- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VÀI NHẬN XÉT VỀ HAI BÀI THƠ CỦA QUÁCH TẤN

23 Tháng Tám 20197:53 CH(Xem: 17913)

 

QuachTan-1910-1992
Nhà thơ Quách Tấn
(1910-1992)




Cách đây không lâu, tôi đọc được bài viết “Ảnh hưởng của thơ Đường đối với thơ mới” của TS Nguyễn Xuân Diện và Trần Văn Toàn trên Tạp chí Hán Nôm số 3 (36) năm 1998, trang 46-53, đăng lại trên blog của tác giả Nguyễn Xuân Diện (http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/10/anh-huong-cua-tho-uong-oi-voi-tho-moi.html). 

Phải nói đây là một bài viết công phu, tuy chưa lý giải thấu đáo đến mọi khía cạnh của vần đề. Một số vấn đề cần có sự trao đổi thêm. Trước mắt, tôi xin có một vài nhận xét.

Trong bài trên, các tác giả viết: "Hai bài Đá vọng phu và Đêm thu nghe quạ kêu của Quách Tấn dường như chỉ là dịch từ Hán sang Việt hai bài thơ Vọng phu thạch của Vương Kiến và Ô dạ đề của Lý Bạch".

E rằng nhận định này là không thỏa đáng. 

Lý Bạch (701- 762), được xưng tụng là bậc “thi thánh” trong văn học cổ điển Trung Hoa và Vương Kiến (751 - 835) cũng là một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Đường đã để lại cho hậu thế những vần thơ bất hủ của thời Thịnh Đường. 

Bài thơ “Ô dạ đề” là một trong những bài thơ nổi tiếng của Lý Bạch, viết theo lối cổ thể, là tiếng lòng thổn thức của cô gái Tần Xuyên trong chốn buồng thêu nhớ người ngoài ngàn dặm khi nghe tiếng kêu thê thiết của con quạ bay tìm chỗ ngủ, dễ khiến ta liên tưởng đến tâm trạng của người thiếu phụ trong chốn khuê phòng trong bài “Khuê oán” của “Thi thiên tử” Vương Xương Linh (698 – 756), người cùng thời với Lý Bạch.

Đình thoa trướng nhiên tư viễn nhân
Độc túc cô phòng lệ như vũ. 

Tản Đà dịch:

Dừng thoi buồn bã nhớ ai
Phòng không gối chiếc giọt dài tuôn mưa. 

Bài thơ “Vọng phu thạch” của Vương Kiến là một trong những bài thơ nổi tiếng, cũng được viết theo thể cổ phong. Bài thơ dạt dào cảm xúc, bật lên thành tiếng khóc não lòng, không biết là của người hay đá vẫn ngàn năm đợi chồng bên bến sông.

Vọng phu xứ
Giang du du
Hóa vi thạch
Bất hồi đầu 

Hải Đà dịch:

Bên sông ngồi ngóng trông chồng
Trăm năm khắc khoải một lòng sắt son
Hóa thân thành đá mỏi mòn
Gió mưa vần vũ ... đầu không ngoảnh về

Còn hai bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” và “Đá vọng phu” là hai bài thơ của nhà thơ “cổ điển” nổi tiếng của nền thơ ca Việt Nam đương đại: Quách Tấn.

Quách Tấn (1910-1992), người gốc Minh hương, cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Yến Lan được mệnh danh là “Bàn thành tứ hữu”. Ông quê ở Bình Định nhưng sống, làm việc chủ yếu ở Khánh Hòa như quê hương thứ hai của ông, và ông mất tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ông là tác giả của tác phẩm “Xứ trầm hương” nổi tiếng. Ông làm thơ, viết biên khảo, dịch thơ Đường... Thơ ông chỉ thuần nhất là thơ Đường luật, nổi tiếng nhất là các tập “Một tấm lòng” (1939), “Mùa cổ điển” (1941), “Đọng bóng chiều” (1965)…

Giữa lúc phong trào thơ mới (1932-1945) rầm rộ, Quách Tấn chỉ làm thơ luật và đã dựng nên cả một mùa cổ điển trong vườn hoa đầy hương sắc của thời kỳ này. Ông chủ trương “bình cũ rượu mới”. Ngoài Tản Đà, ông là tác giả duy nhất đại diện cho phái “thơ cũ” có mặt trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân (1942). Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh đã trích đến 9 bài thơ luật của Quách Tấn, chủ yếu trong tập “Mùa cổ điển”, trong đó có bài “Đêm thu nghe quạ kêu” được tác giả phân tích khá sâu sắc trong phần bài viết [1]. 

Bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Quách Tấn, được sáng tác vào năm 1939. Bài thơ tuy viết theo thể Đường luật, dùng nhiều điển cố nhưng ý tứ mới và dễ hiểu. Cả bài thơ là một mạch tràn đầy cảm xúc của tác giả.  

Vào năm 1963, trong một bài viết [2], Quách Tấn đã kể lại khá kỹ về “tiểu sử”, tức là quá trình sáng tác bài thơ. Theo tác giả, bài thơ được thai nghén từ năm 1927 lúc còn ở quê nhà Bình Định trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Mãi đến mười hai năm sau, vào năm 1939, trong lúc hồi tưởng về những kỷ niệm xưa ở quê nhà Bình Định tại ngôi nhà mình ở bên bờ đầm Xương Huân, Nha Trang, tác giả đã xúc cảm viết nên bài thơ “Đêm nghe quạ kêu”. Những hình ảnh trong bài thơ như xóm Ô Y hạng đan xen giữa thực và hư, hiện tại và quá khứ, hình ảnh bến Phong Kiều, sông Xích Bích là sự liên tưởng từ bến sông An Thái, con sông Côn nơi quê nhà, mang chút hơi thở của thế sự trong tâm trạng “thương kẻ nương song bạc”… Bài thơ được tác giả gửi đăng trên một tờ báo đương thời nhưng tác giả vẵn chưa cảm thấy hài lòng. Mãi đến hai năm sau (1941), khi chuẩn bị in tập “Mùa cổ điển”, trong một đêm trăng sáng, tác giả mới có cảm xúc để tiếp tục hoàn chỉnh bài thơ, như câu:

Thắc thỏm chăng ai quả ấn vàng

Được thay bằng:

          Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng

Hoặc câu:

          Tình lan man gợi tứ lan man

Được thay bằng:

          Tình hoang mang gợi tứ hoang mang

Ngay cả tên bài thơ ban đầu “Đêm nghe quạ kêu” được Chế Lan Viên góp ý thêm vào chữ “thu” thành ra “Đêm thu nghe quạ kêu” nghe thơ và hay hơn hẳn. 

Ở đây cũng xin nói thêm, nhận xét của Hoài Thanh về việc dùng điển cố “Ô y hạng” sai trong bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” của Quách Tấn thì cũng nên xem lại. Quách Tấn đã từng học Hán văn từ nhỏ, là nhà thơ chuyên về Đường luật thì không lý gì lại không hiểu “Ô y hạng” nghĩa là “Xóm áo đen” của hai họ Vương, Tạ. Theo tôi, đây chỉ là sự liên tưởng của nhà thơ trong mạch cảm xúc mà thôi.

So sánh hai bài thơ, một bài của Lý Bạch, một bài của Quách Tấn, tuy cùng một nhan đề, nhưng hai bài thơ khác nhau hoàn toàn, từ nội dung, hình thức thể hiện đến mạch cảm xúc của cả hai nhà thơ.

Bên cạnh bài “Đêm thu nghe quạ kêu” thì bài “Đá vọng phu” tuy không hay bằng nhưng cũng là một trong những bài thơ tác giả rất thích và cũng thường được trích trong các tập thi tuyển.

Trong nền thi ca cổ điển Phương Đông, hình ảnh đá vọng phu là một hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho tấm lòng chung thủy của người chinh phụ chờ chồng. Các nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam hay Trung Hoa đều có thơ về đề tài này như “Vọng phu sơn” của Lưu Vũ Tích, “Vọng phu thạch” của đại thi hào Nguyễn Du, “Núi vọng phu” của Hồ Dzếnh… Và thậm chí trong âm nhạc, nhạc sĩ Lê Thương cũng đã để lại cho chúng ta 3 bài “Hòn vọng phu” bât hủ.

Trên đất nước Việt Nam chiến tranh liên miên từ đời này sang đời khác có hai nơi có hình ảnh đá vọng phu gắn liền với những sự tích trong dân gian. Một là đá vọng phu ở Lạng Sơn được tả trong bài “Vọng phu thạch” của Nguyễn Du. Hai là đá vọng phu ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, quê hương của nhà thơ Quách Tấn. Bài thơ “Đá vọng phu” của Quách Tấn gắn liền với truyền thuyết và hình ảnh Đá vọng phu ở Bình Định. “Đá vọng phu” của Quách Tấn là một cặp hai bài thơ, gồm “bài chị” và “bài em”. Hai bài thơ tả cảnh chờ chồng của người thiếu phụ với tấm lòng chung thủy, sắt son. Mặc cho dâu bể đổi dời, mưa sa, gió cuốn, người thiếu phụ dù khô đôi dòng lệ, vẫn một lòng kiên trinh, ghi tạc lời thề, ôm con đứng đợi trong cảnh thảm sầu, bất chấp tất cả thời gian… “Bài chị” có đôi câu thực tả cảnh kết hợp tả tình thật hay, thật thần tình, từ dùng rất mới, đầy hình ảnh:

Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp,
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ.

Tôi đã đọc những bài thơ này của Quách Tấn từ rất lâu. Đây là những bài thơ rất hay, rất riêng của ông, so với những bài thơ của Lý Bạch, Vương Kiến là những bài thơ có nội dung, cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Không lẽ các tác giả chỉ căn cứ vào tên của các bài thơ mà kết luận rằng các bài thơ của Quách Tấn chỉ là những bài thơ dịch từ Hán sang Việt của các tác giả Trung Hoa thôi sao? 

Xin chép lại những bài thơ này để các bậc thức giả đọc lại và nhận xét.

Ô dạ đề 

(Lý Bạch)

Hoàng vân thành biên ô dục thê
Qui phi á á chi thượng đề
Cơ trung chức cẩm Tần Xuyên nữ
Bích sa như yên cách song ngữ
Đình thoa trướng nhiên tư viễn nhân
Độc túc cô phòng lệ như vũ. 

Quạ kêu đêm 

Mây vàng chiếc quạ bên thành
Nó bay tìm ngủ trên cành nó kêu
Tần Xuyên* cô gái buồng thêu**
Song sa khói toả như khêu chuyện ngoài
Dừng thoi buồn bã nhớ ai
Phòng không gối chiếc giọt dài tuôn mưa. 

(Bản dịch của Tản Đà)
* Câu này dùng nói về điển tích vợ Đậu Thao là nàng Tô Huệ dệt gấm hồi văn.
** Tần Xuyên: thuộc Trường An

Quạ kêu đêm

Quạ tìm chốn đậu bên thành bụi

Bay về kêu quang quác khắp cành cây

Cô gái Tần Xuyên đang dệt gấm

Nghe tiếng ngoài song, qua rèm mây

Ngừng thoi mong nhớ người muôn dặm

Phòng không hiu quạnh lệ tuôn đây.

(Nguyễn Xuân Diện dịch)

Đêm thu nghe quạ kêu

(Quách Tấn)

Từ Ô Y hạng rủ rê sang
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng...
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang...

(Mùa cổ điển - 1941)

Vọng Phu thạch
(Vương Kiến )


Vọng phu xứ
Giang du du
Hóa vi thạch
Bất hồi đầu
Sơn đầu nhật nhật phong hòa vũ
Hành nhân qui lai thạch ưng ngữ

 Đá Chờ chồng


Bên sông ngồi ngóng trông chồng
Trăm năm khắc khoải một lòng sắt son
Hóa thân thành đá mỏi mòn
Gió mưa vần vũ ... đầu không ngoảnh về
Phải chăng nàng giữ lời thề
Đến khi đá nói....lúc nghe chàng về !
(Hải Đà phỏng dịch)

Đá vọng phu

(Quách Tấn)
(Bài chị)

Chồng đi biệt tích tự bao giờ,
Đất đổi trời thay cũng cứ chờ.
Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp,
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ.
Non chồng nghĩa nặng cao vòi vọi,
Nước vướng tình sâu chảy lững lờ.
Dâu bể đã bao đời kiếp trải,
Lòng son một tấm mãi trơ trơ.

Đá vọng phu
(Quách Tấn)

(Bài em)
Người đã không về tin cũng không,
Đầu non dắt trẻ đứng trông chồng
Nước mây quạnh vắng tròng khô lệ,
Mưa nắng phôi pha má lợt hồng.
Lời thệ vững ghi lòng sắt đá,
Khối tình riêng nặng gánh non sông.
Nỗi niềm ai biết ai không biết,
Gương nguyệt nghìn thu rạng biển đông.

(Một tấm lòng - 1932-1939)

NP phan

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, H., 1998

[2] Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài gòn, 1968

[3] http://www.thivien.net/

[4] http://vi.wikipedia.org/

[5] http://www.vuonghaida.com/VAN/VongPhuThach.htm

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 116516)
C ần gì phải viện dẫn đến những lời chứng dối Khi đám đông nghe bài giảng trên núi chẳng chút động tâm Khi quân gian đem gươm giáo bắt thầy mình như bắt kẻ cướp Thì những lời chứng dối cũng chẳng ăn thua gì
25 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 105161)
Lời giới thiệu: Bài “Giã Từ Trung Quốc” được dịch từ bản Anh ngữ tựa là “Walking Out on China”(do Wen Huang dịch từ tiếng Trung Hoa) của nhà văn đối kháng Trung Hoa, Liao Yiwu, xuất bản trên The New York Times số ra ngày 15 tháng 9, 2011. Ông Liao, tên Hán Việt là Liêu Diệc Vũ, cũng còn được biết tới dưới tên Lao Wei, sinh năm 1958 tại tỉnh Sichuan, đúng vào năm Mao trạch Động phát động chiến dịch Một Bước Nhẩy Vọt đã đưa cả nước vào nạn đói trầm trọng...
22 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 95459)
C ơn mưa bất chợt ập xuống phi trường vào chủ nhật của tuần lễ thứ ba trong tháng sáu. Tôi là người hành khách cuối cùng ra khỏi chuyến bay từ Paris trở về trong đêm hôm ấy. Không biết là mình đã ngủ vùi đến mấy ngày. Nhưng khi tỉnh dậy nhìn kim đồng hồ đã ba giờ sáng.
22 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 113785)
L ần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu. Thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh quê ở Nha Trang, sinh ở Hà Nội. Tốt nghiệp Cử Nhân Luật, khóa cuối cùng của Đại học Luật Khoa Sài Gòn, tháng 12-1974. Có nhiều thi phẩm đã xuất bản từ 1991 đến 2009 tại Việt Nam. Hiện sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu những bài thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh. TCHL
17 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 96743)
C ái Tôi nội cảm cộng hưởng với cảnh đời riêng, tâm thế sáng tạo riêng đã hình thành kiểu tư duy kỳ lạ của thơ Loạn. Thơ Loạn ra đời dựa trên sự thăng hoa nghệ thuật của những nỗi đau, sự bung phá những giới hạn, sự phân ly và hòa hợp những đối cực, sự hợp lưu của nghệ thuật, tôn giáo và cuộc đời. Thế giới nghệ thuật trường thơ Loạn là ánh xạ đầy biến ảo của những cái Tôi trữ tình đau thương và khát vọng.
17 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 116102)
X a không chỉ từ thân xác Cái tổ nhỏ nhoi kết bằng ý nghĩ về nhau cũng quá đỗi xa xôi Dải sương mù cuối năm kéo ngôi đền lùi lại Nấp sau bao lí lẽ tỏ mờ
09 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 96008)
K hi ta nói chuyện một con sông, thì chủ yếu là nói đến một khúc sông, như khúc sông Hương chảy qua thành phố Huế. Nói về một tác giả cũng vậy, thường ưu đãi ấn tượng về một tác phẩm nào đó. Với một sự nghiệp văn học đã trải qua nhiều ghềnh nhiều thác như của Thảo Trường, đánh giá toàn bộ là một việc khó.
28 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 94275)
Đ êm qua tôi thấy Mèo con trong giấc mơ. Vẫn nét mặt bầu bầu, vành môi cong lên cười tươi thắm. Trong mơ tôi thấy 2 đứa vẫn trẻ như một ngày năm cũ, nhưng lại có một thoáng ngại ngần, rồi Mèo con lên tiếng như giữa chúng tôi chưa hề có khoảng cách 15 năm. Mười lăm năm, mười lăm năm ấy biết bao tình[...]Chả biết là phòng hội hay phòng ăn, tôi vào lấy thức ăn như khi xưa từng lấy cho nhau.
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 81237)
B ao nhiêu năm qua ở xứ ngưới, anh vẫn còn nhớ lại có những chiều trên đảo, anh đứng một mình trên đồi, nhìn biển rộng mênh mông, nhìn những đám mây bay lang thang trên nền trời xanh, nhìn những đám cỏ may theo gió thổi chạy vờn về cuối đảo, tự nhiên làm cho anh thấy mong nhớ một cái gì xa xôi. Mây và cỏ may thường làm gợi nhớ đến dĩ vãng...
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 95389)
C huyện này chắc ít ai biết. Nhạc sĩ Thu Hồ ngày xưa vốn là ca sĩ. Lần đầu tiên ông xuất hiện hát ở Huế vào năm 1936, ông đã trình bày bài “La Chanson du Gondolier” và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Lúc đó tôi chưa ra đời. Nhưng bài hát anh chèo thuyền gondola thì chúng ta hầu như ai cũng biết.