- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Truyện Ngắn: Những Sợi Tóc Màu Tang Lễ

25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 117062)
nhungsoitocmautangle

Đỗ Hoàng Diệu

Dực đã đi rất đỗi nhẹ nhàng. Dực đang chỉ chạm khẽ mũi giầy vào bậc thang gỗ. Cảm giác Dực đang bay. Bậc cầu thang nâu bóng mầu thời gian, nâu bóng rêu phong những kiếp người hình trôn ốc. Có người đang nhìn Dực, nhiều người đang nhìn Dực. Họ kinh ngạc trân trối ngóc đầu lên những bậc cầu thang gỗ. Có phải tiếng động của gót giầy Dực không, hay âm thanh phán lên niềm rắc rối nhịp đập trái tim? Xoáy xuống, xoáy tròn, hun hút và tăm tối. Từ tầng ba xuống tầng một mà đi cả 27 năm trời chưa xuống được tới nơi. Dực cười thầm ý nghĩ của mình. Hình như có âm thanh nào đó đang trườn tới.

- Hôm nay thứ Hai mà Dực cũng đến Thư viện à?

Thứ Hai ư? Dực nhìn xuống đôi giầy của mình trước khi lướt mắt qua người đàn ông.

- Vâng, đúng rồi. Thứ Hai nên Dực mới đi giầy cao gót và mặc bộ áo váy sang trọng này. Anh Dũng chưa nhìn thấy Dực đi giầy cao gót bao giờ đúng không?

- Thì Dực chỉ đến đây vào chủ nhật, những hôm Dực mặc quần bò và đi giầy thấp, làm sao anh thấy được?

Người đàn ông thủ thư của phòng đọc. Anh ta đang nói về những đôi giầy của Dực. Cao thấp, thấp cao ảnh hưởng gì đến cuộc đời anh ta, ảnh hưởng gì đến những cuốn sách mối mọt mà anh ta đang cất giữ?

- Bao nhiêu người đang nhìn em đấy. Đôi giầy cao gót của em gõ vọng cả sáu tầng nhà Thư viện Quốc gia.

Ô hay, thế mà Dực không biết. Dực đã bay xuống những bậc thang gỗ mà vẫn phát ra được những tiếng động ư? Dực có nghe tiếng gì đâu. Một, hai, ba. Dực đi tiếp. Rùng rợn tiếng quỷ khóc, ai oán giọng ma kêu. Chít chít, chuệch choạc, âm thanh chưa chạm, tiếng của sự rơi vào hư vô. Dực phải bỏ đôi giầy ra thôi. Nơi tĩnh lặng thế này Dực sẽ phá hỏng biết bao ý tưởng đang rồ lên điên dại điều khiển bàn tay lật giở từng trang sách kia. Cúi xuống, những ngón tay thon dài của Dực chạm vào mũi giầy, kéo ra. Không! Dực không kéo nó ra nổi. Từng lọn tóc bỗng dài thêm và đang vùng vẫy dưới miếng da màu đen. Lẫn lộn giày tóc, lẫn lộn niềm đau. Dực cố vùng lên ngẩng cao đầu, đưa chân ra nhưng đầu và chân Dực đều không cử động. Từng sợi, từng lọn bứt ra khỏi đầu Dực toẽ hình hoa huệ tàn phủ lấp mũi giầy. Chân tóc trắng sắp hàng so đũa chổng ngược kinh hoàng nhìn Dực đang hãi hùng. Chân tóc chuyển dần đỏ rượi toé ra từng sợi, từng sợi. Màu máu, hình như là máu. Anh sẽ cưới vợ vào tháng 12 này. Vợ anh là một ca sĩ mà chắc em đã từng nghe tên. Vướng vít tóc Dực bay lượn anh, vợ, ca sĩ, mười hai. Đỏ máu, chữ được nặn từ máu Dực. Dực đọc nó rõ ràng hơn trên màn hình máy tính hồi nãy.

- Chị cho đi nhờ một chút

Tiếng nói màu xanh vang lên ngay sát hông Dực. Có người đang nói, tiếng nói màu xanh, xanh ô liu. Dực đứng dậy, Dực nghĩ mình đang đứng dậy.

- Chị Dực, chị làm sao thế? Mặt mũi chị tái xanh. Sao chị lại ngồi đây?

Sao chị lại ngồi đây ư? Em tên Hưng vẫn thường dắt xe cho chị mỗi tối Chủ nhật lúc tám giờ. Như thời khoá biểu bao giờ khi chị đang loay hoay với chiếâc xe gắn máy có trọng lượng gấp ba lần cơ thể chị lại thấy em xuất hiện. Mọi người nói là em thích chị, chị cũng nói là em thích chị. Ừ nhỉ, sao chị lại ngồi đây vào buổi chiều thứ Hai khi đáng ra chị đang phải có mặt trong cuộc họp quan trọng?

- Chị vừa ở trên phòng Internet xuống. Em cũng lên đấy à?

- Vâng, em lên mạng kiếm tài liệu, em đang làm luận văn tốt nghiệp. Nhưng sao chị không vào mạng ở cơ quan mà phải đến đây?

- Cơ quan chị bị cúp điện.

Dực biết giọng nói của mình mới chuyển sang màu vàng, màu Dực cho rằng giả dối. Cơ quan Dực điện vẫn sáng, những chiếc máy tính màn hình vẫn bật xanh len lét. Và chỉ cách đây 30 phút, Dực vừa online. Dực yêu quý. Anh nghĩ phải nói cho em biết. Anh sẽ cưới vợ vào tháng 12 này. Vợ anh là một ca sĩ mà chắc em đã từng nghe tên. Đừng hỏi anh vì sao lại chia tay em. Cuộc sống vốn thế Dực à.

Dực đã nghi ngờ đôi mắt vốn vẫn thường được mọi người khen là tinh anh của mình. Dực lao vút xuống cổng cơ quan buổi trưa mùa thu. Thời tiết vàng ớn lạnh. Dực chạy đến Thư viện. Dực phải lật giở các trang sách, sở thích của Dực từ 6 tuổi, cứu cánh của Dực những lúc buồn để xem người ta nói gì, người ta biết gì về sự đời. Để người ta giải thích cho Dực vì sao người đàn ông Dực yêu thương hết lòng bỏ Dực không vì một lý do nào. Im ắng. Tiếng nói màu trắng vang lên đáp lời Dực. Và Dực gõ gót giầy nhọn cệch cạc bảy phân ngày thứ Hai sang trọng ở cơ quan lên bậc cầu thang gỗ. Anh sẽ cưới vợ vào tháng 12 này. Những hàng chữ uy quyền màu đen phán đi phán lại. Dực buốt kim châm. Bật rễ từng chân tóc Dực 27. Khánh Dực, Nguyễn Khánh Dực ơi, cô sắp trọc đầu rồi. Tiếng nói màu đỏ rực, màu lên đồng, màu tương lai.

*

- Thầy chưa gặp người đàn bà nào có những sợi tóc tơ mỏng mảnh đến như em.

- Em không phải đàn bà.

- Sao em lại không phải đàn bà?

Dực cắn sợi tóc ngang vai, sợi tóc 16 tuổi.

- Em muốn nói rằng chưa phải, em là con gái.

Ông Giáo sư cười âm ỷ, giọng cười xanh lục sang trọng người đàn ông 50 một đời vợ. Dực đắm đuối, bấn loạn trên dư âm giọng cười và ánh mắt ấy. Tập tài liệu Giáo sư đưa Dực đang cầm trên tay rớt nhẹ. Hỗn mang trời đất. Dực biết, Dực nhìn thấy thầy giáo mình đang trườn tới. Điệu cười màu xanh lục, thân hình rắn tìm mồi. Khô đắng cổ họng Dực để có thể cất lên thành lời.

- Em đẹp lắm, vẻ non tơ của em làm thầy thèm thuồng ngay từ buổi đầu nhìn thấy em trên giảng đường.

Giọng nói có cánh, nó bay vút đến tai Dực. Nhưng sao Thầy lại thèm khát Em? Giọng nói màu đen rồi. Sao Dực vẫn muốn bay lên, Dực không thể bỏ chạy khỏi màu đen. Rườn rượt đỏ mọng lên đôi môi cong trễ của Dực. Ngàn vạn râm ran cấu xé thân thể Dực.

- Thầy yêu em, thầy yêu em cô gái xinh đẹp. Em sẽ thành đàn bà, thầy giúp em ngay bây giờ cô gái bé bỏng.

Đàn bà, đàn bà, sẽ thành đàn bà. Chao đảo căn hộ tầng ba khu chung cư nhà Giáo sư. Bàn tay, không phải, gọi tên bằng đam mê xới từng phân vuông đê mê Dực. Những sợi tóc tơ bị chèn ép xuống nền gạch hoa. Hình như chúng đứt. Dực nghe mơ hồ âm thanh chúng gãy tan tành đứt đoạn. Rừn rựt hổn hển màu da cam nhịp đập Giáo sư. Phựt, âm thanh rực oà đỏ chói. Dực cháy, nó át tiếng phựt những sợi tóc lìa khỏi đầu cô gái vừa trở thành đàn bà. Da cam ực lên trinh tiết, buông thả khát thèm. Nhưng Dực nhìn thấy màu lông chuột, màu xám cỗ quan tài. Dực cố vùng lên. Dực muốn mở nắp quan tài xem bên trong là ai, ai chết thế? Mở được rồi, một lọn tóc tơ của Dực nằm trong ấy, chân tóc nhức nhối máu tươi, màu phía dưới bụng Dực đang chảy. Thân tóc huyền tang lễ.

- Em có đau không? Em sướng lắm phải không? Vẫn cong người lên thế kia chắc là còn thèm phải không em? Chờ thầy đã nhé.

Thầy, em, rướn, Dực đang ở miền nào thế này, ở kiếp nào thế này? Ai đang cấu xé bầu vú Dực thế? Thầy ư, Giáo sư ư? Máu, máu chảy lòm cả nền gạch. Không phải căn phòng giường nệm sa tanh trắng muốt nhìn ra biển. Không có ánh nến hồng lung linh. Không có sâm banh. Không phải chàng trai khoé miệng rộng cười kiên nghị bộ ngực phẳng vuốt ve tóc tơ của Dực.

Một tuần sau đó, khi Dực nhìn thấy Giáo sư của cô xanh lục trườn tới một cô sinh viên năm thứ nhất như Dực ở đúng khoảng gạch Dực đã trở thành đàn bà, da đầu chưa kịp lên tóc của cô rỉ máu. Dực đưa bài thơ viết tặng Giáo sư đang cầm trên tay quệt ngang da đầu, vết đỏ châm toác câu chữ.

*

Bao giờ bác bảo vệ cơ quan cũng nhìn khoảng trống phía dưới cằm Dực và nuốt nước bọt vào 7.30 sáng. Dực ngầm thoả thuận với bác sĩ quan về hưu kinh qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ khẩu hiệu:

- Chào bác nuốt nước bọt. Bác ăn sáng cháu no rồi thì để cháu lên phòng làm việc.

Bao giờ vị sĩ quan già cũng nhướng mắt nhìn theo dong dỏng cao Dực đến khi đôi mông tròn lẳn và mái tóc đen nhánh của cô khuất sau cây liễu già. Văn phòng Bộ gì mà chỉ rặt liễu là liễu, choán hết cả tầm mắt. Lại phải chờ đến 11.30 mới được nuốt nước bọt! Bao giờ cũng như bao giờ, Dực đọc rõ ràng suy nghĩ vị sĩ quan gác cổng. Vuốt lọn tóc ngang bầu vú, Dực ấm lên sự đụng chạm vào chỏm vú sau lần áo. Đuôi tóc hát khúc khẽ khàng mơn man.

Bao giờ Dực cũng là người đến sớm. Sếp Dực bao giờ cũng đến muộn. Căn phòng rộng thênh thang chỉ có hai người. Thảm đen mịn màng, ghế đỏ sẫm to quá cỡ và chiếc bàn dài như lưỡi vị Thứ trưởng mỗi khi bước lại gần Dực.

- Cô bé đáng yêu của tôi. Tối qua em ngủ ngon không? Áo em đẹp quá, áo em trắng quá nhìn không ra, không ra hai ngọn đồi trong sương mù. Em thấy chưa, tôi làm thơ còn hay hơn cái anh chàng bị hủi điên khùng đấy chứ. Khen tôi đi Khánh Dực. Thưởng cho tôi đi Hoàng Cúc, Mộng Cầm kiều diễm của tôi.

Gió lốc tràn tới ầm ầm. Cưa, dùi, đục, cắt bầu vú và hai má mông Dực. Bác gác cổng ăn sáng bằng mắt và ngài Thứ trưởng ăn sáng bằng tay. Và cô thư ký bé nhỏ chôn trong chiếc quan tài màu lông chuột những sợi tóc bật gốc. Dực quá yếu ớt và đơn độc. Mẹ Âu Cơ khi mang thai 100 quả trứng, trinh tiết đã mất tỉnh bơ bảo Dực:

- Đừng lãng mạn bạn yêu mến. Bạn thà rụng hết tóc trên đầu còn hơn thất nghiệp thời buổi này ở Việt Nam. Công chức nhà nước cấp Bộ oai ghê oai gớm, mơ ước của hơn 40 triệu đàn bà con gái đã trưởng thành hay đang cởi truồng tắm mưa đấy Dực ạ.

Ôi, mẹ Âu Cơ, mẹ đã nói thế thì con đành phải vâng lời. Con mang chôn tóc con trong những chiếc quan tài màu lông chuột ở khu vườn hoang đầy hoa dại. Âm sắc Mẹ đỏ rực, xám lạnh uy quyền, con nào dám trái lời.

- Dực ơi, tối nay Dực có bận không?

Âm hưởng nhẹ như tơ trắng trong suốt. Thơm lên trước cửa WC văn phòng Bộ. Nó luồn từ Nữ sang Nam.

- Có việc gì không Thức?

- Nếu Dực không bận, Thức muốn mời Dực đi nghe nhạc Trịnh tối nay.

Giọng nói chuyển sang loe loét, nhờ nhợ cháo lòng. Mời nghe nhạc Trịnh trước cửa nhà vệ sinh buổi trưa sau khi nốc đầy bia hơi vỉa hè. Nhờ nhợ ói lên da đầu Dực

- Xin lỗi nhưng Dực bận rồi. Thức rủ người khác đi đi.

Thức ơi, cậu quá trẻ, Dực không chơi với non tơ như Thức. Màu trắng nhờ nhợ ào xuống thân tóc Dực. Trắng từng đoạn. Dực già rồi, già 27 tuổi. Nó rụng vào 24 hau háu, non tơ của Thức.

- Cô thư ký của tôi ơi, chuẩn bị đi, thứ Năm này lên đường vào Huế một tuần. Có thể sẽ qua Đà Nẵng trước khi về. Nhớ mang theo bikini vì chúng ta sẽ tắm biển em ạ, mà phải là bikini đấy nhé.

Âm thanh của chú dê chuẩn bị lên đồi mùa xuân. Dực rùng mình ớn lạnh. Ngây ngấy trong xương tuỷ, trong linh cảm vốn dĩ quá nhạy của mình. Dực phải ra phố, Dực phải đi sắm nhiều chiếc mũ. Tóc Dực sắp rụng hết rồi. Dực phải đi mua thật nhiều quan tài. Huế kinh thành chỉ có quan tài màu vàng, không có màu lông chuột. Dực phải giữ mỗi sợi mang về khu vườn hoang hoa dại rực lên màu trưa một ngày sắp chuyển sang đông.

Nhơm nhớp, hôi hám, màu vàng vọt chuồng tiêu nông thôn. Ngài Thứ trưởng có bộ răng vàng nhởn vũ phu thích nắm tóc Dực kéo ghì xuống. Lạ thay, bàn tay chuối mắn của ông ta không làm hư được sợi nào của Dực. Hực lên khát thèm, hực xuống nhầy nhụa, tích tắc mông muội. Dực chẳng cảm thấy bão giông, chẳng thấy xói mòn đất đai hạt mầm. Chỉ những cơn buồn nôn ói thốc hôi thối. Móc họng chảy máu, chỉ có đôi mắt cô gái 27 đang nhìn Dực chăm chăm trong gương với vài ba sợi tóc thưa thớt trắng nhầy nhầy. Sợi, sợi bay xuống chân cô, xuống sàn nhà tắm.

*

- Sao em suốt ngày cứ đội mũ thế? Bỏ mũ ra em sẽ xinh hơn đấy em yêu ạ.

Âm sắc hồng tươi. Người đàn ông yêu Dực nồng nàn.

- Nhưng tóc em xấu, em đội mũ để che đi.

- Tóc em hơi mỏng nhưng đen óng và rất đẹp. Sao em lại không để mọi người thưởng thức?

Dực đưa những ngón tay thon ve vuốt đôi mắt anh kinh hãi. Dực đã rụng gần hết tóc, anh ấy lại nói tóc Dực đẹp? Hôm qua Mẹ Âu Cơ bảo Dực là không khéo Dực bị ung thư. Ung thư, máu trắng nên mới rụng hết tóc. Dực cần phải đi bác sĩ.

Anh từ từ gỡ bỏ chiếc mũ trên đầu Dực. Anh hôn mắt, môi, từng phân vuông thân thể Dực. Lạ thay, tóc Dực mọc trở lại trong nỗi đê mê, Dực nhìn thấy.

- Anh rất yêu em Dực ạ. Cuối năm nay, tháng 12 chúng mình sẽ làm đám cưới, em sẽ là vợ anh Dực nhé?

Ôi, tiếng anh mầu hồng, tiếng anh mầu thiên thanh, tiếng anh mầu hạnh phúc. Tóc Dực dày quá, tóc Dực đen quá, tràn trề thanh xuân như ngực như mông Dực. Tràn trề ánh sáng cứu rỗi, lảnh lót tiếng hát ngợi ca tình yêu vĩnh cửu. Tiếng hát cô ca sĩ Dực đã từng nghe một lần anh sẽ cưới vào tháng 12.

*

Qua tháng 12. Năm nay trời rét buốt, có cả tuyết rơi. 5 giờ chiều Dực lại cho bác sĩ quan già nuốt nước bọt. Thứ Sáu, đều đều thời gian tí tách. Dực đi về vườn hoang. Dực đội mũ len thật dầy. Gió kim châm, máu chảy ra từ những chân tóc lỗ chỗ. Đêm qua Mẹ Âu Cơ có vẻ buồn rầu. Chẳêng hiểu có phải ai đó lại làm Mẹ mang thai.

- Bạn đã chôn những sợi tóc ở đâu thì đến lấy về và cấy lại vào da đầu. Bây giờ Thẩm mỹ viện người ta làm được bạn thân mến ạ. Tóc bạn sẽ hồi sinh, bạn làm ngay đi nhé.

Nhập nhoạng khu vườn chiều nay hắt tím những khóm hoa dại. Dực đã chôn ở đây 14 chiếc quan tài, ngàn sợi tóc của Dực. Mẹ Âu Cơ nói phải nhớ thứ tự cái nào chôn trước thì lấy về trước. Làm sao Dực có thể nhớ nổi. Dực cũng không nhớ được vị trí 14 chiếc quan tài. Phải làm thế nào đây? Có âm thanh nào ở đâu đó, rất gần. Dực rẽ lối đi vào khu vườn. Hoa dại nằm rạp xuống. Chẳng có ngọn gió nào thổi tới, hình như trời sắp mưa. Tiếng nói, tiếng nói đâu đó vọng, vọng, thấu, thấu linh hồn Dực. Dực phải tìm ra vị trí 14 ngôi mộ, linh hồn Dực bảo thế. Có cái gì đó đâm vào chân Dực như mũi kim châm, như tiếng phựt trong nhà ông Giáo sư, như nhờ nhợ cánh tay đụng chạm của Thức, như kinh tởm cái nhìn ông anh họ vào vú Dực. Những cánh hoa lạ, một bông hoa lạ. Trắng pha đen pha vàng pha lông chuột pha diệp lục mỗi cánh mỗi mầu. Dực kinh ngạc đưa tay ôm ngực định bỏ chạy. Gió, gió ùa tới. Hoa tím khắp khu vườn hoang rạp mình hôn đất. Trước mắt Dực là 14 bông hoa lạ muôn mầu bật lên nỗi độc ác.

Có ai đó, có âm thanh nào đó sau lưng. Dực không dám quay lại. Gió hất tung chiếc mũ len của Dực. Lạnh luồng tử khí. Cùng lúc với một cái phát mạnh vào mông là một bàn tay bóp mạnh vú Dực. Run rẩy, quờ quạng, lốc xoáy. Bàn tay bóp bung sữa trắng xoá. Sữa của Dực, của đam mê, của uẩn ức. Vang lên điệu cười khanh khách sau gáy Dực. Dực quay lại. Người đàn bà rách rưới quanh năm mưa nắng bão bùng vẫn đội chiếc mũ màu đen và ngồi trước cửa khu vường hoang này. Bà ta bóp mạnh vú Dực, sữa không ngừng tuôn ra. Dực bấn loạn, bấn loạn 16 tuổi trong nhà ông Giáo sư. Phía dưới bụng Dực đang chảy. Sữa đang chảy khắp người Dực. Tràn khắp mênh mông, ngập sàn gạch hoa nhà ông Giáo sư, nghẹn họng cong lưỡi ngài Thứ trưởng. Cuồng phong ầm ầm. Trong ánh chớp, Dực nhìn thấy mái đầu trọc của người đàn bà chỉ trơ lại duy nhất cọng tóc muôn mầu khi chiếc mũ len rơi xuống.

Đỗ Hoàng Diệu

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 7731)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 13082)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
10 Tháng Mười 20244:15 SA(Xem: 540)
Tôi trở về Half Moon Bay / Đếm từng con sóng biển / Đếm từng nỗi ưu phiền / Lòng buồn như sương mù / Từ độ ánh trăng tan...
05 Tháng Mười 20244:58 CH(Xem: 1259)
NCT sinh năm 1948 tại Vũng Tàu, cha mẹ là người Hà Nội. Từ đầu những năm 1950er NCT lớn lên ở thành phố Sài Gòn, học tiểu học ở trường Bàn Cờ, trung học ở trường Chu Văn An. Năm 1967 ông từ chối những học bổng của những quốc gia khác, chọn học bổng quốc gia (VNCH) để sang CHLB Đức du học. Tại Viện Đại Học Stuttgart NCT học Triết học và Toán Học & Cơ Học Áp Dụng. Vào thời điểm đó những triết gia Đức có tiếng như Martin Heidegger, Karl Jaspers, hay Ernst Bloch đã hưu trí, ông đã làm luận án tiến sĩ ở Viện Cơ Học & Toán Học Áp Dụng. Ông là sinh viên trẻ nhất xưa nay có bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư (Doktor-Ingenieur), vào năm 1977.
02 Tháng Mười 20246:16 CH(Xem: 857)
Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng…
02 Tháng Mười 20245:30 CH(Xem: 1012)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. (- Bạt Xứ)
02 Tháng Mười 20245:12 CH(Xem: 608)
Cách nay hơn chục năm, tôi đã viết: Luân Hoán, người kể chuyện bằng thơ. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã nhận ra, bài viết chưa thực sự mở ra được hồn cốt, kiến thức và khối lượng sáng tác đồ sộ của ông. Vì vậy, hôm rồi, nhận được tập bản thảo: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal, do Luân Hoán gửi tặng, dù đang rất bận, tôi cũng dành thời gian đọc ngay. Một cảm xúc khác, Luân Hoán đã để lại trong tôi, khi đọc xong tập thơ dày đến 300 trang này. Thật vậy, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal như một cuốn hồi ký về tình yêu, cuộc sống chìm vào nỗi nhớ quê nhà được Luân Hoán viết bằng thơ: “càng già càng bớt nhớ nhà?/ quẩn quanh nhớ mỗi cái ta thật nhiều/ nhớ từ thời bé hạt tiêu/ phơi nắng giang gió thả diều, đi rông“ (Trí nhớ về chiều)
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 855)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 1043)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
02 Tháng Mười 20244:38 CH(Xem: 1245)
Như tuổi trẻ của chúng ta, hôm nay / Thứ hoàng hôn oằn mình rực rỡ / Đang chìm dần / Khuất vào nơi biển lạnh. / Bình minh rồi sẽ mọc / Nhưng không thuộc về chúng ta.