- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Virginia Woolf: Căn Phòng Của Jacob

29 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 86070)

image001_0_218x300_2Trần Vũ chuyển ngữ

Vào tuổi 42, Virginia Woolf cho xuất bản tác phẩm Căn phòng của Jacob.Một tiểu thuyết hoàn hảo, đầy bạc mệnh, qua đó Woolf luận giải chứng bệnh thần kinh về cái chết của chính mình.

Căn phòng của Jacob ấn tượng tôi đến nỗi, tôi sợ phải đọc lại. Vì tác phẩm vượt mọi khuôn khổ, như có điện, từ trường, đến mức không còn liên quan đến sáng tạo tiểu thuyết. Trên những trang đầu tiên, bằng tất cả ngây thơ, người đọc bước vào tác phẩm không chút ngờ vực.

Đầu thế kỷ 20 ở miền Cornouailles, trên một bờ biển Đại Tây dương gần ngôi làng Scarborough, Betty Flanders, một góa phụ còn trẻ hối hả trở về nhà giữa chiều hè với hai con trai, Archer và Jacob, khi nền trời bất chợt đe dọa báo hiệu cơn giông sắp ập đến.

« Ja-cob!» Betty kêu cậu bé hãy còn đang la cà phía sau. Cậu bé cúi nhặt trong cát, hộp sọ xương xẩu mê hoặc của một đầu trừu và muốn đem về bất chấp sự phản đối của mẹ. Phần hàm dưới rớt khỏi đầu lâu chính là kho tàng đầy rùng rợn mà cuối cùng Jacob mang được về nhà.

Mạch văn đã hiện lên.

Lướt qua, đầy mềm mại, dấu hiệu thứ nhất của thần chết.

Đêm hôm sau, cơn giông trỗi lên dữ dội. Trong ngôi nhà nhỏ bị mưa gió rung chuyển, Mrs Flanders và Rebecca, người giúp việc nhà, vừa thì thầm trò chuyện vừa chăm sóc John, đứa bé nhất, trong lúc Archer và Jacob say giấc: Jacob thiêm thiếp ôm chặt vào lòng vành xương hàm của hộp sọ.

Ngày hôm sau nữa, gió lặn, biển lấp lánh, khí quyển ngập sắc màu lung linh đưa người đọc nhập vào các bức hoạ của Monet hoặc Seurat. Độc giả tin tưởng sẽ biết thêm về gia đình Flanders, về láng giềng, bạn bè, về cả ngôi làng Scarborough của gia đình này. Sai lầm. Woolf biết phỉnh lừa vô cùng tinh vi.

Ngay khi tấm bình phong chấm phá lộng lẫy đầu tiên vừa treo lên, Woolf lập tức tháo xuống.

Mặc cho những ai đang quan tâm đến sự khôn lớn của những đứa bé hay yếu tố tâm lý rất khả nghi ở người mẹ, Mrs Flanders, khi bà từ chối lời cầu hôn của vị giáo sư La ngữ dạy kèm lũ trẻ, và cả chi tiết không bao lâu sau khi Jacob thêm vào bộ sưu tập của mình một chú bướm Sư-tử-Đầu-lâu: dấu hiệu thứ nhì của thần chết.

Từ đây, bằng một ý chí hớn hở, Woolf chuyển sang phá vỡ thời gian, không gian và cả tương lai mà sự vận hành hợp lý không thỏa mãn bà. Woolf quyết định vượt qua chính mình bằng cách vượt qua người đọc. Woolf hãy còn chưa viết hết những gì bà suy nghĩ, cất giấu thật sâu kín mà chúng ta chưa thể suy đoán. Ngôi nhà ở Scarborough bị bôi xóa. Người đọc hụt hẫng: Archer và John rồi sẽ ra sao? Với Woolf, không còn là câu hỏi. Woolf, nhà văn phiêu bạt, điên dại một cách trầm tĩnh, bắt người đọc lên chuyến tàu mà Woolf đặt tên “thế giới, con tàu của chúng ta”.

Năm 1906, khi Jacob Flanders xuất hiện trở lại trên trang tiểu thuyết, anh được mười chín tuổi, đang là sinh viên của trường đại học Cambridge. Jacob có căn phòng khiêm nhường và êm đềm ở Neuville Court tại Luân Đôn. Căn phòng bao bọc đầy sách: Shakespeare và Virgile là hai thượng đế sinh sống giữa đống sách này. Cũng chính trong căn phòng này, Jacob tiếp hai người bạn: Timmy Durant và Bonamy. Họ vui đùa rất nhiều đồng thời chia xẻ với nhau những hiếu kỳ trí tuệ, cùng các dự tính riêng tư trong mù quáng của tuổi trẻ.

Trong một tối tiếp tân thanh lịch tại nhà mẹ Timmy, người đọc thoáng thấy Jacob vận trang phục dạ hội với ống vố trên tay: “Y phục hoàn toàn vay mượn nhưng dáng dấp khá tao nhã”, đó là lời bình phẩm của khách mời nhận xét về Jacob. Anh được giới thiệu với Clara Durant, em gái của bạn mình: họ sẽ yêu nhau? Gần như hiển nhiên, nếu không nói là chắc chắn. Mọi người hy vọng biết thêm chút nữa về đôi lứa, nhưng không! Woolf thù ghét sự bất động mà bà đánh giá hão huyền, mà không nghi ngờ, Woolf xem là dối trá. Một lần nữa, Woolf lại mang chúng ta đến những nơi khác, xa hơn, để hoàn toàn cắt đứt với thực tế cố định. Chính vì tham vọng của Woolf là nối kết người đọc với hàng ngàn những thực tế khác nhau, diễn ra rồi lại tái diễn vô tận, mong manh, biến ảo mà không chút ích lợi khi tồn tại, mà cũng chính vì thế tạo ra những kích thích phù du để có thể tạm gọi là cuộc đời.

Qua lăng kính vạn hoa, Woolf bao bọc cả vũ trụ, hoặc một cách chính xác hơn: từ vô số những vũ trụ bé nhỏ đang lay động trong thành phố Luân Đôn. Jacob Flanders đi dạo trong công viên Hyde Park, viếng thăm nhà thờ Saint Paul, chợt trông thấy Nữ hoàng thoáng qua trên cỗ xe ngựa sang trọng; đến hí viện Opéra, mất hút, rồi lại tái xuất hiện giữa đám đông; kết bạn với nhiều thiếu nữ ăn sương kiều diễm: Florinda, hay Fanny Elmer làm mẫu khoả thân cho các hoạ sĩ thời danh, hoặc Laurette… Chúng ta khám phá sau đó Jacob đã mời một hai cô gái này đi dùng bữa tối. Anh đã làm tình với họ? Suỵt! Im lặng! Jacob biết khép kín cửa. Duy nhất, một điều chắc chắn: tất cả những thiếu nữ này đều bị cuốn hút bởi chàng trai quả quyết, bí ẩn, có thể là đẹp trai này, người dành rất nhiều thời gian ở thư viện của bảo tàng British Museum, nơi trông đợi những thiên tài văn chương tầm cỡ Homère và Platon của một thời.

Thỉnh thoảng Jacob viết thư thăm mẹ vẫn còn ở tận Cornouailles, nơi mà mùa này sang mùa khác vẫn âm vang cánh chim hải âu vô tận, nơi mà năm này nối năm khác tiếng hải âu đập cánh tiếp tục pha lẫn tiếng rì rầm bền bỉ của đại dương. Việc Jacob viết thư thăm mẹ, cho thấy Mrs. Flanders vẫn còn sống trong ngôi nhà bé nhỏ ở làng Scarborough. Bà góa đã phải già lắm mà không ai hay, từ sau những diễn biến mang tính định mệnh mà không một ai có thể chận lại, chuyển hoán hay thúc giục.

“Hãy nhìn trên mặt bàn của người nhận thư, lá thư của chính mình, chính là cách nhìn thật nhanh những hành động của chúng ta đang tự tách rời với mình, đang trở thành xa lạ.”

Cung cách viết của Woolf cùng lúc xót xa và tinh tế làm thành một mũi nhọn đâm thấu vào tận cùng ý thức người đọc. Woolf cảnh cáo: trong sự bao la của vũ trụ không có chỗ cho những sự tích cá nhân, con người phải biết tự hạn chế để nhìn thấy trong những đợt sóng cá biệt cùng lúc bị hủy bỏ và lại nảy sinh, có nghĩa “những dòng xoáy tối tăm” bị nhận chìm bởi những cơn lốc âm thầm.

Con người luôn tin vào chính mình, ba hoa, hiểu biết hay không, tất cả đều không quan trọng. Có kẻ đang tự chìm đắm trong sự êm đềm nội tại, kẻ khác đang dùng một tách trà bên cạnh chiếc lò sưởi cời lửa reo tí tách, kẻ khác nữa đang chơi những ván cờ. Sẽ không một ai cảm giác mình có thể bị hủy diệt bởi một tia chớp của dục vọng, và suy nghĩ như thế là điều may mắn vì nói cách khác, dục vọng sẽ tự tiêu hủy.

Virginia Woolf sử dụng một chiếc máy ảnh tàn bạo và cho phép mình không chút đắn đo dùng hình tượng thật tự do trong một cánh đồng bát ngát của những tìm tòi mang tính con người nhằm phục vụ chất men sáng tạo. Woolf không thích thú với “phần hồn”. Bà càng không quan tâm đến bất kỳ tính đạo đức nào: níu kéo vô ích sự chú ý của Woolf về những hạnh phúc hay bất hạnh có thể xảy ra, những nghi ngờ cùng tính toán, bí ẩn hay thú nhận.

Kỹ thuật quan sát của Woolf, lược bỏ đến tận cùng các chi tiết, chuyển động và xa cách, phủ trùm một tấm màn thanh giáo: Woolf lẩn tránh tình dục. Dễ hiểu. Thế kỷ mà bà khảo sát hãy còn rất trẻ, ngay cả còn mang chút nặng nề của thời đại trước, sẽ còn thay đổi, ở từng mũi kim khâu, như một món hàng thêu Anh quốc, có nghĩa chuyển dịch với từng mũi nhỏ rực rỡ, khít khao, bao bọc bởi những đường viền duyên dáng.

Giữa đông đảo những gương mặt phụ đặt để một cách lướt qua trên nền tác phẩm, Jacob Flanders tự mình tồn tại như một kẻ xa lạ mà chúng ta được biết đến rất ít. Anh nổi lên ở đây như một tia sáng. Rồi cũng biến mất trên trang tiểu thuyết. Duy nhất một điều chắc chắn: Jacob sống gần như tự giam hãm trong rất nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Người ta bắt đầu yêu thích anh đồng thời thắc mắc về vai trò mà Woolf dành cho anh. Woolf, nhà văn ─ thợ săn sự vĩnh cửu ─ chỉ chấp thuận trả lời chúng ta bằng một ngòi bút dường như lơ đễnh: “Jacob tiến về cửa sổ phòng rồi dừng lại, hai tay đút túi. Mr Springett bước ra từ căn nhà đối diện, quay nhìn mặt tiền nhà rồi trở vào. Những đứa trẻ đi ngang qua trước cửa tiệm, liếc trộm những mẩu đường đại mạch hồng. Chiếc xe giao hàng của hiệu Pickfort chạy về phía cuối đường. Một đứa trẻ vùng vằng tháo sợi dây đang cuốn quanh người. Jacob rời khỏi cửa sổ.” Bức tranh ngắn ngủi, nhạy cảm và mờ ảo này đủ để tiết lộ với chúng ta là người thanh niên trẻ đã thật sự chín muồi, đang suy nghĩ và có thể đang khổ sở.

Jacob được hai mươi sáu tuổi khi hưởng khoản thừa kế nhỏ bé từ một bà cô mà chắc chắn anh không còn lưu giữ chút kỷ niệm nào. Số tiền này cho phép anh thực hiện giấc mơ: Một chuyến du lịch đại lục. Bắt đầu bằng Paris là nơi người đọc thoáng gặp Jacob đang ngược đại lộ Raspail, đồng hành với vài thanh niên Anh; tiếp theo là cảnh lấy xe lửa đi Versailles từ ga Invalides trước khi sang Ý; “nơi các tàng cây còn kết nối với nhau bằng những giàn nho ─ như ở vào thời kỳ của Virgile”. Những con quỷ hiếu kỳ trí tuệ trong mình Jacob chậm rãi hồi sinh, điều khiển từ xa bởi Woolf, tiếp tục đẩy anh sang Hy Lạp. “Không khí ban đêm lay động nhẹ nhàng tấm màn hoen ố ở khung cửa sổ của khách sạn Olympie.” Chính tại đây Jacob gặp gỡ một cặp đồng hương cũng đang du lịch như anh, Mr & Mrs Wentworth Williams. Sandra Williams tươi tắn, xinh đẹp, say mê Tchekhov, cảm nhận tức khắc cô và Jacob cùng xao xuyến tận đáy lòng. Cả hai mơ ước được cùng nhau lên đỉnh đền Acropole, cùng khám phá niềm vui thăng hoa cũng như nỗi buồn từ sự cô đơn mà cả hai đã luôn ấp ủ không chút hoài nghi trong suốt tuổi thơ. Nhưng để làm gì? Cả hai cùng chờ đợi trong im lặng, dù ước muốn lẫn nhau, đều sợ hãi điều có thể xảy ra, nghi ngờ chính là tình yêu. Mr Wentworth Williams cùng vợ đi Constantinople, Thổ Nhĩ Kỳ. Jacob đi theo vì Sandra, gợi ý một cách kín đáo. Chấm. Chỉ từng ấy. Sẽ không có chuyện gì xảy ra.

Cuộc đời là căn nguyên của sự cam chịu, của thất vọng, của sự chia ly, mà Woolf không khoan nhượng. Bà tự bằng lòng với hình ảnh Sandra Williams sau nhiều năm sống trong ngôi nhà ở miền quê Anh, lật mở một quyển sách mà ngày xưa Jacob Flanders đề tặng mình. Và Woolf lập một giả thuyết: “Sandra nghe thấy thời gian tích tụ lại. Cô tự hỏi: “Để làm gì? Làm chi vậy?” đặt quyển sách sang bên cạnh, cô tiến về phía tấm gương, nhìn ngắm rồi vuốt lại mái tóc.”

Kể từ đây, không còn một tia hy vọng nào dành cho chúng ta. Trò chơi đã an bài.

Ngay khi trở về Luân Đôn, Jacob lúc này không còn quá trẻ gặp lại những người bạn thời niên thiếu Timmy Durant và Bonamy. Không kể Clara chưa bao giờ quên anh. Không kể cô gái điếm Fanny Elmer, đã tự nhủ: “Chính là cuộc đời, chính là cuộc đời!”. Không kể một Julia Eliot nào đó, người cũng đã từng âm thầm yêu Flanders, chàng trai trầm mặc, làm cô hồi tưởng khi dạo bước bên cạnh Marble Arch: “Thiếu nữ mang ánh mắt mơ mộng của một người hòa vào đám đông giữa buổi chiều hè, khi cây lá xào xạc, khi các vòng bánh xe chiếu vàng ngời, khi sự huyên náo của thực tại làm thành lời than vãn của một tuổi trẻ đánh mất; bi ai đến cùng cực làm phát sinh nỗi buồn bã lạ lùng trong linh hồn nàng; giống như xuyên qua những chiếc áo ngắn và váy đầm, thời gian cùng sự vĩnh cửu đã trở nên hữu hình; giống như Julia đang nhìn thấy mọi người tiến dần đến sự hủy diệt của chính mình một cách bi thảm.”

Thời gian, sự huyên náo, sự vĩnh cửu, sự hủy diệt làm đau đớn. Woolf ý thức rất rõ. Bà đang xô đẩy người đọc trở lại thực tế phũ phàng, tuy được viết với một cao nhã tế nhị đầy dịu dàng, vẫn xô đẩy người đọc về thực trạng hiển nhiên mà cho đến khi ấy hãy còn mập mờ: Mối đe dọa của một thế chiến sắp tàn phá địa cầu.

Hiểm nguy chỉ được báo hiệu một cách ngẫu nhiên sau những khúc quành thận trọng nhằm đánh lạc mục tiêu: các cuộc tuần hành diễn ra trong thành phố, các chính phủ họp khẩn ở Lahore, dân biểu bàn thảo ở quốc hội Reichstag, các tin đồn làm dấy động thành Vienne, hạm đội hải quân tập trung tại Gibraltar và các cuộc bạo loạn ở Albanie rồi Calcutta, Ấn Độ.

Trừ chiến tranh không một lần được Woolf nhắc đến. Chính sự khước từ độc đoán đầy tinh tế của khóa-ngữ này càng bôi đen thêm sự bùng nổ của thảm họa, một bùng nổ làm đui mù và câm điếc, rung chuyển toàn thế giới ở biên độ con người.

Và rồi, sau hải trình trầm trọng một cách rực rỡ, đầy vuốt ve, nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của người đọc, và cũng để nuôi dưỡng sự căng thẳng, Woolf ước tính khoảnh khắc đã đến để ngừng hẳn lại. Bà buông neo con tàu trả hành khách trở về. Chúng ta bất thình lình được đưa trở lại ngôi nhà ở làng Scarborough, miền Cornouailles, nơi cậu bé Jacob đã thiêm thiếp say giấc trong một đêm bão bùng ôm chặt lấy vào lòng khớp xương hàm của một đầu trừu với đầy say mê.

“Tiếng đại bác? Betty Flanders tự hỏi, vừa nửa tỉnh nửa ngủ bước ra khỏi giường đi về phía cửa sổ kết những vừng lá tối mờ. Không thể nào ở một khoảng cách xa như vậy, bà nghĩ thầm. Trước mặt là đại dương. Bà nghe lập lại lần nữa, từ xa, những tiếng động nặng tựa tiếng động các cô gái đang đập những tấm thảm mênh mông trong đêm. Anh bà, Morty, mới mất tích. Chồng bà, Seabrook, đã chết; còn các con trai đang phục vụ tổ quốc.”

Không bắt người đọc trầm mình trong nỗi sợ hãi, sự tuyệt vọng, nỗi cam chịu không tránh được. Duy nhất một tổng hợp sự tuyệt đối, lạnh băng. Hai trang tĩnh lược đóng lại câu chuyện mà sự đơn giản cùng sự chừng mực càng cào xé ruột. Woolf giam chúng ta vào căn phòng xưa cũ ở Neville Court, Luân Đôn, nơi Jacob thích đọc sách, làm việc, mơ mộng, và có thể đã ham muốn.

“Jacob để lại mọi thứ y nguyên như vầy, Bonamy kể, hãy còn ngạc nhiên. Những lá thư vung vãi khắp nơi, nhằm bắt mọi người phải đọc chúng. “Jacob trông đợi gì? Tin sẽ trở lại?” Bonamy nghĩ ngợi lúc đứng giữa phòng ─ Căn phòng của Jacob ─ Bừa bãi quá sức! Betty Flanders thốt lên, khi mở cánh cửa phòng ngủ. Bonamy quay lại ─ Tôi làm gì với những thứ này? Bà góa cầm trên tay đôi giày cũ của Jacob trước đây.”

Như thế chúng ta khám phá Jacob Flanders đã chết đâu đó ngoài mặt trận. Thật xa mà không một ai biết chết cách nào và nơi nào. Giống như cái chết trận vong của một chiến sĩ vô danh hoang tưởng. Tính cách lạnh lùng Ăng-Lê bắt người đọc phải lãng quên thi thể của nhân vật chính. Mà thật ra là phản nhân vật trong thể cách phản tiểu thuyết. Những đôi giày cũ, trong một nội thất bỏ hoang đầy sách vở, nhật ký và y phục, tất cả thay thế nhà mồ và thi thể của kẻ khuất mặt. Căn phòng được đổ khuôn cho những điều ấy. Jacob Flanders có thể bắt đầu trong căn phòng này một đời sống khác, một đời sống thứ nhì, một cuộc đời trống rỗng dễ dàng vượt thoát xương thịt. Sau cùng, anh đã tự do để có thể trở về với bóng ma bao phủ suốt tuổi thơ hoặc lao tới tuổi trưởng thành mà định mệnh đã ngăn cấm.

Vòng tròn khép lại một cách tự nhiên, có nghĩa trong sự tàn bạo nhung lụa, vô liêm và cam chịu. Đến đây chúng ta mới khám phá thiên tài rộng lớn mà ẩn kín của Virginia Woolf: suốt hai trăm trang ngăn ngừa tất cả những dấu hiệu bề mặt của cảm xúc, bà không ngừng tiết lậu sự chết chóc, chứng bệnh thần kinh về cái chết của chính mình, Woolf xử lý trong suốt chiều dài tác phẩm, bằng hoán dụ và ẩn dụ, với một nghệ thuật, một ảo thuật thân mật kỳ tài đến kinh ngạc. Như một lời tự thú. Tác phẩm lớn của cuộc đời bà, sẽ phải, đang diễn ra, và vĩnh viễn mãi là cuộc chung chạ với thần chết mà bà trao phó trong yên bình.

Tôi nghĩ đến lời thơ bí hiểm của Mallarmé: “Dòng suối cạn chịu sàm báng này là thần chết.”

Virginia Woolf, tiểu thuyết gia Anh, là một bằng chứng. Woolf được 42 tuổi khi cho xuất bản Căn phòng của Jacob. Mười tám năm sau tự vẫn bằng cách nhảy xuống “dòng suối cạn chịu sàm báng” chảy qua dưới chân nhà. Bà đã bỏ đầy đá vào các túi áo để chắc chắn không sống sót. Chi tiết này cho phép khẳng định Woolf không tự sát trong một cơn điên loạn tuyệt vọng. Ở vào phút bước chân xuống kè đá, chắc chắn êm đềm và rợp hoa, bước đến sát mặt nước, Woolf vẫn mang trong mình nỗi ám ảnh chung thủy: Phục hồi cho “dòng suối cạn chịu sàm báng”, trả cho lòng suối không sâu tất cả sự tươi mát vô tội, nguyên tắc yên nghỉ gần như không thay đổi minh chứng cho sự minh mẫn tràn đầy của bà.

Tổng lượng tiểu thuyết của Woolf còn là một nhân chứng rực rỡ. Tôi chưa thấy nhà văn nào biết kết hợp với một lý trí sáng suốt đến vậy dòng nước đôi của sự khoái lạc nhục cảm và sự quyến rũ u ám của thần chết. Cũng chưa ai thành công giả định cây cối và trời xanh, công viên và phố phường, đại dương với đền đài lịch sử, nhan sắc đàn bà cùng nhung lụa trưởng giả như bà đã làm. Có nghĩa chuyển động của những giao mùa chuyển dịch với một sự nhẹ hẫng bên trên cái nền tối ám không thể kềm giữ của địa ngục.

Căn phòng của Jacob hiện ra, như thế, vượt lên trên tất cả thành một bài học tinh diệu về tính kiên nhẫn. Đối với các nhà văn, sẽ thật tiện ích khi có thể thích nghi dễ dàng với ẩn dụ, với sự buông thả vào những ngã tắt của văn chương từ một thực tế khiêm nhường hay cao ngạo, mà Virginia Woolf, bằng bí mật của một thiên tài, đã khinh bỉ và vứt bỏ vì không xứng đáng với bà.

Khả năng tôi luyện làm chủ giọng văn của Woolf đã giúp đỡ chúng ta. Phong thái trêu cợt thân mật hay xa cách tùy hoàn cảnh của bà cũng đã giúp chúng ta. Cả sự chối từ quyết liệt các nền đạo đức. Đừng quên vai trò thanh giáo của bà, vai trò ở vào thời đại mà động cơ đẩy lùi các ham muốn sẽ khó hiểu bây giờ.

Virginia Woolf tự bằng lòng thao tác từng tác phẩm tiểu thuyết theo cách của những họa sĩ si mê đắm đuối với chính bức vẽ của mình: không ngừng nghỉ tô điểm ở đầu cọ sơn, ngàn nét họa rung động, chấm phá sắc nhọn hay mơ màng. Một thao tác đáng ngưỡng mộ vì giúp cô đọng những chuyến viễn du vi hành thế giới mà chúng ta chỉ là những hành khách ẩn náu sau khi vứt bỏ sức nặng cồng kềnh của xác thân.

Dominique Rolin 3/1990

Trần Vũ chuyển ngữ 23-12-2008

image004_0_300x210_1Jacob’s room, Căn phòng của Jacob, Virginia Woolf, nxb Hogarth Press 1922, bản dịch Pháp văn La Chambre de Jacob của Jean Talva, nxb Plon 1958. Stock tái bản năm 2005 với bản dịch của Agnès Desarthe. Cùng với Những lượn triều (Les Vagues/ The Waves 1931), Du hành đến hải đăng (La promenade au phare/ To the Lighthouse 1927), Căn phòng của Jacob 1922 là một trong ba tiểu thuyết của Virginia Woolf có lượng in cao và tái bản nhiều lần tại Pháp.

 

image006_0_154x300_1Dominique Rolin sinh ngày 22 tháng 5 năm 1913 tại Bruxelles, thành viên của Hàn lâm viện hoàng gia Bỉ về ngôn ngữ và văn chương Pháp. Là ngòi bút sáng tác và phê bình gạo cội tại Paris, bà đã cho xuất bản trên 40 đầu sách. Phê bình Căn phòng của Jacob đăng trên nguyệt san Magazine Littéraire (Giai phẩm Văn) số 275 tháng 3, 1990. Chủ trương phê bình cần tránh học thuật, tránh xây dựng trên các lý thuyết văn học hay chủ nghĩa, và không dựa vào các gương mặt thời danh làm điểm tựa cho quan điểm của mình, Dominique Rolin tập trung ghi lại những cảm nhận riêng của bà khi đọc tác phẩm. Ưu điểm này tìm thấy trong phê bình Căn phòng của Jacob.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 98442)
... Tôi đã từng ăn thịt chuột. Tôi ăn vụng của em tôi. Bố cấm tôi nói cho ai biết. Bố đã cho thằng em tôi ăn bao nhiêu con chuột tôi cũng không nhớ nổi. Chỉ có điều bố thích như vậy. Bố nướng con chuột lên, thế thôi. Thằng em tôi cười hềnh hệch, nước dãi chảy dài, cầm con chuột gặm như một bắp ngô nướng. Những tảng máu chưa đông rịn đỏ hai mép. Tôi thấy đầu mình ung ung. Những hình ảnh như những mảnh vỡ lộn xộn va đập vào nhau liên hồi ...
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 96417)
Không ai biết cuộc sống của ai đang xáo trộn. Không ai biết ai đang nghĩ gì. Người chồng không bao giờ biết người vợ vừa gối đầu lên tay mình vừa dâm hoan với sếp của ả trong giấc mơ. Gã sếp đô con, bụng cuộn lên những bó cơ và làm tình thì miễn bàn. Người chồng không bao giờ biết âm hộ của ả nóng bừng như muốn nổ tung ra. Mà biết cũng chẳng thể chết ai vì ả là vợ của anh ta.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 120019)
(Gởi anh Huy & chị Minh) Câu thơ còn trong trí nhớ Như mùa thu mỗi năm lại về Theo tuần hoàn trời đất Như đôi mắt em buồn giấu kín Chịu đựng An phận Cuộc đời mình mùa xuân đi qua Rất xa, rất xa...
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 98062)
Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gầ n đây bổng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố. Thỉnh thoảng chúng lại ruỗi theo sóng nước cợt nhã với con người. Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ .
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 98001)
Trong tình bằng hữu nhiều năm với Huy, được sự đồng ý của chị Cao Xuân Huy và hai cháu Chúc Dung & Xuân Dung, bài viết thiên về khía cạnh y khoa này, nói về một Cao Xuân Huy khác, người bệnh Cao Xuân Huy chênh vênh trên con dốc của tử sinh, đã can trường chống chỏi với bệnh tật cho tới những ngày và giờ phút cuối cùng và đã ra đi với tất cả “phẩm giá”. NGÔ THẾ VINH
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 88382)
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 92884)
Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương. Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 94039)
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời. Thời xưa Cao Biền đã nhiều lần cỡi diều bay tới, tay cầm quạt giấy phất bằng lụa bạch, nan cánh quạt đúc bằng vàng khối tinh ròng, toan tính yểm đất.
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 84300)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 107332)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...