- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THƯƠNG NHỚ MỘT TỜ

04 Tháng Tư 20163:23 CH(Xem: 28797)

BinhThuan 2- NHNam
Ảnh Nguyễn Hoàng Nam

 

Tôi nằm nghiêng vào cửa buồng lắng nghe tiếng ngáy của ba tôi. Ổng có tật lớn, hễ nằm xuống giường chừng mười phút là cất tiếng ngáy như sấm dậy. Mẹ tôi rất khổ sở vì tật đó của chồng vào những năm đầu chung sống với nhau, nhưng nghe mãi rồi bà cũng quen. Đêm nào không nghe ba tôi ngáy là bà lo ngại chồng mình có chuyện buồn phiền hay đau ốm khó ngủ ngon giấc.Mỗi lần nghe mẹ tôi căn nhằn: “Ngủ cái gì mà ngáy như sấm, nằm gần ông chẳng ai ngủ nghê gì được”. là ba tôi chống chế: “ Người ngủ hay ngáy là người vô tâm không để ý đến chuyện vặt vãnh, không để tâm hãm hại ai. Ngủ mà ngáy là ngủ ngon, có đầy đủ sức khỏe…”.
Nhờ tiếng ngáy ấy mà mỗi lần tôi muốn làm gì lén lút trong đêm, tôi chỉ nằm im giả ngủ đợi khi ba tôi “kéo gỗ” là tôi ra tay ngay.
Từ ngày theo gia đình về Cần Giộc chạy giặc Đồng Minh đánh Nhựt, tôi biết rồi quen và kết thân với cậu Một Tờ, một người bà con xa của mẹ tôi. Tôi thích cậu, mê cậu như mê nhân tình bởi vì cậu Tờ rất nuông chiều tôi, sẵn sang thỏa mãn mọi đòi hỏi, sở thích của tôi. Dù khó khăn cách mấy, cậu cũng cố làm cho tôi vui lòng. Tôi thì theo dính cậu, còn ba mẹ tôi thì cấm cản tôi không cho tôi lết theo cậu bởi vì cậu ở dơ không ai bằng. Một năm, cậu tắm bốn lần và gia tài cậu chỉ có hai bộ đồ thay đổi. Í tai dám đứng gần cậu vì từ người cậu bốc ra một mùi thật khó ngửi, nhứt là hai mảng ghẻ nhầy nhụa trên hai ống quyển của cậu, xông lên như mùi thúi của bệnh cùi. Thoạt đầu tôi muốn mửa mỗi khi xáp tới gần cậu, nhưng lâu dần tôi quen với mùi đặc biệt ấy.
Mới đêm hôm qua, ba tôi vừa cảnh cáo tôi:
-         Ba cấm con từ rày về sau không được ngủ chung với thằng Tờ nữa. Người nó vừa dơ vừa hôi thúi như chồn mà sao con có thể nằm cạnh nó ngủ được chớ? Nó mà lây ghẻ hờm của nó cho con thì chỉ có nước trời cứu con mà thôi. Nó mắc bệnh phong tình đó, con biết không?
Tôi dạ dạ vâng vâng, hứa hẹn đủ thứ để khỏi ăn đòn. Tối lại, tôi thấy bồn chồn muốn ra hàng ba chui vô nốp của cậu.
Đợi tiếng ngáy ngủ của ba tôi trổi lên thật đều, tôi lồm cồm ngồi dậy, nhẹ nhàng tuột xuống khỏi bộ ván gõ lẻn ra tìm chỗ cậu Tờ ngủ. Con Mực chạy tới gừ gừ. Tôi đưa tay lên môi nói nhỏ:
-         Tao đây mầy, đừng có sủa. Hư bột hư đường hết nghen mậy.
Nó đến bên tôi vẫy đuôi mừng. Vành trăng lưỡi liềm chiếu ánh áng yếu ớt xuống vườn quít, cam và xoài trước sân nhà. Tôi bước nhẹ tới bên chiếc nốp khẽ gọi cậu Một Tờ. Bóng cậu ngồi ở đầu hàng ba. Cậu búng tay gọi tôi. Cậu hỏi:
-         Anh chị Bảy ngủ chưa sao mà mầy dám ra ngoài nầy vậy?
Tôi đáp:
-         Bộ cậu không nghe tiếng ngáy của ông già đó sao?
Cậu ừ một tiếng nhỏ rồi kéo tôi ngồi xuống bên cậu:
-         Tao đã chuẩn bị sẵn sàng từ nãy giờ. Đợi mầy ra là tụi mình xáp trận.
Tôi nghe mùi xoài tượng và mùi nước mắm đường dầm ớt xông lên mũi. Dịch vị tôi hoạt động ngay, nước miếng tươm ra trong họng. Tôi nuốt nước miếng đánh ực nghe rõ mồn một trong đêm thanh vắng. Cậu Tờ và tôi đã ăn nhiều lần món xoài tượng chấm nước mắm đường dầm ớt cay xé họng rồi mà lần nào nghe mùi xoài, mùi nước mắm đường dâng lên mũi là tôi bắt chảy nước miếng ào ào không sao cầm giữ nổi.
Xuyên qua ánh trăng mờ nhạt, tôi thấy cậu Tờ cắt từng miếng xoài xếp hàng lên dĩa bàn. Cậu một miếng, tôi một miếng. Tiếng xoài tượng vỡ giữa hai hàm răng nghe thật dòn. Vị chua chua cộng với vị mặn mặn, ngọt ngọt, cay cay làm tôi ngay ngất. Vừa nhai vừa hít hà, tôi nghe khẩu vị mình trào dâng một cảm giác đê mê lạ lùng. Thoáng một cái hai cậu cháu đã nuốt gần hết trái xoài tượng lớn bằng cổ chân. Cậu Tờ nhường cái hột cho tôi. Chấm hột xoài vào nước mắm đường đặc kẹo, tôi cạp sạch đến tận vỏ cứng của nó. Cậu Tờ bảo tôi đưa hột xoài cho cậu rồi cậu túm hết vỏ xoài đi thẳng ra ngoài vườn. Một đỗi sau, cậu trở vô căn dặn tôi:
-         Không được khoe với ai hết nghe chưa. Tao hái trộm xoài của anh chị Bảy đãi mầy, ổng bà biết là chết cả mầy lẫn tao.
Tôi trấn an cậu:
-         Bộ cậu nói tui ngu lắm sao. Vả lại cậu sợ gì chớ? Cả ngàn trái xoài đầy ngật trên cây, mất một trái làm sao ba má tui biết được?
Cậu Tờ giải thích là cậu leo cao không được, cậu hái xoài dưới thấp. Xoài dưới thấp mất trộm dễ bị ba má tôi phát giác vì ba tôi rất tinh ý. Sáng nào ba tôi cũng đi vòng quanh vườn kiểm soát xem đêm qua xoài có bị hái trộm không. Xoài đã tới mùa hái rồi, ba mẹ tôi đã bán mão cho người ta. Mất xoài không tiếc chỉ sợ mất uy tín với bạn hàng.
Những lần cậu Tờ và tôi ăn xoài, ba mẹ tôi cũng biết xoài bị mất trộm nhưng ông bà chưa nghi người trong nhà hái trộm mà chỉ cho là hàng xóm tham lam. Lần nào cũng vậy, sau khi ăn xong là cậu Tờ đem chôn vỏ, hột xoài, ra ao rửa thật sạch chén đựng nước mắm đường.
Hết thèm xoài, cậu Tờ rủ tôi ra ruộng bắt cá nhảy hầm. Cậu đào một cái hầm rộng bằng cái mâm bên bờ đá, sâu độ nửa thước, trét bùn thật láng chung quanh. Cậu và tôi ngồi cách hầm xa xa chờ nghe tiếng cá nhảy từ thửa ruộng bên này qua thửa ruộng bên kia lọt xuống hầm. Tai cậu rất thính, vừa nghe tiếng động là cậu chạy nhanh tới rọi đèn bấm xem. Gặp cá kèo cửng, cậu bắt thả vào ruộng. Gặp cá lóc lớn bằng cườm tay, cậu đập đầu trét bùn kín từ đầu đến đuôi cá, xuyên một que cây vào miệng cá rồi chất rơm đốt lửa lên thui. Qua ánh lửa bập bùng, nét mặt cậu nghiêm nghị, khi thì cau lại, lúc thì giãn ra theo từng nhịp trở mình cá trên ngọn lửa hừng hực. Lớp bùn đen đổi màu dần dần trở nên đỏ ửng. Cá vừa chín thì đống lửa rơm cũng vừa tàn.
Cậu cắm đứng con cá bọc kín trong lớp bùn xuống nền đất ướt trên bờ đắp rồi trải lá chuối khô bắt đầu dọn tiệc. Gia vị chỉ có một ít rau dấp cá, một gói muối tiêu, vài ba trái ớt xanh. Cậu bảo tôi ngồi xép bằng trên mặt đất đợi cậu đãi ăn món cá nướng đất, món sở trường của cậu. Qua ánh đèn bấm, cậu bóc lớp bùn trên mình cá. Vảy cá theo lớp bùn non bị bóc đi, phô lớp thịt trắng tinh bốc khói bay nhè nhẹ. Mùi thơm đặc biệt tỏa ngát quanh chúng tôi. Dịch vị tôi lài làm việc nhanh chóng. Nước miếng ứa ra đầy miệng. Cá ngọt làm sao. Cậu nhường nạc cho tôi, còn cậu mút xương và lãnh cái đầu cá. Trong đêm thanh vắng, tôi nghe rõ tiếng cậu nhai đầu cá dòn rụm.
Những đêm có nước ròng, cậu rủ tôi đi bẫy cá nhảy hầm và nướng ăn tại chỗ. Ngán cá, cậu tổ chức đi bắt con nha, một loại cua nho nhỏ như con còng. Có đêm cậu bắt được hàng nửa thùng thiếc con nha. Nha luộc ăn không ngon bằng nha nướng. Mùi nha nướng thơm như cua nướng. Thịt nha ngọt không thua gì thịt cua.
Tình bạn giữa tôi và cậu Tờ ngày thêm khắng khít. Một ngày vắng cậu, tôi buồn rã rượi. Ba mẹ tôi ngăn cấm tôi chừng nào tôi lại càng quyến luyến cậu chừng nấy.
Hai ống chân ghẻ của cậu đối với tôi chỉ là nỗi bất hạnh lớn trong cuộc đời trai tráng của cậu. Vì nó mà cậu bị mọi người hất hủi, bạc đãi. Hằng tháng cậu lặn lội đến nhà thương quận Cần Giuộc xin thuốc uống và bom-mát về thoa ghẻ, nhưng chờ cả ngày trời, nhà thương chỉ phát cho cậu một hũ bom-mát nhỏ bằng đầu ngón cái, không đủ trét đầy một phần ba ông quyển. Trét bom-mát lên mặt ghẻ, chỉ chừng vài giờ sau nước vàng làm trôi mất thuốc. Cậu nghe thiên hạ bày: uống hay chích trụ sinh thì chóng lành bịnh, nhưng làm sao có trụ sinh mà trị bịnh. Ai cho cậu? Tiền đâu cậu mua? Cậu nghèo rớt mùng tơi. Lối xóm có ai nhờ tát ao, gặt lúa, làm công việc vặt vãnh, cậu chỉ có đủ tiền mua thuốc rê, thứ rẻ tiền nhất để kéo cho đã cơn ghiền. Không có giấy quyến, cậu quấn bằng lá chuối khô hoặc lá trâm bầu.
Món thuốc duy nhất còn lại để trị bịnh ghẻ của cậu là hột lịch mọc đầy ngoài đồng. Mỗi lần cậu Tờ làm thuốc mới, tôi đều có mặt để giúp cậu một tay. Hai cậu cháu đi hái trái lịch ngoài đồng đem về dùng chày đâm tiêu đập nhè nhẹ cho hột lịch rơi xuống nền gạch. Gom hột lại được chừng một tô nhỏ. Cậu đem ngâm vào cái thau. Hột lịch nhỏ như hột é, ngâm trong nước ít lâu sẽ nở ra và dính kẹo lại với nhau.
Cậu nấu nước sôi để nguội rửa hai mảng ghẻ trên hai ống chân cho sạch rồi nắn hột lịch thành hai cái máng xối đắp lên trên, Cậu vuốt vuốt cho hột lịch dán chặt vào mặt ghẻ. Chất nhờn của hột lịch bám sát vào da, hít hơi nóng của ghẻ làm cậu cảm thấy dễ chịu, Hai cái máng xối hột lịch cũ cứng như củi. Tôi thường chơi trò thả tàu trên mặt ao với hai cái máng xối hột lịch khô cứng ấy. Chúng chồng chềnh trên mặt nước trôi theo gió ra giữa ao rồi chìm lỉm. Tôi thương cậu quá, tôi thấy không gớm chút nào hết. Có những đêm ghẻ hành, ngủ không được, cậu lăn trở rên khe khẽ. Năm bên cạnh, tôi cũng thao thức, xót xa dùm cậu.
Cũng tại vì hai ống chân ghẻ mà cuộc tình đầu đời của cậu tan vỡ và cho đến tuổi trên bốn mươi cậu vẫn chưa có một người đàn bà an ủi, vỗ về.
Vào tuổi 22, cậu quen và yêu một cô thôn nữ tên Thoa, con gái một trung nông bên làng Thuận Thành. Tuy là gái quê nhưng cô Thoa khá đẹp lại giỏi nữ công, gia chánh. Cậu Tờ cũng thuộc loại trai làng có học, dù chỉ đỗ bằng tiểu học. Cậu lại biết ăn nói, hiền lành. Trong làng ai cần nhờ gì, cậu đều giúp đỡ, không hề từ chối, từ thảo đơn, từ thưa gởi kiện tụng, thậm chí tới viết dùm thơ tình, cậu cũng giúp luôn. Cuộc tình Thoa-Tờ khá thơ mộng. Đầu thôn, cuối làng, ai cũng biết cuộc tình ấy. Hai người thề non hẹn biển sẽ yêu nhau suốt đời.
Bỗng một chiều đau đớn nhứt đời cậu, cô Thoa và cậu hẹn gặp nhau tại đình làng để dứt khoát chuyện cưới xin. Hai người ngồi sát vào nhau tình tự. Cậu ôm cô Thoa vào lòng, xin hỏi cưới cô làm vợ. Cô Thoa đẩy nhẹ cậu ra, láo liêng nhìn chung quanh sợ có ai trông thấy. Chiếc khăn tay rơi xuống đất, cô Thoa cúi xuống lượm, một mùi thịt thúi phảng phất qua mũi cô.
Cô hỏi trổng:
-         Mùi gì y như là mùi chuột chết vậy anh Tờ?
Cậu Tờ giật mình đánh thót:
-         Mùi gì đâu?
-         Anh không nghe thấy sao?
-         Không… không có… mùi gì hết.
Cô Thoa đưa mũi đánh mùi chung quanh, lúc ngước lên, khi cúi gần sát đôi chân cậu Tờ. Cậu đã biết mùi đôi chân ghẻ của mình bị người yêu khám phá. Cậu ngượng cứng cả minh mẩy. Cậu lo sợ, nghe lòng tê tái. Hạnh phúc sắp vuột khỏi tầm tay cậu rơi vỡ tan tành. Đôi chân ghẻ làm ung thúi cuộc tình vừa nảy nở trong tim hai người.
-         Chắc có con gì chết sình trong đình nên bốc mùi hôi thúi dữ vậy đó.
Cậu Tờ nắm tay cô Thoa nói nhanh:
-         Ờ… ờ thúi thiệt. Thôi, tụi mình về đi Thoa.
Cậu đưa cô Thoa ra cửa đình rồi hai người chia tay nhau. Cậu về nhà như kẻ mất hồn. Cậu đã cố dấu đôi chân từ nửa năm nay. Cô Thoa chưa hề biết bệnh tật của cậu. Mỗi lần hẹn hò cô Thoa, cậu rửa ghẻ thật sạch, băn bó cẩn thận. lần gặp này, cậu bận quá nên quên bẵng đi khuyết điểm của mình. Cậu hối hận. Cậu buồn và tự trách mình. Suốt hai ngày trời, cậu bỏ cơm trốn biệt trong phòng. Bịnh không hẳn là bịnh nhưng tay chân cậu rã rời, đi đứng hết muốn nổi.
Cô Thoa chưa biết gì cả. Cô vẫn nghĩ rằng mùi hôi thúi kia phát xuất từ một con vật gì đó chết sình trong ngôi đình làng. Hình ảnh cậu Một Tờ vẫn rạng rỡ trong trái tim cô.
Nhưng rồi việc gì phải đến đã đến. Trai tráng trong làng ganh tức với cậu Tờ, phao tin đến tai cô Thoa:
-         Già kén kẹn hom! Con Thoa nó hết người thương rồi hay sao mà nhè cọn cái thằng Tờ ghẻ hờm!
-         Hai mảng ghẻ trên hai ống chân thằng Tờ cho con Thoa nó hít đã dữ a! Ngủ quên nó gác hai ống chân thúi đó lên, con Thoa có nước chết ngắc chớ sống sao nổi!
-         Nó lén lên Sài Gòn chơi bời mắc bịnh kín nên thân thể nó mới ra nông nỗi đó! Mang bệnh đó làm sao sanh con đẻ cái được mà con Thoa nó ham?
Cô Thoa nghe đầy tai những lời chế diễu độc ác. Cô sực nhớ lại mùi hôi thúi ở lần gặp gỡ cuối cùng với cậu Tờ. Tiếng đồn rõ ràng là sự thật. Từ trên đỉnh cao hy vọng, tin yêu, cô rớt xuống vực sâu tuyệt vọng và khiếp đảm.
Từ đó, cậu Tờ không bao giờ còn gặp lại cô Thoa nữa. Mối tình đầu đời của cậu dẫy chết ngay sau lần hẹn hò ấy.
Cậu kể lại cho tôi nghe, mắt cậu long lanh màn nước mỏng. Cô Thoa hãy còn sống bên làng Thuận Thành. Cô đã là một bà mẹ tám con, đưa con gái đầu lòng đã 19 tuổi. Nay cô đã làm bà và có cháu ngoại. Chồng cô là một nông dân lực lưỡng, suốt đời chỉ biết cầm cuốc làm ruộng rẫy.
 
 
Nhựt đầu hàng Đồng Minh. Chiến cuộc Việt Nam rẽ sang một lối khác. Việt Minh nổi dậy khắp nơi. Pháp quay trở lại Việt Nam . Gia đình tôi bỏ Cần Giuộc về Chợ Lớn, Tôi tiếp tục việc sách đèn. Buổi chia tay với cậu Một Tờ tôi khóc thật nhiều như thể chúng tôi không còn bao giờ gặp nhau nữa.
Cậu ôm đầu tôi, vỗ về:
-         Cháu về trển mạnh giỏi. Ráng ăn học để sau này thành tài giúp dân, giúp nước. Thỉnh thoảng cậu sẽ lên thăm cháu. Chợ Lớn-Cần Giuộc không cách xa nhau mấy cây số đâu.
Tôi lặng thinh siết chặt tay cậu như không muốn rời xa. Tôi nghĩ cậu nói vậy cho tôi yên lòng chứ tôi biết chắc là cậu sẽ khó mà gặp tôi vì cậu làm sao có tiền mua vé xe đò lên thăm tôi.
Đúng như điều tôi nghĩ, tôi rời làng Phước Lâm đã ba năm mà tôi và cậu Một Tờ chưa gặp lại nhau một lần. Tôi hỏi thăm ba mẹ tôi thì mới hay cậu đã bỏ làng Phước Lâm  đi đâu không ai biết.
Rồi một ngày, tôi nghe được tin sét đánh về cậu Một Tờ: cậu đã bị Việt Minh xử bắn! “Chánh quyền cách mạng” bắt cậu về tội làm gián điệp cho Pháp! Người ta dựng lên một tòa án nhân dân tại ấp Phước Kế, đọc bản án “phản quốc” và bắn cậu Tờ ngay trước cửa đình làng Phước Lâm, nới mà cách hai mươi mấy năm về trước, cậu và cô Thoa gặp nhau lần cuối cùng.
Tôi lén ba mẹ tôi về Cần Giuộc tìm thăm mộ cậu Một Tờ. Không ai biết đích xác cậu được chôn cất ở đâu vì người ta kéo xác cậu đi mất sau cuộc xử bắn. Bà con lối xóm bàn tán xôn xao một dạo về bản án “phản quốc” của cậu Một Tờ. Ai cũng bất nhẫn trước cái chết của cậu. Cậu Tờ làm sao làm gián điệp cho Pháp được. Tiếng Pháp cậu dốt đặc kia mà! Người ta chỉ thấy cậu thường đi về xã Long Phụng với áo quần, giầy nón mới rồi tình nghi cậu lấy tiền của giặc điểm chỉ này nọ. thực ra, cậu đã bỏ ruộng đồng lặn lội lên Trảng Bom làm cây rừng với một người quen. Có tiền cậu sắm áo quần, nón, giày mới thỉnh thoảng trở về quê chơi, đãi bạn bè nhậu nhẹt.
Tôi ngồi trước thềm nhà cũ, nhìn hai mảnh vườn xoài và cam quít. Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của một thời chạy giặc, kết bạn vong niên với cậu Một Tờ chợt sống dậy trong tâm tưởng. Vườn xoài bây giờ không còn xum xuê như thưở nào nữa. Những trái xoài màu vàng trắng vẫn còn lắc lư, đong đưa trong gió như nhắc tôi nhớ những đêm cậu Tờ trộm xoài cùng tôi ngồi ăn ngấu nghiến với nước mắm đường dầm ớt xanh. Hình dung miếng xoài tượng dòn khứu chấm thật sâu vào chén nước mắm đường dầm ớt đặc kẹo bỏ vào miệng nhai rôm rốp không còn làm tôi thèm chảy nước miếng như thuở nào nữa. Nó sẽ làm tôi ê răng, the lưỡi vì thiếu vắng một người, một người dơ dáy bẩn thỉu nhưng tôi yêu và quí nhất trong đời.
Tôi rảo bước trên từng bờ đắp ngăn chia hàng hàng lớp lớp ruộng nước trải dài đến ngút ngàn. Tôi bồi hồi nhớ đến những đêm bắt cá nhảy hầm với cậu Tờ. Một cây lịch vướng vào chân tôi. Tôi cúi xuống ngắt một cành đầy hột. Bóp nát hột ra, vô số hột nhỏ li ti rơi nằm trong bàn tay tôi. Tôi nhổ một bãi nước bọt, cắm đầu hột lịch vào. Một tiếng “tách” bật lên, hột vỡ đôi. Không còn cậu Tờ nữa, ai sẽ dung hột lịch chế thành một thứ thuốc trị ghẻ không bao giờ lành. Cây hột lịch bây giờ mọc khắp nơi. Chúng tha hồ mọc. Cậu Một Tờ giờ đã thành người thiên cổ. Ghẻ cậu đã lành hay vẫn còn hành nhức cậu từng đêm?
Giữa hoàng hôn đồng nội, tôi lững thững bước đi như kẻ mất hồn. Ngang qua cổng đình làng, tôi dừng lại nhìn vào trong. Cửa đình mở rộng, tối om. Ở một chỗ nào đó trong đình thuở xa xưa, cậu Một Tờ và cô Thoa đã cùng nhau nói chuyện tương lai và cũng nới đó, cuộc đời của cậu đã kết thúc thật tang thương.
Bỗng dưng tôi rùng mình, tưởng chừng như oan hồn của cậu hiện về ôm choàng lấy tôi.
 
SỸ LIÊM
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20234:35 CH(Xem: 4609)
Bay đi từ cánh đồng nào thân cò của mẹ / Chắt chiu hạt gạo đồng tiền / Mười đứa con nhân lên mười lần thương khó / Một trăm ngã nhọc nhằn vạn nẻo đắng cay
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 4096)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4395)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 6558)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 5835)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4396)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi
12 Tháng Chín 20238:24 CH(Xem: 6075)
Đá nghe chuyện của mưa / Mang lời cho gió / Phía sau câu chuyện là tiếng sóng / Nụ cười gieo / Gió cuốn mây / Những đứa trẻ nhặt mưa ban ngày.
12 Tháng Chín 20231:30 CH(Xem: 5655)
Kể từ lần đó, chúng tôi quay trở lại và coi quán Eden như điểm hẹn hàng ngày. Thi thoảng, em sẽ đến sớm hơn tôi, vẫn dáng vẻ im lìm nhắm mắt hút thuốc không hề để tâm tới xung quanh ấy. Em thích những bản nhạc thê thiết vẫn nhả lời rầu rĩ ở quán. Lý do mới thật sự đơn giản làm sao.
12 Tháng Chín 20232:20 SA(Xem: 6363)
Ngủ đi. mênh mang suối nguồn / Ngủ đi. vợi nhẹ tâm buồn không đâu / Một bóng đời vút ảnh câu / Mà trần gian vẫn nhiệm mầu sắc không
12 Tháng Chín 20231:37 SA(Xem: 5618)
Phàm những gì người ta thích thì thường chòi mòi chốc mảy vì thứ ấy. Ví như người mê gái đẹp (thấy gái đẹp ai không mê, người nào nói không mê gái có mà hâm!), cô nào có vóc dáng lả lướt, ngồ ngộ, trang phục hơi sex đôi chút thì con ngươi như dán chặt vào đó. Lại có người thích chơi chim, mỗi lần nghe tiếng hót là như bị hốt hồn. Mỗi cách chơi đều có hội riêng, tập hợp những người cùng sở thích, chủ nhân của những quán cà phê vỉa hè cũng đã tận dụng cái sở thích ấy để mà câu khách. Trên cành cây có treo dăm ba lồng chim, bên ly cà phê mà tán pháo, tán cái vui dân dã của mình. So cọ con chim này hót hay , con chim kia đang bắt đầu thay lông. Và cũng từ đó, có nhiều kẻ tìm được khối tiền vì những trò chơi.