- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

SỰ TIẾP NỐI CỦA “LEVIATHAN”: THỜI ĐẠI TRỐNG VẮNG TÌNH NGƯỜI

18 Tháng Hai 20224:41 CH(Xem: 8518)

maxresdefault-1513993260590


SỰ TIẾP NỐI CỦA “LEVIATHAN”:     
THỜI ĐẠI TRỐNG VẮNG TÌNH  NGƯỜI   
  
 Xem bộ phim Nga “Chống lại Tình yêu” ("Нелюбовь", 2017)     

Mai An Nguyễn Anh Tuấn     

 

Đó là cảm xúc mạnh nhất, là ấn tượng bao trùm trong tôi về bộ phim Nga “Chống lại Tình yêu” trên FB Khoanglangnuocnga, kể từ những cảnh dài không âm thanh ở đầu phim do máy quay lặng lẽ trượt qua hồ với những cây cối chìm trong băng tuyết, dưới mắt một cậu bé - tới cảnh cuối, sau cảnh tờ rơi tìm trẻ mất tích dán cột bê tông phủ tuyết, lại trở về cảnh đầu phim tựa trong thời tiền sử, giống như ở bộ phim "Leviathan" của chính đạo diễn bộ phim này: Andrey Zvyagintsev!

 

Bộ phim xoay quanh câu chuyện tấn bi kịch của một gia đình trẻ, và lý giải nguyên nhân cậu bé Alyosha đã bỏ nhà ra đi bởi không chịu đựng nổi sự hành hạ tinh thần khi thấy bố mẹ cãi nhau, lăng mạ nhau công khai như những kẻ thù địch, như đó là cách hữu hiệu và mau chóng thoát khỏi nhau để tìm đến Tình yêu “đích thực” của mình… Điều này, nhà phê bình phim người Nga Anton Dolin đã phân tích khá rõ trong bài viết “Chống lại Tình yêu - Bộ phim về sự trống rỗng” ở một tạp chí Điện ảnh: “Họ dường như sợ cô đơn và muốn có sự dịu dàng, quan tâm, ấm áp. Thật ra nhu cầu đó chính là sự tự lừa dối bản thân. Tình yêu của họ là một dạng ích kỷ lý trí, muốn giũ bỏ mọi yếu tố không cần thiết trong cuộc sống cũ. Vô cảm là biện pháp để quên đi mọi cảm xúc, và nếu được, hãy cứ sống mà không cần đến những cảm xúc” (Phan Bạch Yến dịch, FB Khoanglangnuocnga).

 

Nhưng theo tôi, nội dung ý nghĩa bộ phim không chỉ giới hạn ở đó; và nhà phê bình danh tiếng nọ chắc đã cố tình lờ đi điều này: các tác giả phim không muốn chỉ làm một phim tâm lý về sự tan rã gia đình, sự chạy theo tình cảm ích kỷ cá nhân, sự vô cảm trong quan hệ mẹ con, cha con, vợ chồng - dù họ đã làm được điều đó một cách sinh động, đầy thuyết phục - mà còn tham vọng “vẽ” lên một lối sống hiện đại đáng ghê sợ đang biến người ta thành những “robot” biết suy nghĩ: đó là sự dửng dưng của con người trước số phận của đồng bào, đồng loại. Tâm hồn họ tựa những tòa nhà bỏ hoang mà trong phim chúng bộc lộ tính biểu tượng âm thầm. Đây mới là thông điệp của đạo diễn: từ một bi kịch gia đình, bộ phim đã khái quát bi kịch của cả xã hội, gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiện trạng người với người quay lưng lại với nhau; sự vô cảm từ những mối quan hệ thân thiết nhất trong gia đình sẽ dẫn đến sự hoang lạnh tình người toàn xã hội. Giữa một thế giới đầy bất ổn, những nạn nhân khốn khổ đang tự chèo chống một mình trong hoạn nạn liệu có cơ hội nào nhận được sự cảm thông từ bên ngoài, từ những người không cùng máu mủ, cùng dân tộc? Bộ phim đã vượt khỏi tầm một phim tâm lý xã hội bình thường để mang trong nó một cách đầy rung cảm ý nghĩa chính trị - xã hội lớn rộng, sâu sắc.

 

Xin hãy nhớ một trường đoạn phim nhiều ý nghĩa gần cuối phim: tại nhà Masha - cô người yêu của Boris, bà mẹ gạ con gái tìm cách moi tiền chồng mới để mở rộng diện tích, bởi “chỗ chúng ta ở đây chật như hũ nút” (cũng là kiểu người mẹ ích kỷ và ác nghiệt của Zhenya); cũng lúc đó, tại nhà chồng mới của Zhenya - mẹ chú bé đương mất tích, trên TV đang có một phóng sự truyền hình về cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine, các thành phố làng mạc bị phá hủy, hàng ngàn người chết, bánh mỳ phát miễn phí trộn với những thi thể bị xé nát, với lời kêu thét phẫn nộ trong nước mắt của một nữ công nhân: “Vì cái gì mà chúng tôi phải chết?”

 

Đôi vợ chồng mới đang chăm chú theo dõi thời sự kia đâu có thể ngờ rằng: đó là câu hỏi thét vào mặt tất cả những người đang sống yên bình, ấm áp, no đủ nơi có bể bơi và dụng cụ thể thao cao cấp - trong đó có họ, những người đã vô tình đứng vào hàng ngũ những kẻ dửng dưng hưởng thụ trước bao số phận bất hạnh, và chồng thêm vào nỗi bất hạnh kia bằng chính sự lạnh lẽo tình người của họ! Sự bất ổn, nỗi đau khổ của nhân loại sẽ còn tiếp diễn, những em bé ngây thơ sẽ còn bị mất tích, bị ném vào lò thiêu người của bọn phát xít mới, nếu như những người lớn đang tạm sống ở nơi yên ổn cứ rúc đầu trong nhu cầu cá nhân ích kỷ như một thứ “ung thư tinh thần” tới hồi vô phương cứu chữa! Chiến tranh, xung đột sắc tộc - tôn giáo, những lò lửa mới của lòng tham vô độ thời hiện đại sẽ còn đắc thắng khi tìm được “đồng minh” của chúng là những “Philixtanh” đời mới, những kẻ chỉ sống cho bản thân mình, trái tim băng giá trước nỗi khổ đau nhân loại - họ là sản phẩm của một thời đại khô cạn tình người, trống vắng tình thương, và họ cũng tham gia vào sự sinh sôi nảy nở của “con quái vật tinh thần” thời đại, khủng khiếp chẳng kém “Leviathan” mà trong đó, mọi giá trị cao quý của Con người đều trở thành vật mua bán - đổi chác! Ngay từ đầu phim, hình ảnh chú bé Alyosha một mình lang thang đi giữa một vùng ngoại ô Moskva ngập trong tuyết trắng đã gợi cho người xem sự cô đơn cùng cực của trẻ thơ giữa một bối cảnh thiên nhiên buốt giá; và tới kết phim, hình chú bé ấy trên tờ rơi tìm kiếm cùng dải lụa mỏng phất phơ mà cậu từng ném trên ngọn cây là còn nhắc nhở tới sự tồn tại của cậu, đã thực sự cứa vào lòng người về nỗi đau trước sự trơ trọi của cậu giữa cuộc đời lạnh giá - trong đó Tình thương đã bị cướp giật, bị đánh mất…

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 98826)
Chồng tôi hành nghề kỳ quặc: Kiểm tra trí nhớ của con người. Lấy anh tôi mới khám phá, anh thường xuyên theo dõi những giấc mơ của mình. "Em có thai phải không?" Sau tháng đầu tiên Công đã dọ hỏi. Tôi lắc đầu tươi tỉnh. Giấc mơ đêm khuya còn sáng hồng bụ bẫm bắp chân hài nhi. Tôi biết chắc tôi chưa có mang, nhưng làm sao Công biết tôi đã nằm mơ thấy đứa trẻ? Sáu tháng hạnh phúc trôi qua như gió hắt mặt hồ.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 32264)
Đến nay người mình thấy Tây học rực rỡ mà cái học của ta khi xưa mập mờ không rõ, sách vở không có mấy, liền cho cái học của ta không có gì. Đó là một điều mà các học giả trong nước nên chú ý mà xét cho kỹ, đừng để cái hình thức bề ngoài làm hại mất cái cốt yếu bề trong. Nho Giáo tuy không gây thành được cái văn minh vật chất như Tây học, nhưng vẫn có cái đặc tính đào tạo ra được cái nhân cách, có phẩm giá tôn quí.
23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 110673)
Tin từ quê hương cho biết tin vui cuối cùng nguyên văn, “các vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế đã hứa cấp... khoảng một ngàn mét vuông đất để xây dựng Khu lưu niệm” Trịnh Công Sơn. Tin cũng cho biết Nhà Nước, cũng như thân nhân Trịnh Công Sơn, không dính líu gì đến việc xây dựng và nội dung trưng bày khu lưu niệm này.
23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 128073)
Ngủ đi nhé à ơi, cái sâu làm tổ, cái bọ đi chùa, chuồn chuồn thì bơi (Tặng Kiên và sự điên rồ của đêm)
31 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 84049)
... lịch sử Việt Nam, dưới mắt nhiều học giả thế giới, chỉ là một thứ câu chuyện thêm thắt vào [anecdotes] chính sách và sự can thiệp của các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Hoa, Pháp, Bri-tên, Nhật, v.. v... Người Việt cũng có lý do riêng để không muốn thấy có một tiểu sử chính xác về Diệm, từ chính trị, tôn giáo, tới ý thức hệ. Nên chẳng ngạc nhiên khi khối văn chương hiện hữu về họ Ngô hay Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa tràn ngập những lời “cung văn” hoặc “đào mộ,” bất chấp sự thực... Bài viết này nhằm điền vào khoảng trống nói trên.