- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MỘT CỔ ĐÔI TRÒNG: THỜI NHẬT CHIẾM ĐÓNG, 1941-1945

09 Tháng Mười Hai 201711:43 CH(Xem: 35539)
Trần_Trọng_Kim

 

 

"Giai đoạn ngắn ngủi từ ngày 9/3/1945, khi Nhật đột ngột chấm dứt chính quyền Bảo hộ Pháp tại Đông Dương trong vòng 48 giờ, tới ngày 21/8/1945, khi guồng máy quân sự Nhật sụp đổ là một trong những thời kỳ quan trọng trong lịch sử cận đại Việt Nam. Trong giai đoạn này, hai chính phủ Việt Nam “độc lập” ra đời, chấm dứt tám thập niên Pháp đô hộ, và kích động một cuộc cách mạng xã hội mà đặc điểm là hiện tượng Việt-Nam-Hóa tất cả các cấu trúc xã hội.

Trong khối văn chương hiện hữu, các tác giả đã chỉ chú trọng đến biến cố gọi là “cuộc đảo chánh Nhật ngày 9/3/1945,” hay việc đoạt chính quyền của Mặt Trận Việt Minh, do “Cộng sản” lãnh đạo, được xưng tụng như “cách mạng Tháng Tám 1945,” nhưng với sự yểm trợ của Sở Hành Động Chiến Lược (OSS) Mỹ; trong khi tảng lờ hay tìm cách hạ uy tín chế độ được Nhật bảo trợ, tức “tân” Việt Nam Đế Quốc (11/3-25/8/1945). Vài trường hợp ngoại lệ là những bài viết của Ralph B. Smith (1978) và Masaya Shiraishi (1982). Sử dụng các tài liệu văn khố Nhật liên quan đến việc Nhật tước vũ khí quân Pháp trong tháng 3/1945 và tờ báo Pháp ngữ L'Opinion-Impartial xuất bản tại Sài Gòn, Smith thuật lại tỉ mỉ—nhưng không chính xác cho lắm—cuộc tấn kích quân sự của Nhật (danh hiệu Chiến dịch MEIGO) để lật đổ Pháp và sự thành lập chính phủ Trần Trọng Kim (17/4-25/8/1945) tại Huế. Được tham khảo các tài liệu tương tự, cộng thêm một số tài liệu thành văn Nhật và Việt ngữ, cùng những cuộc phỏng vấn một số tác nhân Nhật, Shiraishi ghi lại đầy đủ chi tiết cuộc thanh trừng ngày 9-10/3/1945 và bí ẩn của việc Nhật lựa chọn các cộng sự viên người Việt. Tuy nhiên, số tư liệu văn khố Pháp dồi dào cùng những ấn phẩm định kỳ Nhật và Việt ngữ đương thời chưa được khai thác kỹ lưỡng, bởi thế các tác giả chưa tái tạo được đầy đủ giai đoạn chuyển tiếp trên, một trong những khúc quanh hệ trọng của lịch sử Việt Nam.

Chương này giới thiệu đầy đủ hơn về giai đoạn kể trên. Trước hết, bài viết sẽ giới thiệu một cách tổng quát tình hình Việt Nam làm nền tảng cho những điều thảo luận, rồi đi sâu vào nội tình Việt Nam, đặc biệt là những việc làm và tầm quan trọng của chính phủ Trần Trọng Kim. Tôi tin rằng chính phủ Kim—trong thời khoảng vỏn vẹn bốn [4] tháng và dưới những điều kiện cực kỳ khó khăn—đã khởi xuất những bước quan trọng về hướng nền độc lập của Việt Nam, kể cả việc Việt-Nam-hóa phần nào guồng máy hành chính bảo hộ Pháp, và đã thương thảo việc thống nhất lãnh thổ trước khi Việt Minh đoạt chính quyền vào tháng 8/1945. Chính phủ Kim đã kích động sự tham gia chính trị của đám đông, cổ súy việc tách rời khỏi ảnh hưởng Pháp, và đã trao cho chế độ thù nghịch và kế vị, tức chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] của Nguyễn Sinh Côn (bí danh Hồ Chí Minh, 1892-1969) một thế hệ tuổi trẻ có tổ chức và chính-trị-hóa—một nguồn tài nguyên quí báu cho cuộc cách mạng tháng 8/1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp kế tiếp. Chính phủ Kim phát động cuộc cải cách giáo dục, kể cả việc chọn chữ Việt mới—dựa theo chữ cái Latin—làm quốc ngữ tại các công sở và trường học. Nếu không khảo sát kỹ những việc làm của chính phủ bị lãng quên này, tôi tin rằng người ta sẽ chỉ trình diện cuộc cách mạng 1945 của Việt Nam một cách sai lạc và đồng thời đơn giản hóa những biến cố kế tiếp đã dẫn đến cuộc chiến tranh 30 năm (1945-1975).

 

VŨ NGỰ CHIÊU"

 

Chương XXIV

MỘt CỔ ĐÔI TRÒNG:

Thời Nhật Chiếm Đóng, 1941-1945

 

 

Thế Chiến thứ Hai (1939-1945) mang lại cho Đông Dương nói chung, và Việt Nam nói riêng, những đổi thay quan trọng. Khi quân Nazi Germany bắt đầu tấn công Pháp vào tháng 5/1940, lực lượng không quân, thiết giáp và bộ binh đi bọc qua chiến lũy Maginot, Blitzkrieg vào lãnh thổ Pháp, rồi chỉ trong vòng 10 tuần lễ Paris đã bỏ ngỏ. Thống chế Henri Philippe Pétain—người hùng Thế chiến thứ nhất của Pháp, đã 84 tuổi—đồng ý hy sinh, đứng ra điều đình ngưng bắn với Adolf Hitler. Ngày 10/7/1940, chế độ Đệ Tam Cộng Hòa Pháp (1875-1940)  cáo chung. Do nỗ lực vận động của Phó Thủ tướng Pierre Laval, Quốc Hội Pháp—gồm cả E Herriot, Chủ tịch; Léon Blum, Vincent Auriol v.. v.., và với số phiếu 569/80—trao toàn quyền cho Pétain thành lập chế độ Quốc Gia Pháp [l’Etat Français], với khẩu hiệu Cần Lao, Gia Đình, Tố Quốc [Travail, Famille, Patrie], nhưng thường biết như chính phủ Vichy, tức tên thủ đô mới ở phía nam.

- “Nous, Philippe Pétain, Maréchal de France” ban hành Sắc Luật số 1, tự cử mình làm Quốc trưởng [Chef de l'Etat].

- “Nous, Philippe Pétain, Chef de l'Etat francais,....” ký Sắc Luật thứ 2, qui định cho mình quyền lực vô giới hạn của các Hoàng đế.

- “Nous, Philippe Pétain, Chef de l'Etat francais,....” ký Sắc Luật thứ 3, tạm ngưng họp Quốc Hội vô hạn định.

- “Nous, Philippe Pétain, Chef de l'Etat francais...” ký Sắc Luật thứ 4, cử Pierre Laval làm người kế vị.

(Sắc luật này sẽ bị sửa đổi 5 lần: 24/9/1940; 13/12/1940 (cách chức Laval); 10/2/1941; 17/11/1942; và, 13/11/1943).

- Phó Thủ tướng: Pierre Laval [cho tới 13/12/1940]; Ngoại Giao: Paul Baudouin; Quốc Phòng: Weygand; Hải quân: Jean Francois Darlan.

- Henry Lémery thay thế Rivière làm Bộ trưởng Thuộc địa [cho tới ngày 5/9/1940] (Lémery 1964:252, 259).

Cho tới năm 1942, “Nous, Philippe Pétain, Chef de l'Etat francais...” ký tất cả 13 Sắc luật. Sắc Luật 11 (18/4/1942) và SL 12 (17/11/1942) & 12bis (28/11/1942) lập nên một thể chế gọi là “lưỡng đầu” [diarchy]—phân quyền giữa Quốc Trưởng [Chef de l'Etat]và Thủ Tướng [Chef du gouvernement].

Một số Tướng tá Pháp không phục, ngả theo phe Đồng Minh của Bri-tên, trong đó có Thiếu tướng Charles de Gaulle, Thứ trưởng Quốc Phòng chính phủ Paul Reynaud. Sau buổi họp ớ Versailles trước khi bỏ ngỏ Paris, Thú tướng Bri-tên Winston S Churchill “khám phá” ra viên tướng trẻ De Gaulle, nhờ vậy, ngày 18/8/1940, De Gaulle sứ dụng luồng sóng phát thanh từ London, kêu gọi kháng Trục, rồi sau khi bị kết án phản quốc, ra tuyên cáo thành lập "Pháp tự do" (France libre), phất cao ngọn cờ chống Đức.

Chẳng cần là một chiến lược gia siêu phàm, bất cứ ai còn quan tâm đến dân tộc đất nước, và thành tâm ghi ơn tiền nhân dựng và giữ nước đều hứng khởi nhận hiểu cơ hội lại đang hé mở cho công trình phục quốc của dân Việt. Nhưng con đường hành động, triết lý thể hiện sứ mạng lớn lao ấy không thể đồng nhất, mà chia năm xẻ bảy tâm thân người Việt.

 

I. NHẬT CHIẾM ĐÓNG ĐÔNG DƯƠNG:

Tại Đông Dương, Toàn quyền Georges Catroux (1939-1940) thoạt tiên hoang mang bất định, chưa biết ngả theo chính phủ Vichy, hay phe Pháp tự do. Mối quan tâm hàng đầu là thái độ hiếu chiến của Nhật. Áp lực Nhật ngày một mạnh theo thời gian. Trong khi Lộ quân miền Nam Trung Hoa ở Quảng Châu gay gắt và dọa nạt đòi Đông Dương phải chấm dứt thái độ thù nghịch, ngày 19/6/1940—tức hai ngày sau khi Thống chế Pétain tuyên bố xin ngưng bắn với Hitler—Bộ Ngoại giao Nhật giao cho Đại sứ Pháp Charles Arsène-Henry một tối hậu thư, đòi chấm dứt ngay việc chuyên chở hàng hóa [chủ yếu là dầu hỏa] cho Tưởng Giới Thạch trong vòng 24 giờ, và phải chấp nhận cho một phái đoàn kiểm soát Nhật trú đóng ở Bắc Kỳ để bảo đảm rằng Pháp nghiêm chỉnh thi hành việc ngưng chuyên chở. Ngay trong ngày 19/6, Catroux đồng ý tạm thời đóng biên giới Trung Hoa. (1)

1. Vu Ngu Chieu.  "Political and Social Change in Viet-Nam Between 1940 and 1946."  Unpublished Ph.D. Dissertation, under the supervision of Prof John R W Smail, Univ of Wisconsin-Madison (Dec 1984), phần II. Xem Phụ Bản I, chương 9 của luận án trên để giúp độc giả hạn hẹp về số vốn Việt ngữ.; Idem., "The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945);" Journal of Asian Studies, XLV:2 (Feb 1986), pp 293-327; Idem.. The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Vietnam (March-August 1945)/Phía bên kia cuộc cách mạng 1945: Đế quốc Việt Nam (3-8/1945) (Houston: Văn Hoá, 1996), sẽ dẫn: Vũ Ngự Chiêu 1996. Xem thêm Kiyoko Kurusu Nitz, "Japanese Military Policy Towards French Indochina During the Second World War: The Road to the Meigo Sakusen (9 March 1945);"  Journal of Southeast Asian Studies, 14:2 (September 1983), tr. 328-53; Service historique de l'Armée de Terre [SHAT] (Vincennes), Indochine, 10 H xxx [75-80].

 

Từ giữa thập niên 1930, giao tình giữa Đông Kinh và Hà Nội-Paris khi nóng, lúc mưa, trầm bổng theo tình hình chiến trận Trung Hoa—trọng tâm chính sách ngoại giao của tất cả cường quốc thế giới. Nhật Bản muốn chuyển hóa từ một cường quốc biển sang một cường quốc vừa biển vừa đất liền qua kế hoạch xâm chiếm Mãn Châu và lãnh thổ phía bắc cùng duyên hải tiêp cận Triều Tiên, tức Chosun, đã trở thành thuộc địa của Nhật từ năm 1910. Tự hào là một cường quốc Âu Châu, Pháp theo gương Bri-tên, Mỹ và Dutch, tạo thành một liên minh yểm trợ tinh thần cho Trung Hoa từ năm 1937. Các trục giao thông thủy bộ từ Đông Dương vào Hoa Nam trở thành ngọn đao hai lưỡi: Một lưỡi cắt xẻ những lợi nhuận do dịch vụ chuyên chở và thương mại; một lưỡi lúc nào cũng sẵn sàng cứa đứt tay vì cả Trung Hoa lẫn Nhật Bản đều quan tâm đến ảnh hưởng của trục lộ tiếp vận chiến lược này.

Như đã lược nhắc trong những chương trước, đường hoả xa này dài 850 cây số, nhưng chỉ có 384 cây số trong lãnh thổ Bắc Việt. Đặc nhượng cho công ty Compagnie Francaise du Chemin de Fer du Yunnan từ năm 1901. Tuyến Hải Phòng/Gia Lâm hoàn thành tháng 4/1903. Tuyến Hà Nội/Việt Trì hoàn tất tháng 11/1903. Tuyến Việt Trì /Lào Kay hoàn tất tháng 4/1906. Từ năm 1938, đây là trục tiếp vận hàng hoá quan trọng bậc nhất cho Tưởng Giới Thạch (1924-1948) tại Trùng Khánh [Chongqing]. Mỗi tháng, khoảng 6,000 tấn xăng nhớt và quân cụ viện trợ Mỹ từ Hải Phòng ngược Lào Kay (Cai) tới Côn Minh. Nhật đã nhiều lần yêu cầu chính phủ Pháp đóng cửa trục tiếp vận này. Đông Kinh còn cử Tướng Tsuchihashi Yuitsui, Tư lệnh tình báo Nhật, qua Hà Nội đề nghị Toàn Quyền Catroux ngưng chở hàng hoá cho Trùng Khánh, nhưng Catroux từ chối trên căn bản “trung lập” vì cuộc chiến Nhật-Trung Hoa mới chỉ là “biến cố” [incident], chưa có tuyên chiến. Hơn nữa, từ ngày 30/3/1940 Thủ Tướng/Đô Đốc Yonai Mitsumasa (16/1-16/7/1940) đưa Wang Jingwei (Uông Tinh Vệ)  ra lập chính phủ Quảng Châu, với Tướng Abe Nobuyuki [A Bộ (?)], nguyên Thủ tướng Nhật (8/1939-1/1940), làm Đại sứ. Cả Vichy và Hà Nội chưa chịu nhìn nhận ngay, dù trên đường tới Nam Kinh, Uông Tinh Vệ từng tạm trú ở Hà Nội.(2)

2. Encyclopédie mensuelle d'Outre-Mer, No. 32, 1953:123-28; Dân Hiệp, 4/4/1940..

 

Ngày Thứ Hai, 1/1/1940  [22/11 Kỷ Mão], phi cơ Nhật oanh tạc một tàu Pháp trên đường xe lửa Hải Phòng/ Vân Nam. 3 Pháp kiều chết. Thứ Năm, 1/2/1940, Nhật lại oanh tạc đường xe lửa Hải Phòng/Vân Nam, giết chết 60 người. Tháng 4-5/1940—nương cơ hội Hitler chiếm Denmark, xâm lăng Norway, chấm dứt giai đoạn “phi hòa, phi chiến” [phoney war], từ Thứ Ba, 9/4/1940—báo chí Nhật lại mở chiến dịch đả kích Đông Dương và Pháp. Luận điệu ngày thêm hiếu chiến. Thứ Hai, 15/4/1940, Ngoại trưởng Nhật Arita ra tuyên cáo nói Nhật bị ràng buộc vào vùng biển nam, nhất là Đông In-đi thuộc Hòa Lan [the Netherlands East Indies]. Ngay hôm sau, 16/4, Ngoại trưởng Cordell Hull cho Đại sứ Mỹ tại Paris biết các đại sứ Bri-tên, Pháp và Mỹ ở Tokyo đã yêu cầu Arita nhớ đến hiệp ước 1921 của Tứ cường về an ninh của Đông In-Đi thuộc Hòa Lan. Hôm sau nữa, 17/4, Hull lại ra tuyên cáo phản đối bất cứ sự thay đổi hiện trạng nào tại Đông In-đi thuộc Hòa Lan và toàn vùng Thái Bình Dương không qua thủ tục hòa bình.  (3)

3. CAOM (Aix), INF, Carton 123, d. 1112; Hull, Memoirs, vol I, pp 888-89; FRUS, Japan, 1931-1941, 1943, vol LL, p. 282.

 

Tình trạng nước Pháp tại Âu Châu càng khiến Nhật tăng gia áp lực. Ngày Thứ Sáu, 14/6/1940, phát xít Nazi tiến vào một Paris bỏ ngỏ. Chính phủ Pháp rút về Bordeaux. Liên lạc giữa chinh phủ và Hà Nội bị cắt đứt. Bởi thế, ngày 19/6, Catroux phải quyền biến tạm ngưng chuyên chở hàng hóa cho Trung Hoa, và khi Tokyo đòi cử một đoàn kiểm soát Nhật tại Đông Dương, Catroux cũng chấp thuận ngay.

Ngày 21/6, sau khi bắt lại được liên lạc với Hà Nội, tân Bộ trưởng Thuộc địa Rivière của chính phủ Pétain cho lệnh Catroux chỉ được đồng ý cho các toán kiểm soát Nhật hoạt động trong lãnh thổ Trung Hoa. Nhưng hôm sau, 22/6, Tokyo thông báo cho Đại sứ Arsène-Henry biết rằng các toán kiểm soát Nhật sẽ tiến vào Đông Dương từ ngày 7/7.

Ngày 24/6, Tokyo cũng bổ nhiệm Tướng Nishihara (Tây Nguyên) Issaku làm trưởng phái đoàn kiểm soát. Ngày này, trả lời công điện ngày 21/6/1940 của chính phủ “Bordeaux,” Catroux biện hộ quyết định hoà hoãn với Nhật chỉ để mua thời gian (gagner du temps). Đông Dương chỉ có 25 phi cơ (so với 200 của Nhật), đạn dược chỉ đủ dùng một tháng. Bởi thế, Catroux đã yêu cầu Mỹ bán phi cơ và quân trang, quân dụng; và xin Bordeaux tăng cường phi công, phi cơ, đạn dược. Ở cuối công điện, Catroux nhấn mạnh: “Tất cả dân chúng gốc Âu và bản xứ đều đứng sau lưng tôi” (Gaultier 1947:24-7).Nhưng chính phủ Vichy vẫn cất chức Catroux, với lý do đã lạm quyền thương thuyết với Nhật, và cử Phó Đô đốc Jean Decoux, Tư lệnh Hải quân Viễn Đông, lên thay. 

Thoạt tiên, với sự thỏa thuận của Decoux, Catroux tiếp tục cầm quyền và điều đình với Bri-tên, nhưng không thành. Decoux cũng không chịu đặt hải quân Đông Dương, nên trước khi chia tay, Đô Đốc Pierce Noble khuyên bạn cũ của mình đừng đưa soái hạm Lamotte-Picquet tới gần Singapore, vì nó sẽ bị đánh đắm. Phần Catroux trở lại Hà Nội, thương thuyêt với phái đoàn Nhật, với sự tiếp tay của Tùy viên Hải Quân tòa Đại sứ Pháp ở Tokyo. Hai bên đồng ý đóng cửa biên giới Đông Dương từ ngày 7/7, và phái đoàn kiểm soát Nhật sẽ trú đóng tại 7 địa điểm, kể cả Fort Bayard, trên đảo Quảng Châu Loan [Guangzhouwan], một nhượng địa ngoâi khơi đông nam Trung Hoa. Hai bên còn đồng ý trên nguyên tắc thảo luận về nột hiệp ước phòng thủ chung Nhật-Đông Dương. Được báo cáo ngày 10/7/1940, Vichy vội xen vào việc thương thuyết. Một mặt, ngày 15/7/1940, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Paul Baudouin—một viên chức cao cấp của Ngân Hàng Đông Dương—đã đề nghị với Đại sứ Nhật tại Vichy, Sawada Renjo, là hai bên sẽ thương thuyết trực tiếp tại Vichy và Tokyo về một liên minh kinh tế và chính trị; và chỉ thảo luận các chi tiết tại Đông Dương.

 

Konoye Fumimaro (22/7/1940-18/7/1941

Matsuoka (Tùng Cương) Yosuke [Ngoại trưởng, 22-7/1940- 18/7/1941]

Tojo (Đông Điều, 1884-1948) Hideki [B trưởng QP, 22-7/1940- 18/7/1941,]

Tokyo đồng ý ngay, nhưng ngày hôm sau, 16/7, Thủ tướng Yonai Mitsumasa từ chức. Hoàng thân Konoye Fumimaro được cử thay thế. Chính phủ Konoye (22/7/1940-18/7/1941) hoàn toàn chịu ảnh hưởng của phe quân phiệt, và cổ võ chính sách thân thiện với Germany. Ngoại trưởng là Matsuoka (Tùng Cương) Yosuke [sẽ từ chức ngày 18/7/1941, và thay thế bằng Đô Đốc Toyoda Teijiro]. Trung tướng Tojo (Đông Điều) Hideki, Thứ trưởng Chiến tranh trong chính phủ cũ, được cử làm Bộ trưởng Chiến tranh. [Ngày 22/7/1940, Đại sứ Ott báo cáo về Berlin rằng Nhật đang chuyển nhanh qua vị thế chống Bri-tên (4) ].

4. IMTFE, Ex 533, III:6257-8

 

Tại Đông Dương, Decous cũng đột ngột thay đổi thái độ, quyết định lên nắm quyền. Ngày 20/7, Decoux ra tới Hà Nội. Hai ngày trước, Vichy đã cho lệnh Catroux phải ngưng thương thuyết, bàn giao ngay cho Decoux.  Catroux chẳng bận tâm  làm lễ đón rước hay bàn giao, vào Đà Lạt sống ít lâu, rồi trốn khỏi Đông Dương, gia nhập tổ chức của Tướng De Gaulle. (5)

5. Georges Catroux, Deux actes du drame indochinois (Paris: Plon, 1959) pp. 51-2 [henceforth, Deux actes].; Idem., “Rapport sur la crise franco-japonaise de juin 1940 (26 novembre 1944);”  CARAN (Paris), 72 AJ 430; Jean Decoux’s A la barre de l’Indochine:  Histoire de mon gouvernement general (1940-1945) (Paris:  Plon, 1949)

 

Ngày 23/7/1940, Decoux báo cáo Tướng Nishihara và một bộ phận của phái đoàn kiểm soát Nhật trú đóng ở Hà Nội. Toán kiểm soát ở Tiên Yên (Móng Cáy) đã rời lên Fort-Bayard (Quảng Châu Loan). Tổng số sĩ quan, hạ sĩ quan và nhân viên dân sự Nhật lên tới hơn 60 người. Các toán kiểm soát Nhật thực ra chẳng có việc gì để bận rộn. Lệnh đóng cửa biên giới của Catroux được thi hành nghiêm chỉnh. Thêm nữa, một đoạn đường xe lửa gần Lào Kay bị Trung Hoa tháo gỡ, khiến xe lửa không thể chạy qua biên giới. Từ ngày phái đoàn kiểm soát Nhật tới Bắc Kỳ, phi cơ Nhật lên xuống ngày một nhiều, chẳng cần thông báo cho chính phủ Pháp. Chiếc tàu rà mìn xuất hiện ở Hải Phòng đã được thay thế bằng một thủy lôi hạm (destroyer), và Hà Nội cũng không được báo trước. Trong khi đó, một tàu rà mìn lại xuất hiện ở Fort Bayard. Ngày 23/7, một tàu chở hàng với 100 người cặp bến Hải Phòng, chuyên chở lương thực cho Lộ Quân Quảng Châu. Decoux hy vọng rằng sẽ cải thiện lại tình thế, ngăn cản bớt sự “xâm lấn” (hypothèque) của Nhật bằng cách thương thuyết với Tướng Nishihara, và tìm cách kéo dài thời gian thương thuyết. (6)

6. Tels 1860-1867, 23/7/1940, Gougal gửi Colonies, Vichy; CAOM (Aix), CP 193

 

Sau những buổi thảo luận gay go—kể cả một tối hậu thư ngày 1/8/1940, đe dọa sẽ dùng võ lực—ngày 30/8, Ngoại trưởng Matsuoka và Đại sứ Arsène-Henry, ký một Hiệp ước nguyên tắc, theo đó Nhật nhìn nhận chủ quyền Pháp tại Đông Dương. Đổi lại, Pháp nhìn nhận sự ưu thắng của Nhật, và hứa sẽ hợp tác với Nhật để duy trì hòa bình, thiết lập trật tự tại Viễn Đông. Vichy còn thuận cho Nhật trú đóng không quá 6,000 binh sĩ tại Bắc Kỳ, ngoại trừ Hà Nội, và  di chuyển không quá 25,000 quân trên toàn lãnh thổ Đông Dương; các cấp thẩm quyền địa phương sẽ thảo luận những chi tiết áp dụng.   

(CAOM [Paris], INF, Carton 123/1112)Thứ Năm, 1/8/1940: Ngoại trưởng Matsuoka tuyên bố Nhật sẽ thành lập một Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á. Đông Dương và Đông In-Đi thuộc Netherlands (Indonesia ngày nay) được coi như hai quốc gia thân hữu.

- Cùng ngày, Matsuoka trao cho Đại sứ Pháp, Arsène-Henry, một “aide-mémoire” (công hàm) đòi hỏi sự hợp tác của Pháp trong việc giải quyết vấn đề Trung Hoa. Nền tảng của việc hợp tác này là Pháp cho phép Nhật được tự do chuyển quân ở Đông Dương để tấn công Tưởng Giới Thạch; cho phép Nhật sử dụng một số phi trường và phòng vệ những vị trí này; Pháp giúp đỡ việc vận tải vũ khí và đạn dược cho quân đội Nhật. Ngoài ra, Nhật sẽ được hưởng những điều kiện về thương mại giống Pháp tại Đông Dương, và mở ngay những cuộc thương thuyết về kinh tế ở Hà Nội, giữa Tổng Lãnh sự Nhật cùng Toàn quyền Đông Dương. Nếu Pháp từ chối, quân Nhật sẽ được lệnh tiến vào Đông Dương.

 

Để dạy Decoux một bài học luật kẻ mạnh, ngày 19/9/1940, Nhật trao cho Decoux một tối hậu thư bắt phải đạt một hòa ước trước nửa đêm ngày 22/9 (giờ Tokyo, 23G00 VN). Minoda Fujio, một đại diện Nhật, bảo thẳng Georges Gautier, Cố vấn Ngoại giao của Decoux, rằng không thế lực nào có thể ngăn cản quyết định của Nhật hoàng là Lộ quân Quảng Châu của Nhật sẽ tiến vào lãnh thổ Đông Dương sau 23 giờ (tức 24 giờ Tokyo) ngày Chủ Nhật 22/9.

Mặc dù hai phe đã đạt được một qui ước quân sự (thỏa ước Martin-Nishihara) tại Hái Phòng đúng ngày 22/9— Nishihara ký vào bản hiệp ước mà Martin đã ký trước, do René Jouan, Chánh Võ phòng của Decoux, mang xuống Hải Phòng; cho phép Nhật được trú đóng 6,000 quân tại Bắc Kỳ, ngoại trừ Hà Nội; di chuyển không quá 25,000 quân trên toàn cõi Đông Dương; và sử dụng 3 phi trường (Gia Lâm, Lào Kay, Phủ Lạng Thương), 2 hải cảng (Hải Phòng và Cam Ranh)—10 giờ tối đó, Sư đoàn 5 của vẫn đánh chiếm các vị trí Pháp tại Lạng Sơn và Đồng Đăng. 9 sĩ quan Pháp, 4 hạ sĩ quan và 21 binh sĩ tử thương; 1 hạ sĩ quan và 22 binh sĩ mất tích; 3 sĩ quan, 4 hạ sĩ quan, 21 binh sĩ bị thương. Lính bản xứ chết 1 hạ sĩ quan, 5 binh; 7 binh sĩ bị thương; “mất tích” 7 hạ sĩ quan và khoảng 2,000 binh. Nhật thiệt hại khoảng hơn 2,000. (7)  

7. Tels số 2852-3, ngày 30/10/1940, Gougal gửi Colonies; CAOM [Aix], CP 193.

 

Ngày 25/9, Quân đoàn Viễn chinh Đông Dương của Tướng Nishimura Takuma đổ bộ ở Đồ Sơn. Mặc dù Decoux cho lệnh các đơn vị Pháp triệt thoái để tránh xích mích, ngày 25/9 phi cơ Nhật cũng đánh hai trái bom cảnh cáo khi quân Nhật tiến lên Hải Phòng. Từ thời điểm này, Decoux hết sức nghiêm chỉnh hợp tác với Nhật để bảo vệ “chủ quyền” Pháp.

Ngày 17/11/1940, SĐ 5 NLQ Nhật rời Hải Phòng, ngược lên Thượng Hải. Vì vụ tấn công Đồng Đăng, Morimoto (?) và Trung đoàn trưởng của ông ta bị ra toà quân sự. Các tướng Ando Kichi, Tư lệnh Lộ Quân miền Nam, và Kuno bị giáng chức xuống Tư lệnh Sư đoàn. Nhật cũng trả tiền bồi thường thiệt hại cho bạn nhân vụ đánh bom Hải Phòng. (8)

8. IMTFE, Ex 3013, 26854-5

 

Tại Lạng Sơn, Nhật quay mặt làm ngơ cho Công sứ Paul Chauvet tái chiếm Lạng Sơn  ngày 28-29/11/1940, tắm máu những thành phần lợi dụng cuộc tấn công của Nhật nổi dạy.

Nạn nhân bi hùng nhất là Trần Trung Lập cùng các đồng chí Việt Nam Kiến Quốc Quân (VNKQQ), cánh tay quân sự của Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội (VNPQĐMH) tức Phục Quốc của Cường Để, do Trung Tá Trần Phước An, tức Trần Hy Thánh hay Shibata, thành lập. Đơn vị phụ lực Kiến quốc Quân đã theo Sư Đoàn 5 Ngự Lâm Quân tập trung ở biên giới Trung-Việt từ tháng 7/1940. Trong số các cấp chỉ huy có Trần Trung Lập, Hoàng Lương và Nông Quốc Long. Tổng số Kiến Quốc Quân khoảng 2,000 người nhưng chỉ trang bị ba, bốn trăm súng. Đêm 22 rạng 23/9/1940 chiếm phố chợ và kêu gọi được một số lính Việt đầu hàng. Theo báo cáo sơ khởi của Decoux ngày 30/9/1940, Thiếu úy Lương Văn Ý, 7 hạ sĩ quan và khoảng 2,000 lính bản xứ mất tích. Nhưng một nguồn tin báo chí chỉ ghi 50 lính ngả theo Kiến Quốc Quân. (9) 

9. CAOM (Aix), C.P., Carton 193, d. 1;  Thông Tin [Information] (Hanoi), No. 9 (27 May 1945). In 1940 and 1941, Decoux reported that the rebels possessed over 1,000 weapons; SHAT [Vincennes], 10 H xxx [81].  Several years later, in a memorandum aimed at submitting to the Japanese government, he gave the reduced figure of 300 to 400 rifles; CAOM (Aix), INF, Carton 133, d. 1120.

No later than mid-October, and probably much earlier, the Japanese authorities suspended their support for Tran Trung Lap.  On October 15, General Sumita—the new chief of the Japanese Control Mission—signed with the French an agreement on the evacuation of the 5th Division via Tonkin.  Finally, on November 17, this division embarked at Hai Phong and moved to Shanghai. (43) 43.  JM 25, p. 3;  Hata, “Army,” p. 327 n102.

Abandoned by the Japanese, Lap and his associates decided to take action to retain their liberated zone.  They were quickly crushed by French troops. Lap and Doan Kiem Diem were arrested and executed by the French in late December 1940. (44) 44. Tran Trung Lap and 27 others were reportedly executed; Dan Bao (Saigon), 8-10 August 1945.

 

Khoảng 500-600 Kiến Quốc Quân, do Hoàng Lương và Lương Văn Ý cầm đầu, rời Lạng Sơn qua Quảng Châu. Sau đó, Hoàng Lương, Ý và đồng đội gia nhập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội  [Viet Cach, United League of Vietnamese Revolutionaries]. (10)

10. CAOM (Aix), C.P., Carton 192. 

 

Phần Trần Trung Lập—từng tham gia cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917-1918—và Đoàn Kiểm Điểm quyết định ở lại lập mật khu kháng Pháp. Ngày 22/11/1940, Decoux báo cáo với Vichy và Tokyo là chiến dịch tuyên truyền chống Pháp lại xuất hiện ở Lạng Sơn; ba nhân viên hoả xa bị lực lượng Kiến Quốc Quân bắt giữ, hành hạ, khiến 1 người chết. Ngày 28/11/1940, Công sứ Chauvet mang quân tái chiếm Lạng Sơn và Đồng Đăng. Ngày 28/12/1940, Trần Trung Lập và 27 đồng chí bị Pháp xử bắn ở Lạng Sơn. [Có tin cho là ngày 26/12/1940]. (11)

11. CAOM [Aix], CP 193 ; Cable No. 3369, 30/11/40; Decoux gửi Colonies Vichy; 10H xxx [81]; Dân Báo (Saigon), 8-10/8/1945. 

 

Nhật cũng làm ngơ khi Decoux thẳng tay đàn áp những túi du kích CSĐD nổi dạy tại Bắc Sơn, phỉa tây Lạng Sơn, và nhất là cuộc bạo động khắp 10 tỉnh Nam Kỳ từ 22/11 tới 3/12/1940—cuộc khủng bố trắng với 106 án tử hình, hàng trăm án chung thân khổ sai. Số người bị bắt giữ lên tới gần 8,000 người—tất cả nhà tù miền Nam không đủ chứa. Fan Lan Nguyễn Thị Vịnh bị bắt từ tối 30/7/1940 ở Chợ Lớn—tức gần 4 tháng trước ngày nổi dạy—vẫn bị hai án tử hình, không được ân xá như Bộ trưởng Thuộc Địa Charles Platon đề nghị. Tòa án Mặt Trận làm việc không ngừng nghỉ tới năm 1943 mới ra được những án tử hình và khổ sai cuối cùng.

Việc Đức chiếm đỏng phía bắc sông Loire và duyên hải Đại Tây Dương cũng khiến Xiêm La—đổi tên thành Thái Lan năm 1938— đòi hỏi sửa lại biên giới. Sau những cuộc chạm súng dài theo biên giới, Hải quân Pháp ghi được một chiến thắng lớn ở đảo Ko Chang ngày 17/1/1941; nhưng Nhật lại áp lực Decoux phải cắt nhượng cho Thái một số tỉnh của Căm Bốt và Lào qua hòa ước 9/5/1941. (12) 

12. CAOM (Aix), PA 14, Carton 2; IMTFE, Exhibit 618-A (3:6, 869-70;  Cables No. 1886 (14 April 1940),  and Nos. 2662-4 (20 May 1940), Decoux to Colonies;  SHAT (Vincennes), 10 H xxx [81]; Baudouin, Private Diaries, p. 254 (entry of 30 Sept 1940); Decoux, A la barre, pp. 140-43.

 

Tokyo cũng thương thuyết với Vichy một hiệp ước kinh tế. Tháng 1/1941, để giải quyết tình trạng bế tắc thương mại, và thâm thủng ngân sách, Decoux đã đồng ý ký tạm ước bán cho Nhật lúa gạo và than đá, đổi lấy vải vóc cùng những mặt hàng tiêu dùng khác của Nhật. Rồi ngày 6/5/1941, tại Tokyo, René Robin và Matsumiya Jun ký một loạt những hiệp ước dành cho Nhật nhiều ưu quyền thương mại.

1. Hiệp ước Cư trú và Hàng Hải về Đông Dương:

Liên quan đến tình trạng cư trú và quyền lợi của kiều dân Nhật tại Đông Dương. Đại cương, Nhật kiều được đối xử giữa quyền lợi một công dân Pháp và một công dân thuộc một nước tối huệ.

2. Hiệp Ước Pháp Nhật về Hệ thống Quan Thuế, Thương Mại và Cách Trả tiền giữa Nhật và Đông Dương:

- Về quan thuế, hai bên dành cho nhau tình trạng của một tối huệ quốc.

- Về thương mại, Đông Dương hứa mua sản phẩm chế biến của Nhật, và xuất cảng nguyên liệu cùng nông phẩm qua Nhật. Hàng năm, hai bên sẽ có những hội nghị để quyết định số lượng hàng hoá cho năm tới. Trong năm 1941, Đông Dương xuất cảng sang Nhật 700,000 tấn gạo và 15,000 tấn cao su. Nhật sẽ xuất cảng qua Đông Dương từ 70 tới 80 triệu yen bông, vải.

- Hai ngân hàng Yokohama Specie Bank và Ngân Hàng Đông Dương phụ trách việc chuyển ngân thanh toán.

3. Trao đổi thư tín giữa Matsumiya và Robin (13).

13. CAOM [Aix], INF, Carton 343/2750; IMTFE, Ex 637, III:7150-1 và Ex 660, III:7156; Decoux A la barre, 1949, pp 427-28.

 

Từ ngày này, những cơ sở Nhật quan trọng sau lo việc giao thương và tiền bạc với Đông Dương:

1. Ngân hàng: Yokohama Specie Bank, và Bank of Taiwan?

2. Mễ cốc: Mitsui Bussan Kaisha và Mitsubishi Shoji Kaisha (Siam).

3. Kỹ nghệ Mỏ: Compagnie Indochinoise de Commerce et d'Industrie [CICEI]

4. Vận tải: Osaka Shosen Kaisha.

5. Những công ty khác: Dainan Koosi, Syotu (sở mua bán của Lục quân) và Manwa (sở mua bán của Hải quân). Ngoài ra, còn có 3 công ty hỗn hợp Pháp-Nhật: Compangie de chrômes de l'Indochine (CROMIC), Compagnie indochinoise d'industrie minière (CIIM), và Société d'exploitation des phosphates de l'Indochine (SIPI). Trong số các công ty Pháp kiếm được lợi nhuận nhiều nhất là những công ty xuất cảng cao-su (như L'Union Commerciale Indochinoise & Africaine, hay L'U.C.I.A. và chế rượu (Société francaise des distilleries de l'Indochine (SFDI), Société des distilleries Mazet (SDM), và Société des succeries et raffineries de l'Indochine. (14)

14. DGER, Bulletin ngày 14/5/1945; CAOM Aix, INF, Carton 121/1102

 

Ngoài ra, còn có 19 công ty nhỏ hơn chuyên sản xuất rượu kỹ nghệ (cồn) cho Nhật như Indochinese Brewing Company tại Chợ Lớn, Tran Trinh Trach Company tại Bạc Liêu, Société des distilleries des alcool indigènes de Van Van tại Bắc Ninh, Société industrielle et commerciele d'Annam với những chi nhánh ở Quảng Trị, Huế, Tourane và Quảng Ngãi, và Distillerie Nam Dong Ich tại Thanh Hoá.

 

Mùa Hè 1941, sau khi Hitler tấn công Liên sô Nga ngày 22/6/1941, Nhật còn bắt Decoux cho đóng quân trên khắp Đông Dương để chuẩn bị tiến đánh các thuộc địa của Mỹ, Bri-tên và Netherlands. Ngày 29/7/1941, Thủ tướng Jean Francois Darlan và Đại sứ Kato Sotomatsu ký Qui ước phòng thủ chung, đồng ý cho Nhật trú đóng vô hạn định số quân ở Nam Đông Dương, cùng sử dụng một số hải cảng và phi trường. Ngoài ra, Pháp đồng ý ứng trước cho quân Nhật 4.5 triệu đồng mỗi tháng trong tài khóa 1941. Số tiền này sẽ được bồi hoàn bằng yen hay Mỹ kim. Một ngày trước khi Hiệp ước kết thúc, Quân đoàn 25 Nhật dưới quyền Tướng Iida Shojiro đã bắt đầu đổ bộ ở Cam Ranh, Nha Trang, và rồi lũ lượt kéo vào Sài Gòn cũng như Phnom Penh (Nam Vang).

Cuộc tiến quân vào Nam Đông Dương của Nhật khiến các chính phủ Tây phương, đặc biệt là Liên bang Mỹ—lúc này vẫn còn trung lập, trên nguyên tắc—bắt đầu có những biện pháp cứng rắn hơn với Tokyo. Mối quan tâm của chính phủ Franklin D Roosevelt, thực ra là Hiệp ước tay ba Đức-Ý-Nhật kú ngày 29/7/1941. Ngày 1/8/1941, Oát-shinh-tân tuyên bố ngưng bán dầu thô cho Nhật, và đòi Nhật phải triệt thoái khỏi Đông Dương. Cuộc thương thuyết Nhật-Mỹ bị bế tắc. Ngày 16/10/1941, chính phủ Hoàng thân Konoye Fumimaro (đã lên cầm quyền ngày 17/7/1940 để khai thác tối đa lợi nhuận sau cuộc bại trận của Pháp ở Âu Châu) bị đổ. Hôm sau, Tướng Tojo Hideki (Đông Điều, 1884-1948)— đương kim Bộ trưởng Chiến tranh, lãnh tụ phe quân phiệt trẻ—lên thay. Mặc dù tiếp tục thương thuyết với Mỹ, Tojo quyết định sẽ áp dụng biện pháp quân sự nếu không đạt được một thỏa ước mậu dịch với Mỹ trước ngày 25/11/1941.

Tojo cũng chuẩn bị đánh chiếm các thuộc địa Âu-Mỹ tại Đông Nam Á, và cho lệnh Đô Đốc Yamamoto xúc tiến kế hoạch tấn công Honolulu (tiểu bang Hawaii, hay Hạ Uy Di) của Liên bang Mỹ.  Ngày 6/11, Lộ quân Miền Nam (South Army) được thành lập, do Đô đốc Terauchi Juichi chỉ huy. Ngày 7/11, Tokyo ban “Lệnh Hành quân Hỗn hợp số 2,” chọn ngày khởi sự (Y Day) cho kế hoạch Yamamoto—tức tấn công Pearl Harbor [Vịnh Ngọc Trai] thuộc bang Hawai biển đảo của Mỹ tại biển Thái Bình. Ngày 20/11, Tokyo còn thông qua một chính sách chung cho toàn “Nam dương” (nampo)—tức thiết lập một chế độ quân quản tại các vùng chiếm đóng.

Ngày 20/11, Đặc sứ Nhật Kurusu Saburo  trao cho Ngoại trưởng Cordell Hull, một đề nghị mới, và Tokyo đồng ý triển hạn thêm 4 ngày để tìm hòa bình, từ 25 tới 29/11. Ngày 26/11—với sự cố vấn của Thủ tướng Bri-tên là Winston S Churchill—chính phủ Roosevelt đưa ra những điều kiện nghiệt ngã hơn: Nhật không những phải rút quân khỏi Đông Dương và Trung Hoa, mà còn phải công nhận chế độ Tưởng Giới Thạch như đại diện hợp pháp duy nhất, và hủy bỏ tất cả những quyền tài phán tại Trung Hoa, kể cả những quyền lợi được hưởng sau Hiệp ước 1901.

Ngày này, Đô đốc Yamamoto được lệnh dẫn hạm đội hướng về Honolulu. Năm ngày sau, 1/12/1941, Hội nghị Đế quốc Nhật quyết định tuyên chiến. Y-Day được đổi làm X-Day—Nhật sẽ khởi sự tấn công ngày 8/12/1941, giờ Tokyo (tức 7/12/1941, giờ Honolulu). Bốn ngày sau, 5/12, Đô đốc Terauchi, Tư lệnh Lộ quân Miền Nam, tới Sài Gòn.  Hôm sau nữa, Roosevelt viết thư kêu gọi Nhật hoàng Hirohito hãy đích thân can thiệp để vãn hồi hòa bình. Mỹ cũng rút điều kiện để đạt một hiệp ước bất tương xâm Mỹ-Nhật xuống chỉ còn việc Nhật triệt thoái khỏi Đông Dương. Nhưng đã trễ.

Tại Đông Dương, suốt mùa Thu 1941, Nhật tiếp tục tăng cường quân số. Rồi trong hai ngày 8 và 9/12/1941—giữa lúc Hải, Lục, Không quân Nhật gieo rắc kinh hoàng, tang tóc từ Pearl Harbor tới Philippines, Malaysia—Decoux ký một loạt qui ước an ninh, chấp nhận Đông Dương nằm trong vùng ảnh hưởng Nhật và đóng góp vào cuộc chiến Đại Đông Á. Tóm lại, Nhật trở thành siêu chủ nhân của Đông Dương, với chính quyền Bảo hộ Pháp lo việc hành chính và cảnh sát.

 

II. ÔNG VUA RỒI NGHỀ:

Trong thời gian Nhật chiếm đóng Đông Dương, Toàn quyền Decoux áp dụng những nguyên tắc căn bản của bất cứ chính phủ thuộc địa nào để điều kiện hoá dân bản xứ: một  mặt cai trị với bàn tay sắt, và mặt khác lôi cuốn, vỗ về những người trung thành. Kinh nhật tụng của hệ thống tuyên truyền là Cần Lao, Gia đình và Tổ quốc (Travail, Famille, Patrie). Thống chế Pétain được suy tôn và ca ngợi không những như cứu tinh và cha già của dân tộc  Gaulois, mà còn qui tụ đức tính của các bậc hiền triết phương Đông. Mọi người phải nghiêm chỉnh đứng lên chào quốc kỳ Pháp và hình Pétain ở đầu mỗi buổi lễ hay chiếu bóng. Theo gương Vichy, Decoux đề xướng một "cách mạng quốc gia" ở Đông Dương, tổ chức các đội ngũ cựu chiến binh, thanh niên, học sinh nhằm dạy bảo họ về công ơn khai hoá của người Pháp. Đại tá Hải quân Maurice Ducoroy, Tổng Giám đốc Thanh Niên, thành lập các đội hướng đạo, mở trường đào tạo  huấn luyện viên thể dục, tổ chức thi xe đạp khắp Đông Dương, cùng những cuộc tranh tài thể thao khác, để giúp thanh thiếu niên tạm quên đi cuộc chiến và tình trạng cô lập của Đông Dương. Tại Hà Nội, một trung tâm sinh viên được thành lập để dễ tập trung, kiểm soát. Trong khi đó, Dương Đức Hiền được ủy nhiệm cầm đầu Tổng hội Sinh Viên.

Thoạt tiên Decoux  ra công khuyến khích Nguyễn Phước Điện phải "tích cực" hơn trong vai trò làm vua, như chủ tọa những buổi tranh tài thể thao, hay đi tuần thú các nơi. Nhưng Nguyễn Phước Điện —sau 10 năm rủ buông tay áo cho đời được trị—rất miễn cưỡng tham dự những cuộc biểu tình "cách mạng quốc gia" của Decoux. Cá nhân Nguyễn Phước Điện cũng không ưa Decoux, thường tìm cách tránh mặt. Sau một tai nạn xe lửa ở Phan Thiết, Nguyễn Phước Điện bỏ luôn các chuyến tuần thú.

Thái độ của Nguyễn Phước Điện khiến Decoux bực tức, than phiền với Vichy vào ngày 17/4/1942:

Rõ ràng ông ta chỉ dùng thì giờ vào những việc vô tích sự, làm việc thì ít và chứng tỏ thái độ dửng dưng với quốc sự; ông ta đặc biệt trốn tránh những cuộc tuần thú chính trị rất hữu ích và, khi tham dự, ông ta chui vào lớp vỏ nghi lễ để tránh những giao tiếp cần thiết với dân chúng.(15)

15. Vũ Ngự Chiêu “Political and Social Change” (1984], pp 149-50.

 

Năm 1943, nhân dịp Decoux ăn mừng ba năm chấp chánh, Nguyễn Phước Điện còn tránh mặt không dự lễ trao huân chương Bảo hộ vương cho Decoux, mà chỉ ủy Phạm Quỳnh—đã lên tới chức Thượng thư Bộ Lại từ ngày 12/5/1942—đại diện. Thái độ này khiến Decoux thêm bực mình. Có lần Decoux đã gay gắt bảo Khâm sứ Trung Kỳ và ngay chính Phạm Quỳnh rằng cái lý do đang bận quần áo săn, không tiện gặp Decoux mà Nguyễn Phước Điện đưa ra không thể chấp nhận được.

Quyền lực Triều đình Huế, bởi thế, nằm gọn trong tay Phạm Quỳnh—nhân vật ngày một quyền lực, nhưng uy tín trong giới trẻ và thượng lưu xã hội ngày thêm sa sút. Đối thủ chính của Phạm Quỳnh là phe nhóm anh em họ Ngô, do Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Thục cai quản. Năm 1938, Thục được thụ phong Giám mục Vĩnh Long—một giáo phận mới được lập nên từ giáo phận Sài Gòn (Đàng Trong Tây). Khôi thì được cất nhắc lên Tổng đốc Nam-Ngãi, kiêm chức Kinh lược bốn tỉnh miền Nam Trung Kỳ. Mối hận thù từ những năm 1932-1933 khiến gia đình họ Ngô—dù thành tích hợp tác với Pháp đã khởi nguồn từ đời Ngô Đình Khả tới Khôi, Diệm—không ngớt chỉ trích Phạm Quỳnh là "tay sai" của Pháp và Nhật. Các viên chức Pháp biết rõ mối hiềm khích này, nhưng tảng lờ, vượt trên sự tranh chấp giữa hai phe, không bênh vực Phạm Quỳnh hay họ Ngô. Thấy không được trọng dụng, họ Ngô nghiêng dần về phía Cường Để và tìm cách móc nối với Nhật. Một bản tin tình báo Mỹ ghi Diệm từng qua Nhật gặp Cường Để trong thập niên 1930, nhưng không ghi rõ xuất xứ.

Sau khi Nhật đặt tòa Lãnh sự ở Huế năm 1942, họ Ngô ngả hẳn về phía Nhật. Nhiều cộng sự viên của Diệm được gài vào Tòa Lãnh sự Nhật (Tôn Thất Đạt), Bộ Chỉ huy Liên lạc Quân sự (Hồ Viết Tân), và cơ quan Hiến binh (Kempeitai). Huân, con cả Khôi, cũng học tiếng Nhật, nối nghiệp thông ngôn của gia đình nội ngoại. Dưới sự che chở của Khôi, từ năm 1942, Diệm tích cực hoạt động. Diệm từng ra Hà Nội, tiếp xúc với Y sĩ Trương Kế An, nhân dịp người sáng lập Liên Đoàn Ái Quốc Việt Nam do Nhật bảo trợ, từ Sài Gòn ra Bắc tìm đồng minh. Họ hàng, thân thích của Khôi tại Quảng Nam cũng liên lạc với tổ chức Cường Để.

Vì những hành vi thân Nhật này, năm 1943, Khâm sứ Emille Grandjean ép Khôi phải về hưu không được hàm Thượng thư. Để trả đũa, Khôi và Diệm bí mật tổ chức Đại Việt Phục Hưng, qui tụ các giáo mục, tín đồ Ki-tô miền Trung, cùng một số thông ngôn, cảnh sát, quân nhân bản xứ.

Trong số những cán bộ trẻ có Trần Văn Dĩnh, sau này tố cáo với an ninh Mỹ là năm 1963 Diệm ủy thác sang In-đi-a gặp đại diện Bắc Việt, và một cán sự canh nông Quảng Ngãi, người khai với Mật Thám Pháp về Đảng Đại Việt Phục Hưng của Diệm và Tuần vũ Hà Tĩnh Trần Văn Lý.(16)

16. Xem thêm Đỗ Mậu, Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, tái bản lần thứ ba, (Westminster, CA: Văn Nghệ, 1993), tr 36-52.

 

Tháng 6/1944, Mật thám Pháp khám phá ra tổ chức này, bắt giữ hơn 50 người. Ngày 12/7, khi Giám đốc Liêm Phóng An Nam là Léonard Sogny định bắt Diệm, Trung úy Kempeitai Kuga Hachiro đưa Diệm trốn vào Đà Nẵng, rồi cưỡi máy bay quân sự Nhật vào Sài Gòn, dưới sự che chở của Hiến binh Nhật. Sau khi một cộng sự viên của Diệm khai rằng người Nhật đang âm mưu đảo chính, và Diệm sẽ được làm Thủ tướng, tháng 8/1944, Decoux sai Tổng Giám Đốc Cảnh sát Paul Arnoux vào Huế điều tra Khôi và Nhu, em Diệm, đang cầm đầu văn khố Khâm sứ Huế. Nhu tuyên bố không biết Diệm ở đâu và khẳng quyết chẳng bao giờ có ý phản bội Bảo hộ, "bát cơm" [bol de riz] của dòng họ Ngô. Vì những chuyển biến ở Pháp (các đạo tiền quân của de Gaulle đang tiến vào giải phóng Paris) và ngay tại Đông Dương (tức hiểm họa đảo chính của Nhật đã được bàn thảo từ mùa Xuân 1944), Decoux quyết định tạm xếp vụ Diệm. Một lý do khác nữa có thể là lá thư riêng của Ngô Đình Thục đề ngày 21/8/1944, khẩn thiết xin Decoux hãy nghĩ đến công lao Ngô Đình Khả, người đã không hề tiếc mạng sống để thiết lập chế độ Bảo hộ Pháp, cùng thành tích phục vụ Pháp của anh em họ Ngô mà nhẹ tay. (17)

17. Công điện ngày 20/8/1944, Arnoux gửi Decoux, CAOM (Aix), 14 PA, carton 2; & CP 161; trích in trong Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, tập III, tr 856; Chính Đạo, “Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897-1963): Thời Kỳ Chưa Nắm Quyền;” Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston: Văn Hóa, 2004), tr  11-70, 385-405; revised versions  trên Hopluu.net, mintrietviet.net.

 

 

Từ đầu tháng 6/1944, sau khi quân Đồng Minh đổ bộ ở Normandie, Decoux cũng cho lệnh giám sát Nguyễn Phước Điện. Tuy nhiên, trong những tháng kế tiếp, Decoux phải bận lo cứu vãn mạng sống mình hơn bất cứ việc gì khác. Bởi vậy, trước khi Nhật phát động chiến dịch Mei-go để loại bỏ Pháp tại Đông Dương, Nguyễn Phước Điện đã có dịp nhờ Giám mục Antonin Drapier, Đại diện Roma ở Huế, liên lạc với phe de Gaulle. (18)

18. Ibid., CP 125.

 

Nhờ thành tích này, Drapier sẽ chứng thực với các viên chức Pháp—đặc biệt là Linh mục/Đô Đốc Georges Thierry d'Argenlieu và Cố vấn Chính Trị Léon Pignon—rằng Nguyễn Phước Điện là một gia đình "thân Pháp bậc nhất" ở An Nam.

 

III. CUỘC HÀNH QUÂN "MEIGO" CỦA NHẬT:

Như đã lược nhắc, từ tháng 12/1941, Đông Dương biến thành một "bán thuộc địa" của Nhật. Chính phủ Decoux chỉ còn giữ vai trò thứ yếu—một giai tầng trung gian mới—giúp Nhật cai trị người Việt và phục vụ tối đa nhu cầu chiến tranh Đại Đông Á. Tuy nhiên, sự hợp tác Pháp-Nhật tại Đông Dương chỉ có tính cách giai đoạn, tùy thuộc vào sức mạnh quân sự của Nhật.

Tháng 8/1944, sau khi Đồng Minh chiếm được Paris, Decoux công bố một mật lệnh của Pétain từ năm 1943, ủy nhiệm Decoux làm "Thượng sứ" vùng Đông Nam Á, toàn quyền hành xử trong trường hợp Hà Nội mất liên lạc với Vichy. Tuyên cáo này—dù là một biện pháp do chính Đại sứ Nhật chỉ bảo để lấy bớt gió trong cánh buồm quân phiệt Nhật, lúc đó đang nghiêng về khuynh hướng lật đổ Pháp, giao cho người bản xứ lo việc hành chính—còn do tư tâm của Decoux. Hiểu rõ thế cờ đã đổi, Decoux nhiều lần cố gắng liên lạc với phe Pháp tự do, xin qui phục. Nhưng từ tháng 2/1944, de Gaulle đã bí mật bổ nhiệm Tướng Eugène Mordant, cựu Tư lệnh Quân lực Pháp ở Đông Dương, làm đại diện chính thức, chuẩn bị "kháng Nhật." Tháng 7/1944, Francois de Langlade, Giám đốc tình báo Viễn Đông, nhảy dù xuống Bắc Kỳ để bàn định mọi việc với Mordant. De Langlade cũng muốn gặp Decoux, nhưng vì Decoux đang nghỉ mát ở thủ đô mùa Hè Đà Lạt, nên phải rời Hà Nội. Bốn tháng sau, de Langlade mới trở lại Đông Dương lần nữa, thuyết phục Decoux đứng làm bình phong cho Mordant.

Thời gian này, mặc dù đã công nhận chính phủ de Gaulle, Tổng thống Franklin D Roosevelt vẫn chưa chính thức khai tử kế hoạch hậu chiến "quốc tế quản trị" [international trusteeship] cho Đông Dương—tức đặt Đông Dương dưới sự quản chế của Liên Hiệp Quốc sau ngày chiến tranh Thái Bình Dương chấm dứt. Vì đồng hội, đồng thuyền tái chiếm thuộc địa, chính phủ Bri-tên vẫn âm thầm yểm trợ de Gaulle.

Năm 1943, khi Bộ Tư Lệnh Mặt Trận Đông Nam Á [South-East Asia Command] của Đô Đốc Louis Mountbatten được thành lập ở Kandy, Lực lượng [Force] 136 của Bri-tên bắt đầu huấn luyện và sử dụng cán bộ lực lượng đặc biệt Pháp, tức "Section d'Action" [Đoàn Hành Động hay Công Tác]. Sau ngày chính thức công nhận chính phủ lâm thời của de Gaulle, London còn cho Tướng René Blaizot đặt Bộ Tư lệnh tiền phương của Lực lượng viễn chinh Pháp tại Viễn Đông bên cạnh bản doanh Bộ Tư Lệnh Mặt Trận Đông Nam Á. Các toán tình báo quân sự Pháp [M-5] cũng được Bri-tên huấn luyện, rồi gửi qua Hoa Nam hay Đông Dương. Trong số những người này có Paul Mus, dưới bí danh Đại úy "Caille" (Chim Cút), đột nhập Hà Nội vào đầu năm 1945 để do thám tình hình và phát động chiến dịch chiến tranh chính trị chống Nhật. Ngoài ra, còn một số tù nhân “Cộng Sản” Việt đang bị nhốt ở gần Madagascar, đưa tới In-đi-a huấn luyện thám báo, như cựu Thư ký Bắc Kỳ Pallat Nguyễn Văn Minh, tự Phong; hay cán bộ người Tày gốc Cao Bằng, Hoàng Đình Rong, Lê Giản, v.. v...

Dĩ nhiên, Nhật không phải không biết gì về hoạt động của gián điệp Pháp tự do, hay âm mưu làm loạn của các đơn vị Pháp tại Đông Dương. Nhưng các cơ quan phản tình báo Nhật chỉ im lặng theo dõi những kế hoạch "kháng chiến" như tu bổ công sự phòng thủ, tuyển mộ tân binh người thiểu số, hay tập trận ban đêm của Pháp. Gián điệp Nhật còn ngụy trang làm bồi bếp ngay trong tư dinh Mordant cùng nhiều viên chức cao cấp khác. (19)

Từ năm 1942, Decoux đã  chê Mordant không xứng đáng làm Tư lệnh. Không nâng cao tinh thần binh sĩ. Những cộng sự viên không phục. “il n’a pas pu s’élever au niveau de sa tâche, n’ayant ni le rayonnement ni l’ampleur de vues d’un Général Commandant Supérieur des Troupes d’une grande Fédération.”

19. Tel No. 6997-6999, ngày 21 Oct 1942, Haussaire à Colonies Vichy; SHAT (Vincennes), 10H xxx [78, d. 1] Ngay Sabattier, người thay Aymé làm Tư lệnh Sư đoàn Bắc Kỳ cũng không đánh giá cao . (Sabattier’s report of April 18, 1945; SHAT (Vincennes), 10H xxx [84]).

 

Nhật cũng có kế hoạch bí mật riêng để lật đổ Pháp, nếu cần. Từ đầu năm 1944, Tokyo (Đông Kinh) đã bàn định về tương lai Đông Dương, nhưng quyết định duy trì hiện trạng vì còn bận tâm với những cuộc phản công dồn dập của Đồng Minh. Tuy nhiên, để phòng ngừa bất trắc, các Tướng Nhật thảo ra một kế hoạch hành quân mang tên "Mago." Hai Sư đoàn Nhật được di chuyển dần từ mặt trận Trung Hoa xuống vùng biên giới Hoa-Việt để tăng cường cho lực lượng đồn trú tại Đông Dương. Cơ quan gián điệp Nhật cũng giao cho Lương Trọng Tường, một nhân viên Kempeitai, cùng một số người khác lo việc nối kết các lực lượng kháng Pháp bản xứ—đặc biệt là các nhóm Đại Việt, Ki-tô, Cao Đài, và một giáo phái đang thành hình là Hoà Hảo—dưới chiêu bài Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội (thường gọi là Phục Quốc). Vào mùa Hè 1944, Nhật đã chuẩn bị xong một chính phủ "bí mật" do Diệm làm Thủ Tướng, với 4 cộng sự viên nòng cốt là Vũ Đình Dy, Nguyễn Xuân Chữ, Lê Toàn, và Vũ Văn An—tức Ủy Ban Kiến Quốc.

Cuối năm 1944, Bộ Tư Lệnh Lộ Quân Miền Nam của Thống chế Terauchi Juichi phải triệt thoái từ Manila về Sài G̣òn, đặt Tổng hành dinh tại trường Petrus Ký. Trong khi chiến hạm Mỹ đang hướng về phía quần đảo Nhật Bản, áp lực Đồng Minh gia tăng  khắp nơi, đặc biệt là Miến Điện (Burma, tức Myanmar hiện nay). Giới lãnh đạo guồng máy chiến tranh Nhật quyết định phải củng cố lại hệ thống phòng thủ Đông Dương, chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng trong vùng biển Nam một khi giao thông với Tokyo bị cắt đứt, hoặc quân Đồng Minh đổ bộ lên bán đảo này.

Ngày 1/2/1945, Hội Đồng Tối Cao Nhật quyết định phải kiểm soát toàn lãnh thổ Đông Dương. Nếu Decoux đồng ý đặt tất cả các cơ cấu quân sự, an ninh và hành chánh dưới sự kiểm soát trực tiếp của Nhật, Tokyo sẽ cho phép duy trì chế độ này; bằng không, sẽ lật đổ. Giải pháp trên cũng dự trù rằng thời hạn để bắt Decoux trả lời dứt khoát phải càng ngắn càng tốt, không quá 6 tiếng đồng hồ.

Tướng Tsuchihashi Yuitsu, Tư Lệnh Quân Đoàn 38 mới thành lập, được lệnh phải chuẩn bị xong kế hoạch lật đổ Pháp vào trung tuần tháng 2/1945. Tsuchihashi bèn nhân cơ hội thăm viếng các đơn vị để thu thập tin tức và hoạch định một kế hoạch hành quân tỉ mỉ. Cuộc hành quân cũng được đổi tên từ "Mago" thành "Mei-go."

Cuối tháng 2/1945, Tokyo chỉ thị tân Đại sứ Matsumoto Shunichi phải giao tối hậu thư cho Decoux trong khoảng từ ngày mồng 5 tới mồng 10 tháng 3; và chỉ cho hai [2] tiếng đồng hồ để trả lời.

Mãi tới chiều Thứ Sáu 9/3/1945, Matsumoto mới dàn xếp gặp được Decoux ở dinh Norodom, Sài Gòn, để trao tối hậu thư. Decoux định tìm cách trì hoãn, nhưng hạn kỳ tối hậu thư vừa dứt quân Nhật đồng loạt tấn công khắp nơi. Nội trong 48 tiếng đồng hồ, từ chiều ngày 9 tới chiều 11/3/1945, Tsuchihashi thành công mỹ mãn. Hầu hết viên chức Pháp, từ Decoux ở Sài Gòn, Mordant ở Hà Nội, tới các cấp chỉ huy hành chính địa phương, đều bị bắt giữ. Quân Pháp chỉ chống cự được ít tiếng đồng hồ ở Hà Nội, vùng Đồng Đăng, vài địa phương trên cao nguyên Trung Kỳ hay miền Tây Nam Kỳ. Đại đa số đều bị bắt nội trong đêm 9 rạng 10/3. Chỉ có đơn vị Lê dương dưới quyền Tướng Marcel Alessandri ở đồn Thông, Sơn Tây (Tong) và Bộ Tư lệnh hành quân Sư Đoàn Bắc Kỳ của Tướng Gabriel Sabattier trốn thoát qua Thượng Lào nhờ sớm bỏ vị trí và sa thải số lính bản xứ xin tháp tùng. Đại úy “Caille” cũng may mắn thoát khỏi Hà Nội tối 9/3,

 

IV. VIỆT NAM ĐẾ QUỐC (3-8/1945)

Giai đoạn ngắn ngủi từ ngày 9/3/1945, khi Nhật đột ngột chấm dứt chính quyền Bảo hộ Pháp tại Đông Dương trong vòng 48 giờ, tới ngày 21/8/1945, khi guồng máy quân sự Nhật sụp đổ là một trong những thời kỳ quan trọng trong lịch sử cận đại Việt Nam. Trong giai đoạn này, hai chính phủ Việt Nam “độc lập” ra đời, chấm dứt tám thập niên Pháp đô hộ, và kích động một cuộc cách mạng xã hội mà đặc điểm là hiện tượng Việt-Nam-Hóa tất cả các cấu trúc xã hội.

Trong khối văn chương hiện hữu, các tác giả đã chỉ chú trọng đến biến cố gọi là “cuộc đảo chánh Nhật ngày 9/3/1945,” hay việc đoạt chính quyền của Mặt Trận Việt Minh, do “Cộng sản” lãnh đạo, được xưng tụng như “cách mạng Tháng Tám 1945,” nhưng với sự yểm trợ của Sở Hành Động Chiến Lược (OSS) Mỹ; trong khi tảng lờ hay tìm cách hạ uy tín chế độ được Nhật bảo trợ, tức “tân” Việt Nam Đế Quốc (11/3-25/8/1945). Vài trường hợp ngoại lệ là những bài viết của Ralph B. Smith (1978) và Masaya Shiraishi (1982). Sử dụng các tài liệu văn khố Nhật liên quan đến việc Nhật tước vũ khí quân Pháp trong tháng 3/1945 và tờ báo Pháp ngữ L'Opinion-Impartial xuất bản tại Sài Gòn, Smith thuật lại tỉ mỉ—nhưng không chính xác cho lắm—cuộc tấn kích quân sự của Nhật (danh hiệu Chiến dịch MEIGO) để lật đổ Pháp và sự thành lập chính phủ Trần Trọng Kim (17/4-25/8/1945) tại Huế. Được tham khảo các tài liệu tương tự, cộng thêm một số tài liệu thành văn Nhật và Việt ngữ, cùng những cuộc phỏng vấn một số tác nhân Nhật, Shiraishi ghi lại đầy đủ chi tiết cuộc thanh trừng ngày 9-10/3/1945 và bí ẩn của việc Nhật lựa chọn các cộng sự viên người Việt. Tuy nhiên, số tư liệu văn khố Pháp dồi dào cùng những ấn phẩm định kỳ Nhật và Việt ngữ đương thời chưa được khai thác kỹ lưỡng, bởi thế các tác giả chưa tái tạo được đầy đủ giai đoạn chuyển tiếp trên, một trong những khúc quanh hệ trọng của lịch sử Việt Nam.

Chương này giới thiệu đầy đủ hơn về giai đoạn kể trên. Trước hết, bài viết sẽ giới thiệu một cách tổng quát tình hình Việt Nam làm nền tảng cho những điều thảo luận, rồi đi sâu vào nội tình Việt Nam, đặc biệt là những việc làm và tầm quan trọng của chính phủ Trần Trọng Kim. Tôi tin rằng chính phủ Kim—trong thời khoảng vỏn vẹn bốn [4] tháng và dưới những điều kiện cực kỳ khó khăn—đã khởi xuất những bước quan trọng về hướng nền độc lập của Việt Nam, kể cả việc Việt-Nam-hóa phần nào guồng máy hành chính bảo hộ Pháp, và đã thương thảo việc thống nhất lãnh thổ trước khi Việt Minh đoạt chính quyền vào tháng 8/1945. Chính phủ Kim đã kích động sự tham gia chính trị của đám đông, cổ súy việc tách rời khỏi ảnh hưởng Pháp, và đã trao cho chế độ thù nghịch và kế vị, tức chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] của Nguyễn Sinh Côn (bí danh Hồ Chí Minh, 1892-1969) một thế hệ tuổi trẻ có tổ chức và chính-trị-hóa—một nguồn tài nguyên quí báu cho cuộc cách mạng tháng 8/1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp kế tiếp. Chính phủ Kim phát động cuộc cải cách giáo dục, kể cả việc chọn chữ Việt mới—dựa theo chữ cái Latin—làm quốc ngữ tại các công sở và trường học. Nếu không khảo sát kỹ những việc làm của chính phủ bị lãng quên này, tôi tin rằng người ta sẽ chỉ trình diện cuộc cách mạng 1945 của Việt Nam một cách sai lạc và đồng thời đơn giản hóa những biến cố kế tiếp đã dẫn đến cuộc chiến tranh 30 năm (1945-1975).

Nguồn tư liệu của chúng tôi gồm hồ sơ Tòa Quân Sự Thế Giới tại Viễn Đông (Pritchard và Zaide 1981), những biên khảo do cựu sĩ quan Nhật thực hiện về hoạt động của Lộ quân Miền Nam (Detwiler và Burdick 1980), tài liệu văn khố Pháp, các báo chí, ấn phẩm định kỳ xuất bản tại Đông Dương và Nhật, cùng truyền khẩu sử từ một số tác nhân như Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Nguyễn Mạnh Hà, v.. v... tại Paris trong giai đoạn 1982-1985. Những tài liệu mới sử dụng trong ấn bản này gồm hồi ký hay nhật ký của một số Bộ trưởng đầu tiên của chính phủ VNDCCH, đặc biệt là Vũ Đình Hoè, cùng tư liệu khác thu thập tại Việt Nam trong chuyến du khảo năm 2004-2005.(20)

20. Vũ Đình Hoè, Hồi ký Vũ Đình Hoè (Hà Nội: Hội Nhà Văn, 2004), tr. 176 [Dụ số 1 của Bảo Đại; và phê bình của Luật sư Bùi Tường Chiểu]; Lê Văn Hiến, Nhật Ký một Bộ trưởng, 2 tập (Đà Nẵng: 2004), và Văn Kiện Đảng Toàn Tập, do Bà Trần Thị Nga gửi tặng.Trân trọng đa tạ Giáo sư Vũ Đình Hoè đã cho phỏng vấn tại Thủ Đức (quận 9, Thành phố HCM) trong năm 2004-2005.

 

Như đã lược nhắc, từ tháng 12/1941, mặc dù các sử gia Pháp thích gọi là “sự hiện diện của quân đội Nhật,” Đông Dương thuộc Pháp hay Đông Pháp, chính phủ Decoux chỉ còn giữ vai trò thứ yếu—một giai tầng trung gian mới—giúp Nhật cai trị người Việt và phục vụ tối đa nhu cầu chiến tranh Đại Đông Á. Tự bản chất, sự hợp tác Pháp-Nhật tại Đông Dương chỉ có tính cách giai đoạn, tùy thuộc vào sức mạnh quân sự của Nhật, hoặc chính xác hơn, sức mạnh quân sự tỉ đối Pháp-Nhật. Mối liên hệ thân hữu Pháp-Nhật từ năm 1907 tới 1941 chỉ bị chao đảo sau khi Nhật chính thức xâm lăng Trung Hoa, rồi tháng 3/1940 đưa Uông Tinh Vệ lên cầm quyền ở Nam Kinh—chia ba thiên hạ với Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh và Mao Nhuận Chi ở Diên An. Mãi tới năm 1943, chế độ Vichy mữi thừa nhận Uông Tinh Vệ và trao trả các nhượng địa, và cắt đứt liên hệ với Trùng Khánh. Ngoài ra, cố vấn Ngoại Giao của Decoux cũng bí mật tiếp xúc với Trung Hoa, mở đường cho một số viên chức Đông Dương tìm tới Algers.

Tháng 8/1944, sau khi Đồng Minh giải phóng  Paris, Toàn quyền Decoux công bố một mật lệnh của Pétain từ năm 1943, ủy nhiệm Decoux làm "Thượng sứ" vùng Đông Nam Á, toàn quyền hành xử trong trường hợp Vichy mất liên lạc với Hà Nội. Hiểu rõ thế cờ đã đổi chiều, Decoux nhiều lần cố gắng liên lạc với phe Pháp tự do, xin qui phục. Nhưng từ tháng 2/1944, de Gaulle đã bí mật bổ nhiệm Tướng Eugène Mordant, cựu Tư lệnh Quân lực Pháp ở Đông Dương, làm đại diện chính thức, chuẩn bị "kháng Nhật."

Ngày 28/10/1944, Tướng Georges Aymé—đã thay Mordant làm Tư lệmh Bộ Binh ngày 23/7/1944— thông báo cho Decoux về sự hiện diện của chính quyền Pháp tự do tại Đông Dương, dưới quyền Mordant. Ba ngày sau, 31/10, Mordant báo cáo về việc Aymé đã cho Decoux biết về những “liên lạc” với chính phủ Pháp tự do. Cùng ngày, Decoux (Diogène), qua trung gian Mordant, thông báo cho Paris biết là những liên hệ bí mật của tổ chức Mordant đặt Decoux vào một tình trạng khó xử. Đề nghị cải tổ Đại hội đồng Đông Dương thành Hội Đồng Đông Dương (Conseil d'Indochine) để đưa Mordant vào với chức vụ Tổng Thanh tra quân lực (10H xxx [84]). Cuối cùng, Decoux xin qui phục.

De Gaulle cử Langlade trở lại Đông Dương, thuyết phục được Decoux chấp thuận làm bình phong cho Mordant.

Ngày 4/12/1944, Trung tướng Tsuchihashi Yuitsu—người từng qua Hà Nội đầu năm 1940 thảo luận với Catroux—được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn 38 Nhật, bản doanh đặt tại Sài-Gòn. Quân đoàn này gồm hai SĐ 21, 37, hai trung đoàn hỗn hợp 34 và 70, Đại đội phòng không 62, Đoàn liên lạc số 5, cùng nhiều đơn vị phụ thuộc khác. Việc thành lập hoàn tất vào tháng 4/1945. Qua đầu năm 1945, được tăng cường SĐ 22 và SĐ 2. Ngoài ra SĐ 4 được đưa từ Sumatra qua Thái Lan, và một đơn vị tại Ubon Thái Lan tăng cường cho QĐ 38 (JM 25:20-1). Từ ngày 14/12/1944, Tsuchihashi chính thức thay Tướng Machijiri làm Tư lệnh quân Nhật ở Đông Dương. Trước khi quân Đồng Minh phản công tại Thái Bình Dương và Đông Nam Á, Đông Dương là một hậu cứ an toàn cho các đơn vị tiếp vận và chỗ dưỡng bệnh cho Lộ Quân Miền Nam Nhật. Nhưng từ ngày Tổng Hành Dinh của Tướng Terauchi Juichi di chuyển từ Phi-lip-pin về Đà Lạt, cơ quan Kempeitai Nhật tăng cường việc kiểm soát các đơn vị Pháp.

Ngày 2/1/1945, từ Đà Lạt về Phnom Penh, Tướng Noel, Chỉ huy trưởng Lữ đoàn Căm Bốt, thấy tình hình ngột ngạt như dịp tháng 11/1944, khi Pháp tự do giải phóng Paris. Cơ quan Kempeitai kiểm soát chặt chẽ hơn các đơn vị Pháp. Trong khi đó, các đơn vị Heiho tăng gia tập luyện.

Noel, “Les Japonais en Indochine; 9 mars 1945 auu Cambodge;” (24/3/1946); SHAT (Vincennes), Indochine 10 H xxx [80/2].

 

IV. Tân Đông Dương Của Nhật

Sau gần 54 tháng sử dụng chính quyền Pháp thân Vichy ở Đông Dương như một công cụ hành chính—hoặc cổ đông viên thứ hạng [junior partner], nếu muốn—để khai thác tối đa phần đóng góp của Đông Dương vào cuộc chiến Đại Dông Á, ngày 9-10/3/1945, người Nhật chấm dứt cuộc hợp tác lưỡng lợi này.

Tối đó, tại Dinh Norodom [sau đổi thành Độc Lập, và từ 1975 mang tên Thống Nhất] ở Sài Gòn, Đại sứ Matsumoto Shunichi trao cho Toàn quyền/Thượng sứ Jean Decoux (20/7/1940-9/3/1945) của chế độ Vichy một tối hậu thư, đòi kiểm soát trực tiếp Đông Dương, tước bỏ vũ khí của quân đội và cảnh sát Pháp, với thời hạn hai [2] giờ phải trả lời. Ngay sau khi tối-hậu-thư vừa hết hạn, khước từ lời xin tiếp tục thương thuyết, các tư lệnh Nhật tấn công mọi công sở và doanh trại Pháp từ nam chí bắc. Chưa đầy 48 tiếng đồng hồ, người Nhật hoàn toàn làm chủ tình hình. Decoux, những cộng sự viên, và hầu hết các tướng Pháp bị bắt giữ. Tướng Mordant (bí danh Narcisse), Tổng đại biểu của chính phủ lâm thời Charles de Gaulle, cũng bị bắt ở Hà Nội. Một số nhỏ sĩ quan ở Khu Quản đạo thứ 2 (Cao Bằng) và ít tàu thủy cùng thuyền buồm của Lực lượng Hải quân Bắc Kỳ thoát được qua Hoa Nam. Quan trọng nhất là khoảng 5,000 quân thuộc Sư đoàn Bắc Kỳ của Tướng Gabriel Sabattier và Trung đoàn Lê-dương ở Sơn Tây của Marcel Alessandri, thoát khỏi cuộc tổng tấn công chớp nhoáng này, rút lên rừng núi Lai Châu và Phong Saly gần biên giới Việt-Hoa.

Ngày 2/5/1945, toàn bộ quân Pháp rút chạy qua Vân Nam, và ngày này, Đông Dương bước vào một kỷ nguyên mới do Nhật trù liệu. (18)

18. Trước Meigo, vùng biên giới Trung Hoa và Đông Dương chia làm 5 Quân Khu Quản Đạo [1, Móng Cái ; 2, Cao Bằng ; 3, Hà Giang ; 4, Lai Châu ; và, 5, Phong Saly (Bắc Lào)]. Tiếng « đạo» dùng để chỉ các vùng có dân thiểu số—như đạo Hà Tĩnh triều Nguyễn Phúc/Phước Thời (10/11/1847-19/3/1883), niên hiệu Tự Đức. Sử cũ chép Đinh Tiên Hoàng (?968-979) và Lê Hoàn (980-1005) chia nước làm “10 đạo,” có lẽ đòng nghĩa với chữ đạo nói trên. Trong hai năm 1985-1987, chúng tôi nghiên cứu thêm tài liệu Lục Quân Mỹ tại Chateau de Vincennes và các kho Cao Ủy Đông Dương, Nha Kinh Tế tại văn khố Pháp quốc Hải Ngoại tại Aix-en Provence.

Vu Ngu Chieu.  "Political and Social Change,” (Dec 1984), chương 2, 5, và phần II; báo cáo của Pereyra trong CAOM (Aix), Indochine Noveaux Fonds [INF], carton [hộp] 133, document [hồ sơ] 1107; báo cáo của Sabattier trong Ibid., Papiers d’Agent [PA] 14, hộp 1. Xem thêm IMTFE: Exhibits 661-63; Nghiên cứu Nhật [JM], Tập số 25, Detwiler và Burdick 1980: tập 6, tr. 16; L'Action, 18, 19 & 21/3/1945; Tin Mới, 11-19/3/1945; Jean Decoux, A la barre de l’Indochine (Paris: 1949), pp. 305-6; Claude de Boisanger,  On pouvait éviter la guerre d'Indochine: Souvenirs 1941-1945  (Paris:  Maisonneuve, 1977), và Georges Gautier,  9 mars 1945.  Hanoi au soleil de sang.  La fin de l'Indochine francaise  (Paris:  Société de production littéraire, 1978). Nên lưu ý, chúng tôi viết tên các tác nhân Nhật và Việt theo trật tư văn phạm của hai quốc gia này, tức họ trước, tên sau, khác với Tây phương, tên trước, họ sau.

 

Sự thay đổi quan trọng nhất là việc thay thế các viên chức cao cấp trong chính phủ liên bang tại Hà Nội và năm [5] chính quyền bản xứ tại Căm Bốt [Kampuchea], Lào, Bắc, Trung và Nam Kỳ. Ngày 16/3/1945, Tướng Tsuchihashi Yuitsui, Tư lệnh Quân đoàn 38, trở thành Toàn quyền Nhật thứ nhất, và duy nhất. Ít lâu sau, qua tháng 5/1945, Tsuchihashi dời Tổng hành dinh từ Sài Gòn ra Hà Nội. Đại sứ Matsumoto trở thành Cố vấn chính trị của Toàn quyền; và sau đó Tsukamoto Takeshi lên thay, nhưng chỉ mang tước hiệu Tổng thư ký (thường được người Việt gọi tôn lên là Phó Toàn quyền). Các viên chức Nhật trực tiếp điều khiển mọi nha sở của chính phủ liên bang, đặc biệt là cảnh sát, tư pháp, tài chính, kinh tế, thanh niên và thể thao, và thông tin. Trong khi đó, Nam Kỳ có một Thống Đốc, Minoda Fujio, cựu Tổng lãnh sự Sài Gòn. Bắc Kỳ được một Quyền Thống Sứ, Nishimura Kumao, cho tới thượng tuần tháng 5/1945, khi Bắc Kỳ được sát nhập vào “tân” Đế quốc Việt Nam của Hoàng đế Nguyễn Phúc/Phước Điện, thường được biết qua niên hiệu Bảo Đại. Những xứ mới độc lập như An-Nam, Căm Bốt và Lào đều có một Cố vấn Tối cao hay Đại sứ. (L'Action, 19/3 & 20/4/1945).

Ngoại trừ những cuộc hành quân tảo thanh—để truy lùng cảnh sát thân chế độ Vichy và gián điệp thuộc phe de Gaulle đã xâm nhập vùng duyên hải Bắc Bộ dưới sự bảo trợ của cơ quan tình báo chiến lược Mỹ [OSS]—cộng đồng Pháp kiều được đối đãi khá tử tế. Các viên chức Pháp hạng thấp và chuyên viên được phép tiếp tục làm việc. Thường dân Pháp mất ưu quyền của giai tầng thống trị, chịu một số biện pháp chế tài trong thời chiến như tịch thu vũ khí, máy thu thanh, máy chụp hình và máy đánh chữ, kiểm soát việc di chuyển và hội họp, và chỉ định cư trú. Với phần đông Pháp kiều, đời sống trở lại bình thường. Ngày 15/3, Ngân Hàng Đông Dương mở cửa trở lại. Báo tiếng Pháp tục bản ở Sài Gòn và Hà Nội, tức hai tờ L'Opinion-Impartial [Trung Lập]L'Action [Hành Động]. Dù luận điệu của hai nhật báo trên thân Nhật, sự có mặt của chúng giúp minh bạch hóa chính sách của Nhật trước hệ thống tuyên truyền của Đồng Minh hay những lời đồn đãi vô căn—một đặc tính khó trộn lẫn của người Pháp cũng như Việt. Trường hợp bị dời chỗ ở, mỗi gia đình (hộ) được phép mang theo một người làm. Chính quyền Nhật cũng bảo đảm sự an toàn của thường dân Pháp.

Với dân Đông Dương, Tsuchihashi quyết định cải hóa càng nhiều cựu cộng sự viên với Pháp càng tốt. Vua Nguyễn Phước Điện của An-Nam, Norodom Sihanouk của Căm Bốt, và Srisavang-vong của Lào đều được khuyến khích tuyên bố độc lập với Pháp, và nhìn nhận Tuyên Cáo Chung của các nước Đại Đông Á. (L'Action, 19/3 & 15/4/1945). Thuộc hạ của họ, ngoại trừ những người mất lòng dân chúng và có lập trường thân Pháp, đều được giữ nguyên vị. Một số được đưa lên chức vụ cao hơn trước kia dành riêng cho Pháp kiều. (L’Action, 31/3/1945)

Tại Huế, theo người viết hồi ký cho Nguyễn Phước Điện, sau khi đã yêu cầu vợ chồng Nguyễn Phước Điện bỏ dở chuyến đi săn đêm ở phía bắc Quảng Trị đêm 8/3 và hộ tống phái đoàn nhà vua trở lại Hoàng thành vì lý do an ninh, sáng 11/3 Cố Vấn Tối Cao Yokoyama Masayuki—cựu Giám đốc Văn Hóa, nói thạo tiếng Pháp—đến thăm Nguyễn Phước Điện và, trái với nỗi lo ngại của Nhật, thuyết phục được vua hợp tác. (19) Mối lo sợ trên chẳng phải thiếu căn cứ. Sau này, Khâm sứ Vatican ở Huế là Giám mục Antonin Drapier tiết lộ với Linh mục/Cao Ủy Georges Thierry d’Argenlieu rằng thượng tuần tháng 3/1945 Nguyễn Phước Điện đã nhờ ông ta liên lạc với phe “Pháp tự do” [France Libre]. Drapier cũng tin rằng vợ chồng Nguyễn Phước Điện là gia đình thân Pháp bậc nhất ở Việt Nam. Chiều Chủ Nhật, 11/3/1945, Nguyễn Phước Điện họp nội các, và ai nấy đều ủng hộ tuyên cáo độc lập với Pháp.

19. Bao Dai, Le Dragon d’Annam [Con Rồng An Nam]  (Paris: PIon, 1980), pp. 101-5; [sẽ dẫn, Le Dragon]; Kurakami, "Japan's Thrust," p. 517; Phạm Khắc Hòe, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc [From the Hue Court to the Resistance Zone in North Viet Nam] (Hanoi: 1983, Huế: 1987), tr. 14-9, [sẽ dẫn, Tu trieu dinh, 1987]; Idem, "Con Rồng An-Nam phun ra bản chất phản bội và tội ác tày trời của Bảo Đại [Le Dragon d’ Annam Lays Bare Bao Dai’s Traitorous Nature and Towering Crimes] in Tap Chi Cong San  [Review of Communism], vol. XXVII, No.11 (Nov 1982), pp. 59-61 [henceforth, “Bao Dai"]. Nhưng thái độ của Nguyễn Phước Điện sau ngày từ chức khiến em cột chèo của vua—Pierre Didelot, chồng em gái Nam Phương—cho rằng Bảo Đại “hoàn toàn thiếu tư cách,” qua lời tuyên bố “Nhật “xạo” [blageurs], Mỹ chỉ biết đến mình, Bri-tên muốn thừa nước đục thả câu, và Trung Hoa không muốn giúp gì cả.” (CAOM (Aix), AP 365)

CAOM (Aix), HCFI, Conseiller Politique [CP], Carton 125

 

Nhưng cựu Ngự tiền đổng lý văn phòng Phạm Khắc Hoè nhớ lại rằng Yokoyama cùng Phạm Quỳnh (1892-1945), Cơ Mật Viện trưởng kiêm giữ bộ Lại, đã gặp Nguyễn Phước Điện trước đó một ngày, tức khoảng 10 giờ sáng 10/3. Buổi chiều, Quỳnh gọi điện thoại triệu tập họp Cơ Mật vào sáng hôm sau, nhưng không thông báo với Hoè. 8 giờ sáng Chủ Nhật, 11/3 (tức 27 tháng Giêng Ất Dậu), Nguyễn Phước Điện họp với sáu [6] thượng thư tại điện Kiến Trung. Quỳnh được lệnh thông báo về chuyến viếng thăm chiều Thứ Bảy của Cố vấn Tối cao Nhật, rồi tuyên bố mục đích của phiên họp Cơ Mật Viện nhằm tuyên bố độc lập với Pháp. Cả nội các đều tán thành. Bùi Bằng Đoàn (bộ Hình) đề nghị phải tuyên bố hủy bỏ các hiệp ước với Pháp. Quỳnh cho biết đã soạn sẵn dự thảo, và chuyển cho mọi người đọc. Vừa đọc dự thảo này, Hồ Đắc Khải (Hộ) và Trương Như Đính (Công) vừa tấm tắc khen hay. Ưng Úy (Lễ), Trần Thanh Đạt (Học) không có ý kiến gì thêm. Nguyễn Phước Điện sai Hoè mang bản thảo Tuyên Ngôn Độc Lập ra ngoài hoàn tất thủ tục. Sau khi Nguyễn Phước Điện và các thượng thư ký xong, Ưng Úy (Lễ) đề nghị ngày 14/3 [1/2 Ất Dậu] tiến hành lễ báo cáo độc lập với Liệt Thánh. (Phạm Khắc Hoè, 1987:14, 17-8)

Bản tuyên cáo độc lập ngày 11/3 có những điểm đáng chú ý đặc biệt. Trước hết, dù vô tình hay cố ý, nó chỉ nói đến An-Nam—một thuật ngữ có thể diễn dịch như An Nam (Trung Kỳ, từ Thanh Hóa vào Bình Thuận), hay vương quốc Đại Nam (gồm cả ba kỳ). Thứ hai, bản tuyên cáo chỉ hủy bỏ hòa ước 6/6/1884 về việc “bảo hộ” Trung và Bắc Kỳ, mà không đả động gì đến các hòa ước 5/6/1862 và 15/3/1874 xác định nhượng đứt Nam Kỳ, hay các qui ước 1887 và 1896 liên quan đến các thị xã nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng (Tourane). Thêm nữa, bản tuyên cáo độc lập với Pháp của Nguyễn Phước Điện đi kèm với lời tuyên bố phụ thuộc vào Nhật, hứa hẹn “Hợp tác toàn diện với Đế quốc Nhật trong niềm tin thành khẩn vào thiện ý của Nhật.” (20)

20. Nippon Times (Tokyo), 14 March 1945; Bao Dai, Le Dragon (1980), pp. 101-5. Theo tư liệu Nhật, tác giả tuyên cáo này là Yokoyama; Nitz "Meigo Sakusen," p 311-15. Điều này có lý vì các phóng viên chiến tranh Nhật gửi điện tín báo cáo vào ngày 11/3/1945. Nhưng theo Phạm Khắc Hoè, Quỳnh tự nhận đã thảo Tuyên ngôn này.

 

Như thế vai trò Nguyễn Phước Điện, trong kế hoạch sơ khởi của Nhật, cũng tương tự vai trò dưới thời Pháp thuộc—vua chỉ là vòng hoa vương giả mà không chút thực quyền ngoài “văn phòng phụ thuộc nhỏ” của Dinh Cố vấn Tối Cao. Mãi tới giữa tháng 5/1945, sau khi cho tái lập chức Khâm sai Bắc Kỳ theo ý muốn của phe đảng Khôi-Diệm, Tsuchihashi mới có thì giờ ghé thăm Huế, mang theo tân Khâm sai Bắc Kỳ Phan Kế Toại. (21)

21. L’Action, 18/5/1945; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, 3 tập (Houston: Văn Hoá, 1999-2002), tạp 3.

 

Hôm sau, ngày 12/3, Nguyễn Phước Điện sai Hoè thảo Dụ cử Quỳnh làm đại diện liên lạc với Nhật. Hoè tìm cách dèm xiểm Quỳnh là “người xấu, bị mọi tầng lớp nhân dân oán ghét và giới nhân sĩ, trí thức khinh bỉ,” nhưng Nguyễn Phước Điện vẫn cho lệnh thi hành. Hoè bèn thảo một “Chỉ” [lệnh ở hàng thấp nhất, dưới Dụ và Sắc], rồi âm mưu cùng nhóm “Nghệ An đồng châu phổ” làm một cuộc đảo chính cung đình, loại bỏ Quỳnh. (Bao Dai, Le Dragon, 1980:101; Phạm Khắc Hoè, 1987:14-9).

Để tạo một kích xúc tâm lý, ngày 17/3 Nguyễn Phước Điện được phép ra tuyên cáo (Dụ số 1) là từ nay sẽ trực tiếp tham chính, trên nguyên tắc “Dân vi quí”một lời dạy của Mạnh Kha. Theo Hoè, có thể Phụ Đạo Lê Nhữ Lâm hay Yokoyama đã mớm ý cho Nguyễn Phước Điện học thuyết “Dân Vi Quí, Xã tắc thứ chi, quân vi khinh” mà nhiều nho gia “tiến bộ” như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường yêu thích. (21)

21. Ngày Nay (Hà Nội), 5/5/1945; Thanh Nghị (Hà Nội),  5/5/1945; trích dẫn Dụ số 1 ngày 17/3/1945; và phê bình của Luật sư Bùi Tường Chiểu, trong Vũ Đình Hoè, Hồi ký, 2004, tr. 176-77. Tác giả thực sự của hồi ký Nguyễn Phước Điện bằng Pháp ngữ có lẽ nhầm lẫn khi ghi vua thông báo cho Quỳnh biết quyết định của mình sáng ngày 19/3; Bao Dai, Le Dragon, 1980:106. Triều đình cũ xin từ chức ngày 19/3/1945; Phạm Khắc Hoè, 1987:22; La Cloche Fêlée (Sài Gòn), 26/12/1925)

 

Hoè còn tự nhận công lao trong việc từ chức tập thể của nội các Phạm Quỳnh: Ngày 14/3, Hoè đã bàn việc loại Quỳnh với Tôn Quang Phiệt (1900-1973), người cùng “Nghệ Tĩnh đồng châu phổ.” Phiệt là hiệu trưởng tư thục Thuận Hóa, từng thành lập tổ chức Phục Việt khi còn là sinh viên trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, rồi năm 1928 trở thành Bí thư  Tân Việt Cách Mệnh Đảng [TVCMĐ] ở miền bắc (Trí kỳ), và bí mật gia nhập Đảng CSĐD trước ngày TVCMĐ đổi tên thành Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn [CSLĐ] vào đầu năm 1930. Trong số các đảng viên Trung Kỳ [Nhân Kỳ], ngoài Tổng Thư Ký Đào Duy Anh, và Trần Mộng Bạch, có Nguyễn Thị Vịnh tức Minh Khai, Ngô Đức Trì, Hà Huy Tập, Đặng Thái Mai, Nguyễn Quốc Túy, Trần Vĩ, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Hữu Diếu, Trần Hữu Duẩn, Nguyễn Khoa Văn, Võ Giáp, v.. v... (22)

22. Nguyễn Xuân Chữ, Hồi ký, 1996:142; CAOM (Aix), SLOTFOM, III, Carton 48; TTLTQG 3 (Hà Nội), Kho Quốc Hội [QH], Hồ sơ [HS] 5865).; Văn Kiện Đảng Toàn Tập [VKĐTT], vol I: 1924-1930, (Hà Nội: 2002), tr. 333-80, 401-5 [CSLĐ]; David G. Marr, Vietnamese Tradition On Trial, 1925-1940 (Berkeley: Univ of California Press, 1981), tr. 41, 270n50; Chính Đạo, “Võ Nguyên Giáp (1912 [1911]-?): Nhìn Lại Lý Lịch Tự Khai;” [Vo Nguyen Giap (1912 [1911]-2013): Reviewing His Curriculum Vitae]; Hợp Lưu (Fountain Valley, CA), số 111, tháng 8-9/2010, tr. 111 [108-133].

Theo Đào Duy Anh, những thông tin trong tài liệu về Tân Việt của Louis Marty năm 1933, các lãnh tụ TVCMĐ đã ngầm bàn bạc để ngụy tạo chứng từ. Tháng 7/1929, do lời khai của Tú Đàn, Anh bị bắt ở Huế. Sau cái chết của Giải nguyên Lê Huân trong ngục Vinh, ngày 1/1/1930, TVCMĐ đổi tên thành Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn [CSLĐ]. Đào Duy Anh, Nhớ Nghĩ Chiều Hôm (Hà Nội: NXB Trẻ, 1989), tr. 44. Trong Hồ Chí Minh: Con người & huyền thoại, tập II, 1993, tr. 89, chúng tôi ghi theo báo cáo của an ninh Pháp Lý Thụy gửi  Hà Huy Tập (Năm Nhỏ), Tổng thư ký Đảng CSĐD từ 1936 tới 1938, sang Nga. Văn khố Nga tiết lộ Tập cùng Trần Ngọc Dân [Ranh] tự động tiếp xúc lãnh sự quán Nga ở Dairen; Anatoli Sokolov, Quốc Tế Cộng Sản và Việt Nam, bản dịch Việt ngữ Đào Tuấn (Hà Nội:1999), tr: 275-77. Việc này, theo Tập, do quyết định của TVCMĐ, sau khi tách rời khỏi VNTNCMĐCH vào tháng 7/1928; “Một số tài liệu liên quan đến Tân Việt Cách Mệnh Đảng” (báo cáo của Hà Huy Tập ngày 4/10/1929, tại Mat-scơ-va; VKĐTT, vol I: 1924-1930, (Hà Nội: 2002), tr.  439-40 [433-59]. Có lẽ vì kinh nghiệm 4 lần thất bại hợp nhất với nhóm Thanh Niên, Cinitchkin Tập ra mặt chống đối và phê bình Nguyễn Ái Quấc là “cải lương” và “quốc gia,” rồi năm 1934-1935 tiết lộ Cô Vải hay Fan Lan Nguyễn Thị Vịnh là vợ  Quấc [Linov].)

 

Tối 17/3, Hoè thuyết phục được các Thượng thư đồng loạt từ chức, để Nguyễn Phước Điện tự do, với sự trợ giúp của Phiệt và Hoè, tìm “người tài đức” mới. 2 giờ chiều Thứ Hai, 19/3, trong khí thế cách mạng thay đổi nội các, Hoè nộp lên Nguyễn Phước Điện danh sách 14 "nhân sĩ" đã có sự bàn bạc của Bùi Bằng Đoàn, Ưng Úy, Tạ Quang Bửu và Tôn Quang Phiệt. [1987:20]. Nguyễn Phước Điện chọn tám [8] người mời về Huế tham khảo: Trần Đình Nam (Đà Nẵng), Hồ Tá Khanh (Sài Gòn/Phan Thiết?), Lưu Văn Lang (Sài Gòn), Hoàng Trọng Phu (Hà Đông), Trần Văn Thông (Hà Nội), Hoàng Xuân Hãn (Hà Nội), Vũ Văn Hiền (Hà Nội), hoặc Phan Anh (Hà Nội), tùy Hãn chọn. Trong số sáu [6] người không được mời có Huỳnh Thúc Kháng (Huế), Tôn Quang Phiệt (Huế), Lê Ấm (Qui Nhơn), Vương Quang Nhường (Sài Gòn), Ngô Đình Diệm (Sài Gòn/Vĩnh Long), Trịnh Văn Bính (Hà Nội/Hải Phòng), (Phạm Khắc Hoè, 1987:25-6). Trước đó, Nguyễn Phước Điện từng sai Hoè mời Huỳnh Thúc Kháng—cựu Chủ tịch Viện Dân Biểu An Nam—vào bái kiến, nhưng Kháng từ chối. (Phạm Khắc Hoè, 1987:21) Hoè có vẻ hàm ý rằng có thể Kháng chịu ảnh hưởng Ngô Đình Khôi, thuộc phe Cường Để.

Riêng nhóm ba trí thức trẻ Hãn, Hiền, Anh có thể do Nhật đề nghị, hoặc do liên hệ gia đình với Hoè, hay/và hảo ý trọng những tài năng trẻ của Nguyễn Phước Điện—đã từng du học Pháp 10 năm và quen dùng tiếng Pháp hơn tiếng Việt. Nguyễn Phước Điện thông minh hơn nhiều người cả đoan, và dưới sự giáo huấn nghiêm khắc của Jean Charles, trở thành một hình nhân giát vàng khuôn mẫu. Thuật ngữ “bù nhìn” [puppet] sính dùng thường khiến người ngoài, xa lạ với sân khấu quyền lực, khó tri nghiệm được khả năng của các vua chúa “bù nhìn.”

Tuyên cáo độc lập ngày 11/3 của Nguyễn Phước Điện, tưởng cần nhấn mạnh, chỉ liên quan đến An Nam (Trung) và Bắc Kỳ. Mặc dù nó mang lại cảm hứng và hy vọng được độc lập và thống nhất lãnh thổ, ở thời điểm này nó chẳng có hiệu lực gì với tình trạng chính trị tại Nam Kỳ. Thống đốc Minoda nhiều hơn một lần nhắc nhở những chính khách Việt quá xúc động là định nghĩa “độc lập” của Nhật rất giới hạn, nhất là không nên gợi lại thù oán cũ. Ngày 29/3/1945—trước ngày Trần Trọng Kim về nước cho Nhật tham khảo về lịch sử—Minoda nhấn mạnh rằng không ai có thể hiểu lầm sự kiện rằng Nam Kỳ thuộc quyền “chỉ huy quân sự” của Nhật, hay nền độc lập của Việt Nam tùy thuộc vào kết quả của cuộc chiến Đại Đông Á. (L'Action, 31/3/1945; Kim, 1969, tr. 44).

Việc Nhật thanh trừng người Pháp và ban cho Nguyễn Phước Điện “độc lập có điều kiện” xảy ra trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn, khiến sự ủng hộ của quốc dân bị giảm sút.

Thứ nhất, thật rõ ràng là Nhật đang thua trận. Sau này Hoàng Xuân Hãn nhớ lại rằng ngày ấy Hãn và thân hữu nghĩ Nhật ít nữa cũng cầm cự được khoảng một năm. Đề đốc Louis Mountbatten, Tư lệnh Mặt Trận Đông Nam Á của Bri-tên từ tháng 10/1944, cũng dự trù đổ bộ lên Malaya vào tháng 9/1945, và chiếm Singapore vào cuối năm. Chính Stalin cũng không ngờ Tổng thống Truman và Thủ tướng Churchill đã quyết định rút ngắn cuộc chiến bằng hai trái bom bom nguyên tử tại Hội nghị Potsdam. Tuy vậy viễn ảnh bại trận của Nhật—nhất là sau cái chết của Hitler ngày 1/5/1945 và sự đầu hàng của Germany [Đức] hôm sau—tạo nên thái độ bất hợp tác trong giai tầng có học, giai tầng cung cấp phần lớn những cộng sự viên của Nhật. Trong khi đó, chính phủ Paris dồn mọi nỗ lực tái chiếm Đông Dương. Song song với nỗ lực trên bình diện quốc tế để giành “quyền sở hữu tối thượng” Đông Dương, Pháp gửi đặc công và gián điệp vào Việt Nam để thu lượm tin tức hay phá hoại. Cán bộ tuyên truyền Pháp rao giảng tuyên cáo ngày 24/3/1945, trong đó Pháp hứa hẹn sẽ cho năm [5] xứ Đông Dương nhiều tự trị hơn và sẽ thực hiện một số cải cách để nâng cao mức sống dân chúng, như thánh kinh Gaullist. (23).

23. Journal Officiel de l’Indochine Francaise [JOFI], 15/11/1945: 2-3; Sainteny 1953; SHAT [Vincenes], Indochine, 10 H xxx [79 và 85].

 

Độc hiểm hơn, sau tuyên ngôn độc lập ngày 11/3 của Nguyễn Phước Điện, phe Gaullist mở một loạt chiến dịch tuyên truyền gây nghi ngờ và chia rẽ giữa các tổ chức chính trị và giai tầng xã hội Việt. Một trong những chiến dịch này là đánh bóng tên tuổi cựu hoàng “làm loạn” Nguyễn Phước Hoãng (5/9/1907-10/5/1916), tức Duy Tân, người đã bị truất phế và lưu đầy tới Réunion như Hoàng tử Vĩnh San, sau khi tham dự cuộc nổi dạy ngắn ngủi tháng 5/1916 mà theo cựu hoàng Nguyễn Phước Chiêu (1/2/1889-3/9/1907), có lẽ là âm mưu của nhóm Nguyễn Hữu Bài nhằm đưa Hoàng tử Bửu Đảo lên ngôi, tức Nguyễn Phước Tuấn (18/5/1916-6/11/1925), niên hiệu Khải Định. Chiến dịch tuyên truyền này gia tăng cường độ trong mùa Hè 1945, khi Hoàng tử Vĩnh San được đưa từ Réunion qua Paris trong “kế hoạch bí mật” về Đông Dương của de Gaulle. (24)

24. Charles de Gaulle,  Mémoires de guerre.  3 vols.  (Paris:  Plon,  1956-1959), vol 3, pp. 230-31; Alain de Boissieu,  Pour combattre avec de Gaulle, 1940-1946 (Paris:  Plon, 1981), pp. 308-11, 333-36; L’ Institut Charles de Gaulle,  Le général de Gaulle et l'Indochine, 1940-1946  (Paris:  Plon, 1982), pp. 174-80, 199-201; Vũ Ngự Chiêu, Lá bài bí mật của de Gaulle: Hoàng tử Vĩnh Sang (Houston: Văn Hóa, 1992); Idem., Các Vua Cuối Nhà Nguyễn (1883-1945), 3 tập (Houston: Văn Hóa, 1999-2002), tập III, ch. 12. L'Institut Charles de Gaulle 1982: 174-80, 199-201; Vu, “Social and Cultural Change,” 1984, chương 12. Đa tạ Tướng Boissieu, con rể Tổng Thống De Gaulle, đã dành cho tôi vài cuộc phỏng vấn năm 1985 tại Quận VII, Paris.

 

Trong khi đó, Việt Nam tiến gần hơn tình trạng vô chính phủ, nổi bật với ba hiện tượng là cơn sốt độc lập, nạn đói 1944-1945, và sự vượt thắng của Mặt trận Việt Minh dưới sự che chở của OSS Mỹ.

 

A. CƠN SỐT ĐỘC LẬP:

Một trong những biến chuyển quan trọng sau chiến dịch Meigo của Nhật ngày 9-10/3/1945 là sự bộc phát cơn sốt độc lập tại Việt Nam. Tiếng “độc lập” có một sức quyến rũ ảo thuật làm thay đổi nhiều người—dù ít người hiểu rõ ý nghĩa, hay những đặc tính của thuật ngữ này.

Tại Hà Nội, một ký giả ghi nhận,

Tiếng súng của quân đội Nhật Bản nổ đêm hôm 9/3/1945 ở dải đất này đã phá tan được đời nô lệ non một thế kỷ của chúng ta dưới cuộc đô hộ tàn bạo của Pháp. Từ đây, chúng ta mới thật được sống.” (22)

22. Tiểu Thuyết Thứ Bảy [TTTB] (Hà Nội), 5/5/1945.

 

Ngay cả những người trước kia tự nhận chế độ Pháp liên hệ chặt chẽ đến “bát cơm” của họ cũng thay đổi thái độ. Việc Nhật tiếp tục sử dụng Nguyễn Phước Điện giúp lôi kéo được sự ủng hộ của giới thượng lưu và các gia đình giàu có, thế lực. Hoàng Trọng Phu, nhân vật thân Pháp uy quyền nhất miền Bắc, tới Huế ngày 27-28/3 để cố vấn Nguyễn Phước Điện về chính phủ độc lập tương lai của “An Nam.” Vi Văn Định, lãnh đạo hàng đầu của dân Nùng tại vùng Lạng Sơn, đến Hà Nội để cố vấn Nishimura Kumao. (L'Action, 7/4/1945) Hồ Đắc Điềm, người được phe De Gaulle coi như một trong 17 đề cử viên có thể đưa ra khỏi nước để trở thành đại diện của Đông Dương tại Quốc Hội Lập Hiến Pháp, được tiếp tục giữ chức Tổng đốc Hà Đông, phía nam Hà Nội. (23)

23. CAOM (Aix), Affaires Politiques [AP], hộp 3448. Hà Đông là một tỉnh do Pháp đặt ra năm 1888; hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận đổi làm huyện Hoàn Long. Tỉnh lị Hà Đông đặt tại Cầu Đơ. Năm 1890, tách phủ Lí Nhân ra thành tỉnh Hà Nam. Năm 1909, tách châu Lục Thủy của Hoà Bình, đặt vào Hà Nam. Đại Nam Nhất Thống Chí [ĐNNTC], q. XIII, “Hà Nội,” bản dịch Phạm Trọng Điềm và Đào Duy Anh, 5 tập (Thuận Hóa: 1997), 3:162n1. Hiện nay, lãnh thổ Hà Đông chia vào Hà Nội và Hà Tây.

 

Ngay đến Phạm Quỳnh, đương kim Cơ Mật Viện trưởng—nổi tiếng về chính sách Pháp-Việt đề huề hay “Rồng Nam phun bạc, đánh đuổi Đức tặc,” mục tiêu đả kích của cả Cộng Sản lẫn phe Ki-tô giáo Ngô Đình Khôi-Ngô Đình Thục, và Huỳnh Thúc Kháng từ thập niên 1930, từng được Đại úy “Caille” [Paul Mus] dự định đưa sang India để “kháng chiến”—cũng có tin muốn hợp tác với Nhật. Ví thử Quỳnh có tâm ý chuyển buồm như Hoè tố cáo— suy diễn từ việc Quỳnh soạn sẵn tuyên ngôn độc lập ngày 11/3, và cùng Yokoyama vào thăm Nguyễn Phước Điện, không cho Hoè biết—chỉ là việc khó tránh của giới quan trường. Có lẽ Hoè không rõ cuộc tiếp xúc bí mật của Mus với Quỳnh nên việc đánh giá có phần vội vã. Hơn nữa, bản Tuyên Cáo độc lập với Pháp, so với Tấm Sự Vụ Lệnh cho Hoè rời Hỏa Lò Hà Nội vào Đà Lạt gặp Nam Phương Hoàng hậu năm 1947 của Phòng Nhì Pháp, cùng những cung văn  Hồ Chí Minh như “Thánh Nam Đàn,” hay việc trịnh trọng đặt trái cam Hồ ban cho lên bàn thờ để kính báo tổ tiên, cùng lời nhục mạ chủ cũ tự chúng phản ánh đặc tính của giới quan lại dưới thời Pháp thuộc nói chung, và cá nhân Hoè nói riêng. (Souverains, 1943:71-2;  Phạm Khắc Hòe, 1982: 59-60)

Giới bị khích động mãnh liệt nhất thanh niên, sinh viên và trí thức trên dưới ba mươi. Phong trào “Cách Mạng quốc gia” của Decoux và các tổ chức Thanh Niên, thể dục và thể thao của Maurice Ducoroy—cùng phong trào Đại Đông Á, châu Á của người Á châu—tạo nên một bầu không khí sống khoẻ, sống hùng một cách lãng mạn trong giới trẻ và thị dân. Hầu hết các lãnh tụ thanh niên, học sinh, sinh viên trong giai đoạn 1940-1945 đều trở thành nòng cốt trong cuộc chiến 30 năm sắp tới—phe này, hoặc phe kia.

Tại miền bắc, các đảng phái không Cộng Sản được khuyến khích thành lập một mặt trận liên hiệp để cai quản Hà Nội, Hải Phòng cùng các tỉnh lị, thị trấn. Ngày 22/2/1945, tại Hà Nội, các nhóm Đại Việt bí mật thành lập Đại Việt Quốc Gia Liên Minh. Gồm có nhóm Nguyễn Xuân Tiếu (Đại Việt Quốc Xã), Nguyễn Tường Long (Đại Việt Dân Chính), Trương Tử Anh (Đại Việt Quốc Dân Đảng), Ngô Thúc Địch, Bùi Như Uyên, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Nhượng Tống (Việt Nam Quốc Dân Đảng), Nguyễn Đăng Đệ, Nguyễn Xuân Dương tức Lạc Long. Ngày Chủ Nhật, 11/3, báo Tin Mới đăng "Tuyên Cáo" của Đại Việt Quốc Gia Liên Minh. 5 giờ chiều, Đại Việt Quốc Gia Cách Mệnh Ủy Viên Hội ra mắt tại Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Đây là tên mới của ĐVQGLM. Tuyên bố đã thành lập Ủy Hội Hành Chính Lâm Thời lúc 9 giờ sáng, sau đổi thành Ủy Ban Chính Trị Bắc Kỳ. Nhưng ngày 19/3/1945, Ủy Ban Chính Trị Bắc Kỳ, tức Ủy Hội Hành Chính Lâm Thời, mới thành lập tám ngày trước, tự giải tán. Nguyên văn "Tuyên Cáo Quốc Dân" trên như sau:

"Chúng tôi thuộc đảng Quốc Gia Liên Minh, nhân lúc giao thời đã ra đảm nhận mấy công việc cần cấp như trật tự, cứu tế, v.. v... Nay tình thế đã tạm yên, chúng tôi tự thấy nhiệm vụ đã hết, xin tuyên bố giải tán, để nhường các ngài có thực tài, thực đức ra cáng đáng những công việc quan hệ hơn." (Tin Mới, 19/3/1945)

 

Các tổ chức thanh niên và võ thuật tại Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng—như Thanh Niên Ái Quốc của Võ Văn Cầm, Thanh Niên Cách Mạng Quốc Gia của Lê Ngọc Vũ—cũng được tổ chức thành những toán cảm tử chịu trách nhiệm bảo vệ trật tự khi cuộc đảo chính bắt đầu. Vài ba lính “heiho” này bị thương vong khi tấn công trại binh Pháp ở Hà Nội đêm mồng 9 rạng 10/3/1945.

Nhóm Tự Lực Văn Đoàn cũng tham gia sinh hoạt chính trị, qua việc gia nhập Đại Việt Quốc Gia Liên Minh từ ngày 22/2/1945, tái bản báo Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới từ ngày 5/5/1945. Nguyễn Tường Long và Nguyễn Tường Bạch [hay Bách] cùng Khái Hưng còn tham gia đảng cầm quyền Tân Việt Nam Hội. Nhóm Thanh Nghị—qui tụ một số luật gia và trí thức cấp tiến như Vũ Văn Hiền, Vũ Đình Hoè, Phan Anh, v.. v..—tích cực trong việc thành lập chính phủ độc lập đầu tiên, dưới khẩu hiệu “Dân Vi Quí,” rồi được giao hai ghế trong chính phủ Trần Trọng Kim, tái bản tạp chí Thanh Nghị từ ngày 5/5/1945 và vận động thành lập Tân Việt Nam Hội, để giữ gìn nền “độc lập từ trên giời rơi xuống.” (24)

24. “Những điều kiện để xây dựng nền độc lập;” Thanh Nghị, đặc san chính trị (Hà Nội), 5/5/1945; Vũ Đình Hoè, Hồi ký (Hà Nội: Hội nhà văn, 2004), tr. 173-76.

 

Những thành phần nổi danh thân Pháp trong Hội đồng Tư Vấn Bắc Kỳ và Hội đồng Nghị viên thành phố cũng khăn áo tề chỉnh tham dự những buổi họp do Thống sứ Nhật triệu tập. Luật sư Trần Văn Chương—có vợ là nhân vật giao du rộng rãi với các viên chức Pháp và Nhật, cũng như trí thức Việt—được cử làm Chủ tịch Tòa Kháng Án Bắc Kỳ.

Tại miền nam, nơi đặt Bộ Tư lệnh Lộ Quân miền Nam, các lãnh tụ phe nhóm thân Nhật cũng ráo riết hoạt động. Hồ Nhựt Tân, đảng trưởng Đảng Việt Nam Ái Quốc (từ 1943) tuyên bố vào ngày 10/3:

Trong lãnh thổ rộng mông mênh của Đại Đông Á dưới sự lãnh đạo của Đại Nhật Bản, dân tộc Việt Nam sẽ tận lực xây dựng một quốc gia mới dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tự do. (25)

25. Tân Á [New Asia], số .53; dẫn trong Đoàn Thêm, Hai Mươi Năm Qua, tr. 4.

 

Như để thực hiện ước muốn này, ngày 10/3, Hồ Văn Ngà (1905-1945) cho ra mắt Việt Nam Quốc Gia Đảng, hậu thân Việt Nam Độc Lập Đảng. Tám ngày sau lại đổi tên thành Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng, qui tụ nhiền cựu đảng viên Phục Quốc từng hoạt động với Trần Văn Ân (1903-2002), và cựu đảng viên Việt Nam Nhơn Dân Thống Nhứt Cách Mạng Đảng, có chiều hướng khuynh tả—Trốt-kít, theo Mật thám Pháp—cùng Việt Nam Quốc Gia Chánh Đảng. (26)

26. CAOM (Aix), 7F 27; Dân Mới, 6/6/1945; TTTB, 12/5-23/6/1945; Phạm Văn Liễu, Trả Ta Sông Núi, 3 tập (Houston: Văn Hóa, 2002-2004), I:58-63.

 

Các lãnh tụ tôn giáo cũng hoạt động mạnh. Cao Đài có nhóm Trần Quang Vinh (Nghĩa Đạo Thực Hành Đoàn), Trình Minh Thế, Cao Hoài Sang. Giáo chủ [Đức Thày] Huỳnh Phú Sổ (1919-1947) qui tụ dưới trướng nhiều nhân vật chọc trời khuấy nước của Hòa Hảo như Lương Trọng Tường, Năm Lửa Trần Văn Soái, Nguyễn Giác Ngộ, Lâm Thành Nguyên, Ba Cụt Lê Quang Vinh. Nhóm Bình Xuyên của Lê Văn “Bảy” Viễn cũng xuất hiện bên cạnh các tổ chức Nhựt-Việt Phòng Vệ Đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp, Võ Sĩ Đoàn của Đỗ Dư Ánh, Thanh Niên Ái Quốc Đoàn của Đinh Khắc Thiệt, Hắc Long của Huỳnh Chi (cha vợ Trần Phước An) và Huỳnh Khai, v.. v….. (27)

27. CAOM (Aix), HCFI, CP 191

 

Từ tháng 5/1945, Lãnh sự Iida còn bảo trợ tổ chức Thanh Niên Tiền Phong của Phạm Ngọc Thạch, Kha Vạng Cân, Nguyễn Văn Thủ, Thái Văn Lung, Huỳnh Văn Tiểng, Thanh Nữ Tiền Phong của Hồ Vĩnh Ký, Nguyễn Thị Sương. Con số hơn 200,000 đoàn viên gia nhập TNTP sau ngày 1/7/1945 có lẽ đã được phóng đại, nhưng tinh thần dấn thân phục vụ đồng bào và cộng đồng là những đặc tính có thể chứng thực. Các nhóm tự nhận là “Đệ tứ QTCS” hay “Trốt Kít” cũng thành hình, đòi hỏi “dân cày có ruộng.” giới lao động làm chủ xí nghiệp ở Sài Gòn và các thị trấn. Vì chỉ là thiểu số—suýt soát vài trăm người, bị nhóm Đệ Tam tìm đủ cách tận diệt trong dư luận cũng như thể xác—một số tìm cách liên kết để khuynh đảo các lực lượng giáo phái, nhưng chỉ thành công rất giới hạn. (28)

28. Sự xuất hiện của nhóm cựu sinh viên du học Pháp trong thập niên 1920 tại Pháp, tự nhận tả khuynh, rồi Trôt-kit hay Đệ Tứ Cộng Sản; cùng khoảng 100 nhân công cao cấp, có nghề đã được trình bày trong các chương trước.

 

Đây là sản phẩm của sinh hoạt chính trị tại các đô thị Pháp và thuộc địa. Sự thực phũ phàng là chủ thuyết “Communism” của Karl Marx (1818-1883)và Friedrich D Engels (1820-1895) đã bị nhóm Marxist-Leninist Trung Hoa như Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu, Mao Nhuận Chi, Lưu Thiếu Kỳ dịch và hiểu sai là gongshan hay gongchang, tức góp chung tài sản [pooling assets]. Quyết định “thanh Cộng” của Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek, hay JiangJieshi (1888-1975) vào tháng 4/1927, cùng chính sách Diệt Cộng của thực dân Pháp, được tăng cường với thánh lệnh năm 1929 của Vatican, bắt đầu phân cách tâm trí người Việt, dù đại đa số—kể cả một số trí thức tốt nghiệp tại Âu Châu hay Mỹ—chẳng hiểu “Cộng Sản” là gì. Thực ra, Cộng Sản [gongshan hay gongchan] chỉ là tiếng Hán dịch sai thuật ngữ “Communism” [công hữu nguyên thủy] của nhóm cán bộ Marxist Leninist người Hoa đầu tiên như Trần Độc Tú [Chen Duxiu], Lý Đại Chiêu [Li Dazhao]. Cán bộ CS phần lớn bị mê hoặc vì những bánh vẽ như “xã hội đại đồng,” “làm tùy theo khả năng, hưởng theo nhu cầu.” Phe chống Cộng thì bị ám ảnh với những khẩu hiệu như đấu tranh giai cấp, bạo lực cách mạng, vô thần, v.. v..(29)

29. Xem Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ, Kiện hay Không Kiện, 2016, tập 3, tr 7, 19-38.

 

Chua chát nhất là bệnh chụp mũ, vu cáo người  khác là Cộng Sản, hay phản động, phản cách mạng, lý lịch thiếu trơn tru. Động lực thường chỉ do ưa ghét hay trục lợi cá nhân, phe đảng, hoặc để “bảo vệ trật tự, an ninh công cộng.” Dân biểu Justin Godart (sau khi tham quan Đông Dương  năm 1937, và nhận được hàng trăm thư khiếu nại của người Việt), nhận xét rằng giới an ninh và chính quyền thực dân Pháp hay gán ép bừa bãi cho bất cứ ai có khuynh hướng chống lại ách đô hộ Pháp là Cộng Sản để có thể dễ bề buộc tội. (30)

30. CAOM (Aix), PA 28, carton 7. Tháng 7/1967, hai ứng cử viên Tổng thống Hà Thúc Ký và Trần Văn Hương mật báo với Tòa Đại sứ Mỹ là Âu Trường Thanh, ứng cử viên Tổng Thống với khẩu hiệu "Hòa Bình bằng mọi giá," có “liên hệ với Cộng Sản;” The Bunker Papers, 1990, I:82-83. Ngày 18/7/1967, Phó TT Humphrey chỉ thị Thứ trưởng NG Katzenbach can thiệp việc loại ứng cử viên Âu Trường Thanh, nhưng tám ngày sau Katzenbach cho biết quyết định của QHLH không thể đảo ngược; Memorandum Washington, July 18, 1967. From Vice President Humphrey to the Under Secretary of State (Katzenbach)/1/ National Archives and Records Administration, RG 59, Central Files 1967-69, POL 14 VIET S. Secret. [Doc 249].

 

Tại Huế—sòng bạc quyền chức, danh lợi có nhiều thế kỷ tuổi đời—những mưu mẹo, tiểu xảo, phản trắc, lọc lừa lại thêm một lần mở chiếu bạc mới. Phạm Khắc Hoè—Ngự tiền đổng lý văn phòng Nguyễn Phước Điện, cựu Quản đạo Đà Lạt lừng danh với nghề vào luồn ra cúi, rất được lòng Nam Phương Hoàng hậu và Từ Cung Hoàng Thái hậu—âm mưu cùng phe Nghệ-Tĩnh đồng châu phổ muốn lũng đoạn triều đình. Như đã lược thuật, Hoè tiết lộ âm mưu với Trần Đình Nam và Tôn Quang Phiệt tìm cách loại Phạm Quỳnh—rồi vào tháng 7/1945, đề nghị Nam tống giam Quỳnh, nhưng Nguyễn Phước Điện không chấp thuận. Mặt khác, Nam và Hoè muốn lợi dụng thế lực Ki-tô giáo của họ Ngô, đưa Ngô Đình Diệm ra làm con cờ thí ở thế cờ tàn Đại Đông Á. Nhưng người Nhật có sẵn một kế hoạch khác mà những “siêu trí tuệ” của Nghệ-Tĩnh đồng châu phổ  khó thể thấu đáo. Và anh em Diệm-Khôi từng được Nguyễn Hữu Châu, anh rể Lệ Xuân, xếp hạng là loại người “được chim, bẻ ná.” Những nỗ lực của nhóm Phiệt, Nam hay Hoè chẳng thay đổi gì được đại thể.

Nói chung, sau khi loại bỏ khoảng 40,000 Pháp kiều trên đỉnh tháp xã hội, để đưa những người Việt lên thay thế, người Nhật biến những thuật ngữ như Việt Nam, độc lập, bình quyền trở thành thực đơn hàng bữa của mọi giai tầng thị dân. Một số cựu tù nhân được phóng thích hay tự động phá ngục—thuộc đủ khuynh hướng ý thức hệ—cũng thắp hồng ngọn lửa bạo lực. Sự thay đổi giai tầng thống trị này tự nó là một cuộc cách mạng từ trên xuống, lôi cuốn các giai tầng “tân sĩ phu,” thị dân và địa chủ vào một chuỗi phản ứng giây chuyền [chain reactions] chạy đua quyền lực, xóa bỏ những khuôn thước trật tự, an ninh và thế giá xã hội cũ. Bởi thế, các con đường dẫn về Huế bỗng tấp nập những nhân vật quan trọng trong Âu phục hay quan phục, được người Nhật mời hay tự mời, để giúp Việt Nam trở thành một nước độc lập trong khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á của Nhật.

Từ miền nam, Tạ Thu Thâu (1906-1945) thuộc nhóm La Lutte/Tranh Đấu rời bỏ chỗ chỉ định cư trú ở Long Xuyên, ngược ra Huế và Bắc Bộ. Hồ Hữu Tường (1910-1982), tự nhận là Đệ tứ Cộng Sản, cũng du thuyết từ trung ra bắc tìm đồng chí—phản ánh qua cuộc phiêu lưu của nhân vật “Phi Lạc sang Tàu” sau này. Có tin đồn Tường tiếp xúc cả với Chánh tổng Vũ Duy Đạo—một lãnh tụ Đại Việt nổi danh chống Cộng ở Bình Giang, Hải Dương, bị Trần Huy Liệu lên án là một trong hai cán bộ Đại Việt cực kỳ phản động, nhưng lại có cháu họ là một cán bộ tỉnh ủy Đảng CSĐD. Phái đoàn Nguyễn Thị Thập của Xứ Ủy Nam Bộ Đảng CSĐD trên đường ra họp Hội nghị Tân Trào—nhưng bị trễ—vẫn được Y sĩ Phan Huy Đán, chánh văn phòng Thủ tướng Kim—tiếp đãi ngày 23/8/1945.

Người duy nhất vắng bóng là Ngô Đình Diệm—nổi tiếng là “người của Nhật,” thân cận với Cường Để, thuộc một gia đình phong kiến, quan lại mới nổi, có “anh trai” làm Giám mục Vĩnh Long, Tiến sĩ Thần học ở Roma, cử nhân văn chương Pháp năm 1929 tại Đại học Sorbonne, Paris. Tuy nhiên, cha con Ngô Đình Khôi-Ngô Đình Huân công khai ra mặt ủng hộ Nhật và Cường Để, duy trì liên hệ tốt đẹp với Kempeitai và gián điệp Nhật từ năm 1943. Một trong những lý do khiến Khôi không được chức thượng thư hàm mà còn bị ép phải về hưu là Khôi đã sử dụng tư dinh Tổng đốc Nam Ngãi để các em cùng cha khác mẹ gặp gỡ những phần tử thân Nhật, đặc biệt là Trương Kế An và Phạm Đình Cương—mới được cử làm cố vấn cho các cựu tù nhân chính trị ở Hà Nội. Khoảng 50 thuộc hạ của Diệm trong Đại Việt Phục Hưng Hội bị bắt giữ từ mùa Hè 1944 cũng được phóng thích, tái bổ nhiệm vào ngạch quan lại, công chức hay quân đội. Tuần Vũ Trần Văn Lý được đặc cách lên kinh lược bốn tỉnh nam Trung Bộ, trị sở tại Đà Lạt.  Phe đảng Ki-tô “6/6/1884” này rất tự hào về liên hệ chính thống với Nhật, qua Cường Để, ráo riết chuẩn bị cho Ủy Ban Kiến Quốc của Diệm lên cầm quyền, và tố cáo vai trò bù nhìn, tạm thời của Nguyễn Phước Điện cùng những “tài đức” mới.

Một trong những lý do khiến Yokoyama có mặt ở Huế trước 9/3/1945 là mối lo ngại vua có thể không chịu hợp tác. Hơn nữa, không thể không đề phòng phản ứng của họ Ngô sau khi Cường Để và Diệm bị loại bỏ như một củ khoai nóng trước ngày phát động chiến dịch Meigo. Theo tình báo Pháp, hạ tuần tháng 8/1945, Diệm cũng lên đường ra Huế theo lời mời của Nguyễn Phước Điện và Kim. Sau đó, có thể Diệm đã tị nạn trong một tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Canada [Gia Nã Đại] ở Huế cho tới đầu năm 1947. (31)

31. SHAT (Vincennes), 10H xxx [4195]; Vu, “Social and Cultural Change,” 1984, chapts 6, 7-9

 

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, mặc dù Khôi từng nhờ Ngô Đình Nhu chuyển tới Paul Arnoux “lời thề trên thánh giá” là trung thành với “bol de riz” [bát gạo] Bảo hộ, anh em họ Ngô thực sự nương gió Nhật đổi buồm đã lâu, không nằm trong nhóm chưa chịu đổi buồm—như Nguyễn Văn Thinh, Dương Văn Minh, “Hùm Sám Cai Lậy” Nguyễn Văn Tâm, Jean Leroy, v.. v... Dù rút vào bóng tối, hay tham gia các công tác xã hội cứu đói, giúp đỡ các nạn nhân bị phi cơ Đồng Minh oanh tạc, hoặc nghiền ngẫm niềm bất mãn và hận thù trong các nhà tù và trại tập trung của Nhật, những người “Pháp mũi tẹt” như Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Thinh, André Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, âm thầm mong đợi ngày Nhật bại trận. Ngoài ra còn những người tiếp tục bị giam cầm tại các nhà tù, hay tụ họp tại các mật khu trong rừng núi hay hải ngoại, quyết không đội trời chung với Nhật và/hay Pháp. Đó là Đảng CSĐD với cơ quan ngoại vi Mặt Trận Việt Minh, cùng một số lãnh tụ chống Cộng có khuynh hướng thân Hoa, hoạt động trong các toán tiền tiêu của các đơn vị “Hoa quân nhập Việt,” chuẩn bị cho ngày Đồng Minh đổ bộ. Đường ranh phân chia tim óc người Việt đã ươm mầm và nảy nở liên lũy trước khi cuộc chiến tranh lạnh Tư Bản-“Cộng” Sản chính thức khởi đầu khởi đầu sau diễn văn ngày 12/4/1947của Truman, hoặc, nếu muốn, từ ngày công bố thuyết “hai phe.” Cả hai phe đều tin ở sức mạnh của họng súng và thể chất—không ngừng gào thét đòi phanh thây, uống máu quân thù. Võ Giáp và các thành viên của Đoàn vũ trang tuyên truyền thành lập ngày 22/12/1944, hay các nhóm “Việt Hùng,” “xung phong, ám sát đoàn” đều mang theo họ những ngọn lửa hận thù mất cha mẹ, vợ con, anh em. Đáng lưu ý là hầu như đại đa số đều không phải là công nhân vô sản [proletariat]—mà chỉ những nông hay thị dân nghèo khổ, ăn bữa sáng, lo bữa tối—tự biến mình thành những âm binh chịu phù phép.  Trong ống tay áo các tay phù thủy ngoại cường và tập đoàn cai thầu bản xứ. Một cấp chỉ huy OSS, Thiếu tá Allison K Thomas, từng báo cáo rằng đại đa số bộ đội Việt Minh chưa nghe đến hay hiểu biết “Cộng Sản” là gì. Trong số những người chống Cộng như tín đồ Ki-tô và Hòa Hảo, họ chống bất cứ thứ gì liên hệ với “Cộng Sản” chỉ vì lệnh trên. Thực tế, có những người tốt nghiệp Đại học Mỹ còn không hiểu nổi ý nghĩa và biên độ “chỉnh cán, chỉnh quân” của Mao Trạch Đông hay quyết tâm độc quyền yêu nước và cai trị của Marxist-Leninism trong khuôn khổ “mặt trận thống nhất” [united front] đầu thập niên 1950—kiến thức sử không quá số vốn lớp đồng ấu hay tiểu học. Chua chát và sắt máu hơn nữa là chứng bệnh “chụp mũ Cộng Sản” cho người khác thịnh hành ở Đông Dương từ thập niên 1920 đã được Dân Biểu Pháp Justin Godart và các nhà ngoại giao Mỹ đương thời ghi nhận.

 

B. NẠN ĐÓI ẤT DẬU:

Sự bùng nổ chính trị nói trên trùng hợp với nạn đói Ất Dậu (1945), một biến cố bi thảm tại Bắc và Bắc Trung Kỳ. Nạn đói đã khởi đầu từ năm 1944; đó là sự oà vỡ cuối cùng của sự căng thẳng kinh tế liên lũy gia tăng dưới thời Pháp thuộc; và, dân chúng ngày thêm nghèo khổ, quẫn bức dưới thời Nhật chiếm đóng. Thông thường, nông dân Bắc và Trung Kỳ chỉ sản xuất vừa đủ số gạo cần dùng. Trường hợp có thiên tai, họ cần được tiếp tế bằng gạo miền Nam. Tuy nhiên, từ vụ mùa năm 1943 (khoảng tháng 11-12), chính quyền Decoux đã cho lệnh nông dân Bắc và Trung Kỳ phải bán số “thóc thặng dư” cho nhà nước. Điều này có nghĩa mỗi dân làng phải bán cho nhà nước một số lượng thóc nhất định, bất kể thu gặt được bao nhiêu. Ngoài ra, giá chính thức thu mua của nhà nước thấp hơn giá thị trường. Cùng với sự lộng quyền và âm mưu trục lợi của những đại lý thu mua thóc, chính sách trên vét sạch các vựa thóc dành dụm của nông dân, và khiến rất nhiều trung nông bị sạt nghiệp. Theo một ký giả, đại đa số từ 1 sào tới 5 mẫu: khổ nhất. Số vốn bỏ ra cầy cấy 1 sào là 42 đồng, thuế 12.$20, 1 sào thu được 6 thúng thóc x 20kg = 120kg x 0.$25 = 30 đồng. Nếu phải vay ăn để cầy cấy: 50% lãi trong 4 tháng. Lấy cả thóc công điền, thần từ và Phật tự. (33)

33. Vũ Như Trác, “Để cứu đói cho dân: Chính phủ mới cần biết những hà chính của Pháp còn để lại;” Tin Mới, 1/6/1945.[

 

Trong khi đó các cuộc oanh tạc và phong tỏa hải lộ của Liên Bang Mỹ và Bri-tên cắt đứt hầu hết việc chuyển vận lúa gạo từ Nam ra Trung hay Bắc. Trong những công điện cuối cùng từ Đà Lạt gửi về Vichy ngày 5/8/1944, Decoux báo cáo tình hình kinh tế Đông Dương như sau: Thăng bằng về kinh tế còn duy trì được cho tới cuối năm 1943. Từ đầu năm 1944, mất quân bình vì sự gia tăng oanh tạc và phá hoại của tầu ngầm Đồng Minh. Các tàu vận tải của Đông Dương hầu như tê liệt. 7 trên 13 tàu chạy ven biển (caboteurs) bị đắm. Tàu đáng lẽ cặp bến Hải Phòng phải lùi dần xuống phía Nam; Tourane, rồi Qui Nhơn; và, vào cuối tháng 8/1944, phải đổ hàng ở Nha Trang (Cable 11,270). Từ đầu năm 1944, bắt đầu dùng thêm thuyền buồm. Từ ngày 1/1 tới ngày 1/7/1944, chở ra được miền Bắc 3,672 tấn gạo ăn; và 4,506 tấn gạo để chế cồn (Cable 11,272). Vận tải bằng đường bộ, đang từ 4,000 tấn vào tháng 1/1944, xuống còn 660 tấn vào tháng 2/1944, và 230 tấn trong tháng 3/1944. Từ Bắc chở vào Nam chỉ được 660 tấn trong tháng 4/1944 (Cable 11,273). Trù tính chở 2,500 tấn trong tháng 8/1944, nhưng cơn bão trong hai ngày 10-11/7/1944 phá hủy mất 600 tấn muối. Kho muối ở Bắc chỉ còn 18,000 tấn, cần 17,000 tấn dùng cho tới cuối năm, và 40,000 tấn để dùng cho tới mùa muối vào tháng 4/1945. (34).

34. Cable 11,273; Tels 11,268-11,278, 5/8/44, Dalat gửi Colonies Vichy; CAOM (Aix), FOM, Carton 272, Dossier 451

 

Số lượng thóc gạo thỉnh thoảng chở được ra Bắc—25,884 tấn năm 1940, 118,752 tấn năm 1941, 110,000 tấn năm 1942,  99,099 tấn năm 1943, 68841 tấn năm 1944, 15222 tấn từ tháng 1 tới tháng 3/1945, và 7586 tấn từ tháng 4 tới tháng 8/1945—bị tồn kho để sử dụng tại các thành phố hay chế biến nhiên liệu cần thiết cho quân sự. (35).

35. Cable 11,273; Tels 11,268-11,278, 5/8/44, Dalat gửi Colonies Vichy; CAOM (Aix), FOM, Carton 272, d. 451; Tân Dân, 31/10/1946

 

Từ vụ mùa năm 1943, nông dân miền Bắc và miền Trung phải trông cậy vào số thóc thu gặt mỗi mùa hoặc các loại hoa màu phụ mà họ có thể gieo trồng. Tại miền nam, nhiều công xưởng phải dùng than đước Cà Mau hay đốt thóc thay cho than đá miền bắc. Trong khi đó, ngày 28/9/1945, tổng số gạo Decoux tồn trữ kiểm kê được 230,000 tấn, tương đương với 391,000 tấn thóc. (36)

36. France, DGER, BR, 10 Sept 1945, p. 12; CAOM (Aix), INF, carton 121, d. 1102; INF, carton 158/1362; Liệu, Bích và Đạm 1957: tập II: 87-8. Trong giai đoạn thứ ba của cuộc chiến 30 năm, tương ứng với nền Đệ Nhị Cộng Hòa, than đước Cà Mau cũng từng được thảo luận khi Hoa thương xin hối lộ André Trần Văn Đôn để xuất cảng qua Singapore. Trong khi dưỡng thương ở Vĩnh Châu, Bạc Liêu (hiện thuộc Sóc Trăng như cũ), tôi được nghe nhiều tin đồn về việc Hoa thương chở gạo và “thuốc Tây” cho mật khu Việt Cộng “với hụi chết một trong 10 ghe bầu.” Một Trung đội trưởng Pháo binh từng bị phạt quân kỷ vì bắn khuẩy rối ban êm đúng vào đoàn thuyền gian thương nói trên.

 

Mùa Thu-Đông 1945-1946, khi chính phủ Việt Minh cấp báo về một nạn đói thứ hai ở miền bắc—do sự hiện diện của 152,000 quốc quân Trung Hoa—R. H. Smyth, đại diện Bri-tên trong Hội đồng Thực Phẩm [Combined Food Board = CFB] báo cáo số gạo tồn kho  của dân sự Pháp được 12,000 tấn tại miền nam, và kho quân đội Nhật có 45,000 tấn. Ít tháng sau, Linh mục/Cao ủy Georges Thierry d’Argenlieu đồng ý gửi ra Bắc 5,000 tấn gạo để chứng tỏ thiện chí, hầu trao đổi với việc quốc quân Trung Hoa rút mau hơn khỏi miền Bắc vĩ tuyến 16, và đồng thời để đoàn tàu duyên hải 10 chiếc có cơ hội kiếm tiền kinh phí. (37)

37. Tel No. 1016 (27/5/1946), Haussaire Indo Saigon gửi Comité Indochine; CAOM (Aix), AE, carton 14

 

C. VIỆT MINH & ĐƯỜNG GIÂY OSS:

Chính phủ “quân sự chỉ huy” của Nhật, và lá bài vương giả bản xứ “độc lập” gặp sức chống đối mãnh liệt của Đảng Cộng Sản Đông Dương [CSĐD], dưới chiêu bài Mặt Trận Việt Minh. Khối sử văn cổ điển cho rằng Mặt Trận Việt Minh xuất xứ từ tên Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, do Hồ Chí Minh, tức Nguyễn Sinh Côn, thành lập ngày 19/5/1941, tại Hội nghị trung ương “thứ 8” nhóm họp ở biên giới Cao Bằng và Quảng Tây. Sự thực, đây là một tổ chức “hồn Trương Ba, da hàng thịt,” do Côn tái sinh năm 1940-1941 tại Hoa Nam. Tổ chức này đã do nhóm Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần, Vi Chính Nam đăng ký tại Nam Kinh từ năm 1936, nhưng chỉ hoạt động được ít lâu rồi chìm vào quên lãng. Sau khi trực tiếp nắm Ban Chỉ Huy Ở Ngoài của Đảng CSĐD ở Côn Minh, được tin Trương Phát Khuê giao cho Trương Bội Công tổ chức Việt Nam Dân Tộc Giải Phóng Ủy viên hội tại Liễu Châu [sau rời về Tĩnh Tây, gần biên giới Việt Nam hơn]; Côn cho Phạm Văn Đồng (1908-2000) tự xưng Phó Chủ tịch Việt Minh với hy vọng xâm nhập tổ chức Hoa quân nhập Việt của quan tướng Trung Hoa. Để tăng cường lực lượng, Côn cho lệnh Đặng Xuân Khu cùng khoảng 20 người (Hoàng Quốc Việt, etc) qua dự, biến thành Việt Nam Dân Tộc Giải Phóng Đồng Minh. Lý Quang Hoa (Hoan), Đồng, Giáp, lọt được vào Ban Chấp Hành. Trương Phát Khuê ở Đại Kiều, Lý Tế Thâm từ Quế Lâm (thủ phủ Quảng Tây) đều gửi điện chúc mừng. Nhưng do lời tố cáo của Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công, nhóm Hoan, Đồng Giáp bị lộ mặt “Cộng Sản,” tử thù của Tưởng Giới Thạch và quân phiệt. Đồng và Giáp phải trốn chạy về vùng biên giới Cao Bằng. Tháng 5/1941, giữa lúc Đảng CSĐD tại nội địa thêm một lần bị Pháp tắm máu trong chiến dịch “khủng bố trắng” 1939-1941 mà Côn trực hay gián tiếp trách nhiệm—trong khi mở đường giây liên lạc với Ban Chấp Ủy Trung Ương ở Sài Gòn, sau khi rời Mat-scơ-va về Trung Hoa—Côn và thuộc hạ chính thức cướp đoạt danh hiệu Việt Minh như một cơ quan ngoại vi, hay mặt trận thống nhất [united front] theo chỉ thị của QTCS. (38)

38. Mặc dù Hồ Chí Minh là trọng tâm của nhiều cung văn [hagiographies] và đào mộ, cho tới năm 2010 mới tương đối có một sơ lược tiểu sử chính xác từ khi được nhận vào trường Quốc Học Huế ngày 7/8/1908. Xem, chẳng hạn, Vũ Ngự Chiêu, “Political and Social Change;” 1984, ch. 9; Idem., “Chuyến Cầu Viện Bí Mật 1950 của Hồ Chí Minh;” Hợp Lưu Magazine (Fountain Valley, CA, No. 109, Tháng 3-4/2010, tr. [5-25]; Chính Đạo, Hồ Chí Minh (1892-1969): Con người & Huyền thoại, 3 tập (Houston: Văn Hoá, 1993-1997); William Duiker, Ho Chi Minh (2000). “Notice... 2/1940;” CAOM [Aix], 7F 27; Về nguồn gốc tên Mặt trận Việt Minh, xem Hoàng Văn Hoan, “Một bước ngoặt lịch sư quan trọng;” trong Nguyễn Lương Bằng, et al.  Đầu Nguồn: Hồi ký về Bác Hồ [The Origin of the Streams:  Memoirs on Uncle Ho]  (Hanoi:  Van Hoc, 1977), tr. 97, 109-10; Nguyễn Lương Bằng, Ibid., 1977:34; Lê Tùng Sơn, Nhật ký một chặng đường (Hà Nội: Văn Học, 1978), tr. 57-8, 60--62; VKĐTT, 6, 2000:484-506; Kng C. Chen, Vietnam and China, 1969, tr. 47. Năm 1967, Sơn xuất hiện ở Burma như một lãnh sự của VNDCCH, ít nhiều tham dự những cuộc tiếp xúc ngầm Mỹ-VNDCCH.

33. Huỳnh Văn Tiểng, “Cổ vũ nhân dân và binh địch vận;” Huỳnh Văn Tiểng et al., Làm đẹp cuộc đời: Huỳnh Tấn Phát: con người và sự nghiệp (Hà Nội: XBCTQG, 1995), tr. 113-14 [111-14]. Huỳnh Văn Phương từng du học Pháp, tại Paris. Năm 1928, do thư giới thiệu của anh rể là Lê Thành Tường, thông dịch viên tại Toà Kháng án Đông Dương, được học bổng 2,000 francs một năm; CAOM (Aix), GGI [Amiraux] 51449.

 

Huỳnh Kim Khánh còn đi xa hơn nữa, cho rằng ngày 19/5 kết thúc Hội nghị 8 này sau được Hồ nhận làm sinh nhật của mình. Suy diễn trên có lẽ không đúng. Nếu muốn cho “Ngày sinh nhật 19/5” một kỷ niệm nhớ đời, ngày 19/5/1910 đáng ghi nhớ hơn nhiều—ngày này 35 năm trước, sau khi bị cách chức tri huyện Bình Khê, chờ tra cứu, Nguyễn Sanh Huy bị giáng 4 cấp, phạt 100 trượng, đầy 3,000 lí vì tội “say sưa và tàn ác với dân chúng” (tra tấn một nông dân trong cơn say, khiến nạn nhân bị ốm chết), đưa đến cảnh anh em Côn phải bỏ học, rời Huế ra đi. (39)

39. “Biographie de Ho Chi Minh (1949);” CAOM (Aix), GGI, 19 PA, c. 4, d. 62 ; Trần Văn Giàu & Trần Bạch Đằng, Vàng Trong Lửa (TP/HCM : Ban KHXH Thành Ủy, 1990), tr. I-30. 

Thật đáng buồn là giữa thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, dư luận Mỹ nói riêng, và thế giới nói chung còn rất ít người biết đến tên thật Nguyễn Sinh Côn (1892-2/9/1969) thuở thiếu thời của Hồ Chí Minh (19/5/1890-2 [4]/9/1969), hay bí danh “Nguyển Tất Thành” chỉ thấy xuất hiện lần đầu tiên ngày 15/9/1911 tại Marseille, khi cậu bồi tàu Đề Đốc Latouche Tréville nắn nót viết xuống trên hai lá đơn xin nhập học đường tắt trường Thuộc Địa [Ecole Coloniale] Paris, mà tôi tình cờ phát hiện vào tháng 2/1983 và công bố tại Paris mùa Hè 1983. Hơn ba năm sau, khi trở lại Paris và Aix-en Provence nghiên cứu về khía cạnh kinh tế của cuộc chiến mới nhận hiểu Nguyễn Tất Thành cũng chỉ là tên giả, sau khi Nguyễn Sinh Côn rời trường Tây Tự Quốc Học Huế [khác với trường Quốc Học hiện nay, gốc từ trường trung học Khải Định, tức trường Pháp-Nam Thừa Thiên]. Lý do chính khiến Côn bỏ học là vì Tri huyện Bình Khê Nguyễn Sinh hay Sanh Huy bị tống giam tra cứu, và rồi bị cách tuột 4 cấp, trở thành thứ dân, mất cả chức Phó Bảng, lưu lạc vào Nam, khiến hai anh em Côn phải rời Huế. Tội danh của cựu Tri huyện Huy là “nghiện rượu, tàn ác với dân,” “ngộ sát” một nông dân cương ngạnh tỉnh Bình Định. Vũ Ngự Chiêu, “Political and Social Change” (1984), Part II. Năm 1990, hai tác giả Trần Bạch Đằng và Trần Văn Giàu cũng từng bạch hóa sự thực làm quan cho giặc Pháp này trong cuốn Vàng Trong Lứa. Nên xem thêm thái độ của Lê Duẩn đối với di chúc và cài chết của Hồ Chí Minh trong President Ho Chi Minh’s Testament [Di Chúc Chủ Tịch Hồ Chí Minh] (Hanoi: NXB TG,2001); Tin Việt Nam (Bắc Kinh), số 7, (9/1981), tr 1-6; Vũ Ngự Chiêu Hoàng Đỗ Vũ, Kin hay Không Kin, (2015-2016), tập 3, tr 9-39.

 

Nhiều tác giả còn lầm lẫn cho Nguyễn Sinh Côn (mà họ ghi là Nguyễn Sinh Cung) vào trường Quốc Học trước khi xảy ra cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Huế gần 4 tháng (9-15/4/1908), Ibid. I-29. Thực tế, mãi tới ngày 7/8/1908, ban giám đốc trường Tây Tự Quốc Học mới báo cho Phòng 2 Tòa Khâm sứ Huế là Nguyễn Sinh Côn, con Thừa biện bộ Lại Nguyễn Sinh Huy từ (1906), được nhận vào trưòng QH niên khoá 1908-1909. (40)

40. CAOM (Aix), Annam, R-1 ; (Foutain Valley, CA), số 84, tháng 8-9/2005, tr. 193; Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ, Kiện hay Không Kiện, (2015-2016), tập 3, tr 15 [Phụ bản Tài liệu 2]; tập 2, tr 351-353 [Phụ bản Tài liệu 5 và 6]

 

Gần sự thực hơn nữa là việc đón lễ sinh nhật 19/5/1946 của Hồ đi kèm  lời kêu gọi dân chúng Hà Nội và khắp miền bắc vĩ tuyến 16 treo cờ đỏ, sao vàng trong thời gian Linh mục/Cao ủy d’Argenlieu ra thăm Hà Nội từ 18 tới 21/5/1946 (Cứu Quốc (Hanoi), 17/5/1946) —một danh dự lớn cho Linh mục/Cao Ủy Pháp tự do, để đáp lại chuyến mời Hồ và Nguyễn Tường Tam ra Vịnh Hạ Long gặp mặt thân hữu. Đồng thời cũng để biểu dương sức mạnh chính trị của Hồ.

 

Dưới bảng hiệu mới là “đấu tranh chống Phát-xít Nhật và Đế quốc Pháp,” Mặt Trận Việt Minh nín thở qua sông trong giai đoạn cai trị gián tiếp của Nhật (9/1940-3/1945). Việt Minh thành lập được hai đội du kích ở Cao Bằng và Lạng Sơn, nhưng những nỗ lực tái lập Đảng tại đồng bằng miền Bắc và miền Trung rất hạn chế, trong khi mọi nỗ lực đánh thông liên lạc với Nam Kỳ trước Meigo đều thất bại.

Một chi tiết ai cũng rõ là trong giai đoạn tái tổ chức lần thứ ba này, Nguyễn Sinh Côn một tay lèo lái Bộ Chỉ Huy Ở Ngoài tại Côn Minh, với những cán bộ do chính tay Côn dào tạo như Võ Giáp, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan, Lê Như Vọng, Nguyễn Hữu Tài, qua những màn kịch xuất sắc. Ngày 8/2/1941, Cỏn cùng một số thuộc hạ vượt biên giới, tạm cư trong các hang đá vôi đông bắc Cao Bằng. Ba tháng sau, Côn triệu tập Hội Nghị “thứ tám,” khoá I Ban CHTƯ. Trong Hội Nghị kéo dài từ ngày 10 đến 19/5/1941 này, Côn đã thực hiện được ít nhất ba điều. Thứ nhất, thành lập được một Ban Chấp Ủy Trung Ương Đảng CSĐD; với Đặng Xuân Khu (tức Lương, Tuyền, Toàn, hay Sư Tử) làm Tổng Bí thư; và Ban thường vụ có Hà Bá Cang, (tức Tiếp, Tạ, Chinh), gốc Đáp Cầu, Bắc Ninh; cùng Bảy (Giao, Lý, Quang, Mão), khoảng 37 tuổi, nói tiếng thổ lưu loát, có thể là Loui Minh Ha, người Tày ở Lạng Sơn, thợ đạc điền, đã thoát qua Hoa Nam từ năm 1927. (Note No. 11389/s (11 June 1942); RST F30(4)

Nhưng mọi việc chẳng vì thế hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. Bi thảm nhất là cái chết của Nguyễn Thị Quang Thái (1915-1943)—vợ đầu tiên của Võ Giáp, và cũng là em gái “Fan Lan” Nguyễn Thị Vịnh. Ngày 10/5/ 1941, sau khi Giáp trốn qua Hoa Nam, Thái bị trục xuất khỏi trường nữ y tá vì “nhục mạ cờ tam tài,” phải trở lại Vinh giúp cha mẹ coi tiệm vải. Sau khi dự cuộc hành hình Fan Lan tại Bãi Rác Bà Điểm, Hóc Môn, ngày 28/8/1941, Quang Thái tiếp tục hoạt động, giữ nhiệm vụ liên lạc. Ngày 6/ 6/1942, Quang Thái bị Mật Thám bắt giải ra Hà Nội vì Phạm Thị Hà, bí danh Châu, bị bắt ngày 2/6/1942, cung khai đã theo chỉ thị của Quang Thái dẫn Đào Duy Dzếnh, em Đào Duy Kỳ, từ Vinh ra Hà Nội. Quang Thái chối tội, nhưng cả Dzếnh lẫn Hà đều đối chất, chỉ điểm Quang Thái. Ngày 5/6/1942, Mật Thám Nam Kỳ cũng bắt được Nguyễn Hữu Xuyến, sinh năm 1917 ở Đình Bảng, Bắc Ninh, liên lạc viên Xứ ủy Nam Kỳ. Xuyến hoạt động tại Sa Đéc từ 1937. liên lạc viên giữa Nam Bộ và Trung Ương. (41)

41. Tel No. 4147, 5 June 1942, Surete Saigon to DirSurge Hanoi; RST F30(4) [Also confiscated the blueprint [layout] of the coming issue of Giai Phong, No. 1, to be dated June 10, 1942 at 127 Blvd Paul Bert].

 

Nguyễn Hữu Xuyến cũng xác nhận Quang Thái là cán bộ. Năm 1943, Quang Thái chết trong ngục. (42)

42. Note No. 11389/s (11 June 1942); RST F30(4)

[Theo lý lịch tự khai, Xuyến bị bắt năm 1941, đày ra Côn Đảo. Tháng 2/1945, ra tù, ở Sa Đec. Tháng 10/1945, chỉ huy Vệ Binh CH Sa Đec. Từ 1946 tới 1951 giữ chức chi đội trưởng, E trưởng, liên E trưởng Trà Vinh-Vĩnh Long. Sau 1954, trở thành UV quân sự xứ ủy, có bí danh “Tám Dên Dên.” Năm 1955-1956, ở miền tây. Năm 1957, chuyển sang miền đông. Đầu năm 1960, chỉ huy trận đột kích Tua Hai, bản dinh Trung Đoàn 32, Sư Đoàn 21. Năm 1961, Tư lệnh LLVT miền Đông NB, Từ 1965 tới-1974, Phó TL QGPMN. Năm 1974, về BQP. Năm 1986, Trung tướng.].

 

Trong kế hoạch thanh niên vận và trí vận, từ mùa Hè 1944, Đảng CSĐD thành lập Đảng Dân Chủ, với  Dương Đức Hiền làm Tổng Thư Ký, Hoàng Minh Chính Bí thư Đảng đoàn, để gia nhập Việt Minh [30/6/1944]. (Vũ Đình Hoè, 2004:821) Những người gốc nam quen biết Dương Đức Hiền cũng qui tụ quanh nhóm Thanh Niên của Huỳnh Tấn Phát, Mai Văn Bộ,  Nguyễn Việt Nam, sau này hóa thân thành Đảng Tân Dân Chủ, dưới ảnh hưởng và sự chỉ huy của Xứ Ủy Nam Kỳ gồm Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn “Bảy” Trấn, v.. v.. Qua năm 1944, nhóm này hoạt động dưới bảng hiệu truyền bá chữ quốc ngữ để hoạt động trí vận tại Sài Gòn/Chợ Lớn và các thị trấn. Tuy nhiên, Ban Thường Vụ Trung ương Đảng CSĐD bị cắt đứt liên lạc với Huế và miền nam. Tới tháng 1/1945, Tố Hữu, Tôn Quang Phiệt, Hoàng Anh, v.. mới nhận được tài liệu cơ bản về Việt Minh. Xứ ủy Nam Kỳ cũng chia hai, mãi tới tháng 4/1945 mới liên lạc được với Trường Chinh.

Chiến dịch Meigo giúp Đảng CSĐD được tăng gia nhân sự từ các nhà giam và trại cải tạo, kể cả hơn 1800 tù Côn Đảo về tới Sóc Trăng ngày 23/9/1945, rồi tỏa ra, xâm nhập các tổ chức do Nhật tài trợ, như Thanh Niên Tiền Tuyến ở Huế, Thanh Niên Tiền Phong [TNTP] hay Bình Xuyên, Hòa Hảo ở Sài Gòn. Y sĩ Phạm Ngọc Thạch—công dân Pháp và vợ Pháp—trở thành một cán bộ CSĐD, đưa đảng viên xâm nhập TNTP, và cải hóa thành phần lãnh đạo như Kỹ sư Kha Vạng Cân, Nha sĩ Nguyễn Văn Thủ, Luật sư Thái Văn Lung, tráng trưởng Huỳnh Văn Tiểng v.. v.. Nạn nhân của nhóm Stalinist sau này là Luật sư Huỳnh Văn Phương, tân Phó Giám đốc Cảnh Sát Sài Gòn, từng phóng thích một số cán bộ cốt cán như Bùi Văn Dự, “Thắng” tức Trần Văn Trà, cung cấp vũ khí cho nhóm Stalinist và tuyển dụng một số cán bộ CS trong TNTP vào ngành Cảnh Sát.

Sau một thời gian hoạt động với Kempeitai Nhật, Trần Văn Soái, Lê Văn “Bảy” Viễn, cùng Tô Ký, Dương Văn Hà của tổ chức tội phạm Bình Xuyên trở thành lãnh tụ chống Pháp. Tháng 10/1945, Bảy Viễn được phong làm Chỉ huy trưởng Mặt Trận Sài Gòn/Chợ Lớn của Lâm Ủy Hành Chính Nam Bộ. (40)

40. CAOM (Aix), HCFI, CP 161

 

Chiến dịch Meigo của Nhật, tưởng nên nhấn mạnh, còn mở cửa dư luận thế giới cho Việt Minh. Mặc dù từ năm 1942, các cơ quan tình báo Trung Hoa và Liên Bang Mỹ bắt đầu chú ý đến Hồ và tổ chức Việt Minh—qua Ban Chỉ Huy Ở Ngoài Đảng CSĐD, và nhóm Hội Giải Phóng chống Nhật của Nguyễn Văn Cơ, tức Lê Tùng Sơn hay Anh tại Côn Minh—nhưng họ chỉ âm thầm theo dõi. Sau đó, đồng ý cho Trương Phát Khuê, lãnh chúa Quảng Tây, thuê mướn Việt Minh thu thập tin tức về quân Nhật, qua hệ thống Hoa quân nhập Việt. Lê Tùng Sơn và một số cán bộ CS được cử vào Ban Chỉ Đạo của tổ chức Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội tại Liễu Châu.  

Ngày 2/7/1944: Côn Minh: Đại hội các đảng phái cách mạng ở Vân Nam dưới quyền chủ tọa của Tiêu Văn. [Tài liệu Pháp ghi là ngày 1/7/1944]

 

Nhưng các sĩ quan tình báo Mỹ không dấu sự nghi ngờ về Hồ—“một cán bộ QTCS thứ thực,” theo nhận định của Đại úy OSS Archimedes L Patti tại Hoa Nam. Cuối tháng 2/1945—sau  khi Việt Minh đã cứu thoát Trung úy William Shaw, một phi công Mỹ bị bắn rơi ở Cao Bằng—Tướng Claire L. Chennault, Tư lệnh Không đoàn Cọp Bay 14, vẫn chưa đồng ý tiếp kiến “ông Hoàng,” mới cùng hai thuộc hạ “đi bộ mười một ngày” từ Pác Bó sang Vân Nam đề nghị hợp tác. (41)

41. Phùng Thế Tài, Bác Hồ những kỷ niệm không quên (Hà Nội: QĐND, 2002), tr. 57-63, 82-7; Charles Fenn, Ho Chi Minh: A Biographical Introduction (New York: 1973), 71-5, 76-7, 78, 81; Archimedes L. Patti, Why Viet-Nam? Prelude to America's Albatros (Berkeley, Cal.: Univ of California Press, 1980), tr. 29-30, 31, 46, 50, 51; Stein Tonnesson, Vietnamese Revolution, 238, 337 (quoted USNA ngày 19/3/1945); Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con người & huyền thoại (Houston: Văn Hóa, 1993,1997), II, 1993:356; Marr, Vietnam 1945 (1995), pp 227-29, 241, 282-85, 288-91, 304n33, 476-79, 482-90, 498-501, 538-39; Raymond P. Girard, “City Man Helped to Train Guerillas of Ho Chi Minh;” Evening Gazette (Worcester, MA), 14 & 15/5/1968; dẫn trong Marr, 1995:209n189; US Congress. Senate. Causes, Origins, and Lessons of the Vietnam War. Hearings before the Committee on Foreign Relations, 92nd Congress, 2nd Session, May 1972 (Washington: GPO, 1973), tr. 249;

 

Chiến dịch Meigo của Nhật khiến viên chức Mỹ bỗng thay đổi hẳn thái độ. Sự thay đổi này do nhu cầu tình báo về quân lực Nhật tại Đông Dương. Cuộc tổng tấn kích ngày 9-10/3/1945 đã cắt đứt hầu hết hệ thống tình báo mà trước đó người Pháp và Hoa tại nội địa cung cấp cho Bri-tên, Trung Hoa và Mỹ. Từ năm 1943, lực lượng “kháng chiến Pháp” trong nội địa Đông Dương âm thầm cung cấp nhiều dịch vụ cho Đồng Minh như tình hình quân sự, các vị trí đóng quân hay lộ trình di chuyển của Nhật. Tháng 2/1945, Trung tá Miles ở Côn Minh từng muốn khen thưởng những người Pháp góp công vào cuộc oanh tạc Sài Gòn và Cam Ranh ngày 12/1/1945, đánh đắm 50 tàu đủ loại, và phá hoại tới 150 thủy phi cơ Nhật tại Cam Ranh và duyên hải miền Trung. Pháp kiều cũng che chở, giúp đỡ hàng chục phi công của Không Đoàn 14 Cọp Bay, hay Hạm đội số 3 của Mỹ. Quân nhân Mỹ đầu tiên tử trận ở Việt Nam là Trung úy phi công E. A. Shirley, gốc Texas, thi hài được chôn trong nghĩa địa Pháp ở Sài Gòn vào tháng 1/1945. Kháng chiến Pháp còn giúp giải thoát bốn năm tù binh Đồng Minh trong trại tù Sài Gòn, trại tù binh quan trọng nhất ở Đông Dương từ tháng 4/1942. Nhân viên OSS biệt phái cho Bộ Tư lệnh “lực lượng kháng Nhật” của Tướng Sabattier tại Điện Biên Phủ cũng bắt buộc phải theo Sabattier cùng tàn quân Pháp rút khỏi Đông Dương—mặc dù de Gaulle đã gửi cả Tổng thư ký Comindo là Francois de Langlade và Paul Mus tới Điện Biên, chuyển lệnh phải ở lại nội địa Đông Dương bằng mọi giá. (42)

42. Commandant Supérieur des Forces Francaises en Extrême-Orient [FFEO], 2è Bureau, No. 2849/2, “Rapport sur les activités de la résistance francaise en Indochine, au profit de la cause Alliée; SHAT (Vincennes), 10H xxx [78, c. 1] (13 pages) [80] Patti 1980: 75-80; Spector 1983: 39-40; (Hong Thuy & H. N., “L’Ancien Hué: Dès origines à 1945; Etudes vietnamiennes (Ha Noi): Huê, Passé et Présent, No. 37, 1973, pp. 57-8 [25-62]. Mission Militaire en Chine [MMC], BR No. 1055/50/R, ngày 1/2/1945; CAOM (Aix), AP 3448, d. 4.

 Sự kháng chiến của Pháp tại Đông Dương đã bị che lấp bởi đủ huyền thoại về sự “phản bội của Pháp,” tự biến thành vệ tinh của Nhật trong Thế Chiến thứ II.

Việt Minh: muốn độc quyền kháng Nhật, chiến đấu bên cạnh Đồng Minh, chống cả thực dân Pháp và Nhật. Lên án Pháp đã quì gối xin hàng hai lần vào tháng 9/1940 (ở Lạng Sơn) và ngày 9/3/1945 (Meigo); trong khi phóng đại cuộc chiến kháng Nhật chỉ gồm những đồn bót phụ thuộc, giết khoảng vài ba chục binh sĩ Nhật; [sau ngày 16/8/1945, còn sử dụng “bộ đội Việt Mỹ” dưới quyền Võ Giáp, Đàm Quang Trung tấn công đồn Hiến Binh Nhật ở Thái Nguyên “để tạo thêm thành tích,” dưới sự chứng kiến của các nhân viên OSS Nhật].

Các nhóm tình báo Hoa-Mỹ [như toán GBT của Thiếu tá Laurence Gordon, gốc Nam Phi, được sự tiếp tay của một số người Hoa yêu nước và thù nghịch với Pháp. Từ đầu năm 1944, cơ quan tình báo Pháp thay nhóm Gordon. [tr. 2]

Những versions “truquées” của VM và toán GBT được dư luận thế giới thích nghe. [tr. 3]

Pháp quá bận rộn trong việc tái chiếm Đông Dương, không có cơ hội “giải độc.”

Từ tháng 9/1940, Đông Dương thuộc Pháp tinh thần kháng Nhật ngày một phát triển.

Từ tháng 9/1939 tới ngày thất thủ Singapore (2/1942) duy trì một điện đài từ Sài Gòn tới Singapore. [tr. 4]

Trong năm 1942, liên lạc với tình báo Bri-tên và Mỹ.

12/1942: Tiếp xúc đầu tiên với Free French tại biên giới Hoa-Việt. 27/1/1943: trao đổi tin tức với TH. 3/1943: Đại úy pháo thủ Milon. Từ đó, phong trào ngày một phát triển cho tới tháng 3/1945. Nhất là qua ngả Lào Cai-Hà Khẩu. [tr. 4-5] Cao Bằng, Móng Cái.

Liên lạc tàu ngầm đồng minh, cơ quan tình báo Bri-tên.

Giải cứu tù binh Đồng Minh. Từ tháng 4/1942, Nhật sử dụng Đông Dương làm trại giam giữ tù binh Đồng Minh. Chính yếu tại Sài Gòn, và ít hơn tại Căm Bốt, Cam Ranh và Hải Phòng. [tr. 5-6]

Dân Pháp giúp đỡ tài vật qua Hồng Thập Tự, hay bí mật. Các cựu trưởng trại tù như Thiếu tá A. W. Glossop (Chesterfield, Brti-tên), Dr MacQuillan, Đại úy Massemackers, Đại tá F. E. Hugonin Breedon Rectory-Tewkshury (Bri-tên) có thể làm chứng. [p. 5]

Giúp nhiều tù vượt ngục như:

Trung úy Hughnest, USA, 25/12/1944. Wage, Texas.

Bankcroft Basile, 1943, qua Lào rồi TH.

Mitchel Purcell, Bri-tên, Annam.

Arsen Holl, Dutch, từ Long Thành, ngụy trang như y tá tại nhà thương Grall.

Trung úy Francois Alland, Pháp, bị Nhật giết ngày 11-hay 12/3/1945 [tr. 6].

Từ đầu năm 1944, SA nhảy dù vào Đông Dương. 80% thành công. [p.6]

1943: Hai phi công Mỹ bị bắn rơi, bị thương nặng, điều trị tại nhà thương Lanessan Hà Nội. Sau đó thoát qua TH. Cuối 1943, Trung úy Stafford bị bắn rơi ở Móng Cái. Vượt biên ở Cao Bằng. [tr. 8]

1/1/1945: Phủ Lạng Thương: Một B-25 của Mỹ bị bắn hạ.

8 trong số 11 phi hành đoàn được Pháp cứu sống. Chia làm 3 toán vượt biên giới qua TH. [tr. 8]

Những phi công bị bắn hạ ở Vĩnh Yên và Hải Phòng, được cứu thoát, đưa qua TH. (Nhân chứng: Trung úy Martin-Jarrand và Đại úy Levain, Soclet hoạt động tại BV tháng 5/1945).

Bắc Giang hay Phủ Lạng Thương cách Hà Nội 51 km, trên đường số 1 [đi Lạng Sơn]. Phía bắc Bắc Ninh 20 km. Tây bắc Lục Nam, 21 cây số [đường đi Đình Lập] (Thúy, 1978:143.

12/1/1945: An Nam: Hạm đội 3 của Đô đốc Halsney oanh tạc duyên hải Đông Dương [nhất là Cam Ranh].

Phi cơ từ 13 hàng không mẫu hạm đánh bom duyên hải An Nam. 7 phi công bị bắn hạ. 6 người được đưa bằng xe hơi ra bắc, theo đường Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu (Trung úy Elmer Stratton, Lambros, Moranville, v.. v.. ) Người thứ 7, Trung úy Henry, điều trị 6 tháng ở Mỹ Tho. Tháng 4/1945, chết ở bắc Kontum cùng vài kháng chiến Pháp.

Chôn cất thi hài Trung úy E. A. Shirley ở nghĩa trang Sải Gòn. [tr. 7]

Nhật mất khoảng 50 tàu đủ loại, 150 thủy phi cơ. Trung tá Miles ở Trùng Khánh xin tên những người có công để ban thưởng. [tr. 9-10]

12/1/1945: Phi cơ Mỹ lại oanh tạc Sài Gòn. 5 phi công sống sót.

Trong tháng 1/1945, cuộc oanh tạc phi trường Tân Sơn Nhất khiến

350 chết (75 dân sự Pháp, còn lại là Nhật), 250 bị thương (40 dân sự). Mission Militaire en Chine [MMC], BR No. 1055/50/R, ngày 1/2/1945; CAOM (Aix), AP 3448, d. 4.

Tháng 2/1945: Quảng Ngãi: Một thủy phi cơ Mỹ bị bắt buộc hạ cánh ngoài khơi Sa Huỳnh (giữa Quảng Ngãi và Qui Nhơn).

Chỉ có 1 trong 11 nhân viên phi hành đoàn được tàu ngầm cứu thoát. 10 người khác được cấp cứu, tạm trú tại Gi Lăng, Quảng Ngãi, chờ tàu ngầm đón. Ngày hẹn 6/3/1945 không thành công. Được đưa lên đồn điền CATEKA ở Pleinku. Sau 9/3/1945, theo Pháp di tản. Đại úy Stevenson và Paterson bị Nhật phục kích bắt được giải về Huế cùng kỹ sư Tricotoire. Họ chết vì bệnh vào tháng 6/1945. 6 người khác bị Nhật giết. Chỉ có 2 người sống sót, bị đưa vào Sài Gòn. Tự do vào tháng 9/1945. [tr. 7]

SA hoạt động bí mật ở Đông Dương. Tổ chức chiến khu, nhưng chưa hoàn tất ngày 9/3/1945. [tr. 8]

Tổ chức tình báo: Từ hạ bán năm 1944, tổ chức các toán tình báo, sử dụng 60 nhân viên Pháp, cùng mật báo viên quân cũng như dân sự. Cung cấp các tin thời tiết, đường xá, v.. v.. cho Bri-tên, Mỹ, TH. [tr. 9]

Cung cấp tin tức về Nhật. Chiến thắng tiêu biểu ngày 12/1/1945. Nhật mất khoảng 50 tàu đủ loại, 150 thủy phi cơ. Trung tá Miles ở Trùng Khánh xin tên những người có công để ban thưởng. [tr. 9-10]

Theo dõi mặt trận Burma, Malaya và Thái Lan. [10]

Liên lạc trực tiếp với tình báo Đồng Minh.

Wu, nhân viên tình báo của Tướng Wai tại Côn Minh, được che chở ở Hà Nội. Vận chuyển cán bộ TB Trung Hoa từ Côn Minh tới Quảng Tây. Giam mục Wei qua Lào vận động, thăm thú tình hình. [tr. 11] [tr. 11]

Bri-tên: 15 cán bộ Bri-tên được đưa từ Xiêm tới Móng Cái. [tr. 11]

Mỹ: Hợp tác chặt chẽ. Trực tiếp tại Ban Houei Sai và Cao Bằng. [tr. 11]

Hợp tác với Gordon, nhưng có sự nghi ngờ về tham vọng cá nhân và hậu ý chính trị nên trở thànhchống đối và thù nghịch. Pháp cử Thiếu tá KQ Noel làm sĩ quan liên lạc tại BTL KQ Mỹ. Liên lạc truyền tin giữa Đông Dương và BTL KQ ở Mindore. [tr. 11]

Tháng 3/1945, Decoux từ chối cung cấp ngân khoản cho quân tăng viện Nhật, có thể khiến Nhật ra tay sớm. [tr. 12]

Nên nhớ Đông Dương còn có 50,000 đàn bà, trẻ em. [tr. 13] Trên 1700 trong số 14,000 binh sĩ Pháp hay mật tích. [tr. 13]

1/1/1945: Phủ Lạng Thương [Bắc Giang]: Một B-25 của Mỹ bị bắn hạ. 8 trong số 11 phi hành đoàn được Pháp cứu sống. Chia làm 3 toán vượt biên giới qua TH. [tr. 8]

Những phi công bị bắn hạ ở Vĩnh Yên và Hải Phòng, được cứu thoát, đưa qua TH. (Nhân chứng: Trung úy Martin-Jarrand và Đại úy Levain, Soclet hoạt động tại BV tháng 5/1945). Commandant Supérieur des Forces Francaises en Extrême-Orient [FFEO], 2è Bureau, No. 2849/2, “Rapport sur les activités de la résistance francaise en Indochine, au profit de la cause Alliée; SHAT (Vincennes), 10H xxx [78, c. 1] (13 pages)

Bắc Giang hay Phủ Lạng Thương cách Hà Nội 51 km, trên đường số 1 [đi Lạng Sơn]. Phía bắc Bắc Ninh 20 km. Tây bắc Lục Nam, 21 cây số [đường đi Đình Lập] (Thúy, 1978:143.

1/5/1945: Ceylon: Đội Đông Pháp (French Indochina Country Section, tức FICS) thuộc Force 136 của Bộ Tư lệnh Đông Nam Á (South East Asia Command) lên tới 160 người. Gồm 65 SQ, 75 HSQ, và 20 Việt. ("Note sur l'activité du Service d'Action [15 Dec 1945];" 10H xxx [85] Chỉ huy lực lượng này là Trung tá Jean [Boucher] de Crèvecoeur. Crèvecoeur cũng chỉ huy Sở Hành động [SA]).

15/4/1945: Đại úy "Caille" [Paul Mus] nhảy dù xuống Boun Nua, Lào. Ngày hôm sau được đưa tới Phong Saly [Khu Quản Đạo thứ 5] gặp Sabattier (SHAT, 10H xxx [84]).

Tinh thần tốt, quyết chiến đấu. Nhưng mệt mỏi sau một tháng di chuyển từ Sơn La. Đã có những dấu hiệu bệnh Beri Béri. Xin gửi vitamins.

Người Âu đa số để lại gia đình ở Đông Dương. Ý kiến chung là dân tác chiến Đông Dương đã làm tròn nhiệm vụ của họ, giống như những kháng chiến quân ở Pháp. Muốn tuyên truyền ở bên ngoài đừng tạo khó khăn cho các con tin bị ở lại.

Người Đông Dương nói chung ngả theo ta. Nhưng sợ rằng khi vượt biên họ sẽ không theo. Dân thiểu số không có trình độ hiểu biết. Hiện tại họ theo Pháp vì tiếp tế.

Theo Mus, người Nhật đã chuẩn bị kỹ lưỡng cuộc đảo chính. Họ đã chuẩn bị cả tuần loại thang tre nhẹ để đi từ tòa nhà này sang nhà khác. Tuyên truyền từ bên ngoài: cần những người biết về Việt Nam và ngôn ngữ. Cần tuyên truyền rằng người Pháp có mắt khắp nơi để ngăn cản việc hợp tác với Nhật. (Báo cáo ngày 18/4/1945 của “Caille”; SHAT, 10H xxx [84]).

 

Ngày 17/3, Charles Fenn, một nhân viên OSS tại Đội Yểm Trợ Không Lực Dưới Đất (AGAS) tại Trung Hoa, được lệnh tiếp xúc Hồ [Côn], và đặt cho Côn bí danh “Lucius,” trước khi nhờ đưa hai nhân viên AGAS vào nội địa Bắc Kỳ, thiết lập đài truyền tin. (Fenn 1973:76-80). Sau đó, Patti bay sang Liễu Châu gặp Côn. Vì nhu cầu tình báo, đồng thời  nể trọng sự lương thiện của Côn, và đặc biệt thái độ dửng dưng với ngân quĩ dồi dào của OSS, Patti đã tảng lờ liên hệ giữa Côn với Quốc Tế Cộng Sản, sử dụng Côn đồng loạt với các nhân viên Pháp, kể cả những người Pháp gốc Việt như André Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, v.. v.. . (Patti 1980:83-7,104-5) Quyết định của Patti cực kỳ quan trọng. Những ngày sau đó, nhờ vũ khí Mỹ, thuốc men, trang cụ và đặc biệt là bề ngoài được Mỹ công nhận và yểm trợ, Đảng CSĐD—dưới chiêu bài Việt Minh—sớm hồi phục khỏi tình trạng bị đánh vỡ nát dưới tay Pháp trong giai đoạn từ 1939 tới 1944. (Liệu 1964; CAOM (Aix), HCFI, CP, hộp 161 và 192)

Cơ quan tuyên truyền của Việt Minh cũng ra sức tự đánh bóng như một tổ chức duy nhất đang hợp tác với phe chiến thắng Đồng Minh và gay gắt tố cáo tuyên ngôn độc lập của Bảo Đại là thứ “độc lập bánh vẽ” (Xem chẳng hạn Liệu 1945). Cán bộ Việt Minh còn tích cực lợi dụng nạn đói để khích động đám đông hầu tạo cơ hội thuận tiện cho một cuộc nổi dậy, dự trù khi quân Đồng Minh đổ bộ ở Trung Hoa và Đông Dương trong khoảng mùa Thu 1945 và mùa Xuân 1946.

Các toán vũ trang tuyên truyền và ám sát đoàn—dưới sự chỉ huy của cán bộ từng được tình báo Bri-tên huấn luyện như Lê Giản (Giám đốc Công An Trung Ương), Hoàng Đình Rong, Dương Công Hoạt (Bí thư Cao Bằng), Pallat Nguyễn Văn Minh (cựu Bí thư Bắc Kỳ), Nguyễn Văn Ngọc (Giám đốc Công An Trung Bộ), Vũ Văn Địch (Cục trưởng tình báo quân đội), Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), v.. v...—hoạt động hầu như công khai ở Hà Nội và các vùng ven thị trấn. Chu Văn Tấn và “đồng chí Văn”—tức Võ Giáp—thành lập an toàn khu ở vùng Tuyên Quang-Bắc Kạn, trải tới Cao Bằng. Tháng 5/1945, sau khi nhận lời hợp tác với tình báo Mỹ, Côn di chuyển từ Pác Bó xuống Kim Lộng [Luông], huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Toán Con Nai [Deer Team] của Thiếu tá Thomas từng nhảy dù xuống Kim Lộng, giúp huấn luyện khoảng 100 “bộ đội Việt-Mỹ” và cứu Côn thoát khỏi cơn bệnh mười chết một sống. Thomas còn hành xử như Ban Ngoại Giao của Côn, chuyển ra ngoài lập trường kháng Nhật và tranh đấu cho độc lập của Việt Minh. Việc cơ quan tình báo Mỹ và Trung Hoa chấp thuận sử dụng Việt Minh để thu thập tin tình báo về Nhật còn tạo cho Việt Minh sức mạnh tinh thần và một vũ khí tuyên truyền sắc bén. Ngày 7/8/1945, Nguyễn Phước Điện từng ra Dụ mời Việt Minh tham gia chính quyền, nhưng cả hai thượng thư khâm sai ra Hà Nội và vào Quảng Ngãi đều bị bắt giữ.(43)

43. Lê Tùng Sơn, 1978:110-12 [Mỹ thả 2 đợt, gần 80,000 truyền đơn của Việt Minh xuống Hà Nội, Huế và Việt Bắc]; Đàm Quang Trung [Đàm Ngọc Lựu, 1921-1985], “Từng có một đội quân hỗn hợp Việt-Mỹ tiến vào Hà Nội;” [Once there was a mixed Vietnamese-American military unit marching into Ha Noi]. Tuoi Tre [Young Age] (Saigon), vol. 11, no. 34-93 (514), August 29, 1993, p. 5; René Defourneaux, “Secret Encounter with Ho Chi Minh;” Look (NY), 8/9/1966, tr. 32-33; Robert Shaplen, The Lost Revolution (NY: Harper & Row, 1965), tr. 30; Báo cáo ngày 22/8/1945, William J. Donovan gửi Byrnes; Bộ Quốc Phòng, US-Vietnam Relations, 1947-1967 (Washington, DC: GPO, 1971), Bk I, C 58-9, 67; The Pentagon Papers (Gravel), vol. I, pp. 17, 20, 50, 51; Lê Giản, “The Story of An Exile;” Vietnam Courrier, 1980:17-20;

 

Năm 1944-1945, cán bộ tuyên truyền [agitprop] của Đảng CSĐD xâm nhập, tổ chức các nhóm thanh niên, sinh viên, trí thức. Từ tháng 8/1945, Trần Đình Long (1904-1946)—từ Nga về năm 1931, được Văn phòng Đông Dương của Ban Phương Đông Quốc Tế Cộng Sản dự trù sẽ thay Lê Hồng Phong nếu có chuyện bất trắc; cuối thập niên 1930, tham gia mặt trận báo chí ở miền Bắc—thực sự nắm Đảng Dân Chủ, cố vấn cho Ủy Ban Khởi Nghĩa Hà Nội. Nhân vật tích cực khác là Lê Trọng Nghĩa (Đoàn Xuân Tín), cán bộ tình báo, tham dự những cuộc thảo luận với Khâm sai Toại và Y sĩ Nguyễn Xuân Chữ, Chủ tịch Ủy Ban Chính Trị Bắc Bộ.

Do đề cử của những người này, Dương Đức Hiền rồi Vũ Đình Hoè—linh hồn nhóm Thanh Nghị—được đại diện Đảng Dân Chủ trong chính phủ lâm thời ngày 28/8/1945. Tại Huế, từ ngày 15/8, Tố Hữu đã giao trách nhiệm cho Tôn Quang Phiệt và Hoàng Anh thuyết phục chính phủ Kim từ chức. Phiệt bèn sử dụng Phạm Khắc Hoè và Trần Đình Nam làm nội gián, gây nghi ngờ giữa Bảo Đại và Kim, và giữa Kim với các thượng thư. (44)

44. Độc Lập, 4/9/1945; Vũ Đình Hoè, 2004:718, 795, 797-98. Đầu năm 1946, Long bị Việt Cách giết; Lê Tùng Sơn, 1978:186; Anatoli A. Sokolov, Quốc Tế Cộng Sản và Việt Nam, bản dịch Đào Tuấn (Hà Nội: CTQG, 1999), tr. 269-70; République Démocratique du Vietnam 1959:28-48.

 

Các nhóm thân Nhật khác tại Việt Nam cũng chẳng coi trọng gì Nguyễn Phước Điện Thực ra, quyết định duy trì Nguyễn Phước Điện của Nhật khiến mọi người đều ngạc nhiên, kể cả chính nhà vua. (Bao Dai 1980: 101). Nước Nhật đã từng cho Hoàng Thân Cường Để (1882-1951), bác họ của Nguyễn Phước Điện và thuộc dòng trưởng của vua Nguyễn Phước Chủng  (1802-1820), tị nạn nhiều thập niên. Năm 1939, Nhật khuyến khích Cường Để thành lập Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội, thường gọi tắt là Phục Quốc. Tổng Hành Dinh Lộ Quân Miền Nam của Nhật tại Quảng Châu (Canton, hay Guangzhou) cũng từng tổ chức Việt Kiều tị nạn ở Trung Hoa thành một lực lượng võ trang, với khoảng 2,000 Việt Nam Kiến Quốc Quân, được trang bị từ 300 tới 400 vũ khí, và giao cho Trần Phước An (bí danh Shibata) cùng Trần Trung Lập, hai cộng sự viên thân cận của Cường Để, chỉ huy. (CAOM (Aix), INF, hộp 133, hồ sơ 1120) Tháng 9/1940, Kiến Quốc Quân đã theo Sư đoàn 5 Ngự Lâm Quân Nhật tấn chiếm Lạng Sơn, một tỉnh sát ranh giới Hoa-Việt. Tháng 10/1940, sau khi Decoux chấp thuận cho quân Nhật đồn trú phía bắc Bắc Kỳ, Sư đoàn 5 Ngự Lâm Quân triệt thoái khỏi Lạng Sơn. Trần Trung Lập định duy trì vùng giải phóng được, nhưng bị quân Pháp đả bại. Lập bị bắt và xử tử vào tháng 12/1940. (45)

45. SHAT [Vincennes], Indochine, 10H xxx [81]). CAOM (Aix), INF, hộp 133, hồ sơ 1120. Năm 1949, tài liệu tuyên truyền của Đảng CSĐD hàm ý rằng Trần Trung Lập có liên hệ với Việt Minh.

 

Tuy nhiên, việc Nhật bỏ rơi Kiến Quốc Quân hay hợp tác với chính quyền Pháp trong thế chiến thứ II không đủ ngăn cản một số người Việt tham gia tổ chức Phục Quốc của Cường Để: Không đủ khả năng rời nước, bị Cảnh sát Pháp truy lùng, và do áp lực kinh tế, số người Việt trên xin hợp tác với Nhật để đổi lấy sự an toàn và miếng ăn. Sau 1943, người Nhật bắt đầu đánh bóng Cường Để trở lại và tăng cường sức mạnh của Phục Quốc tại nội địa.

Tháng 2/1943, Vũ Đình Dy được Hiến Binh [Kempeitai] Nhật đưa qua Đông Kinh để tổ chức Ủy ban Kiến Quốc, một loại chính phủ phôi thai dưới trướng Cường Để. (Cuong De 1957: 138; Thông Tin, 10/6/1945; Nguyễn Xuân Chữ 1996) Đồng thời, tại nội địa Việt Nam, người Nhật khuyến khích các đoàn thể chính trị tham gia tổ chức của Cường Để. Trong số này có các nhóm Đại Việt ở miền Bắc, nhóm Đại Việt Phục Hưng (Ki-tô giáo) do Ngô Đình Diệm  và các anh em cầm đầu ở miền Trung, cùng các giáo phái và những nhóm tự nhận là Đệ tứ Cộng sản (Trốt-kít) miền Nam. (46) [8]

46. CAOM (Aix), INF, hộp 133, hồ sơ 1210; GOUGAL, 7F 29 và 63, và HCFI, CP, hộp 161). Nên lưu ý là có nhiều nhóm Trốt-kít. Nhóm được biết nhiều nhất là Tạ Thu Thâu, Phan Văn Chánh, Phan Văn Hùm, và Trần Văn Thạch, thực ra chỉ tả khuynh. thời gian này đã bị Pháp tập trung cải tạo. Đầu năm 1941, do sự tố cáo của nhóm Stalinist, Pháp bắt giữ nhóm Trốt-kít mới thuộc Việt Nam Nhơn Dân Cách mạng Đảng, gồm nhiều trí thức miền nam như Võ Oanh, Phan Khắc Sửu, Dương Văn Giáo, Nguyễn Văn Nhã, Trần Văn Ân, Trần Quốc Bửu, v.. v.. Sau khi được phóng thích vào tháng 7/1941, một số tìm sự che chở của Nhật. Xem CAOM (Aix), 7F 27, và CP 161. Đa tạ Y sĩ/Giáo sư Trần Nguơn Phiêu đã tặng tác phẩm về Phan Văn Hùm, và một hồi ký/ biên khảo của Ngô Văn về các phe nhóm Trốt kít. Theo Ngô Văn, ông ta từng gặp Trần Văn Giàu năm 1936 tại Khám Lớn Sài Gòn. Nhưng theo tài liệu Mật thám Pháp, Giàu bi kết án đầy Côn Đảo từ năm 1935, và năm 1940, sau khi mãn hạn tù, bị đưa thẳng vào trại Tà Lài (Biên Hòa).

 

Tháng 7/1943, một nhân vật Nhật Bản có uy tín là Tướng Matsui Iwane (1874-1948) tuyên bố tại Sài Gòn rằng ông ta là bạn của Hoàng thân Cường Để và, “Tốt nhất là người Pháp nên rời Đông Dương một cách êm ả; bằng không, họ sẽ thấy người Nhật hành động.” Ảnh hưởng cá nhân Matsui tại Nhật ra sao đi nữa, vào tháng 1/1945 Nhật đã qui tụ khá nhiều người Việt đủ để điều hành một nước Việt Nam độc lập dưới quyền Cường Để, với Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng. (47).

47. Nguyễn Xuân Chữ, Hồi ký, (Houston: Văn Hoá, 1996), tr 243-49; Shiraishi 1982: 226-27. CAOM (Aix), PA 14, hộp I;;INF, hộp 133, hồ sơ 1199

 

Nhưng Tướng Tsuchihashi không muốn đưa Cường Để lên ngôi, có lẽ hy vọng lợi dụng tối đa hệ thống hành chính hiện hữu. Khi bị Tokyo áp lực nhận Cường Để hồi hương, Tsuchihashi nóng giận tuyên bố với các thuộc hạ: “Cứ đưa hắn về đây. Ta sẽ lập tức tống cổ hắn ra Côn Đảo.” ("Let them send him here. I'll at once put him in Poulo Condore") (48)

48. Murakami, "Japan's Thrust "  (1981), p. 511.

 

Quyết định này—cùng với những yếu tố khác, như kế hoạch hậu chiến của các đại cường, sự phân hóa giữa các đảng phái và phe nhóm, và bầu không khí hỗn loạn—tạo nên một cuộc khủng hoảng chính phủ ở Huế. Trong tháng  3/1945, như đã lược nhắc, Nguyễn Phước Điện hai lần gửi điện mời Diệm lập chính phủ, nhưng không thấy hồi âm. Mãi sau này Yokoyama mới cho vua biết rằng người Nhật không muốn chọn Diệm. (49)

49. Bảo Đại, Le Dragon, 1980:106. Xem thêm Nguyễn Xuân Chữ, Hồi Ký, 1996: 249-56.

 

Từ phía họ Ngô, mùa Thu 1945, Giám mục Thục khai với mật thám Pháp là sở dĩ Diệm không nhận lời mời của Nguyễn Phước Điện vì thấy chế độ do Nhật lập nên khó tồn tại lâu dài; hơn nữa quanh Nguyễn Phước Điện có những thành phần tả phái và franc-macon [Tam điểm]. (CAOM (Aix), CP 125)

Lời chứng này khó tin. Bức công điện thứ nhất từ Huế gửi đi trước ngày Kim về nước. Công điện thứ hai gửi đi lúc Kim vừa âm thầm trở lại Sài Gòn, không được đón tiếp linh đình như báo chí Pháp hay trưởng phòng tuyên truyền Paul Mus của Leclerc truyền tụng. Có thể Thục tảng lờ hoặc không biết đến quyết định của Tsuchihashi. Dù gặp Kim ở trụ sở của Dainan Konsi trước ngày ra Huế, Diệm cũng không nói gì về việc được Nguyễn Phước Điện mời. Ngoài ra, mục đích của Thục là biện minh cho sự hợp tác với Nhật của Diệm, một hình tội chiến tranh ở thời điểm đó.

Năm 1954, an ninh quân đội Pháp lại ghi rằng Diệm từ chối lời mời lập chính phủ vì Nhật không chịu cho thống nhất ba miền Bắc, Trung, Nam. Robert Shaplen cũng suy đoán theo chiều hướng này: Diệm từ chối không vì chống Nhật mà vì cảm thấy khó thiết lập một chính phủ tự do—trong số những yếu tố quan trọng có việc Nam Kỳ bị tách biệt với Huế. [“Diem refused, not because he objected to the Japanese but because he did not feel he would be able to establish a free government—among other things, the southernmost area of Cochin China was initially be excluded from it. Furthermore, he now saw the handwriting on the wall and did not want to put himself in the position of being declared a collaborator when the war was over. He returned to Saigon and waited.” (51)

51. SHAT (Vincennes), 10H xxx [4195]; Shaplen. 1966:110

 

Tuy nhiên, tất cả chỉ là suy diễn nhằm mục đích tô hồng, chuốt lục cho Diệm. Yếu tố tận dụng sức mạnh người bản xứ đang có mặt trong nước của quan tướng Nhật cho trận đánh cuối cùng mới là yếu tố chủ động. Lá bài Cường Để, cũng như Diệm và Chữ, đã bị loại bỏ trước khi phát động chiến dịch Meigo. Riêng Nguyễn Xuân Chữ được đích thân Kim và quan chức Nhật mời tham gia chính quyền, từ trung tuần tháng 8/1945 chấp thuận hợp tác. Điều Kim, Chữ và ngay cả quan tướng Nhật khó ngờ là việc sử dụng bom nguyên tử của Truman. (52)

52. Nguyen Xuan Chu, Hoi Ky, pp. 244-49

[It is still unknown whether or not the Japanese transferred Bao Dai's messages to Diem. In October 1946, Bishop Thuc—Diem’s half-brother—declared to the French that Diem had not gone to Hue because Nguyễn Phước Điện had been surrounded by leftists like Tran Trong Kim. His statement, however, is debatable. Nguyễn Phước Điện’s messages to Diem were sent prior to Kim’s return from Bangkok. Moreover, according to one of Diem’s associates, Diem’s political role was discarded before the Meigo operation. For details, see Nguyen Xuan Chu, Hoi Ky, pp. 244-49.

Nước “Việt Nam độc lập” trên thực tế chỉ gồm 12 tỉnh miền Trung, vì Nam cũng như Bắc Kỳ được đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Nhật, nhưng không phải chế độ quân quản, và trù liệu sẽ trở thành hai trung tâm tử thủ nếu Đồng Minh đổ bộ lên Đông Dương. Giám đốc Kempeitai và Tham mưu phó chính trị QĐ 38 cũng từng yêu cầu Diệm-Chữ tham gia chính phủ tại Huế, nhưng cả hai đều từ chối.

 

Thay vào đó, Nhật chọn Trần Trọng Kim (1883-1952), một học giả nổi danh và cũng một nhà giáo, lúc ấy đã lưu vong [sang Thái Lan] từ năm 1944, dưới sự che chở của Nhật.

 

V. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945)

 

Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền. Để có thể hiểu rõ tình trạng phức tạp tại Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 3 tới tháng 8 năm 1945, ta cần khảo sát lai lịch các thành viên chính phủ Kim, các kế hoạch lớn và sự hiện thực chúng của chính phủ này—và đồng thời, tầm mức quan trọng của chúng ở thời điểm nghiên cứu.

 

A. Những Người Tài Đức

Trần Trọng Kim sinh năm 1883 tại Hà Tĩnh (An Nam). Sau một thời gian ngắn làm thông ngôn ở Ninh Bình (Bắc), năm 1905 Kim theo chủ qua Pháp làm việc cho một hãng tư. Ba năm sau, Kim được học bổng của Trường Thuộc Địa để theo học trường Sư Phạm Melun (Seine-et-Marne). Hồi hương vào tháng 9/1911, Kim khởi đầu nghề giáo tại An Nam và leo dần nấc thang công chức. Năm 1927, Kim đã là một thanh tra tiểu học miền Bắc. Trái ngược với sự thăng tiến chậm chạp trong ngành Sư Phạm, Kim nổi danh toàn quốc như một học giả qua một số sách giáo khoa tiểu học bằng quốc ngữ và, đặc biệt, những biên khảo về Nho Giáo, Phật Giáo, và lịch sử phổ thông Việt Nam. (53)

53. [9] Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi (Sài Gòn: Vinh Sơn, 1969), tr. 7. Nha Học Chính Đông Pháp, Sử Ký- Địa Dư Giáo Khoa Thư, Lớp Sơ Đẳng, do Trần Trọng Kim, Thanh tra các trường Sơ đẳng Bắc Kỳ, và Đỗ Đình Phúc, Sơ đẳng giáo học thượng hạng, biên soạn, Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư, in lần thứ nhất (Hà Nội: 1927), tr. 8. Trần Trọng Kim còn là tác giả Việt Nam Sử Lược, ấn bản 1919. Tư liệu văn khố ghi Kim sinh năm 1887. Những chi tiết dưới đây rút từ hồi ký dẫn trên và tài liệu trường Thuộc Địa Pháp; CAOM (Aix), ECOLE COLONIALE, Registres 5 và 41, Cartons 27 và 30; AMIRAUX, d. 2578.

Nhờ danh tiếng trong làng văn, Kim trở thành một trong những nhân sĩ, trong các hội Phật Giáo và Khổng Giáo, và năm 1939, được bổ nhiệm làm Dân biểu miền Bắc. Sau khi Nhật ép Đông Dương gia nhập Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á trong hai năm 1940-1941, vài ba học giả Nhật tiếp xúc với Kim. Những cuộc tiếp xúc này, cùng việc gia nhập một tổ chức “tiến bộ” ở Hà Nội, khiến Kim bị chính phủ Decoux nghi ngờ. Khi Decoux khởi đầu cuộc thanh trừng những người Việt thân Nhật trong mùa Thu 1943, Kim có tên danh sách sở Liêm Phóng (Mật Thám). Ngày 28/10/1943, để đề phòng bất trắc, người Nhật đưa Kim tới Sở Hiến Binh Hà Nội để bảo vệ an ninh. Tại đây, Kim gặp Dương Bá Trạc, một đồng tác giả cuốn tự điển đang hoàn tất. Theo Kim, Trạc thuyết phục Kim ký một thỉnh nguyện thư xin được qua Chiêu Nam Đảo (Singapore) tị nạn. Đầu tháng 11/1943, người Nhật đưa Kim vào Sài Gòn. Sau một thời gian ngắn tạm trú trong sở Hiến Binh, Kim và Trạc trở thành khách quí của Đại Nam Công Ty [Dainan Konsi], một hãng buôn Nhật, mà chủ nhân là Matsushita Mitsuhiro [Tùng Hạ], nổi danh với những hoạt động tình báo từ thập niên 1930.

Ngày 1/1/1944, Kim và Trạc xuống tàu Nhật qua Chiêu Nam Đảo. Sau hơn một năm sống tại đảo cảng này và sau khi Trạc chết vì ung thư phổi vào tháng 12/1944, Kim được đưa lên Bangkok. Ba tháng sau, ngày 30/3/1945, người Nhật đột ngột mời Kim về Sài Gòn tham khảo “lịch sử.” Người phụ trách hộ tống Kim cũng là viên Trung úy Kempeitai từng đưa Diệm rời Huế ngày 12/7/1944. Kim được yết kiến Tướng Kawamura (Saburo?), Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 38 Nhật, và Trung tá Hayashi Hidezumi, Trưởng phòng Chính trị vụ. Kawamura cho biết Kim có tên trong danh sách nhân sĩ được Bảo Đại mời ra Huế tham khảo về việc thành lập chính phủ. (54)

54. Kim không được tiếp đón với thảm đỏ như một số tác giả hoang tưởng. Không được bay qua Singapore vào mùa Thu 1943, hay được Tướng Kawamura thông báo tại phi trường Sài Gòn là được cử làm Thủ tướng.

Về các sách giáo khoa của Trần Trọng Kim, xem Marr, 1981:76-77; 106-9, 114-15: Nho Giáo v/s Phan Khôi Lịch sử, 175 [Phan Khôi chỉ trích Kim về việc dùng ông và thằng; trong VNSL, Kim giảm bớt những chữ này], 271 [vấn đề Quang Trung, VNSL lần thứ 6, Sài Gòn:1958], 273, 279 [Confucinism, journal Tri Tân]

 [23/8/1945] * Huế: Phiên họp cuối cùng của chính phủ Kim [?].

 

Theo Kim, danh sách Nhật đưa ra có Hoàng Trọng Phu, Vũ Ngọc Hoành, Trịnh Bá Bích, Cao Xuân Cẩm và Hoàng Xuân Hãn. Kim nhận lời vì danh sách này có Hãn, một bạn trẻ đồng hương, đồng nghiệp và đồng tác giả cuốn tự điển Khoa học. (55)

55. Trần Trọng Kim, Gió bụi, pp. 42-3, 48. Xem tiểu sử Hãn trong GGI, Souverains, p. 28. Giáo sư Hãn đã dành cho tôi một số cuộc phỏng vấn trong thập niên 1980. Tuy nhiên, tôi không đồng ý lời yêu cầu của ông là đừng công bố tài liệu Nguyễn Tất Thành (Sinh Côn) xin nhập học trường Thuộc Địa.

 

Ngày 2/4/1945, Kim rời Sài Gòn, và tới Huế ba ngày sau. Ngày 7/4, Nguyễn Phước Điện tiếp kiến Kim và, trong sự ngạc nhiên của Kim, Nguyễn Phước Điện "thấy có vẻ trang nghiêm và nói những điều rất đúng đắn.” Nguyễn Phước Điện cũng tiết lộ đã mời cả Ngô Đình Diệm. (Kim 1969:49-50)

According to one of his close associates, prior to this meeting Kim did not hold Bao Dai in high regard (My interview with Mr. Hoang Xuan Han in 1982-1983).

 

Yokoyama còn chu đáo đón vợ con Kim vào Huế cho gia đình đoàn tụ. Bởi thế, Kim quyết định ở lại Huế lâu hơn, và cuối cùng ngày 16/4 đồng ý lập chính phủ. Hôm sau, Kim đệ trình Nguyễn Phước Điện một danh sách 10 Thượng thư (Bộ trưởng) mà theo ông là những người tài đức. (56)

56. Dụ số 5, 17/5/1945 [Imperial Order  [Du] No.5 (17 April 1945)]; L’Action, (xem thêm Phụ bản II)

 

Danh sách chính phủ

Trần Trọng Kim (17/4/1945)

Trần Trọng Kim (1883), Trung; Sư phạm, Pháp. Giáo chức (Tổng lý):

Trần Văn Chương (1898), Nam, Pháp. Luật sư; Ngoại Giao/Phó Tlý):

Trần Đình Nam (1896), Trung, Hà Nội. Y sĩ: Nội vụ

Trịnh Đình Thảo (1901), Bắc, Pháp. Luật sư. Tư pháp:

Vũ Văn Hiền (1910), Bắc, Pháp. Luật sư, Tài chính:

Hoàng Xuân Hãn (1908), Trung,  Pháp. Giáo sư, Giáo dục & Mỹ thuật:

Vũ Ngọc Ánh (1901), Bắc, Pháp. Y sĩ. Y tế & Cứu tế:

Hồ Tá Khanh (1908), Trung, Pháp. Y sĩ Kinh tế:

Phan Anh (1912), Trung, Hà Nội. Luật sư Thanh Niên:

Nguyễn Hữu Thí (1899) Trung, Y sĩ Đông Dương. Thương gia. Tiếp tế:

Lưu Văn Lang (1880), Nam, Kỹ sư; Giao thông-Công chánh: (không nhận) (L'Action, 19/4 & 2/5/1945).

 

Ngoại trừ Lưu Văn Lang, một người có quốc tịch Pháp từ chối chức Bộ trưởng, những người còn lại tới Huế trong tháng 4 và đầu tháng 5/1945. Một tuần sau ngày lập chính phủ, Kim chọn Trần Văn Chương, một luật sư người Nam hành nghề ở Hà Nội, làm Phó Thủ tướng. (57)

57. [11] Dụ số 16, 24/4/1945; L’Action, 27/4/1945. Xem tiểu sử Chương trong GGI,  , p. 14. Xem thêm Chính Trị tuần báo [Political Weekly Magazine] (Hanoi), No.2 (30 March 1939); L'Action (Hanoi), 28/5/1945. Years later, Chuong served as a Vietnamese ambassador to the United States between 1954 and 1963, while his second daughter, Le Xuan (born 1924) becoming the unofficial First Lady of the American-backed Republic of Vietnam, and earning the infamous nick-name of Ngo Dinh Diem’s “Dragon Lady.” Both Chuong and his wife were reportedly murdered by their only son in Washington, DC in 1987.

 

Kim cũng lập nên Phủ Khâm Sai Bắc Bộ. Ngày 27/4/1945, Phan Kế Toại, một cựu học sinh Trường Thuộc Địa và đương kim Tổng đốc Thái Bình, được đưa lên chức vụ Khâm sai đại thần Bắc bộ mới tái lập. (58) Trừ trường hợp Bộ trưởng bộ Nghi Lễ, Tôn Thất Toại, con Tôn Thất Hân, được cử lên hai tháng sau (Dụ số 11; L'Action, 3/5 & 5/5/1945), nhóm “người mới” gồm toàn những chuyên gia tân học—hai giáo viên trung học, bốn luật sư, và bốn y sĩ.

The Minister of Rites, Ton That Toai, was a son of  former Regent Ton That Han who had served as the Royal Regent in Hue from 1926 to 1932 while Bao Dai was at school in France. For Toai's vita, see GGI, Souverains, p. 93.

58. Ibid, 19/6/1945. Ít lâu sau, Nguyễn Duy Quang, Tuần vũ Khánh Hoà, về phụ tá cho Phạm Khắc Hoè; Tôn Thất Toại, con Tôn Thất Hân (1854-1944), làm Bộ trưởng Nghi Lễ; Ibid, 19/6/1945; GGI, Souverains, p. 93.

 

Ngoại trừ Chương và Nam, hầu hết đã là ký giả hay văn sĩ. Đa số—ngoại trừ Phan Anh, Trần Đình Nam và Nguyễn Đình Thí—đều tốt nghiệp ở Pháp, và tất cả còn tương đối trẻ, từ 33 tới 49 tuổi, ngoại trừ Kim, năm ấy đã 62. Tất cả đều đã tiếp xúc với Nhật, cách này hay cách khác. Tất cả đều thiếu kinh nghiệm chính trị, dù có đôi chút uy tín qua liên hệ huyết thống và giáo dục.

Ba người có khuynh hướng làm chính trị là Chương, Nam và Khanh. Vì liên hệ gia đình, Chương đã chuẩn bị bước vào phe hợp tác với Pháp trước ngày Nhật chiếm đóng Đông Dương, nhưng dần đần trở thành thân Nhật trong thập niên 1940.(59) [11] Nam thuộc nhóm Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng ở Huế—tàn dư phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh thập niên 1900 và Tân Việt Cách Mạng Đảng trong thập niên 1920.

59. [11] Ngày 4/10/1945, Tướng Georges Aymé, cựu Tư lệnh Lục quân Pháp ở Đông Dương trong hai năm 1944-1945, nhận định: "Yokoyama có một cánh tay mặt mà y coi như nhân tình, một người em gái họ của Hoàng đế, Bà Trần Văn [Chương], [Thân Thị Nam Trân (1906-1986)] nổi danh khắp Đông Dương về tham vọng cũng như thói quen làm tình đổi chác với tất cả những ngoại nhân có thế lực...."; SHAT (Vincennes), 10H xxx.

 

Khanh—con một chủ hãng nước mắm ở Phan Thiết mà theo truyền thuyết đã chăm sóc Phó bảng Trinh năm 1906 khi Trinh ghé tỉnh này, rồi cho Nguyễn Sinh Côn (Tất Thành) một chỗ dạy tại Dục Thanh “nghĩa thục” từ “tháng 1 tới tháng 9 hay 10” năm 1911 [sic] —(60) thường tự nhận là “vô chính phủ.”

60. [12] Ngày 15/9/1911, từ Marseille, Nguyễn Sinh Côn sử dụng bí danh Nguyển Tất Thành, làm việc cho hãng Messageries Maritimes ở Marseille, xin nhập học tắt vào trường Thuộc Địa; nhưng bị từ chôi vì “Monsieur” Thành không được chính phủ Đông Dương gửi tới.  Xem Vũ Ngự Chiêu và Nguyễn Thế Anh, Một ngôi trường khác cho Nguyễn Tất Thành (Paris: Văn Hoá, 1983).

 

Trong thập niên 1920, khi đang du học Pháp, Khanh (số nhập cảnh Marseille 2124) có những hành vi nghiêng về Đệ Tam Quốc Tế. Tháng 3/1930, từng hai lần xuất hiện bên Nguyễn Khánh Toàn, một giảng viên Viện Thợ Thuyền Phương Đông [KUTV], và đề nghị Công đoàn thủy thủ gốc Việt ở Hâvre và Marseille sửa đổi điều lệ để đón nhận các sinh viên thành một hội duy nhất, dưới sự che chở của Đảng Cộng Sản Pháp, theo ý muốn của Nguyễn Ái Quốc (nhập cảnh số Marseille 2330) “đang ở Nga” [điều này không đúng. Côn đang ở Xiêm và Singapore]. (61)

61. “L’Association unique de tous les Indochinois en France;” CAOM (Aix), SLOTFOM, Séries III, carton 1; trích dịch trong Nguyên Vũ, Paris, Xuân 96 (Houston: Văn Hoá, 1997), tr. 108-10; Ibid., HCFI, CP, Carton 161; PA 14, Carton 2 and GOUGAL 7F 29; Văn Lang (Saigon), No.2 (5 Aug 1939), pp. 4-5.

 

Về nước, Khanh thuộc nhóm báo Văn Lang, gồm một số thanh niên trí thức ở Sài Gòn như Nguyễn Văn Nhã, Kha Vạng Cân và Phạm Ngọc Thạch (một cán bộ Đệ tam).(54) Trong thời Nhật chiếm đóng, nhóm Văn Lang được tình báo Pháp ghi nhận là có liên hệ với tổ chức thân Nhật Việt Nam Tân Chính Đảng, một điều mà sau này Khanh phủ nhận. (CAOM (Aix), PA 14, hộp 2; phỏng vấn Hồ Tá Khanh, Đông 1982-1983) Tuy nhiên, liên hệ giữa Khanh với các nhóm thân Nhật là điều khó phủ nhận. Mùa Xuân 1943, theo tình báo Pháp, Khanh tham dự ít nhất hai buổi họp của Phục Quốc tại Sài Gòn. (CAOM (Aix), CP, hộp 161). Sau khi Nhật thanh trừng Pháp, Khanh và bạn bè lập nên Hiệp Hội Công Chức và Kỹ Thuật tại Sài Gòn, đòi hỏi thay thế ngay các viên chức Pháp bằng người Việt. Một trong những người ủng hộ Khanh là Đỗ Dư Ánh, anh vợ Khanh. Khanh cũng được Trần Văn Giàu móc nối, khuyến khích nên tham dự chính phủ Kim “để có người mình tại đó.”

Chính phủ Kim, tưởng cần ghi nhận, có đủ đại diện ba miền. Phó Thủ tướng Chương chẳng hạn gốc miền Nam; hai Bộ trưởng Khanh và Thảo, sinh tại Trung và Bắc, nhưng sống tại Sài Gòn khi được mời tham gia chính phủ.(62) Khuynh hướng ý thức hệ của họ không đồng nhất, phân trải từ danh lợi cá nhân của Chương tới vô chính phủ của Khanh. Nhưng ai nấy đều muốn lãnh đạo.

62. Trịnh Đình Thảo (1901-1986), sinh ngày 20/7/1901 tại Hà Nội. 1929: Tiến sĩ Luật; Luật sư tại Marseille. Về nước trong năm này. Hành nghề tại Sài Gòn (Chung Một Bóng Cờ [CMBC], 1993:928). 22/2/1937: Tham gia Đảng Dân Chủ của Nguyễn Văn Thinh; nhưng sau bị áp lực phải rút ra. 9/1938: Từ chối tham gia nhóm “hợp pháp” của Đảng CSĐD (CAOM (Aix), CP 191). 4-8/1945: Bộ trưởng Tư pháp (trong chính phủ Trần Trọng Kim). Sau tháng 8/1945, về Sài Gòn, không hoạt động gì. Tháng 2/1947, khi Kim từ Hong Kong về Sài Gòn, ở lại nhà Thảo, trước khi tới nhà anh vợ là Bùi Khải. 1954: Tham gia Phong Trào Bảo Vệ Hoà Bình tại Sài Gòn. 1966-1967: Ngả theo Bắc Việt. Thứ Bảy, 20/4/1968, Chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Miền Nam Việt Nam, tức Mặt Trận II [cho tới ngày 21/4/1968]. 6/1969: Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn CPLT/CHMNVN (Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch).

 

Tại miền nam, các giáo phái và phe nhóm chính trị—từ đệ tam tới đệ tứ CS, quân phiệt tới giáo phiệt—đều xuất hiện trên sân khấu hội trường và đường phố. Hoạt động mạnh nhất là nhóm Xứ ủy CSĐD của Giàu, nhất là các công đoàn và hiệp hội nông dân, Thanh Niên Tiền Phong, và các nhóm thân Nhật như Thanh Niên Ái Quốc Đảng của Đinh Khắc Thiệt; Thanh Niên Việt Nhật Phòng Vệ Đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp, Võ Sĩ đoàn của Vũ Tam Anh, cùng khoảng 10,000 lính Heiho.

Nhóm Phạm Văn Vi [Di], Nguyễn Thị Thập cũng lập nên một xứ ủy và mặt trận Việt Minh với kỳ hiệu Cò Đỏ Sao Vàng, chống lại Giàu. Trong khi đó, hội đoàn lan mọc như nấm. Năm ba, vài chục  người cũng có thể lập nên một đảng hay mặt trận. Bảng hiệu quốc cấm “hội kín,” “cách mạng,” hay “làm chính trị” trở thành một thứ thời trang. (63)

63. Từ tháng 4-5/1945, nhóm Trần Văn Di [Vi] (mới ở Bà Rá trốn về) và Nguyễn Thị Thập (1908-1996) lập xứ ủy riêng, biệt lập với Trần Văn Giàu (260). Giàu: Đông Dương Cộng Sản Đảng, cờ vàng sao đỏ; Di-Thập: Đảng CSĐD, cờ đỏ sao vàng (265-66). Nhóm Giàu: Bùi Công Trừng, Hoành, Lý Chiến Thắng, Còn, v... v... có báo Tiền Phong. Nhóm Thập: Trần Văn Di [Vi] (Bí thư), Nhạc (Cao Lãnh), và Thập, có báo Giải Phóng. [Từ trong tù, Di và Giàu không ưa nhau]. Thượng tuần tháng 5/1945 [Cuối tháng 3 Ất Dậu], sau khi Lý Chính Thắng ra bắc, gặp Trương Chinh trở về, họp thống nhất hành động (266-67). Nguyễn Thị Thập, Từ Đất Tiền Giang, tr. 260-67.

 

B. Các Kế Hoạch Của Trần Trọng Kim

Tài liệu chính thức của Cộng sản Việt Nam và các học giả thường hạ thấp giá trị những kế hoạch của chính phủ Kim như “cải cách giấy,” hay độ lượng hơn, chỉ thuần là những tuyên cáo về ý định của chính phủ. Từ thời điểm này của lịch sử nhìn lại, trong bốn [4] tháng cầm quyền, chính phủ Kim chỉ có thì giờ ban hành hết dụ này qua sắc luật khác, và những cuộc cải cách ấy có rất ít ảnh hưởng đến đám đông. Tuy nhiên, các kế hoạch của Kim xứng đáng được nghiên cứu đầy đủ hơn những lời nhận định sơ sài trên. Các kế hoạch của chính phủ Kim phản ảnh quan điểm tổng quát của giới thượng lưu và trí thức Việt về một nước Việt Nam không-ảnh-hưởng Pháp, ở cao điểm của chủ thuyết Đại Á và tinh thần quốc gia Việt Nam. Hơn nữa, trái ngược với niềm tin phổ quát, Kim và các cộng sự viên phần nào thực hiện những chương trình trên. Bởi thế các kế hoạch của Kim xứng đáng được nghiên cứu vào sâu chi tiết, và trên vị thế lịch sử của chúng.

 

1. Vấn Đề Hiến Chương:

Trần Trọng Kim và các Bộ trưởng dành khá nhiều thì giờ cho vấn đề Hiến Chương khi hội đồng chính phủ họp lần đầu tiên ngày 4/5/1945. Một trong những quyết định là đổi quốc hiệu thành Việt Nam. Vào thời điểm này, đây là một vấn đề quan trọng và, khẩn cấp. Nó hàm ý sự thống nhất lãnh thổ; “Việt Nam” là quốc hiệu do Ải Tân Giác La Ngung Diễm (1796-1820), niên hiệu Gia Khánh nhà Thanh, đặt ra từ năm 1805, sau khi Nguyễn Phước Chủng thống nhất ba miền ngày [17] 20/7/1802 và xin cầu phong. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên lãnh đạo ba miền đồng ý chọn quốc hiệu này. Trong tháng 3/1945, chẳng hạn, giới lãnh đạo miền Bắc chỉ sử dụng tiếng “Đại Việt,” trong khi ở miền Nam sính dụng tiếng “Việt Nam,” và tại miền Trung thì “An Nam” hay “Đại Nam.” Tưởng nên ghi nhớ là từ năm 1925, Nguyễn Sinh Côn mới được Việt Nam hóa, đặt tên cho tố chức Thanh Niên của mình là Việt Nam Thanh Niên Kách Mệnh Đồng Chí Hội. Trước đó, trong thỉnh nguyện thư 8 điều năm 1919, và tên gọi của đảng chính trị đầu tiên do Côn đặt ra, “An Nam Quốc Dân Đoàn, đều chỉ dùng tên An Nam. Năm 1930, Côn bị thất sủng với Ban Phương Đông QTCS vì tự động thống nhất các chi phái Thanh Niên thành Việt Nam Cộng Sản Đảng! Mat-scơ-va phải gửi Trần Phú về triệu tập Hội nghị Trung Ương thứ nhất ở Ma Cao để cải danh thành Đông Dương Cộng Sản Đảng.

Kim cũng cải danh ba miền trong nước—miền Bắc (tức Bắc Kỳ) trở thành Bắc Bộ, miền Trung (Trung Kỳ hay An Nam) thành Trung Bộ, và miền Nam (Nam Kỳ) thành Nam Bộ—dù lúc này Kim mới chỉ có thẩm quyền tại miền Trung và Bắc. Thuận Hoá, tên cũ của Huế, được dùng lại. Các cộng sự viên của Kim cũng thay từ Annamite, dùng để chỉ người Việt và đặc tính người Việt trong văn chương và giấy tờ, công văn thời Pháp, bằng tiếng Vietnamien. Những từ mới này, ngoại trừ tên Thuận Hoá, từ đó đã được cả thế giới công nhận. Nếu lưu ý đến việc người Pháp đã cố tình phân biệt ba xứ “Tonkin,” “Annam” và “Cochinchine”—với hàm ý là thiếu nền văn hóa và chính trị quốc dân—những việc làm đầu tiên của Kim không những chỉ có tính cách biểu trưng mà là hậu quả đương nhiên của nhiều thập niên dài khủng hoảng của giới trí thức và cách mạng.

Ngày 2/6/1945, Kim còn chọn quốc kỳ mới—nền vàng, ba sọc đỏ theo hình quẻ ly [một gạch đứt quãng nằm giữa hai gạch liền] trong Dịch Kinh—và tạm lấy bài Đăng Đàn Cung làm quốc thiều. (L'Action, 30/6/1945). Quyết định của Kim chấm dứt cuộc tranh luận kéo dài 3 tháng về vấn đề cờ. (67)

67. L’Action (Hanoi), 7/5, 30/6/1945; Kim, Gio bui, pp 60-1.

 

2. Đoàn Kết:

Mặc dù đoàn kết quốc gia là một hiện tượng ngoại lệ hơn thông thường của một xã hội, người Việt thường lên án Pháp cố tình chia rẽ đất nước và dân chúng để dễ cai trị—một lời cáo buộc hợp lý. Nước Việt Nam mới, độc lập, như thế cần chất xi-măng “đoàn kết quốc gia,” trên cả hai lãnh vực “tinh thần và chính trị” (L'Action, 21/7/1945), để nối kết các đảng phái và giai tầng xã hội. Cay đắng là sự kêu gọi đoàn kết mang lại nhiều nguy hại hơn lợi ích cho chính phủ Kim.

Thời gian này, xã hội Việt Nam đang ở vào tình trạng tiền-cách-mạng. Việc loại bỏ người Pháp khỏi đỉnh tháp xã hội—sau một thời gian dài, từ 1940 tới 1945, mà uy tín và quyền lực người Pháp bị suy giảm—tạo nên một khuynh hướng vượt tiến của giới thượng lưu và trí thức Việt. Chiến tranh và nạn đói khiến tình trạng hỗn loạn ngày một gia tăng và tạo nên sự sụp đổ thế quân bình biểu kiến mà người Pháp khôn khéo duy trì được nhờ sức mạnh quân sự và hành chính. Bởi thế, Việt Nam cần nhiều hơn những chuyên viên để chuyển hướng những lực cách mạng đó. Đất nước cần sự lãnh đạo nhiệt thành, thuyết lý chính trị tốt và sức mạnh quân sự cũng như hành chính mà chính phủ Kim không có.

Sự thiếu lãnh đạo là điều quá hiển lộ. Nguyễn Phước Điện đã được huấn luyện thành một ông vua ở ngôi mà không cai trị, không thể lôi cuốn sự ủng hộ của đám đông. Kim là một nhà giáo dục được quí trọng, từng huấn luyện nhiều trí thức Việt cũng như có ảnh hưởng đạo đức với nhiều thị dân, nhưng không thích nghi với tình trạng chính trị lúc đó. Thực ra, như trong một tai nạn, Kim chỉ bị đẩy vào sinh hoạt chính trị từ cuối năm 1943; trước đó Kim đứng ngoài chính trị. Ông đã được giao chức Thủ Tướng vì là một người được nể trọng, nhưng không có đảng phái hay người ủng hộ. Trong số người dưới quyền Kim, có những người trẻ tài năng như Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Vũ Văn Hiền  và Vũ Ngọc Ánh; tuy nhiên, họ chỉ là các chuyên gia hơn những nhà chính trị hay tổ chức; chính sách của Pháp đã ngăn chặn không cho những cá nhân này thu thập được kinh nghiệm hành chính.

Lớn khôn lên trong quĩ đạo văn hóa Pháp, và đã thu học kiến thức chính trị từ những tác phẩm đặc thù Pháp cùng những ý niệm bình dân về các anh hùng kháng Pháp, Kim và cộng sự viên không đủ khả năng sơ thảo một lý thuyết thực dụng. Mặc dù họ thấy chủ nghĩa Mác-Lênin quá thiên tả, và độc tài, tàn nhẫn, quan điểm chính trị của họ chỉ là sản phẩm của kinh nghiệm riêng giai tầng xã hội họ, chẳng đủ để cai trị một xã hội hỗn loạn. Họ quan niệm một mẫu quốc dân lý tưởng là người tổng hợp đầu óc “khoa học” với đức hạnh “cổ truyền”—một thí dụ của cuộc tổng hợp văn hóa Đông-Tây. (L'Action, 4/7/1945). Thật bất hạnh là sự tổng hợp văn hóa ấy chỉ đơn thuần là ước muốn, quá mơ hồ trong tình huống lúc đó. Đồng thời, và vượt trên khả năng họ, người Nhật đã quyết định trước loại học thuyết chính trị nào mà “Tân” Đế quốc Việt Nam phải theo—tức “hỗ tương” hay độc lập “vệ tinh.”

Cả người Nhật lẫn Kim đều không muốn thấy sự thay đổi quá nhanh trong guồng máy hành chính, nên cơ cấu thư lại do Pháp dựng lên được duy trì gần như trọn vẹn. Tuy nhiên, trong những ngày đầu sau cuộc thanh trừng của Nhật, một tình trạng hoang mang hiện hữu. Vài quan lại và công chức bỏ nhiệm sở, tị nạn tại các thị trấn hay thành phố lớn. (L'Action, 27/6/1945). Trong hoàn cảnh này, cần nhiều tháng mới có thể trở lại bình thường. Nhưng thời gian không ở về phía Kim. 4 tháng sau ngày ông lên cầm quyền, Nhật sụp đổ, mang theo chính phủ Kim.

Trong những khu vực mà Kim có thể kiểm soát—tức các thành phố và thị trấn tại miền Bắc và miền Trung cùng các trục lộ nối liền chúng với nhau—Kim thực hiện được một số cải cách nhỏ. Vài quan viên bị mang tiếng bị cách chức, và vài người bị truy tố. (L'Action, 2/5/1945; Chữ 1996). Cuộc thanh lọc này không thỏa mãn những người quá khích, vì họ đòi hỏi phải đổi thay toàn bộ và nhanh chóng trên mọi lãnh vực.

Tuy nhiên, cho dù Kim muốn thực hiện điều này, cũng không đủ nhân sự có khả năng. Như thế, chính cái lý do khiến Kim được giao chức Thủ Tướng—một người không đảng phái—đã tạo khó khăn cho ông ta.

Kim chỉ còn biết hy vọng cải thiện hệ thống quan lại hiện hữu bằng cách kêu gọi tinh thần đạo đức và yêu nước trong giới này. Ông tổ chức quan lại thành công chức Tổng Hội, hy vọng biến họ thành một sức mạnh chính trị. (L'Action, 25/5/1945).

Thoạt tiên, giới công chức nhiệt thành đáp ứng. Nhưng niềm khích động vì mới thu hồi độc lập không đủ cải thiện thực trạng kinh tế. Trong khi đó phe Đồng Minh, cán bộ của De Gaulle và đặc biệt là Mặt Trận Việt Minh do OSS bảo trợ tiếp tục thách đố tính cách hợp pháp và uy quyền của chính phủ Kim. (Marr, 1995:145-48) Sự tổng hợp các yếu tố trên khiến nhiệt tình giới công chức suy giảm dần. Họ hững hờ đến độ vào tháng 7/1945, Bộ trưởng Thanh Niên Phan Anh công khai chỉ trích thái độ bình chân như vại, và quyết định tập hợp các công chức trẻ thành một nhóm “thanh niên công chức.” (Tinh Tiến, 7/8/1945).

Sức mạnh quân sự—một yếu tố có thể giúp Kim ngăn chặn được sự thách thức của các phe nhóm khác thì hoàn toàn vượt ngoài sự kiểm soát của Kim. Chính phủ Kim không có Bộ trưởng Quốc Phòng. Một số lính khố đỏ, thời Pháp thuộc được tổ chức thành Việt Nam Nghĩa Dõng Quân, nhưng trực thuộc người Nhật. Cảnh sát được tái tổ chức, và cũng do người Nhật chỉ huy. Phải tới tháng 6, tháng 7, khi người Nhật đồng ý trên nguyên tắc trả lại Nam Bộ cho chính phủ Kim, Kim mới được quyền tổ chức một lực lượng Bảo An [khố xanh], nhưng lúc này tình thế đã bất khả phục hồi. (IMTFE, Exhibit 663; Hải Phòng, 16/7/1945; L'Action, 3 & 9/8/1945). Như thế, quân đội Nhật là sức mạnh quân sự duy nhất của Kim. Chính phủ Kim chỉ có thể hiện hữu khi quân Nhật còn hiện diện ở Việt Nam.

Tất cả những yếu tố trên hợp lại khiến chính sách đoàn kết quốc gia của Kim chỉ là con cọp không móng. Kim và các cộng sự viên không đủ phương tiện mang lại sự đoàn kết quốc gia hữu hiệu. Đã hẳn, để yểm trợ chính phủ Kim, Nhật bảo trợ việc thành lập Tân Việt Nam Hội—qui tụ nhiều nhân vật trí thức tên tuổi, được dự trù là chính đảng duy nhất của Việt Nam. Linh hồn của tổ chức này, theo tư liệu Pháp, là Luật sư Vũ Văn Hiền. Sau ngày được cử vào nội các, Hiền triệu tập một buổi họp nhóm Thanh Nghị và yêu cầu yểm trợ chính phủ với điều kiện “độc lập thực sự,” “dân chủ thực sự.” (Vũ Đình Hoè, 2004:166-67) Vũ Đình Hoè và mọi người đồng ý vận động cho Tân Việt Nam Hội. Ngày 5/5/1945, báo Thanh Nghị tái bản sau hai tháng đóng cửa. Ngay trong số báo này công bố việc vận động thành lập Tân Việt Nam Hội, trụ sở 24 phố Hàng Da, Hà Nội. 19 trong số UVTƯ Lâm thời thuộc nhóm Thanh Nghị. (Vũ Đình Hoè, 2004:166-167, 168-72) Đồng thời báo Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới của Nguyễn Tường Bách, và Tiểu Thuyết Thứ Bảy của Phùng Bảo Thạch, (Vũ Đình Hoè, 2004:169n2) cùng Hải Phòng Nhật Báo của Nguyễn Thế Nghiệp cũng tái bản và có đại diện tham gia Tân Việt Nam Hội. (Vũ Đình Hoè, 2004:192n2)

Ngày 16/5, Tân Việt Nam Hội chính thức ra mắt. Trần Trọng Kim tuyên bố Tân Việt Nam sẽ là đảng chính trị duy nhất của Việt Nam, và đã cho lệnh thành lập tại mỗi tỉnh một chi bộ để đoàn kết dân tộc và củng cố nền độc lập của Tổ quốc. Nhiều trí thức ba miền đều tham gia. Ngày 2/6, chi bộ thứ nhất là chi bộ Thuận Hóa được thành lập, với Tôn Quang Phiệt làm Tổng thư ký. Phiệt hùng dũng tuyên bố “Phục hưng tổ quốc, Ủng hộ chính phủ.” (68)

68. Thanh Nghị, số 107, 5/5/1945; L'Action, 9/6/1945; Sài Gòn, 12/6/1945; Tin Mới, 9/6/1945; Lieu, Bich and Dam (eds), Xa hoi, vol II. pp.174-75; Vu Dinh Hoe, Hoi Ky, 2004, tr. 171.

 

Tuy nhiên vừa tròn một tháng sau ngày thành lập, Tân Việt Nam bắt đầu bị phân hoá. Dương Đức Hiền thuyết phục Vũ Đình Hoè gia nhập Dân Chủ Đảng do Việt Minh bảo trợ. Ngày 6/7/1945, Hoè vào Huế gặp Phan Anh và Vũ Văn Hiền để chuyển chỉ thị VM cho Anh và Hiền từ chức. (Vũ Đình Hoè, 2004:188-89). Anh và Hiền hẹn sẽ ra Hà Nội hôm sau. Hoè được gặp Tôn Quang Phiệt và Phạm Khắc Hoè, nói rõ mục đích chuyến đi của mình. Ít ngày sau,  Vũ Đình Hoè cùng Nghiêm Xuân Yêm, Đỗ Đức Dục gặp Anh và Hiền ở Hà Nội. Vũ Văn Hiền cương quyết không đồng ý. (Vũ Đình Hoè, 2004:189-92) Ngày 22/7/1945, Tân Việt Nam Hội tuyên bố tự giải tán. (Tin Mới, 30/7/1945; Hải Phòng, 31/7/1945; L’Opinion-Impartial, 1/8/1945). Cuối tháng 7/1945, Hoè bí mật đi chiến khu, nhưng chỉ gặp Phạm Văn Đồng. Đồng hứa sẽ thêm tên Hoè vào chính phủ lâm thời. (Vũ Đình Hoè, 2004:198-206) Ngày 11/8/1945, Thanh Nghị đình bản. (Vũ Đình Hoè, 2004:206)

Dĩ nhiên, không phải tất cả những nhóm thân Nhật đều đứng sau lưng Kim. Thù nghịch nhất có nhóm Ki-tô giáo ở Thuận Hóa, do Khôi và Diệm cầm đầu.(69) [14] Phe Diệm giải truyền đơn và phao tin đồn rằng Hoàng Thân Cường Để và Diệm sẽ nắm quyền khi Nhật chính thức trao trả độc lập cho Việt Nam. Kỹ sư Vũ Văn An cũng xuất hiện ở Hải Phòng và Hà Nội, cho phổ biến hình ảnh năm [5] thành viên của Ủy Ban Kiến Quốc của Diệm. Cuộc chiến tranh tin đồn và bôi bác này khó thể kiểm soát hay phản ứng vì con cả Khôi được Cố Vấn Yokoyama dùng làm bí thư.

69. [14] Chính Đạo, “Jean-Baptiste Ngô Đình Diệm (1897-1963): Thời Kỳ chưa nắm quyền;” Cuộc thánh chiến chống Cộng (Houston: Văn Hoá: 2004), tr. Kim, Gio bui, pp. 64-5.

 

Đáng sợ hơn cả vẫn là Việt Minh. Vào mùa Hè 1945, cơ quan OSS đã hết sức ủng hộ Việt Minh. Một toán OSS do Thiếu tá Allison K Thomas chỉ huy, nhảy dù xuống mật khu tại Tuyên Quang, Bắc Bộ; đoàn OSS này giúp huấn luyện 100 du kích Việt Minh và trang bị cho họ các vũ khí hiện đại. Nhân viên OSS, và đặc biệt là những tin tức về tình hình chính trị mà họ cung cấp chẳng những gia tăng thế lực và uy tín của Việt Minh mà còn giúp Hồ kịp thời khai thác sự đầu hàng của Nhật. Thomas thủ diễn vai đặc sứ của Hồ, gửi ra ngoài tất cả những tin tức về Việt Minh, nhất là mục đích đòi độc lập, tự do trong vòng từ 5 tới 15 năm. (70)

70. Vũ Ngự Chiêu, 1984: chương 9 [Phụ Bản I tiếng Mỹ]; US Congress. Senate. Causes, Origins, and Lessons of the Vietnam War. Hearings before the Committee on Foreign Relations, 92nd Congress, 2nd Session, May 1972 (Washington: GPO, 1973), tr. 243, 249, 266-67, 270-80; Fenn, 1973:80-2, Shaplen, 1965:18-29; Patti 1980:129; Marr, 1995:284).

(US Congress, Hearings [May 1972]:243-80; Patti 1980:129).

 

Hai tháng sau, trong báo cáo tổng kết ngày 17/9, dù ngưỡng mộ cả Hồ [Mr “Hoo”]và Văn [Võ Giáp], Thomas nhận định họ khuynh tả, và theo Đại úy Patti, Hồ là một cán bộ Cộng Sản chính gốc [an outright Communist]. [tr. 266] Thomas cho rằng tất cả lãnh tụ Việt Minh, kể cả “Hoo” và Văn, nếu không phải là Cộng Sản thuần thành. thì cũng tả khuynh; một số có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa [socialism]. Nhưng đại đa số chưa bao giờ nghe đến tiếng Cộng Sản, hay hiểu Cộng Sản là gì. [tr. 267] Vẫn theo Thomas, Pháp cho VM là CS [tr. 270] Tháng 5/1945, Tiêu Văn nói từ ngày móc nối được Mỹ, Hồ coi thường Trung Hoa, dù trước đó từng là thuộc hạ của Tiêu Văn (trong Việt Cách hay Đồng Minh Hội); nếu VM không tới gặp sẽ tiêu diệt VM Với Mỹ, theo Thomas,  Hồ và Văn rất thân thiện, chăm sóc tận tình. [tr. 270]  

 

Kế hoạch đoàn kết quốc gia của Kim còn mở rộng cửa nhiều văn phòng chính phủ cho cán bộ nằm vùng hay cảm tình viên của Việt Minh. Nguyễn Mạnh Hà, người sẽ trở thành Bộ trưởng Kinh Tế đầu tiên, từng là trưởng phòng Kinh Tế Hải Phòng và sau đó là Trưởng Nha Kinh Tế Bắc Bộ. (L'Action, 9/6/1945; CAOM (Aix), 7F 29-1). Vũ Trọng Khánh, đốc lý Hải Phòng, bàn giao cho Đệ Tứ Quân Khu Việt Minh, về Hà Nội gặp Võ Giáp để nhận chức Bộ trưởng Tư Pháp, rồi gán ghép cho đảng viên Đại Việt những tội thường phạm như trộm cắp, hiếp dâm. Hoàng Minh Giám, Ngoại Trưởng tương lai, huấn luyện tại chỗ với chức Trưởng ban Liên Lạc Nhật-Việt Bắc Bộ. (Tin Mới, 3/8/1945).

Tôn Quang Phiệt, chủ tịch tương lai của Ủy ban Khởi nghĩa thành phố Nguyễn Tri Phương (Huế), là một cố vấn của Hội Đồng Thanh Niên Quốc Gia, Tổng Thư ký Tân Việt Nam Đảng chi bộ số 1, và đồng thời trở thành cố vấn của nhiều viên chức cao cấp, kể cả Tổng lý Ngự tiền, và Bộ trưởng Kinh Tế Hồ Tá Khanh (Études Vietnamienes 1973: 58 & 60; Hòe 1982: 60-3; phỏng vấn Hồ Tá Khanh, Đông 1982-1983).

Tại Nam Bộ Phạm Ngọc Thạch tiếp tục dấu kỹ đảng tịch Cộng Sản, liên hệ với Nhật để cầm đầu tổ chức Thanh Niên Tiền Phong.(71) Phạm Văn Bạch, chủ tịch tương lai của Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ, đi xin ý kiến của “tổ chức” (Đảng CSĐD) trước khi nhận chức Chánh án Bến Tre (Bạch 1982).

71 [15]. Trước ngày 19/8/1945, Kha Vạng Cân là Chủ tịch. Xem Sài Gòn, 25, 26/5/1945; Hưng Việt (Sài Gòn), 17, 20 và 22/8/1945; CAOM (Aix), HCIF, CP 161.

 

Sự xâm nhập của các cán bộ nằm vùng và cảm tình viên của Việt Minh này, cùng với thủ thuật chiến tranh tâm lý, là những yếu tố quan trọng đưa đến sự sụp đổ đột ngột của chính phủ Kim trong hạ tuần tháng 8/1945.

Tệ hại hơn, nền kinh tế phá sản và ngân quĩ trống rỗng. Kiểm soát được Ngân Hàng Đông Dương, người Nhật tự do phát hành giấy bạc theo nhu cầu. Từ tháng 3 tới tháng 8/1945, người Nhật lấy ra 787 triệu yen (khoảng 800 triệu đồng) nhiều hơn tổng số tiền mà Pháp đã giao cho Nhật để trả quân phí từ 1940 tới 1945 (720 triệu đồng) hay hơn 1/3 tổng số tiền lưu hành. (72). Trong khi đó, giá sinh hoạt các thành phố tăng ngoài sức chịu đựng của mọi người.

72. CAOM (Aix), Affaires Economiques [AE], hộp 182 và 289; Decoux 1949:446 n1; JOFI, 22/11/1945:14-5

 

Vào tháng 5/1945, người ta phải trả 800 đồng 1 tạ gạo, 20 đồng 1 ký mỡ, hay 1 đồng 1 quả trứng, đắt gấp 40 lần năm 1942 (73). Theo số liệu thống kê của Đông Dương, từ 1942 tới 1945, ngân quĩ cho thực phẩm tăng 900% trong một gia đình trung lưu, và 1920% trong một gia đình lao động (74)

73. Thông Tin, 10/6/1945; CAOM (Aix), RST 70-77.

74. ASI, 1943-1946, pp. 204-6. Tuy nhiên sự chia chác chiến lợi phấm chom Nhật hay Bri-tên, theo tài liệu văn khố Pháp, là do người Pháp tự nguyện, tử Vichy tới Đông Dương.

 

Nạn đói tiếp tục hoành hành ở Bắc và Bắc Trung Bộ. Tại nhiều nơi, trật tự xã hội bị đổ vỡ, và tình trạng an ninh suy giảm tại hầu hết các thành phố. Nhiều làng trống không. Trộm cướp—dù chuyên nghiệp hay do cách mạng lãnh đạo—gia tăng hoạt động. Tình trạng hỗn loạn lan tràn từ nông thôn về các thị trấn và thành phố. Kế hoạch “đoàn kết quốc gia” của Kim thiếu hấp dẫn hơn tư lợi và tinh thần cầu an.

 

3. Chống Đói:

Mặc dù phạm vi hoạt động rất hạn hẹp, chính phủ Kim dồn nhiều nỗ lực chống lại nạn đói. Một mặt, Kim yêu cầu và được Nhật cho phép bỏ lệ bắt buộc bán thóc ở Trung bộ, và tại Bắc bộ, miễn cho bất cứ ai sở hữu dưới ba mẫu ruộng (L'Action, 19/5/1945; Hải Phòng, 16/7/1945). Bộ trưởng Tiếp tế Nguyễn Hữu Thí được gửi vào Sài Gòn dàn xếp việc chở gạo từ Nam ra Trung và Bắc. Để tránh bị phi cơ Mỹ oanh tạc, các hải cảng xa Sài Gòn được dùng làm điểm khởi hành cho các đoàn thuyền buồm. Tư nhân được phép tự do chở và mua bán gạo. Tuy nhiên, để ngăn chặn các tệ nạn, Kim ra lệnh kiểm soát gắt gao giá cả và việc tồn kho. Người vi phạm có thể bị tử hình hay tịch biên tài sản (Tin Mới, 17/7/1945). Tại Bắc bộ, Kim thành lập Ty Liêm Phóng Kinh Tế, giao cho Nguyễn Duy Quế điều khiển, để ngăn chặn việc buôn lậu (Tin Mới, 10/7 và 3/8/1945). Một số chủ cửa hàng gạo bị bắt giữ hoặc phạt nặng. Mặt khác, Kim tập trung những người sống sót sau nạn đói cùng những người vô gia cư vào các trại đặc biệt. Một chiến dịch báo chí giúp rộ nở phong trào thành lập nạn cứu đói trên toàn quốc. Vào cuối tháng 3, tất cả các hội cứu tế miền Bắc tập hợp lại thành Tổng Hội Cứu Tế Nạn Đói do Nguyễn Văn Tố cầm đầu, và đẩy mạnh hơn các nỗ lực lạc quyên cũng như chẩn tế. Từ tháng 3 tới tháng 5/1945, tổ chức của Tố quyên được 783,403 đồng (L'Action, 21/3, 27/4 và 30/5/1945). Tại Nam bộ, chỉ nội tháng 5 hơn 20 hội chẩn tế ra đời, và trong vòng một tháng các tổ chức trên quyên được 1,677,886 đồng, kể cả 481,570 đồng để mua và chuyên chở 1,592 tạ gạo cho nạn nhân vụ đói (L'Action, 24/5 và 22/6/1945; Hải Phòng, 23/6/1945). Vì tất cả thuyền buồm trên 30 tấn đều bị Nhật trưng dụng, và hải cảng Hải Phòng bị Mỹ đặt mìn phong tỏa, việc chở gạo từ Nam ra Bắc bị chậm trễ. Dẫu vậy, các chương trình chống đói của Kim chẳng những giảm thiểu sự khổ sở của dân chúng mà còn tạo cơ hội cho đám đông, đặc biệt là giới trẻ, tham gia các sinh hoạt xã hội.

Những nỗ lực của Kim không hoàn toàn tiến triển tốt đẹp: Ngoài việc bị Việt Minh cản trở (như xúi dục dân chúng đánh phá các vựa lúa công cộng, hay lăng nhục các viên chức trách nhiệm và người cầm đầu các hội chẩn tế), tin tức tình báo do Việt Minh cung cấp khiến các phi vụ oanh tạc của Mỹ phá hoại thêm nữa các trục giao thông. Sự giao thông khó khăn đến độ Kim phải dùng xe đạp để chuyển công văn (CAOM (Aix), AE, hộp 578; Tin Mới, 15/6/1945). Ngày 23/7, một Bộ trưởng của Kim là Vũ Ngọc Ánh tử thương trong một cuộc oanh kích ở Bắc bộ. Dẫu vậy, nhờ trúng mùa Chiêm vào tháng 5 và 6/1945, và nhờ nhu cầu tiêu thụ giảm hẳn xuống sau khi hơn 1 triệu người chết đói, cuộc khủng hoảng thực phẩm giảm dần. Qua tháng 6/1945, nạn đói hầu như đã qua. Tại Hà Nội và các tỉnh, giá gạo giảm từ 850 đồng một tạ (100 kg) xuống khoảng 300 đồng (Thông Tin, 10/6/1945). Tại vài tỉnh, vấn nạn trở thành thiếu hụt số người gặt lúa (Dân Mới, 6/6/1945). Khi những tàu chở gạo từ Nam cặp bến miền Bắc, nạn đói cuối cùng cũng qua.

 

4. Cải Cách Thuế:

Giống như đối thủ là Cộng Sản, chính phủ Kim muốn giải quyết vấn đề thuế, đặc biệt là thuế thân, một loại thuế gây nhiều ta thán. Dưới thời Pháp, có 13 loại thuế, từ 750 đồng một năm (hạng 1) tới 3 đồng rưỡi (hạng thứ 13). Ngoài ra, mỗi xuất đinh phải trả thêm khoảng 60% số tiền trên như thuế chính phủ xứ (kỳ), và từ 45% tới 60% cho ngân quĩ tỉnh; điều này có nghĩa khoảng 2,300,000 xuất đinh thuộc hạng 13 phải trả tổng cộng 7.70 đồng thuế thân hàng năm. Kim thuyết phục được người Nhật giảm thuế đáng kể cho hạng thứ 13 này. Ngoài ra, họ còn được chia thành 2 hạng thuế khác nhau. Khoảng 1.8 triệu người qui định thuộc hạng 13 mới chỉ phải trả tổng số 3 đồng mỗi năm, và 500,000 người còn lại chỉ phải trả 1 đồng. Tất cả những khoản phụ thu cho xứ và tỉnh được miễn. Thực tế, việc cải cách thuế chỉ thực hiện ở miền Bắc. Tại Trung bộ, Kim miễn thuế thân cho bạch đinh hoặc những người có lợi tức thấp. Riêng tại Nam Bộ, Nhật tiếp tục áp dụng luật năm 1944 của Pháp (Nước Nam, 3/3/1945; L'Action, 19 và 30/5/1945).

 

5. Cải Cách Giáo Dục:

Chính phủ Kim đặt nặng vấn đề cải cách giáo dục, với trọng tâm là việc phát triển giáo dục kỹ thuật và sử dụng chữ Việt mới (quốc ngữ) làm ngôn ngữ giảng dạy (Tinh Tiến, 5/7/1945; L'Action, 4 và 13/7/1945). Lên cầm quyền chưa đầy hai tháng, Kim tổ chức khoá thi tiểu học đầu tiên bằng chữ Việt mới và dự định dùng Việt ngữ trong các kỳ thi cao hơn (Tin Mới, 13,14,23, 25/6, và 18/7/1945). Bộ trưởng Giáo dục Hoàng Xuân Hãn cũng hết sức làm việc để Việt-nam-hoá nền giáo dục trung học công. Những kế hoạch này hẳn cần thời gian dài hơn 4 tháng mới rõ kết quả; nhưng chúng đủ mở đường cho Bộ trưởng Giáo Dục Vũ Đình Hoè của Việt Minh phát động chiến dịch bình dân giáo dục trong tương lai gần. Vào tháng 7/1945, khi Nhật quyết định trao trả độc lập và thống nhất lãnh thổ, chính phủ Kim đang chuẩn bị thực hiện một cuộc cải cách rộng lớn hơn, khởi đầu bằng việc thành lập một Ủy Ban quốc gia chịu trách nhiệm thành lập một nền quốc học. (75)

75. Tinh Tien (Hanoi),14 (5/7/1945); L'Action (Hanoi), 4 & 13/7/ 1945 [declaration of 8 June 1945 & Imperial Order [Du] No.71 (11 July 1945)]

 

6. Cải Cách Tư Pháp:

Với phương vị Bộ trưởng Tư pháp, Trịnh Dình Thảo cũng khởi đầu chiến dịch cải cách hệ thống tư pháp. Tháng 5/1945, thành lập tại Huế một Ủy Ban Cải Cách và Thống Nhất Tư Pháp, do Thảo cầm đầu (L'Action, 2/6/1945). Ngoài ra, chính phủ Thảo xét lại các vụ án chính trị, trả tự do nhiều người hoạt động chống Pháp và phục hồi quyền công dân cho những người khác. Nhân dịp này, một số cán bộ Cộng sản trở lại với tổ chức cũ, và tích cực làm việc để phá hủy quyền lực của Kim (L'Action, 4/7/1945).

 

7. Đám Đông Tham Gia Chính Trị:

Sự đóng góp không thể bác bỏ được của chính phủ Kim là sự tham gia sinh hoạt chính trị của đám đông. Trong những buổi lễ, Kim vinh danh mọi anh hùng quốc dân, từ những quốc tổ huyền thoại, tức vua Hùng (2879-257 TTL), tới những anh hùng kháng Pháp như Nguyễn Thái Học, lãnh tụ VNQDĐ đã bị xử chém cùng 12 đồng chí năm 1930. Một Ủy Ban được thành lập để lựa chọn danh sách các anh hùng sẽ được đưa vào Nghĩa Liệt Từ--không rõ theo kiểu mẫu Panthéon của Pháp, hay Yasukuni Shrine của Nhật. (76)

76. L'Action, 26/6/1945.

 

Tên đường phố được đặt lại. Tại Thuận Hoá (Huế), Lê Thái Tổ (1428-1433) vị vua đã dành lại độc lập từ tay nhà Minh năm 1428, thay thế Jules Ferry trên bảng tên đại lộ chính của thành phố. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, (1229-3/9/1300), người hai lần chặn đứng sự xâm lăng của Mông Cổ năm 1285, và 1287-1288, thay cho Paul Bert. Ngày 1/8, tân Đốc lý Hà Nội là Trần Văn Lai còn đi xa hơn nữa khi cho lệnh phá bỏ những tượng đài do Pháp dựng lên tại các công viên trong chiến dịch xoá bỏ những tàn tích ô nhục (Tin Mới, 2/8/1945). Trong khi đó, báo chí Việt bùng nở—tự do xuất bản những bài viết về các phong trào chống Pháp và những lời đả kích các cộng sự viên của Pháp. Những lời chỉ trích còn hướng vào cả Nguyễn Hữu Độ—người đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc chinh phục của Pháp trong thập niên 1880  và bán rẻ cho Giám mục Paul Puginier chùa Báo Thiên và huyện Thọ Xương với giá tiền 100 quan, tức khu nhà Chung tại Hà Nội hiện nay. (77)

77. Dân Mới, 5-7/1945; Hải Phòng, 28/7/1945

 

Kế hoạch đáng kể nhất là việc đoàn ngũ hoá tuổi trẻ. Bộ trưởng Thanh niên Phan Anh cố gắng tập trung và kiểm soát chặt chẽ các tổ chức tuổi trẻ đã bùng nở từ sau ngày 9/3/1945. Ngày 25/5, một Dụ ra đời đặt xuống cơ cấu tổ chức các hội thanh niên. Trên thượng tầng là một Hội Đồng Quốc Gia Thanh Niên, một tổ chức tư vấn, để cố vấn Bộ trưởng Thanh niên. Những cơ cấu tương tự được thành lập xuống tới cấp huyện (L'Action, 16/6/1945). Trong khi đó, thanh niên được mời tham gia các tổ, đoàn địa phương từ tỉnh tới xã. Mỗi tỉnh lỵ có một trung tâm huấn luyện, ở đó họ có thể tham dự những khoá huấn luyện kéo dài một tháng (Tinh Tiến, 30/6 và 7/7/1945; Đàn Bà, 26/7-7/8/1945; L'Action, 26/6/1945). Chính phủ cũng thành lập một trung tâm quốc gia cho Thanh Niên Tiền Tuyến tại Thuận Hoá. Khai giảng ngày 2/6, trung tâm này dự trù là tiền thân trường huấn luyện sĩ quan trong tương lai (Kim 1969:92). Vào cuối tháng 7, các trung tâm cấp bộ cho thanh niên xã hội được thành lập tại Hà Nội, Thuận Hoá và Sài Gòn. Trong khi đó, tại Hà Nội, Tổng Hội Sinh Viên và Thanh Niên bị cơn sốt độc lập chi phối. “Sinh viên”—có lẽ với sự trợ giúp của chính phủ—tự xuất bản tuần báo Tự Trị (Tự Trị, 21/4-26/6/1945). Cư xá Sinh viên Hà Nội trở thành một trung tâm hoạt động chính trị. Vào tháng 5, tháng 6, có dấu hiệu cán bộ Cộng sản, dưới danh nghĩa Việt Minh, đã xâm nhập sâu vào Cư xá Sinh viên, và các hiệp hội thanh niên cùng cứu đói. Đối diện sự bành trướng của Mặt Trận Việt Minh, Nhật nỗ lực tiếp xúc các lãnh tụ của tổ chức này, nhưng các sứ giả của Nhật đều bị giết. Hiến Binh Nhật bèn phản công, bắt giữ hàng trăm thanh niên Việt tại miền Bắc vào hạ tuần tháng 6 (Kim 1969:82-3).

 

8. Thống Nhất Lãnh Thổ:

Thành quả đáng kể nhất của chính phủ Kim là việc thương thuyết thống nhất lãnh thổ. Ngay sau khi chấm dứt chế độ Pháp, người Nhật chẳng sốt sắng gì với việc thống nhất lãnh thổ của Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi chính phủ Kim thành lập, Nhật đồng ý trao trả Bắc Bộ, dù còn giữ quyền kiểm soát các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, và Đà Nẵng. Trong khi đó, Nam bộ hoàn toàn đặt dưới sự cai trị trực tiếp của Nhật, chẳng khác gì thời Pháp thuộc.

Bắt đầu từ tháng 5/1945, Ngoại trưởng Chương thương thuyết với Nhật tại Hà Nội, xin hoàn trả ba thị xã Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho Việt Nam, nhưng Nhật thoái thác vì Hà Nội và Hải Phòng là hai điểm then chốt của kế hoạch phòng thủ Đông Dương. Mãi tới tháng 6 và tháng 7/1945, Nhật mới đồng ý thực hiện những bước sơ khởi hướng về sự thống nhất lãnh thổ Việt Nam. Ngày 16/6, Nguyễn Phước Điện công bố Việt Nam sẽ được thống nhất trong tương lai (L'Action, 27/6/1945). Ngày 29/6, Tướng Tsuchihashi ký một loạt nghị định bàn giao một phần những trách nhiệm của chính phủ Liên bang Đông Dương—kể cả quan thuế, thông tin, và thanh niên, thể thao—cho ba chính phủ Việt, Căm Bôt và Lào (L'Action, 12/7/1945). Tiếp đó, Nguyễn Phước Điện ban hành 4 đạo Dụ: thành lập Hội Đồng Tư Vấn Quốc Gia; một ủy ban soạn thảo Hiến pháp gồm 15 người; một Ủy Ban 15 người khác nghiên cứu việc cải cách hành chính, pháp luật, và tài chính; và một Ủy Ban Cải cách Giáo dục, gồm hai [2] phụ nữ trong tổng số 18 ủy viên (78). Lần đầu tiên, các lãnh tụ miền Nam (như Trần Văn Ân và Hồ Văn Ngà) được mời tham gia các ủy ban trên.

78. L'Action, 13, và 17/7/1945; Tinh Tiến, 3/7/1945.

 

Trong khi đó, những biến chuyển khác tại Nam bộ từ đầu tháng 7/1945 có thể coi như những bước chuẩn bị cho kế hoạch Nhật giao trả Việt Nam thống nhất lãnh thổ. Thượng tuần tháng 7, khi Nam bộ bừng bừng khí thế độc lập và đám đông tham gia hoạt động chính trị qua việc thành lập các tổ chức Thanh Niên Tiền Phong ở Sài Gòn cùng nhiều tỉnh lị, Thống đốc Minoda tuyên bố sẽ thành lập Hội Nghị Nam Bộ để giúp đỡ người Nhật cai trị. Hội nghị này có nhiệm vụ tư vấn về những vấn đề do Nhật đệ xét và thanh tra các tỉnh. Mục đích chính của Hội nghị, Minoda nhấn mạnh, nhằm giúp người Việt hiểu được rằng họ cần phải hợp tác chặt chẽ với Nhật, vì “nếu Nhật bại trận, nền độc lập của Đông Dương sẽ lỡ dở” (L'Action, 16 & 23/7/1945). Sự hiện diện của Trần Văn Ân cùng những nhân vật theo phò Cường Để trong Hội nghị này phản ảnh sự thay đổi quan trọng trong thái độ của Minoda đối với vấn đề độc lập của Việt Nam, vì cho tới thời điểm này, viên Thống đốc Nhật nắm trọn mọi việc ở Nam Bộ trong tay. Tại buổi khai mạc Hội nghị Nam bộ ngày 21/7, Minoda gián tiếp nói đến sự thống nhất lãnh thổ của Việt Nam (L'Action, 24/7/1945). Sau đó, Trần Văn Ân được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội nghị, và Kha Vạng Cân, một lãnh tụ Thanh Niên Tiền Phong, Phó Chủ tịch.

Ngày 13/7, Trần Trọng Kim đến Hà Nội để thương thuyết với Toàn quyền Tsuchihashi. Tsuchihashi đồng ý trao trả ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, hiệu lực từ ngày 20/7. Kim bèn cử Y sĩ Trần Văn Lai làm đốc lý Hà Nội, Luật sư Vũ Trọng Khánh, đốc lý Hải Phòng, và Nguyễn Khoa Phong, đốc lý Đà Nẵng. Sau những cuộc thương thuyết kéo dài, hai bên còn đồng ý hoàn trả Nam bộ cho Việt Nam, và Kim sẽ lên đường vào Sài Gòn dự lễ thống nhất ngày 8/8. (79)

79. Kim 1969:81-8; L'Action, 30/7/1945; AOM INF G4; dẫn trong Marr, 1995:133n251, và 133n253. Xem thêm Vũ Trọng Khánh, “Tôi làm thị trưởng Hải Phòng (1994);” Phụ lục 9; Vũ Đình Hoè, 2004:460-67.

 

Sự thành đạt lịch sử của Kim lập tức bị che phủ bởi áp lực bên ngoài và sự chia rẽ nội bộ. Ngày 26/7, từ Potsdam gần một Berlin điêu tàn, đổ nát, lãnh đạo các nước Mỹ, Trung Hoa và Bri-tên ra tuyên cáo đòi Nhật đầu hàng không điều kiện. Stalin không ký tên vì Nga Sô chưa tham chiến vói Nhật. Nhật thì lúc này chẳng còn mong chiến thắng, mà chỉ muốn đạt được ngưng bắn trong danh dự. Tệ hại hơn, viễn ảnh bị Đồng Minh trừng trị vì hợp tác với Nhật khiến nhiều người có thể hợp tác với Kim giữ thái độ xa cách. Các Bộ trưởng và những cộng sự viên phân tán dần. Khâm sai Bắc bộ là Phan Kế Toại—vây quanh bởi chính con trai và những người có cảm tình với Việt Minh hay cán bộ Cộng sản nằm vùng hoặc khuynh tả như Nguyễn Mạnh Hà và Hoàng Minh Giám—nạp đơn xin từ chức. Nguyễn Xuân Chữ, một lãnh tụ Việt Nam Ái Quốc Đảng và một trong năm thành viên của Ủy Ban Kiến Quốc,  không đồng ý thay thế Toại (Thông Tin, 10/6/1945; Kim 1969:84, 91; Chữ 1996:280). Trở lại Thuận Hoá, Kim cũng đối diện sự chống đối ngày một gia tăng giữa các Bộ trưởng. Trần Văn Chương (người đã khởi đầu thương thuyết với Nhật từ tháng 5) muốn được hưởng công về việc thâu hồi ba thành phố và Nam bộ, và có thể cả chức Thủ tướng (Kim 1969:88-9). Phiên họp Hội đồng Bộ trưởng trong hai ngày 5 và 6/8 được đánh dấu bằng những cuộc cãi vã cá nhân và việc ba Bộ trưởng Nội vụ, Kinh tế và Tiếp tế. Bộ trưởng Kinh tế Hồ Tá Khanh còn đòi toàn chính phủ từ chức, nhường cho Việt Minh lên cầm quyền vì có thực lực (Kim 1969:166). Ngày 7/8, chính phủ Kim từ chức. Nguyễn Phước Điện yêu cầu Kim lập chính phủ mới, nhưng việc thế chiến đột ngột chấm dứt xen vào.

Ngày 8/8/1945, Liên Sô xua quân vào Manchuria (Mãn Châu) và tuyên chiến với Nhật. Hôm sau, trái bom nguyên tử thứ hai trút xuống Nagasaki, và Nhật không thể tiếp tục cuộc chiến. Thương thuyết được tiến hành, và Nhật quyết định cho Kim cùng những người Việt yêu nước những gì họ trông chờ bao năm dài—độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ. Kim nhiều lần được thúc dục vào Sài Gòn chủ tọa lễ thâu hồi miền Nam (Kim 1969:90). Nhưng nhiều yếu tố ngăn cản Kim rời kinh đô. Từ ngày 8/8, Phạm Khắc Hoè được Tôn Quang Phiệt  cho lệnh xúi dục Bảo Đại thoái vị. Để thực hiện sứ mệnh này, Hoè tìm cách hạ uy tín Kim, đặc biệt là dèm pha việc Kim không thể mời những nhân vật nổi danh tham gia chính phủ mới ở Thuận Hoá (Phạm Khắc Hoè 1982:62-3). Trong khi đó Bộ trưởng Nội vụ Trần Đình Nam, nêu lý do những cuộc nổi dạy ở Thanh Hoá và Quảng Ngãi tại Trung bộ để ngăn cản Kim lên đường vào Sài Gòn (Phạm Khắc Hoè 1982:62-3; Kim 1969:89). Việc đón nhận chủ quyền ở Nam Bộ bởi thế phải ủy cho Hội Nghị Nam Bộ. Rồi, ngày 14/8, Nguyễn Phước Điện bổ nhiệm Nguyễn Văn Sâm, cựu Chủ tịch Hội Ái Hữu Ký Giả Nam Kỳ, làm Khâm sai Nam Bộ (L'Action, 17/8/1945). Sâm lập tức rời Thuận Hoá vào Sài Gòn. Trong khi đó, Việt Minh đã lợi dụng thời cơ, tổng nổi dạy.

 

VI. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG

 

Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng vô điều kiện đột ngột mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ. Một số viên chức Nhật ngả về phía Việt Minh, thả một số tù nhân Cộng Sản, cung cấp vũ khí cho Việt Minh, và một số còn phục vụ các lực lượng Việt Minh địa phương (Lieu et al 1960:I:43-4). Những người khác, kể các Tư lệnh quân đội, muốn dùng vũ lực yểm trợ chính phủ Kim và đánh dẹp Việt Minh (Etsumei) (80). Cả đất nước chìm vào cảnh hỗn loạn, mở đường cho các phe nhóm chính trị Việt chạy đua quyền lực.

80. Kim, Gió Bụi, 1969:93; Dân Chủ, 12/9/1945; Chữ 1996:277-78, 288-89

 

Buổi tối trước ngày Nhật chính thức đầu hàng, Kim và các cộng sự viên muốn nắm lấy thời cơ để kiểm soát tình thế. Ngày 12/8, chính phủ đã từ chức của Kim được cải danh thành chính phủ lâm thời. Kim yêu cầu Bảo Đại ra một Dụ vào ngày 14/8 để hủy bỏ hòa ước 5/6/1862, và 15/3/1874, và như thế vô hiệu hoá mọi đòi hỏi chủ quyền của Pháp tại Việt Nam (Bao Dai 1980:114-15). Kim còn gửi đại diện ra Bắc, vào Nam để thống nhất các phe nhóm dưới quyền chính phủ trung ương ở Thuận Hoá, nhưng tất cả đều bị Việt Minh bắt giữ dọc đường—Hồ Tá Khanh tại Quảng Nam và Phan Anh tại Hà Tĩnh. (Kim 1969:91).

Trong khi đó, các lãnh tụ không Cộng sản tại Bắc bộ và Nam bộ cũng cố chống lại Việt Minh. Tại Bắc bộ, Y sĩ Nguyễn Xuân Chữ yêu cầu thành lập một Ủy ban Cứu quốc; Kim chấp thuận và ngày 16/8 bổ nhiệm Chữ làm Chủ tịch Ủy Ban Giám Đốc Chính trị Miền Bắc. Ủy Ban này gồm 5 người—Chữ, Toại, Thị trưởng Lai, Đặng Thái Mai, và Nguyễn Tường Long—nhưng thực tế chỉ có mình Chữ ở vào vị thế không uy quyền: Từ ngày 30/7/1945, Bảo An Binh của Đai úy Vũ Văn Thu, Giám đốc, và Thiếu úy Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc, đã ngả theo Việt Minh do sự vận động của Y sĩ Trương Đình Tri. (Hưng Việt, 2/8/1945). Chánh văn phòng Khâm Sai cưỡng lại lệnh triệt hạ cờ Việt Minh mới xuất hiện ở nhà Thờ lớn [nhà Chung].(81)

81. L'Action, 18/8/1945; Hưng Việt, 2/8/1945; Kim 1969:91. Theo Y sĩ Chữ, chức vụ này do Hãn đề nghị; Hồi ký, 1996:279-80.

 

Thị trưởng Lai đồng ý cho tổ chức biểu tình ngày Thứ Sáu 17/8—mà trên thực tế là cuộc tổng diễn tập cho cuộc đoạt chính quyền hai ngày sau của Việt Minh, dưới sự chỉ đạo của Trần Đình Long, thành ủy Đảng CSĐD, và Đảng Dân Chủ, một giả túc mới của Việt Minh nhằm qui nạp những trí thức ngoài đảng, tức “thành phần trung gian.”

Tại Nam bộ, ngày 17/8, có thông báo tất cả những phe nhóm và đảng, kể cả các nhóm Trốt-kít và giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, tập họp thành Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt (Sài Gòn, 15/8/1945). Trần Quang Vinh, một lãnh tụ Cao Đài, và Huỳnh Phú Sổ, người khai đạo Hòa Hảo, cũng ra một tuyên cáo chung thành lập liên minh để đối phó kịp thời với tình thế.(82) [18]

82. Sài Gòn, 15/8/1945; L'Action, 18/8/1945.

 

Ngày 19/8, tại Sài Gòn, Thanh Niên Tiền Phong tổ chức buổi tuyên thệ thứ hai, thề sẽ bảo vệ nền độc lập của Việt Nam bằng mọi giá. Hôm sau, Hồ Văn Ngà trở thành Quyền Khâm Sai Nam bộ, và cử lãnh tụ Thanh Niên Tiền Phong Kha Vạng Cân làm Đô trưởng Sài Gòn/Chợ Lớn. Việc Khâm sai Nguyễn Văn Sâm về đến Sài Gòn ngày 22/8 mang lại cho Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt một kích thích, đó là bản tuyên cáo độc lập và thống nhất lãnh thổ.

Tuy nhiên, Việt Minh vẫn chiến thắng. Tại Hà Nội, ngày Thứ Sáu, 17/8, cán bộ Việt Minh thành công trong việc nắm quyền chủ động cuộc biểu tình cổ võ độc lập và thống nhất lãnh thổ, ủng hộ chính phủ Kim, của Tổng hội Công chức. Hai ngày sau, Nguyễn Xuân Chữ phải trao quyền cho Việt Minh. Chiến thắng rúng động này, cộng với việc quân Nhật chính thức buông súng ngày 21/8, khiến các cộng sự viên của Kim thêm hoảng hốt. Chính phủ Kim tự tan vỡ. Ngày 23/8, Việt Minh thực sự nắm quyền. Hai ngày sau, Bảo Đại ra tuyên cáo thoái vị, và Nguyễn Văn Sâm trao chính quyền cho Việt Minh tại Sài Gòn. Đế Quốc Việt Nam tàn lụn theo Khối Thịnh Vượng Chung Đông Á của Nhật.

 

VII. Tại Sao Nguyễn Sinh Côn Thắng?

 

Chính phủ Trần Trọng Kim hoặc đã bị đánh giá thấp hay lãng quên. Khuynh hướng phù thịnh và sự thiếu tài liệu chính xác phần nào gây nên hậu quả này. Ngoài ra, các guồng máy tuyên truyền của các thế lực tảng lờ sự thực lịch sử, bẻ cong dữ kiện theo mục tiêu chính trị giai đoạn. Tuy nhiên, xúc động đã qua và các tài liệu văn khố cùng tư liệu nguyên bản khác đã được mở, chúng ta có thể đánh giá tầm quan trọng lịch sử của chính phủ Kim.

Dài theo sự hiện hữu ngắn ngủi, và trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, chính phủ Kim đã tham gia vào việc phát động một cuộc cách mạng từ trên xuống, khởi phát từ cuộc thanh trừng chính quyền Decoux. Hai trong những khía cạnh quan trọng cần nhấn mạnh: Đó là sự kích thích đám đông tham gia sinh hoạt chính trị, và, hiện tượng Việt-Nam-hoá hầu hết các cơ cấu xã hội.

Sự đóng góp không thể chối cãi được của chính phủ Kim vào cuộc Cách Mạng 1945 của Việt Nam là sự bảo trợ tham gia sinh hoạt chính trị của đám đông. Dưới thời Pháp thuộc, tất cả những cuộc tụ họp đông đảo ngoài các buổi tụ họp gia đình, lễ nghi xã hội, hay thể thao đều bị cấm đoán và trừng phạt nặng nề. Qua thời Kim, việc tụ họp được khích lệ—kể cả những cuộc biểu tình ngoài đường phố, và diễn hành biểu lộ tinh thần độc lập về văn hoá cũng như chính trị. Đảng CSĐD, giống như các phe nhóm và đảng phái khác, đã lợi dụng cơ hội này để bành trướng tổ chức và tuyển mộ cán bộ. Hơn nữa, giới thanh niên 1945 không hoàn toàn thân Nhật hay liên hệ với Cộng Sản. Thực ra, giống như các tổ chức pemuda (thanh niên) tại Indonesia, cả một thế hệ thanh niên Việt đã được động viên dưới sự bảo trợ của Kim cũng như quan Tướng Nhật. (83).

83. John R.W. Smail, Bandung in the Early Revolution, 1945-1946:  A  Study in the Social History of the Indonesian Revolution. Ithaca:  Cornell University, Modern Indonesia Project, Monograph Series, 1964

 

Mặc dù không phải tất cả các tổ chức thanh niên sau này đều ngả theo Việt Minh, kế hoạch tổ chức thanh niên của Kim đã cung hiến cho mặt trận Việt Minh hàng chục ngàn người trẻ chỉ phục vụ dưới cờ Đảng CSĐD vì độc lập và thống nhất quốc gia mà không phải chủ thuyết Marxist-Leninist mà không chỉ họ xa lạ, ngay những cán bộ được huấn luyện từ Nga về cũng chỉ được huấn luyện đại cương về lý thuyết—giống như những sách giảng tám ngày cho các thày kẻ giảng Ki-tô. Tại miền Nam, chẳng hạn, thanh niên được tổ chức thành 4 sư đoàn dân quân để chống Pháp ngay sau khi Pháp, dưới bảng hiệu lực lượng chiếm đóng của Đồng Minh, tái chiếm Nam bộ trong tháng 9-10/1945.[19] Trong khi đó, lực lượng “danh dự” của Việt Minh tập trung nỗ lực vào việc thanh trừng những người họ lên án là Việt Gian—đặc biệt là phần tử Trốt-kít và lãnh tụ tôn giáo miền Nam, cùng các đảng viên Việt Nam Quốc Dân ĐảngĐại Việt ở miền Bắc và miền Trung. Dẫu vậy, sự liên kết ở thượng tầng giữa Hồ và các phe không Cộng sản chỉ bắt đầu soi mòn từ mùa Xuân 1946, sau khi Hồ đã ký với Pháp một Hiệp ước để hợp pháp hoá chế độ. Bản “Hiệp ước sơ bộ mồng 6 tháng 3 năm 1946” đầy thị phi này, tưởng cần nhấn mạnh, chỉ cho Hồ tình trạng một “bang tự do” trong Liên bang Đông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp—kém cả tình trạng một nước tự trị và, quan trọng hơn, chỉ là một lời hứa cho qua của Pháp để có thể đặt chân xuống miền Bắc một cách yên ổn (Vũ Ngự Chiêu, 1984:chương 12, 13, 14). Cuối cùng, sau khi cuộc chiến Pháp-Việt Minh bùng nổ trên toàn quốc, hiện tượng đám đông tham gia chính trị một cách tự do được lèo lái thành sự tham gia chính trị dưới sự kiểm soát của Cộng Sản. Tôi nghĩ rằng kiểu độc quyền yêu nước này dẫn đến sự tàn lụn của tinh thần cách mạng 1945 và, đưa đến hậu quả là cuộc Tam Thập Niên Chiến (1945-1975). Trong dịp du khảo về khía cạnh pháp luất tại Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, không chỉ một lần tôi buồn rầu nhận hiểu, Việt Nam chìm đắm trong ngục tù tim oóc quá lâu và quá khắc nghiệt: Những người tự xưng Cộng Sản ở Việt Nam còn kềm chế tuổi trê khắc nghiệt hơn thời Pháp thuộc hay Nhật thuộc. Sự tham gia tập thể của đám đông bị hạn chế và đóng khung trong những gì cơ quan an ninh, mật vụ và công an cho phép. Ngay cả đến những bản án dân và hình sự đơn giản nhất cũng được các cấp Đảng ủy đề nghị. Thật khó quên cảnh một phạm nhân từng đứng ra tố cáo tham nhũng tromg phiên tòa Quân Khu 9 đã ngất xỉu khi bị tuyên án bảy năm tù, tương đương với nhiều chính phạm. Bao nhiêu người nữa sẽ bị án từ 5 tởi 10 năm chỉ vì một bài viết trên mạng internet?

Diễn tiến Việt-Nam-hoá—nguồn động lực phía sau sự sinh tồn của dân Việt như quốc dân một nước độc lập trong bầu không khí bạo tàn của nền chính trị quốc tế—trở nên phức tạp hơn vì các vấn nạn độc lập và thống nhất lãnh thổ. Thoạt tiên, khi chuẩn bị cuộc hành quân Meigo, quân phiệt Nhật không chủ trương trao trả độc lập hoàn toàn và tức khắc cho Việt Nam. Bởi thế, chẳng những Nhật không công nhận hay ký một hiệp ước nào với chính phủ Kim, ngay tên Trần Trọng Kim cũng không được một lần nhắc nhở trên tờ Nippon Times [Nhật Bản Thời Báo]. Kim được hưởng khá nhiều tự trị ở miền Trung và Bắc, nhưng chỉ với điều kiện không ngăn cản mục tiêu chiến lược của Nhật. Đây là những điều kiện tổng quát đã ban cho chế độ Decoux trong giai đoạn cai trị gián tiếp của Nhật, hay ban cho Nguyễb Sinh Côn/Hồ Chí Minh trong giai đoạn quân Trung Hoa chiếm đóng Bắc Đông Dương thời hậu chiến. [20] So sánh nền độc lập có điều kiện của Kim dưới sự bảo trợ của Nhật, và sự độc lập “trên thực tế” của Côn dưới chế độ quân quản Trung Hoa từ tháng 9/1945 tới tháng 6/1946, hay một “bang tự do” trong kế hoạch tái xâm lăng của Pháp, nền độc lập của Kim có vẻ ít “bánh vẽ” hơn chúng ta thường được nghe.

Thật vậy, vấn đề độc lập của những nước nhỏ thường phức tạp hơn ai đó có thể cả đoan: hiệp ước và thỏa ước về vấn đề “độc lập” thường tùy thuộc vào những điều kiện ưu thắng của chính trị quốc tế—đó là, “luật pháp” luôn trong tay kẻ mạnh nhất. Người ta cần lưu tâm rằng sự thực hiện những thỏa ước trên phản ảnh sức mạnh tỉ đối giữa các nước hơn là thuần công pháp. Ngày 20/1/1946—ở những giờ phút cuối cùng trên ghế Thủ tướng Đệ tứ Cộng Hòa Pháp, chẳng những từ chối không cho Linh mục/Cao Ủy d’Argenlieu sử dụng hai tiếng “độc lập” trong khi thương thuyết với Côn—de Gaulle còn đứng thẳng người dậy, nói với Thiếu tá Paul Mus, đặc sứ của d’Argenlieu: “Chúng ta trở lại Đông Dương vì chúng ta là những kẻ mạnh hơn” [Nous rentrons en Indochione parce que nous sommes plus forts]. (84).

84. L’Institut Charles de Gaulle [ICG], Le Général de Gaulle et l’Indochine, 1940-1946 (Paris: Plon, 1982), tr. 73; D’Argenlieu, Chronique, 1985:131-33. Chính Đạo, VNNB, I-A: 1939-1946, 1996:301. [Tài liệu văn khố ghi nhận ngày 7/1/1946, de Langlade thông báo với d’Argenlieu là Mus gặp Bộ trương Hải Ngoại Soustelle; rồi ngày 20/1/1946, de Langlade cho biết Mus sẽ gặp de Gaulle, Soustelle và Tướng Juin]; SHAT (Vincennes), Indochine, 10 H xxx [140]

 

9/5/1947: Paul Mus tới Cầu Đuống, được Giám dẫn đi gặp Hồ Chí Minh tại tỉnh lị Thái Nguyên. [Xem 28/5 & 29/7/1947]

HCM gửi mật điện cho Bollaert, đề nghị ngưng bắn và hòa đàm. (L’Express, 19 Dec 1953; Ronald E. M. Irving, The First Indochina War: French and American Policiey 1945-1954 (London: Croom Helm, 1975), p. 46)

Bollaert đưa ra 5 điều kiện: (1) Giao nộp trong 2 tuần lễ một số lượng võ khí’ (2) chấm dứt tức khắc mọi hành động chiến tranh và khủng bố; (3) phóng thích tù nhân chiến tranh; (4) giao nạp lính Pháp và Nhật đào ngũ; (5) tự do di chuyển trên toàn lãnh thổ. Ngày 29/4, Ramadier đồng ý, nhưng thêm 2 điều kiện: Số vũ khí VM giao nạp phải lớn, và tù binh VM chỉ được phóng thích sau khi ngưng bắn thực hiện một cách thiết thực. Sau khi tham khảo với Valluy, Bollaert đề nghị 180 đại liên, 675 trung liên, 1000 tiểu liên, 30,000 súng cá nhân, và 4 triệu viên đạn. Khi Mus cho là những điều kiện này không chấp nhận được với HCM, Valluy tuyên bố “Tôi hy vọng như vậy.” (Paul Mus, L’Observateur, 31 Dec 1953; Irving, 1975:46).

Nhưng Pháp đòi VM phải nộp 50% khí giới, phóng thích tù binh Pháp. VM không chịu, vì như thế là đầu hàng.

 

Viên chức sử nhà nước tại Hà Nội, và những người khác, thường lập đi lập lại rằng Việt Minh đã thống nhất đất nước dưới lá cờ cách mạng nền đỏ sao vàng. Tài liệu chứng minh rằng Kim đã thu hồi quyền thống nhất lãnh thổ trước ngày Nhật đầu hàng, và quan trọng hơn, nhiều bước chuẩn bị đã thực hiện ở Thuận Hoá và Nam Bộ để thực thi sự thống nhất ấy. Dụng tâm của người Nhật ra sao đi nữa khi thỏa mãn đòi hỏi thống nhất lãnh thổ của Kim, đây vẫn là một sự thực. [21] Một sự thực khác là Nguyễn Phước Điện và Kim từ chối đề nghị của các Tướng Nhật để dùng quân Nhật đàn áp Việt Minh. Nếu Kim không giữ trung lập, Côn và các cộng sự viên hẳn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đoạt chính quyền. Hơn nữa, nếu không có sự hoàn trả miền Nam từ 14/8 tới cuối tháng 9/1945, đòi hỏi thống nhất lãnh thổ của Côn tại các bàn hội nghị hẳn thiếu cả tính cách pháp lý [22] cùng sự đáp ứng nồng nhiệt của người miền Nam. Những nguời làm công tác sử Việt Nam—hoặc vì thiếu tư liệu, hoặc vì có chỉ thị—thường lướt qua quan điểm chính phủ Nguyễn Sinh Côn bị coi như một “chính phủ sinh ra trong hỗn loạn” dưỡi mắt của cả Bri-tên lẫn Trung Hoa trước tháng 3/1946. Mountbatten còn lạnh lùng bịa đặt ra ngày tuyên bố độc lập “17/9/1945” để biện minh cho chủ trương dùng tù binh Nhật giúp Bri-tên và Pháp tái chiếm phía nam vĩ tuyến 16 từ cuối tuần 22-23/9/1945—công khai vi phạm các qui ước về tù binh trong công pháp quốc tế đương thời. (85)

85. Tài liệu số 1, “Extract from the Report to the Combined Chiefs of Staff by the Supreme Allied Commander, South-East Asia, 30 June, 1947;” Great Britain, Parliamentary Debates, 1945-1946; Jordan J. Paust, et al., International Criminal Law: Cases and Materials (Durham, N. Carolina: Carolina Academic Press, 1996), pp. 967-68. Xem thêm List of War Crimes prepared by the Responsibilities of the Paris Conference in 1919 (members USA, British Empire, France, Italy, Japan, Belgium, Greece, Poland, Roumania, Serbia); Ibid., pp. 24-5, 1017-20.

 

Mặc dù Việt Nam chỉ được độc lập có điều kiện dưới chế độ quân quản Nhật, và dù đất nước chỉ được thống nhất gần cuối cuộc chiến, diễn tiến Việt-Nam-hoá của Kim rất hệ trọng. Kim đã loại bỏ ảnh hưởng của người Pháp—từ việc chọn chữ viết theo mẫu tự La-tinh làm quốc ngữ tới sự đổi tên các đường phố, thị xã và miền; từ việc tự do lập đảng tới việc thay công chức Pháp bằng công chức Việt. Trên các báo địa phương, các danh từ “Annam,” “Tonkin,” “Cochinchine,”“Annamite” dần dần được thay thế bằng những từ mới có hàm ý tốt đẹp hơn. Sự việc đám đông chấp nhận sự thay đổi này có thể thấy trong sự duy trì những từ trên của chính phủ Hồ. Nếu xét đến sự sâu xa của việc người Pháp làm chủ người Việt—về văn hoá cũng như tinh thần—sự thay đổi của Kim rất quan trọng. Khảo sát những kế hoạch của Côn/Hồ từ sau ngày 2/9/1945, người ta thấy—ngoại trừ chế độ “Cộng Sản” và chủ trương độc quyền yêu nước của Côn/Hồ—hầu hết những điểm chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đưa ra vào cuối năm 1945 và đầu năm 1946 đều giống với các chương trình mà chính phủ tiền nhiệm đề ra: chữ Việt với mẫu tự La-tinh được dùng trong các lớp học và văn phòng; đổi tên thị xã và đường phố; hủy bỏ việc ép bán thóc dư và thuế thân. Ngay trong buổi chiều ngày 2/9/1945, Côn/Hồ dấu kín đòi hỏi một bang tự trị trong Liên bang Đông Dương do Pháp kiểm soát, tuyên bố đã lấy lại Việt Nam từ tay Nhật, yêu cầu thị dân Hà Nội tuyên hứa 4 điều không làm: “thề: không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, và không đưa đường cho Pháp,” nếu quân Pháp tái xâm lăng Việt Nam. (86).

86. Cứu Quốc, 5/9/1945; Giáp 1974:32

 

Hẳn nhiên, sự giống nhau trên chỉ biểu kiến hơn thực chất. Sự khác biệt, nếu không phải đối nghịch, giữa Côn và Kim ăn rễ sâu trong thân thế và ý thức hệ.

Kim là một học giả thành công và một thị dân yêu nước trung dung. Hồ thiếu may mắn trên đường học vấn, năm 1911 thất bại trong việc xin vào trường Thuộc Địa mà Kim vừa tốt nghiệp. Hồ sống trọn tuổi thanh xuân trên các hải cảng xa lạ như một phụ bếp hay lao công; và, cuối cùng tìm thấy con đường cách mạng nhờ những bài viết của Lenin và sự yểm trợ của Liên Sô (Vũ Ngự Chiêu & Nguyễn Thế Anh, 1983). Cuộc phiêu lưu chính trị của Kim chỉ đột xuất vào tháng 10/1943; trong khi Hồ trải qua hơn ba thập niên tại quê người, nhà tù, rừng rậm và trường huấn luyện của Liên Sô—với đầy đủ ngọt, bùi, chua, cay của hoạt cảnh chính trị mà có lẽ chính Côn/Hồ cũng cảm nhận được rằng tiểu đồng Quốc Tế Cộng Sản khó vượt qua những đại dị như quyền lợi và an ninh quốc gia, và ngay cả tinh thần kỳ thị chủng tộc. Côn từng thoát một âm mưu ám sát của Pháp tại Quảng Châu năm 1927, bị triều Huế qua tòa án Vinh lên án tử hình năm 1929, và trên đại thể có kinh nghiệm về sự tàn bạo của nền chính trị quốc tế. (87)

87. Xem những thư từ và khiếu nại của Hồ gửi tứ cường trong US-Vietnam Relations, 1945-1967, Book 1, tr. C 66-100. Xem thêm báo cáo của Abbot Moffat, trong Leon B. Blum, The United States and Vietnam, 1944-1947, (Washington: GPO, 1972).

 

Thật khó hiểu nếu sống thọ thêm 25 tuổi, Nguyễn Sinh Côn sẽ nghĩ gì về “bài học Đặng Tiểu Bình” đầu năm 1979 và tham vọng bành trướng đất đai và lãnh hải của Trung Nam Hải ttừ đầu thế kỷ XXI.

Kim là một thày giáo có nhân sinh quan Khổng giáo; với quan niệm phổ chúng về sự tham gia xã hội—đó là, nhập hay xuất thế đúng thời cơ, và làm hết sức mình. Ngược lại, Côn—trẻ hơn Kim khoảng 10 tuổi—là một cán bộ cách mạng Cộng sản chuyên nghiệp [agitprop] có sự tháo vát của những người thông minh dưới phố. Côn giành đoạt uy quyền bằng một quyết tâm, và bằng mọi giá. Đề nghị cho Mỹ khai thác Cam Ranh năm 1946, hay lá thư Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai ngày 14/9/1958—chấp nhận tuyên cáo ngày 4/9/1958 về lãnh hải 12 dặm—chỉ là vài thí dụ về bản chất Côn. (88)

88. Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ, Kiện hay Không Kiện, 2015-2016, tập 3, tr 71, 99-102.

 

Về ý thức hệ, Trần Trọng Kim tin ở sự tiến hoá của xã hội: Sự thay đổi, bởi thế, cần tuần tự và dưới sự dìu giắt của những người tài đức hầu tránh sự sụp đổ đột ngột của trật tự xã hội và đạo lý. Ngược lại, bị xã hội hiện hữu chối bỏ, Nguyễn Sinh Côn chủ trương lật đổ toàn vẹn các biểu tượng và tàn dư của phong kiến và thực dân hầu xây dựng một xã hội và nhà nước “xã hội chủ nghĩa.” Ngoài đặc tính có khả năng thu phục lòng người, niềm tin vững mạnh vào chủ thuyết Marxist-Leninist đã được đơn giản hóa thành tinh thần Lương Sơn Bạc (giống như Mao Nhuận Chi tức Trạch Đông thuở thanh niên), một đảng tổ chức chặt chẽ và kỷ luật thép, một quân đội riêng, thân thế Côn và những liên hệ với hai đại siêu cường ở thời điểm chấm dứt Thế chiến thứ hai đã cho Côn thế ưu thắng trong cuộc chạy đua quyền lực vào tháng 8/1945.

Tuy nhiên, trong hai năm 1945-1946, giống như người tiền nhiệm, Côn đã bị ngoại cảnh chi phối sâu xa. Quyết định giải tán Đảng CSĐD (ngày 11/11/1945) cùng chính sách mềm dẻo với Trung Hoa và Pháp phản ảnh rõ ràng ảnh hưởng sâu đậm của chính trị thế giới trên Việt Nam ở giờ phút đất nước sắp bị quốc-tế-hoá. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi năm 1946 Côn đành tạm lùi một bước trên tiến trình Việt-Nam-hoá. Chẳng những bí mật thương thuyết với Pháp, Côn còn ký với Jean Sainteny Hiệp ước Sơ bộ ngày 6/3/1946—với những điều kiện mà ví thử người Pháp tôn trọng chúng, quân Pháp vẫn tiếp tục trú đóng tại “Việt Nam tự do” và chuyên gia Pháp vẫn nắm giữ các chức vụ tại xứ này, trong khi vấn đề thống nhất lãnh thổ và độc lập chỉ được mơ hồ giải quyết bằng điều khoản “trưng cầu dân ý.” (89)

89. Vũ Ngự Chiêu, “Social and Cultural Change,” 1984, chapt 12; Idem., “Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946;” Hợp Lưu (Fountain Valley, CA), số 88, 4-5/2006, tr. 95-148.

 

Vai trò lịch sử của chính phủ Kim quả quan trọng hơn người ta thường đánh giá. Sự thực, có thể giống như Võ Giáp viết, là trong tháng 8/1945, Việt Minh

đã nhổ những lá cờ quẻ ly vàng úa, một sản phẩm của thời kỳ Nhật thuộc ngắn ngủi, như bứt đi những chiếc lá sâu. (Giáp 1974:22).

 

Guồng máy chế độ Kim tự vữa nát, biến dạng, từ Hà Nội tới Huế và Sài Gòn. Vỏn vẹn trong vòng mười ngày ngắn ngủi, cả một giải giang sơn đổi chủ. Dẫu vậy, những thành quả của Kim chẳng phải “chìm nhanh vào sự lãng quên không để lại một dấu vết” (Ibid.) Ở phân tích cuối cùng, ít nữa cho tới chuyến đi Bắc Kinh và Mat-scơ-va năm 1950 bí mật cầu viện khối tân QTCS, Nguyễn Sinh Côn là người thụ hưởng chính, trong số những việc khác, sự thành tựu của Kim trong “giai đoạn cách mạng dân tộc tư sản,” bước đầu tiên của cuộc phiêu lưu vô định từ một hành tinh nửa phong kiến, nửa thực dân đã chết, tới một xã hội “công hữu nguyên thủy” chưa ai được tri nghiệm, và có thể chẳng bao giờ có khả năng chào đời.

 

Madison, Wisconsin, 6/10/1984
Houston, Texas, 4/8//2017
Vũ Ngự Chiêu, Ph.D., J.D.

 

Phụ Bản I:
XIN CÁO LỖI, VÌ SỐ TRANG QUÁ DÀI, NHỮNG PHỤ BẢN CỦA BÀI VIẾT NÀY SẼ GỞI ĐẾN QUÍ ĐỘC GIẢ KHI IN THÀNH SÁCH
(Tạp Chí Hợp Lưu)


 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Tư 20184:43 CH(Xem: 31401)
Buổi tối ngày 2/1/1946, tại một biệt thự ở Neuilly, ngoại ô Paris, Tướng Charles de Gaulle đã cảm khái nói với con rể tương lai như sau: "Nước Pháp thật thiếu may mắn!" [Vraiement, la France n'a pas de chance!]" (1) 1. L'Institut Charles de Gaulle, Le général de Gaulle et l'Indochine, 1940-1946 (Paris: Plon, 1982) pp 180, 182, 200. [Sẽ dẫn: De Gaulle et l’Indochine, 1982]. Lời than thở trên đã được thốt ra vì một món quà năm mới mà Thủ tướng Lâm Thời Đệ Tứ Cộng Hòa Pháp chẳng hề trông đợi: Tám ngày trước, 26/12/1945, một tai nạn phi cơ giữa lòng rừng già Phi Châu đã phá hỏng kế hoạch bí mật mà De Gaulle và giới thân cận trù liệu từ nhiều tháng—Tiểu đoàn trưởng (Thiếu tá) Vĩnh San, lá bài chính của kế hoạch trên, có mặt trong số hành khách xấu số của chiếc phi cơ lâm nạn. (2)
28 Tháng Tám 201712:46 SA(Xem: 36394)
Dưới thời Nhật chiếm đóng (1940-1945), tại các tỉnh miền Tây, một giáo phái đang thành hình và lực lượng ngày một mạnh. Từ sau năm 1947, giáo phái này thường được biết như Phật Giáo Hòa Hảo, hay ngắn gọn hơn, Hòa Hảo. Hòa Hảo thực ra chỉ là tên ngôi làng mà người khai đạo, Huỳnh Phú Sổ (1919-1947) đã mở mắt chào đời. Đại cương, Hòa Hảo dựa trên một số nguyên tắc và phương pháp tu luyện đại chúng của Phật giáo tại gia.
11 Tháng Bảy 201711:56 CH(Xem: 32345)
Vua thứ 13 và cuối cùng của nhà Nguyễn—Nguyễn Phước Điện (8/1/1926-25/8/1945)—được biết nhiều hơn với niên hiệu Bảo Đại. Chữ "Bảo" [ThCh 25] bên trái có chữ "Nhân," bên phải phía trên có chữ "khẩu," dưới có chữ "mộc," nghĩa là "giữ gìn, bảo vệ;" "Đại" [ThCh 121] là to lớn—"Bảo Đại," như thế, hàm ý "bảo vệ sự vĩ đại, to lớn [của cơ nghiệp nhà Nguyễn]." Mặc dù Nguyễn Phước Điện chỉ duy trì được vương quốc thêm gần 20 năm, và thực thể chính trị Quốc Gia Việt Nam [QGVN] hơn sáu năm nữa, các đối thủ từng sử dụng những thuật ngữ bất nhã—như "mannequin doré" [hình nhân giát vàng](1), hay bù nhìn [puppet, quisling, scarecrow, straw dummy](2)—nhưng vua là một trong những vua lý tưởng, nếu không phải duy nhất, chế độ Bảo hộ Pháp có thể đào tạo suốt hơn 60 năm chiếm đóng Đại Nam (1884-1945).
12 Tháng Tư 201711:55 CH(Xem: 36261)
Cuộc tranh đấu của Phật Giáo năm 1963 là một đề tài còn gây nhiều xúc động và tranh cãi. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có nghiên cứu sử đích thực nào về đề tài này. Một trong những lý do là thiếu sử liệu. Tài liệu văn khố chưa được hoàn toàn giải mật. Đa số tác giả đều đứng về phe này hay phe kia, xếp đặt và diễn giải các dữ kiện vốn bị giới hạn và thiếu sót theo sự yêu ghét hay khuynh hướng chính trị, tôn giáo của họ. Tác nhân lịch sử bị đặt lên những chiếc giường của tên tướng cướp, thừa chặt bớt, ngắn kéo dài ra cho vừa khuôn thước thành kiến tiên thiên của mình. Không ít người còn bịa đặt ra những chi tiết không thực để bẻ cong lịch sử.
26 Tháng Hai 201711:42 CH(Xem: 36332)
Ngày 23/4/1925, Toàn Quyền Merlin về nước. Maurice Monguillot, Thống sứ Bắc Kỳ (từ 27/2/1921 tới 5/7/1924), lại được XLTV Toàn Quyền [tới 18 /11/1925], dù tháng 7/1925, Tổng trưởng Thuộc Địa Léon Perrier đã cử Dân biểu Alexandre Varenne (1870-1947)—một lãnh tụ Xã Hội của Đệ Nhị Quốc Tế nổi danh—sang Đông Dương để thực hiện những đổi thay cần thiết giữa thời không mệnh danh là “tăng trưởng kinh tế.”
30 Tháng Giêng 20172:02 SA(Xem: 35952)
Nguyễn Phước Tuấn, vua thứ tư tắm gội thiên mệnh Đại Pháp—cũng vua thứ mười hai nhà Nguyễn—là nhân vật “bị bỏ quên” trong thời Nguyễn mạt. Hầu hết các tác giả chỉ vắn tắt nêu lên bốn đặc điểm của Nguyễn Phước Tuấn: hợp tác chân thành với Pháp, (1) thích dùng chữ Hán trong các Dụ hay diễn văn,(2) bị Phó Bảng Phan Chu Trinh công kích qua Thất điều thư ngày 15/7/1922,(3) và nghi án về phụ hệ với Thái tử Vĩnh Thụy, tức vua Nguyễn Phước Điện (8/1/1926-25/8/1945), thường chỉ được biết đến qua niên hiệu Bảo Đại.
12 Tháng Bảy 20161:04 SA(Xem: 49460)
Ngày 27/6/2014, Hội Luật sư Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam [CHXHCNVN] gửi thư ngỏ yêu cầu nhà nước phải khởi kiện tại Tòa án Quốc Tế những việc làm phi pháp, xâm lược của Nước Nhân Dân Cộng Hòa Trung Hoa [Zhonghua Renmin gongheguo, THNDCH] tại biển Đông Nam Á...(Trích: Nhục Hận Biển Đông Nam Á (2015), hiệu đính ngày 28/7/2016)
15 Tháng Mười Một 20152:36 SA(Xem: 47924)
Tác phẩm được chọn để mở đầu hoạt động của Nhà Xuất Bản Hợp Lưu là biên khảo mới nhất của Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu và Bà Hoàng Đỗ Vũ, về một đề tài sôi động dư luận suốt bốn thập niên qua, tức vấn đề “tranh chấp biển đảo” Đông Nam Á.
05 Tháng Mười Một 201511:57 CH(Xem: 41861)
Aviva Imhoff, nguyên giám đốc truyền thông Mạng Lưới Sông Quốc Tế / IRN, đưa ra nhận định: Trung Quốc đang hành xử một cách hết sức vô trách nhiệm. Chuỗi đập Vân Nam sẽ gây ra những tác hại vô lường nơi hạ lưu, gây rối loạn toàn hệ sinh thái con sông Mekong xa xuống tới Biển Hồ, nó như một chuông báo tử cho ngư nghiệp và nguồn cá vốn là thực phẩm của ngót 70 triệu cư dân sống ven sông.
16 Tháng Mười 201510:35 CH(Xem: 41126)
Như nhịp điệu ngàn năm của con sông Mekong, hệ sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long được cân bằng một cách tự nhiên với "mùa nước nổi" và "mùa nước giựt". Theo anh Dohamide Đỗ Hải Minh, một học giả gốc người Chăm, một cây bút quen thuộc của báo Bách Khoa trước 1975, sinh ra và lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc rất am tường về hệ sinh thái của Đồng Bằng Sông Cửu Long, thì trong bao thập niên qua, người dân Miền Tây đã quen sống với nạn ngập lụt hàng năm, hay còn gọi là mùa nước nổi, như là một hiện tượng thiên nhiên đến đều đặn theo chu kỳ. [2]