- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

KHỞI HÀNH

21 Tháng Bảy 20154:54 CH(Xem: 28130)

ME-BW
Hương của mẹ- Ảnh Internet

 

 

Mây thổi tóc chỉ vừa ráo rồi ra cửa.  Người đưa thư đã đi sau khi gõ mạnh một tiếng khô khan, hô một tiếng giao bưu kiện.  Trên tấm thảm chùi chân trước cửa, gói hàng trong giấy nâu nằm chơ vơ.  Mây cúi xuống, hộp chữ nhật vuông vức nhưng mỏng và nhẹ, nét chữ Thiên Sơn vẫn vung vẩy như xưa.

 

Mây trở vào phòng, chợt ngạc nhiên nhận ra căn phòng đầy mùi thơm mát của dầu xả tóc, của xà bông, mùi trong tươi của một buổi sáng vắng lặng.  Giờ này hầu hết mọi người chôn mình trong công việc nơi sở làm, khiến ngày nghỉ của Mây như thêm chút giá trị của ngày thong thả.  Mây đặt gói quà xuống định tìm kéo rồi một ý nghĩ bật ra trong óc, Mây chạy qua phòng Má.

 

Căn phòng im như một góc quá khứ, dù Má chỉ mới rời nhà chưa quá một tuần.  Mây ngồi lên chiếc giường đôi, chỗ Má vẫn nằm.  Tấm chăn phủ giường xô lệch, chiếc xe đẩy tay của Má đứng xéo góc với tủ đựng quần áo, soi bóng cô đơn trong tấm gương.  Mây hít vào ngực, mùi dầu kinh niên, mùi son phấn – a ha, Mây chưa bao giờ ngửi thấy mùi son phấn của chính mình, nhưng không thấy đâu là mùi của Má.  Mây nằm xuống, kéo tấm chăn phủ lên mình.  Mây nghĩ mình sẽ thấy mùi của Má khi quấn mình vào món vật dụng hằng ngày ấy, nhưng vẫn không có mùi gì đặc biệt hơn.  Mây quay mặt úp xuống gối, Mây trùm mền qua đầu.  Bây giờ Mây nhớ ra:

người Má rất khô ráo, mấy mươi năm cận kề, chưa bao giờ Mây thấy Má đổ mồ hôi dù lúc nóng bức nhất ở Sài gòn, dù những ngày mưa nắng dãi dầu ở sạp hàng Lê thánh Tôn.  Giờ này Má làm gì ở nhà thương?  Lang thang vòng vòng tìm lối về?  Tán với bà Sue lẩy bẩy bằng cái vốn tiếng Mỹ ăn đong?  Kêu ý tá mượn hai chục đô để bắt taxi về nhà?  Hình ảnh Má gò lưng run run mò mẫm ở một nơi đầy người xa lạ với cái vẻ cam chịu làm Mây ứa nước mắt, Mây chợt nhận ra, cái gò lưng cam chịu ấy không chỉ có từ lúc đưa Má vào nhà thương mà cái cam chịu ấy đã có rất lâu đời, rất kinh niên, còn kinh niên hơn cả mùi dầu gió mà chỉ bây giờ Mây mới nhận thấy.  Má, Má, nào con muốn đưa Má ra khỏi nhà…

 

Khi cô cán sự đề nghị đưa Má vào trung tâm người già, cô đã hờ trước rằng nếu Mây có đổi ý cũng không sao vì cô biết đó là một quyết định khó khăn mà Mây dường chưa sẵn sàng chấp nhận.  Mây đã đem hết khôn ngoan lý trí để quyết định một điều cho là hợp lý.  Hai ngày đầu Má rời nhà, Mây vẫn giật mình thức lúc 2, 3 giờ sáng tưởng như mình nghe tiếng cọ quẹt, tiếng gõ cửa, hay tiếng nói lí rí gì đó… rồi khi đã tỉnh hẳn chỉ nghe tiếng ngáy của anh Tư đều đều như tiếng rít thuốc lào của ông ngoại hồi xưa.  Mây đã nằm thao thức trong đêm, mắt rũ xuống vì buồn ngủ, người bã ra vì mệt, nhưng bộ óc thì xoay mòng như ngựa qua muôn vạn núi đồi với muôn vạn ý nghĩ vụt biến vụt hiện không làm sao níu được ý nghĩ gì. 

 

Mỗi chiều Mây vào, khi thì tìm thấy Má ở phòng xem TV, khi thì thấy Má ngồi ở sofa ngay lối ra vườn.  Má nhìn mặt Mây mừng rỡ ôm chặt, kêu với mọi người chung quanh “my daughter, my daughter…”  Mây đưa Má ra vườn ngồi chơi mươi phút, rồi dẫn vào phòng ăn xí chỗ nơi cái bàn thấp cho vừa tầm của Má.  Má ăn ít vì không thấy đường mà gắp thức ăn.  Mây thường ép thêm muỗng này muỗng nọ, và Má chỉ mới vài ngày nơi chốn lạ đã rất ngoan ngoãn ngồi im trong cái hỗn loạn của giờ ăn.  Ông Joe mới hôm qua còn nháy mắt cặp mắt xanh biếc thơ ngây với Mây thì hôm nay đã long sòng sọc rượt hai y tá chạy vòng vòng.  Ông giáo sư lại nghiêm chỉnh rè rè chầm chậm cãi vả  hay phân bua với bà bồ (hay vợ) một điều gì đó.  Sue lẩy bẩy liên tục bốc thức ăn đưa vào miệng bằng bàn tay run như tay chơi vĩ cầm đang kéo những nhịp 32, trong khi em béo bên cạnh thò tay lấy hộp sữa của Sue uống nốt theo với chén súp đòi thêm…  Má, Má sống làm sao với cái đời hỗn loạn thờ ơ ấy?  Khi xong bữa Mây từ giã để Má lại nơi bàn ăn vì không dám nhìn thấy Má gù gù lang thang vòng vòng ở cái chốn rặt người ta…  Chiều  tháng Bảy trời vẫn sáng lóa, Mây lái xe qua từng ngã tư nhạt nhòa, về lại căn nhà đã im những lạch cạch lục đục, đã không còn những vật dụng cất lung tung sai chỗ, sàn nhà không còn đầy những vết bùn, vết thức uống, vụn thức ăn...  Một giờ thăm Má là một giờ xứng đáng 60 phút 3600 giây, Mây lê thân vào nhà chả thiết gì nữa cuộc sống, chả còn muốn biết ngày mai.  Mãi hôm nay Mây mới vào phòng Má để nhận ra dường đã có một lớp bụi trong phủ lên mọi thứ, tựa như căn phòng đã lạnh vắng hơi người từ một kiếp nào xa.  Má, Má có còn về lại chốn này?

 

 

 

Thiên Sơn tặng Mây một bức tranh, đúng hơn là một bức cưa lọng bằng gỗ thông mỏng độ nửa phân, dài rộng cỡ một tấm liễn dọc, hình hai đứa trẻ súng sính trong quần áo cổ truyền _ cô bé tóc đuôi gà áo tứ thân, cậu trai áo dài khăn đóng, hai đứa chung tay cầm một chùm đào.  Mây ngạc nhiên nó còn nhớ sở thích của Mây những ngày tháng mới vào đại học.  Thư Thiên Sơn không dài, chỉ nói bâng quơ nếp sống và một bức hình.  Nó ngồi một mình lọt thỏm trong ghế bành chỉ thấy chõm tóc, mặt hướng ra cửa sổ.  Mọi thứ trong bức hình như úa tàn héo hắt, chỉ khuôn cửa sổ hắt ánh nắng vàng rực rỡ - Sơn nói nhớ nhà.  Nhà, cái quê nhà ấy sáng rực như nắng hay chỉ là lòng yêu cuộc sống của Thiên Sơn chiếu lóng lánh rực rỡ lên tất cả những gì mà nó mến yêu?  Thiên Sơn nói hãy yêu đời, đừng bịn rịn cùng quá khứ.  Quá khứ, không phải đó chính là giọt nước mắt của Mây bây giờ trước mảnh lưng gò cam chịu của Má hay sao?  Mây buồn rầu nhận ra, dẫu Mây thật gần với Thiên Sơn trong tình bạn, đời của 2 người như cách nhau mấy đại dương.  Mây đã đi xa đi trước hết mấy quãng đời trong khi Thiên Sơn dường chỉ mới bắt đầu thực sống.

 

Mây ngậm ngùi.  Đã mấy năm rồi quẩn quanh chỉ toàn nỗi chết, của một người, rồi một người, lại người nữa, rồi sẽ đến một người…  Nhiều lúc Mây thấy mình lang thang nơi nghĩa trang cứ như là đi thăm cơ ngơi của tuổi già, cứ làm như chốn đó là chốn bình nguyên thảo mộc cho một phút tìm thư thái.  Dẫu thấy vô lý nhưng Mây không thể chối cái cảm nhận bình an mỗi khi đứng dưới vòm cây trong nghĩa trang nhìn ra bãi cỏ ngát xanh và những tấm bia đen ẩn hiện trên mặt cỏ, một nỗi bình yên không tên tuổi không nông sâu, nỗi bình yên trắng xóa như mây êm đềm như nước, nỗi bình yên như “đã có trước vô cùng, và hằng có, và đời đời chẳng cùng.”  Những lúc đó Mây nhớ tới những gì người ta bàn về cái chết -  hoặc nó là một đối nghịch của cái sống, hoặc nó như một đoạn tiếp nối trên sợi dây thời gian.  Có kẻ dỗ rằng người ta sinh ra chỉ để chết, và hùng hục sống.  Có ông hào sảng đòi đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, chả biết hết đêm rồi thì ông sẽ làm gì.  Nhưng cũng có người thầm lặng sống cái chết của chính mình tự những năm tháng thiếu thời mãi cho đến bây giờ, trong tuổi già bóng xế ngồi lặng bên khung cửa nhìn ánh trời với đôi tròng mờ đục chuyện nhân gian.  Mây đã từng mường tượng sự chết như từng hạt cát đỏ trộn với sự sống là những hạt xanh dương bên trong chiếc đồng hồ cát đều đều chầm chậm rớt hạt.  Xanh hay đỏ, rơi xuống rồi là hết.  Đến khi va vào khung cửa sổ mờ đục ấy  Mây đã ngạc nhiên rồi dần ngấm một nỗi đau lòng. 

 

Ở một khoảng nào đó trong cuộc sống, chúng ta mỗi người bắt đầu cái chết của mình dẫu ý thức hay không, dẫu quyết lòng hay không.  Những bước lạc loài của Mây trong nghĩa trang có phải là những bước khởi đầu cho cuộc chết?  Mây sẽ về ngự nơi đây hay tro cốt sẽ biến tan trong bọt nước?  Và Má, chỉ mới 5, 3 ngày vào chốn lạ Má dường đã mịt mờ quên hết mọi sân si phiền muộn, có phải Má đang bước vào khoảng sương núi chập chùng, tựa như K. của Đời Không Tâm Điểm?  Mây đau đớn nghĩ đến giấc mơ mấy năm trước, khi quì trước bàn thờ của Má.  Má, làm sao để con bước cùng Má những bước chân quờ quạng nhạt nhòa, để Má không phải cô đơn lạc vào sương núi?  Con muốn đi với Má chặng đường gian nan nhất của kiếp người, con muốn Má thanh thản bình yên biết có một tình thương quấn quyện chở che tựa những năm con mới ra đời Má đã quấn quyện chở che con.  Con có thể đổi điều gì để đi cùng Má đoạn đường này? 

 

Mây cầm lá thư ngắn của Thiên Sơn nằm hẳn xuống giường của Má.  Tấm nệm hơi trũng xuống theo sức nặng, nhưng chỗ Má nằm không còn dấu ấn của thân người cũ.  Mây muốn nói một lời cảm tạ cho tình bạn ân cần _ những sớm mai dậy khi Sơn gửi cho Mây một lời nhắn, khi đêm về một lời thăm hỏi trước giấc ngủ, cái tình nghĩ đến nhau đầu hôm cuối buổi làm ấm một cuộc đời gian nan, nhưng với Mây giờ đây mọi sự chỉ là sương núi _ mỗi giọt dẫu cay đắng dẫu mặn mà dẫu được lắng đọng hay bị quên lãng thờ ơ, tất cả đều chỉ mờ đục như khung cửa sổ của một người đã sớm cuộc khởi hành.  Bây giờ Má đã khởi hành và Mây cũng tiếp bước cuộc đi vào sương núi.

 

 

Lưu Na

07-21-2015

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 4766)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 4564)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
16 Tháng Mười 20235:20 CH(Xem: 5020)
Nắng lạc lõng nắng tàn trên hè phố / Chiều bơ vơ chiều té xuống sông / Tôi im lặng tôi ngồi nghe sóng vỗ / Đời vô thường nên có cũng như không
16 Tháng Mười 20235:01 CH(Xem: 5502)
phương đông có quê hương là mặt trời / phương tây có thành phố đầy cổ tích / gửi về nàng chìm đắm / thanh thản những đóa hoa mộc lan / thì thầm điều to nhỏ / trong khu vườn hoang dã / ngơ ngác như mây mưa…
16 Tháng Mười 20234:35 CH(Xem: 5205)
Bay đi từ cánh đồng nào thân cò của mẹ / Chắt chiu hạt gạo đồng tiền / Mười đứa con nhân lên mười lần thương khó / Một trăm ngã nhọc nhằn vạn nẻo đắng cay
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 4586)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4950)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 7179)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 6499)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4655)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi