- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Lynh Bacardi, Tình Mẹ Và Ý Thức Tự Do

12 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 9303)

Lynh Bacardi, người mẹ trẻ thơ

Ở tuổi 22, Lynh Bacardi đã khắc tạo mô hình độc đáo người mẹ trẻ thơ (mère-enfant) vừa mẹ vừa con: con và mẹ cuộn trong nhau thành một, một thể xác, một linh hồn. Mẹ hồn nhiên như con, mẹ cùng tuổi với con, ngây thơ như con và thèm sữa như con. Người mẹ chưa kịp lớn mà đã có con, đã phải cưu mang cả tuổi thơ của mình lẫn tấm thân bé bỏng của con mình. Người mẹ sổ sữa và bụ sữa:

mẹ sổ sữa trên ngọn tóc trẻ thơ

tìm về kẻ sọc carô buồn trên rèm cửa

kẻ đệm tây ban cầm đánh thức câu ca dao muộn

thổn thức mùi tã lót trong con

con trẻ

mẹ vẽ bài thơ trên thân bé bỏng

co giãn nụ cười theo vòng size con

từng ngón tý hon hồn nhiên nhìn mẹ vẫy

hình ảnh lưu giữ theo tháng năm

chủ nhật Sài Gòn thức trắng

nơi Đức Bà viên gạch lấm tấm chân chim

những dấu chân xinh xắn

thèm chui rúc trong con

thả mình với tiếng cười ròn rã

từng gã trai tám tháng tuổi dậy thì

bơi vào ký ức kèm tiếng sủa

cái vẫy đuôi cho người khách lỡ đường

mẹ thèm tách sữa nóng chảy từ bầu vú

trên những mụn sữa con

tiếng khóc khởi đầu sự sống nhoà trong máu...

(trích Lời cho bé yêu trong tập Dự báo phi thời tiết)

Lời thơ là lời hát ru, lời ca dao buồn, nhưng không du dương, trầm bổng như những lời ru cũ. Âm vang ru con ở đây hoàn toàn khác: ru bằng một điệu nhạc mới, một nhịp ca dao không vần, cách ngắt câu, ngắt dấu, đặc biệt, dài ngắn không giống nhau; âm thanh chìm nổi, những hình ảnh oan trái và hồn nhiên dồn dập vẽ nên chủ đề chính: người mẹ chơi với con bên cửa sổ (như thiếu phụ Nam Xương ngày trước bên bóng đèn); nhưng trong không gian Lynh Bacardi, khí quyển Sàigòn, có tiếng tây ban cầm, trong một thời mới, với những âu yếm mới, những lời lẽ mới, những hạnh phúc và đớn đau mới.

Hoạt cảnh trong sáng này, gồm những hình ảnh bất ngờ cắt ra từ hiện thực và từ tâm thức người mẹ, xếp chồng chéo lên nhau: mẹ sổ sữa trên ngọn tóc trẻ thơ / mẹ vẽ bài thơ trên thân bé bỏng... những dấu chân xinh xắn thèm chui rúc trong con... chính những câu chênh vênh, những chữ xao lắc ấy đã làm cho con thành mẹ, mẹ thành con.

Chúng ta thử đọc lại một lần nữa những lời thơ buồn thật buồn ấy nhé: "mẹ sổ sữa trên ngọn tóc trẻ thơ/ tìm về kẻ sọc carô buồn trên rèm cửa/ kẻ đệm tây ban cầm đánh thức câu ca dao muộn/ thổn thức mùi tã lót trong con/ con trẻ/mẹ vẽ bài thơ trên thân bé bỏng/ co giãn nụ cười theo vòng size con/ từng ngón tý hon hồn nhiên nhìn mẹ vẫy ....

những dấu chân xinh xắn thèm chui rúc trong con/ thả mình với tiếng cười ròn rã/ từng gã trai tám tháng tuổi dậy thì/ bơi vào ký ức kèm tiếng sủa/cái vẫy đuôi cho người khách lỡ đường/ mẹ thèm tách sữa nóng chảy từ bầu vú/ trên những mụn sữa con/ tiếng khóc khởi đầu sự sống nhoà trong máu...

Những lý thuyết về cấu trúc nghệ thuật, những lập thể, siêu thực ở đây trở thành vô bổ, bằng thừa, bởi Lynh chẳng quan tâm gì đến những điều rắm rối đó. Lynh làm thơ -vì cách đây 3 năm, được đọc tuyển tập 26 nhà thơ đương đại, thấy hay, thấy quyến rũ, Lynh theo họ mà làm thơ- làm thơ như chơi, mươi mười lăm phút một bài! Nhưng thơ Lynh lại có những câu thật hay, trội hơn thơ của các bậc đàn anh đàn chị. Chừng như thơ Lynh trữ sẵn trong vô thức, khi cần cứ việc nhặt ra. Bài Lời cho bé yêu là như thế: Những hình ảnh của tuổi thơ lưu trong vô thức người mẹ, khiến nàng sống hai thực tại một lúc: vừa mẹ, vừa con. Nàng trùng hợp với con, con là nàng thủa trước, nàng là con bây giờ.

Freud cho rằng ngay từ hai, ba tuổi đứa bé đã có ký ức, nhưng không phải hình ảnh nào nó cũng giữ được, có những hình ảnh đứa bé quên đi, nhưng không có nghiã là quên hẳn, mà thật ra chúng đã bị dồn vào một chỗ, vào ngăn trong cùng của tâm thần, mà Freud gọi là vô thức và khi có một động lực mạnh thúc đẩy, những hình ảnh ấy sẽ sống lại trong mơ, rồi từ mơ nhập vào sáng tạo: có lẽ Lynh Bacardi là một trường hợp sáng tạo hoàn toàn bằng vô thức như thế.

Hai mẹ-con trong thơ Lynh luôn luôn mập mờ, chập chùng, giao thoa như trong mộng: mẹ là con, con là mẹ. Những gì Lynh đã sống trong thời thơ ấu, trở lại trong đầu, hoà hợp với một phần quá khứ gần của chính Lynh, cho nên những tình cảm ấy, những chua xót đau thương ấy, không một người nào khác, ngoài Lynh, có thể cảm nhận và viết được như thế.

Trong tập Dự báo phi thời tiết, năm người làm thơ, chỉ Lynh mới là nhà thơ đích thực. Và thơ Lynh rất nhiều khi trội hơn những bậc đàn anh đàn chị trong 26 nhà thơ đương đại, bởi chữ của Lynh toát ra từ xương từ tủy, những chữ không màu mè, làm dáng, không dàn xếp, kiểu cọ. Những chữ cắt từ máu, từ tim, những chữ thật sự là chữ.

"con sâu nắng chảy trên kẽ lá

mẹ chạy tìm hoàng hôn trên mặt cát bặt âm

tiếng con nhảy trong cơn mê cuồng nhầy nhụa

tìm đâu mẹ ơi

dòng suối hát trong buổi chiều đầu trọc

con búp bê mở mắt tìm đường

ánh mắt hát những lời ru vỡ vụn

cuồng hoang

cuồng hoang

ngày tháng là đồi mồi ngủ vùi trên đôi tay vá víu

mẹ níu tên con miếng nước bọt cuối cùng

những mảnh chai lòng chân rã rời tình mẹ

và con

(...)

thả đi mẹ để con vào bấn loạn

để bình minh nhuộm đỏ trí khôn con

thả đi mẹ thả con vào mưa lũ

(...)

thả đi mẹ... thả đi mẹ

(Trích Búp bê chột mắt, trong tập Dự báo phi thời tiết)

Vẫn những hình ảnh tới tấp tuôn ra, trong giây phút bao nhiêu dồn nén đều bật ra hết, thành những âm thanh đẹp và đớn đau vô cùng: "mẹ chạy tìm hoàng hôn trên mặt cát bặt âm / tiếng con nhảy trong mê cuồng nhày nhụa / dòng suối hát trong buổi chiều đầu trọc/ ánh mắt hát những lời ru vỡ vụn / cuồng hoang/ cuồng hoang". Những ngữ cung ấy xoáy vào tim ta, đặc biệt các mô thức Mặt cát bặt âm/ mẹ níu tên con miếng nước bọt cuối cùng/ những mảnh chai lòng chân rã rời tình mẹ / ánh mắt hát những lời ru vỡ vụn/ tiếng khóc khởi đầu sự sống nhoà trong trong máu... là những mô thức ngôn ngữ từng trải, vật vã, đắng cay, khó có thể tìm thấy ở tuổi hai mươi. Người ta thường nói: nhà thơ sống trăm tuổi trong một, Lynh sống từ bao giờ? Từ trước khi sinh? Để có thể nghe được tiếng cát đã bặt âm, để ru những lời ru vỡ vụn, để sống những kinh nghiệm: miếng nước bọt cuối cùng, những mảnh chai lòng chân, tiếng khóc khởi đầu sự sống nhoà trong máu? Đã lâu lắm trong thơ Việt mới lại thấy xuất hiện những mô thức đớn đau như thế, kể từ những lệ đá xanh, tim rũ rượi... của Thanh Tâm Tuyền.

 

Lynh Bacardi, thân phận vỉa hè

Bên cạnh Lynh người mẹ trẻ thơ là Lynh của những thân phận lạc loài.

Ở tuổi 22, Lynh Bacardi đã khắc tạc chân dung con người vỉa hè từ khi còn trong bụng mẹ, đến lúc chào đời, lớn lên, sống, sống lầm than, sống tàn mạt, mà những nhà thơ được gọi hay tự gọi là vỉa hè chính hiệu cũng không mấy khi đạt được.

Một bài thơ, thoạt đọc, rất ít chất thơ vậy mà vẫn làm ta đắng lưỡi:

"nàng ba mươi tuổi

người đàn bà có vết chàm bên khoé mắt trái

tôi ngửi thấy mùi máu trên thân thể nàng

trời tối nặc mùi ống cống

chiếc kim tiêm cong oặt ẹo dưới gan chân

nàng đi thật chậm xuống thang gác

cái nhìn mù loà (....)

máu nhỏ xuống bậc thang

nàng ba mươi tuổi".

(trích bài Bẩm sinh trong tập Dự báo phi thời tiết ).

Toàn bài là những câu ngắn, tưởng như không có chất thơ, rất văn với tính cách chỉ định hoặc miêu tả như: nàng ba mươi tuổi, người đàn bà có vết chàm bên khoé mắt trái, trời tối nặc mùi ống cống v.v... nhưng nếu đọc chầm chậm, chúng ta sẽ thấy chất thơ hiện qua ngả khác: "nàng ba mươi tuổi/ người đàn bà có vết chàm bên khoé mắt trái/ tôi ngửi thấy mùi máu trên thân thể nàng/ trời tối nặc mùi ống cống/ chiếc kim tiêm cong oặt ẹo dưới gan chân / nàng đi thật chậm xuống thang gác / cái nhìn mù loà/ máu nhỏ xuống bậc thang/ nàng ba mươi tuổi". Chất thơ ở đây nằm trong nhịp, nhịp hình và nhịp tim, những câu ngắn, dài không vần điệu thản nhiên, đánh vào tim, như những âm ba gieo xuống những mệnh yểu của thời nay, trong vũ trụ Lynh vừa cấu tạo, một vũ trụ nặc mùi ống cống mà những tiếng thì thầm nàng ba mươi tuổi như tiếng kim, tiêm vào da thịt. Đó là những hồi âm của tối tăm, của bất hạnh, của cõi chết, của những thân phận con người. Người thời nay. Người chết yểu không vì mệnh bạc mà vì những chiếc kim tiêm cong oặt ẹo dưới gan chân... Lynh mới đích thực là nhà thơ của vỉa hè, của đống rác, của những vũng nước thải.

Lynh nhìn vào đất nước, nhìn lại gia tài của mẹ, như Trịnh Công Sơn, như Dương Nghiễm Mậu đã từng nhìn, và Lynh hát:

"tôi đi qua chốn này

ối a

thấy người đưa nhau về hố thẳm

ối a thấy anh nằm co quắp dưới hiên trưa

thấy vết lở nát bét trên đầu gió

(...)

tôi đi qua chốn này

những con chim không chân không nơi đậu

thấy con mắt sâu

bụng lép của ngày mai

ối a

thấy chân em chai trong đôi vớ màu hồng

(...)

tôi đi qua chốn này

mẹ cong mình khép cánh cửa đau thương

thấy thời gian ăn mòn con mắt đỏ

thấy gia tài của mẹ

vật vã lồ lộ hằn lưng

ối a

( trích Buổi sáng trôi trên vỉa hè).

Gia tài của mẹ, để lại cho Lynh bây giờ, là những vết lở nát bét trên đầu gió, với những con chim không chân không nơi đậu, những bụng lép của ngày mai... Gia tài ấy, buồn hơn gia tài họ Trịnh, tuyệt vọng hơn gia tài họ Dương.

Gia tài của mẹ để lại cho Lynh, còn nhiều nữa, đặc biệt là những dấu hỏi đã chôn sâu trong tiềm thức mỗi con người, những tiềm thức bị ru ngủ, những tiềm thức bị đánh thuốc mê, những tiềm thức bị treo cổ:

...đêm qua

tôi vô tình thấy một mạng móc cổ trên dấu hỏi

trong mắt

lồi một dấu hỏi cong queo

khi con quạ lông màu máu xuất hiện

rỉa từng khúc dấu hỏi

mang về mớm cho đàn con

những con quạ nhỏ vừa ăn vừa rỉ máu

bốc mùi dấu hỏi

khi tôi đi qua dòng kênh (...)

con đường đất đỏ in những bước chân tháo chạy

của dấu hỏi

bây giờ

dấu hỏi đã ùa vào nhà tôi

chen chúc

móc vào vai tôi

(trích Một mạng tàn đời trên dấu hỏi).

Những câu hỏi móc cổ rỉ máu, những câu hỏi dài hơi, những câu hỏi trở thành thực phẩm hàng ngày nhai không hết, những câu hỏi đầu thai bất tử... và cứ hỏi như thế, Lynh đi, cứ lang thang như thế, Lynh đi. Lynh đi qua chốn này, đi về chốn khác, đi trên đường phố, đi xuống cống rãnh. Lynh ghi lại những tiền cảnh, hậu cảnh của hôm nay, dưới con mắt người say, dưới cái nhìn người nghiện. Nhưng rượu và ma tuý đã trờn, không đủ công hiệu làm cho ác mộng giảm cường độ tàn phá nữa. Âm thanh đường phố, âm thanh vỉa hè, âm thanh cống rãnh réo lên như tiếng gọi hồn, trong đầu người điên, người nghiện, đang từng bước, từng bước, leo lên tầng thứ 100 của thiên đàng :

"tôi đếm bậc tam cấp thứ hai. một bà già có hai chiếc cằm rưỡi. đè lên lưng một gã còn 1/2 chi dưới. những đồng xu đỏ cười rinh rích trong lon. tưởng xém đến mùa đông. bởi con đường dưới chân lạnh cóng. bởi cái bụng mau sôi hơn mọi mùa. bởi thấy miệng thiên hạ chứa toàn gió độc". (trích Ở tầng thứ 100).

Những giấc mơ của Lynh đã vượt ra ngoài giấc mơ cơm áo, đã nằm trên thể xác đớn đau, chúng là những giấc mơ đạo đức của con người sống trong một vùng không còn đạo đức. Vùng mà thượng đế cũng đi căng tóc, thượng đế cũng nhuộm tóc vàng:

"giấc mơ cụt đầu... tiếng đạp mái phòng bên cạnh... tiếng những mảnh vú xé nát rơi lộp bộp. nước mưa ngủ khì trên mái tôn lủng sét. sợi tóc thượng đế duỗi thẳng nhuộm vàng... vết sẹo trên đầu gối mở mắt.

tôi dán giấc mơ nơi mỏ ác. mưu cầu một nhánh huệ teo gầy. một bài kinh hổ lốn. giầy cao gót & hơi men làm giàu quê mẹ... công sinh dưỡng một ngàn đô. tôi đội mưa bùn hãnh diện chữ hiếu (trích Let it be)

Người ta rùng mình khi đọc những lời thơ kinh hoàng như thế.

Nhưng không phải thơ Lynh bài nào cũng hay.

Có những câu còn sượng. Có những chữ tục không cần thiết. Có những đoạn rườm rà. Có những dữ dội thái quá.

Nhưng một tài năng, vừa đặt bút, đã viết như thế là hiếm.

Bây giờ nhiều người làm thơ, nhiều chỗ đăng thơ. Vàng thau lẫn lộn. Trên mạng, trên báo chí sách vở, bạt ngàn thơ, xem không xuể. Nhưng tìm được những lời đích thực là thơ thật không phải dễ.

Giữa những hình thái ghép chữ tràn lan, đầy đủ kiểu cọ nhưng vô hồn, không tạo cho người đọc một cảm giác nào, chữ của Lynh Bacardi, đặc biệt những câu thơ hay xoáy vào chúng ta như những nhát chém của lương tâm, đôi khi chỉ vẻn vẹn công sinh dưỡng một ngàn đô, hoặc nàng ba mươi tuổi, nhưng chúng có khả năng kéo theo cả một thế giới bi đát không lời, cả một bình minh không ánh sáng, chúng là tiếng thầm của những mặt cát bặt âm, dù có chôn sâu dưới mấy từng địa đạo vẫn không ngừng vọng.

 

Lynh Bacardi, con người bị mất tiếng nói

Vào khoảng tháng 3/2006, nhà văn Bùi Hoằng Vị ở Sàigòn gửi cho tôi qua thư điện tử mấy bài thơ và hai truyện ngắn của Lynh Bacardi, với lời dặn: "Chị đọc đi, cô này chắc chị chưa đọc đâu". Sững sờ trước lối viết hoàn toàn mới lạ, cái nhìn đau xót về những người sống ngoài lề, tôi viết vắn tắt mấy dòng trả lời Vị: "Thế nào cũng phải giới thiệu cô này, Vị liên lạc hộ nhé". Bùi Hoằng Vị rất mừng, cho biết anh đã giới thiệu Lynh với mấy nơi, đều không đạt kết quả. Lúc đó Lynh chưa hoàn tất truyện ngắn Tre rừng, và chưa viết các truyện Hậu sảnNghiã trang đồng nhi. Như vậy, công khám phá Lynh Bacardi thuộc về Bùi Hoằng Vị cũng như Trần Vũ là người đã nhận diện Đỗ Hoàng Diệu ngay từ những phút đầu, và Đặng Hiền đã sớm nhận ra tài năng của Đình Đình và Phạm Ngọc Lương.

Ngoài thơ, hai truyện ngắn mà Bùi Hoằng Vị gửi cho chúng tôi là "Hắn lại vào toilet, há hốc mồm xăm soi" viết tháng 5/2004 và "Con bé bịt mắt" viết đầu năm 2006, đã đăng "en vrac" trên báo mạng cùng với những bài thơ của Lynh, và một số ngòi bút khác. Công của Bùi Hoằng Vị là đã tìm ra tác phẩm hay trong đám vàng thau lẫn lộn ấy.

Hắn lại vào toilet, há hốc mồm săm soi là truyện đầu tiên của Lynh, khá ngắn, trí thức, cô đọng và khó đọc. Có thể nhiều người đã đọc nhưng có lẽ rất ít người hiểu. Truyện viết về một kẻ bị mất tiếng nói, ở trong trạng thái "miệng hắn như bị dán cứng". Toàn truyện tỏa ra không khí đứt đoạn, lạnh tanh, ráo hoảnh, đầy chất tâm thần của một kẻ bị dồn ép đến chân tường, phát hoảng.

Hắn là một công chức bình thường, mọi khi đến sở làm, hắn vẫn chào hỏi mọi người. Nhưng từ phút này, từ phút bắt đầu truyện, từ phút hắn vào toilet há hốc mồm xăm soi, thì hắn không còn là hắn nữa. Nói trắng ra là tự nhiên hắn bị câm, miệng hắn bị dán cứng. Cái gì đã xẩy ra? Đó là dấu hỏi mấu chốt. Hắn lại vào toilet há hốc mồm xăm soi là một trong những tác phẩm mở với đúng nghiã mở của nó, của những ngòi bút trẻ hôm nay. Toàn truyện là một dấu hỏi lớn, lồng trong vô vàn dấu hỏi nhỏ: tất cả sinh mệnh của hắn, tất cả vật đổi sao rời trong đời hắn, được gói gọn trong vài trang giấy.

Hắn đã đi qua những vùng ngày trước đô hội, nay trở thành chuồng lợn hôi hám dậy mùi phân và nước thải; hắn đã đi qua những vùng phì nhiêu dân cư đông đúc, nay trở thành hoang địa: "Hắn phóng tầm mắt xa hơn nữa để tìm kiếm một bóng người, tuyệt nhiên, dường như đây là một vùng đất kỳ lạ. Xa xa trên đồi cỏ là những con chó đang sủa vào không khí, chúng mang dáng vẻ như đang rất tất bật mà lại vừa hoảng sợ, rú lên từng hồi những âm thanh nghe vang xa và thánh thót ngọt ngào như âm thanh của chuông thánh. Không như tiếng tru rú chanh chua của loại chó bình thường". (trích "Hắn lại vào toilet...").

Quang cảnh chung quanh hắn: một vùng đất không còn người, chỉ còn chó. Chó đặc biệt. Chó tầm cỡ. Chó có tiếng tru như âm thanh của chuông thánh. Nhưng chưa hết, sải thêm vài bước nữa đến chỗ có nhà. Mở cửa bước vào một căn nhà thì hắn thấy gì? "Thật kỳ lạ, hắn đảo mắt nhìn quanh, bên trên trần nhà là những mạng nhện đan nhau chằng chịt. Một tấm phản màu sữa được làm bằng rơm xanh to tướng kê sát bàn thờ. Hắn nhón chân ngó lên bàn thờ, có một chai thủy tinh bị bể còn phân nửa, trong đó đựng rất nhiều tàn thuốc dạng thuốc lào vấn, hắn ráng nhón thêm thì nhìn thấy được vài con chữ cái được cái mất ghi trên mặt bàn nhưng không rõ nghĩa. Ráng thêm chút nữa, hắn nhìn thấy bức ảnh chụp chân dung trắng đen rách rưới úa màu trên bàn thờ và nhận ra đó là vị thánh tối cao của đất nước mình. Bỗng hắn nhìn thấy những bức ảnh của mình trong tư thế đang làm tình với vợ được treo khắp nơi trên những bức vách. Mẹ kiếp! Hắn bật khẽ giọng. Âm thanh của hắn vừa bật ra quyện lại trong tích tắc và trở thành một luồng khí màu cà phê sữa, nó lượn lờ chung quanh ấm trà nóng rồi phóng vụt qua những bức ảnh được treo ngay ngắn không một chút bụi, nó men theo những thân cột bằng cao su để leo lên trần nhà. Một cuộc vật vã của nó với mớ mạng nhện trên đó bắt đầu nổ ra (...) Những cái mạng nhện vùng lên, búng vào luồng khí, xiết lấy cứng ngắc, bóp ngang thân nó, chúng bò tới cùng lúc bám bu những sợi tơ làm nó tối tăm mặt mũi" (trích "Hắn lại vào toilet...").

Trích đoạn trên đây mở khoá cho chúng ta vào truyện của Lynh Bacardi: Hắn trở thành thám tử bước vào một nơi đầy nghi hoặc: trên bàn thờ có dấu vết hương hồn của các vị hút "thuốc lào vấn", có chân dung "vị thánh tối cao", có vài "cái chữ" đang hấp hối, cái được, cái mất. Nhưng kỳ khôi nhất là những bức hình hắn đang làm tình với vợ: Không khí Kafka đột khởi từ lúc này, lúc mà hắn thấy những bức hình hắn với vợ được treo khắp nơi trên vách. Nhưng chưa hết, hay nhất là đoạn Lynh tả khi hắn vừa cất tiếng chửi thề: "Mẹ kiếp" thì chính cái tiếng "mẹ kiếp" phát ra từ miệng hắn, chính cái âm thanh đó, đã bị tấn công: (tức là âm thanh của hai tiếng Mẹ kiếp) vừa bật ra khỏi miệng đã biến thành khói, tính chuyện tẩu thoát lên trần nhà, nhưng không kịp nữa rồi, tất cả hệ thống mạng lưới đã tung ra "những cái mạng nhện vùng lên, xiết lấy nó, bóp ngang thân nó", cho đến lúc "nó teo tóp dần và biến mất hẳn". Chưa có cuộc bắt bớ nào kinh hoàng đến thế, một cuộc tịch thu và tiêu diệt phát biểu: hai tiếng mẹ kiếp bị bắt sống, bị nghiền nát, bị tiêu vong, không để lại một dấu vết gì!

Truyện này đọc qua một lần, bạn sẽ chẳng hiểu gì cả, phải đọc nhiều lần. Bởi tác giả dùng toàn mã hiệu (code): chuồng lợn, chó sủa, con chữ, vị thánh, mạng nhện, v.v... mỗi chữ, mỗi câu đều có dụng ý. Lynh viết về một vùng hoang dã, ngày xưa đã phồn vinh. Lynh vẽ lại tình trạng khủng hoảng tinh thần của một nhân vật bị bao vây nguy khốn tứ bề, kể cả sự ăn nằm với vợ cũng bị chụp hình, theo dõi, thậm chí tiếng nói của hắn, vừa thốt ra khỏi miệng đã bị những mạng nhện bao bọc và tiêu hoá ngay. Hắn không còn cách nào khác hơn là vào toilet há hốc mồm xăm soi xem cái miệng mình, nó bị bệnh gì mà bỗng nhiên trở nên á khẩu.

 

Lynh Bacardi, khát vọng làm mẹ

Truyện ngắn thứ nhì, tựa đề "Con bé bịt mắt" viết đầu năm 2006, mở đường cho ba truyện kế tiếp: Tre rừng (3/2006), Truyện hậu sản (4/2006) và Nghiã trang đồng nhi (5/2006). Cả ba viết trong một thời gian ngắn tạo thành tam khúc (trilogie), xây dựng nên cấu trúc tư tưởng về Tình mẹ của Lynh Bacardi. Tình mẹ là yếu tố sâu xa, tiềm ẩn trong tinh thần và thể xác chữ của Lynh Bacardi. Trong thơ là tình mẹ của người đàn bà trẻ thơ, chưa kịp lớn đã làm mẹ. Trong văn là tình mẹ bị bao vây, tình mẹ nguy khổn, tình mẹ bị đàn áp. Lynh đã vẽ nên mặt hậu của xã hội tối tăm và tàn ác, không chỗ dung thân cho những người mẹ tật nguyền.

Tình mẹ của Lynh Bacardi có sắc thái bi đát và khốc liệt chưa từng thấy: Những người mẹ ở đây, là những người đàn bà bị đàn áp, hoặc tật nguyền, phải bán trôn nuôi miệng. Một thực tại hàng ngày trên đường phố, trong ngõ hẻm, bên thân cổ thụ, nhưng ta nhắm mắt làm ngơ. Những đứa bé tật nguyền từ trong lòng mẹ, những đứa bé chưa sinh đã va chạm với kinh hoàng, hãi sợ; nếu biết được những gì đang chờ đợi ở ngoài lòng mẹ, thì sẽ không còn linh hồn nào dám can đảm đầu thai làm người.

Truyện ngắn Con bé bịt mắt là khúc nhạc dạo đầu cho bối cảnh xã hội tăm tối đó và nó cũng xác định hai trục chính trong truyện của Lynh Bacardi: đứa bé và người mẹ, để tạo lên tình mẫu tử tuyệt vọng, mô thức chính trong thơ và truyện của của Lynh Bacardi. Khái niệm tình mẫu tử tuyệt vọng này, đặt trong bối cảnh xã hội hiện thời, với một bút pháp phũ phàng ngang hàng với sự tàn bạo của xã hội, đem đến sự tuyệt vọng cực kỳ.

"Con bé bịt mắt" tập trung vào ba yếu tố: "Một cây cổ thụ trăm năm, một người mẹ già làm điếm và một đứa bé". Truyện rất ngắn, với điệp khúc "Ba ngàn là đủ", trở đi trở về, Ba ngàn, như thời giá một bát phở, một chiếc bánh bao, một mẩu bánh mì thịt, như thời giá một lần bán trôn, như thời giá của bạo lực, như thời giá của nước mắt, của bất hạnh, như thời giá của một cái chết.

Truyện do một giọng bí mật kể lại, phải đọc kỹ nhiều lần mới biết đó là giọng cây cổ thụ trăm năm, vừa dửng dưng vừa thương xót: cây thương xót phận người. Bởi cây đã chứng kiến những nhục cảnh của đời người: người mẹ điếm già, hành nghề bên gốc cây, với đứa con bên cạnh, từ lúc nó còn trong bụng, ra nôi. Cổ thụ kể rằng: lúc nó lớn dần, biết bò, biết ngồi, người mẹ bịt mắt và đút bông vào tai con, cho nó khỏi nhìn, khỏi nghe thấy những âm thanh lạ tai, mà bà không muốn cho nó nghe, và đây là giọng cổ thụ: " Nó có cặp mắt tròn đen, làn da trăng trắng, ốm như con thằn lằn vẫn bò xung quanh bức tường sau lưng. Hình như vậy, chẳng biết tôi tả có đúng không, bởi bà mang nó đi đâu đó vào ban ngày, tôi chỉ nhìn thấy nó vào ban đêm, lúc số cột đèn ít ỏi trên con đường này uể oải bật lên thứ ánh sáng vàng vàng nhạt thếch. Nó chẳng bao giờ mở miệng. Nó không nhìn tôi, mà muốn nhìn cũng chẳng được, vì khi vừa đến chỗ tôi bà luôn lấy một dải vải buộc lên mắt nó, bà nói, "Bịt mắt bắt dê". Nó nghểnh mặt để bà nhét thêm vào tai nó hai cục bông gòn. Nó ngồi xếp bằng dưới chân, đàng sau lưng tôi. Khỏi phải đợi, vì bà sẽ đặt vào bàn tay xinh xắn màu sữa của nó một cái nĩa bằng inox. Nó sẽ tỉ mẩn đào lớp đất dưới chân tôi, như đang đào tìm một người bạn nhỏ nào đó thất lạc đã lâu năm" (trích "Con bé bịt mắt"). Giọng đều đều của cổ thụ, cứ như thế, tiếp tục rót vào tai người đọc: "Bất chợt con bé ngưng tay không đào đất nữa. Nó đứng lên, không kéo dải vải ra khỏi mắt. Cái đầu nho nhỏ quay lần tìm ra hướng phát ra tiếng hét của bà. Nó quên mất hai cục bông trắng muốt đang lún sâu trong tai như muốn tuột dần đến tận cùng. Gã đàn ông gương mặt cũng trắng muốt, cười nhăn nhở chạy đi với cái núm vú trong miệng. Vệt máu chảy dài dưới cằm khiến gương mặt trắng của gã thành một anh hề trên sân khấu phố huyện. Những bà khác nghiêng đầu nhìn qua, rồi đổi hướng nhìn ra đường tiếp tục chờ đợi. Bà ngơ ngác nhìn theo, sực nhớ mình vẫn chưa lấy ba ngàn (3000)". (Trích Con bé bịt mắt).

Tất cả bi kịch ép lại trong vẻn vẹn mấy dòng chữ. Cổ thụ nhìn người bằng cái nhìn trung thực không thành kiến. Cổ thụ không bỏ qua sự nhẫn tâm tàn ác và lãnh đạm của con người, cho nên, cổ thụ gọi những người già làm điếm bằng bà như những người phụ nữ bình thường, cây không gọi họ bằng mụ điếm già, như người. Cây nhìn sự bạo hành của kẻ hành lạc như một trò hề. Cây ghi lại sự thờ ơ của con người, đối với đồng loại lâm nạn. Chắc là cây khinh người lắm, nhưng không nói ra đấy thôi. Bởi cây, đã ghi lại cả cái mùi của người, mỗi đêm "bắn tung toé lên da thịt tôi đến vài lần". Chắc là cây phải kinh tởm những sa đọa của con người, nhưng cây không nói ra đấy thôi.

Ba truyện đến sau là những truyện khá dài. Lynh đã thay lối viết từ rất ngắn đến rất dài. Tính cô đọng, chất thơ và khó hiểu, nhường chỗ cho một lối viết mà mọi người đều có thể tiếp cận được. Tuy nhiên, truyện của Lynh không phải ai cũng có thể thích. Bởi chúng như một đoá hồng gai, chúng dày vò người đọc, chúng là những trường hợp cực điểm, chúng bắt người đọc đi trên sợi dây chăng trên không gian, nhìn xuống thì chóng mặt, mà nhìn lên thì rơi. Lynh tạo ra toàn những hoàn cảnh ghê gớm mà con người không thể chọn lựa, bởi không biết thế nào mà chọn lựa. Tình mẹ trong truyện Tre rừng là tình người chị với đứa em tàn tật, sinh ra chỉ có hai hố mắt. Hai chị em mồ côi, như khóm tre rừng, muốn mọc thế nào thì mọc. Chị thay mẹ, chị trở thành một người mẹ trẻ, như người mẹ trong bài thơ "Lời cho bé yêu". Người chị ở đây đã cho em những gì quý nhất trên đời: cho tất cả, không cần biết những nhục nhằn, không cần biết những cấm kỵ, không cần biết đến đạo lý. Người chị hành động bằng một thứ đạo lý trong vô thức u minh của chính mình, đặt tình thương em làm cứu cánh và để đạt tới cứu cánh, người chị đã không màng tới phương tiện, lấy thân xác của chính mình làm phương tiện tạo hạnh phúc cho em. Một chủ đề khó khăn, làm cho người đọc nghẹt thở vì tuyệt vọng.

Truyện hậu sản trình bày một thứ tình mẹ lạ lùng khác, cũng không dễ dàng gì hơn cho người đọc: Ba hình ảnh cột trụ mà Lynh đưa ra là hình ảnh người đàn bà độc đoán, có đứa con tật nguyền, nhưng nhất quyết phải có cháu trai để nối dõi tông đường, bà đã dùng những thủ đoạn tàn ác để đạt mục đích: Ép buộc người con gái nuôi phải ngủ với đứa con trai tàn tật của mình. Người đàn bà độc ác này có thể so sánh với con heo nái, mỗi lần đẻ, phải nhai một đứa con vừa ra dạ. Hai thứ tình mẹ hãi hùng này, đối diện với tình mẹ thứ ba: tình mẹ của người con gái nuôi, bị ép buộc phải ăn nằm với kẻ tật nguyền, chỉ sinh mà không dưỡng. Chính cái tình mẹ hữu sinh vô dưỡng ấy, đã khiến nàng điên loạn tâm thần. Và Lynh đã đi vào thần trí của người con gái bất hạnh để viết nên tất cả những hủ lậu của xã hội tối tăm và tàn nhẫn.

Nghiã trang đồng nhi, trình bầy một thứ tình mẹ vô biên như biển cả, của người thiếu phụ tàn tật, làm điếm. Những đứa trẻ bị bỏ rơi, những bào thai chưa kịp chào đời đã tắt thở, những đứa bé vừa lọt lòng mẹ đã bị thải đi, như bọt biển. Lynh viết: "Đêm nay biển động. Tiếng sóng ào ào từng chặp vỗ vào bờ gào thét. Gió mạnh hơn, cát bay rào rạo. Cổ tôi rít chịt, ngứa, tóc bay rối bời. Một cái bọc đen nằm đơn độc bên bờ kè. Chắc lại nó. Tôi cúi xuống. Dưới ánh đèn đường vàng nhạt, một vật thể bày nhầy đỏ loét nằm bên trong cái bọc. Tôi cột lại, treo nó lên ghi đông xe đạp. Nãy giờ đi hết các bờ kè chính của bờ biển, mà tôi chỉ lượm được một bào thai" (Trích Nghiã trang đồng nhi). Người con gái đi lượm bào thai đem chôn ấy đã mang những nấm mộ nhỏ trong lòng. Nàng trở thành khởi điểm của một thứ tình mẹ âm u, khốc liệt, tình mẹ vượt qua cái chết, tình mẹ chưa bao giờ thấy trên đời. Ở nàng, là thứ tình mẹ tật nguyền, tình mẹ đớn đau bệnh hoạn, nàng đã đón và nuôi linh hồn tất cả những đứa bé chưa kịp chào đời mà đã chết. Nàng tượng trưng cho tất cả những người mẹ hữu sinh vô dưỡng. Người con gái điếm tàn tật trở thành biển mẹ.

Những truyện ngắn của Lynh đều sâu xa cay đắng như thế, đều xới lên mặt hậu của một xã hội nghiã trang, đều làm cho người đọc rùng mình, xây xẩm, loạng choạng, không thể che mặt, mà cũng không thể độn thổ. Lynh đặt con người trước trách nhiệm về tội ác của mình bằng một ngòi bút bất trắc, khác hẳn những người cùng thời. Một phong cách văn chương độc đáo vừa xuất hiện.

Thụy Khuê

Paris, tháng 5/2006

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12025)
(Xem: 10590)
(Xem: 10643)
(Xem: 10211)
(Xem: 9580)
(Xem: 9030)
(Xem: 9763)
(Xem: 10833)
(Xem: 10484)
(Xem: 10566)