- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHỮNG BUỔI SÁNG HÔM QUA

24 Tháng Giêng 202210:36 CH(Xem: 9845)

 

SUONG SOM MAI
Sương Sớm Mai - ảnh UL

 

 

 

Nguyễn Thanh Sơn     

NHỮNG BUỔI SÁNG HÔM QUA     

 

Buổi sáng hôm nay có gì mới ?. Rất mới hơn những ngày hôm qua, vì bởi, nó bước sang một năm 2022 . không chỉ một tờ lịch vừa rơi xuống , mà rớt nguyên cả lốc . Ngày hôm qua của 2021 đã trở thành quá vãng.

Bên ly cà phê buổi sáng, nghe tin tức trên truyền hình, hoặc vào gõ bàn phím . Những câu chuyện thiên hình vạn trạng cứ xoắn xít vào tâm trí, ký ức ôn lại của ngày hôm qua nghe như dài của cả một năm. Tôi đi qua những buổi sáng hôm qua từ vật chất đến tinh thần, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc. God is love ( thượng đế là tình yêu), tôn thờ đấng tối cao, hoặc siêng suy nghĩ và chọn lựa cách sống. – Chấp nhận và im lặng. – Chống đối. – Góp tay cải biến. Cuộc sống như một cuộc hiếp dâm. Nếu chống cự không được thì cứ tận tình chấp nhận.

Những buổi sáng hôm qua biết bao sự kiện dồn dập, nếu kể ra sẽ kết thành xâu chuổi nỗi buồn mà niềm vui chỉ bằng gang. Quả là một năm tang tóc, đau buồn do dịch bệnh, nó cướp đi biết bao sinh mạng trên cõi trần này, để lại bao nỗi đau cho người đang sống , di chứng còn lại cho cả năm sau. Đúng là Tí hư Sửu hao. Năm Dần tới bất lơị hay (lợi ! )

Tôi thấy gì buổi sáng hôm nay? Sự trốn chạy của nắng, gió và cả bóng chim. Chỉ còn tiếng là ở lại.

Trong thế giới u trầm tịch mịch. Nắng của ngày cuối năm hiếm hoi, những đám mây đen cuốn xoắn trên nền trời như trốn chạy cái lạnh ngày đông. Nhưng trong tôi, sự hào phóng của cải tinh thần trào dâng như con chim sâu đang tắm táp trong giọt sương buổi sáng hôm nay.

Tôi thấy gì buổi sáng hôm qua?

Buổi sáng nào như buổi sáng nào, sự lập lại không ngơi nghỉ. Đàn người như kiến bò trên mọi nẻo đường, đủ màu sắc, tím đỏ vàng xanh theo một trật tự nhất định như mỗi buổi sáng nào. Một đàn kiến bò (hoặc chạy) lổn nhổn trên vạch đã định sẳn, có dãy phân cách lề phải, lề trái. Có con ngo ngoe đôi càng râm, mang kiếng đen, bịt miệng bằng khẩu trang, có con nói huyên thuyên trên mọi ngã đường, có con đi chệch đường bị vặt càng trụi lủi, có con ôm nỗi tức muốn hét to lên cho hả tức nhưng đành nuốt cục tức vào lòng hoặc gửi vào lá gió cành chim!

Tôi thấy gì buổi sáng hôm qua?

Diệp lạc hoa khai nhản tiền sự

Tứ thời tâm kính tựa như như ( Nguyễn Du)

Tôi chép câu thơ trên của ngày hôm qua, câu thơ này tôi cóp của ngày hôm kia để thấy gì buổi sáng hôm qua?

Những cơn mơ xào xạc len vào giấc ngủ buổi sáng, con mơ giữa ban ngày, len vào tâm hồn tôi buổi sáng hôm qua nhiều đau buồn , xót xa. Đó là những con chim phải đánh đổi cái giá của tuổi thanh xuân để được hót lên tiếng tự do, tiếng kêu thảng thốt trong lồng sắt, tiếng đập cánh phập phồng vào vách lồng tựa như muốn thoát cảnh tù túng mà bay lên với bầu trời cao rộng . Có rất nhiều con bướm bay tự hồi đêm, bay mãi vào buổi sáng. Đàn bướm bay vô hồi vô tận của thời gian, nó đã vượt bao quãng đường dài, qua bao biển hồ, qua núi sông biển cả mênh mông, vội đến đây vào buổi sáng hôm nay. Rồi lại bay, để làm gì, đi đâu về đâu. Ai biêt?

Tôi bóc một tờ lịch của buổi sáng hôm nay, tờ lịch cuối cùng của một năm Hôm nay có gì, scent of a morning (hương thơm cho buổi sáng), tôi níu kéo ngày bằng những câu ca cũ. Hôm nay, ngày cuối cùng của một năm nhiều niềm vui hay lắm điều phiền não.

“Cuộc đời ai tỉnh ai say

Mà đem non nước làm rầy chiêm bao.”

Buổi sáng hôm nay tôi bói gặp câu thơ của cụ Nguyễn Trãi. Câu thơ gieo vào lòng tôi nỗi riết róng về cõi thực và mộng. Tôi ngân nga hoài câu thơ của cụ suốt buổi sáng hôm nay. Câu ca theo tôi suốt buổi, cõi đời vừa mộng vừa thực đan xen nhau bên những công việc vụn vặt hàng ngày như quét nhà, vo gạo nấu cơm hay rữa chén bát, ra dạng bộ tịch anh chồng đảm đang. Tôi ngâm ngợi câu thơ bên những tiếng đệm lanh canh của bát dĩa, bên tiếng nước chảy dội xuống cái thau. Mãi ngâm ngợi nên nước tràn ra, chảy lênh láng, chảy trôi theo giấc mộng mênh mang. Ôi lạ chưa ! giấc mộng vẫn đang hiện hữu quanh đây, những hạt bụi long lanh trong nắng sớm mai dọi vào nhà, nó thôi nhảy múa reo hò khi cái nền nhà vừa đủ sạch.

Rồi buổi sáng hôm sau.

“ Đêm qua mộng lại thật gần

Đừng lay tôi nhé hồng trần mỏng manh”.

Hay

“Ngỡ chỉ là một cuộc chơi

Ngoái lại sau thấy một trời phù vân”

Câu thơ này của ai, tôi không thể nào biết, nó in vào tờ lịch mỗi ngày nhưng không ghi tên tác giả, rồi nó sẽ trôi vào thinh lặng, nhưng có hề chi, dù gì nó cũng đã rơi vào lòng tôi cho buổi sáng hôm nay, lòng trĩu đầy cõi mộng bên cái ham muốn đầy rẫy ở ngoài kia, trên con đường phố mới bảnh mắt ra đã đầy bụi bặm , con đường tráng nhựa dễ chừng hơn mươi năm. Bây giờ, nó trơ khất đầy đá dăm, xen lẫn ổ gà , ổ voi. Con người bon chen trên đó như đàn kiến bò . Hay như trong sân nhà tôi, mới bảnh mắt ra ông mặt trời chưa mở mắt thì đã nghe tiếng “ tục tục” ở góc sân, bươi nát khóm cây mới trồng chiều hôm qua.

Mỗi buổi sáng, khi bóc lịch, tôi đọc những câu thơ, những lời hay ý đẹp của các danh nhân, những người nổi tiếng. Nhớ những thói quen của ba tôi ngày trước.

Nhớ, khi ba tôi còn tại thế, ông có thói quen là luôn giữ gìn những tờ lịch cũ. Mỗi ngày trôi qua, ông không xé mà cuốn ngược nó lên rồi lấy giây cao su giằng lại trên tấm lịch bằng giấy carton in hình ảnh ba ông phúc lộc thọ, hàng chữ an khang thịnh vượng, phúc lộc khang ninh theo thuyết phong thủy của thời đó. Cuối năm, ông vuốt lại cuốn lịch cho phẳng phiu để rồi lưu giữ nó. Vài năm sau , ông không dùng tấm lịch bằng giấy carton mà thay bằng tấm gỗ cẩn xà cừ với dòng chữ duy nhất là chúc mừng năm mới, khắc hình tùng cúc trúc mai bên dưới. Theo ông, tấm gỗ này gìn giữ lốc lịch được tốt. Mỗi thành viên trong gia đình theo thói quen của ông nên không bao giờ xé tờ lịch của mỗi ngày. Nhìn những tờ lịch được cuốn tròn lại trông giống như từng lá chuối non cuộn tròn, hình ảnh đó có trong câu thơ của cụ Nguyễn Trãi:”Tình thơ một bức phong còn kín “ vậy. Ông lý giải công việc này là, mỗi lốc lịch này , cứ gìn giữ đến 60 năm sau thì nó sẽ trở lại với những ngày này tháng này, không sai biệt, ông gọi đó là một hoa giáp.

Ba tôi không sống được một hoa giáp, không thể vượt qua ngưỡng sáu mươi năm cuộc đời để được nhìn lại những tờ lịch theo vòng quay cũ. Âu cũng là cái hữu hạn của cuộc đời. Sau này khôn hơn, tôi mới ngộ ra một đôi điều của ba tôi ngày trước. Ông không tiết kiệm gì những tờ lịch cũ để dùng lại những 60 năm sau, mà điều duy nhất là ông muốn nhìn ngắm lại những ngày tháng cũ trên đó, thỉnh thoảng ông có ghi lại một vài công việc cần nhớ của ngày hôm đó, của ngày hôm kia, hôm kìa hay của “ hoa này năm ngoái còn cười gió đông”. Cái lớn hơn tôi đã học ở ba tôi là , chớ đánh mất những gì có được của ngày hôm qua.

Tôi bây giờ không có thói quen đó, cũng đã qua một hoa giáp, không học được tính tỉ mẩn của người xưa. Có thể ham cái vui, cái có sẳn ở trước mắt , nên không lo xa chăng.

Ngày hôm qua đã quá vãng. Nỗi buồn, niềm vui đã lùi sâu vào ký ức của mỗi con người, mọi chuyện đâu rồi cũng đi qua. Tờ lịch đã sang trang mới.

 

NGUYỄN THANH SƠN

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 78265)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 100241)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...
12 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 81161)
LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia ) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học Pusan University of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.
05 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 192096)
LTS: ... Nhân dịp cuộc đàm phán Việt-Hoa về Hoàng Sa và Trường Sa đang khởi sự - mà theo chúng tôi Việt Nam nên từ chối ký bất cứ một văn kiện tay đôi nào với Bắc Kinh,và cương quyết đòi hỏi một hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, để tránh ô danh đời đời trong lịch sử dân tộc như cha con Hồ Quí Ly, Mạc Đăng Dung... xin trân trọng giới thiệu với quí độc giả thân quí những giải đáp thuần túy chuyên nghiệp về sử học của sử gia Vũ Ngự Chiêu. TẠP CHÍ HỢP LƯU
31 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 84690)
ĐNV_5: Nếu một nhà xuất bản trong nước nhìn ra được giá trị thực của “ Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” , và họ muốn in để phát hành trong nước, và điều kiện tiên quyết là phải có giấy phép. Mà để có được giấy phép xuất bản, họ phải "biên tập" lại nhiều đoạn, nhiều câu có tính chất "nhạy cảm" theo cách hiểu của nhà xuất bản, và trường hợp xấu nhất, là phải cắt đi một số chỗ. Vì nếu không, dù là một người có tâm huyết với đất nước hay một nhà xuất bản có nặng lòng với vấn đề chung, cũng không thể xuất bản được. Vậy quyết định của anh trong vấn đề này như thế nào, và tại sao?
08 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 114623)
Đ êm Sài Gòn đứng đường bơ vơ Dòng người mênh mang không ngày yên lặng Còn con đường nào cho em Mộng mơ là trò chơi xa xỉ
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 84665)
III. TUYÊN CÁO CHUNG 16/6/1963: Do áp lực Mỹ, từ giữa tháng 5/1963, Diệm đã gặp lãnh tụ Phật Giáo để thảo luận về 5 đòi hỏi ngày 10/5. Tuy nhiên, chế độ chỉ muốn kéo dài thời gian để vô hiệu hóa dần cuộc tranh đấu.
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 96233)
IV. GIỌT NƯỚC LÀM TRÀN LY: Sau khi Nolting rời Việt Nam, anh em Diệm-Nhu quyết chào đón tân Đại sứ Lodge bằng vài món quà ngoạn mục. Hai món quà lớn nhất là cuộc tổng tấn công các chùa trên toàn quốc và công khai tiếp xúc với sứ giả Hà Nội.
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 92698)
Cuộc tranh đấu của Phật Giáo năm 1963 là đề tài còn gây nhiều xúc động và tranh cãi. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có nghiên cứu sử đích thực nào về đề tài này. Một trong những lý do là thiếu sử liệu. Tài liệu văn khố chưa hoàn toàn giải mật, và số người được tiếp cận tư liệu văn khố Đệ nhất Cộng Hòa không nhiều.
05 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 100298)
( Người sống sót từ trận bom nguyên tử Hiroshima: Bà Tomiko Matsumoto ) LTS: Trần Huyền Sâm sinh năm 1973, hiện là Giảng viên Khoa văn trường Đại học Sư phạm Huế. Tác giả cuốn Tiếng nói thi ca (Nxb Văn học, 2002), giải thưởng Hội nhà văn Thừa thiên Huế 2003, và cuốn Lý luận văn học phương Tây - Tự sự học kinh điển (Nxb Văn học, 2010). Lần đầu tiên cộng tác với Hợp lưu.