- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nghiệp Chướng

01 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 107639)

hl82cf_0_144x300_1Hoàn hơi bị ấm đầu, cho nên để phân biệt với những Hoàn khác, người ta gọi Hoàn là Hoàn âm lịch. Vì âm lịch Hoàn lấy vợ muộn- mãi đến năm Hoàn đã ở cái tuổi 37, lão Thủ (bố Hoàn) mới lo được vợ cho Hoàn. Vậy mà từ bấy đến nay, 5 năm rồi vẫn không thấy vợ Hoàn chửa đẻ gì. Hoàn béo khỏe, Trâm vợ Hoàn (dưới Hoàn 5 tuổi) trái lại, trông cứ khô đét như người teo cơ...

Không biết bao nhiêu lần, lão Thủ giục Hoàn: Anh phải bảo chị ấy đi bệnh viện khám xem thế nào chứ! Hoàn chỉ ậm ừ. Nhiều lần như thế, lão Thủ phát cáu: Thế nào? Hoàn nhấm nhẳng: Chẳng có thế nào!- Chẳng thế nào mà đến bây giờ “nó” vẫn cứ đuồn đuỗn như con cá rô đực?! Hoàn không nói gì. Lão Thủ đấu dịu: Tôi với mẹ anh già rồi. Phận trai có mình anh, chứ... nếu được thằng nữa thì tôi mặc xác. Hoàn vẫn lì ra. Lão Thủ tức nghẹn họng mà không biết làm thế nào(!) Sốt ruột, nhằm lúc chỉ có mình Trâm, lão Thủ bảo thẳng:

- Tôi lấy vợ cho con để lo sau này có người nỗi dõi tông đường, trông nom giữ gìn đất hương hỏa, chứ không phải là... lấy về để làm cảnh!

Hơi bị bất ngờ, Trâm chưa nói gì, lão Thủ đã tiếp:

- Chị phải đi khám xem thế nào để... còn liệu. Đàn bà sinh nở có thì... Lão Thủ chưa nói xong, Trâm đã bưng mặt khóc:

- Con khổ lắm bố ơi!

Lão Thủ ngờ ngợ:

- Sao...?

Trâm nghẹn ngào:

- Con và nhà con đã đi khám rồi...

- Khám rồi?

- Vâng!

- Thế...?

Trâm tức tưởi:

- Họ bảo... nhà con... bị... vô sinh...

Lão Thủ đứng lặng. Hai mắt trợn trừng, mồm lão như bị nhét giẻ- cứ há ra mà không kêu lên được! Ừ nhỉ, tại sao lão không nghĩ đến điều đó? Tại sao trước đây, lão chỉ lệch về một phía mà cho rằng Trâm chính là nguyên nhận của sự trục trặc, để đến bây giờ lão mới ngã ngửa người ra...?!

Thật trớ trêu, lão đã tính đến chuyện tìm một đám khác cho Hoàn. Vì vậy, để khỏi mang tiếng với làng nước là bỗng dưng giãy vợ cho con, lão đã rốt ráo giục Trâm đi khám để có cớ. Vậy mà...

Hốt hoảng lão chạy sang buồng bên:

- Này...!

 

Đang nằm trên giường, nghe lão gọi giật giọng, bà Thủ vội vàng ngồi dậy xớ rớ đưa đôi chân xuống đất quờ quạng tìm dép:

- Ông gọi tôi?

Lão Thủ đã đứng sừng sững trước mặt bà Thủ:

- Hỏng... rồi!

Bà Thủ ngây mặt. Lão Thủ tiếp:

- Thằng Hoàn nhà mình đi khám, người ta bảo... bị vô sinh!

- Vô sinh... là... là... thế nào hở ông?- Bà Thủ ngơ ngác.

Hai mắt lão Thủ như lồi ra khỏi tròng. Lão dằn giọng:

- Là không có con, là suốt đời làm ông mãnh, là... (đang định nói... là tuyệt tự nhưng lão đã kịp dừng lại)... là... thế chứ còn gì nữa!

Không ngờ bà Thủ thản nhiên:

 - Ôi dào, nó không có con thì đã có con cái Kim. Tưởng gì...!

Không chờ để được nghe những câu như thế, lão Thủ rít lên: Đồ... ngoại bang! Và chỉ một chút nữa thì lão đã chồm đến bóp cổ con vợ khốn nạn đã trở nên vô tích sự- không còn khả năng đẻ đái từ ngót hai chục năm nay! Lão nấc lên, nghẹn ngào như chính lão đang bị bóp cổ. Ôi! Giá như lão biết được sớm hơn thằng con lão như thế! Giá như lão còn trẻ...- Lão chồm đến...- Nhưng hai chân lão bỗng chới với như bị bước hụt. Mồm ú ớ, hai mép sùi bọt, lão từ từ khụyu xuống rồi đổ vật ra ngay dưới chân giường. Bà Thủ sợ đến ríu lưỡi:

- Trâm ơi...!

Đến lượt Trâm chạy sang hốt hoảng cùng bà Thủ bế thốc lão Thủ lên giường. Vội vàng lo mấy đồ đánh gió bọc vào chiếc khăn mùi soa, Trâm đưa để bà Thủ đánh gió cho lão. Được một lúc, chân tay lão ấm dần. Gương mặt đã thấy thần sắc của lão bỗng dưng động đậy. Lão từ từ mở mắt. Trâm nhẹ nhàng đặt một bàn tay lên trán lão. Ngước lên, nhìn thấy Trâm, lão Thủ chớp chớp đôi mắt đờ dại. Mồm lão mấp máy. Lão thảng thốt:

- Con ơi!

Bất giác, Trâm không cầm được nước mắt. Từ hai hố mắt già nua của lão Thủ những giọt nước mắt cũng ứa ra lăn xuống hai bên thái dương.

 

***

 

Kim- con gái lão Thủ lấy chồng đã từ hơn chục năm nay. Hai nhà tuy trong phố, ngoài làng nhưng cùng xã và cách nhau chỉ độ hơn cây số. Vợ chồng Kim mải làm ăn buôn bán, cả năm may ra được một lần- ấy là vào dịp tết nguyên đán, mới thấy vợ chồng con cái đặt chân đến cổng nhà ông bà ngoại! Nhưng độ này thấy Kim thỉnh thoảng lại đồng quà tấm bánh về thăm vợ chồng lão Thủ. Hai thằng con Kim, đứa lên chín, đứa lên năm, thì vài ngày một lần vào với ông bà ngoại. Mới đầu lão Thủ cũng vô tình không để tâm đến và coi là chuyện bình thường. Nhưng rồi lão ngợ ngợ, cảm thấy sự việc cứ như là được thực hiện theo một kế hoạch đã được sắp đặt từ trước (?!) Cho đến một hôm, vô tình lão nghe lỏm được cuộc đấu khẩu của hai đứa cháu ngoại ở sau nhà: Mẹ bảo bác Hoàn không có con. Ngày sau tao ở ngoài kia, mày ở trong này- Ứ phải! Em thấy bố bàn với mẹ là sẽ bán đi, mua miếng khác ngoài phố...

Thì ra thế! Thảo nảo...! Không muốn lộ cho hai đứa cháu biết mình đã rõ chuyện, lão Thủ giận sôi máu nhưng phải cố nén: Thì ra âm mưu của vợ chồng nó gớm thật. Để rồi xem vợ chồng nó giở những trò gì. Nhưng... ai đã nói với vợ chồng nó? Chờ hai đứa cháu về khỏi, lão Thủ túm ngay lấy bà Thủ: Ai đã đem chuyện thằng Hoàn nói với vợ chồng cái Kim? Bà Thủ còn đang ú ớ chưa biết trả lời ra sao, lão Thủ đã rít lên: Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường. Cứ tin gái già, không khéo có ngày mất nước! Đúng lúc đó thì Hoàn đi đâu về. Nếu không sự thể không biết rồi sẽ ra sao...

Mấy hôm sau, hai đứa cháu lại dò vào, mang theo cả quần áo, sách vở: Bố mẹ chúng cháu bảo vào ở với ông bà ngoại cho vui. Hàng tháng, bố mẹ cháu sẽ gửi tiền và gạo vào... Lão Thủ điên tiết: Về bảo thằng Trọng Thủy với con Mỵ Châu nhà chúng mày, tao không phải như An Dương Vương. Từ rày trở đi, vợ chồng, con cái đừng có đặt chân đến cổng nhà tao làm gì cho bẩn. Xéo! Hai đứa cháu ngoại chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, sợ quá bỏ cả quần áo, sách vở chạy mất...

... Mấy tháng sau, bỗng một hôm bà Thủ thì thầm với lão Thủ vẻ quan trọng: Này ông, hình như... con vợ thằng Hoàn nó chửa! Không ngạc nhiên, cũng không ra biết rồi, lão Thủ buông một câu: Thế à! Bà Thủ rụt rè: Tháng thứ ba rồi! Mà tôi để ý, thấy nó cứ khóc dấm, khóc dúi. Hình như... không phải là... nó “ấy” với thằng Hoàn! Lão Thủ trừng mắt: Ai bảo bà thế! Bà Thủ ấp úng: Thì... ông chẳng bảo với tôi... là thằng Hoàn...? Lão Thủ ớ ra...! Thật không may cho Kim đúng lúc đó bỗng dưng mò đến. Lão Thủ sực nhớ đã mấy tháng nay Kim mất mặt. Gần đây lão lại mấy lần thoáng thấy bóng Kim ngoài cổng nhưng vì lão ở nhà, Kim thập thò không dám vào. Cách đây mấy ngày, có việc đi đâu về, lão lại bắt gặp Kim từ trong ngõ đi ra. Loạn âm thật rồi! Lão Thủ quay sang Kim: Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng! Cút! Kim há mồm vừa toan cãi lại, lão Thủ đã vào nhà vớ lấy chiếc điếu cày chạy ra...

Nhưng Kim đã không còn đứng ở đấy nữa...

 

***

 

Suốt thời gian Trâm có mang, Hoàn không ra vui cũng không ra buồn. Lầm lì, ít nói- thì vốn dĩ Hoàn vẫn lầm lì, ít nói. Chẳng có gì ở Hoàn chứng tỏ hạnh phúc của một người sắp được làm bố. Nhưng bảo Hoàn dửng dưng cũng không phải! Cứ như là chẳng có chuyện gì xẩy ra- như Trâm có mang hay không thì cũng thế! Hoàn hiện diện trong gia đình như một cái bóng. Gần đến ngày Trâm nằm chỗ, tất cả- từ tã lót, xô màn, cho đến quả chanh, lát cam thảo, vợ chồng lão Thủ đều phải lo liệu, chuẩn bị. Thì có ai bảo cho Hoàn biết(!) Mà những việc như vậy Hoàn đã được lo bao giờ?! Buổi sáng hôm Trâm trở dạ, Hoàn cũng không có nhà. Bà Thủ dìu Trâm đi trước, còn lão Thủ thì tay xách nách mang các thứ cần thiết, lếch thếch theo sau. Cũng may trạm xá gần nhà. Ra đến nơi, Trâm được đưa ngay lên bàn đẻ. Tất nhiên là lão Thủ phải đứng ngoài. Lòng dạ bồn chồn, chưa đến nửa tiếng đồng hồ mà lão Thủ ngỡ như nửa năm. Trâm đẻ ngay. Con so mà Trâm đẻ dễ quá. Vừa nghe tiếng Oa... oa...- Hình như chỉ chờ có thế, lão Thủ quên cả giữ gìn, vội vàng xô cửa bước vào. Người nữ hộ lý ngẩng lên, cười chia vui với vợ chồng lão:

- Mừng cho ông bà nhé! Cháu trai...

Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ- Như để chắc chắn, lão Thủ run run đưa tay sờ chim đứa trẻ. Không còn nghi ngờ gì nữa, hạnh phúc thực sự đang ở trong tay. Lão Thủ ngẩng lên ngơ ngác- một lần nữa lão muốn kiểm tra liệu có phải lão đang mơ ngủ(?) Gương mặt lão bệch ra, đờ đẫn như gương mặt của kẻ mộng du. Thì đứa trẻ vẫn đang khóc ngằn ngặt! Bất giác, lão Thủ đưa hai tay ôm mặt, khóc tu tu...

 

***

 

Một tháng sau ngày Trâm đẻ.

... Sáng hôm ấy, nấu chín nồi cơm, bà Thủ vẫn không thấy lão Thủ dậy. Thường khi chỉ Hoàn là dậy sau cả nhà, còn cứ tầm bà Thủ hoặc Trâm dậy nấu cơm là lão Thủ cũng trở dậy quét dọn, xúc rửa ấm chén, hoặc cho lợn, cho gà ăn. Nhưng hôm nay...

Lúc đầu nghĩ có lẽ lão mệt, để cho lão ngủ, bà Thủ không gọi. Không ngờ lúc bà Thủ vào đánh thức lão dậy ăn cơm thì lão đã chết tự lúc nào!

... Buổi chiều hôm trước cúng mụ (đầy tháng) cho thằng Vỹ (tên lão Thủ đặt cho thằng bé), lão Thủ còn dặn bà Thủ đi chợ mua đủ 12 thứ quà và các thứ về để làm cơm. Hoàn đi làm vắng. Bà Thủ đi rồi, lão cứ quẩn quanh bên Trâm. Cuối cùng, lão rụt rè: Chị đưa tôi bế nó một tí! Trâm đưa thằng Vỹ cho lão. Tay lão run bắn. Gương mặt lão giật giật. Lão nhìn thằng bé như hóa đá. Có lẽ từ ngày Trâm đẻ, hôm nay lão mới được ngắm nó kỹ đến thế! Nhìn cử chỉ lão âu yếm thằng bé, trông cũng mủi lòng. Bỗng nhiên lão gục mặt xuống mặt nó. Hai vai lão run lên. Lão khóc nhưng cố kìm không để bật ra thành tiếng. Bất giác Trâm cũng cúi xuống nghẹn ngào...

Thằng Vỹ khóc thét lên, mặt nó đã nhòe nhoẹt nước mắt lão Thủ. Trâm vội vàng đón lấy thằng bé. Lão Thủ ngập ngừng như muốn nói với Trâm một điều gì đó nhưng lại thôi...

Lão có đau ốm gì đâu. Vậy mà...!

Ai cũng bảo lão trúng gió. Duy chỉ có một người ngờ ngợ về cái chết của lão. Ấy là Trâm...

 

***

 

50 năm sau...

Lão Thủ có ngờ đâu mảnh đất và dòng huyết thống mà lão quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá, cuối cùng chỉ truyền được đến một đời. Năm 25 tuổi, Vỹ lấy vợ. Ngoài 30, vợ chồng Vỹ vẫn không có con. Khi đi bệnh viện khám mới biết... Vỹ lại vô sinh!

Sau khi vợ chồng Vỹ mất (trước sau một năm và cùng mới ở tuổi 49) vì vợ chồng Vỹ không có con, người ba họ- họ đằng bà Thủ, họ nhà Trâm, họ vợ Vỹ- tranh giành, kiện tụng nhau để được hưởng thừa tự miếng đất...

... Trải qua bao nhiêu biến thiên dâu bể, đến nay không còn ai xác định được vị trí miếng đất ấy bây giờ ở đâu...

Phùng Thành Chủng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 91574)
T rong văn học sử Hoa Kỳ có hai hiện tượng nổi bật với nhiều điểm giống nhau, đó là nữ văn sĩ Margaret Michell với cuốn Gone With The Wind (1936) và nữ văn sĩ Harper Lee với cuốn To Kill A Mockingbird (1960). Cà hai cuốn tiểu thuyết cùng có bối cảnh là miền Nam Hoa Kỳ, cùng khai thác đề tài xung đột chủng tộc (da trắng và da đen), cùng bán được mỗi cuốn trên 30 triệu ấn bản (tính tới năm 2008). Cả hai tác phẩm lại cùng được giải Pulitzer danh giá, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, và dựng thành phim rất thành công, chiếm được nhiều giải Oscar.
10 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 94488)
Đ ược biết, trước Ngô Bảo Châu cũng đã có nhiều người Việt được trao huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Một trong những người nầy trong quá khứ là Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) (1837-1898) .
03 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 98595)
“ Sông Mekong đang bị đe dọa nghiêm trọng vì sự lạm dụng nguồn nước và hậu quả của biến đổi khí hậu. Nếu không có một chính sách khai thác thận trọng và hợp lý các nguồn tài nguyên sông Mekong, con sông hùng vĩ này không thể nào sống còn”. Abhisit Vejjajiva, Hua Hin MRC Summit 2010
31 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105813)
T huyên nói nàng ở một mình trong một ngôi nhà nhỏ trên đồi rồi mời tôi lên chơi. Tôi đáp để chiều tôi sẽ lên sau khi nàng cho địa chỉ. Thuyên cười, bảo tôi sẽ đi lạc nếu không được dẫn đường. Nhìn đôi môi nàng con cớn, tôi tự ái đàn ông nói không cần, sẽ tự tìm ra nhà. [...] Ra đến cửa Thuyên quay lại, chỉ vào giỏ xách tay ny lông đen có lòi ra mấy bó rau. - Chiều ông tìm được nhà tôi thì mời ông ăn một bữa cơm tối ... Nhà có cổng gỗ với giàn hoa leo đấy.
31 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106472)
T ôi chui vào ô tô. Chiếc xe mới coóng. Nội thất vẫn còn nguyên mùi hăng hắc, ngai ngái. Bóng lộn. Tôi khen chủ tịch phường mà sang trọng thế này thì dân được nhờ. Nói xong, chột dạ, sợ hắn nghĩ mình cạnh khóe, tôi vội ự…hừm, ý tôi là ông chủ tịch phường mà ăn nên làm ra thì dân cũng phất theo, chứ làm cán bộ địa phương thời nay mà nghèo quá, lúi xúi quá, thì cũng không có uy tín với dân. Anh nghèo mà làm lãnh đạo thể nào cũng sinh ra tính xà xẻo. Nếu anh giầu có rồi thì anh không tham nữa. Thế là dân được nhờ…Nói xong, tôi tự thấy cái lý luận của mình là loại lý luận ma cô. Lại chột dạ.[...] Rồi lại im không nói gì. Ngoài trời mưa như trút nước. Càng ngày càng to...
31 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 97528)
L oan cởi nhẫn cưới đeo vào cho Hoàng. “Anh cố giữ làm bùa hộ mệnh, lúc nào cũng có em bên cạnh”. Hoàng thấy vậy mà thương vợ thêm. Có người vợ biết chăm sóc từng li từng tí. Hoàng rưng rưng nước mắt bước ra khỏi nhà…
30 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 103462)
N gày 30 tháng Giêng năm 1948, một tên sát thủ theo chủ nghĩa dân tộc Hindu đã sát hại nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần Ấn Độ là ông Mohandas Karamchand Gandhi. Ông bị bắn ba phát đạn vào ngực và bụng trong khi đang trên đường đến nhà thờ để đọc lời cầu nguyện hàng ngày.
30 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 97946)
... C ó điều người ta cần phải ghi nhớ là người Tàu luôn luôn kiêu căng, tự coi nước mình là một nước lớn là duy nhất văn minh, chung quanh họ đều là man di mọi rợ, Việt Nam hay Đại Việt đi chăng nữa cũng chỉ là man, Nam Man, nằm ngoài rìa của Hoa Hạ, của Trung Hoa thời Dân Quốc, của Trung Quốc thời Cộng Sản hiện tại...Những chiến thắng của người Việt trong các thời Lý Trần, đặc biệt là chiến thắng chống quân Mông Cổ trong khi người Tàu thực hiện không nổi là những gì họ không chấp nhận được.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 96471)
H ơi cay của rượu lan dần cổ họng chạy dọc thân thể. Cảm giác đầu lưỡi ngọt dư vị rượu trắng không pha như hôn nhân không giá thú, biết nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân. Lâu dần cô ghiền cái hơi của gã, không thể sống thiếu gã. Cô thấy mình bị một sợi dây vô hình thít chặt ngang cổ, càng quẫy đạp càng riết chặt hơn, cô kêu cứu nhưng chẳng ai nghe được bởi gã đã ăn mất lưỡi của cô sau từng muỗng hôn ngọt ngào, gằn xé lẫn khinh bỉ.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91909)
T rịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Viết văn, làm thơ, dịch. Tác phẩm đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), lí luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010. Hiện định cư tại bang California, Hoa Kì.