- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GẤM THƯỢNG HẢI

01 Tháng Mười Một 20155:00 CH(Xem: 37439)
GAM THUONG HAI



LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Nguyễn Nhân Trí với một lối viết kể chuyện điềm đạm và trào phúng, tác giả hé mở cho chúng ta xem câu chuyện cười ra nước mắt...   Mời quí độc giả và văn hữu cùng đi vào thế giới của "Gấm Thượng Hải".

TẠP CHÍ HỢP LƯU




Ông bệnh nặng đã lâu. Mấy hôm trước khi chết, ông dặn dò vợ con làm tang lễ cho ông càng đơn giản càng tốt, khỏi cúng kiến tụng niệm gì cả.


Suốt đời ông đi đám tang của người quen cũng đã nhiều. Ông thấy họ tổ chức rườm rà quá. Năm bảy thầy tăng được mời đến tụng cầu an, cầu siêu, độ vong, sám hối gì đó liên tục hết tốp nầy đến tốp khác. Khách đến thăm lúc nào cũng nghe tiếng tụng kinh xen lẫn với tiếng chuông mõ lóc cóc vang rền. Những khi không tụng kinh thì có giàn nhạc mướn đến trỗi lên inh ỏi từ những bài nhạc Tây xưa rích cho đến bản “Một Cõi Đi Về” của Trịnh Công Sơn (đây là bài mà ông gọi là nhạc đám tang được yêu chuộng nhất trong những năm gần đây). Người ta giải thích với ông, “Có nghe kinh như thế thì vong hồn người chết mới an ổn mà siêu thoát. Và phải có nhạc lễ rình rang thì các vong linh chung quanh mới không cản trở hay quấy phá”.

 

Ông không nghĩ ông cần phải nghe mấy bài kinh ê a đó mới có thể siêu thoát. Ông cũng không thấy mấy ông thầy chùa đó có thần lực gì giúp đỡ được ông sau khi ông nhắm mắt ra đi. Ông không thích nhạc lễ kèn trống um sùm, ông không muốn hàng xóm phải khổ sở lỗ tai họ chỉ vì ông chết. Ông không muốn đám tang của ông có những nghi lễ vừa bực mình vừa vô bổ ích như các đám tang đó.

 

Ông có ba người con: cô con gái lớn, cậu con trai kế, và cô con gái út. Ông biết vợ ông và cô con gái lớn hay thích đi chùa. Có thể ông trở thành không ưa thích thầy chùa lắm từ khi ông bắt gặp vợ ông và cô con gái lớn quỳ mọp xì xụp lạy mấy ông sư trong chùa nhân dịp lễ cúng sao giải hạn gì đó mấy năm trước. Ông cho rằng nếu mình không quỳ lạy cha mẹ đã nuôi nấng đút mớm mình hồi còn nhỏ cực khổ biết bao nhiêu thì tại sao lại đi quỳ lạy mấy người dưng xa lạ đó chỉ vì họ khoác lên người bộ y phục màu vàng. Cậu con trai và cô con gái út giống như ông, chúng cũng không thích đi chùa cúng lạy gì cả. Cũng có lẽ chỉ vì chúng còn nhỏ quá không biết gì. Tuy vậy ông vẫn thường đùa là phe ông mạnh hơn phe vợ ông vì có dân số đông hơn.

 

Đêm trước khi ông chết, vợ ông để ý nghe có tiếng chim trên cây bên hông nhà kêu gù gù mấy tiếng. Bà thì thào với mấy con: “Đây là điềm xấu cho ba con rồi. Người ta nói chim cú đến nhà kêu ba tiếng là trong nhà có người sắp chết”. Cậu con trai nói với mẹ là cậu đã nhiều lần thấy mấy con chim nầy lúc chập choạng tối thường bay về đậu nghỉ trên cây bên nhà chốc lát rồi bay đi mất. Đây không phải là lần đầu tiên. Cậu không biết chúng là chim gì nhưng cậu thấy rõ ràng chúng không phải là chim cú. Với hơn nữa, cậu phân tích, chúng kêu gù gù nhiều tiếng lắm chớ đâu phải chỉ có ba tiếng. Cô con gái lớn quay qua nạt em trai: “Chim nào cũng vậy. Mầy biết cái gì mà nói!?”

 

Vợ ông bảo nhà quàn sửa soạn một đám tang không mang màu sắc tôn giáo nào hết, đúng như lời ông dặn. Thi hài ông được tắm rửa sạch sẻ, mặc một bộ quần áo ông thường dùng hàng ngày lúc còn sống. Họ cũng chuẩn bị sẵn cho ông một quan tài giản dị nhưng trang trọng.

 

Trước khi làm lễ tẩn liệm, thi thể ông vẫn còn nằm trên bộ ván giữa nhà. Có một người quen thân với gia đình đến thăm. Vợ ông quen biết bà nầy lâu ngày rồi vì họ thường gặp nhau khi đi chùa lạy Phật. Bà nói nhỏ với vợ ông và cô con gái lớn rằng xưa nay ông không hay đi chùa chiềng cúng lạy Phật thì bà e rằng vong hồn ông không biết đường siêu thoát và sẽ sa vào cõi u tối. Bà nói bà sẽ giúp đỡ về việc nầy nếu muốn. Vợ ông và cô con gái lớn bằng lòng ngay. Cậu con trai và cô con gái út vì không có kinh nghiệm gì về tang chế đồng thời vì muốn chiều ý mẹ và chị nên cũng không phản đối.

 

Bà bạn gọi một cú điện thoại. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, một thầy tăng đến nhà. Thầy tuổi độ trên dưới năm mươi, đi xe Honda “tay ga” mới toanh. Sau khi nói chuyện với tang gia, Thầy cho biết ông chết nhằm giờ trùng, cần phải cẩn thận nếu không chẳng những ông không bao giờ siêu thoát mà còn kéo theo thân nhân với ông. Vợ ông tái mặt. Bà đã nghe nhiều câu chuyện “chết giờ trùng” rồi. Có những trường hợp, bà nghe kể, tất cả người trong gia đình lần lượt chết theo người chết ban đầu trong vài năm ngắn ngủi. Bà không hiểu “trùng” là trùng cái gì, hay cái gì trùng. Bà chỉ không muốn ông không siêu thoát được mà cứ phải vất vưởng hoài. Nhưng điều quan trọng nhất là bà không muốn chuyện “bị người chết giờ trùng kéo theo” xảy ra cho con cái bà, và nhất là cho bà. Dù sao thì phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, bà suy nghĩ và trình bày với Thầy.

 

Thầy bảo bà cứ yên tâm. Thầy hứa sẽ giúp đỡ bằng cách tụng đủ các bộ kinh và trì các bài chú cần thiết cho trường hợp nầy. Thầy kể ra một danh sách khá dài các bộ kinh và các bài chú trên.Thầy giải thích các bài kinh là để ông nghe mà biết đường đi đầu thai, còn các bài chú là để bảo vệ gia đình những người còn sống không bị âm lực nào làm hại được. Vợ ông cảm thấy an lòng vì Thầy có vẻ rất hiểu biết và kinh nghiệm trong chuyện nầy.

 

Tuy vậy Thầy nhìn thi thể ông rồi cho biết thêm là thi hài ông hiện không có trang phục thích hợp. Điều tối cần thiết khi người chết giờ trùng là quần áo liệm phải đúng phép, nếu không hậu quả sẽ khó lường.

 

Mấy người con nhìn nhau lo lắng và bối rối. Thầy cho biết thầy có mang đồ tẩn liệm cần thiết cho ông nếu họ muốn sử dụng. Thầy nghiêng mắt khẻ về hướng chiếc va-li nhỏ Thầy mang theo để trên chiếc Honda “tay ga” của Thầy.

 

Vợ ông và mấy người con bàn với nhau. Ho đồng ý là nên để Thầy giúp đỡ cho đến nơi đến chốn. Một phần họ lo sợ ba họ sẽ không được siêu thoát. Một phần họ còn lo sợ hơn nữa là việc gia đình sẽ gặp đại nạn. Mấy đứa con nghe vợ ông kể lại những câu chuyện “chết giờ trùng” mà bà đã nghe người khác kể. Hơn nữa, vợ ông nói, dù gì Thầy tu hành lâu năm chắc cũng hiểu biết về vấn đề nầy hơn họ.

 

Dưới sự chỉ huy của Thầy, nhân viên nhà quàn lấy xác ông lột quần áo đang mặc cho ông ra để thay vào bằng bộ đồ vải nâu mà thầy đem lại. Sau khi đặt ông vào quan tài, Thầy đưa thêm ra một tấm gấm đỏ có vẽ nhiều dòng chữ ngoằn ngoèo màu đen dọc theo bốn mép để đắp lên người ông. Thầy dặn phải đắp lên kín hết chung quanh không được để phần nào của thi thể ông lòi ra hết. Trước khi đóng nắp quan tài lại, Thầy dán thêm lên trên tấm gấm đỏ một lá bùa màu vàng có chứa các bút tự bí hiểm. Rồi thầy còn cầm một cây nhang “khoán” vòng trên mỗi cây đinh rất cẩn thận. Thầy nói Thầy đã ếm kỹ rồi, ông không thể nào thoát ra khỏi quan tài nầy để về kéo ai trong gia đình đi theo ông cả.

 

Khi nghe Thầy nói vậy, cô con gái út hỏi vợ ông: “Ủa nếu như vậy thì ba bị nhốt trong hòm đó mãi mãi sao mẹ? Như vậy thì làm sao ba siêu thoát đi đâu được? Như vậy thì tội nghiệp ba quá!” Vợ ông trả lời có phần hơi gắt: “Không sao đâu. Ai cũng làm như vậy cả. Chết giờ trùng mà. Thầy làm cái nầy cho biết bao nhiêu nhà rồi. Không sao đâu”. Cô con gái út không hỏi gì thêm nữa.

 

Sau đám ma, vợ ông và mấy người con “tạ lễ” Thầy với một phong bì dầy để đền công Thầy đã bỏ nhiều thời gian ra giúp đỡ họ. Cầm phong bì trong tay, sau khi nhìn sơ qua bên trong nó chứa gì, Thầy nhẹ nhàng nhắc về quần áo và vật liệu tẩn liệm Thầy đã mang đến. Thầy nói “gấm Thượng Hải cao cấp, đồ nhập hẳn hòi, tự tay thầy gia ấn nên rất linh thiêng”.

 

Vợ ông và mấy người con nhìn nhau. Dù gì thì Thầy cũng đã hết lòng giúp đỡ họ. Họ hiểu vì Thầy là bậc tu hành thì Thầy đâu thể nào mở miệng ra nói chuyện về giá cả tiền bạc được. Họ không muốn Thầy nghĩ là họ là hạng người vô ơn hay vô lễ. Họ vào trong rồi trở ra đưa cho Thầy thêm một phong bì nữa, dầy hơn phong bì thứ nhất.

Lúc đó trời vừa chập choạng tối. Bên hông nhà chợt có con chim gì đó kêu gù gù mấy tiếng.

NGUYỄN NHÂN TRÍ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 84364)
Đã 40 năm trôi qua, kể từ mùa Xuân-Hè rực lửa 1972. Trận đánh còn to hơn Điện Biên Phủ 1954 này—thí dụ như sử dụng tới hơn 90,000 quân, so với 40,000 trong trận Điện Biên Phủ—chưa được nghiên cứu tường tận. Một trong những lý do chính là tài liệu; chính xác hơn, thiếu tài liệu khả tín, và quá nhiều cung văn hay đào mộ. Trận chiến Quốc-Cộng 1945-1975 là một trận chiến bị ô nhiễm nặng hệ tuyên truyền kiểu Maoist—tức phe tự nhận “Cộng Sản” không thể thua, chỉ có thể toàn thắng, vô địch...Ở lần hiệu đính thứ sáu này, chúng tôi sử dụng tên thật các tác nhân CSVN hơn bí danh cách mạng của họ. Như Linov Nguyễn Sinh Côn thay vì Hồ Chí Minh, Phan Đình Khải thay vì Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Yến Sa thay vì Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Chấn mà không Trần Văn Trà, Phạm Văn Thiện, không Phạm Hùng, v.. v ..
21 Tháng Năm 20151:56 SA(Xem: 35527)
"Nếu dưới góc độ tình nghĩa , sự phủ nhận những gì đã nuôi dưỡng mình thời trẻ là điều đáng trách thì nhìn từ góc độ khác - góc độ nhận thức chẳng hạn - sự từ bỏ những gì có thời mình đã ngoan ngoãn tiếp nhận đôi khi lại là điều đáng mong đợi. Lấy ví dụ như những người từng học ở Trường Plekhanov chuyên dậy quản lý kinh tế theo phương pháp kế hoạch hóa - tập trung bao cấp thì đạt điểm càng cao sau này càng dễ gây tác hại (!) khi làm việc trên thực tế. Họ chỉ có thể ăn nên làm ra khi “phản tỉnh”, ngộ ra một điều đơn giản : kinh tế thị trường là thành quả lớn lao của trí tuệ loài người."(Phan Hồng Giang)
21 Tháng Năm 201512:52 SA(Xem: 31755)
Em thật thà,hay cố tình không biết Thơ anh làm,đâu phải chỉ cho em Thơ không tội,tình yêu không có lổi Chỉ có lòng tin,em vội đặt nhầm
17 Tháng Năm 20155:10 SA(Xem: 31928)
…Tôi bước lên những bậc thềm mịn rêu, bước chậm, sợ mình sẽ bị trượt ra sau, cái ngã ngửa chẳng khác nào cái rớt xuống trần gian đầy ngỡ ngàng của hai chàng Lưu Nguyễn. Tôi chưa muốn thế, tôi đang muốn sống cõi phi thực kia với từng rung động e dè chậm chậm, để nghe chạm vào cánh cổng đã hoen rỉ tháng năm, và dù nhẹ nhàng đến thế nào cũng sẽ ghê răng bởi tiếng rít của một cánh cửa lâu ngày không mở.
14 Tháng Năm 201511:28 CH(Xem: 31857)
Trăng đang vỡ trên ngọn đồi ký ức Bóng tim tôi vướng nhánh giao mùa Tiếng hát ai vỡ tràn đêm đắng Tôi vỡ vô vàn trong ánh trăng xanh
14 Tháng Năm 201510:01 CH(Xem: 30899)
Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Nguyễn Việt Thanh với lối viết nhẹ nhàng và sâu lắng sẽ đưa chúng ta trở về nông thôn Việt Nam bằng những “Ao làng”, “Nắm lá ngày Đoan ngọ”, và lối đánh bắt cá độc đáo của rất ít người và bây giờ cũng không còn ai sử dụng nữa đó là “Bơi dể”. Chúng tôi trân trọng gởi đến quí văn hữu và độc giả những tản văn của Nguyễn Việt Thanh.
14 Tháng Năm 20159:40 CH(Xem: 34885)
Chúng tôi lên Thăng Long Tết Ất Mùi, mặt hồ Dâm Đàm mỏng như ý nghĩ khoa cử trong đầu Kiệt. Kinh sư đầu triều Lý mang sắc đẹp bán khai dữ dội của những cánh rừng bàng chưa phát quang. Kiệt hay đứng ở bờ nước, mắt dõi theo những cuống sen già trôi quả quyết về hướng Cấm Đình. - Nay mai đỗ đầu tiến sĩ thì ngồi nhà mát ăn bát vàng.
14 Tháng Năm 20159:34 CH(Xem: 30993)
Trong số mười người chúng tôi bị bắt bởi chiến dịch khủng bố mùa thu tháng 9 năm 2008 thì Ông Nguyễn Kim Nhàn là người duy nhất hiện vẫn đang còn bị tù đày. Tôi thường gọi những người dân oan như ông, như chị Trần Ngọc Anh, chị Phạm Thị Lộc, vợ chồng chị Cấn Thị Thêu... là “dân oan hóa dân chủ” vì họ đã không chỉ dừng lại ở việc đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân và gia đình mình, mà đã tham gia vào các công việc, các phong trào đấu tranh vì Nhân quyền, Tự do và Dân chủ.
14 Tháng Năm 20155:55 CH(Xem: 33891)
Là những người viết văn đã nhiều năm tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN), đã góp sức xây dựng Hội qua thời chiến cũng như thời bình, đã đau xót trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Hội trong những năm gần đây và tích cực góp ý với Hội để khắc phục tình trạng ấy; đến hôm nay, nhận thấy tình trạng suy thoái của Hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi nhiều điều căn bản trong điều lệ và tổ chức của Hội để Hội thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản;
14 Tháng Năm 20155:36 CH(Xem: 34041)
Ngày 05.05.2015 nhà văn Võ Thị Hảo đã tuyên bố từ bỏ hội Nhà văn Việt Nam, cùng ngày tổ chức này gạch tên 9 nhà văn khác đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh trong phiên họp bầu đại biểu đi dự đại hội toàn quốc. Dân Luận (DL) đã trao đổi với nhà văn Võ Thị Hảo (VTH) về vấn đề mà chị coi là một vụ Nhân Văn Giai Phẩm mới...