- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TỬ SANH HỮU MẠNG

10 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 42095)



 phannitan

 Nhà văn Phan Ni Tấn

 

Hồi đó công việc làm mướn của con Ứng cho thím Tư Đực là theo ghe nấu cơm, giặt giũ, phụ buôn bán và trông chừng ba đứa nhỏ con của thím, sanh năm một từ 5 tới 7 tuổi, toàn con gái. Thật ra thím còn có một đứa con gái đầu lòng lúc mới chập chững biết đi đã bị chết chìm trên sông Cái Bé mươi năm trước. Gọi thím Tư Đực là gọi theo tên chồng thím, làm nghề thương hồ bị trúng mưa mất năm ngoái ở cửa Cần Giờ. Cuộc đời chú Tư Đực ngẫm ra cũng ngộ. Chú sinh ra trên ghe, lớn lên học hành ba chữ cũng trên ghe, lấy vợ, sinh con đẻ cái trên ghe rồi chết đi cũng ở trên ghe. Chồng chết thím và ba đứa con thơ lui ghe về Bến Trống neo dưới sông trước nhà cha mẹ ruột sống nương nhờ. Một năm sau, chờ nguôi ngoai nỗi buồn góa phụ, thím mới trở lại nghề thương hồ. Thân cò với ba đứa con nhỏ làm sao xoay cho xuể, thím Tư Đực nhờ người xuống Thứ Sáu Đình kiếm con Ứng, cháu họ bên chồng, mồ côi cha lẫn mẹ mà mướn nó theo ghe cho nhẹ một tay, nhất là coi chừng ba đứa nhỏ. Ngay chuyến ghe đầu tiên, thím Tư Đực ghé vô chợ Thứ Ba mua thêm hàng hóa, vật dụng, xong ghé Thứ Sáu Đình gặp con Ứng, cẩn thận hỏi han gia cảnh rồi xin phép ông Từ nhận nó theo ghe buôn bán đỡ đần giúp thím một tay. Con Ứng tuy còn nhỏ nhưng thân hình chắc nịch, đôi vai ngang phè lộ ra sức tháo vát; đặc biệt nó có cặp mắt biết cười mà cũng thật buồn mỗi khi nhìn xa vắng.

Ghe thương hồ là căn nhà nổi, lưu động nên từ ngày theo thím Tư Đực, cuộc đời của con Ứng cũng nổi trôi theo con nước mà rầy đây mai đó. Cả đời nó lúc lên 10 đã mồ côi cha mẹ, không bà con thân thuộc nên không có ai hỏi han nó lấy một lời, may sao gặp thím Tư Đực như vị cứu tinh khiến nó mừng mừng tủi tủi.

Con Ứng còn nhớ như in cái ngày nó rời Rạch Giá mà đi cho tới ngày ghe quay lại chí ít cũng ngót 3 năm. Thứ Sáu Đình, lúc con Ứng gạt nước mắt bước xuống ghe cho tới lúc quay về, chợ làng vẫn lụp xụp một vẻ đìu hiu. Gió vẫn thổi mùi biển mặn vô bờ. Khói đốt đồng quen thuộc vẫn hiền như những cánh cò trắng bay lên. Chỉ khác một cảnh đến đau lòng là mồ mả Chệt Má nó không ai coi sóc để bị sạt lỡ, cỏ mọc tùm lum. Sau một hồi quơ quào, nhổ cỏ, dọn dẹp xong con Ứng đặt trước mộ Chệt Má nó một chén gạo, hai ngọn đèn cầy cháy leo heo. Thắp ba cây nhang nó vừa khấn (hổng biết nó khấn cái gì) vừa khóc bù non bù nước đến thím Tư Đực và tụi nhỏ cũng mếu máo khóc theo. Cặp mắt con Ứng như không còn nhìn thấy gì vì nước mắt dâng đầy.

Xẩm tối, nước rút, gió chướng về thổi khô những chỗ sình lầy hai bên bờ kinh xáng. Mấy chiếc xuồng đi chợ về, lướt qua. Nghe tiếng chèo quảy chụp đều đều trên mặt nước tự nhiên con Ứng thèm một mái nhà đến thắt ruột. Nó sụt sùi lấy mu bàn tay quệt nước mắt bước xuống ghe, nghĩ không biết chừng nào mới trở lại.

Trong lòng ghe lúc này đã chất đầy hàng hóa. Bóng đèn “măng-sông” đủ soi sáng vài dạ lúa sớm, vài hũ mắm, mấy thẩu kẹo, bánh ngọt, tiêu tỏi muối đường, đèn pin, thuốc lá… để lủ khủ bên lườn ghe; trái cây như khóm, mía, bí rợ, khoai lang chất thành đống bên kia. Trên trần ghe, cạnh cái khạp bể, quần áo người lớn, trẻ con, đàn bà có, đàn ông có, đủ màu, đủ kiểu xếp ngay ngắn đựng trong bao ny-lông.

Từ đó, đời thương hồ của con Ứng lại trôi giạt muôn phương. Lúc thì chợ nổi Cái Răng; lúc Ba Láng; lúc bến đò Châu Giang; lúc lại giạt xuống tận con kinh Xác Cò, quê ngoại thím Tư Đực, để biết đâu là cùng trời cuối đất. Thân gái mười hai bến nước, con Ứng gắn bó với đời ghe và sông nước nhiều hơn trên bờ. Có lần ở ngã bảy Phụng Hiệp, nó đang lui cui chụm lửa nấu cơm chiều ở đuôi ghe, chợt nghe thím Tư Đực la hoảng:

- Í mèn ơi, A Ứng! Thiếu chút xíu là tao quên trớt quớt. Mầy cầm tiền chạy lên quán chệt Chịa mua cho thím chai dầu lửa coi.

Ở với sông nước lâu ngày chầy tháng đâm quen, lúc bước lên bờ từ con đường đất dẫn lên lộ cái đâu chục thước mà con Ứng có cảm tưởng như… đi trên mây. Mười lăm tuổi đầu rồi còn gì, vậy mà những bước đầu xiên xẹo làm nó thích thú, khó tả. Cái cảnh đời côi cút, nghèo khổ của nó lúc đó như lặn đi đâu mất tiêu.

Có một điều là lạ là ghe thương hồ của thím Tư Đực có trôi giạt bốn phương tám hướng, thỉnh thoảng cũng… trôi về hai quê: một là quê chồng, Rạch Giá, cũng là nơi con Ứng mở mắt chào đời, hai là Đầm Dơi, quê của thím. Thật ra quê chú Tư Đực ở Bến Trống; còn con Ứng ở Thứ Ba Biển. Nói cho cùng cả hai chú cháu đều từ… cây giá mà sinh ra. Bởi vậy con người sông nước, có lênh đênh rầy đây mai đó tận mãi đâu cũng không quên mang theo trong lòng hình bóng cây dừa, bụi chuối hiền lành lả ngọn trên mảnh đất nghèo xơ nghèo xác cạnh bờ kinh của cha ông.

Một hôm, trời tháng Tám, ghe lênh đênh giữa vùng trời nước mênh mông trên dòng sông Trẹm, con Ứng hỏi mới biết thím Tư Đực có ý quay về Rạch Giá thăm nhà và luôn tiện bổ thêm hàng hóa. A! Con Ứng nhớ như in Tết Trung Thu ở miền biển quê Rạch Giá lồng đèn mặc sức lung linh như muốn so ánh sáng với chị Hằng ngự trên cao. Trong giây phút, bao nhiêu hình ảnh thuở ấu thời lại hiện ra. Hồi nhỏ con Ứng lúc nào cũng mình trần, đi chân đất, thích leo trèo, chạy nhảy như con trai với lũ trẻ con chòm xóm. Nghèo mà vui. Ngặt một nỗi cái tật của con Ứng kể ra cũng kỳ cục. Lần nào cũng vậy, đang vui đùa với lũ trẻ trên ghe hổng hiểu mắc mớ gì trong bụng con Ứng lại nhớ tới mồ mả xiêu vẹo của Chệt Má nó, con Ứng lại rầu nét mặt.

Trời đang sáng bửng, thình lình mây đen ùn ùn kéo tới đổ cây mưa như trút. Thím Tư lẹ làng hướng mũi vào một con kinh cạnh góc rừng lá âm u cột ghe vô gốc bần tránh sóng. Mấy trái khóm, trái bí, bầu treo trên nhánh chà đằng mũi ghe vật vựa, ngã nghiêng theo chiều gió thấy rớt xuống nước như chơi. Nước dâng lên thiệt mau, mới đó đã lé đé hai bên bờ kinh, bao nhiêu thân tràm đã trốc gốc, nằm xiêu vẹo, chỏng chơ như cái bồ cào gãy răng. Gió càng lúc càng mạnh, ngoài sông sóng dấy lên, bỏ vòi, bọt trắng xoá.

Mưa gió gì thấy ghê, con Ứng ớn lạnh vội kéo ba đứa nhỏ ngồi sát bên mình, than thầm. Nhìn bốn đứa nhỏ ôm nhau ngồi một cục cạnh chái bếp mặt thím Tư Đực buồn rượi. Thím nghĩ mà tội nghiệp con Ứng, mới mấy tuổi đầu đã mang thân phận mồ côi, học hành gì bao nhiêu vậy mà tối nào rãnh tay một chút là lôi ba đứa nhỏ ra ê a ba chữ i tờ. Nhìn vẻ hồn nhiên của lũ trẻ chụm đầu vào nhau mà tập đọc làm thím xót xa, khẽ thở ra một cái thượt. Lan man một hồi thím lại nhớ về Đầm Dơi, quê thím. Thím nhớ như in ban ngày ở dưới bến xuồng đò qua lại ồn ào, tấp nập, nhớ đêm đêm dưới mái tranh nghèo, bên bóng đèn hột vịt vặn lên tim vừa đủ sáng để ba dạy thím học đánh vần. Rồi thím nhớ về một người đã khuất. Ờ, làm sao quên cho được cái lần đầu tiên chú Tư Đực rụt rè nắm tay thím tỏ tình. Dòm cái bản mặt sượng trân của chú đang cố sửa cái miệng cà hục cà hữ nói không ra lời làm thím dẫu hồi hộp cách mấy cũng phát phì cười. Bây giờ chú Tư Đực đã tan thành sông, thành nước, thím vẫn thầm nghĩ chú vẫn theo ghe phù hồ cho mẹ con được bình an.

Trận mưa hung hăng làm chúa tể bầu trời một thôi một hồi rồi cũng dịu. Sau cơn mưa trời lại sáng. Chỉ chờ có vậy, chờ con Ứng tháo sợi dây trước mũi ghe, la “Xong rồi!” là thím Tư Đực cho ghe ra giữa lòng kinh vội vàng vượt sóng.

Lần này thím Tư Đực đổi ý không muốn ra sông nữa mà luồn qua những kinh rạch vừa đi vừa bán hàng cho bà con chòm xóm trong làng trong ấp tuy nghèo mà hiền lành, chơn chất. Xuôi dòng, ngược dòng, theo con nước lớn nước ròng chiếc ghe thương hồ đi qua thị trấn, đi qua phố huyện hướng về Rạch Giá.

Lúc ghe rẽ vào một con kinh thì trời đứng bóng, đám mây trắng lờ đờ đậu trên cao. Con Ứng đứng thẳng người, tay vịn mui ghe, quan sát. Phía trước, lục bình trôi lêu bêu. Tiếng máy dầu nổ đều đều đẩy mũi ghe rẽ nước sủi bọt lướt tới. Trên trời đàn chim xao xác bay ngang.

Rồi ghe lênh đênh tới con kinh Chống Mỹ, vừa quẹo phải là vùng lau sậy mịt mùng hiện ra, nước ngưng chảy, chỗ cạn chỗ sâu, gió im bặt. Bên kia là những lùm tre um tùm như thành trì mọc sát mé nước. Xa xa rừng dừa nước âm u lả ngọn. Trên chặng đường này thím Tư Đực khá quen thuộc, biết rõ là hang ổ của bọn du kích Việt Cộng thường chặn ghe thuyền qua lại đòi dân nộp thuế. Cũng vì vậy mà máy bay trinh sát phía quốc gia thường rà quanh vùng này. Không ai biết từ lúc nào nhưng thím nghe nói dân canh tác đều biết vàm rạch "chiến lược" này do Việt Cộng đào để chuyển quân, vận chuyển vũ khí cho thuận tiện, mau chóng và hữu hiệu.

Càng nghĩ thím Tư Đực coi bộ càng sốt ruột, thò tay lên cần số cho ghe chạy mau hơn. Ráng qua khỏi vàm kinh này sẽ gặp một cánh đồng mênh mông, đi một khoảng nữa là tới kinh Dài, đỡ sợ.

Nhưng thím Tư Đực vừa bẻ mũi ghe quẹo trái thì gặp trên bờ rạch lộ ra một khoảng trống, đất khô cứng vì nhiều dấu chân người dẫm lên. Trên bờ ba tên du kích mặc quần áo màu cứt ngựa, đầu đội nón tai bèo, chỉa súng, la: "Ghé lại chớ! Ghé lại!". Ghe vừa cặp sát bờ, cả ba tên lần lượt nhảy xuống ghe, mắt láo liên, quan sát. Đây là Việt Cộng, con Ứng nghe nói hoài nên tò mò nhìn thử cho biết mặt mũi chúng ra sao. Thím Tư Đực nói: "Mấy chú cần gì? Chiều rồi, Rạch Giá còn xa lắm. Mấy chú cho tôi đi".

Đang ngồi trước mũi, con Ứng vừa lấm lét liếc ba tên du kích vừa nôn nóng ngó chừng về phía Rạch Giá. Chợt nó nghe tiếng máy bay ù ù vội nheo mắt nhìn lên. Một chiếc đầm gìà cánh bạc bay ngược hướng ghe, thật thấp.

Máy bay xuất hiện quá bất thần làm ba tên du kích hốt hoảng. Một tên quýnh quáng nhảy đại xuống nước. Hai tên còn lại nhào tới lườn ghe ngồi thụp xuống chỉa súng lên trời bắn đại. Súng nổ thình lình bên tai làm thím Tư Đực giựt mình; con Ứng xanh mặt vội lùa tụi nhỏ đang khóc ré nằm dán sát người xuống sàn ghe.

Nghe tràng súng "tắc-cù" dưới ghe bắn lên, viên phi công vội vàng nghiêng cánh bay đi. Không biết được báo cáo ra sao mà liền sau đó, hai chiếc trực thăng như tử thần ồn ào xuất hiện. Một chiếc đứng im yểm trợ cho chiếc kia lượn quanh một vòng, hai vòng, rồi chẳng nói chẳng rằng nó xà xuống nhắm chiếc ghe của thím Tư Đực mà khạc dạn xối xả, xong bồi thêm một trái M 79.

Tiếng kêu la "Trời ơi!" gọn lỏn của thím Tư Đực vừa thốt ra khỏi cổ họng là tắt nghẹn. Ngoài hai tên du kích chết banh xác, còn lại cả nhà trên ghe, gồm năm nhơn mạng cũng không thoát khỏi tử thần. Trong chiến tranh, người chết đâu đợi tuổi, làn tên mũi đạn cũng đâu có lựa những tên gian ác như Việt Cộng mà tiêu diệt. Nghĩa là người dân dẫu có hiền lành, chất phác hay vô tội kia lúc tận cùng bằng số cũng cứ... chết thảm, chết tức tưởi, chết không kịp ngáp dưới lằn đạn oan khiên. Thấy chiếc ghe bốc lửa, khói xông lên cuồn cuộn, nghiêng một bên, từ từ chìm xuống, hai chiếc trực thăng mới bay đi khuất dạng sau rặng tre già.

Ông bà ta thường nói con người sống chết có số. Đúng quá! Đúng là tử tử sanh hữu mạng.

PHAN NI TẤN

tháng 4/2011

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tư 20248:23 CH(Xem: 420)
Lê Chiêu Thống là vị hoàng đế thứ 16 và là cuối cùng của nhà Hậu Lê. Triều đại nhà Hậu Lê của ông đã chứng kiến nhiều cảnh rối ren của lịch sử nước nhà. Đó là giai đoạn Trịnh Nguyễn Phân Tranh, cả hai đều mang danh nghĩa "phù Lê diệt Mạc". Chúa Trịnh đã diệt được nhà Mạc cho nhà Hậu Lê. Nhưng quyền hành lại nằm trong tay nhà Trịnh. Và sau đó là sự tranh giành và kết thúc của các đời chúa Trịnh. Và sự phát triển lớn mạnh của nhà Tây Sơn đã đánh đổ Chúa Trịnh với danh nghĩa "phù Lê diệt Trịnh". Lòng dân Bắc Hà hoang mang cực độ. Nguyễn Huệ tuy thắng trận, nhưng chưa nắm được lòng dân nên không xưng đế. Nguyễn Huệ vẫn tiếp tục để nhà Lê làm vua. Nhưng cả ông lẫn nhà Lê điều hiểu rõ quyền hành đang nằm trong tay ai? Nguyễn Huệ tham khảo ý kiến vợ là Công chúa Lê Ngọc Hân việc đưa nhân vật nào lên ngôi. Cuối cùng Nguyễn Huệ đồng ý đưa Duy Khiêm lên ngôi vua. Vua mới đổi tên thành Duy Kỳ, đặt niên hiệu là Chiêu Thống. Ông làm vua chưa tới 3 năm, từ tháng 7 (âm lịch) 1786 tới tháng 1-1789.
14 Tháng Tư 202411:02 SA(Xem: 829)
- “Chiều nay chị nhớ về thăm mẹ, chị vắng năm mười ngày lại nhắc. Hổm rày, cứ mỗi chiều là mẹ ra đứng ngõ sau, dáng như chờ đợi ai!”. Chị em cô Hai tình cờ gặp nhau trên bến sông, lúc cô đang bưng rổ cá từ thuyền lên bờ. Thoáng nghe em trai nhắc nhở về mẹ, tay cô trĩu nặng và lòng nhói lên nỗi niềm sâu kín, lặng nhìn một hồi lâu về bên kia sông, nơi có tuổi thơ cô và với bao người sướng vui buồn khổ đến rồi lại đi như dòng nước lớn ròng của dòng sông quê mẹ. Càng có tuổi người ta có nhiều hồi ức về thời xa xưa, có khi sống với nó hàng giờ như kẻ mộng du.
10 Tháng Tư 20248:36 SA(Xem: 1416)
Buổi tối, Ngạc trở về sau bữa tiệc sinh nhật của người bạn. Ngạc nghĩ tới cô gái Mỹ tóc bạch kim, được tụi Ngạc hùn tiền mướn về để "surprise" Eric. Ngạc nhớ đôi mắt Eric bừng lên ngạc nhiên, cùng dáng điệu lính quýnh khi người con gái gì đầu hắn xuống vùng ngực lồ lộ như hỏa diệm sơn. Cặp chân dài của cô xoắn vào người Eric, bốc lửa. Dư âm của tiếng cười nói, của những nhịp pháo tay rập rình theo theo điệu vũ uốn éo của cô gái khỏa thân vẫn còn theo Ngạc trên đường về.
13 Tháng Hai 202411:02 CH(Xem: 2736)
Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường.
13 Tháng Hai 202410:35 CH(Xem: 2205)
Chuyện Huân có nhiều người yêu thì cả thị xã, quần chúng nhân dân các giới đều biết chứ chẳng cứ gì đám con gái trẻ. Bọn này thực ra cũng đang mắt liên mày láo tia lấy một anh chàng nào đó làm chồng cho xứng đáng cái tấm thân ngà ngọc bố mẹ ban cho. “Lấy chồng cho xứng tấm chồng/ bõ công trang điểm má hồng răng đen”, lời các cụ dạy cấm có sai. Xưa không sai đã đành, nay cũng vẫn đúng nguyên. Nên nói một cách sòng phẳng, hình như Huân bị đám con gái ấy nó chủ động đưa vào lưới tình...
08 Tháng Hai 20242:46 SA(Xem: 2066)
Đôi tình nhân đã có một thời 20 hoặc 30 năm… / Họ, dường như khó hoặc là (!)nhận ra nhau. / “Xin lỗi cô, tôi không cố ý!” / Sự gặp nhau trên bãi tắm . Họ đang bơi và vô tình va chạm nhau.
17 Tháng Giêng 20243:42 CH(Xem: 4181)
“Thế là Tết 1999, lần đầu tiên tôi được bước vào ngôi nhà mà tôi không biết rằng sau này tôi sẽ thường xuyên tới. Mang tới một bó hoa lớn, cầm tờ ghi địa chỉ trong tay, tôi mò mẫm tìm. Khác hẳn suy nghĩ của tôi, ngôi nhà khá rộng rãi, khang trang, lại mang hơi hướng Tây hóa. Thấy tôi, mọi người ai cũng vui vẻ tiếp đón. Trùng hợp là Tết năm đó có cả em dâu cùng cháu trai bên Đức cũng về Việt Nam thăm họ hàng. Chúng tôi nói chuyện, hỏi han về cuộc sống, những vấn đề vấp phải trong xã hội, và kết thúc bằng tiết mục karaoke tại nhà để chào đón một năm mới đầy niềm vui, thành đạt hơn. Ngày hôm đó qua đi nhanh đến nỗi mà tôi gần như không còn nhớ gì đến nó.” (Phạm Ngọc Lương)
22 Tháng Mười Hai 202311:56 SA(Xem: 4249)
Tôi sống như một kẻ không nhà, lang thang suốt dãi đất miền Trung, một bóng trắng mỏi mòn những ngọn đồi trọc, nhọc nhằn vàng những đụn cát hoang sơ, lặng lẽ giữa phố xá ồn ào. Thuở đó, Giáng Sinh vẫn rất lặng lẽ… Đêm Giáng Sinh năm ấy, tôi từ Sài Gòn trở về, xe khách hỏng máy ở rừng cao su thuộc địa phận Đồng Nai( một chuyện rất thường xảy ra). Hành khách bước xuống, những khuôn mặt mệt mỏi, những bộ quần áo nhàu nát. Đa số là những người tha hương kiếm sống, có một số sạch sẽ hơn là những con buôn, và con buôn lúc ấy đều là buôn lậu, cuộc mưu sinh đã làm cho họ trở thành những kẻ gian manh và lì lợm. Hành khách ngửa nghiêng vệ cỏ ven đường lấy những nắm cơm, bắp ngô, khoai lang, trứng luộc ra ăn một cách ngon lành, có một số rải rác vào các quán tranh.
19 Tháng Mười Hai 202311:30 CH(Xem: 3444)
Tuổi 17 của tôi qua lâu rồi. Thuở tôi 17, mọi thứ thật đáng yêu, chuyện tình thôi âm thầm không hứa hẹn trong cái nghéo tay tráo trở ở tuổi 13, vác trên vai chiếc cung lửa, tôi săn mọi cô gái mình ưng ý, đường tên ngọt sớt, giương cung là trúng tử huyệt, có lúc tôi nhắm trượt, phải đặt bẫy, náu mình, bắn hụt, mất cả giỏ tên, bỏ cuộc rồi tiếp tục, cứ thế, tôi mải mê trong cánh rừng say, trái tim tử thương đã bao lần vẫn run rẩy vì tình.
24 Tháng Mười 202311:00 CH(Xem: 5271)
Cạn mấy ly rượu mạnh với anh chủ khách sạn Huy Hoàng để xóa đi cái âm khí nặng nề ở nghĩa trang Hàng Dương, tôi loạng choạng trở về phòng, đóng sầm cửa lại, nằm vật ra giường, chìm ngay vào giấc ngủ. Tiếng gõ cửa làm tôi giật mình thức giấc. Cửa mở, cô gái có khuôn mặt trắng hồng, dáng thon thả, tha thướt trong bộ đầm dài bằng lụa màu mỡ gà; từ đôi mắt, hàng chân mày cho đến làn môi đều xinh tươi... / -Cô tìm tôi? /-Dạ, biển đẹp như vầy, anh ngủ làm gì cho phí, đi dạo với tôi nhé. / Chúng tôi tiến ra bờ biển. Gió lồng lộng, mát rượi, sóng biển vỗ bờ cát trắng rì rầm. Ngoài xa ánh đèn các con thuyền đánh cá thao thức, nhấp nháy khôn nguôi.