- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MƯA RƠI

12 Tháng Tư 20189:03 CH(Xem: 24852)





co-tuong-bw
Cờ tướng - ảnh Internet



Bạn có biết thế nào là chơi cờ tướng không? Chắc chắn khi tôi hỏi câu này, nhiều người sẽ bảo: chơi cờ tướng dễ ợt, hoặc chuyện chơi cờ tướng thì có gì là lạ đâu, chỉ hỏi qua một lúc là biết. Nào con mã con pháo con xe con tốt, ai mà không biết mấy con ấy chứ. Nhưng tôi vẫn sẽ bảo với bạn là bạn chưa biết một tí gì về chuyện này, chưa biết thế nào là cái cụm từ chơi cờ tướng của tôi. Trong cái thế giới mà chúng ta đang tồn tại, nhiều cái cứ trôi qua trước mắt, ngay cả khi nó nằm trong tầm tay chúng ta, chúng ta vẫn cứ không biết gì về nó.

Tôi chẳng biết gì về cờ tướng, không phải tôi dốt đường chơi, nhưng tôi vẫn cứ không biết gì về cái bộ cờ lẫn cách đi quân cờ. Hàng ngày tôi vẫn cất bộ cờ màu đỏ và bộ cờ màu trắng vào hai cái hốc tủ để sách, cái tủ này được đóng bằng gỗ dán rất mỏng, chừa một ngăn cho hai bộ cờ. Bộ màu trắng bị mất một con tốt. Còn bộ màu đỏ hôm mua nó chính tôi mở ví trả tiền. Có lúc tôi cũng định học chơi cờ một cách nghiêm túc, nhưng có một người đàn bà trẻ lắc đầu, bảo: đừng. Tôi phì cười bảo cô ta: nếu trong nhà tôi có hai người ngồi chơi cờ thâu đêm suốt sáng thì chị nghĩ sao? Cũng khá ấn tượng đấy chứ? Cô ta im lặng.

Lúc đó mưa đang rơi.

Chồng tôi và chồng cô ta ngồi trên vỉa hè đánh cờ.

Con phố nhỏ người qua người lại hôm đó không đông như mọi ngày. Vì mưa đang rơi và gió đầu năm còn khá lạnh. Họ ngồi từ trưa, lúc mặt trời bắt đầu đứng ở trục giữa. Ăn cơm trưa xong là chồng tôi bắt đầu đi bộ ra cái vỉa hè phía bắc quán nhà. Khi ấy chồng cô ta, một ông người Tàu nói tiếng Việt ngòng ngọng, đang đánh ván thứ bao nhiêu với một tay khùng khùng của khu phố. Tay khùng khùng cãi ông ăn gian thì có. Chồng cô ta hất bàn cờ, phá tan thế cờ sắp thua đậm. Chồng tôi can ngăn và ngồi xuống tỉ thí với người đàn ông Tàu. Lúc đó nắng mùa xuân đang bừng sáng cả khu phố, nắng bắt đầu đứng chính giữa cái cây cơm nguội đang xòe những nụ xanh che khuất cành trên cành dưới khẳng khiu thì chồng tôi ngồi xuống. Khí lạnh chạy luồn qua những bờ tường rồi ẩn sâu dưới những cái cống thối đầy bọ gậy. Nắng làm tôi vui hẳn lên vì quán cà phê bắt đầu đông khách. Chồng tôi ăn xong thì bảo, ra đây một tí. Tôi chưng hửng vì lúc nào cũng nghĩ anh là một tay chủ quán không tồi. Lẽ ra anh đã có thể đứng bên cái lin-ga úp ngược đặt sát quầy bar, tay chắp sau lưng quan sát khách đang kéo lên gác, rồi đoán định được ý muốn của khách, gọi nhân viên phục vụ, đưa mắt kiểm soát việc pha chế. Lẽ ra… Nhưng anh bảo, mình lo quán nhé, ra đây tí.

Một tí của anh kéo dài từ trưa hôm đó, thứ ba ngày mười sáu tháng ba cho đến hai hôm sau, trưa thứ năm ngày mười tám tháng ba.

Hôm đó chồng tôi mặc rất đẹp. Anh mặc bộ com-lê kiểu mới màu ghi đen, xỏ đôi giày da màu đen hàng hiệu tôi mua ở Seoul về năm ngoái. Mái tóc anh mềm mại hất lên trán. Nom như một chàng thư sinh chưa vướng bận gia đình. Chồng cô ta như tay lái lợn, cái áo sơ-mi nhàu nát màu cháo lòng, tóc tai bờm xờm như kiểu ngủ dậy chưa chải, mắt long sòng sọc, còn mũi thì khịt khịt. Tôi vẫn gọi gã là con chim lợn. Nhìn hai người hai bên bàn cờ thật không tương xứng. Họ cùng ngồi xổm, sau thì ngồi lên cái cục gạch nhặt bên chân tường. Xong lại nhấp nhổm đứng duỗi chân lên cho đỡ mỏi, lưng cong vít xuống cắm mặt vào bàn cờ, nghĩa là cái mông thì chổng cả ra hè phố. Tôi lấy xe máy, lượn qua lượn lại ngắm chồng đánh cờ, tôi chẳng hiểu mà cũng không thể đến gần cái đám đông đang xúm xít xung quanh đám cờ toàn đàn ông con trai, trẻ già trông đều bô nhếch kia. Tôi liếc vào, chẳng biết tốt xe pháo mã thế nào, chỉ thấy chồng mặc com-lê xa lạ hẳn với cả đám đông, nhưng cái mông lại cứ nhấp nhổm chìa ra hè phố.

Đến chiều xẩm, quán vắng lặng hẳn. Ai nấy đều đến giờ về nhà ăn cơm. Tôi lấy di động nhắn tin: mình về ăn cơm. Máy rung lên câu trả lời: OK.

Tôi nhìn ra trước cửa quán, vợ của con chim lợn đang đứng cạnh cái xe Át-ti-la màu trắng sữa, tóc quăn bay bay trong làn mưa bắt đầu phả xuống. Cô ta đang nhắn tin. Tôi nghĩ cái tin ấy cũng như cái tin của tôi, hoặc thiết tha hơn: anh về ăn cơm với em.

Chúng tôi cùng đợi. Từng thời khắc bay qua mái nhà, xuyên qua làn mưa bụi. Kim đồng hồ cứ chuyển dịch dần. Đôi lúc tôi bắt gặp cô ta đang ngước lên quán nhìn tôi đang ngồi đợi chồng bên cửa sổ; hoặc là chính cô ta đã bắt gặp tôi đang liếc nhìn cô ta đang đứng chờ chồng dưới đường. Chúng tôi cho đến lúc đó chưa hề quen nhau.

Hai ba cái tin nhắn nữa được chuyển đi. Chỉ thêm một cái OK được nhận về, rồi im lặng. Tôi gọi. Chồng tôi gắt vào máy: ăn trước đi. Tôi cố vớt vát: mình sắp xong chưa? Giọng chồng tôi dịu xuống: sắp.

Tôi đi ra vỉa hè, nơi có bộ bàn cờ và hai người đang ngồi chơi cờ. Màn đêm đã buông xuống cùng những làn mưa rơi xuống mỗi lúc mỗi dày. Trên vỉa hè đèn đường đỏ quạch. Những tán lá bằng lăng không đủ làm tán dù che. Hai người đàn ông ngồi dưới màn mưa mải miết. Lưng áo com-lê đã ngấm mưa. Đôi giày da loáng nước. Tôi ngồi xuống bên cạnh anh. Khi đó con chim lợn húng hắng ho. Xung quanh  hai người đàn ông là những đống đầu mẩu thuốc lá. Tôi gạt chúng sang hai bên, lót dép ngồi xuống vỉa hè ướt nhẹp, cạnh chồng.

Bạn tôi bảo: chồng mày mê cờ thế, đỡ mê thứ khác. Một chị cùng cơ quan bảo tôi, cứ kệ nó, còn hơn đi chơi ở đâu, chơi cờ còn là môn chơi trí tuệ. Tôi cũng bảo vợ con chim lợn thế. Nhưng cô ta cười khẩy: ngu xuẩn, là tôi nói tôi, không bảo chị thế. Tôi hỏi: sao lại cho mình ngu xuẩn? Cô ta bảo: thì ban đầu tôi cũng nghĩ như họ, nên còn khuyến khích cho chơi. Tôi bảo: tôi còn bỏ tiền mua cho chồng bàn cờ. Nhưng lúc đó tình thế là tôi phải bỏ tiền chứ tôi không phải chiều chồng. Cô ta bảo: dù chị có cho anh ấy chơi hay không thì anh ấy cũng cứ chơi thôi, không ngăn được đâu.

Chồng tôi kể, khi còn nhỏ, mới mười hai mười ba, lẽ ra theo đám bạn cùng lứa chơi trận giả hay đi hái trộm hoa quả trong vườn nhà hàng xóm, thì anh đã ngồi chơi cờ với các cụ trong đội cờ của làng. Chồng tôi mê nghề luật sư. Nhưng nhà nghèo quá, đành xung phong đi lính, mong vào lính rồi thì được đi học trường sĩ quan. Lúc lên đơn vị, trong ba lô của anh căng phồng toàn sách học tiếng Anh. Nhưng rồi anh cũng chẳng được cấp trên cho đi học. Hết chiến tranh rồi, ở đâu cũng có tiêu cực phí. Anh ngồi chơi cờ giết thời gian với chỉ huy.

Ra quân, anh về thi đại học. Nỗi nhớ cờ ngấm vào gan ruột.

 

Vợ tay Tàu chống xe máy sát vệ đường, cũng ngồi xuống cạnh chồng cô ta, như tôi. Chúng tôi ngồi im lặng như thế qua đêm, cho đến khi những con chuột cống lấp loáng nước bò ra kiếm mồi vào tang tảng sáng, khi những gánh hàng sớm trở dậy ngang qua.

Lúc đó, những giọt nước mưa cũng đã len lỏi vào tim tôi lạnh cóng. Tóc tôi bết nước mưa, nước mưa chảy xuống áo tôi thành dòng.

Tôi bảo chồng tôi: nếu người ngồi bên cạnh mình sau này là một người khác người ta, chắc mình cũng không để ý.

Tôi lại bảo: nếu ngồi ăn cơm cùng mình là người khác người ta, chắc mình cũng không để ý.

Im lặng một lát, tôi lại bảo: nếu người ấy có giận mình như người ta từng giận mình, mình cũng đừng chấp nhé, đàn bà ai cũng muốn được chồng để ý.

Tôi lại kiên nhẫn bảo: nếu người ấy bảo mình hãy ngẩng lên nhìn ra thế giới loài người, để biết từng thời khắc trôi qua, để biết nắng, mưa, gió, bão, để biết cái nhà hàng xóm đang tìm cách cấu dần hết vồng cây nhà mình, để biết ngày ấy giờ ấy cần phải đi từ giã một người tốt mới vừa qua đời… để biết như tất cả mọi người không biết chơi cờ tướng, thì mình hãy lắng nghe nhé.

Tôi nói câu đó là lúc đến ván cờ thứ bao nhiêu rồi, đã qua hai ngày hai đêm chồng tôi không về nhà, không ăn, không ngủ. Chúng tôi cùng ngồi bên nhau bên cạnh bàn cờ. Cả tôi và người phụ nữ tóc xoăn. Chân mỏi dừ, lưng tê dại. Bụng không còn cảm giác muốn ăn. Mà cho đến lúc ấy tôi vẫn không hiểu một tí gì về cách chơi cờ tướng. Chẳng hiểu họ vì sao lại có thể say mê và kiên nhẫn một cách đáng sợ như vậy.

Tôi bống thấy anh hét lên: vớ vẩn!

Bàn cờ màu đỏ ướt nhẹp trong khoảnh khắc bị hất tung. Quân cờ vung vãi. Gã người Tàu gào lên câu gì đó bằng thứ tiếng của gã. Mặt hai người đàn ông lúc đó không có tí máu nào.

Tôi và cô ta nhìn nhau căm ghét.

Tôi hét lên: đồ chim lợn thối tha!

Cô ta cũng không chịu kém: đồ thiu, đồ giả nhân giả trí.

Tôi nghe bên tai tiếng chồng: cô cút ngay. Cứ bám theo tôi ra đây làm gì.

 

Khi ấy mưa vẫn không ngừng rơi. Mưa rơi đã hai ngày hai đêm rồi mà bầu trời trên cao vẫn còn nặng trĩu.

VÕ THỊ XUÂN HÀ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Năm 201511:28 CH(Xem: 31675)
Trăng đang vỡ trên ngọn đồi ký ức Bóng tim tôi vướng nhánh giao mùa Tiếng hát ai vỡ tràn đêm đắng Tôi vỡ vô vàn trong ánh trăng xanh
14 Tháng Năm 201510:01 CH(Xem: 30750)
Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Nguyễn Việt Thanh với lối viết nhẹ nhàng và sâu lắng sẽ đưa chúng ta trở về nông thôn Việt Nam bằng những “Ao làng”, “Nắm lá ngày Đoan ngọ”, và lối đánh bắt cá độc đáo của rất ít người và bây giờ cũng không còn ai sử dụng nữa đó là “Bơi dể”. Chúng tôi trân trọng gởi đến quí văn hữu và độc giả những tản văn của Nguyễn Việt Thanh.
14 Tháng Năm 20159:40 CH(Xem: 34729)
Chúng tôi lên Thăng Long Tết Ất Mùi, mặt hồ Dâm Đàm mỏng như ý nghĩ khoa cử trong đầu Kiệt. Kinh sư đầu triều Lý mang sắc đẹp bán khai dữ dội của những cánh rừng bàng chưa phát quang. Kiệt hay đứng ở bờ nước, mắt dõi theo những cuống sen già trôi quả quyết về hướng Cấm Đình. - Nay mai đỗ đầu tiến sĩ thì ngồi nhà mát ăn bát vàng.
14 Tháng Năm 20159:34 CH(Xem: 30873)
Trong số mười người chúng tôi bị bắt bởi chiến dịch khủng bố mùa thu tháng 9 năm 2008 thì Ông Nguyễn Kim Nhàn là người duy nhất hiện vẫn đang còn bị tù đày. Tôi thường gọi những người dân oan như ông, như chị Trần Ngọc Anh, chị Phạm Thị Lộc, vợ chồng chị Cấn Thị Thêu... là “dân oan hóa dân chủ” vì họ đã không chỉ dừng lại ở việc đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân và gia đình mình, mà đã tham gia vào các công việc, các phong trào đấu tranh vì Nhân quyền, Tự do và Dân chủ.
14 Tháng Năm 20155:55 CH(Xem: 33712)
Là những người viết văn đã nhiều năm tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN), đã góp sức xây dựng Hội qua thời chiến cũng như thời bình, đã đau xót trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Hội trong những năm gần đây và tích cực góp ý với Hội để khắc phục tình trạng ấy; đến hôm nay, nhận thấy tình trạng suy thoái của Hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi nhiều điều căn bản trong điều lệ và tổ chức của Hội để Hội thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản;
14 Tháng Năm 20155:36 CH(Xem: 33906)
Ngày 05.05.2015 nhà văn Võ Thị Hảo đã tuyên bố từ bỏ hội Nhà văn Việt Nam, cùng ngày tổ chức này gạch tên 9 nhà văn khác đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh trong phiên họp bầu đại biểu đi dự đại hội toàn quốc. Dân Luận (DL) đã trao đổi với nhà văn Võ Thị Hảo (VTH) về vấn đề mà chị coi là một vụ Nhân Văn Giai Phẩm mới...
14 Tháng Năm 20153:44 CH(Xem: 36684)
Trong phiên bỏ phiếu bầu đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc diễn ra ở TP. HCM ngày 5/5, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) đề nghị những người tham dự gạch tên chín người sinh sống ở TP. HCM và tham gia Văn đoàn độc lập. Những tưởng hành động này là "đòn giáng mạnh" vào các hội viên của Văn đoàn độc lập, tuy nhiên nó đã gây một hiệu ứng ngược khi hàng loạt những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khác Tuyên bố từ bỏ Hội nhà văn VN (DL)
13 Tháng Năm 20155:54 CH(Xem: 30706)
Với Nguyên Ngọc và Văn đoàn Độc lập, vấn đề còn nguyên. Làm gì với tự do đã giành lại sau khai trừ rồi ly khai? Làm gì với mục đích độc lập tách rời ra khỏi Hội? Ra khơi, lên đường, hay lo ngại “phạm pháp” sẽ khiến nhòa nhòa trong vận hành của hệ thống? Tháng 5-1954, hai chữ “Độc lập” thét vang trong lồng ngực của năm mươi ngàn binh sĩ chiến thắng trận Điên Biên, để cuối cùng là một nền độc lập hà khắc trong toàn trị. Tháng 5-2015, “vì một nền văn học Việt Nam tự do, nhân bản” in đậm trên trang web của Văn đoàn Độc lập. Công chúng trông chờ câu trả lời.
13 Tháng Năm 20154:31 SA(Xem: 30954)
Qua tháng tư rồi Anh có trở về ngày bình thường Như đi bác sĩ, làm tình và các thứ Mình lại hẹn nhau mùa điên năm sau
13 Tháng Năm 20154:22 SA(Xem: 30489)
LTS:Cận cái chết, nhìn cái chết ... một tâm trạng đau buồn, ray rứt. Những ra đi vĩnh viễn, mất mát và bấu víu vào mất mát. Nuối tiếc. Trịnh Duy Kỳ đến với Hợp Lưu lần đầu với 28,5 với những cái trên. Xin giới thiệu đến độc giả.