- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CHIẾC CẦU KÝ ỨC

11 Tháng Bảy 201910:44 CH(Xem: 17488)
DH 10
Ký ức - photo ĐH

 


Trung gọi điện thoại cho tôi:

- Anh Hai ơi, anh chị cố gắng thu xếp về chơi với tụi em nghe. Em vừa làmxong nhà mới.

- Vậy à? Để bữa nào rảnh đã. Anh Hai đang bận chút công việc. Hôm nào về được, anh sẽ gọi.

- Dạ, anh cố gắng nha.

- À, mà nhà mới ở đâu vậy em?

- Vẫn ở chỗ cũ, trong khu đất của ba má em hồi giờ. Gần bên cầu Thành đó anh.

- Được rồi. Hôm nào thu xếp được anh sẽ về.

Trung là em họ, con người cô ruột của tôi. Mấy năm nay, làm ăn khấm khá hơn, nó vẫn thường hay ghé thăm vợ chồng tôi.

***

Cầu Thành...

Sông Cái...

Vùng đất phía bắc sông Cái ngày xưa (cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) dân cư thưa thớt, vốn là tổng Trung Châu, một trong ba tổng của phủ Diên Khánh, bao gồm bốn thôn gọi là tứ thôn Đại Điền,nay là vùng đất thuộc các xã Vĩnh Phương (thuộc TP Nha Trang), một phần thị trấn Diên Khánh, xã Diên Phú, Diên Điền, Diên Sơn, Diên Lâm (thuộc huyện Diên Khánh) và một số xã thuộc huyện miền núi Khánh Vĩnh. Con sông Cái không dài, chỉ khoảng 80 km, phát nguyên từ hòn Gia Lê, vùng núi giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa, ở độ cao hơn 1800 m, chảy qua hai huyện Khánh Vĩnh và Diên Khánh rồi đổ ra cửa biển Cù Huân(nay là cửa biến Nha Trang).

Thuở nhỏ (vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước),khi bắt đầu vào trung học, từ nhà, tôi phải đạp xe băng qua một cánh đồng và một xóm nhỏ,  rồi đến đường cái quan hay được gọi là đường Cái đá (vì được lát đá). Con đường này vốn là con đường thiên lý, chạy từ bắc vào nam, ngang qua phủ Diên Khánh, gặp dòng sông Cái chắn ngang ở thôn Phú Lộc thuộc xã Diên Thủy. Chắc hẳn là từ xưa, trước lúc người Pháp xây dựng Nha Trang làm lỵ sở của tỉnh Khánh Hòa, nơi đây là một bến đò trước khi một chiếc cầu gỗ được bắc qua con sông này.Đây chính là cầu Thành.

“Thành” vốn là từ gắn liền với một tòa thành cổ: Thành Diên Khánh. Thành Diên Khánh do chúa Nguyễn Phúc Ánh xây dựng vào năm 1793, giao cho tướng Nguyễn Văn Thành và Võ Tánh trấn giữ để chống nhau với quân Tây Sơn. Nơi đây cũng đã từng diễn ra nhiều trận chiến ác liệt trong cuộc kháng Pháp sau này của Bình Tây đại tướng Trịnh Phong và các đồng chí của ông. Thành xây theo kiểu Vauban, vốn có sáu cửa, sau chỉ còn bốn cửa là Đông, Tây, Tiền, Hậu. Trừ các công trình bên trong thành (có cả hành cung, dinh thự, cả pháo đài, nhà lao...) đã bị phá hủy theo thời gian, tòa thành cổ còn khá nguyên vẹn với bốn cổng thành, tường thành, hào sâu. Từ một danh từ chung, “Thành” hầu như đã trở thành một tên riêng, là quận lỵ của Diên Khánh trước đây và nay là thị trấn Diên Khánh. Gắn với địa danh này còn có Chợ Thành, Cầu Thành, Ngã ba Thành...

Thành, đối với tôi, một đứa bé nhà quê, nó là hình ảnh của thị thành, là phố xá mặc dù nó chỉ là thị tứ nhỏ bằng cái lỗ mũi, chỉ với 3 đường phố: Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp và Trịnh Minh Thế (nay là Lý Tự Trọng), nhưng với tôi thuở nhỏ, nó rất to lớn, là cuộc sống văn minh, có ánh sáng đèn điện, có đủ các cửa tiệm, hiệu buôn: hiệu vàng Lý Tài, hiệu buôn Đồng An, phở A Ùi, nhà sách Trí Đức, tiệm hình Ánh Sáng, tiệm bánh An Thành, tiệm may Phan Phiêu... và nhiều cửa tiệm khác.

Cầu Thành không dài, chỉ khoảng chừng ba trăm mét. Tôi còn nhớ rất rõ, cây cầu hoàn toàn làm bằng gỗ, không rộng lắm, chỉ vừa đủ cho một chiếc xe ô tô lớn chạy. Mỗi lần có xe chạy qua, nhất là những lúc có đoàn xe của lính Mỹ chạy qua, người đi xe đạp hay đi bộ phải dạt vào hai bên thành cầu và chiếc cầu cứ lắc lư như muốn sập. Xe chiều bên kia phải dừng lại chờ. Hàng ngày, tôi phải đi về mấy bận trên cây cầu này. Bên bờ bắc cách cầu một quãng về phía đông, là những guồng xe nước suốt ngày đêm ầm ì, kẽo kẹt quay, đưa nước về nuôi những cánh đồng bao la vùng tứ thôn Đại Điền.

Cầu Thành bằng gỗ nên vào mùa mưa lụt thường hay bị cuốn trôi. Dòng sông vào mùa lũ nước chảy xiết trông rất ghê, củi rác trôi dập dềnh. Người qua lại từ bờ bên này sang bờ bên kia và ngược lại, chỉ có cách đi bằng đò. Đi học vào mùa này, tôi thường phải dậy thật sớm, ngoài việc phải vượt qua nước lụt ở cánh đồng làng trên con thuyền nhỏ do cha tôi “cầm lái”, tôi còn phải chờ đò qua sông ở đầu cầu Thành. Hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào mùa lụt thì cầu Thành trở thành bến đò ngang với những con đò nhỏ mỏng manh chèo chống vượt qua dòng nước xiết của con sông Cái hung dữ. Khi một công dân của tỉnh Khánh Hòa (đơn vị Diên Khánh) đắc cử dân biểu Hạ nghị viện, ông đã xin được ngân sách của chính phủ để xây dựng lại chiếc cầu nhưng cũng vẫn là chiếc cầu gỗ, có điều trông mới hơn, vững chãi hơn mà thôi.

Phía bên kiacầu Thành, bên phải con đường nối với chợ Thành là một bãi cátbồi rất rộng. Bên tráilà một khu dân cư, toàn nhà tôn, vách ván, chủ yếu là nơi trú ngụ của nhiều gia đình bỏ làng quê vùng tứ thôn Đại Điền, tản cư về đây, trong đó có nhiều gia đình có người tham gia chính quyền, quân đội phía “bên này”.

Những năm đó, chiến tranh diễn ra rất ác liệt với sự tham dự của binh lính các nước đồng minh của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa như Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan... Vùng tứ thôn Đại Điền quê tôi trở thành vùng “mất an ninh” điển hình của vùng quê Diên Khánh, ngày quốc gia, đêm cộng sản. Cứ chiều chiều, đại bác của “bên này” bắn lên vùng rừng núi ầm ì. Tối đến, phía “bên kia” từ trên núi thỉnh thoảng pháo kích xuống đồng bằng, y như trong câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài “Đại bác ru đêm” mà tôi đã thuộc lòng:

Đại bác đêm đêm dội về thành phố

Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe...

Cứ vài hôm, vào giữa đêm khuyalại rộ lên những trận đấu súng giữa phía “bên này” và phía “bên kia”. Súng to, súng nhỏ nổ vang, hỏa châu sáng rực trời. Và thế là sáng hôm sau, phía đầu cầu Thành, gần giáp với dốc chợ Thành là nơi đặt những thi thể đầy máu me của những người phía “bên kia” chết vì trận đánh đêm trước, ở vùng tứ thôn Đại Điền hay vùng phía tây Diên Khánh, thậm chí ngay cả tại Diên An... đều được xe nhà binh đưa về đây.Khi thì một hai, khi thì năm bảy, có khi hơn cả chục thi thể nếu là những trận đánh lớn. Hoặc có người thông báo, hoặc trực tiếp thân nhân của những gia đình có người đi phía “bên kia” lén nhìn mặt những thi thể, nếu là người thân của mình thì nhận xác về chôn cất. Đến cuối ngày, những thi thể không có ai nhìn nhận (chủ yếu là người miền ngoài) thì đều được vùi lấp ngay ở bãi cát bồi gần đó. Cứ như vậy, từ ngày này sang tháng khác, từ năm này qua năm khác, bãi cát bồi thành bãi tha ma bằng phẳng, không mộ, không bia, ngay sát khu dân cư đông đúc của xứ Thành.

Chỉ vài năm sau, cùng với việc mở tuyến đường tránh thị xã Nha Trang (thường gọi là Cải lộ tuyến, “chết” tên cho đến bây giờ), một cây cầu bê tông quy mô lớn được xây dựng, cách cầu Thành khoảng chừng một cây số về phía hạ lưu, gọi là cầu Sông Cái mà người dân thường gọi là Cầu Mới. Việc xây dựng cầu đường hoàn toàn do Mỹ viện trợ, hãng RMK đứng ra làm. Cầu Mới được làm rất nhanh với máy móc hiện đại, đâu chỉ chừng hơn một năm. Trong thời gian làm cầu, lũ học sinh chúng tôi đã có thể đạp xe đi học bằng Cải lộ tuyến, qua sông bằng con đường đất làm tạm ở mé bên dưới câycầu đang xây. Khi khánh thành cầu, khỏi phải nói chúng tôi vui cỡ nào vì không còn phải đi học qua cây cầu gỗ gập gềnh hay phải đi đò qua sông vào mùa nước lụt.

Sau năm 1975, cây cầu gỗ vẫn còn đó nhưng lượng người qua lại không nhiều. Cũng vẫn vậy, cứ đến mùa lụt thì cầu Thành chỉ còn trơ lại những cây trụ cầu.

Cách đây mấy năm, cây cầu gỗ đã được thay bằng cây cầu bê tông vĩnh cửu hai làn xe, cùng với việc mở rộng con đường từ phía bờ bắc lên đến trên 20 mét, nối với Quốc lộ 1A, xuyên qua nội thị Diên Khánh, bên hông chợ Thành.

Gần 40 năm sau ngày thống nhất, ngay gần chỗ trước đây là nơi đặt thi thể của những người phía “bên kia” để người thân nhìn mặt, một tượng đài người mẹ đau khổ bế xác con đã ngã xuống trong chiến cuộc của quê hương một thời khói lửa điêu linh và một bức phù điêu lớn, đã được dựng lên.Khu bãi cát bồi ngày xưa chôn lấp những người con của đất mẹ bây giờ vẫn trống huơ trống hoắc, không thấy nhà cửa gì. Ai có thể xây nhà cửa và sinh sống trên mảnh đất có thể vẫn còn đầy xương cốtnày? Linh hồn của họbây giờ về đâu?

Khu tạm cư ngày xưa ở phía bên trái, bây giờ là một khu đô thị mới mọc lên, rải rác những ngôi nhà mới xây dựng.

Cuộc đời vô thường như thế sao?

***

Nâng ly bia chúc mừng nhà mới, tôi hỏi Trung:

- Em có biết gì về cầu Thành trước đây không?

- Không, lúc đó em còn quá nhỏ. Chỉ biết trước đây nó là một cây cầu gỗ, cứ tới mùa lụt là bị trôi.Sau trận lụt, nước rút, chỉ còn trơ lại những cây trụ cầu. Bây giờ, như anh thấy đó, nó là một cây cầu bê tông chắc chắn,to lớn. Nhờ con đường mở rộng mà vợ chồng em làm ăn buôn bán được, đủ để nuôi con.Em cũng chỉ nghe nói mang máng là phía bên kia cầu từng là nơi chôn rất nhiều người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt trước đây. Chỉ vậy thôi.

Tôi trầm ngâm, thỉnh thoảng nhìn những vệt nắng loang loáng trên mặt nước con sông Cái, in bóng chiếc cầu xuống dòng nước mênh mang xuôi chảy về Đông.

                                                                                    NP phan

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 85693)
Con tàu đã trở nên ọp ẹp, mấy mươi năm còn gì. Người ta nói đây là chuyến tàu tốt nhất hiện nay. Hành khách bực dọc phàn nàn tốt gì mà tốt, như đống sắt vụn, làm như họ là kẻ trên trời rơi xuống không bằng.
23 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 88888)
Tình yêu, cũng như chiến tranh, là hai đề tài muôn thuở của con người. Văn chương ngoại quốc nói về chiến tranh, viết về những trận chiến gần, xa trong lịch sử, chúng ta vẫn thích đọc. Vậy thì tại sao, người Việt Nam viết về chiến tranh Việt Nam lại nhàm chán?
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 92116)
... Tôi đã từng ăn thịt chuột. Tôi ăn vụng của em tôi. Bố cấm tôi nói cho ai biết. Bố đã cho thằng em tôi ăn bao nhiêu con chuột tôi cũng không nhớ nổi. Chỉ có điều bố thích như vậy. Bố nướng con chuột lên, thế thôi. Thằng em tôi cười hềnh hệch, nước dãi chảy dài, cầm con chuột gặm như một bắp ngô nướng. Những tảng máu chưa đông rịn đỏ hai mép. Tôi thấy đầu mình ung ung. Những hình ảnh như những mảnh vỡ lộn xộn va đập vào nhau liên hồi ...
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 89837)
Không ai biết cuộc sống của ai đang xáo trộn. Không ai biết ai đang nghĩ gì. Người chồng không bao giờ biết người vợ vừa gối đầu lên tay mình vừa dâm hoan với sếp của ả trong giấc mơ. Gã sếp đô con, bụng cuộn lên những bó cơ và làm tình thì miễn bàn. Người chồng không bao giờ biết âm hộ của ả nóng bừng như muốn nổ tung ra. Mà biết cũng chẳng thể chết ai vì ả là vợ của anh ta.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 111310)
(Gởi anh Huy & chị Minh) Câu thơ còn trong trí nhớ Như mùa thu mỗi năm lại về Theo tuần hoàn trời đất Như đôi mắt em buồn giấu kín Chịu đựng An phận Cuộc đời mình mùa xuân đi qua Rất xa, rất xa...
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 91906)
Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gầ n đây bổng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố. Thỉnh thoảng chúng lại ruỗi theo sóng nước cợt nhã với con người. Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ .
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 91429)
Trong tình bằng hữu nhiều năm với Huy, được sự đồng ý của chị Cao Xuân Huy và hai cháu Chúc Dung & Xuân Dung, bài viết thiên về khía cạnh y khoa này, nói về một Cao Xuân Huy khác, người bệnh Cao Xuân Huy chênh vênh trên con dốc của tử sinh, đã can trường chống chỏi với bệnh tật cho tới những ngày và giờ phút cuối cùng và đã ra đi với tất cả “phẩm giá”. NGÔ THẾ VINH
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 81702)
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 86172)
Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương. Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 87190)
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời. Thời xưa Cao Biền đã nhiều lần cỡi diều bay tới, tay cầm quạt giấy phất bằng lụa bạch, nan cánh quạt đúc bằng vàng khối tinh ròng, toan tính yểm đất.