- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THÁI ĐỘ CỦA NGUYỄN CÔNG TRỨ ĐỐI VỚI VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN QUA CÁC SÁNG TÁC VĂN HỌC CỦA ÔNG

12 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 95254)

nguyencongtru_hl105

LTS: Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) là một trong những nhân vật thành danh dưới triều Nguyễn (1802-1945). Thuở thanh niên, đường khoa cử lận đận, mãi tới ngoài 40 tuổi mới đậu Cử nhân. Tuy nhiên, nhờ lập được nhiều chiến công dưới triều Minh Mạng (1820-1841) và Thiệu Trị (1841-1847), ông từng lên tới chức Tổng đốc, và giúp mở mang vùng Kim Sơn, Tiền Hải (Thái Bình), và phụ tá cho Trương Minh Giảng trong cuộc phản công cuối cùng của quân Nguyễn trên đất Kampuchea và Gia Định thành. Ông cũng để lại nhiều thơ phú, từng được dùng giảng dạy trong chương trình Việt văn Trung học ở miền Nam trước năm 1975.

TCHL xin giới thiệu một biên khảo mới của GS. Nguyễn Phạm Hùng tại Đại học Quốc gia Hà Nội về Nguyễn Công Trứ, dưới mắt nhìn mới, khác biệt với thành kiến bấy lâu.

 

Tạp Chí Hợp Lưu

 

 

Đọc các nghiên cứu về thơ văn Nguyễn Công Trứ, dễ dàng bắt gặp nhiều nhận định, đánh giá không khỏi khiến chúng ta phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc. Ví như một nhận xét sau đây khi cho rằng Nguyễn Công Trứ “ghê tởm cái xã hội phong kiến đầy gian dối, lọc lừa, đổi trắng thay đen; biết mình đi nhầm đường mà không tìm được lối thoát, đành tỏ ra bằng một thái độ khinh bạc ngạo mạn, thách thức công nhiên mọi thứ dư luận!”[ 1]. Phải chăng cái xã hội phong kiến triều Nguyễn lúc đó, trong thời kỳ được xem là “vàng son” nhất của nó, là một xã hội “đầy gian dối, lọc lừa, đổi trắng thay đen”? Phải chăng nhà Nho phong kiến Nguyễn Công Trứ “đi nhầm đường”? Mà nếu “đi đúng đường” thì ông sẽ đi đâu? Hay cho rằng: “Do quá trình tham gia hoạt động xã hội, Nguyễn Công Trứ nhận thức ra được triều đại ông tôn thờ không phải tốt đẹp như ông tưởng và những thiện chí của ông không phải dễ thực hiện.... Ông từ bỏ dần những đề tài có tính chất ngợi ca, khẳng định, để viết những đề tài có màu sắc tố cáo, đả kích xã hội...”[2]. Vậy cái triều đại tốt đẹp mà ông nhẽ ra tôn thờ là cái triều đại như thế nào nếu không phải là cái triều đại ông đã gắn bó với nó tới 40 năm? Vì sao ông lại có thể “nhầm lẫn” một cách “dai dẳng” như thế? “Và những thiện chí” nào “của ông không phải dễ thực hiện”? Hoặc cho rằng “đi đánh giặc, lên ở chùa, ông cũng mang ả đào đi theo.... Ông vui với ả đào cũng chính để cho các vị thiên tử nhà Nguyễn thấy rõ ông đã chán ghét chế độ của họ đối với kẻ sĩ như thế nào rồi...” “...Hay nhất và cũng làm cho triều đình nhà Nguyễn sợ ông nhiều nhất là các bài ông nói lên niềm chán chường và khinh ghét cái tâm địa phản phúc, xấu xa của chúng...”[ 3]... Nếu “vui với ả đào” là để thể hiện sự khinh ghét chế độ thì có lẽ triều Nguyễn không hẳn đã là một triều đại đáng ghét nhất (!!!).Càng dễ quy chụp bao nhiêu thì cũng càng khó chứng minh bấy nhiêu cho sự “chán ghét chế độ” của ông, hay sự “khinh ghét cái tâm địa xấu xa phản phúc” của triều Nguyễn. Có thể kể ra đây nhiều nhận định tương tự như thế về thái độ của Nguyễn Công Trứ đối với chế độ phong kiến triều Nguyễn trong các sách vở hiện nay như: “Ông vạch tội bọn triều Nguyễn từ vua đến đại thần đều hôn ám, hèn nhát không khác chi vua quan nước Sở xa xưa tận bên Trung Quốc”[4]. “Trước kia hăng hái nhiệt tình vì Nguyễn Công Trứ tưởng chính quyền đương thời là một chính quyền lý tưởng để mình tôn thờ. Bây giờ thực chất phản động của nó không che giấu được ai... Ông thấy triều đình thối nát, quan lại xấu xa...”[ 5]. “Thế nhưng bằng những hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ... ông đã nhằm thẳng vào triều đình nhà Nguyễn mà chỉ trích hàng ngũ quan lại bất tài, vô dụng và nhà vua dùng người mù quáng...”[ 6].v.v... Dường như đấy không phải là những phát ngôn của chính Nguyễn Công Trứ mà chỉ là những phát ngôn của chúng ta được gán cho Nguyễn Công Trứ. Chúng ta không phủ nhận những thất vọng nhất định của Nguyễn Công Trứ đối với xã hội đương thời, nhưng có lẽ chúng ta cũng rất cần được nghe đúng “tiếng nói” của ông, để hiểu đúng tình cảm, tâm trạng, thái độ của ông đối với triều Nguyễn, từ đó mới có thể nhìn nhận triều Nguyễn bớt khắc nghiệt hơn, nhất là phải trung thực và khách quan hơn.

Những nhận định trên rõ ràng khẳng định rằng thái độ của Nguyễn Công Trứ là hoàn toàn đối lập, là mang tính phủ định quyết liệt đối với chế độ phong kiến nói chung, đối với triều Nguyễn nói riêng. Phải chăng trong con mắt của Nguyễn Công Trứ, triều Nguyễn xấu xa, tráo trở và độc ác đến thế? Phải chăng chế độ phong kiến thời kỳ này đen tối đến thế, khiến ông phải quyết tâm rời bỏ nó, phải quay lưng lại với nó, phải phủ nhận nó? Phải chăng tất cả những biểu hiện bằng nghệ thuật cái thế giới quan và thái độ của Nguyễn Công Trứ đối với triều đình, từ thái độ phụng sự nhiệt thành chế độ, đến thái độ “lánh đời”, hay cả những thói kiêu ngông, ngất ngưởng lẫn thú hưởng lạc cùng những “thói trăng hoa” của ông đều xuất phát từ sự phản ứng lại những xấu xa của chế độ phong kiến và triều đình nhà Nguyễn?

Nếu nhìn vào thực tế lịch sử, nhìn vào chính cuộc đời của Nguyễn Công Trứ và nhìn vào thơ văn của ông, thì những điều nhận xét, đánh giá nói trên là hoàn toàn không chính xác. Hãy theo dõi một đoạn rất ngắn “niên biểu” Nguyễn Công Trứ, chúng ta có thể thấy rõ, Nguyễn Công Trứ chính là con đẻ, là sản phẩm của chế độ đó, của vương triều đó, và gắn bó máu thịt với nó. Sự thành công hay thất bại của cuộc đời ông đều gắn bó máu thịt với thời kỳ sung mãn nhất của vương triều Nguyễn, nếu tính từ khi ông thi đỗ Tú tài năm 1813, nhất là 40 năm kể từ năm 1819 ông đậu giải nguyên cho đến khi ông mất chính vào năm thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta 1858. Đúng là cuộc đời ông có “lên voi xuống chó”. Nhưng “lên voi” là chính: Năm 1819, đỗ giải nguyên, năm 1820 được bổ dụng chức hành tẩu ở Quốc sử quán; năm 1821 làm Sơ khảo trường Thừa Thiên, phúc khảo trường Sơn Nam; năm 1823 làm Tri huyện Đường hào (Hải Dương); năm 1824 thăng Lang trung bộ Lại, bổ Tư nghiệp quốc tử giám; năm 1827 thăng Thị lang bộ Hình; năm 1828 thăng Hữu tham tri bộ Hình; năm 1932 thăng Lang trung bộ Hộ; năm 1840 thăng Tả đô Ngự sử Viện Đô sát; năm 1843 thăng Tham tri bộ Binh; năm 1845 thăng Chủ sự bộ Hình; năm 1847 thăng Phủ doãn Thừa Thiên... Còn việc “xuống chó” của ông đâu phải chỉ là do chế độ phong kiến, do triều đình nhà Nguyễn xấu xa ghét bỏ người tài, mà chủ yếu là do sự tỵ hiềm, ganh ghét, hãm hại của người đời, do “thói đời” đen bạc, và một phần quan trọng là do chính ông gây nên. Thiết tưởng, đó cũng là một điều dễ hiểu đối với một con người có tài năng, khí chất và tính cách như Nguyễn Công Trứ, mà chưa chắc triều Nguyễn đã là một vương triều xử “nặng tay” nhất. “Niên biểu” Nguyễn Công Trứ cho chúng ta thấy rất rõ điều này: Năm 1831 ông bị buộc tội vượt quyền vì đề cử một viên đội trưởng làm huyện thừa huyện Tiền Hải; năm 1834 bị khiển trách vì hành quân chậm; năm 1836 ông bị giáng cấp vì để tù vượt ngục trốn mất; năm 1841 ông bị giam và giáng cấp vì không thi hành chỉ dụ của triều đình; năm 1843 ông bị cách chức do bị vụ cáo là cho thuyền đi buôn lậu; năm 1852 ông bị triều đình đòi về kinh xét hỏi vì bị vu cáo cầm đầu nhân dân hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải làm phản.... Việc “xuống chó” của Nguyễn Công Trứ chẳng những khó có thể dùng để kết tội triều Nguyễn mà có khi lại còn giúp cho chúng ta biết thêm được một số “ưu điểm” của triều Nguyễn như tính chất nghiêm minh và phân minh trong việc xét công định tội, có cả thái độ ít nhiều “thương người tiếc tài” khi cất nhắc cả những người có “vấn đề lý lịch” hay “tiền án, tiền sự” nhưng thực tài và thành tâm như Nguyễn Công Trứ... điều mà ngay cho đến hôm nay trong xã hội chúng ta vẫn không ít nhà cầm quyền cấn cái. Về mặt này, rõ ràng chẳng những khó phê phán, mà lại có khi còn phải khen ngợi triều Nguyễn. Nhìn vào con đường hoạn lộ của Nguyễn Công Trứ, thấy việc thưởng phạt của triều Nguyễn hoàn toàn không phải vì “nhà vua dùng người mù quáng”, “hôn ám, hèn nhát”, “tâm địa phản phúc, xấu xa”, mà trái lại, rất có căn cứ, có lý có tình, không cố chấp, khiến cho chính Nguyễn Công Trứ cũng phải “tâm phục, khẩu phục”, nên càng tận lực với triều đình. Vì vậy, ông không oán trách triều đình nhà Nguyễn mà chỉ oán trách những kẻ ghen ghét, vu oan giá hoạ cho ông.

Những điều nói trên chúng ta có thể dễ dàng thấy được bằng những chứng cớ lịch sử, bằng những xuy xét lý tính. Nhưng để thấy rõ hơn vấn đề này, chúng tôi muốn tìm hiểu thái độ thẩm mĩ của Nguyễn Công Trứ đối với chế độ phong kiến nói chung, đối với triều Nguyễn nói riêng, thông qua các sáng tác văn học của ông. Bởi vì, tác phẩm văn học bao giờ cũng là sự thể hiện sinh động và chân thực nhất các cung bậc tâm trạng, tình cảm của nhà văn đối với hiện thực cuộc sống. Nó giúp cho chúng ta có thể thấy được cái tình cảm chân thực của ông đối với triều Nguyễn, đối với chế độ phong kiến như thế nào.

Sự nghiệp văn học của Nguyễn Công Trứ chủ yếu diễn ra trong hai thời kỳ, thứ nhất là thời kỳ chưa đỗ đạt với giấc mộng công danh cháy bỏng, và thứ hai là thời kỳ làm quan dưới triều Nguyễn với rất nhiều thăng trầm, sướng khổ, được thể hiện ra bằng hai nguồn cảm hứng sáng tác chủ đạo sau:

 

1. Những khát vọng công danh, ý thức phụng sự triều đình vô điều kiện của chàng “bạch diện thư sinh”

Đọc thơ văn của Nguyễn Công Trứ làm trong thời kỳ “bạch diện thư sinh”, ta thấy, cảm hứng chính là sự tự tin vào khả năng và chí hướng của mình, là khao khát cháy bỏng được thi đỗ, được làm quan, được thoả chí “tang bồng hồ thỉ”, được phụng sự nhà vua và triều đình, được cống hiến tài năng, sức lực cho dân cho nước. Trong cảnh nghèo của nhà nho chưa thành đạt, ông vẫn rất ung dung, tự tin rồi một ngày kia sẽ thay đổi, và triều đình không phụ công ông. Trong bài Hàn nho phong vị phú, ông viết:

Cùng con cháu, thuở nói năng chuyện cũ, dường ngâm câu “lạc đạo vong bần”

Gặp anh em khi bàn bạc sự đời, lại đọc chữ “vi nhân bất phú”...

Tiếc tài cả phải phản ngưu bạn trúc, dầu xưa ông Phó ông Huề

Cần nghiệp nho khi tác bích tụ huynh, thuở trước chàng Khuông chàng Võ

Nơi thành hạ gieo cần câu cá, kìa kìa người quốc sĩ Hoài âm

Chốn lý trung xách thớt chia phần, nọ nọ đấng mưu thần Dương Võ...

Trong bài Vô cầu, ông tự an ủi mình phải vững tin vào tài năng của mình, phải lạc quan chờ đợi thành công:

Phận tài hoa đành có lúc vẻ vang

Đường khoa mục xa nhau đà mấy bước

Sóng Vũ lớp sau như lớp trước

Chí vẫy vùng ai có kém ai đâu

Thảnh thơi thơ túi rượu bầu

Trần ai ai biết công hầu là ai

Bao giờ rõ mặt mới hay

Cũng có lúc ông cảm thấy hoang mang, dao động, bởi những cố gắng chưa thành. Nhưng vượt lên trên tất cả, vẫn là một tinh thần lạc quan tin tưởng, một ý chí vươn lên không ngừng. Những lời thơ tự động viên của ông cho ta thấy cái quyết tâm rất cao, cái lòng tin rất lớn vào triều đình và nhà vua của người học trò nghèo này:

Đã từng tắm gội ơn mưa móc

Cũng phải xênh xang hội gió mây

Hãy quyết phen này xem thử đã

Song còn tuổi trẻ chịu đâu ngay

(Tự thuật II)

Đây là thời kỳ ông làm nhiều thơ về đề tài công danh, thi cử, ngầm bày tỏ chí nam nhi dù trong cảnh khốn cùng vẫn không nguôi khát vọng được đền ơn vua, trả nợ nước. Chữ công danh được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần, như một điệp khúc giúp giải toả ẩn ức đè nặng lòng ông. Nó khiến ông trở thành một nhà thơ nói nhiều nhất đến nợ công danh, đến chữ công danh trong văn học cổ Việt Nam. Vì thế, nói đến thơ ông, người ta thường nhắc đến những câu thơ hay nhất về nợ CÔNG DANH của người trí thức phong kiến:

Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông

Trong cuộc trần ai ai dễ biết

Rồi ra mới biết mặt anh hùng

(Đi thi tự vịnh)

Phải có danh mà đối với non sông

Đi không chẳng lẽ về không?

(Chí nam nhi)

Đã sinh ra ở trong phù thế

Nợ trần ai đành cũng tính xong

(Đường công danh)

Nợ trần hoàn quyết trả lúc này xong

Dồi dào thiên tứ vạn chung

Khanh hầu xa mã tướng công lâu dài

Trần ai ai dễ biết ai

(Nợ công danh)

Đó là những tâm sự thường trực trong lòng Nguyễn Công Trứ. Dường như ông không nghĩ gì nhiều ngoài việc phải làm sao thoả được nguyện ước công danh. Những bài thơ mang tâm sự khác, ví dụ như bài thơ Vịnh thế thái nhân tình được làm trong thời kỳ này, nhưng cũng chỉ như một nét buồn thoáng qua không che lấp được cái tinh thần phơi phới của chàng “bạch diện thư sinh” rất hăng hái trên đường sĩ hoạn:

Thế thái nhân tình gớm chết thay

Lạt nồng, trông chiếc túi vơi đầy

Hễ không đều lợi, khôn thành dại

Đã có đồng tiền, dở cũng hay

Khôn khéo, chẳng qua ba tấc lưỡi

Hẳn hoi, không hết một bàn tay

Suy ra cho kỹ chi hơn nữa

Bạc quá vôi mà mỏng quá mây

Đúng là một nét buồn chán, nhưng của một Nguyễn Công Trứ tràn trề nhiệt huyết trên đường lập công danh. Đó cũng là điều dễ hiểu. Cái thói đời ấy, cái nhân tình thế thái ấy đâu chỉ là điều thường thấy dưới chế độ phong kiến, dưới triều Nguyễn. Có điều, đó không phải là sự quan tâm chính của chàng trai Nguyễn Công Trứ. Và nó cũng chưa có tác động gì đáng kể tới một con người “tay trắng” như ông.

 

2. Những thăng trầm trong “hoạn hải ba đào” và một lòng trung quân không hề thay đổi

Những tác phẩm làm trong thời kỳ Nguyễn Công Trứ đỗ đạt, làm quan được xem là bộ phận mang nhiều ý nghĩa nhất trong sáng tác của ông. Nhìn diễn tiến của dòng tâm trạng trữ tình trong thơ ông thời kỳ này, chúng ta thấy có một tinh thần QUYẾT TÂM rất cao:

Sắp hai chữ quân thân mà gánh vác

Không công danh thời nát với cỏ cây

Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây

Phải hăm hở ra tài kinh tế

(Gánh trung hiếu)

Trót đem thân thế hẹn tang bồng

Xếp bút nghiên theo nghiệp kiếm cung

Hết hai chữ trung trinh báo quốc...

(Nợ nam nhi)

Chúng ta cũng thấy có một tâm trạng THOẢ MÃN tột độ:

Miền hương đảng đã khen là hiếu đễ

Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường

Khí hạo nhiên chí đại chí cương

So chính khí đã đầy trong trời đất

(Luận kẻ sĩ)

Thậm chí chúng ta thấy có cả sự TỰ MÃN không hề giấu giếm:

Đường mây rộng thênh thênh cử bộ

Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo

Thảnh thơi thi thập rượu bầu.

(Chí khí anh hùng)

Nhưng như một quy luật, một tất yếu, con đường hoạn lộ đầy rẫy chông gai không phải lúc nào cũng chiều chuộng bất kỳ kẻ sĩ nào, đâu chỉ riêng ông. Và dần dần chúng ta bắt đầu thấy ngày một lộ rõ thái độ BẤT MÃN, chán nản trong thơ ông:

Ra trường danh lợi vinh liền nhục

Vào cuộc trần ai khóc lộn cười

(Tình cảnh làm quan)

Cũng giống như nhiều Nho sĩ trí thức nổi tiếng trước đây và đương thời về lẽ “xuất xử”, khi bất lực trước thế cuộc thường theo phương châm sống “độc thiện kì thân”, “nhàn ẩn”, thơ ông càng về sau càng hướng về chữ NHÀN cố hữu như bao người rơi vào hoàn cảnh thất cơ lỡ vận. Đó là một điều dường như là tất yếu đã từng xảy ra cũng đâu chỉ với riêng ông:

Chen chúc lợi danh đà chán ngắt

Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao

Đám phồn hoa trót bước chân vào

Sực nghĩ lại giật mình bao kể xiết

(Thoát vòng danh lợi)

Nhưng nguyên nhân của tâm trạng, của thái độ, của tình cảm đó hoàn toàn không phải là vì Nguyễn Công Trứ “ghê tởm cái xã hội phong kiến đầy gian dối, lọc lừa, đổi trắng thay đen; biết mình đi nhầm đường mà không tìm được lối thoát”, hay do “Nguyễn Công Trứ nhận thức ra được triều đại ông tôn thờ không phải tốt đẹp như ông tưởng”, do “ông đã chán ghét chế độ của họ đối với kẻ sĩ...”, “...ông nói lên niềm chán chường và khinh ghét cái tâm địa phản phúc, xấu xa của chúng...”.... như đã nói ở trên.

Cũng giống như Nguyễn Trãi xưa kia:

Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết

Bui một lòng người cực hiểm thay

(Quốc âm thi tập, bài 26)

Cũng giống như Nguyễn Bỉnh Khiêm khi xưa:

Thế gian biến cải vũng nên doi

Mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi...

(Bạch Vân quốc ngữ thi tập, bài 71)

Nguyễn Công Trứ cũng nói tới một “thói đời” có sức mạnh tàn huỷ con người của mọi thời đại một cách ghê gớm. Ông nói tới cái “sự đời”, “thói đời”, “nhân tình thế thái” đổi trắng thay đen của lòng người, chứ không phải của chế độ phong kiến, của vua chúa nhà Nguyễn đối với ông:

Ăn ở sao cho trải sự đời

Vừa lòng cũng khó, há rằng chơi

(Cách ở đời)

Những nghĩ xa gần khéo gớm thay

Sự đời tráo trở giống bàn tay

(Vịnh sự đời)

Chẳng ưa, thoắt chốc ra hờn mát

Không luỵ, càng nhiều tiếng nói xăm...

(Trách đời)

Những điều tráo trở đã xem từng

Song rút dây kia sợ động rừng

Người thế, những tuồng trông trước mắt

Ở đời, mấy kẻ ngắm sau lưng...

(Trách người đời)

Quản bao miệng thế lời khôn dại

Dại trước khôn thời để lại sau

(Cảnh ở đời)

Vì chữ “thời” nên phải chịu luồn

Những xem nông nỗi khéo mà buồn

(Thói đời)

Gớm chết nhân tình thế thái

Lạt nồng coi chiếc túi đầy vơi

(Nhân tình thế thái)

Ông chẳng những ghê sợ, mà còn căm ghét những “thế tình” ấy đến mức phải chửi đổng, phải văng tục, thì ta biết lòng ông đau đớn, tức tối đến mức nào:

Đéo mẹ nhân tình đã biết rồi

Lạt như nước ốc, bạc như vôi

(Thế tình bạc bẽo)

Đấy quyết không thể là lời chửi rủa chế độ và triều đình. Những dòng tâm trạng trữ tình này chỉ có thể dẫn chúng ta liên hệ tới những “sự cố” trong cuộc đời làm quan của ông, nhất là đến những chuyện “thị phi”, chuyện ông bị “vu oan giá hoạ”, bị dèm pha, ghen ghét để đến nỗi phải chịu bao cảnh “lên voi xuống chó”. Cái tình cảnh đau thương mà ông phải gánh chịu phần lớn là do thói đời bạc bẽo, do nhân tình thế thái đen bạc, nhưng một phần là do chính những cái “tật” của kẻ lắm “tài” như ông, do thói ngông nghênh kiêu bạc của ông.

Nguyễn Công Trứ nổi tiếng là người tự mãn, kiêu ngông, ngất ngưởng... Nhưng ông là một trong những người khao khát làm quan nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam. Cuối cùng chỉ vì tuổi già sức yếu chứ không hẳn là vì ông không thắng nổi cái “thói đời” của chốn quan trường ông mới chịu lui về sau gần 30 năm “hoạn hải ba đào”. Một sự kiên trì gắn bó hiếm có như thế không thể có cách giải thích nào khác hơn ngoài sự trung thành tuyệt đối với triều đình nhà Nguyễn, với chế độ phong kiến. Cuối cùng, dù rất muộn, ông cũng “thoát vòng danh lợi”. Nhưng ngay cả khi đã “cáo lão hồi hưu”, lòng trung thành với triều đình của ông không hề thuyên giảm, dù một vài giai thoại mang “tính nhân dân” thêu dệt ông như một kẻ bất mãn với triều đình, cũng không xoá bỏ được sự thật ấy. Chứng cớ là khi thực dân Pháp xâm lược nước ta năm 1858, khi ông đã 80 tuổi, “các quan trong triều dâng sớ xin cử ông ra cầm quân chống cự. Ông trả lời: “Dù tôi như cái màn, cái lọng rách cũng không dám từ nan. Còn hơi thở nào xin lên đường ngay”[7]. Tiếc rằng chưa kịp thực hiện chí anh hùng ấy, ông đã vội ra đi vào cuối năm này. Một sự trung thành, tận lực hiếm có như thế không thể có cách giải thích nào khác hơn ngoài sự gắn bó máu thịt của ông với triều đình nhà Nguyễn, với chế độ phong kiến. Nếu không vì tuổi già sức yếu, chứ không hẳn vì những “thói đời” dù rất đáng căm ghét mà ông cũng đã nhiều lần vượt qua ấy, chưa biết chừng ông còn phụng sự triều Nguyễn bao nhiêu năm nữa?

Chúng ta thấy có lúc ông hô hào hưởng lạc, phó mặc trời đất. Có lúc ông mang tư tưởng hư vô... Nhưng không thể nói cuộc đời ông là thất bại. Dù đã trải đủ ngọt bùi cay đắng của “hoạn hải ba đào”, nhưng ta thấy, cả cuộc đời ông, suốt trên 40 năm gắn bó với nợ công danh, là một cuộc đời sôi nổi hiếm thấy, một cuộc đời thành công hiếm thấy của người trí thức xuất thân bình dân và nghèo khó dưới chế độ phong kiến. Hầu như ông đã được thi thố hết các tài năng của mình. Hầu như ông đã được sống hết mình và theo ý mình một cách tối đa trong những điều kiện cho phép. Hiếm có người trí thức bình dân nào được thoả mãn bằng ông trong cả nghìn năm phong kiến.

Vì thế mà khó có thể nói rằng ông là người mang tư tưởng phủ nhận chế độ phong kiến, phủ nhận triều Nguyễn. Bằng cả cuộc đời mình, ông đã tận lực với triều đình. Dù có thể có khi nào đó ông bất lực trong hành đạo, nhưng nhìn chung lý tưởng của ông đã được thực hiện. Nhà thơ sống cùng thời với ông là Phạm Văn Nghị (1805 – 1880) từng ca ngợi Nguyễn Công Trứ, cũng là ngầm ca tụng cái sự “gặp thời” đó của ông:

Đỏ xanh dấu cũ, mũ lọng triều xưa,

Bút cự nho xông thẳng trường văn, ba nghìn sĩ tử chịu co tay, tên đỏ chói đứng đầu bảng hổ;

Cớ đại tướng trổ ngang ngọn giáo, trăm vạn hùng cừ đều khiếp tiếng, bể trong veo lặng ngắt tăm kình.

Phá toang bãi cỏ lập làng dân, chẳng quản chân tay bùn lấm;

Tát sạch đồng chua làm ruộng tốt, khác nào trời đất chuyển vần.

Hoàn danh hoàn phúc gồm hai, công đức rỡ ràng bốn cõi,

Danh tướng danh thần làm một, linh thanh sực nức nghìn thu[10]

Có thể còn nhiều điều Nguyễn Công Trứ chưa làm được. Có thể còn những hoài bão của Nguyễn Công Trứ chưa thành hiện thực. Nhưng về cơ bản, ông đã thoả mãn khát vọng của mình. Cuộc đời ông, sự nghiệp ông có thể được xem là viên mãn. Vì thế mà ta thấy thơ văn ông về cuối đời nghe có vẻ ngông nghênh bất cần đời, nhưng âm điệu lại hết sức du dương, trong trẻo, đầy bỡn cợt và tự tin của tâm hồn một con người thoả mãn và luôn làm chủ được hoàn cảnh. Một người viết câu đối tự tổng kết cuộc đời mình với giọng trào tiếu như sau thì chỉ có thể là một người rất thoả mãn mà thôi:

Cũng may thay, công đăng hoả có là bao, theo đòi nhờ phận lại nhờ duyên, quan trong năm bảy thứ, quan ngoài tám chín phen, nào cờ nào quạt, nào mão nào đai, nào hèo hoa gươm bạc, nào võng tía dù xanh, mặt tài tình trong hội kiếm cung, khắp trời nam bể bắc cũng tung hoành, mùi thế trải qua ngần ấy đủ.

Thôi quyết hẳn, cuộc phong trần chi nữa tá, ngất ngưởng chẳng tiên mà chẳng tục, hầu gái một vài cô, hầu trai dăm bảy cậu, này cờ này kiệu, này rượu này thơ, này đàn ngọt hát hay, này chè chuyên chén mẫu, tay thao lược ngoài vòng cương toả, lấy gió mát trăng trong làm tri thức, tuổi trời ít nữa ấy là hơn.

Một người đã vượt lên trên mọi thói thường, mọi sự đàm tiếu, mọi dư luận, tự nhận mình là “ông ngất ngưởng” như Nguyễn Công Trứ, quyết không thể là người hận triều đình hay cay cú với chế độ:

Được mất đương dương người tái thượng

Khen chê phới phới ngọn đông phong

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng

Không Phật, không Tiên, không vướng tục...

Với ông, trước sau ông hết lòng phụng sự chế độ phong kiến, phụng sự triều đình nhà Nguyễn. Đó là niềm vui, là lẽ sống, là lý tưởng của ông. Và chỉ với triều Nguyễn, ông mới thực là ông, một kẻ được thoả chí “tang bồng, hồ thỉ”. Thử hỏi trong thời đại nào mà một người trí thức bình dân, nghèo khó, dù đỗ đạt rất muộn vẫn có thể “hoàn danh hoàn phúc gồm hai”, “danh tướng danh thần làm một” được như ông, mà vẫn kiêu ngông ngất ngưởng bậc nhất trên đời? Chỉ với triều Nguyễn, ông mới có được những thành công như ông mong muốn. Và chỉ có triều Nguyễn mới có thể dung nạp được một con người như ông. Không trọng tài năng của ông, sao triều Nguyễn có thể “chiều chuộng” ông như thế, sao có thể cho một kẻ đã từng bao lần “xuống chó” lại có được lắm cơ hội “lên voi” như ông, sao có thể khiến ông, một người rất mực ngông nghênh kiêu bạc, mà lại vẫn rất mực chung thuỷ với nhà vua, với triều đình, như chính ông hằng tự nhủ trong một bài ca được xem là hay nhất của ông:

Nghĩa vua tôi cho trọn đạo sơ chung (Bài ca ngất ngưởng)[9]

Qua cuộc đời Nguyễn Công Trứ, đặc biệt qua tâm trạng trữ tình trong thơ văn Nguyễn Công Trứ, chúng ta có thể thấy thái độ thẩm mĩ của ông đối với vương triều Nguyễn không phải là một thái độ phủ nhận cực đoan như lâu nay nhiều người nhầm tưởng, lại càng không thể là sự “chán ghét chế độ”, sự “khinh ghét cái tâm địa xấu xa phản phúc” của vua chúa triều Nguyễn, mà trái lại, hết mực gắn bó, tận tuỵ, trân trọng, trung thành. Thái độ thẩm mĩ của Nguyễn Công Trứ đối với vương triều Nguyễn thiên về khẳng định chứ không phải phủ định. Hiểu đúng tâm trạng của một người trong cuộc như Nguyễn Công Trứ, chúng ta chẳng những hiểu đúng thơ văn của ông hơn, mà còn có thể hiểu đúng triều Nguyễn hơn, để có một thái độ đánh giá khách quan hơn, bớt áp đặt hơn đối với triều Nguyễn. Với những gì Nguyễn Công Trứ thể hiện, triều Nguyễn chẳng những không chỉ toàn những xấu xa, đen tối, mà còn có nhiều mặt tích cực rất đáng được nhìn nhận, được nghiên cứu nghiêm túc, như ở cách dùng người, kể cả đối với những người “lắm tài nhiều tật” như Nguyễn Công Trứ mà không phải ở thời nào cũng được trọng dụng như thế, cũng được thoả mãn chí hướng, khát vọng, lý tưởng của mình như thế.

Nguyễn Phạm Hùng

Đại học Quốc gia Hà Nội

Chú thích

 

[1] Trương Chính: Lời giới thiệu. Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nxb Văn học, H. 1983, tr. 39.

[2] Nguyễn Lộc: Mục từ Nguyễn Công Trứ, trong Từ điển văn học, T. II, Nxb Khoa học xã hội, H. 1984, tr. 53.

[3] Ngô Linh Ngọc, Ngô Văn Phú: Lời giới thiệu. Tuyển tập thơ ca trù. Nxb Văn học, H. 1987.

[4] Đặng Thanh Lê (Chủ biên): Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX. Nxb Giáo dục, H. 1990, tr. 226.

[5] Nguyễn Lộc: Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX. , Nxb Đại học & Trung học chuyên nghiệp, H. 1978, tr. 330.

[6] Nguyễn Đăng Na (Chủ biên) Văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, H. 2007, tr. 243. (Những in nghiêng trong các trích dẫn trên đây là của người viết bài này. Chúng tôi nhắc tới các ý kiến trên trong bài viết không nhằm phê phán mà chỉ là cơ sở cho việc nhận thức lại thái độ thẩm mĩ của Nguyễn Công Trứ trên tinh thần cảm thông, chia sẻ khi nhìn nhận lại vấn đề theo quan điểm lịch sử cụ thể).

[7] Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Trương Chính tuyển chọn, giới thiệu, Nxb Văn học, H. 1983, tr. 160.

[8] Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Sđd, tr. 185.

[9] Các trích dẫn thơ văn lấy từ Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Sđd .

 

 

 

 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tư 20244:07 CH(Xem: 8463)
On the evening of December 21, 1946, the Bach Mai radio resumed its operations somewhere in the province of Ha Dong after a day of silence. One of its broadcasts was Ho Chi Minh’s appeal to the Viets for a war of resistance. He reportedly said: The gang of French colonialists is aiming to reconquer our country. The hour is grave. Let us stand up and unify ourselves, regardless of ideologies, ethnicities [or] religions. You should fight by all means at your disposal. You have to fight with your guns, your pickaxes, your shovels [or] your sticks. You have to save the independence and territorial integrity of our country. The final victory will be ours. Long live independent and indivisible Viet Nam. Long live democracy.
02 Tháng Mười Một 20244:14 CH(Xem: 2003)
Thử đặt giả thuyết: Nếu người Pháp bị một thế lực ngoại bang bắt buộc phải viết lại chữ Pháp bằng một ngữ tự khác, không phải ngữ tự La tinh (ngữ tự Ả Rập chẳng hạn), và thứ chữ Pháp mới này, sẽ là chữ quốc ngữ Pháp, do người ngoại quốc sáng chế ra mà không cần tới sự hướng dẫn của một người Pháp nào. Người ngoại quốc này có thể là ông Nguyễn Văn Mỗ, tương tự như ông Alexandre de Rhodes, chẳng hạn. Thì người Pháp sẽ nghĩ sao? Họ có tin được việc này không? Tôi không nghĩ có người Pháp nào chấp nhận việc một người Việt đến Pháp ở vài năm, có thể sáng chế ra chữ mới cho người Pháp viết, làm tự điển cho người Pháp học, mà không cần sự giúp đỡ, của một người (Pháp) bản xứ nào.
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 11205)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 14280)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 14214)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 14984)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
20 Tháng Năm 20228:49 CH(Xem: 16611)
Thứ Tư, 18/5/2022: Ngày 84 Thật khó ngỡ cuộc xâm lược Ukraina của tập đoàn thực dân mới Vladimir V Putin đã bước sang ngày thứ 84. Mười hai tuần chiến tranh trên truyền hình, báo chí online, cùng các video social media với đại đa số nhân loại, nhưng là 84 ngày, 84 đêm máu, nước mắt, đổ nát, chết chóc, đau khổ, đói ăn, thiếu nước, không đèn điện, không gas sưởi của hơn chục triệu dân Ukraina đã và đang bồng bế, giắt dìu nhau rời nhà cửa, xóm làng nổi trôi trốn trảnh tiếng tru rít của pháo, bom, hỏa tiễn, phi cơ đủ loại, đủ kiểu. Và, cho tới tối ngày thứ 84 này, viễn ảnh kết thúc chiến tranh vẫn xa vởi. 959 chiến binh Lữ đoàn 36 TQLC Ukraina tại Azovstal, Mariupol, đã buông súng đầu hàng, rời bỏ địa ngục trần gian sau 82 ngày kháng Nga. Nhưng chết chóc, đổ nát, khổ đau chỉ có dấu hiệu gia tăng.
01 Tháng Mười Một 202110:17 CH(Xem: 21407)
CUỘC CÁCH MẠNG 1/11/1963 / Vũ Ngự Chiêu / Trích: Ngô Đình Nhu, Chết Khó Nhắm Mắt
01 Tháng Chín 202110:30 CH(Xem: 19699)
Đầu năm 1950, Nguyễn Sinh Côn, tức “Đồng chí Đinh,” “đi bộ 17 ngày” từ Tuyên Quang tới Thủy Khẩu, vượt biên giới qua Long Châu (Quảng Tây). Rồi được Lưu Thiếu Kỳ [Liu Shao-qi] đón lên Bắc Kinh.[1] Trước thập niên 1990, rất ít người biết chuyến “khất thực” bí mật này. Nguồn tư liệu chúng tôi sử dụng gồm tư liệu văn khố Mỹ, Pháp, Việt thu thập hơn 40 năm qua, kể cả chuyến tham khảo Việt Nam năm 2004-2005. Hai tài liệu văn khố Pháp quan trọng là nghiên cứu “Đảng Cộng Sản Trung Hoa tại Bắc Đông Dương” [Le Parti communiste chinois en Indochine du Nord]” của Nha Thanh Tra Chính Trị Đông Dương, và “Trung Cộng và Việt Minh, từ tháng 9/1945 tới tháng 9/1948 [Les Communistes chinois et le Viet Minh (du Septembre 1945 à Septembre 1948)]” do Charles Bonfils soạn thảo.[2]
31 Tháng Tám 202112:22 SA(Xem: 19404)
Trong đời hoạt động của Nguyễn Sinh Côn [Hồ Chí Minh]—ngoại trừ chuyến “đi biển” năm 1911, do tự nguyện—mỗi cuộc xuất ngoại đều có sứ mạng riêng. Chuyến đi Nga cuối tháng 6/1923 từ Paris—do Đệ Tam Quốc Tế “Cộng Sản” [ĐTQT, Comintern] dàn xếp—là chuyến cầu viện thứ nhất. Nó mở ra cho Côn giai đoạn hoạt động suốt 22 năm kế tiếp như một cán bộ ĐTQT chuyên nghiệp [apparatchiki, và agitprop=political agitation and propaganda]. Chuyến đi bộ 11 ngày lên Côn Minh [Kunming], Vân Nam [Yunnan] vào cuối năm 1944 cầu viện Mỹ—qua đường giây Tướng Claire Chennault, chỉ huy trưởng phi đoàn Cọp Bay [Flying Tigers], và Sở Tình Báo Chiến Lược [Office of Strategic Services], tiền thân Cơ Quan Tình Báo Trung Ương [Central Intelligence Agency], mở ra cho Côn cơ hội bằng vàng chiếm chính quyền trong vòng tám ngày ngắn ngủi từ 17 tới 25/8/1945 như một “đồng minh tự phong”của Mỹ, rồi tuyên bố độc lập với Pháp chiều 2/9/1945 ở vườn hoa Ba Đình.