- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐÔI MẮT THỜI CHIẾN

12 Tháng Tư 20154:32 SA(Xem: 33272)
KyUc Thang Tu- ltt
Ký ức tháng 4-tranh Lê Thánh Thư







           Trên Tất Cả Những Đỉnh Cao Là Bình Yên-Goethe     

 

Người đạp xe thồ rướn sức lăn bánh xe lên đoạn dốc con đường đầy đá dăm và bụi.  Ông có dáng người cao to với nước da đen sạm, tuổi quá ba mươi, à không, bốn mươi. Tại đỉnh dốc, có lẽ thấm mệt, ông tạt vào quán mì Quảng ven đường. Quán nghe có vẻ thậm xưng, thạt ra chỉ có cái tủ đóng bằng tre củ kỹ cùng tấm lưới che bụi đường, bên trong ngất ngưởng những sợi mì vàng to bản. Chiếc nón lá rộng vành sùm sụp vẫn không giấu được khuôn mặt thông minh nhưng có vẻ mệt mỏi vì thiếu ăn. Chị chủ quán (kiêm chạy bàn) chăm chăm, tò mò nhìn xoáy vào khuôn mặt ấy. Có lẽ, từ khi mở quán đến giờ, không ai ăn nhanh như ông ta.

          Bất ngờ, chị đến gần la lớn. Chào, ông thiếu úy đồn trưởng. Người xe thồ giựt mình sém phun cọng mì, mắt nhìn lấm la lấm lét xung quanh. Tám năm trong tù ra, giờ mới có người gọi ông là thiếu úy. Lạy chị, đừng gọi tôi như rứa. Tôi mới được…từ trại cải tạo về…trả quyền công dân thôi. Bữa ni đạp xe kiếm cơm qua ngày. Ủa, mà sao chị ra nông nổi ni, phải bán mì. Tôi tưởng sau bảy lăm chị phải làm ông này bà nọ chứ. Chiến tranh mà ông. Chị thở dài.

Tất cả đều bắt đầu từ cái ngày…     

Bốn giờ chiều, một ngày oi nồng, tháng bức, năm 1973 tại tỉnh lỵ Quảng Tín miền Trung, chiếc trực thăng UH1 hùng hổ cất cánh đưa chàng thiếu úy trở lại cứ điểm 248 Đồi Tranh, Hiệp Đức. Dõi mắt xuống mặt đất, cứ mỗi lần ra trận, chàng như muốn nuốt vào trong lòng tất cả những gì thuộc về chốn thị thành tưởng chừng bình yên kia. Thời chiến, mọi thứ đều vội vã như đường đạn, kể cả cái chết. Cuối tầm mắt, loang loáng những ngôi mộ sơn trắng. Chàng cố nhìn xem nấm mộ nào là của mẹ. Ba ngày trước, chính chiếc trực thăng này vội vã đưa thiếu úy về nhà dự đám tang. Trước khi mất, mẹ thều thào, sao chưa thấy thằng út về. Bà vẫn chờ con với ánh mắt tha thiết dịu vợi.

          Vội vã trở về, vội vã hành quân.

          Bốn giờ sáng. Đặt chiếc áo giáp lên người, xốc lại cây súng colt 45 trễ nải bên hông, với chiếc nón sắt, thiếu úy lom khom bước ra khỏi hầm. Toàn đại đội rì rầm cầu nguyện. Ai cũng đem đấng tối cao ra để mặc cả cuộc đời trong canh bạc chiến tranh. Họ âm thầm hành quân tiến về làng Việt Cộng nơi giáp ranh giữa vùng đất quốc gia và cộng  sản. Tia nắng mặt trời vẫn chưa ló dạng. Trời đen kịt. Rừng lồ ô dài ngoằng đang ngả nghiêng như mạng giăng bẫy con người. Trong cuộc chiến này, ai bẫy ai, hay tự ta bẫy mình? Đi cứ đi. Khi về, mới biết mình còn sống. Vô số cành củi mục phát ánh lân tinh như nhảy múa, dẫn đường đoàn quân. Văng vẳng tiếng ồng ộc từ những chú tắc kè bị đánh thức sớm. Chàng thiếu úy đi cùng một trung đội sau chót. Không ai hành quân theo lối mòn cả. Trung đội dẫn đường gắng chặt hết các nhánh cây, đủ tạo lối cho một người len lỏi. Người sau nối tiếp theo ba lô người trước, cứ thế mà đi.

          Cảnh vật trong rừng bình yên quá. Càng im ắng, càng đáng sợ hơn. Mỗi khi vừa hành quân, nghe tiếng súng bắn tỉa từ xa, biết chắc rằng có quân chính qui Bắc Việt. Có vậy, du kích quân mới dám ra oai. Còn im lặng : Một, quân chính qui đã rút. Hai, coi chừng đi vào ổ phục kích. Thực ra hành quân chẳng có gì bí mật. Đôi khi mở đầu pháo 165 ly nã như mưa, như cảnh báo mấy ông Bắc Việt, quân lực VNCH đi đấy. Lỡ đi đầu ngọn gió, mùi thơm áo lính đã giặt ủi dưới tỉnh lỵ cũng vô tình làm du kích quân trốn nhanh.

          Mới bảy tháng trước thôi, chàng thiếu úy còn lạ nước lạ cái bị đẩy về miền Trung, cái xứ khỉ gió, chó ăn đá gà ăn muối. Nơi này nắng nóng oi bức nhất và giao tranh ác liệt nhất ở Việt Nam. Cuộc chiến ở miền Nam đã leo đến đỉnh dốc. Mùa hè đỏ lửa năm bảy hai, cứ điểm Charlie, Đại Lộc Quảng Nam, Bình Giã… những cái tên hư vô, giờ đây, đầy ám ảnh những máu, xác người, hồn ma vất vưởng đi trong chiều hoang. Những cuộc hành quân ấy không biết có đem lại bình an, hay thêm vài người lính tử vong. Lần đầu ra trận, nếm mùi bắn tỉa, Chàng chạy bán sống bán chết bên gốc cây trầu. Biệt danh chuẩn úy trầu có từ dạo ấy. Chỉ vài trận giao chiến, chàng trở nên lạnh lùng, ngạo đời hơn cùng mùi súng đạn. Những ngày đói khát, đêm ngủ bên xác người trong rừng đã làm tâm hồn người lính thêm giông bão. Chiến tranh. Chàng đã bị cuốn hút vào cuộc chiến dù chàng khinh khỉnh hai từ đó.

          Tám giờ sáng. Thấp thoáng hàng cây hóp (họ với cây tre) từ xa cùng những đường giao thông hào bọc quanh làng. Hào rộng chừng hai mét, đầy những hàm ếch. Làng nghèo quá. Những ngôi nhà - đúng hơn những túp lều - mái tranh, vách cũng bằng tranh. Nền nhà đất sét pha than pin đen sì. Đen đến nỗi khó mà biết đâu là đất đâu là nền nhà. Ngoài sân, cỏ hoang xanh rờn mọc ngang lối, đan xen những cây ớt chỉ thiên (do chim ỉa) đỏ lè. Một chốn bình yên, tưởng chừng như ở một đất nước khác, chứ không phải một Việt Nam điêu linh.

          Tiến vào làng, chàng thiếu úy dặn dò kỹ lính không nên đụng vào bất cứ ổ trứng, con gà nào. Không phải sợ mang tiếng xấu, mà Việt cộng đã gài mìn hết. Đó chỉ là cái bẫy chết người. Chú gà nào cũng gắn sợi dây dài vài mét vào ổ. Tay nào tham ăn mà đụng vào. Gà chạy, dây căng, mìn nổ. Người chết nhưng gà vẫn sống trơ.

Đặt một chân vào nhà, thiếu úy hơi sững người. Một thiếu phụ áng chừng bốn mươi hoặc trẻ hơn. Thời loạn lạc khó đoán tuổi. Đôi mắt sắc, sắc lắm, giống như mắt của mẹ chàng. Chào ông thiếu úy đồn trưởng. Coi bộ mấy tay lính vào trước đã cho chị biết. Sao nhà vắng thế này. Chết hết rồi ông thiếu úy. Chiến tranh mà…Chị hay đệm ba chữ “chiến tranh mà” một cách dửng dưng.

          Chàng lặng lẽ quan sát đôi mắt ấy. Đôi mắt không tỏ gì sợ hãi. Dù chị đang trong vòng vây hơn mười người lính. Cũng đúng thôi, làng của chị mà. Đồ hộp ngon quá. Chị cười. Từ sáng đến giờ, mới thấy chị vui. Ông thiếu úy cho tui thêm vài hộp. Chàng hơi chột dạ. Nhà này không thể chỉ mình chị…

          Chàng nghỉ trưa trên bộ phản giữa nhà. Cả tiểu đội vây quanh. Chị chủ nhà lặng lẽ ở nhà sau. Mi mắt chàng hơi nặng trĩu vì sáng nay thức dậy sớm. Bất chợt, chàng cảm thấy ớn lạnh, như có luồng điện chạy dọc sống lưng. Một đôi mắt sắc lẹm nhìn thẳng vào chàng, rồi liếc vội ra ngoài, thì thào…nguy hiểm. Chàng giật mình, ào ngay ra sân. Chỉ vài giây sau, một bóng áo đen thoát ra từ dưới bộ phản. Chớp. Sáng lòe, lựu đạn nổ. Chiếc phản thủng lỗ chỗ. Hình như mìn tự tạo nên chẳng ai bị thương. Hai cây đại liên phục sẵn ngoài sân thi nhau khạc lửa. Áo đen gục ngã ngay sân. Bất động nhưng còn hơi thở. Ngang thắt lưng lỏng khỏng cái xà cột và khẩu súng K54.

          Nắp hầm bí mật mở toang hoang ngay dưới bộ phản. Chàng vừa ngả mình trên cái chết mà không hay. Tiểu đội lính tràn vào nhà lần nữa. Hầm trống trơn. Chàng bước vào, tay phải đặt hờ lên khẩu súng ngắn. Chị chủ nhà ngồi bệt bất động trên sàn nhà bếp. Ánh mắt vẻ sợ hãi và đau đớn. Chàng tiến đến gần, chị lết thụt lùi vô góc bếp. Một người lính kéo chị ra gần hầm bí mật. Mười ngón tay cày nát nền nhà thành mười đường thẳng. Chàng bình thản hỏi. Chị đánh thức tôi phải không. Chị im lặng. Đầu hơi cúi thấp như đồng ý. Mắt chớp rồi nhìn xuống. Có lẽ sợ tai vách mạch rừng hay cứng lưỡi. Anh lính truyền tin chen vào. Bả nói láo thiếu úy ơi. Tui thấy bả ở dưới bếp, chứ có lên nhà trên đâu mà báo động với báo thức. Để em. Anh lính truyền tin kéo cơ bẩm cái rốp, đặt nòng súng lên thái dương chủ nhà.

Thôi, chuẩn bị rút quân. Chàng ra lệnh. Người ta phụ nữ chẳng có tấc sắt trong tay, chẳng chống đối, giết làm gì. Bắt được một tù binh và khẩu súng, vậy ngon cơm rồi. Anh lính hậm hực. Phí mấy lon đồ hộp quá thiếu úy. Tiếng cánh quạt phành phạch của trực thăng ồn ào bên kia lũy hóp. Quả pháo sáng đỏ bùng lên làm điểm báo hạ cánh. Anh lính lại càm ràm. Mẹ, tù binh vậy mà sướng, đi trực thăng, còn tụi này phải cuốc bộ băng rừng bốn tiếng nữa.

​          Vừa ra khỏi làng, chàng nghe văng vẳng một tiếng hú dài rùng rợn thê thảm. Tiếng hú tràn xuống thung lũng, xuyên qua rừng đại ngàn thăm thẳm. Tiếng hú kèm theo tiếng nấc. Đúng, tiếng hú của tui. Chị bán mì tiếp tục câu chuyện đang dang dở. Tiếng hú báo mọi người đang ẩn nấp biết quân đội Sài Gòn đã rút lui. Chị thoáng mừng vì thoát chết, nhưng chẳng biết vết thương của anh có nặng không, rồi về vùng quốc gia, biết ngày nào gặp lại…

​          Chuyện của anh.

​          Anh bị đa chấn thương. Gãy hai chân, thủng bụng, nát nhiều xương sườn. Sơ cứu xong, máy bay đưa anh thẳng về tỉnh lỵ, rồi dông thẳng ra quân y viện Đà Nẳng. Tỉnh giấc, anh ngơ ngác trong căn phòng trắng lạnh. Anh đòi về. Cô y tá ngạc nhiên.  Anh tù binh lại bị trọng thương, làm sao mà về. Anh nói sứ mệnh của anh phải đánh “Mỹ cút ngụy nhào”. Cô y tá lại cười. Thì Mỹ đầy ở đây nè. Anh giật mình pha chút bối rối. Lần đầu trong đời anh thấy Mỹ bằng xương bằng thịt. Một người Mỹ cao lớn hiền hậu. Chính người bác sĩ này đã giành giật linh hồn anh từ thần chết cả tuần nay.

Anh biết nếu giờ này anh còn trong rừng, anh sẽ ra sao? Tụi anh làm gì có thuốc men. Hai chân gãy sẽ ngâm trong nước muối, bị cưa bằng cưa sắt, rồi quăng trong góc rừng. Lúc đó anh tàn phế, đánh đấm được ai. Mà có trốn cũng không xong. Cột sống bất động. Anh ở lại quân y viện gần hai năm. Chuyện là vậy, nhưng nội tuyến báo về cấp trên của anh lại khác. Anh đã chiêu hồi. Tất cả đã chấm hết. Đầu tháng ba năm bảy lăm, bác sĩ Mỹ trong quân y viện về nước. Cuộc chiến sắp kết thúc. Cuối tháng ba, anh về chốn cũ Quảng Tín Tam Kỳ. Chẳng ai nhìn anh, chẳng ai dùng anh, môt kẻ bị oan, cõng trên vai hai chữ chiêu hồi.   

Chuyện của chị. 

Tin anh chiêu hồi chấn động cả làng. Chị không tin. Chị ngơ ngác như người mất hồn. Cấp trên đặt vấn đề trong cuộc hành quân ấy, vì sao người sĩ quan VNCH lại tha bổng chị. Bao nhiêu lần viết kiểm điểm, chị vẫn trả lời không biết vì sao. Nhốt. Thả. Nhốt. Thế là xong. Chị cô đơn ngay giữa đám đông bạn bè chóm xóm. Và chị ra đi… Chịu thôi. Chiến tranh mà…Sau năm bảy lăm, anh và chị kéo nhau về làng cũ. Làng vẫn như xưa, nhưng tình người không còn như xưa. Chẳng biết làm gì, anh chị về con dốc này, dốc Kỳ Mỹ, mở quán mì Quảng.

Nhìn ông xe thồ ăn mì Quảng ngon lành, chị chợt nhớ đến lon đồ hộp năm xưa trong cuộc hành quân. Lần ấy, chị hồi hộp lắm nhưng vẫn giả bộ bình tĩnh. Khi con người biết cái chết sắp xảy ra, ai mà không lăn tăn. Chị biết chắc anh sẽ tung lựu đạn giết ông thiếu úy. Anh lẻ loi, không thể nào kháng lại một trung đội vây quanh làng. Chị sẽ cùng chung số phận. Hai đổi một. Có cần thiết vậy không? Chị không muốn mất anh chút nào. Anh là người đàn ông duy nhất làm chị cười,  ngay cả khi chị không muốn cười. Hạnh phúc là lựa chọn. Mà sao hôm nay sự lựa chọn này quá éo le. Chiến tranh mà…Gặp đối phương phải giết thôi. Nhưng ngay lúc đó, bỗng dưng trong lòng chị có cái gì lên tiếng. Chị cầu mong đụng độ không xảy ra. Thiếu úy ơi, hãy chạy ra sân ngay.

Ông nha nhẩn gắp từng cọng mì. Ăn mà cứ như sợ hết. Sau chiến tranh gặp lại bạn cũ đã mừng, huống gì người một thời ông từng đối đầu. Dường như chị trẻ hơn ngày xưa. Thời bình phải khác chứ. Phúc cho chị trong cuộc hành quân năm xưa. Nếu có bất cứ người lính nào chết, có lẽ mạng chị không còn. Và may cho cả ba người. Mọi cuộc chiến do con người tiến hành và đều lấy lý do vì con người nên dẫu có tàn khốc đến mấy, đôi khi, ta vẫn thấy được “tính người” và có lẽ vì thế nhân loại vẫn còn chút gì đó gọi là may mắn.

Bốn giờ chiều, nắng bớt gắt. Ông còn muốn đạp thêm vài cuốc xe, đành từ giã chị bán mì. Chia tay, ông do dự muốn hỏi, trong buổi trưa hành quân ấy, chị có thực sự báo thức ông không. Nhưng ông nghĩ lại rồi nở nụ cười. Chuyện chị báo động hay không đâu còn quan trọng. Chiến tranh đã qua rồi. Lúc này anh mới tập tễnh chống gậy bước ra từ bếp. Miệng cười hơi xếch một chút, di chứng của lần bị trọng thương năm xưa. Hai người đàn ông từng ở hai chiến tuyến, mười năm sau mới gặp lại. Anh không nói gì nhiều. Một cái xiết tay thật chặt. Kèm một túi mì Quảng to tướng cho các cháu ở nhà.

Trên đường về, ông cảm thấy chiếc xe bỗng nhẹ tênh, có lẽ trong lòng thanh thản hay xe đang xuôi dốc về chốn bình yên…

Chiều trên bờ Đông nước Mỹ. Ông thiếu úy, giờ đã là ông cụ ngoài bảy mươi, ngẫm lại chuyện ngày xưa rồi nhìn lên bàn thờ. Nắng chiều lóa mắt hay tuổi già, ông chỉ thấy một cặp mắt sắc lắm trong khung hình nhìn thẳng vào ông.

 

THÁI BẢO
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tư 20241:03 SA(Xem: 897)
Lời Giới Thiệu: Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam thông báo sẽ tổ chức một cuộc họp tham vấn vào ngày 23/04/2024 tại thành phố Cần Thơ về Dự án Kênh đào Funan Techo. Việt Ecology Foundation xin giới thiệu một bài viết của BS Ngô Thế Vinh về Dự án đang gây nhiều tranh cãi này. Ông là người từ rất sớm gióng lên tiếng chuông cảnh báo về hiểm họa của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong, đã viết nhiều bài khảo luận và là tác giả hai cuốn sách Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng (2000) và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007). Ông cũng được biết tới như một nhà hoạt động môi sinh bền bỉ từ ngót 30 năm nay, với mối quan tâm bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong và ĐBSCL.
21 Tháng Tư 20249:22 SA(Xem: 1006)
Gia đình chúng tôi rất đau buồn & thương tiếc báo tin cùng thân bằng quyến thuộc & bạn hữu: Chồng, Cha, Ông, Em, Anh, Chú, Bác của chúng tôi:Cụ Ông VŨ - NGỰ- CHIÊU / Tiến-Sĩ Sử Học Thế-Giới, Đại Học Madison, WI, Hoa-Kỳ / Tiến-Sĩ Luật Khoa, Đại Học Houston, TX, Hoa-Kỳ / Cử Nhân Giáo Khoa Triết Đông, Đại-Học Văn-Khoa Sài gòn, Việt nam / Cựu Sĩ-Quan Trừ-Bị Thủ-Đức Khóa 16; Cựu Sĩ-Quan Pháo Binh Nhẩy Dù / QLVNCH / Nhà văn NGUYÊN-VŨ / Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN./ Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. / Hưởng thọ 82 tuổi.
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 1125)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
18 Tháng Tư 20244:07 CH(Xem: 1054)
On the evening of December 21, 1946, the Bach Mai radio resumed its operations somewhere in the province of Ha Dong after a day of silence. One of its broadcasts was Ho Chi Minh’s appeal to the Viets for a war of resistance. He reportedly said: The gang of French colonialists is aiming to reconquer our country. The hour is grave. Let us stand up and unify ourselves, regardless of ideologies, ethnicities [or] religions. You should fight by all means at your disposal. You have to fight with your guns, your pickaxes, your shovels [or] your sticks. You have to save the independence and territorial integrity of our country. The final victory will be ours. Long live independent and indivisible Viet Nam. Long live democracy.
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 2922)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 5967)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 6957)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 60450)
R ồi đến cuộc sụp đổ của miền Nam mùa Xuân 1975 và nhiệm kỳ Tổng thống vừa tròn 40 tiếng đồng hồ của Tướng Minh. Lệnh buông súng đầu hàng của Tướng Minh sáng ngày 30/4/1975 khiến nhiều người, vốn chẳng biết nhiều về những diễn biến tại hậu trường sân khấu chính trị, trút mọi trách nhiệm việc “ mất nước ” (sic) lên đầu ông “ hàng Tướng ” này. [Những lời thở than, khóc lóc “ mất nước ” cũng chẳng khác gì việc đồng hoá một chế độ chính trị với “ Tổ Quốc ” trên trình độ hiểu biết chữ Việt!]
22 Tháng Tư 20242:54 CH(Xem: 825)
Tối thứ sáu 23/2/2024, chị Duyên gửi cho tôi link bài thơ “Tạm biệt một căn phòng” [1] của anh Phạm Cao Hoàng ghi gửi anh Trương Vũ./ Căn phòng này / chiếc bàn này / nơi chúng ta đã từng ngồi / nâng ly / chúc mừng một bức tranh vừa hoàn tất / chúc mừng một cuốn sách vừa in xong / chào mừng một người bạn từ phương xa đến /
22 Tháng Tư 20242:24 CH(Xem: 979)
Ngày nào tôi cũng gắng làm cho đặc sắc / Cố hữu chỉ là một chủ xị buồn / Đêm tôi uống với lá / Nghe gió rung cành / Rồi chỉ thấy giọt mù lên mắt tượng / Ngày nào là ngày nào làm sao biết /