- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

DI SẢN TRIỀU LÝ

14 Tháng Năm 20159:40 CH(Xem: 34396)



DiSanTrieuLy 1h

Kỷ niệm nghìn năm Thăng Long


C
húng tôi lên Thăng Long Tết Ất Mùi, mặt hồ Dâm Đàm mỏng như ý nghĩ khoa cử trong đầu Kiệt. Kinh sư đầu triều Lý mang sắc đẹp bán khai dữ dội của những cánh rừng bàng chưa phát quang. Kiệt hay đứng ở bờ nước, mắt dõi theo những cuống sen già trôi quả quyết về hướng Cấm Đình.

- Nay mai đỗ đầu tiến sĩ thì ngồi nhà mát ăn bát vàng.

Kiệt trỏ những kiệu sơn son thếp vàng đang che tàng lọng với vuông vải điều chấm đất. Khắp kinh sư hực lên màu huyết dụ bát ngát.

Đã quen với những kiệu có lốp, trở về Thăng Long chứng kiến người cáng, kẻ chễm chệ, khiến chúng tôi lạ lẫm. Trong trí não mỗi người dường như vang dội một câu hỏi: Chúng tôi thuộc thế kỷ nào và trở về từ đâu? Không ai nói ra nhưng tất cả cùng nghĩ mình thuộc ngày hôm qua và trở về từ quá khứ... Một kẻ muốn tin chúng tôi thuộc ngày mai và trở về từ tương lai. Một kẻ khác tán đồng rồi lần lượt cả nhóm tin như vậy. Kỳ lạ là câu chuyện đã không diễn ra bằng ngôn từ nào, không một phát âm, không một lời nói, nhưng chúng tôi đã giao tiếp với nhau như có thần giao cách cảm.

Trong nhóm, Kế Dân là một nhà văn đã ngừng viết. Anh chuyển sang kiếm sống bằng cách dọn những cỗ bàn thật thịnh soạn với thật ít thịt rừng. Thú, không làm nên bữa ăn. Con người tạo ra tất cả. Khi không tạo ra được gì nữa, nhai lại, thì con người xuống cấp thú. Kế Dân kể đã từng lột mặt nạ thú đội lốt thực khách bước chân vào hiệu Trảm Xà, cơ sở kinh doanh của vợ chồng anh. Chỉ chúng tôi hiểu, anh mang nỗi đau của một kẻ kiên nhẫn chưa thể về thăm quê quán. Chuyến trở về Thăng Long, Kế Dân không cùng đi, bởi lẽ anh tiêu tốn tất cả thời giờ cho những chảo gang mà anh tin đã bóc ra từng mặt người giữa váng dầu.

- Trở về với mục đích gì mới là điều đáng nói. Còn trở về để đi hát ả đào thì vất đi. Chúng ta không phải là lũ người ấy.

Chúng tôi giải thích cho anh biết bây giờ không còn ả đào nữa mà có những người mẫu cô đầu.

- Biết rồi, chuyện ấy là chuyện vặt. Anh gạt. Về để tìm gì và hãy cố mà tìm cho ra điều mình muốn. 

Kế Dân chúc chúng tôi đi may mắn. Anh tiễn nhóm ra tận cửa hiệu Trảm Xà. Trời rét, buốt, xám ẩm như linh hồn chúng tôi bấy lâu mối mọt vì chờ đợi một hy vọng nào đó mà chúng tôi biết chỉ có đất Đại Việt mới có thể cung ứng. Chúng tôi vẫy chào Kế Dân và với cả Vãng Sanh Đường. Hắn cũng không đi vì bận viết sách. Khảo cổ là công việc của sáng tác, triết học mới là tương lai. Vãng Sanh Đường khẳng quyết.

Chúng tôi, như thế, là những nhà khảo cổ.

 

oOo

 

Nhóm gồm có Giáng Hương, Thi Thi, Kinh Bang và tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết vì sao chúng tôi gặp nhau, trong hoàn cảnh nào của tổ quốc, giữa tình huống nào của đất nước. Tất cả đã thất lạc trên khắp cùng các lục địa rồi bất chợt hội tụ ở một thời điểm mà không ai xác định được niên lịch. Chỉ về đến Thăng Long, chúng tôi mới ngỡ ngàng khám phá ra đang ở triều Lý.

Buổi sáng áp Tết, đứng ở mặt hồ Dâm Đàm nhìn sóng khói uốn quanh cánh rừng bàng đang hắt xanh hực màu tím tái, chúng tôi vụt hiểu ra điều mình muốn. Không phải Kiệt, hắn chỉ là trung gian.

Kiệt nhìn chúng tôi dò xét. Chúng tôi cũng ngắm nhìn hắn. Đôi bên cùng nhận ra sự khác biệt không chỉ duy nhất ở nhân dáng nhưng vào đến tận đáy tâm hồn. Điều này có thể kiểm chứng qua chiếc bóng của Kiệt đã tiệp hẳn vào nước rêu giống như hắn đang trầm giữa hồ mà chiếc bóng của chúng tôi hãy còn tách bạch không chịu chìm xuống nước. Nhân ảnh của những kẻ trở về đã bị bứng rời ra vĩnh viễn, dù muốn, không bao giờ còn có thể hoà quyện với thiên nhiên xứ này. Chúng tôi như tự ghép vào một tấm ván quét sơn chống thấm.

Kiệt nổi tiếng qua sách vở. Hắn nổi danh như cồn một thời với một bài thơ Tân Hình thức mà toàn quốc ngâm i ỉ Nam quốc sơn hà nam đế cư…

- Chúng tôi muốn gặp một nhà thơ.

Thi Thi cất tiếng.

Kiệt phát lên cười ha hả. Tiếng cười của hắn sang sảng làm sóng mặt hồ. Chúng tôi sớm để ý giọng cười của hắn có khí lực làm lá trúc rụng lả tả. Mặt hồ sáng tối không ngừng phản chiếu tròng con ngươi của hắn cũng sáng tối, khi đồng tử mở tiếp thu mặt người, khi đồng tử khép khoá chặt mặt người. Tất cả trong một động tác liên hoàn làm chủ bản thân.

Lý Thường Kiệt tên cúng cơm Ngô Tuấn, người làng An Xá, huyện Quảng Đức, con của Sùng tiết Ngô An Ngữ, hộ khẩu phường Thái Hoà là một nhà thơ tinh thông võ nghệ. Kinh Bang nói nhỏ vào tai chúng tôi. Anh rất tinh xét người và xét cả linh hồn kẻ đối diện. Làm giáo sư kinh tế thì phải biết động cơ buôn bán. Mà động cơ buôn bán là cái phần cốt lõi nhất của con người, vì chỉ con người mới mua bán, loài động vật thì ăn thịt hoặc bị ăn thịt. Cuối cùng, con người là mục đích của văn chương. Làm một nhà văn, như thế phải am tường con người. Nhưng làm một nhà thơ đích thực rất khác với một nhà thơ thỏa hiệp.

Kinh Bang thì thầm.

Lý Thường Kiệt có khả năng thích ứng phi thường. Trong chiến tranh sống sót qua bao trận lao mác, đến thời bình đi buôn lò chạy sóng vi ba ở cửa khẩu Lạng Sơn, bị bắt vì nhập hàng lậu, hắn thản nhiên thi hành án rồi ra khám đỗ đầu vào trường viết văn Đinh Tiên Hoàng. Chúng tôi biết đang gặp Đối tượng Nhân dân của xứ này.

- Bây giờ thì chú làm gì?

Sau khi nghe Kiệt phô trương lý lịch, Thi Thi thắc mắc. Thi Thi hay thăm dò tâm hồn kẻ khác, mà theo cô, nếu là những tâm hồn nhạy cảm sẽ phát tín hiệu như tiếng kêu của phong linh trước gió.

Kiệt đáp, hắn đang học thêm ở đền Đồng Tước lấy bằng “C” Hoa ngữ.

- Tiếng Hoa gốc Trung-Việt khó mà dễ. Cứ thuộc lòng hai trăm khẩu hiệu Đổi Mới là nói được. Đi học để mà lập thân, vì đất nước này trọng văn hơn võ. Cứ nhìn lão tướng Lý Nam Khánh thì hiểu, mang quân hàm thống soái mà ngày ba buổi viết thư gửi Cấm Thành xin xét vụ Pháp Đình 2 lộng quyền không được giải quyết. Một chức quan võ không bằng mỏ quan văn.

Kiệt chắc lưỡi. Hắn thao thao về một vụ việc rắm rối giữa đám kiêu binh Lê Phụng Hiểu với phái bảo hoàng Lý Nhân Nghĩa nhưng chúng tôi không ai hiểu. Hắn nói bên Trung Quốc có Lý Liên Kiệt thì Đại Việt sẽ có Lý Thường Kiệt. Riềng mối xã hội này xây dựng trên chức phận khuyển mã, phải giẫm đạp lên nhau để mà tiến. Mai này hắn sẽ vào trại sáng tác Lý Thùy Trâm để tập viết truyện cực ngắn. Tốt nghiệp trường viết văn là nắm chắc cơ hội vào biên chế, ít nhất làm phó bí thư cho Lại bộ Thượng thư. Đất này trọng văn. Chẳng thế mà người ta gọi là Văn bằng tiến sĩ, Văn bằng bảng nhãn, Văn bằng thám hoa. Ở đời, học vị mua được, cái khó là được cánh Dương Thái hậu che chở.

- Nếu thi trượt thì sao? 

Giáng Hương ngắt lời. Giáng Hương tên thật Phan Chánh Tâm, nổi tiếng với truyện ngắn Bãi đất của Lisa, trực tính, lý trí và thực tế, từng có kinh nghiệm soạn giáo trình cho đại học Kha Luân Bố.

- Không đỗ vẫn có cách làm quan. Kiệt nhổ một bãi đờm.         

- Cách nào?

- Tự thiến chứ còn cách nào nữa! Làm quan hoạn vẫn cứ là quan mà lại được bổ dụng vào những chỗ tâm phúc. Thiếu gì những chức hoạn trong Khu Mật Sứ hái ra tiền: Chi hậu nội nhân, Chính thủ chi hậu, Liệt hầu... Cứ ra Quán Vũ Sư thì thấy, chúng xài bạc vạn.

Kiệt phả vào mặt chúng tôi tâm huyết của hắn muốn xông vào Cấm Đình rồi bỏ đi. Chúng tôi đứng chôn chân dưới tiết giáng xuân ở bờ hồ Dâm Đàm. Thảm mưa lưu ly chấp chới, óng ánh bay theo bước chân Kiệt ra đại lý dò vé số. Láng mưa rây rắc những hạt trong suốt làm ướt các gốc mai rụng những búp vàng. Xác hoa tan tác trên mặt nước sẫm màu đất. Có tiếng ngựa hí vang lừng và tiếng cồng chiêng điểm canh. Chúng tôi chứng kiến cảnh các thiếu nữ kinh kỳ cưỡi lân tìm khách. Lũ kỳ lân khà lửa mỗi khi các kiều nữ xoắn tai... Trong lòng lũ xa xứ lại vang vang câu hỏi: Có phải tạo hoá khiến mai phải tàn và Cấm Đình biến trí lực Bắc Hà thành những kỳ nữ đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên vụt nhận thức âm hộ mình đáng giá một lô đất?

 

oOo

 

Cửa hiệu bún chả Hàng Mành lọt thỏm giữa ngôi phố cổ. Đã mươi thế kỷ dân Bách Việt ăn bún chả. Đã hơn một tuần trôi qua chúng tôi lang bạt các phố Lê Hoàn, Hàm Tử Quan, Hàng Bạc, Hàng Khay, ngõ Gốc Khế đến phố Gia Ngư, phố Gầm Cầu vẫn không tìm ra điều mình muốn. Đi hết chùa Trăm Gian qua đến chùa Phật Tích, nhóm quyết định gặp lại Lý Thường Kiệt. Phải là một nhà thơ mới hiểu hết bí mật nhân loại và phải là một nhà thơ đất Đại Việt mới thấu đáo bí ẩn quốc gia.

Thi Thi ngắm những ống ngói nâu uốn lượn như một lớp vẩy rồng cũ kỹ, lợp bắt từ phố Hàng Bông qua phố Hàng Nón. Ở gần phía Lý Quốc Sư là hiệu bún chả. Chúng tôi hóng khói mỡ chó rưới lên thịt xiêng thơm ngào ngạt. Đất Thăng Long nổi tiếng về ẩm thực. “Siêu bẩn!”, Kiệt hất mặt, trong lúc Thi Thi phân chất khí quyển rồi mở ví lấy nước hoa chấm vào cánh mũi trước khi hôn phớt nhẹ lên sóng mũi của Giáng Hương. Giữa cả hai có một sự thông minh kín đáo và một tình ý thầm kín nào đó mà chúng tôi chưa biết. Nhóm chỉ có thể kiểm chứng hai thiếu phụ còn giữ nhân dáng thời trẻ. Thi Thi luôn đeo kính mát làm như cô muốn che chắn tình cảm đang bột phát. Giáng Hương mảnh khảnh như một nữ sinh còn ôm cặp sách. Ẩn sâu trong tâm trí, Giáng Hương biết thân thể mình ngưng phát triển, ở lại vĩnh viễn thời khắc cô đã đành đoạn ra đi. Thể xác cô tự bảo tồn từ khi rời Đại Việt và thôi tăng trưởng. Nhưng nếu cơ thể của Giáng Hương tiếp tục ở lại với tổ quốc, thì trí não của cô phình to bằng một vại nước. Cô có thể trút hết vào vại tất cả sách của thư viện Kha Luân Bố, có thể phân loại mọi thứ, thứ nào Hậu, thứ nào Tân, thứ nào sau Thời kỳ Thuộc địa hay Tân Bảo thủ. Giáng Hương chỉ bối rối trước thực phẩm. Cô chưa biết cách phân biệt miếng chả nướng ngâm trong bát nước mắm đang bày trước mắt là Tiền hiện đại hay Hậu hình thức. Tân Tự do hay Hậu Tự do.

Lý Thường Kiệt rất tinh ý, hắn cũng thấy cả hai kỳ lạ, không giống phụ nữ công tác ở cung Từ Hoa hay chăn tằm ở bến Nghi Tàm. Hắn lật qua lật lại miếng chả, thăm dò ý tứ. Kinh Bang quan sát rồi đột ngột kéo tất cả về một thực tế:

- Cái mùi gì thum thủm ở kinh sư cả tuần nay chưa hết?

- Không bao giờ hết!

Kiệt buông đủa. Hắn giải thích đó là mùi phân trâu Lý Công Uẩn khi chiếu dời đô đã đem từ chiến khu Hoa Lư về Thăng Long để tưởng nhớ nơi dấy nghiệp lớn. Đống phân trâu thờ cúng trong lăng, mấy lần cải tạo đô thị mà vẫn còn khắm xú uế.

- Phân trâu khi ở ngoài ruộng thì thấy thơm, về thành thối hoăng. Nhưng ngửi riết lại quen, đâm nghiện, không có không chịu được. Càng ngửi lâu, càng thấy đậm đà bản sắc dân tộc.

Kiệt khịt mũi. Chúng tôi nhìn hắn đơm bún, trong lòng mỗi người đều nôn nao chờ đợi hắn nói về di sản cao quý nhất của Đại Việt. Di sản mà chúng tôi biết đã có, đã từng hiện diện trước khi biến mất trong tao loạn. Mảnh đất thần linh này đang cất dấu di sản ấy, nhưng không ai biết ở đâu, là vật gì.

Chúng tôi tiếp tục ngắm mâm húng cây xanh mướt, điểm vài lá tía tô tím rập rờn. Đĩa rau sống mượt mà. Kiệt khạc một bãi đờm.

- Sáng nay quân Tống giết hại bừa bãi ngư dân gần đảo Hải Nam, hạ đặt cần câu trái phép. Mai này Đại Việt sẽ khởi binh phạt Tống đánh lấy Ung châu cho Thiên triều nể mặt!

Kiệt vỗ ngực, giọng hắn rắn, có chất thép.

- Lấy cái gì phạt Tống? Nội lực ở đâu?

Kinh Bang vặn. Anh ưa tra vấn những vấn đề lịch sử, văn hoá và luôn luôn hoài nghi sức mạnh của Đại Việt.

Kiệt gắp ớt, trả lời:

- Lấy chí nhân thay cường đạo, lấy đại nghĩa để thắng hung tàn. Đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông…

- Đấy là thơ Nguyễn Trãi không phải thời này.

Kinh Bang cắt. Với anh, chuyện văn hoá phải có trước, có sau, có ngọn ngành. Triều Lý, triều Trần rồi mới tới thời Hồ Quý Ly, Lê Lợi, Lê Chiêu Thống… không thể một bước tiến lên Chuyên chính Tập trung.

Kiệt nhún vai:

- Thời tin học, Bình Ngô Đại Cáo cứ lên chợ giời mà chép. Thơ văn cái gì không đúc đồng được ở phường Đúc thì khắc bản ở ngoài. Chả việc gì khó.

- Nhưng làm sao sống ở thời Lý mà chú biết những thông tin thời Lê?

Thi Thi đã cất ve nước hoa vào ví. Cô trở nên chăm chú. Từ khi sanh con, cô chú ý đến lịch sử và sợ hãi lịch sử sẽ bắt kịp con trai mình. Cô cố gắng theo dõi từng bước đi của các triều đại để tránh tai hoạ.

- Thời gian có chuẩn không? Gọi là thời Lý thì là thời Lý, xem là thời Lê mạt thì sẽ thành thời Lê mạt. Cái niên biểu ấy do Cấm Đình đặt ra, còn thông tin chúng vẫn cứ luân lưu trong thế giới bất kể cái nước Đại Việt này nó đứng ở đâu trong cột mốc thời gian địa phương nào. Như cái thành Thăng Long này hôm qua còn mang tên thành Đại La. Như cái thành Hồ Quý Ly rồi sẽ trở lại tên Gia Định. Hôm nay Đại Việt, ngày mai Tiểu Việt, ngày mốt Đại Cồ Việt rồi ngày kia sẽ lại là Đại Nam hay Tiểu Nam, lúc nào cũng đi sau thế giới mười kỷ mà thông tin là do thế giới vận chuyển. Tôi nói thế có đúng không? Cái quan trọng là con người sinh sống dưới cái niên biểu ấy ý thức thân phận mình giữa vũ trụ. Như tôi ý thức mình là một nhà thơ thì nhiệm vụ của tôi là làm ra thơ xuôi. Để kiếm sống tôi chạy mối tiếp thị bán tôm xú cho đền Vạn Kiếp. Để tiến thân tôi đi học trường viết văn Đinh Tiên Hoàng. Để nổi tiếng tôi khuyến mãi thơ trên chợ giời. Có gì nghịch ý thiên tử hay có gì nghịch với đạo lý làm người?

Kiệt giải thích. Hắn nhìn chúng tôi chằm chằm. Tay này có sĩ khí, không phải loại thường. Kinh Bang thần giao cách cảm với nhóm và chúng tôi công nhận với Kiệt thời gian trên mảnh đất Rồng biến ảo, giống một trò phù phép. Kiệt lùa cạn tô bún:

- Không phải phù phép. Bôi tro trát trấu diễn tuồng. Một trò phường tuồng. Các anh chị phải sống ở đây thì mới hiểu thế nào là phường tuồng. Chúng tôi diễn mỗi ngày. Thằng viết kịch bản rồi sắm vai chánh, thằng học kịch bản rồi đóng vai phụ. Cả cái đất này là một sân khấu. Đừng nói chuyện phù phép, không phép tắc gì ở cái xứ này.

- Chú này khá!

Kinh Bang vỗ tay. Chúng tôi bắt đầu kích động. Giáng Hương kêu phục vụ hâm các siêu Qui Lộc tửu, rồi phân tích:

- Thời gian có chuẩn và là một đường thẳng tiệm tiến. Chỉ lịch sử trên đất nước này thiếu trật tự. Sẽ không có một lịch sử ngay thẳng ngày nào chưa có yêu cầu trật tự. Nhu cầu rồi sẽ đến. Nhưng điều chúng tôi muốn biết, là di sản thiêng liêng quý giá nhất của quốc gia này có không, là gì, ở đâu và ai cất giữ? Không di sản thì trật tự nào rồi cũng sụp đổ vì xây dựng trên khoảng trống thiếu bền vững. Có thể tôi nói sai, nhưng các anh ở đây, là những nhà thơ có khát vọng cá nhân nhưng ít khát vọng tập thể. Các anh diễn tuồng Di Sản mà không bao giờ đi tìm phần tinh túy nhất của vở tuồng. Nhiều kịch bản không nội dung là một cuộc đời không ý nghĩa.

Giáng Hương cạn chén.

Kiệt nhìn đăm đăm những lá thế kỳ cắm đỏ phố Hàng Mành như đang ngắm một nhà quàn. Các gốc thế kỳ thẳng đứng, buông từng tấm đoạn đỏ máu. Những tấm vải không động đậy như muốn chứng minh một sự hiện diện bất di bất dịch đời đời vĩnh viễn. Tại sao triều Lý lại chọn biểu tượng của máu làm quốc kỳ? Chúng tôi nhìn nhau, da dẻ của mỗi người đã vàng kệch dưới bóng nắng chiều.

Gương mặt Lý Thường Kiệt cháy phừng phừng. Hắn tưới liên tục hết chung này sang chung khác, rồi nhìn Giáng Hương lừ lừ như muốn giao cấu tức khắc. Chúng tôi chờ đợi hắn nói về di sản, nhưng Kiệt phát biểu về xã hội hắn đang sinh sống.

- Chị chưa hiểu tôi và xứ sở này, một xã hội định hướng Hán-Nôm. Tại sao gọi chợ Đồng Xuân định hướng Hán-Nôm? Vì Hán ở mặt tư tưởng, Nôm ở con người lao động, nai lưng ra mà phục vụ. Ở các châu huyện đã bắt đầu bầu đại biểu thi đua xét việc nước. Thi đua có nghĩa là do các quan cửu phẩm của Cấm Đình trao giải. Nhà thơ chúng tôi làm được gì? Các anh chị ở ngoài không bài tiết mồ hôi mà cứ hay phê phán. Đất nước này là một, dân tộc này là một. Với một kịch bản duy nhất thì chỉ có thể có một nội dung duy nhất. Các anh chị muốn đi tìm di sản cao quý nhất của Đại Việt thì tôi sẽ kể. Nhưng các anh chị sẽ không tìm ra và sẽ gặp nguy hiểm như chúng tôi đã từng gặp nguy hiểm. Các nhà thơ ở đây, bây giờ không ai còn dám đi tìm di sản cao quý nhất nữa, rồi sẽ đến phiên các anh chị. Chưa cắm sào chưa biết nông sâu. Cấm Đình sâu lắm. Trải qua nội chiến sứ quân, nó đã trở thành một viện bảo tàng và không ai phá viện bảo tàng.

- Nó chứa gì trong ấy?

- Con cái cửu phẩm, thượng phẩm phụng ngự, tể tướng và xác thiên tử.

- Chỉ có chừng ấy?

- Không. Còn có cả ấn phong vương của Tống triều và hoạn quan. Nhưng vấn đề không ở lũ quan hoạn. Triều nào quan ấy, thời hoạn quan hoạn. Vấn đề là không còn ai biết đến di sản có thật của tổ tiên để lại. Tất cả đã bị bôi xoá. Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người, đã gần một thiên niên kỷ, bách tính bây giờ ngu muội. Quần chúng tiêu xài những giá trị giả, từ lịch sử đến văn học, mà cứ tưởng hàng thật. Chỉ những nhà thơ, với độ nhậy bẩm sinh, với khả năng tiên tri quá khứ, mới linh cảm đã hiện diện một thứ trân quý từ ngàn xưa, nhưng không ai dám đi tìm. Bi kịch của nước này là chứng liệt háng tập thể!

Kiệt kêu thêm Hà Nàm tửu. Hắn phân đều những bào thai nhím. Kiệt nói oang oang ở Trung quốc ngâm thai nhi nhưng ở Đại Việt tất cả đều là hàng nhái, cứ uống không sợ mất nhân bản. Hắn mời rượu, chúng tôi cạn thêm chung nữa. Rồi thêm chung nữa. Rồi lại chung nữa, đến khi siêu đất không còn tiếng động. Kiệt ụa khan. Giọng hắn đã ngà nhưng vẫn ngạo.

- Con người rất giống siêu đất, cứ im lặng mãi đến một lúc sẽ khô cạn không còn ích lợi gì nữa. Các nhà thơ lớn bây giờ phát biểu thoải mái ngoài tửu quán nhưng không viết ra giấy. Thép đã tôi thế đấy. Các anh chị muốn tìm di sản thì hãy tìm đi, hãy cố mà giành giật.

Giáng Hương không úp chén, kêu thêm Hà Nàm tửu, rồi bật diêm đốt cho đến khi cồn cháy hết chỉ còn lại những lá nhau tím bầm. Giáng Hương đợi cho ánh lửa tắt ngấm rồi mới nhìn Kiệt:

- Làm nhà thơ, các anh chỉ biết uống rượu đế ngâm thai nhi mạo hoá. Thép đã tôi thế đấy ― phải hiểu là tự ti hay tự tôn? Đừng tránh né vấn đề, chúng tôi trở về đây với tấm lòng ngay thẳng và với một niềm tin: Muốn gìn giữ rồi phát triển Đại Việt thì phải tìm ra di sản. Nhưng muốn giữ phải biết mình có gì để giữ, muốn phát triển phải biết mình có gì để phát triển. Phá Tống đời nay các anh không thể dùng nỏ thần của An Dương Vương, di sản của tổ phụ chắc chắn phải hiệu quả hơn một món võ khí. Di sản chỉ có thể là văn hoá vì văn hoá là hạt giống nhân cách mà nhân cách không thể là một hành động giết người. An Dương Vương thuở xưa, phá xâm lược bằng cách giết xâm lược rồi thất bại, thời nay chung sống với xâm lược, các anh phải biết phá xâm lược bằng văn hoá. Chúng tôi mang máu mủ trở về để cùng đi tìm. Có hay không di sản? Có hay không ước muốn cùng đi tìm với những kẻ đã bị phát vãng? Tôi nói lời thật: Chúng tôi trở về với lòng yêu nước ngang bằng các anh.

Giáng Hương kết thúc, hay đúng hơn mở đầu điều tất cả chúng tôi muốn nói. Đôi mắt cô óng ánh, lấp lánh hoài bão. Lý Thường Kiệt im lặng. Đồng tử giữa tròng mắt hắn đã kín chật mặt người. Chúng tôi không ai lên tiếng nhưng cùng giao cảm vì đã hiểu, đã đến lúc phải tra vấn định mệnh, tra vấn những con người giành đất hương hỏa. Chúng tôi mang trong mình dòng máu Đại Việt và có quyền kế thừa di sản. Chúng tôi là những nhánh sông Tô Lịch, Nhị Hà vẫn chảy chan chứa trên mảnh đất này.

 

oOo

 

Tuyên phi Đặng Thị Huệ mang sắc đẹp của Ỷ Lan sáu trăm năm trước, sắc đẹp của hồ Dâm Đàm nuốt mặt trăng rằm và kết bằng những lá trúc sắc dao. Giống Linh Nhân thái hậu, Huệ đẹp như một giòng suối. Khác Linh Nhân thái hậu, Huệ ác như những lượn sóng ngầm. Những đêm ân ái trên lầu Tử Các, Huệ nói với Trịnh Sâm: Hãy nuốt lưỡi tôi vì sau này bọn chúng sẽ cắt. Chỉ một câu nói của Huệ làm Tĩnh Đô Vương đảo điên và hành xử như một kẻ điên. Trịnh Sâm xuống chiếu giết hết bọn Lê Duy Vỹ, Lê Duy Mật và lớp nho sĩ Bắc Hà chống đối. Canh thâu váng tiếng cười đắc thắng của Huệ biết mình được sũng ái. Sử chép: Đặng Thị Huệ mang sắc đẹp hớp hồn của mùa xuân trên đất Bắc tráng những lớp mưa mỏng như làn hơi thở ẩm bên trong lồng ngực dưới yếm đào của một thiếu nữ bán thân. 

Thi Thi gấp sách:

- Đại Việt Sử ký Toàn thư, bản kỉ thực lục.

Nhóm quyết đinh đi tìm di sản ở kỷ nhà Lê. Vì chúng tôi cùng nghi hoặc Lý Thường Kiệt chúng tôi gặp là một Lý Thường Kiệt giả, ngay cả triều Lý trước mặt cũng là một triều Lý giả. Phải quay về thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh để hiểu chuyện gì xảy ra trong nội chiến và vì đâu di sản biến mất. Nhóm ngắm đền Voi Phục lần chót trước khi ra phố Kim Mã đón xe thổ mộ vào Thuận Hóa. Kinh sư đang rầm rộ đón Tống Khiết Trì. Những tấm đoạn đỏ thêu sáu vì sao phất cao như sức hãnh tiến của một triều đại man trá.

 

Phụ Lục Di sản

Điều 88 bộ Hình nghiêm cấm với khung hình phạt khổ sai cho những ai tìm kiếm Trái tim của Lạc Long Quân, Bút Tả Thanh thiên và Nhật ký Chu Văn An.

1. Theo truyền thuyết, ngày năm mươi con lên núi và năm mươi con xuống biển, Lạc Long Quân đã đau đớn vì các con đánh lẫn nhau, thù hằn mãi mãi. Tổ phụ tức uất vì đại tộc tan nát, quyết định tự mổ ngực để tìm cái chết vì cuộc sống trên mảnh đất Rồng không còn ý nghĩa. Trước xác Âu Cơ, Lạc Long Quân tự móc tim rồi chôn xuống đất với lời nguyền: Sau này kẻ nào tìm lại trái tim của Cha, đem áp vào lồng ngực, mới hóa giải oán thù.

 

2. Khi Trịnh Kiểm muốn giết Nguyễn Hoàng, thì bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, thụy là Tử Nghi, tức chị ruột của Nguyễn Hoàng và là thứ phi của Trịnh Kiểm, đã van xin chúa Trịnh đừng giết em trai mình. Trịnh Kiểm quyết định phát vãng Nguyễn Hoàng vào Ái Tử là đất hung hiểm chưa bình định. Trước khi đi, Nguyễn Hoàng đến gặp Trạng Trình xin một lời khuyên. Nguyễn Bỉnh Khiêm dùng bút Tả Thanh thiên viết tám chữ Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân rồi trao bút: Hãy cầm lấy bút này để viết lên lịch sử Đàng Trong. Nhưng phải nhớ, bút Tả Thanh thiên chỉ viết ra sự thật và viết lên sự thật, nếu gian dối, sẽ không một chữ nào hiện ra. Nguyễn Hoàng cúi lạy rồi về kể lại cho chị. Bà Ngọc Bảo nghe chuyện, tự cắt tay mình rồi hứng máu nói với em trai: Hãy dùng máu của chị mà viết lên lịch sử xứ Đàng Trong và sau này khi chiến tranh với Đàng Ngoài, phải nhớ là đánh nhau với những người cùng huyết thống, cùng máu mủ với chị mình. Bút Tả Thanh thiên viết lên lịch sử triều Nguyễn cho đến khi thất lạc rơi vào tay chúa Nguyễn Khánh rồi chúa Nguyễn Văn Thiệu. Tháng 3-1975, khi xâm lược của Đàng Ngoài bộc phát dữ dội, trong tuyệt vọng, Nguyễn Văn Thiệu vụt nhớ đến di chỉ của Nguyễn Hoàng truyền cho con cháu: Sau này khi chiến tranh với Đàng Ngoài, phải biết quy hàng để tránh máu đổ một nhà. Chính di chỉ ấy đã khiến Nguyễn Văn Thiệu quyết định triệt thoái cao nguyên Trung phần đưa đến tan vỡ. Bút Tả Thanh Thiên tuyệt tích cho đến lúc một nhà văn tìm được, đem đi vượt biên rồi bị hải tặc Thái Lan cướp mất.

 

3. Hiệu Tiều Ẩn 樵隱, tên chữ là Linh Triệt 靈澤, Chu Văn An là vị thầy tiết tháo của tất cả môn sinh Đại Việt. Nhật ký ghi chép minh bạch tất cả thối nát cùng xấu xa gian tà của bảy nịnh thần mà Chu Văn An dâng biểu xin chém. Không duy nhất liệt kê xiểm nịnh mà Chu Văn An còn ghi lại những mật ước, nghị hòa, xin cắt đất của triều Trần Dụ Tông để nhận tước phong của Bắc triều. 

 

Cả ba di sản trên, tin đồn di sản thứ nhất đã dâng cho Tống triều, di sản thứ hai đã bán cho Hàn quốc, còn di sản thứ ba trong tay Tuyên giáo. 

 

Trần Vũ

Áp Tết Ất Mùi

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 65720)
Đ àn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 54204)
N guyễn Phi Khanh sinh năm 1355 và mất năm 1428[1] (có thuyết nói ông sinh năm 1336, mất năm 1408[2]), quê ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây (có thuyết nói ông còn có quê thứ hai ở Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương). Ông tên thật là Nguyễn Ứng Long, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ tướng. Nhưng ông lại là người say mê văn chương...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 63403)
Tôi chìm vào một giấc mơ, giấc mơ có những sợi dây bé xíu đan vào nhau thành những mắt lưới. Tôi đi tìm một thế giới, nỗi đau oán thù bị xóa bỏ, chỉ còn tôi với thế giới ấy.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 60098)
B ài này được viết theo lời yêu cầu của một số người trẻ trong đó nhiều người là sinh viên đại học nhằm bổ khuyết cho sự hiểu biết của anh chị em này nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung về vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn nhân dịp 100 năm năm sinh của ông cũng như về một giai đoạn lịch sử có quá nhiều góc tối hay góc khuất, luôn cả oan khuất và cũng nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ 2013 ...
06 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 70190)
Bây giờ đã bước sang một ngày khác một ngày như và không như mọi ngày không còn nợ nần nào để tính sổ không còn niềm vui nào để cho đi hay giữ lại nỗi buồn...
11 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 93503)
Cuộc Họp Báo Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền - 10/12/2012
10 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 90888)
S au hơn ba mươi năm kết thúc chiến tranh, những đề tài về chiến tranh dường như cũng biến mất trên văn đàn chính thống Việt Nam. Chúng đã đầu thai kiếp khác hoặc tìm cách trốn ra nước ngoài. Ngồi hong váy ướt, tập truyện mới nhất của Võ Thị Hảo hội đủ hai yếu tố: đầu thai kiếp khác mà vẫn phải chạy ra nước ngoài, tháng 7 năm 2012, tủ sách Thi Văn Hồng Lĩnh của Bùi Xuân Quang ở Paris, xuất bản.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 94697)
Một trong những vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những giải thích về vấn đề này. Người cho rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ [no longer be rational] nữa trước áp lực Mỹ. (1) Người cho rằng họ Ngô chỉ muốn blackmail hay chơi một ván bài poker với Mỹ. (2) Người cho rằng họ Ngô thực sự muốn nói chuyện với miền Bắc, (3) và nếu không có cuộc đảo chính 1/11/1963, Cộng Sản đã chiếm miền Nam vào cuối năm 1963.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 93405)
Cuối năm 1961, đầu năm 1962, các viên chức VNCH liên tục thúc dục Pháp can thiệp và yểm trợ. Ngày 21/12/1961, Đại sứ Phạm Khắc Hy gửi thư cho Charles Lucet, ngỏ ý muốn liên lạc với Pháp. Hơn nửa tháng sau, ngày 7/1/1962, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu gặp đại diện Pháp, xác nhận ý muốn liên lạc. Trương Vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc Hội, cũng tiết lộ với giới ngoại giao Pháp ở Sài Gòn là Nhu muốn Pháp tái khẳng định lập trường, vì Sài Gòn có cảm tưởng Paris đang nghiêng dần về phía Hà Nội.( 152)
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 98775)
Phần II II. NHỮNG THẾ LỰC CHI PHỐI BÊN NGOÀI: Chính sách hòa hoãn Mỹ-Nga, cộng với sự va chạm cá nhân với các viên chức Mỹ, cũng khiến họ Ngô tìm cách nới rộng hơn sự kềm tỏa của Mỹ. Phong trào chính trị đang lên trong thời điểm này là phi-liên-kết, và trung lập trong cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Nga, do Pháp và India đi hàng đầu. Ngoài ra, Trung Cộng thường tuyên bố theo đuổi chính sách “sống chung hòa bình” [peaceful co-existence], trong khi Mao đưa ra “thuyết” Thế Giới Thứ Ba, tức thế giới của các nước nghèo và cách mạng giải phóng khỏi ảnh hưởng các cường quốc.