- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Chỉ Muốn Yên Thân

09 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 9737)

blankSau khi được phóng thích, tù cựu sĩ quan miền Nam chịu sự quản chế của chính quyền địa phương tối thiểu một năm. Ngay buổi tối đầu tiên được trở về xum họp với gia đình, anh công an khu vực xuất hiện, yêu cầu tôi sáng hôm sau phải lên công an phường và mang theo một cuốn tập dùng làm "sổ trình diện". Thế rồi cứ đều đặn, tuần hai lần vào thứ hai và thứ sáu, tôi phải chống nạng, mang sổ đến đồn công an khai báo mọi việc làm và di chuyển trong những ngày qua. Đặc biệt phải ghi rõ tiếp xúc, quan hệ với ai. Trưởng công an phường xác nhận có trình diện, ký tên đóng dấu phiá dưới, mới được ra về.

Thấm thoắt đã hơn bốn tháng. Trình diện đã 20 lần. Chân trái bị thương trong tù, mất sức lao động nên được phóng thích như trong "giấy ra trại" đã ghi. Sau khi chữa trị tiếp và luyện tập, nay đi lại không cần chống nạng, nhưng phải bước chậm để giữ thăng bằng. Dĩ nhiên không thể bước nhanh và không chạy được.

Dù sức khoẻ kém, tôi cũng muốn làm một việc gì phụ giúp kinh tế gia đình. Để lại dưới chân núi Tam Đảo một nửa bàn chân, hẳn tôi không đủ sức làm nghề nông như Lộc, như Thắng, như Vân, hoặc đạp xích lô như Quang, như Minh, như Nhiễm v.v. Thích hợp nhất là công việc ngồi một chỗ, không phải di chuyển. Sau cùng tôi đã mua một xe bán nước sâm lạnh (một loại giải khát nấu bằng mía lau, rễ tranh, lá dứa thơm v.v.), hàng ngày đẩy ra lề đường trên đại lộ gần nhà, ngồi bán từ chín mười giờ sáng tới chiều. Vừa có "việc làm", vừa ngắm nhìn bầu trời cao rộng cùng dòng người qua lại và thỉnh thoảng có những bạn cũ hoặc người quen ghé lại hàn huyên tâm sự. Đặc biệt là công an không tra vấn khi lên trình diện vì ngày nào họ cũng thấy tôi có mặt tại địa phương.

Như mọi ngày, môt buổi sáng tôi đẩy xe sâm ra lề đại lộ. Chừng vài tiếng đồng hồ sau, một thiếu phụ dừng xe đạp ngay phía trước. Theo thói quen thường lệ, tôi đứng dậy, hơi nghiêng người về phía khách hàng:

" Cô uống ly lớn hay nhỏ?"

" Dạ, cho em ly nhỏ thôi."

Vừa trả lời, cô vừa lấy nón lá trên đầu xuống, dùng thay quạt, phe phẩy vài nhịp phía trước mặt. Những sợi tóc mai bay lên, hạ xuống. Mồ hôi đọng giọt lấm tấm trên vầng trán ẩn hiện ít nếp nhăn. Tôi đặt ly nước sâm trên thành gỗ, có ô tròn giữ cho ly không đổ. Cô đưa mắt nhìn cảnh vật chung quanh, cầm ly nước lên uống một chút, rồi để xuống. Cô nhìn tôi.

" Bà xã tôi nấu đấy," tôi đon đả giới thiệu món hàng đã mang lại cho tôi bí danh "ông bán nước." "Làm cẩn thận và vệ sinh lắm. Không bỏ đường hóa học đâu."

Cô cười nhẹ: "Dạ. .. Ngon lắm." Ngập ngừng đôi chút, cô hỏi: " Em xin lỗi. Có phải anh là ba của cháu V không ạ? Cháu TPNV."

Hơi ngạc nhiên, tôi đáp: " Vâng. Xin lỗi, cô là ..?"

" Dạ. Em tên Hiền, giáo viên dạy Văn lớp 9 của cháu ở trường LQĐ."

" À. Tôi có nghe cháu nhắc đến tên cô. Hôm nay mới được gặp. Chúng tôi phải lo kiếm sống, suốt ngày ngoài đường. Việc học hành nhờ các Thầy, Cô chỉ bảo."

" NV ngoan và học giỏi. Văn cháu đạt điểm cao. Em nghe cháu nói, anh mới đi "cải tạo" ở miền Bắc về, bán nước sâm lạnh trên lề đường này. Hôm nay ghé thăm."

Tôi kéo chiếc ghế đẩu để cạnh xe, niềm nở:

" Cô dựng xe lên lề và ngồi tạm đây. Đúng ra mời cô vào nhà mới phải."

Cô giáo dịu dàng như tên gọi, cám ơn tôi và từ từ ngồi xuống. Mặt trời đã lên cao. Những tia nắng xuyên qua tàn cây bã đậu, đọng trên tóc, trên áo màu tím xậm của cô, tạo thành những đốm nắng lung linh. Cô chỉ xấp xỉ ba mươi tuổi, khuôn mặt khả ái nhưng nghiêm nghị. Trang điểm xơ xài. Một chút phấn hồng trên má, không che được quầng thâm dưới đôi mắt.

Lúc ấy, hai người khách mới ghé: " Bán hai ly lớn, thật lạnh nghe."

Lo cho khách xong, tôi quay sang cô Hiền: " Mời cô uống nước đi."

" Dạ." Cầm ly nước lên rồi lại để xuống, cô Hiền ngước nhìn tôi :

" Hôm nay em ghé thăm, luôn tiện muốn nhờ anh nói với cháu V cho em xin những bài văn của cháu trong niên học vừa rồi. Em lưu vào tập những bài văn tiêu biểu lớp 9."

Chưa hết ngạc nhiên, tôi trả lời để cô yên lòng: "Vâng. Tôi sẽ nhắc. Mai mốt hết hè, cháu chuyển trường cấp 3, chắc không cần giữ làm gì."

" Dạ. Cám ơn anh."

Nét mặt chợt tươi lên, có những đốm lửa thắp sáng đáy mắt long lanh, cô chuyển đề tài một cách đột ngột:

"Anh được tha về chắc chị và các cháu mừng lắm nhỉ? Đi tù ở ngoài Bắc, em nghe nói cực khổ lắm phải không ạ?"

" Không thể nào tả hết đâu cô! Được tha về coi như được sinh ra lần thứ hai đấy. Thế cô có quen ai hoặc có người thân đi tù ngoài đó?"

" Dạ. Ông xã em." Không đợi tôi hỏi, cô tiếp: "Dạ. Anh ấy tên Bình, Tr K Bình, Trung úy Chiến tranh chính trị ở Tiểu Khu Gia Định. Giờ này vẫn chưa được thả anh ạ. Và cũng không có tin tức gì cả."

" Dạo tôi bị đưa ra Bắc, gia đình cũng không biết. Sáu, bảy tháng sau mới cho phép viết thư về. Thế cô có nhận được thư từ gì không?"

Khẽ lắc đầu, giọng cô trầm hẳn xuống:

" Lá thư cuối cùng, anh ấy gửi về, báo tin đang "học tập cải tạo" ở Xuân Lộc, Long Khánh."

Rồi không nhìn tôi, mắt hướng về một nơi xa xăm nào đó, cô tiếp:

"Mùa hè năm 1976, em và chị Lan, bạn cùng cảnh ngộ, lên Long Khánh, phải đi xe "lam" ba bánh chừng mươi cây số vào tới nơi giam giữ. Dạo ấy, chưa có chế độ cho gia đình thăm nuôi. Hỏi thăm dân và những người bán quán gần đó, được biết người ta chuyển tù cải tạo đi nơi khác từ mấy ngày trước rồi! Trong trại chỉ còn bộ đội. Em và chị Lan đều ngẩn ngơ, thẫn thờ, không muốn trở lại Sài Gòn. Hai chúng em cứ loanh quanh ở mấy hàng quán trước cửa trại, hy vọng biết thêm được tin tức mới ... Khi trời đã xẩm tối, hàng quán bắt đầu đóng cửa, phải trở ra Long Khánh trên chuyến xe "lam" cuối cùng trong ngày. Doanh trại phiá bên kia đường chìm dần vào bóng tối cùng với hai bộ đội gác cổng lạnh lùng, bất động. Thế rồi, khoảng cuối năm 1977, Chị Lan nhận được thư của anh T, chồng chị, cho biết hiện đang "cải tạo" ở ngoài Bắc. Thư có viết thêm là anh Bình, ông xã em cùng đi chung một chuyến tầu thủy. Nhưng đến Hải Phòng, bị tách ra, mỗi người đi một trại. Từ ngày đó, không có tin gì nữa. Em đã hỏi thăm nhiều người. Nghe có ai đi tù từ miền Bắc về là em tìm cách dò hỏi về anh Bình. Tiếc là ..." Đầu hơi cúi xuống, giọng cô tẩm nước mắt, nghẹn ngào như nói với chính mình: "Không biết anh ấy giờ này ra sao..."

Rồi cô ngước nhìn tôi. Ánh mắt trông chờ một tia hy vọng.

Tôi bối rối và vụng về, không biết an ủi cô cách nào. Khi bị giam giữ trong nhiều trại ở ngoài Bắc, tôi từng gặp mấy bạn tù Chiến Tranh Chính Trị như Lâm, Hải, Tích v.v. , nhưng chưa hề nghe biết gì về trung úy Bình. Cả trăm ngàn "tù cải tạo" đủ mọi thành phần trải ra trong các trại tù ngoài đó, không dễ truy tìm được tin tức Tr.K Bình, Tiểu Khu Gia Định. Việc làm của cô khác nào mò kim đáy biển. Không nỡ khiến cô thất vọng, nhưng tôi chẳng có giải pháp nào khác hơn là thú thực rất tiếc không gặp và cũng không ở chung trại với ai tên Tr. K.Bình.

Nét mặt chợt mờ sẫm, có những phiến nước mắt khuất che dần những đốm lửa hy vọng lúc cô say sưa nói về cảnh đi tìm chồng, như đọc một bài học thuộc lòng. Chẳng rõ tôi là người thứ bao nhiêu được nghe câu chuyện ấy. Tôi liên tưởng đến cuộn băng nhựa đã ghi âm, chỉ chờ vặn nút là phát lại. Đầu cô gục xuống bờ vai như một phạm nhân vừa nghe tuyên án. Hình như những ngón tay vụng về đưa lên chấm hai bờ mắt thẫm ướt.

" Bán một ly nhỏ đi ông." Một người khách mới ghé cao giọng yêu cầu.

Giật mình, cô ngước lên, thúc dục: "Kìa anh bán nước đi."

Tôi vừa lấy nước sâm bán vừa cười méo mó, xót xa nghĩ đến hai chữ "bán nước." Tôi tự hỏi không biết ai đã "bán" và "nước" là nước nào? Miền Nam chẳng hề để lọt một giải đất vào tay ngoại cường, tuy rằng thực sự xảy ra cuộc chiến ngắn ngủi nơi hải đảo Hoàng Sa đầu năm 1974. Ngược lại, phe chiến thắng, đang và sẽ cắt nhượng hầu hết những cao địa chiến lược biên giới phía Bắc, tới những phần lãnh hải trên biển Đông, niềm hy vọng cuối cùng cho sự hồi phục kinh tế của dân tộc, đất nước. Chỉ tiếc rằng, đoạn kết bi thảm của miền Nam đã tạo nên bao biến chuyển, dâu bể cùng những hệ lụy đau thương, không biết bao giờ mới hàn gắn được...

Dường như đã qua cơn kích xúc, lấy khăn tay nhẹ nhàng chậm những giọt nước mắt còn đọng trên má, trên môi, cô hấp tấp đứng dậy, bối rối và ngượng ngùng ngỏ ý muốn trả tiền ly nước và cáo từ. Dĩ nhiên là tôi không nhận tiền và thực sự không biết nói gì hơn: " Còn nhiều người bị giam ở ngoài đó lắm cô ạ. Không chừng ít lâu nữa có tin tức. Để tôi gặp ai tù ngoài đó, sẽ hỏi gíúp cô, may ra có người biết. Cô không nên lo lắng quá."

Nói xong, tôi tự trách mình thực vô duyên. Chồng đi tù đằng đẵng bảy tám năm trời, chưa biết sống chết thế nào, cô không lo lắng sao được.

" Dạ. Cám ơn anh. Thôi, để anh lo công việc. Em xin phép ... À anh nhớ nhắc cháu giúp em và nếu gặp ai, làm ơn hỏi giùm em."

Cô Hiền chậm rãi dẫn xe cách xa chỗ tôi chừng mươi thước. Chiếc nón lá vẫn máng trên tay lái xe đạp. Bước chân như chừng nặng nề, rã mỏi. Y phục xậm mầu. Giải băng tím quấn ngang đầu, buông hai đuôi dài qua gáy. Tôi liên tưởng đến dáng vẻ của một nữ tu. Là cô giáo dạy văn, hẳn cách phục sức của cô biểu hiện phần nào tâm trạng thương nhớ, đợi chờ, khắc khoải, hầu như tuyệt vọng. Linh tính cho tôi biết có lẽ tôi không phải là cựu tù binh từ Bắc về đầu tiên hay cuối cùng cô đã tìm đến. Mỗi khi biết được có ai đi tù ở miền Bắc, được tha về, hy vọng lại bùng lên, để bị phũ phàng dập tắt. Với ai đó, "ngày 30 tháng 4" có thể vĩ đại, vinh quang. Nhưng với chúng tôi, với những người vợ lính trẻ như Hiền, những người bị tước đoạt đi quyền sống bình thường, quả thực

Đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ,

Nón tai bèo che kín cả tương lai.

 

Cô giáo Hiền đã đi xa, rồi bị cuốn hút vào dòng xe náo nhiệt ngược xuôi trên đại lộ. Náo nhiệt khiến chóng mặt như dòng đời. Thoáng trở lại trong tâm trí tôi ý nghĩ Hiền không phải là người duy nhất đang trong cảnh mỏi mòn trông tin người chồng yêu dấu bị khổ sai, biệt xứ, cùng biết bao tai họa chờ đợi trong nhà tù ... Cuộc sống cô giáo Hiền chỉ là một hoạt cảnh trong bức tranh rộng lớn xã hội miền Nam VN. Truyền thống đạo đức phương Đông, bổn phận và trách nhiệm trong công việc thường ngày giúp cô có đủ nghị lực, cố nén thương đau nhớ nhung dày vò. Nhưng cô giáo Hiền hôm nay khác với người chinh phụ ôm con năm xưa, mắt vời trông về chiến trường xa, mà thương, mà nhớ đến hoá đá. Chồng cô và đồng đội đi vào chiến trường mới, sau khi đã bị tước bỏ vũ khí. Chỉ với chút lửa hy vọng nhỏ nhoi trong lòng, không mệt mỏi, cô tới lui nơi này, nơi khác dò thăm tin tức...

" Bán hai ly ông ơi!"

Khách "đổ" sâm kéo tôi về thực tại. Vượng, bạn cùng tù ở Long Giao (Long Khánh) và Hoàng Liên Sơn, sau bị phân tán, chuyển đi nhiều trại khác nhau. Từ ngày được tha về, khi có dịp đạp xe ngang qua đây, anh ghé lại uống nước. Anh thường nói đùa phải dừng trạm "đổ" sâm.

Tôi hỏi anh có ở chung trại với người nào tên Tr.K.Bình, cùng ngành Chiến Tranh Chinh Trị với anh. Vượng cau mày, suy nghĩ một chút rồi nhìn tôi buồn bã lắc đầu. Ánh mắt Vượng khiến tôi nghĩ đến số phận của những người tù đã nằm yên trong mộ ở bìa rừng hoặc nát thây giữa khe núi mà gia đình, người thân không nhận được giấy báo tử.

Khách đi rồi. Chuỗi suy tư vẫn tiếp nối. Tôi thầm nghĩ rất nhiều người ấp ủ hy vọng như cô Hiền nên vẫn còn đứng vững trên đôi chân. Vượt qua được tháng ngày lo sầu hành hạ, dằn vặt là nhờ vào niềm hy vọng dù rất mong manh. Hy vọng và lòng yêu thương là nguồn sống mãnh liệt, là sức mạnh vô song đã giúp biết bao gia đình (trong đó có gia đình tôi), vượt qua được những tủi hổ, nhục nhã, đắng cay, không sa xuống hố tuyệt vọng giữa lúc đổi đời. Nhưng cũng không ít người đã không chống đỡ được với nghịch cảnh, kiệt sức giữa biển khổ mênh mông, nên đành buông xuôi, cho trôi theo "hoàn cảnh" hay "định mệnh." Có thể tin được chăng, tại trại giam ở Long Giao-Long Khánh, người tù tên H. nhận được lá thư của vợ gửi vào, xin phép được "bước đi bước nữa" vì bà ta đã kiệt sức, không biết làm cách nào một mình có thể nuôi nổi ba con nhỏ, đứa lớn nhất mới năm tuổi. Cuối tháng 3-1975, gia đình H. theo đoàn người di tản từ Đà Nẵng vào Nam với hai bàn tay trắng và không có thân nhân. Nay anh ở tù không biết ngày về, cho nên vui vẻ trả lời: "Em yêu dấu. Nếu còn thương anh và thương các con, em hãy "chạy nhanh lên", không nên "bước", chậm quá!!!"

 

Ngồi bán nước sâm lạnh ở lề đường đã sáu, bảy tháng. Những chùm hoa phượng rực rỡ đỏ, trên tàn lá xanh tươi, đón mùa hè nắng nóng về ngang sân trường, xuôi theo đại lộ. Có hai ngôi trường trung học lớn và hai trường tiểu học cách chỗ tôi không quá nửa cây số. Thế nên vào giờ tan trường, từng đoàn học sinh hối hả đạp xe hoặc tung tăng rảo bước, ngập kín con lộ và hè phố, khiến tôi cũng nao nao nhớ về những kỷ niệm xa xưa.

Con gái tôi, tan trường về, ghé vào xe nước sâm:

"Ba! Sáng nay cô Hiền bị hành hung trong lúc đang giảng bài cho chúng con."

" Tại sao vậy? Không có ai bảo vệ cho cô? Các thầy cô khác và Ban Giám Hiệu đâu?’

" Thầy Nhiễm giám thị và Ban Giám Hiệu tới thì họ đã đi rồi!"

"Cô Hiền có bị sao không? Có báo công an không?"

"Con không rõ lắm. Mai mốt Ba gặp thầy Nhiễm hỏi xem sao".

 

Cả buổi chiều còn lại, dù bận rộn lo lấy nước bán cho khách qua đường nhưng tôi không tránh khỏi suy nghĩ mung lung về vụ cô Hiền bị hành hung.

Theo con gái tôi kể lại, lúc ấy, một người đàn bà và một thanh niên chừng 17, 18 tuổi xồng xộc đi thẳng vào trong lớp. Dáng vẻ hung hăng, dữ tợn lắm. Bà ta đứng chặn ngay cửa ra vào, chỉ tay về phía cô Hiền đang đứng trên bục gỗ, cho lệnh anh thanh niên: "Con đập nó cho Má. Cho chừa cái tật thấy ai cũng bắt chuyện. Thấy ai cũng làm bộ thân thiện, liếc mắt đưa tình." Cô giáo và cả lớp học còn ngơ ngác, chưa hiểu chuyện gì, người thanh niên đã tiến đến gần bục gỗ. Cô Hiền lùi về phiá sau, vội đưa quyển sách đang cầm trên tay lên che mặt khi thấy anh ta vung tay đấm thẳng về phía cô. Quyển sách văng xuống nền nhà. Cô Hiền lảo đảo. Giải băng màu tím xậm cô thường quấn trên đầu bị sút ra. Cả lớp ồn ào hẳn lên và có nhiều tiếng la hét. Một vài học sinh lên đỡ cô, rồi bốn năm người nữa đi lên. Có vài nam sinh phóng chạy ra ngoài tìm thầy giám thị Nhiễm và báo cho Ban Giám Hiệu. Trong khi ấy, người đàn bà vẫn lớn giọng: "Đập cho nó chừa cái tật." Rồi, hai mẹ con đắc thắng ra về trước khi thày Nhiễm và thầy Hùng, Phó Hiệu Trưởng chạy tới.

Hai hôm sau, ngày chủ nhật, thầy Nhiễm ghé chỗ tôi "đổ" sâm. Nhiễm trông khoẻ mạnh, nước da ngăm đen, là giáo viên giữ nhiệm vụ an ninh trật tự ở trường LQĐ. Trước 1975, Nhiễm bị động viên, vào học trường Sĩ Quan trừ bị. Anh được biệt phái về ngành giáo dục năm 1969, lúc mang cấp thiếu úy. Rồi 30 tháng 4 ập đến, Nhiễm bị tù cải tạo gần hai năm, tha về, được đi dạy học lại.. Lương giáo viên kể cả mọi trợ cấp ưu đãi, không đủ nuôi sống gia đình nên Nhiễm phải mướn xich lô, đạp chở khách ngoài giờ làm việc ở trường. Bến xe xích lô lại đối diện trường LQĐ. Học sinh và phụ huynh đã có nhiều lần ngược xuôi trên xe của thầy Nhiễm.

Trong lúc chuyện trò tâm tình vì cùng mang họ "Phạm" (Phạm Nhân), tôi hỏi Nhiễm sao lại để xảy ra vụ hành hung và sự việc thế nào?

Giọng trầm buồn có vẻ mệt mỏi, Nhiễm kể:

"Có gì đâu ông! Bà Hiền lúc nào cũng muốn tìm biết tin tức cuả ông xã. Hễ ai mách bảo có người tù cải tạo, nhất là từ miền Bắc được tha về là bà ta tìm mọi cách để gặp, hy vọng may ra có được chút tin tức của ông chồng. Trong tổ dạy Văn, thầy Trớn có biết một vài người mới được thả về. Dĩ nhiên là bà Hiền phải nắm lấy cơ hội, nhờ thầy Trớn giới thiệu. Không biết có được tin gì chăng, nhưng bất hạnh thay, vợ thầy Trớn hiểu lầm và dẫn thằng con trai đến tận trường hỏi thăm sức khỏe bà Hiền."

" Sao nhà trường không báo công an. Thế cô Hiền có bị gì không?" Tôi ngắt lời thầy Nhiễm.

"Bà Hiền bị xước một chút trên trán vì quyển sách quét qua, nhưng tinh thần hốt hoảng và sợ hãi. Tôi có đề nghị báo công an nhưng Ban Giám Hiệu nhất trí để nội bộ xử lý."

" Sao kỳ vậy hả thầy? Vào trường hành hung giáo viên đang giảng bài trong lớp...."

" Chúng tôi biết mà." Thầy Nhiễm ngắt lời tôi và tiếp: " Ông biết không? Ngay hôm đó, thầy Hiệu Trưởng nói với tôi: Vợ thầy Trớn là chị ruột vợ của ông trên thành ủy. Kẹt quá!"

" À ra thế!" Vô tình hai chúng tôi cùng buông tiếng thở dài. Thầy Nhiễm lại xe xích lô, lấy cái điếu cầy nhỏ xíu, rít một hơi, uống hớp nước rồi tiếp:

" Ông biết không, Bà Hiền cũng lạ lắm. Trước đây, đã hai ba lần ông hiệu trưởng mời lên văn phòng yêu cầu nên sinh hoạt hợp với hoàn cảnh thực tế. Ví dụ những buổi mít tinh kỷ niệm ngày lễ lớn hoặc những buổi họp mặt giữa chính quyền, nhà trường và phụ huynh, ông ta đề nghị bà Hiền không nên mặc y phục như đi dự tang lễ. Nhưng không thay đổi được gì.. Ngay cả tôi, phải bán sức lao động mới có thêm chút đỉnh nuôi gia đình, thế mà còn nghe thoáng bên tai là bêu xấu chế độ!"

Thày Nhiễm khẽ lắc đầu, kéo một hơi thuốc, ngửa mặt thả những cuộn khói xanh lam lên vòm trời. "Ông thấy đó. Có cần phải bôi xấu thêm không?"

Thầy Nhiễm uống cạn ly nước. Trước khi lên xích lô đạp về bến, nói đủ cho tôi nghe: " Bây giờ khác nhiều lắm rồi, không còn được như xưa đâu! Không chừng điên hết đó ông ạ!"

Thầy Nhiễm đi rồi. Nhưng câu nói "không còn được như xưa đâu" thật thấm thía. Hành động thiếu lễ độ, đã không tôn trọng mà còn dùng bạo lực đối với giáo viên cứ quanh quẩn trong trí tôi. Nơi tâm tư riêng, tôi rất quý mến và kính trọng các thầy, cô. Không biết có phải vì đạo đức truyền thống gia đình? Ông nội tôi xưa kia, đã qua kỳ khảo hạch khóa sinh và "nộp quyển", chuẩn bị lều chõng, nhưng vì hai đại tang liên tiếp nên không được dự những khoa thi Hương cuối cùng. Người ta gọi Ông là cụ Khóa và Ông thâu nhận môn sinh, truyền đạt giáo lý Khổng Mạnh, đúng vào lúc "cái học nhà Nho đã hỏng rồi." Rồi tới cuối thập niên 1930, trước khi tôi chào đời, cha tôi cũng là nhà giáo, lúc đó là theo khuôn mẫu giáo dục của Pháp. Riêng tôi, thưở còn là sinh viên, gia đình nghèo, cũng làm nghề "gõ đầu trẻ" kiếm sống, nhưng chỉ là hợp đồng, khế ước. Tuy thế người ta quý mến, thân thương gọi tôi là "cậu giáo" và tôi chưa từng chứng kiến hoặc nghe kể chuyện có ai đó vào tận lớp tấn công hoặc hành hung thầy cô đang giảng bài. Chẳng lẽ mọi việc thực đã thay đổi hết rồi sao? Những câu "Tiên học lễ, hậu học văn" hoặc "Kính thày, yêu bạn" có còn được dạy cho các em học sinh nữa không? Tôi nghĩ đội ngũ giáo viên, những kỹ sư của tâm hồn cũng như các em học sinh, rường cột của nước nhà mai sau, cần được luật pháp bảo vệ và những người có trách nhiệm quan tâm. Không cho phép bạo lực len lỏi vào học đường và hãy ngăn ngừa, chặn đứng ngay những hành động cậy quyền, thiếu văn minh và không tử tế đối với giáo viên. Có ai hiểu được tâm trạng cô giáo Hiền? Ngày ngày giảng bài trong lớp, truyền bá kiến thức cho học sinh nhưng khi đêm về, có ai biết cô đã phải vất vả chống chọi với nỗi cô đơn, lo lắng thế nào? Biết đâu chừng những giọt nước mắt tủi thân, xót phận hàng đêm lăn dài trên má cô. Niềm thương nhớ, khắc khoải trông ngóng tin tức người chồng canh cánh bên lòng, tâm trạng rối bời, chắc hẳn cô không còn đầu óc nghĩ đến những chuyện tình vu vơ. Hơn nữa, nghề nghiệp giáo viên cũng là rào cản khó vượt. Xin đừng mang suy nghĩ nông cạn, thiếu ý thức đạo đức để làm tổn thương người khác như vợ con thày Trớn đã làm. Để rồi người ta giải quyết sự việc một cách tiêu cực, theo chiều hướng không muốn mất lòng trên thành ủy hoặc không muốn phải chuyển đi vùng sâu, vùng xa mà chỉ muốn yên thân. Cho nên để nội bộ xử lý. Đơn giản là xin lỗi vì hiểu lầm và vì tuổi trẻ nông nổi. Riêng cô giáo Hiền, vẫn đơn độc trước bao nhiêu áp lực và nanh vuốt của dòng đời. Đất trời mênh mông, ngóng tin chồng biền biệt, rủi nhiều may ít. Liệu cô đủ sức chịu đựng được bao lâu nữa trong cơn lốc xoáy bụi hồng này.

 

Chuyện xẩy ra cách đây một phần tư thế kỷ mà tưởng như mới hôm qua. Gia đình tôi định cư tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cũng đã gần hai chục năm. Cho tới hôm nay, có nhiều dịp tiếp xúc với người bản xứ, tôi được biết còn nhiều gia đình người Mỹ vẫn tin rằng thân nhân họ–trong số hơn 2000 quân nhân được ghi nhận là mất tích [MIA]– có thể còn sống và đang bị giam giữ tại Việt Nam, Lào, Kampuchea hay dẫn giải qua Liên Bang Nga, Trung Cộng, v.. v... cho dù cuộc chiến đã kết thúc từ lâu. Thời gian không thể cuốn theo hy vọng trong lòng người. Nhưng thời gian cũng có thể là một loại độc dược như người ta thường nói. Không biết Tr-K-Bình có trở về với người vợ trẻ hay người ta tìm thấy trong cuốn sổ ghi tên bệnh nhân đang điều trị tại một bệnh viện tâm thần nào đó, có tên cô giáo Hiền.

 

Triệu Vũ

(Lễ Tạ Ơn 2008)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 10332)
(Xem: 10083)
(Xem: 9604)
(Xem: 10034)
(Xem: 10513)
(Xem: 9543)
(Xem: 10344)
(Xem: 11028)