- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HẮN VÀ TÔI

21 Tháng Chín 20196:18 CH(Xem: 17392)
demtrangF
Đêm Trăng -tranh Đặng Hiền

Tôi và hắn là bạn học từ thời con nít, thuở tiểu học. Hồi đó có một thời má tôi cho tôi học thêm ở trường ông Hai Ngô ở Khu hai, tôi ngồi cùng bàn với hắn, rồi thành bạn với hắn và chơi rất thân.

 

Hồi đó có những chiều thầy cho về sớm, hai đứa tôi thường đi bắt còng, đi lượm vỏ Sò vỏ Ốc, lượm lá vàng khô rụng bay ở ngoài biển Khu hai, lăn lóc vô tư lự giữa cảnh trời mây non nước. Tôi nhớ hồi ấy nhà hắn nghèo lắm, tựa như một cái chòi nằm chen chúc với xóm nhà lá ở biển. Tôi không hề thấy hắn có ba, chỉ thấy mẹ hắn thường chèo cái thúng ra khơi mua cá về bán. Có một lần hai đứa tôi chơi nghịch trèo lên cái thúng của mẹ hắn mà bơi ra biển. Hôm ấy cái thúng bị vô nước nên chúng tôi phải sang thúng. Hắn nhảy qua trước rồi đưa tay để kéo tôi qua. Hôm ấy tôi đã bước được một chân qua thúng này, còn một chân ở bên thúng kia. Cái thúng nó chòng chành làm tôi lọt tỏm xuống nước, bàn tay của hắn nắm lấy tay tôi trơn nước tuột ra nhau, mà tôi lại không biết bơi nên tôi chìm lỉm. Hắn hốt hoảng nhảy tỏm xuống nước, bơi đến ôm lấy tôi và kéo tôi vào bờ. May là chúng tôi chưa bơi ra xa lắm. Quần áo lem luốc đầy cát và ướt mem, hắn đưa tôi về nhà. Mẹ hắn quát lên bằng giọng của người dân biển :

- Tời quơi, cái ông Địa bà Địa đây làm cái gì mà ướt mem dậy tời.

Nói thế nhưng bác ấy tốt bụng, bác lau khô cho tôi rồi còn quạt và phủi sạch sẽ lớp cát bám trên người tôi... Bác còn cho tôi ăn cái món bún cá ngừ kho nước mẳn mẳn rất ngon nữa chứ. Mỗi lần tôi tới nhà hắn chơi, tôi được ăn hết món này tới món khác no bụng và tôi biết cả hai mẹ con hắn đều rất thương tôi...

 

Tuy thân với nhau như thế nhưng tôi giấu nhẹm nhà ba má mình ở đâu, về gia đình tôi. Một hôm tôi bị đau bụng phải nghỉ học, hắn nóng ruột và nhỏ Mai đã chỉ cho hắn biết nhà của tôi. Hắn ngỡ ngàng khi đến nhà tôi ở ngay phố chợ, nhà lầu cao lớn có cả xe hơi. Hắn không dám vào mà lấp ló sau cái xe Balua của ba tôi đậu trước nhà. Tôi hoảng hồn chạy ra bảo hắn biến đi, nếu không thì từ nay tôi " bùm " hắn ra không chơi với hắn nữa. Tôi nhớ mãi hồi ấy hắn lủi thủi quay về, ánh mắt trách móc nhìn tôi thật tội... Và hắn đã không đến nhà tôi lần nào nữa.

 

Lên lớp sáu, tôi thi đỗ vào trường công Nữ trung học Quy nhơn, còn hắn đậu vào trường Cường để. Hồi đó đậu được vào trường công thì oai lắm, hãnh diện lắm. Tôi và hắn không học trường Hai Ngô nữa, chúng tôi không gặp nhau và xa nhau từ đó.

Vào Nữ Trung Học tôi hiền thục dịu dàng trong tà áo dài trắng thướt tha mỗi ngày. Chỉ mới lớp bảy tôi đã dậy thì sớm, đã phát triển nẩy nở thành một cô thiếu nữ cả về thể xác lẫn tâm hồn. Tôi đã biết thẹn thùng e lệ khi có nhiều chàng trai nhìn ngắm và còn biết mộng mơ thả hồn ra ngoài trang sách vở học trò. Nhưng thời gian ấy rất là ngắn ngủi vì là thời chiến tranh và khi tôi chỉ mới đang học dở dang lớp 9 thì đất nước tôi đã sang trang mới.

 

Năm 1975 trường tôi học không còn là trường Nữ nữa mà học lộn xộn đủ trường có cả nam sinh. Năm ấy tôi học lớp 10, tôi kiếm tìm trong đám bạn nam sinh học Cường để qua nhưng không thấy có hắn. Dưới chế độ mới, từ thầy cô cho đến bài học không làm cho tôi cảm thấy thích thú nữa. Tôi học hành sa sút, tôi chìm nghỉm không hòa đồng với bạn bè, tôi như một đóa hoa rủ cánh, một ngôi sao mờ bé xíu nằm khuất trên bầu trời. Cái thế giới mộng mơ của tôi như phụt tắt với nỗi buồn lặng lẽ trong tâm.

 

Tốt nghiệp xong cấp 3, tôi thi rớt Đại học. T0ôi học Sư phạm, rồi ra trường tôi làm cô giáo ở miền quê nghèo xa tít. Hè năm 1981 trong lần về thăm nhà, tôi đã đi Vượt biên và bị bắt. Thật ra hồi đó tâm tôi còn lành lắm, tôi chưa biết thù giận ai, chưa biết bất mãn gì chế độ, chưa cảm thấy khó chịu vì bất công của chế độ hiện thời. Tôi đi Vượt biên chỉ duy nhất một ước vọng trong lòng là qua đó tôi sẽ làm thật nhiều tiền, tôi gởi về cho ba má tôi nuôi các em tôi còn nhỏ.

 

Nhưng lần đó tôi bị bắt và ở tù.Trong lần đầu tiên cán bộ gọi lên để hỏi cung, tôi sững sờ khi người ấy lại chính là hắn. Bây giờ hắn đã là Công an điều tra xét hỏi ở thành phố rồi. Hắn đọc xong hết cái bản tường thuật của tôi, hắn không hỏi cung tôi, tôi đọc thấy trong đôi mắt hắn một chút xót xa chen lẫn nỗi buồn.

 

- TT đang ở phòng tối phải không, mình sẽ đề nghị cho T ra phòng 12 nhé.

 

- Không T ở phòng tối cũng được nếu có cho thì cho em T là TNL được ra phòng 12 đi .

 

Trong thời gian tôi ở trại, hắn luôn gởi đồ thăm nuôi cho tôi qua tay ông Thái trưởng tù. Lần nào tới tay tôi cũng bị tay Thái xén bớt ngay trước mặt tôi nhưng biết làm sao. Thời ấy mỗi cử mỗi động đều bị rà soát mà hắn là một cán bộ công an còn tôi lại là một phạm nhân. Rồi tôi theo bạn tù chuyển lên Quang Hiển để lao động, hắn cũng theo lên, cũng gởi đồ cho tôi. Xin cho tôi được làm đầu bếp, em tôi lùa vịt, công việc nhẹ nhàng hơn các người tù khác. Nhưng sau tôi khẳng khái cương quyết không nhận tình thân của hắn dành cho tôi và không muốn gặp hắn nữa. Chúng tôi lại xa nhau...

 

Sau khi ra tù tôi không được đi dạy học nữa vì mang tội vượt biên, là thành phần phản quốc bỏ quê hương mà đi. Rồi tôi có chồng, tôi sinh con, tôi bận bịu với cuộc sống mưu sinh. Cuộc đời năm tháng đó đầy những nỗi buồn, cam chịu ép trong tâm. Tôi không còn nhớ một chút gì về hắn nữa.

 

Thời gian sau khi ba tôi mất, má tôi bán nhà ở đường Phan bội Châu, tôi chuyển tới nơi ở mới. Lúc này, tôi đã là một bà mẹ đơn thân nuôi hai con, chăm sóc mẹ già. Tôi lại mắc trong một vụ kiện tranh chấp tài sản kéo dài đến hàng chục năm, thời giờ của tôi đan kín không một phút thảnh thơi. Sau khi vụ án kết thúc, tôi lấy lại được những gì đã mất, tôi được nhẹ nhỏm hơn phần nào.

 

Năm đó má tôi đi Sài Gòn thăm anh chị em và mấy cháu ở trong đó. Tôi tự cho mình được buông thỏng một chút gánh nặng trên vai, tôi thơ thẩn đi dạo một mình và tôi gặp lại hắn. Lúc này hắn đã về hưu non, nghe nói đã ra khỏi ngành Công an từ năm1983. Cái danh vọng, cái tiền tài mà hắn có được là do ba hắn một quan chức ở ngoài Bắc về. Ba hắn đã giúp cho hắn có cái lý lịch tốt, có con đường sống, là xong bổn phận vì ông đã có vợ con ngoài Bắc. Làng biển Quy Nhơn là quê ngoại, còn cha hắn là dân ở huyện An lão. Hắn được nuôi dưỡng và lớn lên trong sự yêu thương của mẹ, dưới xã hội miền Nam đầy nhân bản, nên hắn cũng hiền hòa như bao người bạn khác của tôi.

 

Bây giờ hắn cao ráo, đầy đặn đẹp trai, cái nét phương phi khỏe mạnh của người đàn ông ở tuổi trung niên. Vợ hắn là con của một quan chức cấp cao của Tỉnh là sếp của một ngân hàng. Nhà hắn ở như một Biệt thự, nhưng rất buồn vì chỉ có hai vợ chồng, họ không có con. Ôi bạn của tôi, thằng bé mà ngày xưa đen nhẻm vì nắng và gió biển bây giờ là một người đàn ông lịch lãm. Gặp lại tôi hắn mừng rỡ ra mặt, niềm vui ấy nó hiện rõ trên mặt, trên nụ cười tủm tỉm của hắn. Tôi lại giấu nhẹm không kể bất cứ cái gì về cuộc đời tôi, về nơi tôi ở và những gì tôi đã phải trãi qua. Chúng tôi cùng đi bên nhau, dọc hết đường cầu Đen Đống đa, cùng hít thở gió nồm từ biển đưa lên như thời thơ ấu.

 

-TT ơi, bà có còn nhớ hồi xưa hai đứa mình chèo thúng đi chơi không.

 

-Ui hồi đó sém chút nữa tui chết trôi rồi, làm tui uống một bụng nước mặn no luôn.

 

-Je..! xạo không, uống nước no mà dô nhà tui quất sạch hai tô bún. Còn dứt thêm mấy chén chè bánh canh gạo nữa.

 

- Hi hi! không ngờ ông nhỏ mọn, mấy chiện đó mà cũng nhớ đến giờ.

 

- Nhớ chứ sao quên.Tôi nhớ hồi đó đôi mắt bà đẹp lắm, lông mi cong vút. Tui cứ thích giựt gió ở trán của bà để nhìn vào mắt của bà.

 

- Ừ , hồi đó có màn "giựt gió" nữa dzui thật. Mà con nít mới có tiểu học mà coi mắt coi đồ.

 

-TT ơi ! tui nhớ hồi đó bà là tiểu thư con nhà giàu ở nhà lầu xe hơi. Bà giấu kỹ lắm không cho tui biết, khi tui tìm ra được tui mừng lắm, tui nghĩ bà cũng mừng như tui chứ. Nhưng tui thấy bà sợ hãi mà đuổi tui đi. Lần đó tui dìa tui buồn lắm, tui bỏ ăn cơm luôn. Má tui biết chiện bà nói: TT nó hiền lành, mà nó con nhà giàu nó chịu chơi thân với con là quý rồi. Má thấy ít có đứa nào mà được như nó vừa giản dị, vừa thiệt thà rất thương.

-Thật ra, hồi đó tui hay mắc cỡ, tui dị không muốn cho cả nhà tui biết ông là bạn của tui. Chứ tui không nghĩ gì xa hơn đâu, tin tui đi.

-Tui biết mà... Hồi nhỏ tui nhớ bà viết chữ rất đẹp, làm văn rất hay. Ông thầy Bốn cứ đem chữ viết, lẫn bài văn của bà làm mẫu đọc cho cả lớp nghe.

-Ông thì học giỏi toán cực kỳ tui đuổi không kịp.

- Ha ha !! hồi đó bà cũng lanh gớm, thầy Bốn khen, thầy còn nói tui mà lơ mơ bà qua mặt tui luôn cái môn Toán í ...Mà bà lanh thiệt cái gì cũng đi trước tui.

-Tui đi trước cái gì ?

- Bà nghỉ chơi tui trước, bà thành thiếu nữ trước tui, rồi bà có chồng, có con trước tui. Mai mốt tui cũng nhường cho bà đi trước, để tui còn tụng kinh cầu siêu cho bà (hắn là một Phật tử ở chùa ).Rồi hắn ngân nga.

 

"Đi trên đường một chiều

Em đi trước tôi sau

Không bao giờ gặp gỡ

Cũng như là tình yêu...."

 

Tôi nói khẽ bên tai hắn:

 

- Nhớ nhen, tai tui to tui sống dai lắm đó, chừng đó cả hai ta đều già hết, ông đừng có quên nhen.

 

-Không bao giờ quên, chỉ sợ lúc đó mình lạc mất nhau.

 

Chúng tôi đi bên nhau , vừa nói vừa kể vừa cười nắc bụng vì những kỷ niệm ngày xưa ấy.

Khi về gần đến đường Hoàng quốc Việt nối dài. Hắn thì thầm bên tai tôi:

 

-Hai đứa mình cùng nắm tay nhau đi chứ, như hồi nhỏ đó.

 

-Nè tay nè nắm đi.

 

-Ui ! cái bà này nay chì dữ ta ( hắn đỏ mặt khi tôi chìa tay ra và không dám nắm ..) Mà cũng phải thôi chỗ đó gần nhà vợ hắn và hắn từng là một cán bộ cấp cao kia mà lỡ mà ai thấy một cái là tiêu hắn sao.

 

- Haha!! chúng tôi cùng cười vang rồi cùng chia tay. Hắn vói theo dặn dò: "Mai gặp nữa nhen T". Nhưng ngày mai ấy, tôi không đi lại con đường đó nữa.

 

Rồi ngày tháng trôi đi, má tôi yếu phải vào viện, con tôi đang học trường đại học Sài gòn, tôi lu bu công việc suốt. Rồi má tôi qua đời, tôi bị cháy chợ, cháy hết tài sản đến trắng tay... Mấy năm sau khi cuộc đời bôn ba giảm bớt, tôi đi tắm biển mỗi sáng và vô tình tôi gặp lại hắn giữa biển khơi. Thấy tôi, hắn hú từ xa, tôi thấy hắn và giả lơ như không nghe, hắn bơi tới lại gần :

 

-TT , TT ơi !

 

-Nè, già rồi đừng có "mất nết" kiểu đó nghen. Tui ghét nhứt là cái màn "hú hú" đó.

 

-Ui, sao giờ bà đanh đá không chê vào đâu được. Tui sợ mấy thằng cha kia biết tên bà, nên tui phải hú chớ sợ bà không thấy tui. Bà nhăn quéo cái mặt của bà. Ô!TT thần tượng của tui sụp mất rồi.

 

-Tui tưởng sụp lâu rồi chớ, đâu đợi tới bữa nay.

 

-Nhưng sao tui vẫn thấy bà dễ thương!!

 

-Ha ha !! tui dìa tui méc dợ ông cho coi nghe chưa chớ đừng ở đó mà dẻo mồm.

- Haha, haha ( cùng cười huề với nhau )

..........

 

Mấy năm sau, con gái tôi sinh em bé. Tôi vào SG nuôi con giữ cháu. Tôi cứ đi đi, về về ở QN, tôi không gặp và không nhớ đến hắn. Năm 2016, tôi về QN để cúng cầu siêu. Thường là tôi hay cúng ở chùa Long Khánh vì tôi quy y ở đó. Nhưng năm nay, tự nhiên không hiểu sao tôi lại về chùa Trúc lâm gần nhà để cúng cầu siêu cho ba má. Sau khi cúng xong, tôi lên lạy ở nhà Tổ, nơi có bàn thờ linh. Tôi điếng người khi thấy hắn. Tấm hình rọi to để một góc lư hương còn mới rợi trên bàn thờ Tổ. Có phải là hắn không!? Đúng là hắn rồi, đôi mắt và nụ cười của hắn như đuổi theo tôi, làm lòng tôi se thắt... Tôi chạy ào xuống bậc thang của chùa, rồi lấy xe, đạp qua nhà hắn. Tôi thấy cổng nhà hắn mở và hình của hắn với đầy liễn treo trên tường. Tự nhiên nước mắt tôi chảy quanh, tôi lấy tay quẹt bên này, quẹt bên kia ràng rụa. Một bà cụ đang quét sân nhà bên cạnh, bà nói loáng thoáng bên tai tôi: Chết vì tai nạn, không chôn mà thiêu ở Nha trang rồi đem tro về biển mình rải...

 

Tôi chạy về chùa Trúc lâm, người ta về hết còn chỉ mình tôi với tấm hình của hắn. Giờ tôi mới thấy hàng chữ để dưới : LT chết ngày... Như vậy hôm nay là đúng 49 ngày hắn mất. Thảo nào trước khi về QN, tôi nằm mơ tôi thấy hắn ngồi trên cái thúng chèo ra xa ngoài biển mà khuất mất. Tôi đã ngồi ở nhà thờ Tổ suốt cả buổi chiều... "Đồ dẻo miệng, nói mà không giữ lời.Tui còn lâu mới chết, chưa gì mà lật đật dành đi trước..."

 

Tháng bảy năm nay, tôi lại về Quy Nhơn cầu siêu cho ba má ông bà. Trong lá sớ cầu siêu tôi có ghi tên hắn, năm nay là đúng ba năm hắn mất. Bây giờ tôi không còn ở khu chợ Đầm nữa nhưng tôi vẫn về chùa Trúc lâm thâp hương cho hắn. Tôi tìm ra nhanh chóng tấm hình nhỏ xíu của hắn ở trên cao.

 

Vĩnh biệt nha LT, mình cứ lạc nhau mãi nhưng rồi lại thấy nhau rồi cũng lại lạc nhau, lần này lại như thế. Mai mốt mình cũng sẽ như LT, mình sẽ về với biển, nơi ấy mình thấy thích như LT vậy. Mỗi buổi tụng kinh, mình cầu cho ông bà, ba má của mình...có cả tên LT nữa đấy .Ngày 30 tháng 7 này nhớ theo mình tụng kinh Địa tạng ở chùa Long khánh nha. Nhớ đó, cảm ơn bạn. Đợi đến khi bạn mất mình mới nói cảm ơn, cho mình xin lỗi nhé LT bạn của mình...

 

   Thái Thanh
(Quy nhơn tháng 7 âm lịch)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 1485)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 2288)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 2261)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 4698)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 5537)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
05 Tháng Ba 20248:43 CH(Xem: 1215)
Em là sen Hồng thắm / Ngát hồn anh chiêm bao / Đêm dịu dàng xanh thẫm / Sen cười rất ngọt ngào
24 Tháng Hai 20242:39 CH(Xem: 2507)
Mà thơ. chấm. tới phẩy, nào / Dụi mắt. cắm một ngọn sào du dương / Không dưng / nghe một nạm buồn / Hai tay bụm lại / đầu nguồn thiết tha / Suối rất mệt giữa khe già / Tinh anh của đá / ném / xa / đường gần
14 Tháng Hai 20241:28 SA(Xem: 1798)
Tôi đưa tay gõ vào hư ảo / Chân lý mày đang trốn chỗ nào / Hóa ra đen đỏ hai màu áo / Chỉ để làm trò chơi khó nhau
14 Tháng Hai 20241:15 SA(Xem: 1235)
Này anh bạn – anh thấy không / Sự lộng lẫy không nhường chỗ cho điều gì hài hước / Chỉ tiếng nấc thanh xuân mềm yếu / Trên quảng trường nơi vũ hội đàn ông / Vỡ thành cơn địa chấn.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 1408)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.