- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MÁ TÔI

06 Tháng Bảy 20225:37 CH(Xem: 7819)
ME -photo Internet
Mẹ- photo Internet

Thái Thanh

MÁ TÔI

 

Người ta nói con trai thương má, còn con gái thì thương ba nhưng tôi là con gái tôi lại thương má tôi lắm, thương tự khi tôi còn nhỏ.

 

Má tôi là một người phụ nữ đẹp và thật nhiều cá tính rất sống động.

Nghe Má kể ngày xưa bà Ngoại thuộc loại tân tiến nên Ngoại cho Dì Hai, cho Cậu và cho Má được đi học chứ không câu nệ là con gái con trai gì cả. Hồi đó Má tôi học giỏi lắm nhưng Dì mất sớm rồi Ngoại cũng đột ngột mất, Má ở với bà Cố nên không có điều kiện đi học nữa cho đến lúc lấy chồng.

 

Hồi xưa nhà tôi chỉ thờ cúng ông bà không thờ Phât. Ba tôi còn có quan niệm là đạo nào cũng tốt, đứa nào muốn theo đạo Công giáo thì ba cho theo dù là bà Nội tôi tu theo đạo Phật. Vậy nên hồi nhỏ mấy anh em tôi cũng từng học trong các trường có các bà sơ và ông cha nhà thờ giảng dạy.

 

Má tôi rất mê đọc sách. Năm tôi học lớp 6,  một lần đến chơi nhà bạn  thấy nhà nó có kinh sách Phật tôi mượn về nhà cho má đọc.

Má có duyên với Phật nên khi đọc sách Phật Má thích quá, liền lên chùa quy y cửa Phật. Từ đó Má tập ăn chay, đi chùa tụng kinh, Ba tôi hiền khô hà, mà lại thương má nên cũng chìu ý Má.

 

Má có tính nóng như Trương Phi lại dễ sân si  Hồi đó nhà tôi có xe ba lua, cả xóm trước nhà thì bán tạp hóa nên Ba hay mua hàng về bỏ sỉ lại cho họ. Mấy bà chuyên ép giá làm Má tức lắm, lại thêm cái cha Lý hàng xóm sát vách chuyên ganh sực với Ba nên cứ uống rượu giả say rồi đâm thọc. Những lần ấy, Má đang ăn cũng phải buông đũa chạy ra để cãi cọ với họ... Luôn là Ba khuyên bảo Má:

"Thôi thôi bà ơi, bà ăn chay tụng kinh cũng chỉ để cầu chữ An thôi mà,mình nhịn cho xong!". Bản chất Má cũng hiền nên cũng chẳng làm được gì người ta, đành bỏ qua.

 

Thời trẻ Má học giỏi nên anh em tụi tôi thời tiểu học bắt buộc đứa nào cũng thuộc cửu chương làu làu như Má.Tôi nhớ năm tôi học lớp 2, lúc lên nhà Bác Tám chơi. Bác dạy tôi làm toán chia 2, tôi làm được nên khoái quá về khoe với Má.

- Má ơi con làm được toán chia hai con( toán chia 2 mà tôi nói ngược là chia hai con).

Má nghe vậy cười khoái chí, cho liền tôi năm bài trên bảng đứng làm liền. Tất nhiên tôi ngơ ngác không thể làm được thế là Má la hét om sòm mà cái đầu ngu của tôi nó không hết ngu được nên tôi bị ăn đòn. May có Ba đi làm về kịp can ra: "Nó mới học có lớp 2 mà!". Lúc đó Má mời "À" lên một tiếng...

 

Thời chiến tranh loạn lạc Ba Má tôi từ hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp. Tôi vẫn không quên được hình ảnh của Má ngày xưa đó với chiếc áo bà ba nâu đi gánh nước mắm bán. Má tiết kiệm cả một đời cho chồng con chẳng thấy Má mua sắm gì cho Má, tôi cũng bị lây cái tính hà tiện của Má nên mỗi lần dép đứt, tôi không ném ở ngoài đường mà luôn mang về cho má cột lại mà mang, áo lỡ rách thì má mạng lại rồi giặt sạch sẽ cho mặc. Má đan cho từng đứa áo len mặc ấm mùa đông... Rồi chúng tôi được lớn lên  được ở nhà cao cửa rộng vật chất đủ đầy bằng công khó của cả Ba Má.

 

Sau năm 1975, thời kỳ khốn khó, gia đình bị bó buộc khó khăn, còn cả một bầy con dại. Má muối mắm mang ra chợ xổm khu hai ngồi bán để có tiền đi chợ, rồi bán nón ở chợ trời... Tôi đi dạy học ở miền quê xa, mỗi lần về thăm, biết nhà khó nên tôi không lấy thêm gì ở nhà mang theo. Má luôn gói ghém nhét vào túi xách của tôi nào bánh trái, thịt chà bông và tiền. Khi đến nơi mở xách ra tôi mới biết được mà thấy lòng rưng rưng thương má quá.

 

Ba mất. Má càng đi chùa tụng kinh nhiều hơn để cầu nguyện cho Ba, cho các con. Và mỗi lần Má tụng kinh, lỡ mà con cháu chơi giỡn la hét làm ồn là Má dừng chuông mỏ lại chửi: " Tiên tổ tụi bay. Tiên sư cha tụi bay!".

Hồi đó trên sân thượng trước nhà tôi Má có thờ một am nhỏ ( không biết thờ ai). Má hay mua chuối cúng tất cả bàn thờ cả nhà. Thằng em kề của tôi nó hảo chuối, nó ra ngay cái am đó bợ nguyên nhánh vào ăn hết. Má bận buôn bán đến tối, sau khi tắm rửa sạch sẽ má nghiêm chỉnh mặc áo tràng lên thắp hương quỳ lạy. Hôm đó vừa ngẩng đầu lên, má phát hiện nhánh chuối biến mất. Má quên mất đang cầm nhang đứng trước bàn thờ thế là: " tiên tổ sư cha tụi bay, ăn uống gì mà dô độ dô lượng, cái nhánh chuối tao mới mua dìa chưa cúng mà đã bợ ăn!". Anh em tụi tôi biết ai là thủ phạm nhưng im rét hết không dám lên tiếng. Không có ba can nên Má chửi lâu hơn... Sau này căn nhà lớn đầy kỷ niệm của Ba Má gầy dựng buộc lòng Má bán đi để cho tiền chúng tôi  mua nhà riêng, con trai con gái đều bằng nhau. Má ở với mẹ con tôi nhà không còn gần chợ gần chùa nữa. Tối Má đi chùa con bé tôi thường đạp xe xuống đón Ngoại về. Hôm ấy xe bị xẹp lốp, lại không biết làm sao liên lạc được. Má chờ lâu quá,nóng máy đi bộ, về đến nhà là chửi:" Tiên tổ sư cha tụi bay..." mà quên mất là Má vừa thọ bát quan trai ở chùa về. Tụi tôi lên án, cho là má sân si tu rồi còn chửi giờ nghĩ lại thấy thương má quá, giá mà như hồi đó mình tránh bớt những điều làm cho má phiền lòng thì hay biết mấy.

 

Không có Ba, Má đơn độc một mình bảo bọc con theo cách của Má. Tôi có chồng, lại chẳng may gặp điều ngang trái, Má cùng con đi khắp các phiên tòa để kêu oan rồi Má niệm Phật Quan Âm cầu nguyện tựa nương Ngài cứu giúp cho con cái, Má ở nhà trông cháu nấu cơm làm mọi việc trong nhà để giúp cho con gái.

Rồi đến lúc thằng em trai bị tai nạn. Má lại cùng con đi khắp các bệnh viện để chăm sóc con khi nó nằm điều trị.

Chị kề tôi sinh con. Má ở quê nghe tin liền khăn gói vào Sài gòn vào bệnh viện và về nhà chăm sóc cho mẹ con chị cho đến lúc khỏe mạnh. Hồi đó anh chị đi làm, cái thằng cu Bé ăn ngủ với Quại. Nó ngân nga: "Trời mưa bong bóng bập bồng. Mẹ đi lấy chồng Bé ở với ai? -Với quại. -Quại mở ti vi Bé coi phim Cô gái đồ long!!..."

Chị dâu tôi sinh con, cũng Má chăm sóc nuôi đẻ trắng tròn.

Một bầy con 7 đứa, mà chỉ có duy nhất một người mẹ. Chỉ một mẹ nhưng chu toàn lo lắng cho từng đứa một.

Ngày xưa ấy chúng tôi thờ ơ xem những điều ấy như lẽ thường tình chỉ đến khi tóc ngả màu chiều nhìn lại, thấy Má mình ngày xưa ấy sao mà thương quá.

 

Thời gian trôi đi, trôi xa dần, xa dần tuổi xuân thì của Má. Những ngày tháng không còn Ba,  Má đơn độc đi về phía cuối đường đời. Cái tiếng chửi " tiên tổ sư cha!" đã lâu rồi không còn nghe nữa. Má không còn nóng nảy chửi bới nữa, Má hiền hòa nhẫn nhịn bên đàn con cháu. Mà gầy hẵn đi vì phải sống cùng bệnh tật. Tiền bạc Má cho các con hết, giờ thì các anh chị em gởi tiền về cho Má thuốc thang. Tôi chỉ góp chút phần chăm sóc, tắm gội, cơm nước cho Má cho đến ngày Má nhập viện rồi ra đi.

 

Má mất lâu rồi và Tôi bây giờ cũng đang đi về phía hoàng hôn cuộc đời. Hình ảnh của Má là tôi bây giờ. Nhưng tôi biết soi vào tấm gương soi của Má để chọn lựa cho mình cái tốt để đi nên tôi sống nhẹ nhàng hơn.

Cái gì đã qua đi dẫu có nuối tiếc, hối lỗi cũng không thể... Hôm nay vô tình nghe bài hát này, tôi viết một mạch những dòng này tự trái tim tôi.

 

"Cho con

Gánh mẹ một lần

Cả đời mẹ đã

Tảo tần gánh con

Cho con gánh mẹ đầu non

Cả lòng mẹ đã

gánh con biển trời

..........

.Mẹ ơi sóng biển dạt dào

Con sao gánh hết

Công lao một đời

Bông hồng cài áo đúng nơi

Đâu bằng bông hiếu

Giữa trời bao la

Cho con gánh lại mẹ già

Để sau người gánh

Chính là con con..." (*)

 

Thái Thanh

(* )trích bài hát “Gánh Mẹ

 thơ: Trương Minh Nhật,  nhạc: Quách Been

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 78303)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 100303)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...
12 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 81218)
LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia ) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học Pusan University of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.
05 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 192181)
LTS: ... Nhân dịp cuộc đàm phán Việt-Hoa về Hoàng Sa và Trường Sa đang khởi sự - mà theo chúng tôi Việt Nam nên từ chối ký bất cứ một văn kiện tay đôi nào với Bắc Kinh,và cương quyết đòi hỏi một hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, để tránh ô danh đời đời trong lịch sử dân tộc như cha con Hồ Quí Ly, Mạc Đăng Dung... xin trân trọng giới thiệu với quí độc giả thân quí những giải đáp thuần túy chuyên nghiệp về sử học của sử gia Vũ Ngự Chiêu. TẠP CHÍ HỢP LƯU
31 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 84736)
ĐNV_5: Nếu một nhà xuất bản trong nước nhìn ra được giá trị thực của “ Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” , và họ muốn in để phát hành trong nước, và điều kiện tiên quyết là phải có giấy phép. Mà để có được giấy phép xuất bản, họ phải "biên tập" lại nhiều đoạn, nhiều câu có tính chất "nhạy cảm" theo cách hiểu của nhà xuất bản, và trường hợp xấu nhất, là phải cắt đi một số chỗ. Vì nếu không, dù là một người có tâm huyết với đất nước hay một nhà xuất bản có nặng lòng với vấn đề chung, cũng không thể xuất bản được. Vậy quyết định của anh trong vấn đề này như thế nào, và tại sao?
08 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 114692)
Đ êm Sài Gòn đứng đường bơ vơ Dòng người mênh mang không ngày yên lặng Còn con đường nào cho em Mộng mơ là trò chơi xa xỉ
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 84712)
III. TUYÊN CÁO CHUNG 16/6/1963: Do áp lực Mỹ, từ giữa tháng 5/1963, Diệm đã gặp lãnh tụ Phật Giáo để thảo luận về 5 đòi hỏi ngày 10/5. Tuy nhiên, chế độ chỉ muốn kéo dài thời gian để vô hiệu hóa dần cuộc tranh đấu.
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 96313)
IV. GIỌT NƯỚC LÀM TRÀN LY: Sau khi Nolting rời Việt Nam, anh em Diệm-Nhu quyết chào đón tân Đại sứ Lodge bằng vài món quà ngoạn mục. Hai món quà lớn nhất là cuộc tổng tấn công các chùa trên toàn quốc và công khai tiếp xúc với sứ giả Hà Nội.
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 92777)
Cuộc tranh đấu của Phật Giáo năm 1963 là đề tài còn gây nhiều xúc động và tranh cãi. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có nghiên cứu sử đích thực nào về đề tài này. Một trong những lý do là thiếu sử liệu. Tài liệu văn khố chưa hoàn toàn giải mật, và số người được tiếp cận tư liệu văn khố Đệ nhất Cộng Hòa không nhiều.
05 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 100345)
( Người sống sót từ trận bom nguyên tử Hiroshima: Bà Tomiko Matsumoto ) LTS: Trần Huyền Sâm sinh năm 1973, hiện là Giảng viên Khoa văn trường Đại học Sư phạm Huế. Tác giả cuốn Tiếng nói thi ca (Nxb Văn học, 2002), giải thưởng Hội nhà văn Thừa thiên Huế 2003, và cuốn Lý luận văn học phương Tây - Tự sự học kinh điển (Nxb Văn học, 2010). Lần đầu tiên cộng tác với Hợp lưu.