- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Iron Butterfly

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 8839)

Lời người dịch: Đây là chương thứ hai trong truyện dài theo thể tự thuật “69” xuất bản năm 1987, được dịch từ nguyên tác tiếng Nhật “Aian Batafurai” trong bản bỏ túi do nhà Shueisha tái bản lần thứ 40, tháng Tám năm 2004.

Phạm Vũ Thịnh

 

1969, tụi tôi năm ấy mới 17 tuổi. Và còn đồng trinh. 17 tuổi mà còn đồng trinh cũng chẳng phải là chuyện gì đáng tự hào hoặc đáng xấu hổ, nhưng đấy là chuyện quan trọng.

Mùa đông khi vừa được 16 tuổi, tôi đã bỏ nhà ra đi. Lý do là cảm nhận được mâu thuẫn đối với thể chế học thi lên đại học, muốn thoát ly gia đình và trường học để xuống đường phố mà chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc đấu tranh trong năm ấy của ba hệ phái thuộc Liên hiệp Sinh viên Học sinh Toàn quốc chống Hàng không Mẫu hạm nguyên tử Enterprise của Mỹ vào cảngà là nói dóc, thật ra, chỉ vì tôi muốn trốn khỏi cuộc chạy đua trong trường mà thôi. Bởi chạy đua đường trường thì từ xưa đã vốn là chỗ yếu của tôi. Từ hồi trung học cấp hai đã ghét chạy đua rồi. Tất nhiên là ở tuổi 32 hiện giờ, tôi lại càng thậm ghét.

Mà tôi đâu phải là trẻ yếu đuối gì. Chỉ có cái tật ngưng chạy mà bước đi ngay đó thôi. Cứ chạy một tí là ngưng lại ngay. Chẳng phải vì đau bụng, hay muốn ói, hay choáng váng, gì gì đâu; chỉ là cảm thấy hơi mệt thì lập tức ngưng chạy mà bước đi từ từ. Thật ra, dung lượng phổi của tôi có đến trên 6000 cc. Ngày mới lên trung học cấp ba, tôi cùng với 12, 13 trò nữa đã được gọi lên phòng điền kinh chạy đua. Chỉ đạo phòng nầy là một thầy giáo trẻ vừa mới ra trường Đại học Thể Dục Nhật Bản. Lúc bấy giờ, Đại Hội Thể Dục Toàn Quốc dự định tổ chức ở tỉnh Nagasaki khoảng 2 năm sau, nên trường đã mộ thêm 6 thầy giáo thể dục trẻ. Họ là những chuyên gia về 6 bộ môn riêng biệt: nhu đạo, bóng ném, bóng rổ, ném lao - ném đĩa, bơi lội và chạy đua. Sau nầy, đúng vào năm 1969, khi tụi tôi “khởi nghĩa” hô khẩu hiệu “Phá Tan Đại Hội Thể Dục Toàn Quốc” thì họ trở thành vật tế thần, mục tiêu công kích của tụi tôi. Tất nhiên là họ oán ghét học trò như tụi tôi.

Kawasaki, thầy giáo chỉ đạo môn chạy đua, từng đoạt giải ba toàn quốc về môn chạy 5 ngàn thước, mặt mày trông giống tay hề giễu Hayashiya Sanpei như đúc, đã đứng trước đám học trò mới tụi tôi mà phán rằng:

“Các trò mới 15 tuổi mà đều là những người có dung lượng phổi đáng nể; ta muốn thế nào cũng lập cho được một đội chạy tiếp sức đoạt giải vô địch. Tất nhiên là không ép buộc gì, nhưng các trò nên hiểu là đã được sinh ra để chạy đua đường trường, mà sốt sắng ghi tên vào bộ môn chạy đua nầy”.

Nghe nói mình có tim phổi thiên phú cho việc chạy đua đường trường, tôi sững sờ. Kỳ nghỉ đông vừa dứt, giờ thể dục của tôi toàn là tập chạy đua đường trường. Và suốt năm đầu, tôi đã bị Kawasaki hò hét liên tu bất tận. Tôi cứ ngừng chạy mà bước đi mãi, đến nỗi bị Kawasaki mắng là “đồ rác rưởi của loài người”:

“Nghe đây. Chạy đua là cơ sở của tất cả các môn thể thao, không, phải nói là cơ sở của cả cuộc sống người ta nữa, cho nên đời người mới được ví như cuộc chạy đua đường trường. Yazaki, trò có dung lượng phổi đến 6100, thế mà cứ thất thơ thất thểu, chưa bao giờ chạy cho hết một cuốc đua. Trò là đồ rác rưởi của loài người, sau nầy sẽ thành kẻ bỏ cuộc trên đời mà thôi”.

Nghĩ coi, đối với một thiếu niên đa cảm ở tuổi 15, mà bảo những là “đồ rác rưởi của loài người” hay “kẻ bỏ cuộc trên đời” cũng được sao chứ? Đấy mà là ngôn từ của nhà giáo dục sao? Mặc dù tôi có thể lý giải được phần nào tâm tình của Kawasaki. Bởi cứ chạy đâu khoảng 50 thước là tôi lại bước chậm lại, cùng với bọn trẻ ốm yếu tán chuyện Beatles, chuyện gái, chuyện xe gắn máy, rồi nhắm chừng chỉ còn độ 500 thước nữa mới bắt đầu chạy; đến đích rồi mà nhịp thở vẫn không có chút gì gấp gáp cả.

Lỗi tại tôi dạy con hư đốn đấy”. Mẹ tôi, người đã chịu cực chịu khổ rút về Nhật từ đất Triều Tiên, cho đến bây giờ, vẫn bảo thế. Có chút gì khó nhọc là ngừng lập tức, có chút gì trở ngại là chán nản ngay, cứ hướng về chỗ dễ dàng, mà lững lờ trôi nổi, phó mặc cho trôi dạt đến đâu thì đến, ý bà bảo tôi là như thế. Nghe thật đáng buồn, nhưng đúng phóc.

Dù vậy, trong năm đầu, tôi cũng đã tham gia chạy đua đường trường. Cuốc chạy đường trường của Bắc Cao [1] bắt đầu từ cổng trường, leo lên lưng chừng ngọn đồi tên là Eboshidake thì vòng ngược lại, tổng cộng 7 cây số. Tôi cùng bọn trẻ ốm yếu hoặc nhút nhát, cứ thong dong tản bộ trên đường đồi, mặc cho đám nữ sinh khởi chạy sau tụi tôi 5 phút qua mặt, rồi trên đường xuống đồi vòng về thì chạy nhảy nhẹ nhàng, mặc cho phần đông bạn học vừa chạy vừa thở hổn hển, có đứa ớn lạnh phải bọc vào mền, có đứa nôn mửa phải khiêng vào phòng y tế, tay run run ôm cốc nước đường hâm nóng mà uống; cứ thế tôi vừa huýt sáo bài “A day in the life - Một ngày trong đời ta” vừa thong dong đến đích, trong số nam sinh 662 người, đứng hạng thứ 598, khiến cho không chỉ Kawasaki, mà hầu hết các thầy cô đều buộc tội tôi là “đồ rác rưởi của loài người”.

Thiếu niên đa cảm là tôi vì không muốn phải nếm vị nhục nhã ấy lần nào nữa nên đã bỏ nhà ra đi vào năm 16 tuổi, mùa đông năm thứ hai trung học cấp ba.

*****

Rút hết số tiền để dành trong trương mục Bưu điện không tới 3 vạn Yen, tôi nhắm hướng Hakata, thành phố lớn của đảo Kyushu, tiến bước. Lần bỏ nhà ra đi nầy, ngoài chuyện trốn chạy đua đường trường, còn có một mục tiêu trọng đại nữa. Đó là vất bỏ đồng trinh của mình.

Vừa đến Hakata, tức thì lấy phòng ở khách sạn Thiên Thần Zennikku - All Japan Airways lúc bấy giờ là khách sạn hào hoa sang trọng nhất đảo Kyushu. Thay ngay một bộ cánh vải tuýt kiểu tài tử Mỹ George Hamilton, rồi phăng phăng ra phố. Chân bước trên đường phố ngập đầy lá vàng, miệng đang hát bản “She is a rainbow - Nàng là mống trời” thì nghe tiếng đàn bà gọi “Nầy, cậu em”. Buổi hoàng hôn màu tím nhạt, lòng mình khấp khởi, tim mình phập phồng. Một nàng Nhật Bản trông thật giống nữ tài tử Mỹ Marianne Faithful quyến rũ, ngồi xe thể thao Jaguar-E màu bạc, đã gọi tôi. Nàng ngoắc ngón tay trỏ ra dấu vời tôi lại, rồi mở cửa chiếc Jaguar, bảo “Có chuyện muốn nhờ cậu giúp, mời cậu lên xe”, giọng nàng thật chuẩn và thanh tao. Vừa ngồi vào lòng xe Jaguar đã thoảng hương nước hoa ngọt ngào đến phiêu lạc hồn phách. Người đẹp bắt đầu kể lể.

Chuyện rằng: chị là người mẫu siêu sao hạng nhất, vì gây nên chút chuyện rắc rối phải rời thủ đô mà đến đây, hiện giờ đang làm thêm ở một câu lạc bộ hạng sang nhất tên là Saboten - Xương Rồng ở phường Nakasu, rồi dính dáng với khách đến bị làm khó dễ, bởi người khách muốn bao chị cho riêng ông ta là một ông chủ xưởng gỗ ở Kumamoto thuộc băng đảng bạo lực, người đâu mà ghen tuông quá mức, chị không chịu nổi, mà chị cũng đâu có thiếu tiền bạc gì đâu, nhất là không thích làm gái bao của ông ta, nên mới nói là có đứa em trai bị bệnh tim, trên đời nầy chỉ còn hai chị em mà thôi, phải lo săn sóc cho nó, để từ chối ông ấy, mà thật ra chị đâu có em trai, còn đang định bụng sẽ kiếm người nào đấy đóng giùm vai người em ấy, thì đã đến ngày hẹn gặp với ông ta rồià thế là nàng bảo tôi đóng vai em trai nàng, một ngày thôi. Choáng mắt vì chiếc áo choàng lông chồn màu bạc, và những móng tay sơn đỏ mọng, cặp đùi thon dài lồ lộ chui ra từ mảnh váy cực ngắn, khỏi nói cũng biết là tôi chẳng lòng nào mà từ chối cho đành.

Nơi nàng dắt tôi đến là văn phòng của ông chủ xưởng gỗ, ở tầng thứ bảy của một bin-đinh tạp cư bên sông. Ông chủ là một người đàn ông to lớn khoảng mới qua tuổi 60, và có đến 7 tên đàn em. Có tên xâm mình thấy ớn. “Cậu em bị bệnh tim mà coi mặt mày hồng hào quá hả”. Ông chủ nói, vừa đập tay vào bụng. “Để ta đây trả tiền giải phẫu cho”. Tôi mới nói: “Chị tôi không kẹt tiền bạc gì, mà thật tình không muốn làm gái bao cho ông” thì bọn đàn em đã nổi giận hét lớn: “Thằng nầy cả gan”, hai đứa trong bọn rút dao trong túi ra. “Muốn giết thì cứ giết tôi đi”. Tôi ưỡn ngực ra đứng che cho nàng. “Bố mẹ chúng tôi ly dị nhau, giao cho bà ngoại nuôi, rồi bà ngoại tôi cũng mất đi bốn năm trước đây, chị em tôi chỉ còn có nhau mà gắng sống qua những ngày buồn thảm, đã thề chị em sẽ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi”. Tôi đã nói lung tung thế. Ông chủ lại là người ưa cảm động vì chuyện thế thái nhân tình, nên nghe tôi nói thế thì xúc động lắm, rơm rớm nước mắt mà thì thào: “Thôi, ta thua”.

Ra khỏi văn phòng ông chủ xưởng gỗ, nàng vui mừng quá, đã đãi tôi một chầu cơm tối thịnh soạn. Cơm Tây trọn bộ. Nàng thì thầm: “Vị thành niên nhưng uống một tí cũng được chứ gì?” rồi rót cho tôi một ly rượu vang đỏ. Sau đó, còn đưa tôi vào phòng ngủ nữa. Như thường thấy trong phim ảnh, đấy là một phòng rộng sang trọng, ngay chính giữa là một giường ngủ cỡ vua chúa. Nàng nói: “Chị vào đi tắm nhé” rồi biến vào phòng tắm. “Bình tĩnh, bình tĩnh”, tôi vừa dặn mình như thế, vừa quýnh quáng không biết làm sao, cứ kéo lên kéo xuống cái khóa quần mà nôn nao chờ đợi. Nàng bước ra trong chiếc áo ngủ màu đen mỏng dính trong suốt lồ lộ hai bầu vú. “Cảm ơn cậu em nhiều lắm, chị cho cậu tất cả đây, không những thế, cậu lấy cả chiếc Jaguar cho chị đi, cậu trông thật xứng với chiếc Jaguar ấy”. Tất cả những chuyện ấy là xạo hết, tôi đã bịa ra thế để kể cho bạn cùng lớp nghe khi trở về nhà sau lần bỏ nhà ra đi ấy. Chứ sự thật thì như sau đây.

Vừa đến Hakata, tức thì đi xem phim tục ba phim một suất. Ăn tô mì và bánh trôi nướng xong là đi xem vũ thoát y. Xem xong thì đã quá 1 giờ khuya, đang rảo bước bên sông, nghe tiếng một mụ tú bà mời gọi: “Nầy cậu em, đi chơi cho nhẹ người đi nào”. Đưa cho mụ 3 ngàn Yen, theo mụ bước vào một quán trọ dơ dáy thì nghe “Chào cậu” rồi một khuôn mặt đàn bà đen đúa như mặt chồn đen hiện ra làm tối sầm cả mắt tôi. Trông thấy cái bụng của mụ ta, tôi chợt nghĩ đến mẹ tôi lúc nầy có lẽ đang khóc vì lo cho con. Làm tôi cũng muốn khóc theo, chẳng còn lòng dạ nào mà vất bỏ đồng trinh, thế nhưng cũng đã cởi áo quần theo sự chỉ đạo của mụ chồn đen ấy. Mụ thì muốn xong chuyện sớm cho rồi, còn tôi thì không sao dựng lên được. Chứ với mụ chồn đen ấy thì làm sao mà hứng lên nổi. “Thôi thì tôi dạng háng ra cho cậu xem, cậu tự làm lấy đi vậy”. Mụ chồn đen nói. Lần đầu tiên tôi thấy đấy. Chẳng là thứ gì đáng kể. Tôi xua mụ chồn đen đi, mụ ấy đã lột của tôi 10 ngàn Yen.

Tôi ra khỏi quán trọ ấy với tâm trạng tuyệt vọng, lại đi dọc theo bờ sông, tiền lưng đã cạn hết nửa, thôi thì hãy đến phòng đợi ở nhà ga mà ngủ thay vì quán trọ, mới hỏi đường đến ga từ một người đàn ông mặc đồ bộ, mang cà-vạt ra vẻ công tư chức. Nghe tôi nói định ra ga ngủ, anh ta bảo vậy thì đến phòng trọ của anh ta mà ngủ. Trong lúc chán chường quá đỗi, thấy anh ta tử tế thế, tôi mừng rỡ bước theo anh ta về phòng trọ. Anh ta làm bánh mì kẹp thịt bò hộp cho tôi. Tất nhiên anh ta là dân đồng tính luyến ái. Hết tai vạ nầy đến tai vạ khác! Quả thật tôi đã nổi giận đùng đùng. Tôi rút con dao đi rừng trong túi xách ra, đâm phập xuống bàn. Bởi thình lình bị sờ háng, bị thì thầm vào tai: “Nầy em, cho tí nhé, cho tí nhé”, thiếu chút nữa là bị hôn môi rồi. Gã đàn ông thấy con dao thì sợ run lên. Đã bị mất 3 ngàn Yen vào tay mụ tú bà, 10 ngàn Yen vào tay mụ chồn đen, thêm với 4 ngàn trả tiền phòng cho quán trọ nữa, những tưởng đây là cơ hội có thể thu lại vốn rồi, nhưng sao mà chuyện đời chẳng chịu song suốt giùm cho.

Đúng vào lúc ấy, tôi lại muốn đi tiểu quá chừng, mãnh liệt đến không sao chịu nổi. “Ê, nhà cầu ở đâu?”. Một gã trai cầm dao uy hiếp người ta mà lại thốt lên lời lẽ như thế thì chắc không còn gì trật đường rầy hơn! Vừa bước vào nhà cầu, tôi biết ngay là anh ta chạy ra khỏi phòng. Vừa cố tiểu, tôi vừa nghĩ. Thế nầy thì là hành vi ăn cướp rồi chứ gì? Chắc chắn là anh ta sẽ trở lại cùng với cảnh sát. Mình phải rời khỏi đây ngay mới được. Thế nhưng đúng vào những lúc như thế, nước tiểu lại không chịu ra cho chóng. Đến lúc ra được khỏi phòng tên đồng tính, tôi cắm đầu cắm cổ chạy. Nghĩ mình đã bỏ nhà ra đi chỉ vì muốn trốn chạy đua đường trường, thế mà đến chốn nầy lại phải cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng thế nầy thì thật là oái oăm. Tôi cắm đầu cắm cổ chạy cần mẫn hơn trong bất cứ cuộc tập chạy nào trong trường từ trước đến nay. Chạy giỏi đến nỗi đâm ra tự tín hão là khi cần thì mình cũng chạy nhanh chạy xa được đấy chứ! Chạy một hồi thì trời bắt đầu sáng dần.

Có công viên thật rộng lớn, tôi bèn chạy vào đấy, uống nước. Rồi ngã mình trên băng ghế, nằm chờ sáng. Nghĩ là khi mặt trời lên, phơi mình cho ấm người lại thì sẽ thơ thới trong lòng. Nghĩ thế rồi ngủ thiếp đi. Lúc ánh dương ấm mềm chạm lên má, và tiếng ồn ào của đường phố bắt đầu, thì tôi mở mắt dậy. Trong công viên vẫn còn mờ trắng màu sương sớm, thấy có một sân khấu nhỏ, một dãy nhạc cụ, và một bọn trai trẻ đang điều chỉnh âm thanh. Trên sân khấu không có trống, đàn ghi-ta cũng là loại đàn thùng không cắm điện mà chỉ gắn máy vi-âm, nên tôi đoán là họ sẽ chơi nhạc dân dao Folk. Từ khi các buổi tụ tập hát nhạc Folk ở Cửa Tây ga Shinjuku trên Tokyo được báo chí loan tin, đảo Kyushu nầy bắt đầu thấy càng ngày càng nhiều các nhóm chơi nhạc Folk. Người ta dần dần đến nhiều. Đúng là một buổi tụ tập hát nhạc Folk.

Sương sớm tan hết thì diễn tấu bắt đầu. Gã trai tóc dài, râu rậm, mặc áo khoác phong trần, hát những bài ca Folk của Takaishi Tomoya, Okabayashi Nobuyasu, Takada Wataruà Bảng quảng cáo ghi là Beheiren - Liên Minh Hoà Bình Việt Nam ở Fukuoka tổ chức. Tôi thì ghét nhạc Folk. Mà ghét cả Beheiren. Ai ở thành phố có căn cứ Mỹ đều biết rõ là Mỹ mạnh và giàu đến mức nào. Học sinh trung học cấp ba mỗi ngày nghe tiếng máy bay phản lực Phantom náo động đều hiểu rằng nhạc Folk là thứ yếu xìu, còn mềm tệ hơn bùn nữa. Cho nên, lúc người ta vỗ tay theo nhịp, tôi cũng vẫn nhìn từ xa mà rủa thầm “Đồ khùng”. Giữa các bản nhạc là mục diễn thuyết. Vẫn là loại thường nghe. “Mỹ hãy rút khỏi Việt Nam”.

Thời trung học cấp hai, lớp tôi có cô bé Masuda Chiyoko, con nhà me Mỹ. Cô thuộc ban Thư pháp, thường được giấy khen thưởng. Loại học sinh nghiêm túc đấy. Năm thứ hai, tôi nhận được thư tỏ tình từ Masuda Chiyoko. Viết rằng muốn trao đổi thư từ với tôi. “Em thích Hesse, có lần trong buổi họp lớp, anh Yazaki đã nói anh cũng thích Hesse nên em vui thích lắm, rất muốn trao đổi với anh bằng thư từ về Hesse hay gì khácà”. Tôi lúc ấy đã thích một cô khác, nên không trả lời. Đến năm đầu trung học cấp ba, thấy Masuda Chiyoko tóc nhuộm và phấn son lòe loẹt cặp tay lính Mỹ đen đi trên phố. Nhìn thấy nhau nhưng Masuda Chiyoko tảng lờ đi. Bên nhà tôi cũng có me Mỹ ở, đã vài lần tôi nhìn trộm các cô ấy làm tình với lính Mỹ rồi. Không hiểu Masuda Chiyoko có gặm củ giống lính Mỹ đen như các cô ấy không. Thư pháp và Hesse làm sao mà đổi ra củ giống lính Mỹ đen thì tôi không hiểu được.

Nghe nhạc Folk Beheiren phản chiến lải nhải trơ trẽn một hồi, lòng tôi lại càng u uất thêm, muốn bỏ đi, nhưng đã mệt mỏi quá, mà tôi cũng chẳng biết đi đâu. Bên cạnh tôi đang lầm bầm dè bỉu nhạc Folk, một cô bé đứng nghe, tay cầm bao nhựa chắc là để hít mùi dầu sơn. “Anh cũng không thích nhạc Folk?”. Cô bé hít dầu sơn hỏi. “Chẳng thích nổi”. Tôi đáp. “Em là Ai-chan[2] , hân hạnh được biết anh”. Cô bé hít dầu sơn có khuôn mặt không xinh gì lắm ấy xưng tên. Tôi cùng Ai-chan nói chuyện về các ban nhạc Iron Butterfly[3] , Dynamite, Procol Harum. Thế rồi Ai-chan, đôi mắt đã đờ đẫn vì hơi dầu sơn, bảo tôi đứng lên, cặp tay tôi, bước đi. Ai-chan làm nghề uốn tóc, ôm mộng sang Mỹ xem nhạc kịch Beautiful Death, nhưng mỗi lần lãnh lương lại thấy chẳng làm sao mà tới được đất Mỹ, nên bỏ nhà đi bụi đời. Uống kem soda trong quán cà-phê, nghe nhạc của ban Doors ở quán cà-phê nhạc Rock, lảng vảng ở tiệm bách hóa, ăn bánh canh tôm chiên ở tiệm ăn, chờ tối đi disco, nhưng bị quán disco đuổi ra vì không chứa chấp dân bụi đời. Ai-chan mới dụ tôi về nhà “sẽ cho anh hết”. Tôi nghĩ có cô bé không xinh lắm, hít dầu sơn, thích nhạc Rock nầy để mình vất bỏ đồng trinh là trường hợp lý tưởng rồi. Chứ chơi nhằm cỡ một cô nương tài sắc của Ban Diễn kịch Anh ngữ Bắc Cao có lẽ sẽ phải cưới cô ta mất, còn cỡ mụ chồn đen thì thảm quá.

Nhà Ai-chan ở trên khu đất cao bên ngoài thành phố. Nhà cửa đàng hoàng thế nầy mà đi bụi đời à, lạ quáà đang nghĩ thế thì quả là có bà mẹ chạy ra. Nước mắt ròng ròng, bà mẹ bù lu bù loa kể lể nào là mới trung học cấp ba, nào là nghỉ học, nào là chuyện thành nhân, nào là tụi bất lương dụ dỗ, nào là công ty của bố, nào là thiên hạ dòm vào, nào là sợ con tự tửà Ai-chan chỉ le lưỡi nhưng mặc kệ bà mẹ gào khóc, cứ nắm tay kéo tôi vào nhà. Nhưng ngay lúc ấy đã có ông anh to con từ trong bước ra, bộ mặt dữ dằn, trừng trừng nhìn tôi làm tôi nhụt chí. Ông anh giật lấy bao nhựa trên tay Ai-chan, thẳng tay tát cô em, rồi quát vào mặt tôi: “Cút đi!”. Ngó bộ dễ bị ăn đòn nên tôi co giò chạy mất. Ai-chan vẫy tay gọi với theo: “Xin lỗi nghe”. Sau đấy, tôi chán Hakata, đi xuyên qua Kumamoto mà đến Kagoshima, rồi lên thuyền sang Amami-Oshima. Vẫn còn đồng trinh! Mà còn tệ hơn nữa, sau hai tuần, trở lại trường thì biết là cuộc thi chạy đua đường trường vì mưa phải dời lại nên vẫn còn nguyên đó!

Sự tình là thế, nên tôi 17 tuổi vẫn còn đồng trinh thuần khiết. Vậy mà lại có kẻ 17 tuổi đã “cua” được gái thật dễ dàng như trở bàn tay! Đó là tên Fukushima Kiyoshi, tay đàn Bass trong ban nhạc Rock Shirakansu có tôi là tay trống. Thường được gọi là Fuku-chan. Fuku-chan mới 17 tuổi mà mặt mày trông như đàn ông trung niên. Thân thể cũng to lớn. Năm đầu trung học cấp ba, Fuku-chan cùng tôi đã vào đội bóng bầu dục Rugby trong sáu tháng. Cạnh phòng Rugby là phòng chạy đua đường trường. Đội chạy đua nầy có một học sinh năm thứ hai nổi tiếng vì là vô địch giữ kỷ lục toàn tỉnh.

Tôi và Fuku-chan có lần chạm mặt anh chàng nầy ngay trước cửa phòng. Dù là học sinh năm thứ nhất nhưng Fuku-chan mặt mày trông như người đã quá tuổi 20, làm tay vô địch chạy đua ấy tưởng là đàn anh của mình nên cúi đầu chào kính, miệng hô “Ô-xư”[4] . Fuku-chan hứng chí nổi máu quậy, bèn lên giọng: “Ừ, cậu chạy đã nhanh được một tí rồi đấy”. “Dạ, thưa 100 thước mất 11 giây 4”. Tay vô địch chạy đua nói trong tư thế đứng nghiêm, thẳng người không động đậy trước mặt đàn anh. Fuku-chan phán: “Thế à. Tốt. Cố lên”. Hôm ấy, tụi tôi được một trận cười thỏa thích. Nhưng sau nầy, bị lộ ra là lứa đàn em, nên đã bị tụi đàn anh trong cả hai đội chạy đua và bóng bầu dục lôi ra đập cho nhừ tử. Fuku-chan là mẫu con trai như thế. Tôi hỏi hắn làm sao để tán cho được các em thì lúc nào hắn cũng bảo: “Không nên với cao”.

Nhắm đến chuyện tổ chức Đại Hội Văn Nghệ, tôi đã có ý định trước tiên là sẽ làm một phim, không ngờ Adama vừa nhập bọn đã cung ứng ngay một máy quay phim 8 ly hiệu Bellhowell, làm tôi ngạc nhiên quá. Hắn đã dọ hỏi khắp các lớp đàn em xem có tên nào có máy quay phim 8 ly, tên bảo có đã bị Adama nhờ trùm du đãng Shiragushi Yuji dọa nạt mà “mượn” ngay máy ấy.

Bước tiếp theo là phải kiếm nữ tài tử chính cho phim. Tôi chủ trương rằng ngoài Matsui Kazuko ra, không còn ai khác. Cả Adama lẫn Iwase đều nói không được đâu. Bởi vì Matsui Kazuko, biệt danh Lady Jane[5] , là thiếu nữ mỹ miều mà danh tiếng đã vang lừng đến cả các trường khác, mà lại là nữ sinh trong Ban Diễn kịch Anh ngữ Bắc Cao nữa.

Phạm Vũ Thịnh dịch (Sydney 03 - 2005)

Chú thích:

[1] Cao: trường trung học cấp ba ở Nhật được gọi là Cao đẳng Học hiệu - Kôtô Gakkô. Bắc Cao, là trường nổi tiếng nhất thành phố Sasebo nhờ tỉ suất đậu vào đại học cao vượt bực trong toàn tỉnh.

[2] Chan: tiếng gọi âu yếm kèm theo tên trẻ em, các cô gái, bạn thân, người thân vai vế thấp hơnà để bày tỏ lòng yêu quý hay thân tình, của người Nhật.

[3] Iron Butterfly: Ban nhạc Heavy Rock Mỹ thành lập năm 1966, nổi tiếng năm 1968 với bản nhạc “Heavy”.

[4] Osu: tiếng chào đồng đội thường dùng trong các ban, hội của phái nam.

[5] Lady Jane: là nhan đề của một bản Rock nổi tiếng của ban Rolling Stones, nhạc và lời của Keith Richards và Michael Phillip Jagger, trong tập nhạc “Rotary Connection” phát hành năm 1967. Trong lịch sử Anh quốc có Lady Jane Grey (1537-1554), người đẹp não nùng với số phận bi thảm, lên ngôi nữ hoàng Anh được 9 ngày thì bị giam, và sau nầy bị xử tử, nạn nhân của việc tranh giành quyền lực sau khi vua Edward VI bệnh mất.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 10237)
(Xem: 9985)
(Xem: 9506)
(Xem: 9937)
(Xem: 10424)
(Xem: 9448)
(Xem: 10262)
(Xem: 10921)