Mai An Nguyễn Anh Tuấn
ĐÊM TÂN HÔN THẾ KỶ
Truyện lịch sử
Trong một ngôi nhà của quan lại ở Kinh thành Thăng Long, có một cuộc gặp kín giữa vài nho sĩ vốn là tôi trung của nhà Lê, cùng đôi người thuộc phe chúa Trịnh. Siêu quận công, danh sĩ Ôn Như Nguyễn Gia Thiều cũng ở đó. Sau mấy câu bàn luận về thời cuộc, một vị cầm tờ giấy viết đặc chữ Nho, đứng dậy vẻ hể hả:
- Tôi xin hiến các vị một bài hành, vừa viết đêm trước đây!
“TÂY SƠN HÀNH
Thời, Nguyễn Chỉnh dẫn Tây Sơn Nguyễn Huệ binh lai Kinh thành, Cảnh Hưng hoàng đế dĩ Ngọc Hân công chúa hạ giá Nguyễn Huệ, cố hữu thử tác… ( Bấy giờ, Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn quân Tây Sơn Nguyễn Huệ tới Kinh thành, Hoàng đế Cảnh Hưng gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ, cho nên có bài thơ này.
… Đấng mày râu không có gan giữ được cung thành
Để bực quần thoa phải gán thân cho giặc mạnh
... Chẳng nói chẳng cười chẳng từ tốn
Gầm lớn một tiếng, mãnh liệt như hổ
Nghìn cân sà xuống
... Bông hoa kiều diễm trên cành bị oanh khùng giày vò…”*
Mọi người cuời vui, vỗ tay hưởng ứng.
Ôn Như hầu im lặng khó chịu từ đầu, không đợi tiếng vỗ tay dứt và những lời bình luận kịp tuôn ra, ông đứng dậy, bao nỗi bực tức lâu nay kìm giữ lại giờ ông trút hết vào cái không khí đắc thắng đượm mùi thô tục:
- Lúc này, ta thấy các vị đang tự chứng tỏ là những kẻ thiển cận, hủ lậu, thấp kém hơn cái cái người mà các vị vừa chế diễu, bôi nhọ đấy!
Rồi ông bỏ đi. Mọi người chưng hửng. Có người thấy xấu hổ, cúi đầu.
Cũng lúc đó, Nguyễn Huệ sải bước tới phòng tân hôn, ông định đẩy cửa bỗng dừng lại e dè.
Bên trong, Ngọc Hân cũng đang hồi hộp chờ đợi, với không ít nỗi lo lắng mơ hồ. Những khoảnh khắc sắp tới sẽ vạch đôi hai thế giới của Ngọc Hân – thế giới con trẻ, và thế giới của một người đàn bà, đúng hơn, một cô gái non nớt buộc phải trưởng thành trước tuổi…
Mới mấy hôm gần đây thôi, Ngọc Hân cùng mấy chị chơi tam cúc, bên cạnh là cái nồi đồng lật ngược lên, cô nào thua thì bị quệt nhọ nồi vào má. Ngọc Hân bị mấy cái quệt vào mặt. Đang chơi vui thì có lệnh của Vua gọi Ngọc Hân gấp. Ngọc Hân cứ mang bộ mặt ngộ nghĩnh ấy trình diện Vua trong ánh đèn dầu lạc. Ngọc Hân đến long sàng Vua. Vua bảo mọi người ra hết, chỉ còn lại có bà Chiêu Nghi và Ngọc Hân.
Vua lấy hết sự trịnh trọng:
- Nguyên soái… xin cầu hôn công chúa… Ta đã nhận lời...
Ngọc Hân giật mình, đột ngột, ngơ ngác. Chiêu Nghi cũng ngỡ ngàng.
Vua im lặng lúc lâu, rồi hỏi Ngọc Hân:
- Con có bằng lòng không?
Ngọc Hân cúi đầu lấy hết dũng cảm thưa lại:
- Bẩm cha, con đâu dám trái lời… Hiềm nỗi con mới mười sáu tuổi, còn đang dở dang việc học. Con không lấy chồng đâu ạ.
Vua xoa đầu con gái:
- Việc này hệ trọng lắm... Con thấy ông tướng Tây Sơn Nguyễn Huệ rồi chứ gì. Một người trọng lễ nghĩa… Và công của ông ấy lớn lắm…
Ngọc Hân cúi đầu khóc:
- Con chưa muốn xa cha mẹ…
- Con sẽ làm sứ giả hòa hiếu giữa Đàng ngoài và Đàng trong, bớt được binh đao khổ cực cho dân chúng. Con phải nghe lời cha...
Nhà vua bỗng hoảng hốt thấy vẻ mặt công chúa. Ngọc Hân vội chạy vào trong nhà rửa mặt và khóc nức nở. Bà Chiêu Nghi đến sau Ngọc Hân, ôm rồi kéo con vào lòng.
- Mẹ không muốn có cuộc hôn nhân này… nhưng số mệnh đã sắp đặt… Mẹ sắp phải xa con rồi… Con đừng lo nghĩ... Ông bà ta đã bảo: “Trai khôn kén vợ chợ đông/ Gái khôn kén chồng giữa đám ba quân”…
Nói vậy, nhưng mắt bà cũng chảy lệ.
Ngay trong đêm đó, Ngọc Hân mặc giả trai, vượt sông sang làng Nành, nơi hai chị em nàng đã sống những năm tháng đẹp đẽ nhất của tuổi thơ. Người lái đò là cô gái yêu khúc ngâm “Cung oán” của Ôn Như Nguyễn Gia Thiều mà nhờ vậy Ngọc Hân đã quý mến, gắn bó với cô. Khuôn mặt đẫm lệ, Ngọc Hân tâm sự với cô lái đò, và được cô ta khuyên: “Thưa công chúa, theo tiểu dân, nếu có thể được, người nên từ chối cuộc hôn nhân… Những tấm gương đau đớn của các cung phi, cung nữ, các phận lẽ mọn còn treo đó...” Ngọc Hân bặm môi lau nước mắt. Khi sang tới làng Nành, Ngọc Hân tới ngay chùa, và may gặp được cả hai thầy cũ là Cống Trác và Sư Thanh Quế. Vị Thượng tọa trầm ngâm nói sau khi thông tỏ mọi chuyện:
- Khốn khổ nước Đại Việt đau thương, mấy trăm năm nay huynh đệ tương tàn, máu chảy thành sông, xương chất thành núi. Hôm nay, Đàng ngoài, Đàng trong đã có cơ hòa hiếu… Mà người then chốt nắm giữ hòa hiếu đó... Ngờ đâu, lại là công chúa đây…
Nhà sư bất ngờ chắp tay vái lạy Ngọc Hân, khiến cô giật mình.
- Ôi, sao thầy lại làm thế?
Thầy Cống Trác sau một phút bàng hoàng cũng đứng dậy vái Lê Ngọc Hân.
- Xin hai thầy đừng làm vậy, tiểu sinh đau lòng lắm!
- Vừa rồi chúng tôi vái lạy trò chính là vái lạy người nắm giữ cái hòa hiếu ấy, điều mà cả nước Đại Việt mong đợi bấy lâu nay… - Cống Trác ngậm ngùi trước dáng hình còn mang dấu vết nữ sinh và cặp mắt nhòe nước của nàng.
Ngọc Hân gục đầu xuống bàn khóc. Một lát cô ngẩng đầu lên, lau nước mắt, vuốt tóc.
- Cảm ơn hai thầy. Tiểu sinh xin nghe lời hai thầy. Vài bữa nữa lễ đại Hỷ của tiểu sinh, xin mời hai thầy sang dự ạ…
Trước mặt vua và hoàng hậu Chiêu nghi, Ngọc Hân đầy nước mắt .
- Thưa hai đấng sinh thành, vì đại nghiệp của quốc gia, con xin vâng lời… Con đã kính trọng chàng, và con sẽ cố gắng để yêu thương được chàng…
- Giờ thì trẫm có thể yên tâm nhắm mắt được rồi…
Ngọc Hân chợt nhớ lại mồn một cái ngày cô ngơ ngác đi trên một góc phố, thấy mọi người xem lính Tây Sơn dán bố cáo chữ Nôm “Phò Lê diệt Trịnh”, cô bước tới hòa với đám đông đọc bố cáo: “Hai trăm năm nay, các đời chúa Trịnh vơ vét của cải, chìm ngập xa hoa, lấn át vua, gây đau thương khôn xiết cho chúng dân! Vì thế, các nghĩa dũng Tây Sơn dựng cờ đại nghĩa, vượt ngàn dặm ra Bắc Hà, diệt bè đảng chúa Trịnh, giúp vua Lê khôi phục vương triều. Đội quân của Tây Sơn tam kiệt thề không xúc phạm tới chúng dân dù chỉ một cành cây ngọn cỏ…” Một thị nữ hớt hải đi khắp nơi tìm kiếm, nhìn thấy Ngọc Hân bèn chạy tới, nói không ra hơi: “Tôi đi tìm công chúa mãi! Trong cung, bà Chiêu Nghi đang lồng lên lo lắng đấy! Về ngay đi, đang loạn mà!” Đúng lúc đó có tiếng trống diễu hành vang lên rộn rã. Một đoàn người ngựa oai phong đang diễu trên đường phố Kinh thành. Tiếng trong đám đông: “Kia, hình như là ông tướng Tây Sơn Nguyễn Huệ?” - “Lời đồn quả không ngoa” - “Chúa làm sao chọi nổi với đội quân này?!” Ngọc Hân giật mình, rồi chăm chú theo dõi. Nguyễn Huệ và các Đô đốc dũng mãnh trên mình ngựa, vẻ uy phong rạng rỡ. Ánh mắt Ngọc Hân đầy vẻ ngưỡng mộ.
Nàng nhớ lại những giờ phút cuối cùng của vua cha, Ngọc Hân và Nguyễn Huệ được gọi tới bên ngài. Vua Hiển tông thều thào:
- Ta trao hòn ngọc quý cho Nguyên soái… Và vận nước giờ đây trông mong vào khanh…
Huệ rập đầu tuân chỉ.
- Ta muốn gặp riêng con gái ta…
Huệ kính cẩn cúi đầu, lùi bước đi ra. Ngọc Hân bước tới, cúi gập người bên long sàng.
Vua dốc tàn lực trước khi trút hơi thở cuối cùng:
- Con ơi… Là người làm cha, ta rất xót cho con vì con đã không có quyền lựa chọn hôn nhân… Cả một đời ta đã bất lực để giang sơn nghiêng ngả… Ta phải trốn chạy trong vui chơi hưởng thụ cho bớt nhục nhã… Giờ, may có con… Con sẽ thay ta gìn giữ non sông này… Đại nguyên soái là người đáng để con trao thân gửi phận đó con… Ta hy vọng tuổi xuân con không uổng phí…
Nguyễn Huệ cũng hồi hộp chẳng kém người ở trong phòng. Ông chợt nhớ lại cái duyên cớ ngẫu nhiên mà giống định mệnh trong lễ triều đình tiếp đón tướng lĩnh Tây Sơn. Khi viên Thái giám tuyên: “Bây giờ, xin mời quý khách Đàng Trong thưởng thức Âm luật đặc sản của Kinh thành!”, Huệ nghe thấy công chúa cả tâu Vua: “Thưa phụ hoàng, giáo phường ca trù vừa chạy loạn hết rồi ạ” – “Thế không có ai thay được à?” – “Thưa, lúc này may ra chỉ có Ngọc Hân thôi ạ!” Vua lưỡng lự, rồi gật đầu. Công chúa cả đến chỗ Ngọc Hân, nói gì đó. Ngọc Hân ngần ngừ một lát rồi cầm chiếc đàn nguyệt miễn cưỡng bước ra .
Ngọc Hân gảy đàn và hát :
Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ,
Quán thu phong đứng rũ tà huy.
Phong trần đến cả sơn khê,
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì !**
Huệ thấy Ngọc Hân đàn hát mới được một câu, có một viên quan già bước tới, cầm bộ phách gõ nhịp cho cô, hình như mắt ông ta rớm lệ, còn Ngọc Hân nhìn ông vẻ biết ơn. Hỏi ra, Huệ được biết đó là danh sĩ Thăng Long Ôn Như Nguyễn Gia Thiều.
Trong lúc Ngọc Hân hát, Huệ chăm chú lăng nghe, và nhìn mỗi lúc một say đắm… Sau khi triều đình tiễn khách về Quán dịch, Huệ ngồi chìm trong ảo ảnh về người đẹp lạ lùng mà ông vừa quan sát suốt cả canh giờ, miệng lẩm nhẩm: “Tang thương đến cả hoa kia cỏ này, sao buồn thế, thấm thế”... Khi Nguyễn Hữu Chỉnh ướm hỏi: “Tướng quân thấy nàng công chúa đàn hát ra sao?”, Huệ ngơ ngác một lúc chưa hiểu ông ta nói gì.
- Nàng tên gì?
Lời Chỉnh như chuông ngân nga: “Ngọc Hân”… “Ngọc Hân”… “Ngọc Hân”...
- Trong đời, ta chưa gặp một cô gái nào như nàng… Nàng đẹp, và tài hoa, lẽ đương nhiên. Công chúa nào của Bắc Hà cũng đẹp như hoa, gấm… Song ở nàng hình như có một sức thôi miên bí ẩn hiếm thấy…
- Thưa chủ tướng, đó chính là người đàn bà sẽ chắp thêm đôi cánh thống trị thiên hạ của người…
- Ngươi vừa nói gì vậy? Thống trị ai?
Chỉnh vội vã:
- Tôi muốn nói rằng, tôi đã tâu Vua: bệ hạ, đệ nhị Tây Sơn tam kiệt, người vừa được phong Đại nguyên soái xem ra đã để ý tới cô công chúa này rồi đấy ạ… Tôi sẽ sang ngay cung vua để cầu hôn cô công chúa ấy cho người…
Chỉnh vừa quay đi, Huệ gọi một người hầu thân cận tới.
- Nghĩ về công chúa Ngọc Hân, ta càng nhận ra sự thô thiển, lố bịch của tay Chỉnh! Điều đó có thể làm ô uế thanh danh của nàng… Người hãy giúp ta làm mai mối, thay cho tay Chỉnh…
Viên hầu cận:
- Vâng, con sẽ chuẩn bị đồ ăn hỏi, cùng với quà cho tất cả các công chúa.
Dường như hồi ức nhỏ kia giúp viên võ tướng có thêm lòng dũng cảm. Ông gõ nhẹ ba tiếng vào cánh cửa.
Tiếng run rẩy gần như thầm thì phía trong vọng ra: “Xin mời phu quân”.
Huệ đẩy cửa bước vào. Ngọc Hân trùm đầu bằng một miếng vải đỏ thưa, đang ngồi trên mép giường. Huệ bước nhẹ tới, hơi thở ông nén lại:
- Ta muốn ngắm nhìn dung nhan nàng lần nữa…
Huệ định gỡ tấm vải đỏ, Ngọc Hân giữ tay Huệ. Nàng còn muốn thử thách thêm người sẽ là chồng nàng. Dù sao, nàng cũng mới thoát thai từ một cô bé.
- Đừng vội, phu quân… thiếp muốn ngắm nhìn người anh hùng của thiếp qua làn vải này thêm chút nữa…
Huệ bỗng dưng cười khẽ:
- Những ước muốn kỳ quặc nhất của nàng giờ đây, đối với ta cũng đều đáng yêu, đáng trọng…
Ngọc Hân không cảm thấy bất ngờ trước những lời lẽ có đôi cánh xã giao nhưng chứa đựng sự chân thực kia, và nàng thấy cần đáp lại bằng sự chân thực mà vẫn giữ được nghi lễ trang trọng:
- Không kỳ quặc đâu ạ! Bởi công đức của đại Nguyên soái đối với Lê triều, với Quốc gia khiến thiếp phải chói mắt, nên thiếp cần vật này để tập nhìn chàng như một vị lang quân…
Ngọc Hân từ từ tháo bỏ tấm vải che mặt ra. Huệ bật cười lớn một hồi:
- Thế nàng đã hết chói mắt vì ta rồi chứ?
- Cũng đỡ nhiều rồi ạ… Có lẽ, bởi tấm vải này được nhũ mẫu thiếp dệt tại quê Nành, nơi có các Mẫu thần phù trợ…
Huệ vẻ ngưỡng mộ say đắm:
- Ta nghĩ rằng: các công chúa đất Bắc Hà ai cũng nói năng như một nhà thơ… Mà nàng lại là người nổi bật nhất. Ta thực may mắn…
Ngọc Hân che miệng cười nhẹ, và nàng đáp theo bản năng của một công chúa được thụ hưởng sự giáo dục cao nhất thời bấy giờ:
- Thiếp ngượng quá! Chị em thiếp được học thi phú từ lúc mới biết đi… Nhưng, từ ngày được học thầy Cống Trác quê Nành, lại được biết các chiến công của chàng, thiếp mới ngộ ra: những thi phẩm hay nhất không phải nằm ở từ chương, sách vở …
Huệ ngây ngất:
- Chao ôi! Sự chân thật của nàng mới duyên dáng làm sao! Và nàng khiến ta cũng quý trọng hết mực ông hương sư của nàng…
Ngọc Hân đứng dậy chỉ vào bộ bàn ghế:
- Xin mời phu quân ngồi. Thiếp sẽ đưa chàng sang gặp thầy, ông ấy cũng kính phục chàng vô hạn…
Ngọc Hân rót rượu ra hai chén:
- Giờ xin mời chàng chén rượu Hợp cẩn!
Họ nâng chén kính cẩn.
Nguyên soái mải mê nhìn Ngọc Hân, như dò tìm cái gì.
- Lúc đón nàng xuống kiệu và cùng nàng ngồi tiếp khách, ta thấy ở nàng toát ra mùi thơm giống mùi hoa huệ có phải không?
- Vâng, đúng thế, chàng lại để ý đến những chuyện vặt ấy nữa ư?
- Quả không hổ danh là người Thăng Long, chắt lọc được cả hương hoa huệ cho nàng trong tiệc cưới. Mà Huệ là tên ta...
- Thủa nhỏ tướng công còn có tên là Ba Thơm, phải không ạ?
Huệ gật đầu:
- Nàng hiểu về ta kỹ quá!... Ta biết thiên hạ nhiều người căm tức ta, tô vẽ ta là kẻ phàm phu tục tử... Họ đâu biết cái gánh nặng của ta, người đang muốn tìm sự bình yên cho dân chúng cả nước… Nhưng nàng hãy giúp ta làm theo các nghi lễ, đúng thủ tục của đàng Ngoài…
Ngọc Hân dè dặt:
- Vâng… Thế người vợ chính thất của tướng công thế nào? Liệu trong nhà có hòa thuận được hay không?
Huệ lại bất ngờ trước câu hỏi này. Ông lưỡng lự một lúc:
-Ta rất tiếc là đã không gặp được nàng sớm hơn, bởi ngôi chính thất phải là của nàng…
Ngọc Hân cười:
- Sớm hơn, thì thiếp chỉ là một cô bé hỷ mũi chưa sạch!
Huệ mừng vì đã “thoát hiểm” trước câu hỏi kia, ông thốt lên thay một lời reo thắng lợi:
- Nhưng, giờ nàng đã là bậc mẫu nghi thiên hạ rồi...
-Thiếp còn lâu mới quen được với cương vị đó...
Làm sao ông đoán nổi câu trả lời ngây thơ, có chút nũng nịu đáng yêu và rất thật thà của cô gái nhỏ này, vì thế ông ngây người ra. Rồi những ấn tượng và cảm xúc mới mẻ tích tụ lại, thăng hoa, đưa ông tới một trạng thái căng thẳng. Người ông run lên. Ngọc Hân thoáng quan sát và nhận ra.
Ngọc Hân:
- Tướng công hẵng từ từ... Nhất định thiếp sẽ làm tròn đạo phu phụ... Song, hãy để thiếp dần làm quen với hoàn cảnh mới đã... Thiếp vẫn còn là một thiếu nữ yếu đuối, mỏng manh lắm...
Huệ nuốt nước bọt:
- Lời nàng còn hơn là quân lệnh trước ngàn tinh binh. Mà với ta, quân lệnh như sơn...
Ngọc Hân cuời nhẹ, Huệ cũng chợt cười lớn, vang động cả gian phòng tân hôn, giải tỏa mọi lo âu, thăm dò, toan tính giữa hai người.
Huệ dần thôi cười, trở lại nghiêm nghị, nhìn Ngọc Hân đắm đuối.
- Thầy giáo cũ của ta có dạy về đạo vợ chồng, là phải “tương kính như tân” - kính trọng nhau như khách, hôm nay ta mới thực hiểu... Cảm ơn nàng… Quả là ta phải tu vạn kiếp mới gặp được nàng…
Câu nói sau cùng này đã chinh phục được tâm hồn Ngọc Hân hơn mọi chiến công của người võ tướng mà nàng hằng ngưỡng mộ, người lẫy lừng thiên hạ mà nàng đang tập làm quen sẽ là chồng mình…
***
Cuộc hôn nhân đó chỉ kéo dài 5 năm. Năm 1792, vua Quang Trung băng hà vì bạo bệnh, ở ngôi được 4 năm, miếu hiệu là Thái Tổ Vũ hoàng đế. Triều đại Tây Sơn còn tồn tại được 10 năm nữa, tuy ngắn ngủi, song đã lưu lại trong lịch sử những dấu ấn oanh liệt về Võ công và Văn trị. Sau khi quân Tây Sơn đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh, các sự nghiệp khuyến khích phát triển kinh tế, giáo dục, trọng dụng nhân tài, đặt chữ Nôm vào một địa vị quan trọng, nối lại hòa bình bằng ngoại giao với các nước từng xâm lược Đại Việt, v.v, đều có công đóng góp không nhỏ của Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Khi chồng chết, bà đã khóc chồng bằng bài “Ai Tư Vãn”, một tác phẩm văn học chữ Nôm đặc biệt của nền văn học cổ điển Việt Nam thế kỷ 18 đầy đau thương biến loạn:
…Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình
Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng,
Nỗi đoạn trường còn sống còn đau.
Mấy lời tâm sự trước sau,
Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho!
Ngày 4 tháng 12 năm 1799, Bắc cung Hoàng hậu qua đời, hưởng dương 29 tuổi. Mấy năm sau, cả hai con bà - công chúa Ngọc Bảo và hoàng tử Quang Đức cũng gặp nạn. Bà Chiêu Nghi bí mật nhờ người đem hài cốt công chúa Ngọc Hân và hai con từ Huế về táng ở làng Nành. Mấy năm sau, mộ bà và các con bị đào lên, hài cốt thả xuống sông Hồng, dạt vào bến Bồ Đề. Tại đó dân tưởng nhớ, xây thành Đền Ghềnh.
Tại Ninh Hiệp nay, ngôi mộ tượng trưng của ba mẹ con đã được sửa sang lại, đền thờ “Bắc cung linh từ” đã được xây dựng khang trang, hàng ngày đón khách thập phương tới thăm viếng và tưởng nhớ nàng công chúa tâm hồn cao quý, có công với Đất Nước mà số phận bất hạnh…
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
_____________________
* Theo Tư liệu của TS. Nguyễn Xuân Diện
** “Cung oán ngâm khúc” của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều
- Từ khóa :
- MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN