- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Còng Gió

05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 115239)

w-finalfinal3-hopluu173_0_169x300_1Ba tháng trời, thằng nhỏ đã bớt lầm lì hơn nhưng Sa ngày càng ghét nó. Nó có đôi mắt sâu bí hiểm. Đôi mắt đựng những mảng trời xanh tan tác. Đôi mắt hay nhìn ra biển chiều.

Nó thích đuổi theo những con còng gió dọc bờ biển vào những buổi chiều tà. Lũ còng gió trốn chạy từng đợt sóng biển vỗ bờ.

Chị thích bắt lũ còng không? Để em bắt cho.

Cắn chặt đôi môi căng mọng đến bật máu, Sa nhìn thằng nhỏ chới với đuổi loài giáp xác. Lũ còng gió sống vô ưu đua nhau vẽ những vồng hoa trên cát trắng.

 Thấy mằn mặn trên môi.

 Nó chạy ngã dúi cắm mặt xuống cát, hai đầu gối lấm lem... Mặc kệ, Sa nhìn ra biển chiều.

 Thấy mằn mặn trên môi.

 Nó bảo lũ còng khôn như ranh em không bắt nổi. Em mệt muốn chết chị ơi. Mặc kệ! Ngoài khơi xa nghe có tiếng còi rúc dài dồn dập. Có thể đó chuyến tàu đưa Triều về bên Sa mãi mãi. 

 Thấy mằn mặn trên môi. 

 Chuyến tàu cuối cùng cập bến. Không thấy bóng Triều vạm vỡ đổ dài trên cát. Đám người dưới tàu chú Thuận nhìn Sa lắc đầu ái ngại. Đã khá lâu rồi, Sa quen những chuyến tàu cập bến thiếu anh. Chẳng biết từ khi nào Sa bỗng thấy ghét chuyến tàu xanh xao trôi nổi giữa đại dương rì rầm sóng vỗ. Chúng cập bến với khoang cá ăm ắp đủ loại. Đó là món nợ ngàn đời của dân biển với đại dương. Những con cá thân trắng bạc giẫy đèn đẹt bong tróc lớp vẩy li ti dát đầy khoang thuyền. Người ta bảo với Sa, Triều qua tàu bạn chơi, chuyến sau về. Sa đứng bên bờ biển lặng nhìn lũ còng gió giơ giơ đôi càng. Chúng giương mắt nhìn Sa rồi như bảo nhau trốn chạy. Đoàn người đội trên đầu những thúng cá nối dài bóng nhau đi về cuối bến.

* * * 

 

Có một ngày sau bão, mẹ đi ra bờ biển ngóng về phía mặt trời đang nhô lên đỏ ối buổi hừng đông. Mẹ trở về dẫn theo một đứa trẻ chừng năm tuổi có nước da đen nhẻm, tóc xoăn bết dính chất mặn của biển cả. 

Sa có một đứa em. 

 Hỏi nó tên gì nó bặm môi lại, lắc đầu quầy quậy, tới bữa cơm nó lầm lì ngồi ở góc nhà đợi mẹ dỗ dành mãi mới chịu ra ăn. Sa không ưa tính nó thậm chí là ghét nó. Chiếc giường ngày cha còn sống, người xẻ gỗ cây phi lao cổ thụ đóng cho Sa, nay lại có thêm nó nằm nữa. Đêm, Sa nhăn mũi lại khi bên cạnh nó ngáy phì phò. Đầu tóc nó, quần áo nó bốc lên mùi chua chua mằn mặn.

Sa gắp mấy ngọn rau lang cho vào bát. Cái giống khoai lang trồng trên cát mùa này dẫu cố nuốt trôi xuống tận dạ dày vẫn còn nguyên cái vị chan chát bứ lại ở đầu lưỡi. Bữa cơm ba người quay quắt nhìn nhau. Mấy mẹt cá phơi ngoài kia tạt vào mùi tanh nồng mặn chát.Trên cái mẹt còn những vệt muối ngấn trắng có duy nhất món cá kho mặn và bát ngọn khoai lang luộc chấm nước cá kho. Mẹ vuốt vuốt lên mái đầu bết của nó giọng nói như chùng xuống:

Cố ăn đi con, vài ngày nữa có chợ phiên, mua thêm cho chị em mi ít thức ăn. Cực quá!

Nó vẫn lùi lũi ăn chẳng nói năng gì. Sa quắc mắt nhìn nó, nó ngang ngạnh dùng tay bốc một dúm rau luộc cho vào cái miệng bé tẹo nhồm nhoàm nhai. 

 

* * *

Mẹ bảo: " Nhà có hai mẹ con, chừ có thêm em, mi phải thương lấy hắn". Mẹ nói giọng miền Trung phả lại nghe nằng nặng buồn buồn. Sa không nói gì. Sa căng mắt nhìn những con sóng ngoài khơi ì ào xô bờ cát. Sau bão, đủ mọi thứ rác rưởi dạt vào bờ biển từ túi ni lông, vỏ cây, thân cây cho tới kim tiêm, giẻ rách... Xa xa, những con còng gió dàn hàng ngang chạy liêu xiêu. Sa nhớ tới Triều… 

Thấy cuộc sống sao mà buồn. 

Sa bỗng ước được như những con còng ngoài kia dàn hàng ra mà trêu ngươi sóng biển, trêu ngươi đại dương sau trận mưa trắng trời lại như dềnh lên cơn khát muối.

Nó đứng sau Sa, gió thổi bạt mùi bồ kết nồng nồng trên tóc nó. Thằng nhóc, lại hành tội mẹ phải gội cái đầu chua sặc bết dính đây mà. Đôi mắt nó vẫn lì lợm nhìn Sa. Là con trai mà hàng lông mi của nó dày kì lạ, gần như che kín đôi mắt bao giờ cũng mở to như thách thức.

Không về trông nhà còn ra đây làm chi?

Sa mắng nó. Mẹ lườm Sa, mẹ bỏ cuốc xuống ngả nón ra quạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt rồi vẫy nó lại bên mình. Bực. Sa cúi xuống mặt đất cát đặt tiếp những dây khoai héo teo xuống ươm. Nắng như làm cát tan chảy hay sao ấy, thấy dưới chân rát lên đến khó chịu, chỗ vết thương nhỏ hôm qua bị lưỡi cuốc sắc lẹm lia qua giờ Sa lại thấy hơi ngưa ngứa. Mồ hôi rịn ra quện với mấy hạt cát lúc gió to đậu lại trên cổ Sa nhớp nhúa. Mẹ chẳng để ý gì tới Sa. Mẹ nhìn vào đôi mắt lì lợm của nó mà cười. 

 

* * * 

Sa đằm mình trong nước biển. Sóng nhồn nhột túa vào ngực Sa từng đợt, từng đợt tưng tức. Dưới ánh trăng bầu ngực Sa căng tròn nhô lên khỏi mặt nước thách đố. Triều hứa với Sa anh chỉ theo chú Thuận đi hết chuyến tàu này sẽ về cưới Sa, hai đứa sẽ đi lên thành phố làm ăn không phải xa nhau nữa. Trên kia, hàng phi lao cao hứng với gió quất mạnh tán cây lên khoảng không bất tận của trời khuya. Sau bão, Triều vẫn đi theo tàu đánh cá. Triều nhìn đôi mắt Sa đỏ hoe mà bình thản: "Phải đi thêm đôi ba chuyến nữa mới có tiền cưới em". Sa nén tiếng thở dài ngả mái đầu vào vai anh, bờ vai vững chãi của một người đàn ông trên ba mươi tuổi. Sa nghĩ tới một đám cưới nhỏ làng biển. Có hoa và rộn những tiếng cười. Sa là cô dâu. Sa khoác lên mình bộ váy cưới màu trắng. Ừ, con gái làng chài không mặc đồ màu trắng bao giờ nhưng ngày cưới, Sa sẽ kiêu hãnh để gió bông đùa thổi lên màu trắng tinh khôi ấy.

 Dưới chân hai người cát vẫn lấn đầy và gió vẫn gào trên đầu thảm thiết. Sa nghĩ tới lúc mình là cô dâu. Những hạt cát bao giờ cũng là kẻ phá bĩnh Sa và anh trong lúc họ âu yếm. Chúng như bảo nhau xâm lấn vào mọi nơi, mọi chỗ,… Ngay cả nụ hôn anh trao Sa cũng khàn khạn như lẫn cát. Duỗi mạnh cặp chân trần, dưới lưng Sa, dưới chân Sa cát như lún sâu xuống từng vũng hút. Không biết nó sẽ nhấn chìm Sa và anh hay không. Xung quanh, những con còng gió cũng là tòng phạm, là đồng minh của cát. Chúng lổm ngổm bò, bò dọc, bò ngang. Nằm xuống nhìn mặt cát, Sa bỗng thấy bọn còng gió to hơn mức bình thường. Chúng giương đôi càng màu hồng cam lên như giễu cợt. Chẳng hiểu chúng muốn giễu Sa hay anh nữa. 

 

* * * 

 

Bão biển. Bão Sêsan. Cơn bão biển thứ hai đổ bộ cướp đi hai sáu mạng người trên tàu chú Thuận. Xóm chài xác xơ như tấm lưới vá chằng nay bị xé toạc bởi những tiếng kêu khóc tang thương. Mẹ bỏ mặc những mẹt cá hong ngấm nước mưa nhung nhúc dòi bọ. Thằng nhỏ bỏ quên lũ còng gió vô ưu. Sa ngóng về phía mặt trời lặn nơi những người dân chài tụ tập chít lên đầu vòng tang trắng xoá.

Triều không trở về. Người ta báo anh mất tích. Sa rẽ những tiếng gào khóc chạy về phía rặng phi lao đầy gió. Bàn chân Sa nhẹ đi lướt đều trên cát. Sa thấy trước mắt một con đường dài trải đầy hoa. Hoa ngày cưới. Sa thấy mình là cô dâu. Triều đợi Sa nơi hằng đêm hai người vẫn thường hò hẹn. Sa là cô dâu làng biển. Sa nhắm mắt mỉm cười. Sa nằm xuống cát đè lên cả những dây khoai mới ươm héo úa.

(…) thấy như có một vũng hút sâu hoắm dưới lưng(... ) 

(…) thấy cát xâm lấn và lũ còng gió giương đôi càng chế nhạo(...)

Thiêm thiếp trong nỗi đau không thể bật thành lời. Sa gọi tên anh. 

 * * *

 "Nó là con của thằng Triều và người đàn bà trên đảo, người đàn bà bị chết trong trận bão trước, thằng Triều đem nó cập bến theo tàu". Mẹ bảo thế. Sa cười khanh khách.

 "Triều hắn yêu Sa thật đó" em gái chú Thuận vuốt mái tóc Sa bảo thế. Sa lắc đầu, cào cấu, giãy giụa đòi đuổi chị ta đi.

Dưới trăng khuya, có hai người đàn bà nhìn Sa rồi khóc.

"Người điên", "người điên chúng mày ơi!"… những đứa trẻ xóm chài xúm xít đằng sau Sa lớn tiếng gọi. Sa im lặng cúi đầu. Lũ còng gió liêu xiêu dàn hàng vây kín chân Sa do thám.

Mẹ lặng lẽ chải mớ tóc loà xoà rũ xuống che lấp khuôn mặt và bờ vai Sa. Hơn một năm sau bão dân chài gọi chị là người điên. Lâu lâu, lũ trẻ có vẻ đã chán trêu chị. Chỉ thằng nhỏ kiên nhẫn chạy theo tiếng cười khanh khách của Sa. Đôi mắt sâu thẳm trong veo của nó nhìn ra trập trùng sóng biển. Mảng trời xanh như vỡ ra thành nhiều mảnh vụn.

"Chị Sa ơi! Sao chị Sa khóc…để em bắt lũ còng gió cho Sa nhé!". Thằng nhỏ lay lay đôi tay chị rấm rứt. Chị ngửa mặt lên trời cười khanh khách. Tiếng cười man dại hắt lên khoảng không giễu cợt cái nắng quái lúc xế chiều. Sa ngây ngô nhìn thấy tất cả người dân làng biển chạy ra đầu bến. Người già, phụ nữ và cả trẻ con. Có tiếng còi tàu rúc lên từng hồi dài. Đó không phải là tiếng còi tàu dồn dập khấp khởi lúc cập bờ, tiếng còi tàu xướng lên da diết giữa trùng khơi tiễn những vong hồn đã khuất. Những con tàu lùi lũi vây thành vòng tròn trên mặt biển… Dân chài làm lễ tưởng nhớ người xấu số ra đi sau bão. Gió thổi ngược vào bờ mang theo hơi lạnh. Chị đẩy thằng nhỏ ngã xoài trên cát. Chị chạy. Chạy theo tiếng con tàu ngân xa day dứt. Sa thấy con đường rải đầy hoa trước mắt. Hoa ngày cưới. Hoa của biển. Sa là cô dâu… Những con còng mải miết chạy theo đôi gót chân lấm cát của Sa do thám. Chị là người điên! Chị thành người điên. Chúng không tin là thế.

…Bình minh

Hoàng hôn

…Và cả những đêm trăng gió vô ý giỡn hoài trên rặng phi lao… người dân biển thấy thằng nhỏ và Sa vẫn say sưa bày trò chơi trên cát. Hai người lấy ngón tay vẽ theo những đường vòng vô nghĩa lũ còng gió tạo nên. Lũ còng giương đôi mắt nhìn rồi bỏ đi. Sa cười. Thằng nhỏ cười. Đó là trò chơi duy nhất trên đời người điên không biết chán.

Lữ Thị Mai

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 4777)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 4570)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
16 Tháng Mười 20235:20 CH(Xem: 5030)
Nắng lạc lõng nắng tàn trên hè phố / Chiều bơ vơ chiều té xuống sông / Tôi im lặng tôi ngồi nghe sóng vỗ / Đời vô thường nên có cũng như không
16 Tháng Mười 20235:01 CH(Xem: 5518)
phương đông có quê hương là mặt trời / phương tây có thành phố đầy cổ tích / gửi về nàng chìm đắm / thanh thản những đóa hoa mộc lan / thì thầm điều to nhỏ / trong khu vườn hoang dã / ngơ ngác như mây mưa…
16 Tháng Mười 20234:35 CH(Xem: 5218)
Bay đi từ cánh đồng nào thân cò của mẹ / Chắt chiu hạt gạo đồng tiền / Mười đứa con nhân lên mười lần thương khó / Một trăm ngã nhọc nhằn vạn nẻo đắng cay
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 4589)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4957)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 7201)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 6529)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4666)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi