- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THƠ KHÁNH TRƯỜNG: “MỘT VẠT NẮNG TRONG”

19 Tháng Tư 20246:57 SA(Xem: 1556)
THO KhanhTruong

Bìa tập Thơ Khánh Trường.
Sách dày 242 trang.Do NXB Mở Nguồn phát hành. 



Thơ Khánh Trường: “Một Vạt Nắng Trong”
Nina Hòa Bình Lê

Sáng sớm Chủ Nhật, điện thoại gõ nhẹ, nhìn vào messenger thấy dòng chữ nhắn tin từ chú Khánh Trường: “Tập thơ in xong rồi. Ghé lấy nhé.” 30 phút sau tôi ghé nhà, chú chỉ lên kệ sách: “Chỉ mới in 3 cuốn. Cháu cầm 1 cuốn về đọc trước.” Mở trang đầu dưới dòng chữ THƠ KHÁNH TRƯỜNG là hàng chữ “Tặng cháu, Nina Hòa Bình Lê”.  Cảm động. 

 

Bài viết này xin có lúc được gọi Chú, xưng cháu.

 

Thú thật tôi chỉ thật sự tìm đọc Khánh Trường trong những năm gần đây, sau khi thường xuyên lui tới thăm hỏi chú sau khi tờ Việt Báo chuyển thành tuần báo. Trước kia đọc đây đó những mẩu truyện ngắn, dài trên các trang mạng, những trang sách với khá nhiều tình tiết bạo lực và dục tính không lôi cuốn tôi mấy, dẫu bản thân luôn thán phục tinh thần làm báo dấn thân lì lợm và công trình Hợp Lưu “dày cộm” cũng như những đóng góp khai phá của người chủ biên, tạo khung trời mới vun xới những cây bút chủ lực cho nền văn học hải ngoại và trong nước.

 

Với nhiều kỳ tích, người viết người đọc không ai xa lạ với cái tên Khánh Trường. Khánh Trường-Nhà Văn, ngang ngược tung hoành trong 25 cuốn sách. Khánh Trường-Nhà Báo lì lợm qua 12 năm Hợp Lưu gai góc. Khánh Trường-Họa Sĩ, ngỗ nghịch trên 400 bức tranh sơn dầu táo bạo. Và Khánh Trường-Nhà thơ, với tập thơ mới “Thơ Khánh Trường” do NXB Mở Nguồn vừa phát hành, dày 242 trang. Liệu bức chân dung Khánh Trường-Nhà Thơ có đủ đậm nét so với những bức chân dung Khánh Trường khó bì khác?

 

Thật ra, đây không phải là tập thơ đầu của Khánh Trường, như trong lời mở, Khánh Trường viết: “Tôi làm thơ rất sớm, và nhiều, từ năm mười sáu tuổi đến nay đã ngót sáu mươi năm, nhưng vẫn nghĩ thơ mình tầm thường, làm chỉ cho riêng mình như một hình thức ghi lại những biến cố đã trải nghiệm hoặc ngẫu hứng, cốt vui.” Tập thơ đầu”Đoản Thi Khánh Trường” ra đời 42 năm trước khi Khánh Trường mới đến Mỹ mà theo ông chỉ vì nhà in nơi ông làm việc đang “ế”. “Với tôi, vẽ, viết văn xuôi hay làm thơ chỉ cốt vui, không có tham vọng đi vào văn học sử. Tập thơ này cũng thế.”

 

Tập “Thơ Khánh Trường” ra đời chỉ để “vui thôi mà”, gồm ba phần: Phần 1: Ngẫu Hứng. Phần 2: Mai Anh Về Miền Trung & Những Bài Thơ Khác; và Phần 3: Khổ Lụy.

 

Ngẫu Hứng là phần tôi thích nhất, tập hợp những bài thơ ngắn “bất chợt nẩy ra trong đầu”. Thơ được viết tự nhiên, không màu mè, không cơ bắp, không gồng, không làm dáng. Là phần mở đầu, Ngẫu Hứng cũng là phần tách riêng khỏi tập thơ, ở một vùng đất cao hơn, trên một khí hậu tươi mát, có nhịp sống tâm linh riêng. Trong khuôn khổ bài này xin chỉ đọc phần “Ngẫu Hứng”.

 

Ngẫu Hứng, theo tác giả, là những “ngẫu hứng đến không hẹn trước”, gồm một số bài đã được in trong tập Đoản Thi Khánh Trường xuất bản 40 năm trước, và một số bài thơ ngắn rải rác khác trước đây chỉ được viết xuống, hoặc chỉ nằm trong trí óc, nay được gom lại đưa vào sách.

 

một đài mai trắng nở

run bên bờ tử sinh

một đài mai trắng nở

rực sáng nghìn tạng kinh

 

Bài thơ bốn câu có tựa “tuệ mai”mở đầu phần ngẫu hứng cũng như mở đầu cuốn sách đã ngay tức thì đưa tập thơ vào một cõi giới riêng, nơi Khánh Trường-Nhà văn luôn gồng mình thách thức hoàn toàn biến mất nhường chỗ cho Khánh Trường-người họa sĩ tài ba đưa nét cọ vào thơ, vẽ nên bức tranh tâm linh vừa tĩnh vừa động, phản ảnh một tiến trình sinh, tử, tiến hóa, “một đài mai trắng nở”, một “rực sáng” trí tuệ, âu cũng là một sự giác ngộ/tái sinh của một Khánh Trường-Nhà thơ, chân phương như đất:

 

Ngả lưng gối lá nhìn trời

nắng muôn sợi nhỏ rơi rơi đầy hồn

 

Ở đây, nhà thơ của chúng ta an nhiên chan hòa:

 

cúi hôn em – cảm ơn đời

cảm ơn hạnh phúc tuyệt vời chim bao

cảm ơn sợi tóc ngọt ngào

ngủ trên buồng ngực xôn xao nhịp trầm

 

Ở đây, ở trong thơ, không còn chút bóng dáng của một Khánh Trường ngang dọc bất cần, thay vào đó là một tâm hồn yên phận ví mình như một kiếp cây:

 

người là bóng mây

giăng ngang trời rộng

ta là kiếp cây

trên đồi gió lộng

 

người là cánh chim

bay ngoài biển rộng

ta đứng lặng chìm

ôm nỗi tình không

 

ôm chút tình không

ủ đời giá lạnh

như sợi nắng hồng

rơi ngoài mênh mông

 

Làm sao có thể không xúc động khi nghĩ đến hình ảnh Khánh Trường ngồi yên lặng trong căn phòng tối nhìn cuộc đời đi qua, thân xác ở bên trong 4 vách tường nhưng tâm hồn nhà thơ vẫn rong ruổi ngoài kia “như sợi nắng hồng”, để rồi sẽ “rơi ngoài mênh mông”.

 

Ai đó đã nói, thơ là tiếng vọng, là lời mời gọi bóng hình nhảy múa, thơ Khánh Trường có những ngẫu hứng như thế, giữa những tháng năm cằn cỗi vẫn mọc những “nụ xanh”:

 

có đêm trăng rải lụa mềm

có cây nhớ gió bên thềm tịch liêu

có đời rộng cánh tay yêu

có ta cành nẩy ít nhiều nụ xanh

 

hay

 

ngồi bên song cửa

nhìn người đi qua

ô vườn hồn ta

một bông hồng nhỏ

bắt đầu mãn khai

 

So với Khánh Trường-nhà văn, Khánh Trường-nhà thơ của chúng ta lành hơn, hoà hoãn và cũng dịu dàng với chính mình hơn:

 

quanh co dốc đá rêu mù

vực thăm thẳm đáy non mù mù sương

dừng chân bối rối tìm đường

chừng như dấu cũ trong sương đã nhòa

 

hay

 

gối đầu trang sách mỏng

thả khói bay vật vờ

nương hồn qua bến lạ

ta lạc ta nữa rồi

 

Cái ta của Khánh Trường là cái ta của cả một tiến trình biến động, từ những vùng vẫy, than oán sau cơn tai biến:

 

nghe trong thể phách lụy phiền

máu cao niên đổ mưa điên trận sầu

nghe ngoài tịch mịch vó câu

gõ như búa nện trên đầu áo quan

nghe ra thôi đã muộn màng

tiếng con chim bệnh bàng hoàng kêu thương.

 

Đến những phút giây xăm xoi, tự kiểm lại bản thân:

 

ta có hai lỗ tai

cộng thêm hai con mắt

nhưng nhiều khi quá quắt

tai chẳng thuận điều ngay

mắt không nhìn nẻo thẳng

 

Cái ta biến đổi theo định mệnh, từ một Khánh Trường ngang tàng, lăn lóc, không khuất phục, đến một Khánh Trường của những tháng ngày “mỗi sáng buồn so”.

 

ta ngồi trong động trông ra

dưới sâu mây phủ bóng tà huy bay

nghĩ đời một cuộc tỉnh say…

 

Ai thường xuyên đến thăm Khánh Trường, quen thuộc với hình ảnh chú yếu gầy ngồi im lìm trên xe lăn trông ra trời rộng thật không khỏi chạnh lòng:

 

ngoài vuông kiếng đục mưa mù

ngồi im như tượng hồn thu xác gầy…

 

Trong căn nhà nhỏ im lìm, giữa bốn vách tường, trong bệnh viện, hay trên ghế nằm chạy thận, khi ngồi đợi xe rước đi lọc thận, chờ xe rước về, những “ngẫu hứng” thơ đến và đi cũng chính là tâm trạng của một người đã “từ bỏ cuộc chơi”, sống với “cái ta mãn cuộc”:

 

lăn trong cõi sống vô tình

có khi chỉ một cái hình phù du

loay quay ăn ngủ mệt đừ

muôn năm chẳng hiểu chân như chốn nào

 

Làm sao có thể hiểu được, khi chính mình ngồi một chỗ nhìn bạn bè khỏe hơn, trẻ hơn từ từ ra đi, ngậm ngùi cho bản thân:

 

ta có hai bàn chân

đi hoài không tới đích

ta có một sợi xích

trói hoài đôi cánh tay

ta có một cơ may

sống hoài như giẻ rách.

 

Có chút chua cay, mỉa mai cho một số phận nghiệt ngã, từ những lăn lộn dày dặn của một người chí khí bất thuần, đến hình ảnh bánh xe lăn, sợi xích, và chiếc giẻ rách, sao vẫn cứ phải sống, vẫn phải lăn theo cuộc đời. Có lẽ vì cuộc đời tuy bất trắc cũng không thiếu những dịu dàng:

 

vẽ em trán ngọc tay ngà

đường ngôi chẻ giữa tóc pha hương trầm

vẽ em răng khểnh duyên thầm

môi non mộc dược má dầm tuyết sương

vẽ em vẽ bóng vẽ hình

làm sao vẽ được cái tình xưa sau?

 

“Cái tình”, có lẽ đây là thứ duy nhất còn đọng lại sau bao nhiêu tai biến, được thua, mất mát. Cái tình của gia đình, của bạn bè văn hữu, cái tình của người đọc, người thưởng ngoạn, cái tình thủy chung son sắt của người bạn đời luôn bên cạnh, là lượng máu bơm đầy trái tim, giữ cho chiếc rương châu báu trong tâm hồn người thơ vẫn tràn đầy, để Khánh Trường-Nhà thơ của chúng ta cuối cùng vẫn y bản Khánh Trường, bằng cách nào đó, vẫn ngông:

 

ta có một trái tim

bơm hoài một lượng máu

ta có một kho báu

cho hoài sao chẳng vơi?

 

Cuối cùng thì người nghệ sĩ là một trong những người hào phóng nhất, luôn chăm chỉ với sứ mệnh tô đẹp thế giới, cuộc đời. Vẽ hoài. Viết hoài. Cho hoài.

 

Riêng cảm ơn chú đã treo cho cháu “một vầng trăng mơ”.

 

Nina Hòa Bình Lê

  

*Toàn bộ chữ nghiêng trong bài là chữ của Khánh Trường.

(*)Tập Thơ Khánh Trường. Sách dày 242 trang. Do NXB Mở Nguồn phát hành.
Sách có bán tại:
https://www.barnesandnoble.com/w/th-417-kh-nh-tr-432-7901-ng-khanh-truong/1145194277?ean=9798869273086
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 37228)
C on lớn, đã ngoài năm mươi tuổi Chân đau chỉ có đẹp tiếng cười Bao nhiêu năm mỗi lần tết đến Lại về với mẹ giữa niềm vui
06 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 37263)
e m lục lọi ký ức tìm những ngày nắng tìm những chiều xuân nơi cơn gió anh mới hôm qua thổi ngang
06 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 36866)
L à lời thơ của những buổi chiều Những đêm cô độc Những tiếng cười từ ngày cũ Bỗng dưng mọi chuyện không còn cần thiết
06 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 42120)
N àng mất liên lạc với Thẩm cho đến hôm hai mươi ba tết. Có lúc, nàng đã thầm nghĩ Thẩm kết thúc công việc với nàng rồi. Biết đâu như vậy tốt hơn. Nàng cũng không thích cảm giác nhận tiền của người khác mà chẳng phải làm gì. Khi nàng vừa cúng ông táo xong, Thẩm gọi: “Tôi đang đợi cô, đi với tôi về phố Hoài được chứ?” Phố Hoài ư?
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 30557)
D ựa trên truyện ngắn Nước như nước mắt của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã dựng thành phim, kết hợp các thể loại của điện ảnh: viễn tưởng, ly kỳ, lãng mạn. Bối cảnh phim vào năm 2030, tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến cả vùng ven biển miền Nam chìm trong nước, kèm theo đó là những bi thương trên thân phận con người…
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 34564)
E m nhường anh cho người ta ôm về chiều bão đổ cây thuỳ dương tím mắt gió cát phủ trắng nhói đau.
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 32220)
...trò chơi đĩ điếm, gian lận và lừa đảo, làm một thứ vũ nữ chính trị bám quanh cái cột Marx Lê nin để múa cột à ơi ...
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 34494)
N hư những chuyến đi xa nỗi muộn phiền bỏ lại không đem theo gì ngoài trái tim phủ bụi .
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 34708)
V à chúng ta dễ dàng nhận ra màu đỏ của “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” thường xuyên nhất được dùng để tả máu. Máu khi người vợ sinh con, và máu khi những con chim sẻ bị bắn chết: sự đối lập của màu đỏ của bắt đầu sự sống và màu đỏ của bắt đầu sự chết.
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 33794)
C ỏ mùa mưa xưa Đưa em về với gió Xanh tím lòng mắt nhói cơn đau Sắc trầu cau quệt ngang vôi tứa