- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MÂY TRONG NHỮNG GIẤC MƠ

22 Tháng Tám 20155:48 CH(Xem: 27033)



LU QUYNH-MTNGMo



Sau hai tập thơ đã ấn hành (Sinh Nhật Của Một Người Không Còn Trẻ, NXB Văn Mới, Califorina, 2009 - Những Giấc Mơ Tôi, NXB Văn Mới, California, 2013), cuối tháng 7.2015 vừa qua, nhà thơ Lữ Quỳnh đã ấn hành tiếp tập thơ thứ 3, "Mây Trong Những Giấc Mơ", với một tâm thức nhẹ nhàng, thanh thoát như Mây và một cảm xúc sâu lắng, nhưng rất an nhiên tự tại:

 

giao thừa thức giấc
nhìn vầng trăng khuya
lời ba la mật
thoảng giữa trời hương
âm âm tiếng hạc
bài kệ đầu năm
mở lòng. bát ngát
một trời sao đêm
mười trang đại nguyện
vọng từ đáy tim
con. nam mô Phật

 

(Bài Đầu Năm 2015)

 

Phải chăng, Phật pháp đã giúp cho nhà thơ nhận chân được cái đang-là của Thực Tại Hiện Tiền đang trôi chảy bất tuyệt, của cái Không-Thời-Gian đẹp ngất vĩnh hằng? Phải chăng,  đây cũng chính là bản giao hưởng tuyệt hảo của "lời ba la mật"? Phải chăng, đó cũng là nơi chốn tối hậu, tột cùng của Thơ, của niêm hoa vi tiếu tịch mịch sấm động chân như diệu nghĩa huyền chi hựu huyền? Câu trả lời nằm ngay trong câu hỏi.

 

Nhà thơ vẫn tiếp tục tự hỏi rồi tự trả lời một cách thơ mộng:

 

có khi lòng bỗng hoang mang
nhìn mây. mây xám. mưa giăng mịt mù
tưởng lòng trải với thiên thu
ngờ đâu lòng cũng thiên thu quan hoài
mưa rơi hiên vắng giọt dài
lắng nghe tiếng một. tiếng vài. chân như
bên kia bờ giác. thực hư
trăm năm đợi bóng trăng từ ngàn năm
và tôi nay cũng trăng rằm.

 

(Bờ Kia)

 

"tưởng lòng trải với thiên thu / ngờ đâu lòng cũng thiên thu quan hoài". Hai câu thơ thật cảm động sau những trải nghiệm dài lâu trong cuộc đời, nhìn nhận và thấu hiểu về Chân Không Diệu Hữu của vạn pháp. Hạt bụi mong manh của kiếp người đã, đang và vẫn "thiên thu quan hoài", để rồi nhà thơ tự cảm thán với tất cả niềm bi mẫn, "và tôi nay cũng trăng rằm".

 

Quy luật của đời người, sinh-lão-bệnh-tử, bất cứ ai cũng phải thọ nhận, bất khả khước từ. Vấn đề là, cung cách thọ nhận thế nào, ra sao? Xin hãy đọc chẫm rãi cách thọ nhận của nhà thơ:

 

cám ơn mùa đã đến rồi

niềm vui chợt dậy trong tôi xám ngần

mưa phùn gió bấc tình thâm

thắp lên ngọn nến bâng khuâng cuối ngày

thân tâm lạnh suốt mùa này

áo phong sương rũ bóng gầy lẻ loi

đông qua óng ánh vàng rơi

vàng rơi. chánh niệm vàng rơi. rơi vàng

 

(Làm Bạn Mùa Đông)

 

Ngôn ngữ thơ rất dung dị, chân thành. Nhưng ở phía trong, phía dưới mạch ngầm của chữ thơ, câu thơ lại có tiếng vang trầm sâu, vọng lại niềm tri ân, tri ngộ, "đông qua óng ánh vàng rơi / vàng rơi. chánh niệm vàng rơi. rơi vàng". Trước đây, Bích Khê có "Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông" (Tỳ Bà) - Giờ đây, Lữ Quỳnh có "đông qua óng ánh vàng rơi". Hai màu vàng đều có một khoảng không gian rộng, "mênh mông", "óng ánh", nhưng "vàng rơi" của Lữ Quỳnh khi "Làm Bạn Mùa Đông" lại quay về "chánh niệm vàng rơi"! Phải chăng, đây là màu vàng của diệu âm, diệu pháp, khiến cho nhà thơ tận hưởng được hết niềm an lạc trong cô độc với "mưa phùn gió bấc tình thâm", "thân tâm lạnh suốt mùa này"?"vàng rơi. chánh niệm vàng rơi. rơi vàng". Câu thơ cuối của bài thơ mở ra những phương trời "óng ánh" linh lung giữa thực và mộng, gây không ít cảm xúc cho người đọc.

 

Cũng chính từ "vàng rơi. chánh niệm vàng rơi. rơi vàng" ấy, "áng mây vàng" linh diệu đã hiện ra, khi nhà thơ trong buổi xế chiều của cuộc đời, tưởng niệm về người Mẹ dấu yêu của mình:

 

giọt nước đựng trời mây

tàn hương bay lấp lánh

lắt lay bóng mẹ về

tóc con chừ điểm bạc

 

tám năm ngày mẹ đi

vẫn nụ cười trên mộ

trần gian đường gập ghềnh

hoàng hôn đời lệ nhỏ

 

một năm rồi mười năm

chỉ dài như hơi thở

thanh tịnh quang chân tâm

áng mây vàng tưởng niệm

 

(Áng Mây Vàng)

 

Hình ảnh của Mẹ, chính là "Áng Mây Vàng" mà nhà thơ hằng kính ngưỡng trong tâm thức, Nhất là trong buổi xế chiều của cuộc đời, sự kính ngưỡng ấy càng lắng sâu hơn, "một năm rồi mười năm / chỉ dài như hơi thở / thanh tịnh quang chân tâm / áng mây vàng tưởng niệm". Để rồi:

 

chừ nhìn mây bay

nhớ làm sao mẹ

đời mãi loay hoay

thương hoài bóng xế

ngày qua mỗi ngày

quán chiếu bát nhã

lệ ứa đêm dài

nghe kinh báo hiếu

 

(Tóc Mây Bay)

 

Cõi Thơ của Lữ Quỳnh trải dài hơn nửa thế kỷ qua, thấm đẫm một tâm hồn nhân hậu, dịu dàng. Đặc biệt, giọng thơ dung dị, chân thành, không hề làm dáng, kiểu cách, càng tôn thêm vẻ đẹp trong sáng trong thơ ông. Đối với bằng hữu thân thương, ông luôn có những hồi tưởng, cảm hoài "mênh mông nỗi buồn tử biệt", dẫu vẫn biết "cuộc đời là những giấc mơ bay":

 

sao Sơn về hoài trong giấc mơ tôi (*)

đêm thì ngắn mà giấc mơ trùng điệp

những niềm  vui bạn bè đem đi hết

để mình tôi ngồi  giữa quạnh hiu

sinh nhật cuối anh nâng ly cười nói

bên phạm duy.bảo phúc. từ huy

mười lăm năm rồi không nói năng chi

nhà cũng rượu cũng hoa. mà hương khói

anh có vui bên kia bờ. bến đợi

bạn bờ này. còn đếm nửa bàn tay

biết cuộc đời là những giấc mơ bay

và tự tánh quang minh bất sinh bất diệt

lòng vẫn mênh mông nỗi buồn tử biệt.

 

(Sinh Nhật)

(*) Sơn: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ghi chú của người viết.

 

Tình cảm của nhà thơ dành cho bằng hữu thật sâu nặng, như khi viết về "Người Ngồi Khâu Di Sản", khi nhớ về người bạn thân thiết của mình, nhà văn Trần Hoài Thư, thật chí tình, chí nghĩa:

 

thương bạn ngồi khâu di sản

văn học miền nam hai mươi năm

tóc bạn trắng. trắng như mây

tóc bạn trắng như tuyết New Jersey

thương bạn. thương bạn  lắm

văn học miền nam thì mênh mông

làm sao bạn khâu hết

cặp kính lão dày trể xuống

kim đâm vào tay không biết đau

lưng  bạn còng bảy mươi ba tuổi

bảy mươi ba năm ít ngày vui

năm tháng dài trả nợ sông núi

nhỏ máu từng trang viết ngậm ngùi

hai mươi năm di sản mây trôi

chỉ mình bạn ngồi khâu. khâu mãi…

 

(Người Ngồi Khâu Di Sản)

 

Nhà thơ cũng đã trải qua những giây phút hồi tưởng khi chìm vào trong giấc mơ bất chợt, một mình lặng lẽ nhìn "Biển Cát Tím Ở Big Sur" để thấy lại chính mình:

 

... thường trong giấc mơ

nhập nhòa hoàng hôn tím

có đứa bé vừa đi vừa nhìn lại dấu chân mình

vừa đi vừa nhìn sóng…

 

... đứa bé vừa đi vừa nhìn lại trong giấc mơ

là tôi. không đứng vững

mắt hoa vàng nhảy múa. không biết vì nắng

hay trái tim đang loạn nhịp thời gian.

 

(Biển Cát Tím Ở Big Sur)

 

Đó là giấc mơ rất đẹp, rất lung linh giữa Thực và Mộng. Thời gian không loạn nhịp, mà đang chảy trôi trong từng sát na tinh khiết của Thực Tại Hiện Tiền. Giấc mơ? Thì đã sao! Thực Tại Hiện Tiền? Thì đã sao!

 

Nhiên vậy!!!

 

Hãy nghe nhà thơ tâm sự tiếp:

 

trong những giấc mơ

ký ức trắng

như tấm gương soi

không giữ lại bóng.

 

trái tim tôi

sáng nay cho đi nhiều giọt máu

có hồng lên bầu trời

ngày cuối năm tuyết giá

 

lời vô ngôn

những giấc mơ nồng nàn

lạ lẫm…

sáng ra không nhớ gì.

 

chỉ là cõi hoang

chập chờn mây và mây…

 

(Mây)

 

Nhà thơ đã nhập thân vào Mây. Mây tinh khiết như giấc mơ. "lời vô ngôn / những giấc mơ nồng nàn / lạ lẫm" để rồi, "sáng ra không nhớ gì / chỉ là cõi hoang / chập chờn mây và mây". Thực và Mộng nhất quán trong cõi Thanh Tịnh miên viễn. Thơ đã dậy lên màu hương chín để cất lên tiếng hát diệu kỳ giữa thinh không diệu vợi!

 

"Mây Trong Những Giấc Mơ" đã có những chiêm nghiệm thật sâu lắng về Không-Thời-Gian, vẫn thấm đẫm Tình Đời, Tình Người. Nhà thơ, như một hành giả đang lặng lẽ Nhìn, lặng lẽ Thấy và lặng lẽ Nghe. "Mây Trong Những Giấc Mơ" cũng chính là những tâm tình chân thành nhất mà nhà thơ muốn trao gửi đến bạn đọc và bằng hữu xa gần.

 

Nguyễn Lương Vỵ

Calif., 05.08.2015

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 102514)
Tôi đưa nàng đi, như mộng du, ra khỏi thành phố. Ánh đèn đường và ánh sáng trong các loại nhà ở hai bên quốc lộ loáng thoáng hắt vệt ra. Chúng tôi chỉ còn vài giờ ở bên nhau. Trước mặt tôi, vài chục cây số nữa là vài ngọn đèo lớn, một cung biển đẹp, tôi biết đưa nàng đi đâu để không hoang phí vài tiếng đồng hồ quý báu này. Chuyện gì sẽ xảy ra với cô gái tên Thu Sắc và chàng trai bị gọi là Thiền Sư. Hay chính nàng mới là Thiền Sư còn tôi đang sôi sục toàn thân nỗi nôn nao làm thú.
29 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 85416)
Vậy mà đã 54 năm kể từ ngày Liên Hiệp Quốc khai sinh Ủy Ban Sông Mekong [1957] và cũng đã 16 năm kể từ ngày thành lập Ủy Hội Sông Mekong[1995]. Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây những con đập thủy điện khổng lồ chắn ngang dòng chính thượng nguồn sông Mekong, Thái Lan có kế hoạch chuyển dòng lấy nước từ sông Mekong, và nay lại có thêm dự án 12 con đập hạ lưu.
29 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90691)
Được tin Nhà giáo, nhà phê bình văn học, tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến  đã từ trần vào lúc 23h ngày 24.01.2011 tại Bệnh viện Hữu Nghị- Hà Nội, hưởng thọ 81 tuổi.
28 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 99983)
LTS: "Nhà Có Cửa Khoá Trái" là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Trần Thị Ngh. trước 1975 của nền văn học Miền Nam. Sau mấy thập niên, đọc lại, truyện vẫn rất mới, gần gũi như khí hậu của Việt Nam. Hợp Lưu trân trọng mời quí độc giả và văn hữu vào thăm "Nhà Có Cửa Khoá Trái" của Trần Thi Ngh.
26 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 114715)
Và thuở ấy chuyện lũ gà cổ tích Trò ú tim thú vị đến không ngờ Ai có biết về sau viên ngói vỡ Mây lỡ thì vẫn sấp ngửa trong thơ.
22 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90559)
...Câu nói đó là một định mệnh. Tôi gọi định mệnh là hệ quả của một chuỗi liên tục những điều bất ngờ nhỏ dẫn đến một thay đổi đột ngột thật lớn. Chuỗi liên tục bắt đầu từ việc nhóm Hợp Lưu chọn chủ đề Yêu, bắt sang việc họ rủ rê tôi khá muộn màng, kéo theo việc tôi nhận lời tham dự trong khi tôi có toàn quyền từ chối. Chuỗi liên tục lại tiếp nối với chuyện tôi và anh cùng có mặt ở Coffee Factory sáng nay, rồi tình cờ anh ngồi cạnh tôi...
20 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109675)
sau những đụn cát những làng mạc sát biển gió muối đang đánh phới trắng biển rộng rãi xanh muối chát đậm và những lượn sóng thăm thẳm kỳ cùng đang sắp bay lên trên đầu những chiếc mái lá, những căn nhà rông, những vạch chữ đã vạch bằng que ổi những hạt cát cắt rát
20 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109599)
những đợt sóng xô đẩy khi gần tới bờ liền nắm tay nhau không có giá trị nào theo phép đo lường biển choàng ôm một thực thể trinh nguyên thể hiện tình yêu tuyệt đối với đất không cần phải xác tín về điều thiêng liêng và huyền thoại
20 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83839)
“Giấc” là tập thơ đầu tay của tác giả Lữ thị Mai. Nó - tập thơ đã nhắc với tôi rằng: Cuộc sống quanh chúng ta được bao bọc bởi hình ảnh. Chúng ta cần nó như cần ánh sáng để nhìn, không khí để thở. Hình ảnh chính là sự sống phản ánh vào trong con mắt ta, đó là một nguồn thông tin quý báu và cần thiết trong cuộc sống.
20 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 93361)
Thử hình dung một con tàu đang rẽ sóng…Du khách tụ họp trên boong ngắm biển ngắm trời, thay phiên chụp những pô hình solo hay tập thể trên cái nền lô nhô đảo nhỏ đảo to dưới bầu trời đang bừng sáng vì vầng dương vừa lấn được mấy lớp mây mù để phết nhanh lên mặt nước từng mảng rộng đủ các cung bậc của màu lam.