cây dừa, bụi chuối hiền lành lả ngọn trên mảnh đất nghèo xơ nghèo xác cạnh bờ kinh của cha ông.

Một hôm, trời tháng Tám, ghe lênh đênh giữa vùng trời nước mênh mông trên dòng sông Trẹm, con Ứng hỏi mới biết thím Tư Đực có ý quay về Rạch Giá thăm nhà và luôn tiện bổ thêm hàng hóa. A! Con Ứng nhớ như in Tết Trung Thu ở miền biển quê Rạch Giá lồng đèn mặc sức lung linh như muốn so ánh sáng với chị Hằng ngự trên cao. Trong giây phút, bao nhiêu hình ảnh thuở ấu thời lại hiện ra. Hồi nhỏ con Ứng lúc nào cũng mình trần, đi chân đất, thích leo trèo, chạy nhảy như con trai với lũ trẻ con chòm xóm. Nghèo mà vui. Ngặt một nỗi cái tật của con Ứng kể ra cũng kỳ cục. Lần nào cũng vậy, đang vui đùa với lũ trẻ trên ghe hổng hiểu mắc mớ gì trong bụng con Ứng lại nhớ tới mồ mả xiêu vẹo của Chệt Má nó, con Ứng lại rầu nét mặt.

Trời đang sáng bửng, thình lình mây đen ùn ùn kéo tới đổ cây mưa như trút. Thím Tư lẹ làng hướng mũi vào một con kinh cạnh góc rừng lá âm u cột ghe vô gốc bần tránh sóng. Mấy trái khóm, trái bí, bầu treo trên nhánh chà đằng mũi ghe vật vựa, ngã nghiêng theo chiều gió thấy rớt xuống nước như chơi. Nước dâng lên thiệt mau, mới đó đã lé đé hai bên bờ kinh, bao nhiêu thân tràm đã trốc gốc, nằm xiêu vẹo, chỏng chơ như cái bồ cào gãy răng. Gió càng lúc càng mạnh, ngoài sông sóng dấy lên, bỏ vòi, bọt trắng xoá.

Mưa gió gì thấy ghê, con Ứng ớn lạnh vội kéo ba đứa nhỏ ngồi sát bên mình, than thầm. Nhìn bốn đứa nhỏ ôm nhau ngồi một cục cạnh chái bếp mặt thím Tư Đực buồn rượi. Thím nghĩ mà tội nghiệp con Ứng, mới mấy tuổi đầu đã mang thân phận mồ côi, học hành gì bao nhiêu vậy mà tối nào rãnh tay một chút là lôi ba đứa nhỏ ra ê a ba chữ i tờ. Nhìn vẻ hồn nhiên của lũ trẻ chụm đầu vào nhau mà tập đọc làm thím xót xa, khẽ thở ra một cái thượt. Lan man một hồi thím lại nhớ về Đầm Dơi, quê thím. Thím nhớ như in ban ngày ở dưới bến xuồng đò qua lại ồn ào, tấp nập, nhớ đêm đêm dưới mái tranh nghèo, bên bóng đèn hột vịt vặn lên tim vừa đủ sáng để ba dạy thím học đánh vần. Rồi thím nhớ về một người đã khuất. Ờ, làm sao quên cho được cái lần đầu tiên chú Tư Đực rụt rè nắm tay thím tỏ tình. Dòm cái bản mặt sượng trân của chú đang cố sửa cái miệng cà hục cà hữ nói không ra lời làm thím dẫu hồi hộp cách mấy cũng phát phì cười. Bây giờ chú Tư Đực đã tan thành sông, thành nước, thím vẫn thầm nghĩ chú vẫn theo ghe phù hồ cho mẹ con được bình an.

Trận mưa hung hăng làm chúa tể bầu trời một thôi một hồi rồi cũng dịu. Sau cơn mưa trời lại sáng. Chỉ chờ có vậy, chờ con Ứng tháo sợi dây trước mũi ghe, la “Xong rồi!” là thím Tư Đực cho ghe ra giữa lòng kinh vội vàng vượt sóng.

Lần này thím Tư Đực đổi ý không muốn ra sông nữa mà luồn qua những kinh rạch vừa đi vừa bán hàng cho bà con chòm xóm trong làng trong ấp tuy nghèo mà hiền lành, chơn chất. Xuôi dòng, ngược dòng, theo con nước lớn nước ròng chiếc ghe thương hồ đi qua thị trấn, đi qua phố huyện hướng về Rạch Giá.

Lúc ghe rẽ vào một con kinh thì trời đứng bóng, đám mây trắng lờ đờ đậu trên cao. Con Ứng đứng thẳng người, tay vịn mui ghe, quan sát. Phía trước, lục bình trôi lêu bêu. Tiếng máy dầu nổ đều đều đẩy mũi ghe rẽ nước sủi bọt lướt tới. Trên trời đàn chim xao xác bay ngang.

Rồi ghe lênh đênh tới con kinh Chống Mỹ, vừa quẹo phải là vùng lau sậy mịt mùng hiện ra, nước ngưng chảy, chỗ cạn chỗ sâu, gió im bặt. Bên kia là những lùm tre um tùm như thành trì mọc sát mé nước. Xa xa rừng dừa nước âm u lả ngọn. Trên chặng đường này thím Tư Đực khá quen thuộc, biết rõ là hang ổ của bọn du kích Việt Cộng thường chặn ghe thuyền qua lại đòi dân nộp thuế. Cũng vì vậy mà máy bay trinh sát phía quốc gia thường rà quanh vùng này. Không ai biết từ lúc nào nhưng thím nghe nói dân canh tác đều biết vàm rạch "chiến lược" này do Việt Cộng đào để chuyển quân, vận chuyển vũ khí cho thuận tiện, mau chóng và hữu hiệu.

Càng nghĩ thím Tư Đực coi bộ càng sốt ruột, thò tay lên cần số cho ghe chạy mau hơn. Ráng qua khỏi vàm kinh này sẽ gặp một cánh đồng mênh mông, đi một khoảng nữa là tới kinh Dài, đỡ sợ.

Nhưng thím Tư Đực vừa bẻ mũi ghe quẹo trái thì gặp trên bờ rạch lộ ra một khoảng trống, đất khô cứng vì nhiều dấu chân người dẫm lên. Trên bờ ba tên du kích mặc quần áo màu cứt ngựa, đầu đội nón tai bèo, chỉa súng, la: "Ghé lại chớ! Ghé lại!". Ghe vừa cặp sát bờ, cả ba tên lần lượt nhảy xuống ghe, mắt láo liên, quan sát. Đây là Việt Cộng, con Ứng nghe nói hoài nên tò mò nhìn thử cho biết mặt mũi chúng ra sao. Thím Tư Đực nói: "Mấy chú cần gì? Chiều rồi, Rạch Giá còn xa lắm. Mấy chú cho tôi đi".

Đang ngồi trước mũi, con Ứng vừa lấm lét liếc ba tên du kích vừa nôn nóng ngó chừng về phía Rạch Giá. Chợt nó nghe tiếng máy bay ù ù vội nheo mắt nhìn lên. Một chiếc đầm gìà cánh bạc bay ngược hướng ghe, thật thấp.

Máy bay xuất hiện quá bất thần làm ba tên du kích hốt hoảng. Một tên quýnh quáng nhảy đại xuống nước. Hai tên còn lại nhào tới lườn ghe ngồi thụp xuống chỉa súng lên trời bắn đại. Súng nổ thình lình bên tai làm thím Tư Đực giựt mình; con Ứng xanh mặt vội lùa tụi nhỏ đang khóc ré nằm dán sát người xuống sàn ghe.

Nghe tràng súng "tắc-cù" dưới ghe bắn lên, viên phi công vội vàng nghiêng cánh bay đi. Không biết được báo cáo ra sao mà liền sau đó, hai chiếc trực thăng như tử thần ồn ào xuất hiện. Một chiếc đứng im yểm trợ cho chiếc kia lượn quanh một vòng, hai vòng, rồi chẳng nói chẳng rằng nó xà xuống nhắm chiếc ghe của thím Tư Đực mà khạc dạn xối xả, xong bồi thêm một trái M 79.

Tiếng kêu la "Trời ơi!" gọn lỏn của thím Tư Đực vừa thốt ra khỏi cổ họng là tắt nghẹn. Ngoài hai tên du kích chết banh xác, còn lại cả nhà trên ghe, gồm năm nhơn mạng cũng không thoát khỏi tử thần. Trong chiến tranh, người chết đâu đợi tuổi, làn tên mũi đạn cũng đâu có lựa những tên gian ác như Việt Cộng mà tiêu diệt. Nghĩa là người dân dẫu có hiền lành, chất phác hay vô tội kia lúc tận cùng bằng số cũng cứ... chết thảm, chết tức tưởi, chết không kịp ngáp dưới lằn đạn oan khiên. Thấy chiếc ghe bốc lửa, khói xông lên cuồn cuộn, nghiêng một bên, từ từ chìm xuống, hai chiếc trực thăng mới bay đi khuất dạng sau rặng tre già.

Ông bà ta thường nói con người sống chết có số. Đúng quá! Đúng là tử tử sanh hữu mạng.

PHAN NI TẤN

tháng 4/2011

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 33570)
Gió thì chết già trên những tán lá rậm rạp. Nhưng gió thu không chết già mà chết trẻ. Heo may thế, mỏng manh thế làm sao sống quá vài phút dưới tầng tầng lớp lớp cơ man lá cành cổ thụ không có tuổi? Huệ mơ màng mộng mị sờ nắn những lớp vẩy cổ thụ đang chà xát vào tấm lưng trần của mình. Huệ không dám bóc lớp vẩy, như thế sẽ làm cổ thụ đau. Huệ chẳng muốn ai đau bao giờ. Lớp lụa mỏng líu ríu trên người Huệ, líu ríu gốc cổ thụ. Gió đang vướng vít chúng với nhau. Nhưng cổ thụ sẽ không làm hư chiếc váy lụa của Huệ, Huệ biết điều ấy.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 30979)
Asada Jiro sinh năm 1951 tại Tokyo. Bắt đầu viết văn từ 1991 khi đã 40. Chỉ ba năm sau, ông được tặng giải Tài Năng Mới mang tên nhà văn Yoshikawa Eiji qua tác phẩm Lấy Xe Điện Ngầm (Metoro ni Notte). Năm 1997, Nhân Viên Đường Sắt (Poppoya) mang về cho ông giải Naoki. Năm 2000, ông lại đoạt giải văn học mang tên nhà văn Shibata Renzaburo với Nghĩa Sĩ Đất Kinh Thành (Mibu Gishiden). Văn ông nhẹ nhàng, điềm đạm, mang mang hoài cảm, trầm trầm như bài thơ bình thanh. Độc giả Nhật bình thường, nhất là phụ nữ rất yêu thích.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 37360)
Con Rếch bật dậy lao nhanh ra ngoài cửa theo phản xạ. Giờ này Hoa đi làm về và bao giờ chị cũng nhấn ba nhát chuông báo hiệu cho con Rếch biết. Trong khi chủ mở cửa, Rếch quẫy đuôi mừng tíu tít. Nó chồm lên cửa, nó cào sồn sột xuống nền nhà, cổ họng rít ăng ẳng. Hoa vừa hé cửa, nó đã xục cái mõm vào khe cố lách qua để chồm lên người chị liếm láp. Quen rồi chị vẫn cứ thấy buồn cười.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 31244)
Danh xưng cho những địa ốc sang trọng bề thế như vậy là, biệt thự, villa. Vài định tính bổ túc: cổ kính, trầm tịnh, và đúng hơn cả: hoang sơ. Tổng quát, đó là kết luận của những người đứng ngoài, những du khách. Ngoài những cảm nghĩ trên, từ họ, nếu gợn thêm lượng nào trắc ẩn thì nó cũng chỉ như vệt sơn mới, khó sức nhòa nhóa hết mọi vết tích trần thế phong sương của kiến trúc hơn nửa thế kỷ
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 43823)
Triệu Nguyên người Nguyên Thuỷ tỉnh Cam Túc, mồ côi cha mẹ từ hồi còn bé, đến nay cũng chẳng vợ con gì. Năm Diên Hựu nhà Nguyên, Triệu đến học ở Tiền Đường, trọ tại Cát Lãnh bên bờ Tây Hồ. Lân cận với nơi chàng ở trọ, là ngôi nhà của Thừa Tứơng Gỉa Tự Đạo đời Nam Tống. Triệu ở một mình, nên cảm thấy nhàn hạ thảnh thơi, thường quanh quẩn bồi hồi ra đứng ngoài cửa những khi chiều xuống.
23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 127950)
Ngủ đi nhé à ơi, cái sâu làm tổ, cái bọ đi chùa, chuồn chuồn thì bơi (Tặng Kiên và sự điên rồ của đêm)
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 32945)
Điều ấy quả là có thật. Mỗi lần nhìn đến chiếc áo ấy, hắn thấy gai ốc nổi lên, xương sống ớn lạnh. Nhưng hắn vẫn thích giữ nó, hắn vẫn thèm được mặc nó. Đã bao lần hắn định lấy ra mặc nhưng rồi hắn dừng lại. Hắn sợ. Chiếc áo ấy là quà của tên bạn thân tặng hắn sau chuyến du lịch Châu Á.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 34613)
Xe qua lại tấp nập, người đông hơn, hình thức cũng thay đổi như tấm thân lâu nay mặc áo vá, áo cũ hôm nay khoác lên chiếc váy lửng và chiếc áo hai dây, chân đi dép hộp, tình cảnh phố phường như người dàn bà sống trong thủ dâm đã lâu, nay có chàng trai đến gõ cửa, chẳng biết phải dâng phần nào cho chàng. Nàng lại nghĩ tấm thân nàng. Tấm thân như tàu lá cải muối rách bươn, nhầu nhĩ lên men mặn chát và chờ người mua.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 41965)
Đêm đặc như lớp nhựa trải trên mặt đường. Chàng ngồi trong vũng keo đặc ấy, cố tìm một hình bóng thân quen. Mưa ngoài khung kính. Không khí mát dịu. Những mảnh vụn của giấc mơ dán chập lên nhau. Rồi một mảnh vụn tuột ra, rơi xuống nền nhà. Cơn mơ nồng cháy bị cắt ngang vì tiếng đấu kiếm loang choang bên ngoài. Chàng mở choàng con mắt. Qua cái khe hẹp dưới khung cửa, ánh đèn phòng khách nhập nhòa.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 40628)
Có tiếng nổ uỳnh uỳnh như tiếng cà nông, tiếng bánh xe lộc cộc trên đá dăm lao vào ngõ, gạt cánh cổng gỗ đánh xoẹt. “Thằng mất dạy nào đấy, có biết nhà ai đây không mà láo lếu thế hở? Thằng nào? Bà có ra mà lôi cổ nó vào đây tôi dạy cho một bài không! Con cái nhà ai thế không biết?”. “Bố! Con đây chứ thằng nào. Bố lại đang uống rượu à, may quá, con về đúng lúc. Đang thèm rượu muốn chết đây bố ạ”.