- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TRUYỆN NGẮN LÝ MINH KỲ

10 Tháng Bảy 201810:24 CH(Xem: 24517)



Thiếu nữ và Hoa Quỳnh, sơn dầu trên bố 40'' x 52'', 2000 -MC 10A
Thiếu Nữ Và Hoa Quỳnh- tranh Mai Chửng



LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Lý Minh Kỳ sống và làm việc tại Sài Gòn. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quý độc giả và văn hữu những sáng tác mới nhất của Lý Minh Kỳ.

 

TẠP CHÍ HỢP LƯU

 

 



truyện ngắn Lý Minh Kỳ

Mười Bảy Ngỡ Như Ngày Hôm Qua

 

Trung độc hành trên con phố khuya. Gió dắt người đi. Nụ trăng vừa nhú, gió vờn đong đưa. Trung, hai mươi bảy tuổi, rời khỏi nhà, trầm mình vào đêm. Hai mươi bảy tuổi, xã hội rù rì sau lưng như đấm vào tai anh, “giời ạ, đàn ông gì mà sợ vợ ra mặt, nhìn thành công hào nhoáng thế chứ thực ra do ông già vợ nâng đỡ thôi,…”.

Cú đêm ọ ọe. Cú đêm gầm gừ. Cành cây khô răng rắc, những cánh dơi chao liệng. Sương rơi trên những sợi cỏ non, nhọn hoắc, đòi đâm toạc bụng trời. Có lẽ trời đau thật, tuôn từng dòng máu đen xuống mặt đất, tanh tanh, ngập ngụa. Trung thở dài, tiếng thở dài thách thức bọn cú đêm. Đàn dơi tíu tít, rủ nhau dự đại tiệc, bỏ mặc Trung giữa không gian đặc quánh tiếng cú. Cú sẽ nói, “này anh kia, sao tối đến còn tranh giành đời sống riêng tư của chúng tôi? Về với văn minh của anh đi!”.

Trung ngồi bệt xuống hè, nhìn trăng mà than thở. Nhưng trăng xa quá đâu nghe thấu lời Trung. Cú đêm gầm gừ đáp trả, “con người sống chật vật quá, thế mà cũng tự hào hai tiếng tình người!”. Hai mươi bảy tuổi, Trung đau đớn nhận ra, cuộc đời này tàn ác quá. Bố vợ vừa mắng trận lôi đình vì một chút sơ sẩy đã làm thất thoát bạc triệu của cơ quan. Cô vợ thơm tho, quần là áo lượt thì cứ than vãn, “sao anh không còn âu yếm em như ngày mới cưới? Anh đang quen với con điếm nào tươi mơn mởn hơn em? Thứ đường chợ rác rến!” Trung thở dài thầm trách, người nhà mà còn không hiểu cho nhau, thương yêu nhau thì người dưng còn tàn ác cỡ nào? Thằng cấp dưới cứ giả vờ nịnh nọt trước mặt, chứ sau lưng nó bĩu môi, đồn ầm lên, Trung nuôi gái, nuốt tiền cơ quan… Chỉ bấy nhiêu đó thôi, cũng đủ khiến Trung phải trốn khỏi nhà lúc nửa đêm, ngâm mình vào chốn tối tăm chỉ có gió và cú.

Gió thều thào những lời vô nghĩa. Đàn dơi dự tiệc trở về, nhếch mép, “vẫn còn ngồi đó à, sợ về nhà vợ cằn nhằn à?”.

Sương ngày một dầy, u ám, se lạnh. Trung chợt nhận ra, mình ngồi cạnh cái miếu hoang từ lúc nào. Cái miếu thân quen năm ấy. Miếu vẫn còn đó, trơ trơ, rêu trên mái cũng dầy hơn. Dáng đứng đã hao gầy hơn xưa. Rồi lòng Trung bừng sáng. Trung nhớ lại cái tuổi mười bảy. Than ôi, cái tuổi mười bảy tươi đẹp ấy đã vụt qua tự bao giờ, Trung không thể níu giữ. Mười năm mà ngỡ như ngày hôm qua.

Cái buổi trưa nắng gắt, dưới tán bạch dương dịu dàng, Trung ngắm nhìn những giọt lệ ngọc ngà của Bích, “thôi đừng khóc nữa, anh sẽ học tốt và có việc làm thật tốt, tương lai đôi ta…”

“Em chỉ sợ mai này sang giàu, anh tham phú, phụ bần.”

“Bích, mai này dù có thành công hay thất bại anh vẫn mãi yêu em, tìm về với em”

Họ tản bộ trên con hè vắng. Bích thôi sụt sùi, ánh mắt ngời sáng, “hai ta hãy thề nguyền chờ đợi nhau đi, tại ngôi miếu này!”. “Em không tin anh sao?”, Trung ngước mắt nhìn; một ngôi miếu cũ kỹ, cánh cửa gỗ khóc ré lên khi anh đẩy nhẹ, bước vào. Không một nén hương, không một người giữ miếu. Ngôi miếu bị bỏ hoang từ bao giờ? Trung quỳ gối, nhìn lên bức tượng bụi và rêu phủ đầy. Bích khấn nguyện, rồi ngước lên nhìn tượng Mẫu, “Mẹ ơi, Mẹ hãy thương những người phụ nữ thiệt thòi trong tình yêu như con…”.

Trăng tròn, những mảnh rơi loảng xoảng trên nền đất, trăm mảnh tan tành có ai thèm nhặt nhạnh. Cú cười cợt, “đấy, trăng rơi rớt xuống đây nghe anh than vãn rồi đấy”. Trung nhìn quanh, nhận ra cây bạch dương nơi góc đường đã khô héo rồi. Gió quật mạnh, những cành khô răng rắc, cú mèo xù lông, rũ rượi. Trung rờn rợn khi nhìn vào đôi mắt sáng quắc của con cú già.

Trăng rơi trong sân miếu. Trung đứng dậy, đẩy cửa bước vào. Cánh cửa khóc ré lên, vừa tức tối, vừa oán trách, dỗi hờn. Miếu không còn bị bỏ hoang. Ai đó đã thắp hương. Từng sợi khói ngát thơm. Trung khom lưng nhặt từng mảnh trăng, ôm chúng vào lòng. Anh ngồi bệt xuống nền đất. Tượng Mẫu sạch bụi, gió luồn lách, hát điệu hát ai oán tình sầu.

Mười năm trước, sau lời thề nguyền, Bích đã trao đời mình cho Trung, trong ngôi miếu này. Nắng bứt rứt, Trung ngậm đầu vú ngọt ngào của Bích; dòng sữa trinh nữ cuộn trào. Bích cong lưng, Trung thỏ thẻ những lời yêu vụng dại… Sau cơn mê man, Trung không quên lời hứa hẹn, “hãy đợi anh, anh sẽ quay về và cưới em”. Và thế là Trung rời đi khi vũng máu trên nền hãy còn ấm.

Mười năm sau, Trung đã quay về. Ôi, mười bảy ngỡ như ngày hôm qua. Bích đã sống ra sao suốt mười năm? Trung đã quên Bích suốt mười năm. Bích còn nhớ lời hẹn buổi trưa ấy? Trung nghĩ ngợi và lo sợ, tự tay đánh rơi những mảnh trăng, loảng xoảng. Trăng vỡ tan tành rồi. Trung nhận ra mình là thằng tồi, là thằng tham phú phụ bần.

Có tiếng trở mình tỉnh giấc, tiếng guốc lộc cộc bước ra, một người đàn bà phủ đầy bóng tối. Người đàn bà đưa ngọn nến ra phía trước mặt. Trung và Bích. Khuôn mặt Trung dầy gió dạn sương, mấy phen va vấp trên đường đời. Bích cười, nụ cười sáng như trăng rằm, “em biết anh sẽ trở về…”. Nghe lại cái giọng nói dịu dàng như thời trinh nữ ấy, Trung bỗng nghe đau dữ dội. Bích vẫn còn đây, vẫn là của Trung. Còn Trung thì đã bán mình cho kim tiền.

Họ ngồi dưới chân tượng Mẫu, Trung ước gì được trở lại mười năm về trước, trở lại cái tuổi mười bảy dại khờ ấy. Ôi, mười bảy ngỡ như ngày hôm qua, “anh trót nợ em một đời, không riêng gì tuổi mười bảy!”.



BÓNG TỐI SỤP ĐỔ

Tôi chạy sâu vào phố phường, đêm ba mươi, để bảo toàn tính mạng. Hà Nội ứa máu đen, đặt sệt, buốt xót. Bố bắt tôi gỡ bỏ hình xăm nhằng nhịt. Không! Hình xăm không nhằng nhịt. Tôi xăm tên người tôi yêu không yêu tôi.

Trận gió nào tang tóc nhào nặn Hà Nội. Tôi lang thang, tìm nguồn máu đen ngập ứa. Tôi rơi vào chiếc hộp, vùi mình trong đen thẳm. Tôi vùng vẫy giữa bao tử bóng tối. Tôi khóc thét, bóng đêm không đáp lại. Mình tôi trong tối!

Tôi nhìn quanh, thấp thoáng đằng kia, N tươi cười với cô gái ấy. Tim tôi vụn vỡ. Tôi gọi N trong nức nở. N không quay lại nhìn. Tôi biết N rất yêu cô gái ấy, hôm nào chẳng đắm chìm trong nụ cười mơ hồ ấy. N từng nhìn hình xăm của tôi và cười cợt những đường nét nhằng nhịt. Tôi từng bảo với N tôi yêu N. N vô tư đáp N không thể yêu tôi, không thể yêu người cùng phái. Tôi lặng lẽ đứng sau màn sương, nhìn N yêu người con gái ấy.

Tôi chớp mắt, cựa mình. N chìm vào màn sương. Bóng tối đặc quánh, tôi mò mẫm không tìm thấy N nữa. Thế giới tôi đang tồn tại đen tối. Thế giới của N sương trắng. Nước mắt trào, đâu ai thấy tôi khóc. Những vết lằn roi mây nhức nhối. Tôi gồng mình, càng nhức. Những vết lằn roi mây bố giáng. Tôi gồng mình, chống đối. Mơ hay thực? Người đàn ông có hàm răng trắng loáng, dỗ ngọt tôi. Người đàn ông ấy trao cho tôi những nụ hôn trần trụi và cả căn bệnh thế kỷ. Tôi vừa yêu N, vừa hận N và buông mình. Bố tôi chửi rủa, mày là đồ chó chết. Tôi chạy ra khỏi nhà như chó. Tôi tự chôn mình, hay Hà Nội chôn tôi vào chiếc hộp đầy ắp bóng tối? Liệu một ngày nào đó, N sẽ nháo nhác tìm tôi dưới những nấm mồ tối?

Tim tôi vụn vỡ. Hình xăm bong tróc. N cười khanh khách hạnh phúc. Bố tôi nghiến răng. Người đàn ông bệnh tật thều thào cầu cứu. Tôi lấy hết sức, vùng dậy, bóng tối sụp đổ. Tôi lang thang đi tìm cuộc đời mới, phía mây hồng.

 

Lý Minh Kỳ

Tháng Ba, 2017.

 

 

 

 

 

Rồi cha sẽ tỉnh rượu

*Cảm tác Đời thừa (Nam Cao)

 

Cha đi suốt đêm. Trước khi bước chân ra khỏi ngưỡng cửa, cha xoay người lại, nhìn tôi. Mắt cha ngời lên niềm lạc quan trong lúc nói. Cha đi, đi kiếm tiền, tối nay các con sẽ được ăn thịt lợn quay, xôi nóng. Cha nói với vào trong, tôi đi mình nhá! Tôi hân hoan đứng dậy. Mẹ tôi vội lên nhà trước tiễn cha, anh chóng về nhá. Đứa em tôi như hiểu chuyện, cũng hòa vào niềm vui của gia đình, quẫy người. Mẹ tôi âu yếm cái má phính của nó, cha đi rồi cha về, mang sữa về cho con nhá, con đừng quấy nhá.

Tiếng honda nặng nề lết khỏi hẻm vắng, nắng đong đưa, đại lộ rộn rã, Hà Nội năm 2000. Mẹ nhớ lại những năm chín mươi, ngày cha cưới mẹ, một chiều gió mùa đông bắc se lòng. Hà Nội mười ba độ buốt! Những phố dài sưng rộp vì gió thốc, bải hoải chờ đợi vì thiếu thốn những ngày mưa. Mẹ kể, mẹ trở dạ vào một đêm cuối xuân, tiết trời dễ chịu. Vừa cất tiếng khóc chào đời, tôi đã thụ hưởng nắng ấm mùa xuân. Ra đời, tôi có khác gì em mình hiện tại, vẫn chịu cảnh đói sữa, khát cháo. Mẹ chắt chiu từng đồng nuôi tôi lớn, cho tôi vào lớp một, học con chữ. Em tôi! Mẹ chỉ mong em tôi cũng được biết con chữ. Mẹ chỉ mong chúng tôi đều thành người được xã hội trọng dụng.

Nắng nức nở, bốn giờ chiều, cha vẫn chưa về. Tôi tựa cửa trông. Em tôi rung cái xúc xắc, ngồi bệt cạnh rổ rau của mẹ. Mẹ vừa nhặt rau, vừa hân hoan, vừa trông ngóng đến hao gầy. Mẹ lại nhớ về những buổi chiều đông mấy năm trước. Hà Nội mười ba độ buốt! Ấy mà chẳng thấm tháp gì với dân Hà Nội chính cống. Quê mẹ có khi chỉ còn sáu độ. Hà Nội chật chội, bức bối, hãy còn ấm so với quê nghèo. Mẹ nên duyên nợ với một anh thợ, một anh thợ Hà Nội, cứu vớt mẹ khỏi cảnh quê nghèo. Mẹ luôn tựa cửa trông cha đi làm về. Năm giờ chiều cha vẫn chưa về, mẹ vẫn vừa nhặt rau vừa đợi. Mẹ nhớ quê, muốn ngóng về quê cho đỡ nhớ. Nhưng biết ngóng đằng nào? Hà Nội nhộn nhịp, đường sá mẹ còn không thuộc. Muốn ngóng về quê cho đỡ nhớ nhưng biết ngóng đằng nào?

Tiếng còi ô tô, còi xe honda. Hà Nội chiều chật chội. Cha vẫn chưa về. Mẹ luộc rau, mẹ thổi cơm. Cơm ít lắm vì gạo đã hết. Mẹ và tôi ngóng ra đầu ngõ. Mẹ nói mẹ ngày một chán Hà Nội. Mẹ thích Hà Nội những năm chín mươi. Em tôi chán xúc xắc, lăn kềnh ra ngủ, đói sữa rồi nên tạm mút tay. Cha vẫn chưa về. Cha đi đâu giữa phố mênh mang? Cha đi kiếm tiền con ạ. Hôm nay cha nhận việc mới, ông chủ tốt lắm, sẽ trả nhiều tiền. Ráng chiều mùa hạ, mồ kê em tôi vã ra. Nó lăn lộn rồi khóc, đòi sữa.

Em tôi quấy khóc trên cánh tay gầy gùa của mẹ. Mẹ vừa dỗ vừa ngóng, đợi chờ tiếng xe ành ạch xé toang lòng hẻm nhỏ. Mẹ bồng em xuống bếp, tôi ở lại gánh trọng trách chờ đợi tiếng xe ành ạch, đem về nào là thịt lợn quay, xôi thơm, sữa béo. Cha sẽ cười khi thấy tôi nhai nhồm nhoàm, nhem nhuốc, sẽ bồng em tôi, cho nó ăn sữa. Mẹ tôi sẽ được ăn bữa cơm tử tế. Nhưng chỉ là những ảo tưởng đang dỗ ngọt, còn thực tại thì hụt hẫng. Em tôi uống nước cơm, mẹ và tôi rau chấm mắm. Cha vẫn chưa về.

Cha đi suốt đêm. Mẹ nằm trăn trở, tôi nằm khóc. Tôi biết cha chè chén, bỏ mặc mẹ con tôi. Sao tôi đã có người cha nghèo rồi mà phải chịu thêm người cha tệ bạc? Mẹ có biết cha đi đâu không? Mẹ không biết. Mẹ có nghĩ cha quá chén rồi nằm lăn ra đâu ngủ không? Tôi cũng không biết giống mẹ. Mẹ gắng chờ tiếng xe, tôi gắng chờ tiếng cha đập cửa lè nhè. Tôi không muốn cái cảnh ấy diễn ra. Nhưng tôi cũng muốn được khóc thét vào mặt cha nếu cảnh tượng ấy xảy ra. Tôi rỉ thêm vài giọt nước mắt nữa, ôm mẹ chặt hơn. Tôi sợ cha xảy ra chuyện gì không hay, mẹ sợ còn hơn tôi. Tôi thiếp đi. Cha ơi, sao cha chưa về? Mờ mịt quá, tôi cố chạy lại phía cha. Cha đang đứng đó xách gói xôi, gói thịt. Em tôi cười khanh khách. Tôi nhai nhồm nhoàm. Mẹ tôi nhỏ giọt nước mắt hạnh phúc. Cha ơi, mẹ gầy quá!

Tám giờ sáng cha mới về. Người cha bủng beo. Chén rượu làm cha bủng beo. Xôi, thịt, cả sữa nữa, sao không có, cha? Cha không trả lời. Cha mệt nhọc vào giường nằm. Cổng nhà mở toang. Tôi ngồi bệt trước nhà, mếu máo. Em tôi cầm xúc xắc, chập chững đến dỗ tôi. Tôi ôm nó mà khóc. Nó rung rinh cái má phính, bặp bẹ bảo thương tôi. Tôi không thèm thịt lợn quay, thèm xôi nóng nữa. Tôi chỉ cần em tôi no sữa. Nhưng cha đã no rượu, thay vì em tôi no sữa. Tại sao mẹ tôi lại lấy người đàn ông tệ bạc? Tại sao cha tôi lại tệ bạc như thế? Cha ơi, mẹ gầy quá! Cha ơi, em đói sữa. Cha ơi, con cần một người cha!

Mẹ lạo xạo làm nước gừng cho cha uống giã rượu. Có thứ nước nào làm cha quên rượu không? Có thứ nước nào giã tan tiếng khóc nức nở của mẹ, nỗi sợ, sự hụt hẫng trong tôi không? Tôi sợ tiếng khóc của mẹ còn hơn tiếng quát tháo của cha. Mẹ ơi đừng òa khóc. Tôi ơi đừng khóc, em tôi thương tôi lắm, tôi ơi đừng khóc! Chúng tôi phải khổ bao lâu nữa? Tôi ôm em tôi thật chặt. Tôi cố ghìm tiếng khóc. Tôi sợ rồi một ngày em tôi cũng sợ tiếng khóc của tôi. Tôi thương nó.

Mẹ tôi cầm tạm vài đồng còn sót trong túi áo của cha mua bó rau, bát gạo và miếng đậu. Trưa, em tôi sẽ phải uống nước cơm. Mẹ tôi lúi húi thổi cơm dưới căn bếp tồi tàn, khét lẹt. Em tôi chơi xúc xắc, đôi má ửng hồng nhem nhuốc đói nghèo. Tôi nằm vắt chân đọc vanh vách mấy đoạn thơ trong sách. Rồi cha sẽ tỉnh rượu, rồi cha sẽ thấy cái cảnh nghèo đói. Rồi cha sẽ biết đêm qua cha no rượu thay vì chúng tôi no xôi, thịt.

Trưa, nắng rưng rưng. Miếng đậu rán thơm lừng đánh thức cha dậy.

 

- Lý Minh Kỳ -

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Mười Một 20234:47 CH(Xem: 4851)
Em ăn rau tôi ăn thịt / Mà xương xóc đã phồn vinh / Chúng bảo yêu là giả tạo / Ừ thôi cái nắng xập xình
01 Tháng Mười Một 20231:28 SA(Xem: 6347)
Liêu xiêu lối nhỏ mưa dầm / Vai gầy Mẹ gánh tảo tần vì con / Gánh đời vất vả héo hon / Rảo chân Mẹ khắp lối mòn bể dâu
01 Tháng Mười Một 202312:55 SA(Xem: 4415)
Hun Sen đã chính thức chuyển quyền cho con từ ngày 22/8/2023. Tuy Hun Manet là Thủ tướng mới nhưng Hun Sen vẫn có một ảnh hưởng gần như tuyệt đối từ phía sau hậu trường. Hun Sen viết trên trang Facebook – “Đây chưa phải là kết thúc. Tôi còn tiếp tục phục vụ ở những cương vị khác ít nhất cũng tới năm 2033” (tức là mười năm nữa, lúc đó Hun Sen 81 tuổi). Tìm hiểu về giới lãnh đạo bao gồm hai thế hệ Cha và Con của chính trường Cam Bốt hiện nay và ít ra trong 10 năm tới thiết nghĩ là điều rất cần thiết.
24 Tháng Mười 202311:00 CH(Xem: 5402)
Cạn mấy ly rượu mạnh với anh chủ khách sạn Huy Hoàng để xóa đi cái âm khí nặng nề ở nghĩa trang Hàng Dương, tôi loạng choạng trở về phòng, đóng sầm cửa lại, nằm vật ra giường, chìm ngay vào giấc ngủ. Tiếng gõ cửa làm tôi giật mình thức giấc. Cửa mở, cô gái có khuôn mặt trắng hồng, dáng thon thả, tha thướt trong bộ đầm dài bằng lụa màu mỡ gà; từ đôi mắt, hàng chân mày cho đến làn môi đều xinh tươi... / -Cô tìm tôi? /-Dạ, biển đẹp như vầy, anh ngủ làm gì cho phí, đi dạo với tôi nhé. / Chúng tôi tiến ra bờ biển. Gió lồng lộng, mát rượi, sóng biển vỗ bờ cát trắng rì rầm. Ngoài xa ánh đèn các con thuyền đánh cá thao thức, nhấp nháy khôn nguôi.
24 Tháng Mười 202310:38 CH(Xem: 5380)
Hàng ngày trên con đường kiếm sống, thỉnh thoảng ta vẫn nghe trên cây khế trước nhà tiếng kêu của một loài quạ “ăn khế trả vàng, may túi ba gang mà đựng”. Dân ta ai cũng may sẵn những chiếc túi ba gang. Thời mở cửa, ai cũng hăm hở, ai cũng tưởng mình đã hốt đầy vàng trong cái kho của trời đất. Có biết đâu rằng vàng đã cho đi cả, chỉ còn lại sỏi và đá trong chiếc túi ba gang của mình. / Ta cho đi hết, cho hết cả … từ tài nguyên, của cải cho đến những giá trị cốt lõi. Và thế là đất không còn lành, chim không muốn đậu. Bầy chim túa đi thiên di mang theo tất cả, cả tuổi trẻ, tình yêu, nhiệt huyết,… rời bỏ đất nước mình!
24 Tháng Mười 20235:59 CH(Xem: 5149)
Em có buồn khi phải chia tay / Làm sao quên được phút giây này / Ngày mai tôi chết ai còn nhớ / Mộng đã không thành mây vẫn bay
24 Tháng Mười 20233:58 CH(Xem: 4192)
Người ta thường ví Mèo như một người phụ nữ, bởi Mèo có vẻ nhẹ nhàng nhỏ nhẻ từ cách ăn, cách ngủ cả đến lúc Mèo gần gũi, nũng nịu bên chủ để được che chở vuốt ve. Tôi không thích Mèo và không bao giờ có ý nghĩ là mình sẽ nuôi Mèo. Tôi cho rằng cái cách dịu dàng của Mèo như một sự dối trá ẩn sau cái ác. Bởi lẽ lúc nhỏ, tôi đã từng chứng kiến và xót đau khi cái lũ mèo nhà hàng xóm xé tan xác ăn thịt mấy con chim bồ câu nhà mình nuôi. Nửa đêm khuya khắc tôi hay bị thức giấc vì tiếng kêu, tiếng chạy đuổi nhau trên mái tôn nhà ông Lý sát cạnh nhà mình, nghe bắt rợn người. Và có lẽ vì Mèo nó có cái vẻ yểu điệu, dịu dàng tương phản với cái vẻ thô thô, cứng ngắt của tôi nên tôi ghét nó...
24 Tháng Mười 20233:51 CH(Xem: 5154)
sáng mùa đông ta đi tản bộ / cỏ cây còn đẫm lạnh hơi sương / ta đi mà vẫn chưa về đến / đất cũ quê nhà chốn cố hương
24 Tháng Mười 20233:22 CH(Xem: 3887)
Mọi thông tin luôn nhanh chóng hiển thị trước mán hình vi tính . Chuỗi sự kiện của cuộc sống quanh tôi và tôi cảm nhận nó bằng tâm hồn mình./ Mỗi buổi sáng, khi thức thức dậy, bước xuống giường, vén mùng là tôi đã start máy, rê chuột là cả thế giới hiển thị trước mặt . Cây trong vườn vẫn xanh như độ nào, cành nhãn nở chùm bông trắng đầu mùa in bên khung cửa sổ như một bức tranh. Ngày nắng cũng như mưa, nó luôn hiển thị. Một thế giới hiện thực đầy hư ảo! / Tôi thích mơ mộng, trong tôi luôn hình dung những sự kiện rồi huyễn tưởng và sống với niềm hạnh phúc chứa chan trong cõi mộng đó.
24 Tháng Mười 20232:52 CH(Xem: 5315)
bởi mùa thu chỉ là hoàng hôn bên cửa / bên ngoài sân ga / mà tôi bỏ quên dấu tay chưa che lại / của giọt sương mai trên mái tóc buông dài / cho thêm dỗi hờn lên ngực / đã ngủ say khi cơn mưa vừa thức / lắng nghe âm thanh của ký ức mịt mù / khi rừng vừa bị đốn sạch / chôn trọn mối tư tình vào hoang phế mùa thu