- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

SƯƠNG KHÓI MÙA XUÂN

14 Tháng Giêng 202511:42 CH(Xem: 5620)


Bui Hoang Linh
Người viết trẻ Bùi Hoàng Linh

Bùi Hoàng Linh

SƯƠNG KHÓI MÙA XUÂN

 

Tết không đơn thuần là cột mốc đặc biệt của tháng năm ghi dấu nơi tờ lịch mà là một phần của tâm thức tồn tại vĩnh viễn bên trong hồn người. Chỉ cần đến tháng chạp nó thức dậy những kỷ niệm tưởng tạm ngủ yên suốt gần một năm qua và gửi gắm những ước muốn vào năm mới với biết bao hy vọng mong chờ...

 

**

Minh hoa  tet
Minh họa TẾT



Những cái tết xưa, dưới khói bếp của nồi bánh tét trước sân nhà với hai cây mai mà ông nội chắc trồng từ trẻ, khi mình sinh ra đã thấy nó trước sân rồi, cảnh vật đó như một bức ảnh mùa xuân mà người ta hay sắp xếp để chụp hình thì mình may mắn trải qua cái không gian sống rất thực đó. Có ông bà cha mẹ cùng quây quần gói bánh tét, và những đứa bé như mình thì làm những đòn bánh tét nhỏ như cái cổ tay xinh xắn, nhỏ bé nhưng lại chứa đựng niềm vui rất lạ. Hay khói bếp củi của những mẻ mứt mẹ làm dưới những đêm sương ngày giáp tết đủ để làm cay mắt một đứa bé, nhưng vẫn cứ ôm cánh tay mẹ, chờ những mẻ mứt đầu tiên để cảm nhận những cái ngọt ngào của mứt đậu trắng, mứt cà rốt, bí đao. Sự thèm thuồng của trẻ thơ rất đơn giản và vì thế dấy lên những hạnh phúc mà chỉ tuổi thơ mới có thể đón nhận tuyệt đối vẹn tròn. Để rồi khi lớn lên, dù không còn khói xám nơi mái tranh ngày cũ, mà mắt vẫn cay khi kỷ niệm ùa về, ùa về vì nó không về từ từ, vì ngày tháng cứ nghiêng xuống biết mấy nhớ thương như những cơn mưa xuân cứ thả bụi mờ gương trời đất, lan man như không muốn tạnh bao giờ.

Những ngày chuẩn bị Tết là khoảng thời gian tưởng như đời thường, vẫn còn mặc những chiếc áo cũ, nhà cửa vẫn còn ngổn ngang, mứt bánh hoa quả đang chuẩn bị dần nhưng khi nhớ lại thì người ta lại dễ nhớ nhất. Bởi cái cảm xúc cộng hưởng của tình cảm, sự gắn bó của các thành viên trong gia đình Việt. Ông và ba sẽ chuẩn bị lau dọn bàn thờ, sơn lại cửa, quét lại tường vôi. Bà và mẹ thì làm mứt, làm dưa món, và đi chợ mua những thứ cần thiết để cúng chiều ba mươi, đêm giao thừa, sáng mồng một. Sắm những bộ đồ đẹp nhất cho con cái để mặc vào ngày đầu một năm.

Sự đồng hành cùng nhau đã kết nối sợi dây tình cảm của nhiều thế hệ. Tết thiêng liêng nhưng bắt nguồn từ những điều bình dị.

 

**

Với mình đêm ba mươi của  những ngày thơ bé là đêm với chập chờn mộng mị. Bởi tuổi thơ thì thèm ngủ, nhưng tiếng phaó hoa đêm giao thừa lại đánh thức mình dậy, nửa tỉnh nửa mơ. Để như lạc một miền không gian rất lạ giữa cái đêm trời tối hơn mọi khi, nghe mùi trầm hương lẫn mùi tiền vàng mã vừa đốt, bước ra sân trước với cành mai gầy guộc giữa cái bàng bạc của màu khói chơi vơi cùng sương khuya mà ngỡ như bước lạc vào không gian cổ tích. Và trong cái thời khắc hoán đổi tháng năm của đất trời người ta thành tâm cầu nguyện mong bình an cho gia đạo mới thấy tết nó mang đến cái điều gì đó kỳ diệu của nhân gian, mà những ước mong đã được con người ký thác hết nỗi niềm của mình trong khoảnh khắc chia tay cái cũ để đón nhận cái mới. Cũng có khi là hoài niệm ngày cũ, ôn cố tri tân để biết có hôm nay đã phải trải qua biết bao bước đường rong ruổi của đời người đầy gập ghềnh dâu bể. Giao thừa có lẽ là thời khắc thiêng liêng mà cũng gần gũi như những câu chuyện tâm tình cùng nhau giữa các thành viên. Ở cái thời khắc cuối cùng của một đoạn hành trình người ta thường lặng lẽ nghĩ về nhau, mong cầu cho nhau và cả những lời hứa với chính mình về một năm mới sẽ cố gắng hơn nữa, yêu thương hơn nữa để những mái nhà Việt vẫn mãi ấm nồng như ly rượu vừa nhấp những ngụm thấy cay đó, chát đó mà nghe sao rất đỗi ấm lòng.

 

**

Sáng mồng một thức dậy với nụ cười và lời chúc đầu năm trong bộ đồ mới mà mẹ dẫn đi may những ngày giáp tếp, áo quần mới đến độ cảm giác lòng người cũng như những đường chỉ vừa mới khâu lại những tách rời và chia cắt những mảnh vải thành một cái áo hoàn thiện. Có lẽ ngày đầu một năm mọi sự trọn vẹn là điều mà ai cũng hướng tới và đặt dấu chân hướng tới cột mốc tương lai cùng niềm hy vọng. Mình vẫn nhớ bà nội, cả năm vẫn trong bộ áo bà ba màu nâu cũ, khoác ngoài cái áo len. Đến sáng mồng một là thay một bộ đồ ba ba màu trắng mới, rồi trong bọc áo là gói thuốc cẩm lệ bọc trong bịch ni lông, và lấy tiền mừng tuổi cho các cháu. Ba mẹ cũng lì xì đầu năm để lấy may mắn cho năm mới. Nhưng mình vẫn nhớ nhất là lời dặn khi có ai lì xì thì vòng tay cám ơn và không được mở ra xem trước mặt khách. Cũng như khách có đến thì ra chào dạ thưa rồi lui vào nhà sau để ba mẹ nói chuyện, không được hóng hớt chuyện người lớn. Tết ngoài là những ngày lễ hội còn là những sinh hoạt mang bao phong tục tập quán. Ở đó những bài học về văn hoá, tập tục cũng được truyền dạy cho những thế hệ tiếp theo. Để khi lớn lên thì vẫn mang theo những lời dặn đó, những bài học rất đời mà cũng rất cần thiết để thành nhân.

 

Tết đã lưu truyền tự bao đời để nhắc nhớ con người về nguồn cội với lễ chạp mộ trước tết, và những sớm mai đầu năm viếng mộ thắp nhang để thấy có những cuộc trò chuyện tưởng như với chính mình qua lời khấn khẽ mà hoá ra là đối thoại với tiền thân. Và cảm nhận rằng sợi dây tình cảm của người Việt vẫn nối tiếp hai cõi hữu hình và vô hình thông qua kỷ niệm. Kỷ niệm tưởng thiu thiu ngủ êm trong đời sống, tết bước tới lay thức để làm chỗ dựa tâm linh cho con người hướng về tổ tiên khi kính cẩn dâng hương với tấm lòng thành.

 

**

Có lẽ không ai biết tết đã có tự bao giờ, cũng như không ai dạy người ta ăn tết chơi tết. Nhưng đời sống trên quê hương Việt Nam với sự gắn bó của tình cảm gia đình đã làm người ta ngóng đợi mùa xuân đoàn viên khắc khoải đến nhường nào. Những năm không về quê ăn tết, nghe những bài nhạc xuân về mái nhà có bà mẹ đang chờ con, có người cha vẫn trầm ngâm đợi bước con về hẳn ai cũng ngậm ngùi vì còn lưu lạc tha phương để xây ước mơ đời mình nơi viễn xứ. Nỗi đoạn trường là thước đo thử thách sự thuỷ chung của tình cảm, để rồi khoảnh khắc sum vầy mới vỡ oà hạnh phúc sau những tháng năm dài cách trở. Người ta biết trân trọng những lần đoàn viên ngày một hiếm hoi hơn khi mùa xuân cứ gieo xuống mái đầu màu của thời gian nhuộm theo tuổi mình. Và người ta vẫn hoài mong ngóng ngày về quê hương, nỗi ngóng chờ cứ như những giọt sương nhớ đất nhớ trời mùa xuân mà lắng đọng lại trên những cánh mai vàng sân trước. Và tấc lòng mình cũng ướt sũng bởi những kỷ niệm của những ngày tết Việt như thế. Như những cơn mưa phùn cứ bay nhẹ trong xuân như sương như khói mà ám ảnh trọn đời.


Saigon, ngày 8/01/2025

Bùi Hoàng Linh

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Ba 20252:50 SA(Xem: 4948)
Nếu trái tim anh không còn ai để nhớ / Chắc sẽ buồn, sẽ trống trải lơ ngơ / Sẽ lạ chiều bếp tạnh / Nỗi muộn màng / Sóng mù biển xanh
25 Tháng Ba 20253:42 CH(Xem: 4499)
nắng chiều / chun vô hẻm mưa / mây tía thủng thẳng / về cưa núi đồi / nhà nằm / mật độ sương phơi / leo lên nóc tự / búng trời lãng phiêu / lòng bâng / thở mỵ ra kiều
25 Tháng Ba 20252:45 CH(Xem: 4770)
Yosa Buson (1716-1784), là thi sĩ và họa sĩ người Nhật. Ông đến thành Edo học vẽ và làm thơ theo Bashō. Cùng với Matsuo Bashō và Kobayashi Issa, ông được xem là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của thời kỳ Edo. Những bài thơ dưới đây được dịch từ bản tiếng Anh của William Scott Wilson.
25 Tháng Ba 20252:10 CH(Xem: 3984)
Chúng tôi định đứng nói chuyện lâu hơn, nhưng bị mấy người dưới ghe to tiếng gọi. Chúng tôi chia tay, tôi nghe thấy người bạn trong bộ áo choàng linh mục bên cạnh bình thản nói với tôi: “Nếu mày còn ở vùng này, nhớ đến thăm tao”. Tôi bỗng thấy cả một thời trung học quay trở lại, tôi rưng rưng ôm lấy hắn và buột miệng: “Cha ơi là Cha”. Lúc ghe đã xa bờ, tôi cố nhìn lại, thấy hắn trong chiếc áo choàng đen vẫn còn đứng như in hình trong bóng trời chiều cho đến khi chiếc ghe rẽ quặt sang một hướng khác.
24 Tháng Ba 202510:05 CH(Xem: 4424)
Tôi tìm trên khóm cỏ / Tôi tìm trong tán cây / Trên tường vôi , bảng hiệu / Trên áo người qua đây
22 Tháng Ba 202512:40 SA(Xem: 5070)
Tôi có người Anh / Lâu rồi không thả hồn viết về đồng đội, những người lính trẻ / Chắc hẳn cũng quên, thời vẫy vùng ngang dọc / Thời nắm đấm vung / Khi không vui, khi giận dữ, cuộc đời! Tôi có người Anh / Từng thương tích đầy người qua chiến trận / Từng say khướt đêm dài, ngày phép ngắn, để quên đau…
20 Tháng Ba 202511:54 SA(Xem: 3685)
Giới thiệu của người dịch: "Cuốn sách này là bản dịch của một tập hợp bài viết về các nhân vật, văn học và báo chí của các cá nhân người Việt đã có những đóng góp đáng kể cho văn học, nghệ thuật và khoa học. Đây là một nguồn thông tin phong phú về lịch sử xã hội, văn hóa và chính trị của Miền Nam Việt Nam, cũng như sự nghiệp cá nhân trong lãnh vực nhân văn. / Những nhân vật được mô tả phần lớn đã nổi tiếng trong thời kỳ 1954 - 1975. Sau khi Miền Nam sụp đổ vào tay Bắc quân năm 1975, hầu hết trong số họ đã bị giam cầm một số năm trong các trại cải tạo cộng sản. Sau đó, vào những năm 1980, một số đã đến Hoa Kỳ và hầu hết vẫn tiếp tục hoạt động sáng tạo."(ERIC HENRY / Đồi Chapel, Bắc Carolina. / Viết cho Ngày 30 tháng 4 năm 2025).
18 Tháng Ba 20253:30 CH(Xem: 4501)
Hột nổ / Trong con mắt / Đồng bạc cắc / Túi lủng Cúi / Lượm / Một duyên tình / Hát vui đời / Túng quẫn /
17 Tháng Ba 20251:13 SA(Xem: 4469)
Anh muốn cầm bàn tay em / Ngồi bên chiều vừa xuống / Đợi hoàng hôn rơi trên biển xa / Ở một nơi trăng sao mềm vai nhớ
17 Tháng Ba 202512:46 SA(Xem: 4429)
Rưng rưng lệ vương khóe mắt / Tìm đâu hình bóng Mẹ xưa / Lời ru khi còn thơ trẻ / Ơi…à thương mấy cho vừa